VII. Một số cập nhật

Khảo luận của Linh mục Raymond F. Collins, S.T. D., về linh hứng kết thúc như trên. Từ đó đến nay, tất nhiên, có nhiều đóng góp hơn nữa để hiểu ý niệm chủ chốt này. Tuy nhiên, đây không phải là lãnh vực tìm hiểu của chúng ta hiện nay.

Chỉ biết: dường như để đáp ứng khát vọng trên của Đức Hồng Y Martini, năm 2008, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã được triệu tập để bàn về Lời Chúa, trong đó, dĩ nhiên có nói đến linh hứng và sự thật của Thánh Kinh. Từ Thượng Hội Đồng này, ta thấy Đức Bênêđíctô XVI đã ban hành Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng “Verbum Domini” ngày 30 tháng Chín năm 2010. 

Trong khi chờ đợi công bố văn kiện trên, Ủy Ban Thánh Kinh, trực thuộc Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã được chỉ thị nghiên cứu chuyên đề về Linh Hứng và Sự Thật của Thánh Kinh. Ủy Ban tổ chức 5 phiên họp toàn thể liên tiếp trong 5 năm, từ 2009 tới 2013, dành cho chủ đề này, dưới sự chủ tọa của hai chủ tịch kế tiếp nhau là Đức Hồng Y Levada và Đức Hồng Y Muller, nhưng vị tổng thư ký thì vẫn là Cha Stock, Dòng Tên. Ngày 22 tháng 2 năm 2014, văn kiện Linh Hứng và Chân Lý Thánh Kinh của Ủy Ban đã được công bố. 

Nhân phiên họp đầu tiên từ 20 tới 24 tháng Tư, 2009, Đức Bênêđíctô XVI gửi thông điệp cho Ủy Ban, trong đó, sau khi cho biết chủ đề linh hứng và sự thật Thánh Kinh không những liên quan đến thần học mà còn quan liên đến chính Giáo Hội vì đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội nhất thiết dựa vào Lời Chúa, Đức Giáo Hoàng nhắc lại công trình của các vị tiền nhiệm đối với chủ đề từ Đức Leô XIII với Providentissimus Deus, Đức Piô XII với Divino Afflante Spiritu, tới Công đồng Vatican II với Dei Verbum và 3 nguyên tắc: lưu ý tới nội dung và thể thống nhất của “toàn bộ Thánh Kinh”; giải thích trong bối cảnh truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội; lưu ý tới tính loại suy (analogy) của đức tin nghĩa là tính nhất quán của các chân lý cá thể với nhau và với kế hoạch toàn diện của Mặc Khải và sự viên mãn của nhiệm cục Thiên Chúa chứa đựng trong đó.

Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng “Nhiệm vụ các nhà nghiên cứu... là đóng góp một cách phù hợp với ba nguyên tắc trên vào việc hiểu biết và giải thích sâu sắc nhất bao nhiêu có thể ý nghĩa của Sách Thánh. Việc nghiên cứu các bản văn thánh thiêng theo phương diện khoa học là điều quan trọng nhưng tự nó, không đủ vì đó mới chỉ đụng tới các chiều kích con người”. Trong khi các nhà chú giải Công Giáo phải “lưu ý tới việc nhận ra Lời Thiên Chúa trong các bản văn này bên trong đức tin của Giáo Hội”. Nghĩa là phải làm sao để người ta nhận ra “tác giả thực sự” của chúng là Thiên Chúa. 

Nhân dịp này, ngài nhắc lại giáo huấn của Dei Verbum: “Sách Thánh là lời nói của Thiên Chúa như đã được viết xuống dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần” (số 9). 

Với phiên họp toàn thể lần thứ ba năm 2011, ngài nói nhiều hơn về chính sự linh hứng, điều mà ngài cho là “một trong các điểm chính trong tông huấn hậu thượng hội đồng Dei Verbum của tôi... Tôi viết trong văn kiện này rằng ‘một khái niệm chủ chốt để hiểu Sách Thánh như lời Thiên Chúa trong lời lẽ con người chắc chắn là khái niệm linh hứng’”, Đến nỗi, “một giải thích các trước tác thánh mà bỏ qua hay bỏ quên tính linh hứng của chúng là không kể chi đến đặc điểm quan trọng và giá trị nhất của chúng: việc chúng xuất phát từ Thiên Chúa”.

