Hãy Ghét Bỏ Sự Dữ - Lời Kêu Gọi Từ Thánh Vịnh 58
Chiều kích hiện sinh của đức tin dưới ngòi bút của Søren Kierkegaard
trong cuốn sách Kính Sợ và Run Rẩy
Chuyên
đề: Linh Đạo Nhập Thể Trong Các Thánh Vịnh
Giáo sư hướng dẫn: Sr. Maria Võ Diễm Trinh, FMA.
Học viên
thực hiện
Đaminh Lê Văn Luận, S.J.
Tháng 01
năm 2021
Dẫn nhập
Ghét bỏ là một trong những cảm xúc căn bản của con
người. Như những lời cầu nguyện gần gũi với đời sống thường ngày, thánh vịnh 58
cũng thể hiện cảm xúc ghét bỏ sự dữ của những người công chính. Qua việc tìm
hiểu bản văn, khám phá sứ điệp thần học của thánh vịnh 58, bài viết rút ra
những lời mời gọi thiết thực về thái độ với sự dữ khi sống trong thế giới ngày
nay.
Bản văn và thể văn
Bản văn
Bản dịch
Bài viết sử dụng bản dịch KPB[1] của nhóm Các Giờ
Kinh Phụng Vụ (trừ câu 2, câu 8), những điểm lưu ý liên quan đến bản dịch sẽ
được ghi chú và giải thích ở mục b.
1Phần
nhạc trưởng. “Xin đừng phá đổ”. Của Đa-vít. Khe khẽ.
2Có thật
các ngươi nói điều công chính, hỡi các thần minh (1)? Có thật các ngươi phân xử
công minh, hỡi con cái loài người (2)?
3Còn
trong tim, các ngươi làm những chuyện gian tà, trên cõi đất các ngươi mở đường
cho bạo tàn của tay các ngươi.
4Những kẻ
gian ác đã lạc lối từ dạ mẹ, những kẻ nói điều dối trá đã lầm đường ngay từ
lòng mẹ.
5Nọc của
chúng giống như nọc rắn ; chúng như hổ mang điếc bịt tai
6chẳng
nghe tiếng người dụ rắn, kẻ thạo nghề thôi miên.
7Lạy
Thiên Chúa, xin phá huỷ các răng của chúng trong miệng chúng, xin đập vỡ hàm
của bầy sư tử con, lạy ĐỨC CHÚA.
8 Xin
hãy để chúng trôi đi như nước chảy; xin cho chúng tự tiêu diệt như mũi tên kéo
gập cây cung (3).
9như ốc
sên vừa bò vừa rữa, như thai nhi chết non của người phụ nữ không thấy mặt trời.
10Trước
khi những nồi của các ngươi thông hiểu được gai cháy, dù tươi dù khô, Người sẽ
cuốn chúng đi (4).
11Người
công chính sẽ vui mừng vì thấy việc báo thù ; nó sẽ rửa chân mình trong máu
những kẻ gian ác.
12Con
người sẽ nói : “Quả thật, hoa trái dành cho người công chính ; quả thật, có
Thiên Chúa, Đấng xét xử trên cõi đất.”
Chú
thích về bản dịch
(1) Hỡi các thần minh?: אלם. Thuật ngữ này
có thể được dịch là im lặng (ʾēlem), hoặc thần minh (ʾēlim).[2] Tuy vậy, cách
dịch thần minh được một số bản dịch (ESV, NAS) dùng. Thần
minh trong bối cảnh xét xử (câu 2) gợi nhớ về khung cảnh của Thánh
Vịnh 82. Ở đó, Thiên Chúa trách cứ các thần minh và các thẩm phán trong dân
Israel vì họ đã xét xử bất công.
(2) Có thật các người phân xử công minh, hỡi
con cái loài người?: תְּדַבֵּרוּן בְּנֵי אָדָם
Thuật ngữ con cái loài người אָדָם có
thể được dịch như một túc từ: Có sự ngay thẳng khi các ngươi xét xử con
cái loài người không ? (KPB, NRSV). Tuy vậy, bài viết dịch từ con
cái loài người như một hô ngữ. Cách dịch này vừa mang tính song đối,
vừa thể hiện được phép bao gồm với thuật ngữ các thần minh nói
ở vế đầu tiên của câu 2.