Nhưng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: linh hứng, như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã làm nổi bật, luôn nối kết với sự thật: một cuộc nghiên cứu về linh hứng phải dẫn đến một sự hiểu biết lớn hơn về sự thật chứa trong các sách này. Đây là hai đặc tính cấu tạo nên bản chất Thánh Kinh. Giải thích Thánh Kinh đúng đắn buộc phải giải thích bản chất thánh kinh trong hai đặc tính này.

Tuy nhiên, “để có được một giải thích tốt, ta không thể áp dụng tiêu chuẩn linh hứng cũng như tiêu chuẩn chân lý một cách máy móc được, bằng cách ngoại suy một câu hay một biểu thức đơn nhất. Bối cảnh trong đó ta có thể nhận ra Thánh Kinh như Lời Thiên Chúa là bối cảnh thống nhất lịch sử của Thiên Chúa, trong một tính toàn bộ trong đó các yếu tố cá thể soi sáng và cởi mở lẫn nhau để ta hiểu”.

Công việc của Ủy Ban Thánh Kinh về linh hứng hoàn tất năm 2013 dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô và Đức Hồng Y Muller làm chủ tịch Ủy Ban. Nhưng mãi ngày 22 tháng Hai năm 2014, văn kiện “Ispirazione e verità della Sacra Scrittura” (Linh hứng và Chân lý của Sách Thánh) mới được công bố. 

Tóm lược tài liệu "Linh hứng và Chân lý của Sách Thánh"

Nhân dịp này, Cha Klemens Stock, Dòng Tên, Tổng Thư Ký của Ủy Ban, có viết trên bản tin của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh, bản tóm lược như sau:

Tài liệu được tổ chức thành ba phần: Linh hứng, Sự thật và một số thách thức đối với việc giải thích Thánh Kinh. Khởi điểm của cuộc khảo sát này là giáo huấn của tông hiến tín lý Dei Verbum của Công đồng Vatican II. Tài liệu tìm cách cho thấy cùng những bản văn Thánh Kinh đã làm chứng cho tính linh hứng và sự thật của chúng, đồng thời vẫn coi là cần thiết phải giới hạn cuộc nghiên cứu vào một lựa chọn có tính đại diện đối với các trước tác này.

Vì chỉ có hai đoạn Sách Thánh (2 Tm 3:16; 2 Pr 1: 20-21) minh nhiên nói đến linh hứng thần thiêng, nên câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu là: Những bản văn này nói gì về nguồn gốc thần thiêng của chúng và mối tương quan của các tác giả viết ra chúng với Thiên Chúa? Thí dụ, Cựu Ước chứng thực Môsê và ơn gọi của các tiên tri và sự kiện họ nhận được từ Thiên Chúa giáo huấn mà họ phải truyền đạt, cả bằng miệng lẫn bằng bản văn cho người ta (Xh 24: 4; 34:27; Đnl 31: 9 ). Trong Tân Ước, mối tương quan của các tác giả với Thiên Chúa luôn xảy ra, dù là trực tiếp hay qua trung gian, qua con người của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô khẳng định cuộc gặp gỡ của mình với Chúa Giêsu phục sinh (1 Cr 9: 1; 15: 7) và coi đó là một hồng ân (ân sủng) từ Chúa Cha (Gl 1: 15-16). Tác giả của Tin Mừng thứ tư chứng thực việc mình được chiêm ngưỡng vinh quang của Con Một (Ga 1:14) và tự giới thiệu mình như một nhân chứng tận mắt (Ga 19:35; 21:24), được dạy dỗ và hướng dẫn bởi Thần khí sự thật, Đấng được Chúa Giêsu tôn vinh sai tới (Ga 15:26; 16:13). Tuy nhiên, mối liên hệ của tác giả Tin Mừng Luca và với tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái có tính trung gian. Trước tác đầu dựa vào “các nhân chứng tận mắt và người phục vụ Lời Chúa” (Lc 1: 2); trước tác sau dựa trên các nhân chứng đã nghe lời công bố về Chúa (Dt 2: 3). Các trước tác Thánh Kinh cho thấy bằng nhiều cách mối liên hệ của các tác giả của chúng với Thiên Chúa (Cựu ước) qua Chúa Giêsu (Tân Ước), nhưng chúng không đề cập đến sự trợ giúp thần thiêng đặc thù nào được các tác giả hưởng nhờ trong khi viết (linh hứng theo nghĩa chặt chẽ).

Sự thật nằm ở trung tâm mạc khải Thiên Chúa liên quan đến chính Thiên Chúa và sự cứu rỗi của con người và được mạc khải cách viên mãn trong Chúa Kitô (DV 2, 11). Sách thánh không quan tâm đến bất cứ chủ đề nào mà chỉ quan tâm đến việc truyền đạt sự thật đó. Cách đọc nào tương ứng với cùng đích của Sách Thánh là cách đọc tự tìm trong chính nó sự hiểu biết về Thiên Chúa và về sự cứu rỗi của Người. Sự viên mãn của sự thật này không thể được tìm thấy trong cách đọc có tính hạn chế, chỉ đọc các trước tác đơn lẻ và cô lập, nhưng chỉ được tìm thấy trong cách đọc “qui điển” dưới ánh sáng vốn là con người của Chúa Giêsu. Tài liệu trình bày, qua việc lựa chọn các đoạn văn trong cả hai Giao Ước, sự thật được chúng bày tỏ. Dựa trên Mt 28: 18-20, đỉnh cao của mặc khải về sự thật Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Người có thể được phát biểu như sau: Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa, Đấng là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng là sự viên mãn của hiệp thông sự sống trong chính mình, và là Đấng ban tặng việc tham dự vào hiệp thông sự sống của Người qua ơn cứu rỗi cho nhân loại.

Như một thí dụ, tài liệu xử lý một số đoạn Thánh Kinh có vẻ như có vấn đề từ quan điểm lịch sử, đạo đức hoặc xã hội. Liên quan đến việc liệu có thực sự diễn ra, trong Cựu ước, giao ước với Ápraham (St 15), việc vượt biển (Xh 14), các sách của Tobia và Giôna, và trong Tân ước, các câu chuyện về thời thơ ấu, các phép lạ của Chúa Giêsu và các trình thuật phục sinh, đã được đưa vào xem xét trong tài liệu. Lời thề tận diệt các cư dân trong đất Canaan (xem Đnl 7: 1-2; Gs 6-12), lời cầu xin Chúa báo thù (xem Tv 109) xuất hiện như các thực hành hoàn toàn trái ngược với lời giảng dậy của Chúa Giêsu cũng được xem xét ở đây. Cũng được trình bày như có vấn đề là thiên hướng xã hội (qui định) liên quan đến phụ nữ được mô tả trong một số bản văn Tân Ước (Cl 3:18; Ep 5: 22-23; Tt 2: 5). Muốn xem xét các đoạn Thánh Kinh này, chúng tôi đề nghị các bạn nên đọc chính tài liệu.

Lời nói đầu của Đức Hồng Y Muller cho Tài liệu của Ủy Ban Thánh Kinh

Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu Lời Nói Đầu của Đức Hồng Y Muller viết cho tài liệu “Ispirazione e verità della Sacra Scrittura” (Linh hứng và chân lý của Sách Thánh):

Đời sống Giáo hội dựa trên Lời Chúa. Nó được truyền tải bởi Thánh Kinh, nghĩa là, trong các trước tác của Cựu Ước và Tân Ước. Theo đức tin của Giáo hội, tất cả các trước tác này đều được linh hứng, có Thiên Chúa là tác giả - Thiên Chúa đã sử dụng những con người được Người chọn để soạn tác chúng. Nhờ sự kiện được Thiên Chúa linh hứng, các Sách Thánh truyền đạt sự thật. Giá trị của chúng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo hội được liên kết với việc linh hứng và sự thật của chúng. Những trước tác không phát xuất từ Thiên Chúa không đạt tới trình độ truyền đạt Lời Người, và những trước tác không nói thực không thể đặt nền hoặc làm sinh động sứ mệnh của Giáo hội. Tuy nhiên, sự thật hiện diện trong các bản văn thánh thiêng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Đôi khi, ít nhất cũng một cách biểu kiến, người ta tìm thấy các căng thẳng giữa những gì đọc được trong các trình thuật Thánh Kinh và kết quả của khoa học tự nhiên và lịch sử. Những khoa học này dường như mâu thuẫn với những gì các trình thuật Thánh Kinh quả quyết, và đặt câu hỏi về sự thật. Rõ ràng là tình huống này cũng có những hệ luận đối với vấn đề linh hứng Thánh Kinh: nếu những gì được truyền đạt trong Thánh Kinh là không đúng sự thật, thì làm sao Thiên Chúa có thể là tác giả của nó? Chính từ những câu hỏi này, mà Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh đã nỗ lực tiến hành cuộc nghiên cứu về mối tương quan giữa linh hứng và sự thật, và cập nhật cung cách các trước tác Thánh Kinh xem xét các khái niệm này. Trước tiên, người ta phải lưu ý rằng các trước tác thánh thiêng chỉ họa hiếm mới nói về linh hứng (2 Tm 3:16; 2 Pr 1:20-21), nhưng liên tục cho thấy mối tương quan giữa các tác giả phàm nhân của chúng và Thiên Chúa. Và bằng cách này nói lên nguồn gốc thần thiêng của chúng.