(3) Xin cho chúng tự tiêu diệt như mũi tên kéo
gập cây cung: יִתְמֹלָֽלוּ׃ כְּמ֣וֹ חצו יִדְרֹ֥ךְ
Bản KPA, NET dịch từ mũi tên חִ֜צָּ֗ו
(ketheb) thành từ cây cỏ חָצִיר (chatsir). Tuy vậy, khi đặt
trong bối cảnh của bản văn, bài viết đồng thuận với nhiều bản dịch khác (KPB,
NIV, ESV, KJV, NASB) với việc chọn thuật ngữ mũi tên. Bài viết cũng
chọn từ mũi tên được chia ở số ít חִ֜צָּ֗ו, thay vì ở số nhiều
חִ֝צָּ֗יו. Khi đó, chủ từ của động từ bắn tên יִדְרֹ֥ךְ (darak) sẽ là
chính mũi tên. Một số bản dịch chọn chủ thể bắn tên là Thiên Chúa
(Người) như trong bản KPB. Tuy vậy, khi chủ thể bắn tên là Người, động từ phản
thân tiêu diệt יִתְמֹלָֽלוּ׃ (yiṯ·mō·lā·lū) lại mất ý nghĩa vì
chính Thiên Chúa tiêu diệt những mũi tên của Người.[3]
(4) יבְּטֶ֚רֶם יָבִ֣ינוּ סִירֹֽתֵיכֶ֣ם אָטָ֑ד
כְּמוֹ־חַ֥י כְּמוֹ־חָ֜ר֗וֹן יִשְׂעָרֶֽנּוּ:
Câu 10 là câu khó dịch đối với nhiều tác giả vì dùng những hình ảnh lạ lẫm
(nồi, gai cháy), hay có những điểm ngữ pháp không hoà hợp với nhau (động từ
יָבִ֣ינוּ chia ở giống đực, trong khi danh từ סִּֽירֹתֵיכֶ֣ם là danh từ giống
cái). Thậm chí, tác giả Dahood đã không dịch câu này vì cho rằng không thể dịch
được.[4] Tuy vậy, nhiều bản
dịch thống nhất về hình ảnh bụi gai cháy bị Thiên Chúa cuốn đi. Bài viết chọn
cách dịch trong bản văn KPB, NAS: Trước khi những nồi của các ngươi
thông hiểu được gai cháy, dù tươi dù khô, Người sẽ cuốn chúng đi.
Thể văn
Dựa vào nội dung, thánh vịnh 58 có thể được xếp vào
nhiều thể văn khác nhau: nguyền rủa, khôn ngoan, giáo huấn hoặc ai ca. Đặc
biệt, đây là một trong bốn thánh vịnh (56-58; 75) có tiêu đề “xin đừng phá đổ”.
Loạt thánh vịnh “xin đừng phá đổ” hướng tới tâm tình khẩn cầu Thiên Chúa tiêu
diệt sự dữ để người lành được giải thoát.
Bố cục
Dựa theo tiêu chuẩn về ngôi thứ hai trong cuộc đối
thoại của vịnh gia, trừ câu tiêu đề (c.1), thánh vịnh có thể được chia thành 4
đoạn:
·
Đối thoại với kẻ dữ: ghét bỏ sự dữ là vạch trần (c.
2-3)
·
Đối thoại với thế giới: ghét bỏ sự dữ là tố cáo
(c.4-6)
·
Đối thoại với Thiên Chúa: ghét bỏ sự dữ là xin tru
diệt sự dữ (c. 7-10)
·
Đối thoại với chính mình: ghét bỏ sự dữ là tự động
viên chính mình và hi vọng chiến thắng của Thiên Chúa (11-12)
Sứ điệp thần học
Khái niệm về ghét bỏ trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh, ghét bỏ (שָׂטַם – satam) mang sắc
thái tích cực hay tiêu cực tuỳ theo đối tượng hướng đến của cảm xúc. Ghét mang
nghĩa tiêu cực khi đối tượng bị ghét bỏ là Thiên Chúa và đường lối tốt lành của
Ngài (Tv 139:21; 50:17; 120:6; Cn 1:22; Mk 3:2; 9:13). Cảm xúc này được xem là
xấu xa, bị Thiên Chúa và con người lên án (Ds 35:20; Tv 109:5; Cn 10:12; Tt
3:3; 1 Ga 3:15). Ngược lại, ghét mang nghĩa tích cực khi đối tượng của cảm xúc
là sự dữ, ma quỷ, những hành động xấu và những kẻ thực hiện các hành động ấy
(Tv 26:5; 31:6; 119:104; 119:163; 97:10; Cn 8:13; Am 5:15). Cảm xúc này của con
người phản ánh thái độ ghét bỏ của Thiên Chúa đối với việc thờ đa thần (Is 1:14
; Am 5:21), sự giả dối (Dcr 8:17), lỗi lầm (Is 61:8); ly dị (Ml 2:16), bạo lực
(Ml 2:16), thờ ngẫu tượng (Hs 9:15), hay cách đối xử với các tiên tri (Gr
44:4). Ngoài ra, ghét cũng mang nghĩa so sánh về mức độ cảm xúc của chủ thể đối
với các đối tượng khác nhau: Thiên Chúa yêu Jacob, ghét Esau (Ml 1:3; Rm 9:13);
Ai muốn làm môn đệ Chúa Kitô thì phải ghét cha mẹ mình (Lc 14:26; Mt 10:37).[5] Với những trường hợp
này, hạn từ “ghét” chỉ nhằm chỉ về đối tượng ít được ưu tiên hơn.