Trong Cựu Ước, mối tương quan kết hợp tác giả phàm nhân với Thiên Chúa và ngược lại, được chứng thực theo nhiều hình thức và cách diễn đạt khác nhau. Trong Tân Ước, mọi mối tương quan với Thiên Chúa đều diễn ra qua trung gian của con người Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa. Người là Lời của Thiên Chúa đã tự làm cho mình trở nên hữu hình (xem Ga 1:14) và là Đấng trung gian của tất cả những gì phát xuất từ Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, người ta gặp nhiều chủ đề rất đa dạng. Tuy nhiên, một việc đọc cẩn thận cho thấy chủ đề chính, chi phối các chủ đề khác, liên quan đến Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người dành cho con người. Sự thật mà chúng ta tìm thấy trong Thánh Kinh, trong yếu tính, là nói về Thiên Chúa và mối tương quan của Người với các tạo vật. Trong Tân Ước, định nghĩa cao nhất về mối tương quan này có thể được tìm thấy trong các lời lẽ của Chúa Giêsu: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14: 6). Là Lời của Thiên Chúa nhập thể (xem Ga 1: 14), Chúa Giêsu Kitô là sự thật hoàn hảo về Thiên Chúa, Người mạc khải Thiên Chúa như Cha và ban cho ta được tiếp cận với Người, nguồn gốc của mọi sự sống. Các định nghĩa khác về Thiên Chúa được tìm thấy trong các trước tác Thánh Kinh có xu hướng hướng về Lời Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân trong Chúa Giêsu Kitô này, Đấng đã trở thành chìa khóa giải thích Lời ấy. 

Sau khi đã bàn tới khái niệm linh hứng theo chứng từ của các sách thánh, mối tương quan giữa Thiên Chúa và các tác giả phàm nhân, và sự thật mà các trước tác này mang đến cho chúng ta, suy tư của Ủy ban Thánh Kinh tập trung vào một số khó khăn đặt ra nhiều vấn nạn từ quan điểm lịch sử, đạo đức hoặc xã hội. Để giải đáp các khó khăn này, điều cần là phải đọc và hiểu đầy đủ các bản văn nêu ra câu hỏi, bằng cách xem xét các kết quả của các khoa học hiện đại, và đồng thời chủ đề chính của các bản văn này, cụ thể là biết Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người. Cách tiếp cận như vậy cho thấy có thể giải đáp các phản biện đang xuất hiện đối với cuộc gặp gỡ sự thật và nguồn gốc thần thiêng và vượt qua chúng. Tài liệu này của Ủy ban Giáo hoàng về Thanh Kinh không cấu thành một tuyên bố chính thức của huấn quyền Giáo hội về chủ đề đang bàn. Nó không có ý định trình bầy một học thuyết hoàn chỉnh về linh hứng và sự thật của Thánh Kinh, mà chỉ đơn giản nhằm truyền đạt các kết quả của một cuộc nghiên cứu chú giải cẩn trọng về các bản văn Thánh Kinh, liên quan đến câu hỏi về nguồn phát xuất thần thiêng của chúng, và sự thật của chúng. Các kết luận giờ đây được đặt dưới sự sử dụng của các môn thần học khác, để được hoàn chỉnh và đào sâu theo quan điểm riêng của họ. Tôi cảm ơn các thành viên của Ủy ban Thánh Kinh vì sự dấn thân đầy kiên nhẫn và có khả năng của họ, bằng cách bày tỏ niềm hy vọng này là công việc của họ sẽ đóng góp vào việc lắng nghe Thánh Kinh, trong toàn Giáo hội, một cách chu đáo, biết ơn và vui mừng hơn, như một Lời phát xuất từ Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa để thế giới được sống.

Ngày 22 tháng 2 năm 2014 Lễ Tòa Thánh Phêrô

Hồng Y GERHARD MÜLLER, Chủ tịch

Đón đọc: Bản dịch Tài Liệu “Linh Hứng và Chân Lý Thánh Kinh: Lời Phát xuất từ Thiên Chúa và Nói về Thiên Chúa vì Sự Cứu Rỗi Thế Giới” của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, công bố ngày 22 tháng Hai năm 2014