Thánh vịnh 58 cũng là một trong những thánh vịnh tiêu
biểu liên quan đến những lời nguyền rủa (3:7; 5:10; 6:10; 7:14-16; 28:4-5;
31:17-18; 37:2, 9-10, 15, 20, 35-36; 40:14-15; 54:5; 55:9, 15, 23; 59:12-13;
63:9-11; 64:7-9; 71:13; 79:6, 12; 139:19-22; 140:9-10). Tâm tình được mời gọi
trong những thánh vịnh nguyền rủa không phải là thái độ căm ghét trả thù hay
xét đoán người khác. Đúng hơn, vịnh gia thể hiện niềm tin về một Thiên Chúa
công bình, nhắc nhở con người về thực tại của sự dữ[6] và hy vọng vào sự
chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ.[7] Thêm nữa, những lời
nguyền rủa nổi bật trong giai đoạn Cựu Ước khi niềm tin về sự sống đời sau chưa
được hình thành cách rõ ràng, cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa Giêsu Kitô
trên sự dữ chưa được thực hiện.[8]
Sứ điệp thần học của bản văn
Cảm xúc nổi bật trong bản văn là cảm xúc ghét bỏ.
Thánh vịnh 58 không có thuật ngữ “ghét”. Tuy vậy, cảm xúc ghét bỏ được thể hiện
rõ qua nhận thức đúng đắn về sự dữ, cũng như những hành động cụ thể nhằm loại
bỏ sự dữ khỏi cuộc đời của mình và của tha nhân.
Đối tượng sự dữ của cảm xúc này là những thần ngoại
(c. 2), là “kẻ gian ác” và “người dối trá” (c. 4). Nếu nhìn cuộc đời như một
chuỗi các tương quan, ta thấy cuộc chiến giữa người lành và kẻ dữ xảy ra liên
tục và rộng khắp các mối tương quan ấy: với chính những người xấu, với thế giới
loài người, với Thiên Chúa, và với bản thân mình. Thực ra, lên án kẻ gian ác là
chủ đề chính yếu của thánh vịnh, được đề cập từ ngay thánh vịnh 1 khi nói đến
hai con đường.
Đối
thoại với kẻ dữ: ghét bỏ sự dữ là vạch trần (c. 2-3)
Thánh vịnh mở đầu bằng cuộc đối đầu giữa (nhóm) tác
giả thánh vịnh với những kẻ xấu. Hình ảnh này mở ra một cuộc chiến giữa người
lành và kẻ dữ; nơi đó, vịnh gia vạch trần bản chất của những kẻ xấu.
Kẻ xấu tự coi mình là công chính trong lời nói và ngay
thẳng trong việc xét xử (c. 2). Tuy vậy, cách đặt câu hỏi tu từ trong câu 2 phủ
định và vạch trần thái độ giả hình của họ. Lối dùng hô ngữ (hỡi các vị thần!,
hỡi con cái loài người!) cho thấy được thái độ mỉa mai khinh ghét đối với những
kẻ xấu. Theo Terrien, thần minh là lối nói ẩn dụ dùng cho những người lãnh đạo
hay các thẩm phán được tuyển chọn không thực hiện đúng nhiệm vụ xét xử của
mình.[9]
Câu 3 tiếp tục khẳng định bản chất của người xấu qua
việc chỉ ra hành động gian tà và bạo tàn của họ được thực hiện từ trong ra
ngoài: từ nơi sâu thẳm của con tim đến hành động cổ võ sự xấu trên mặt đất.
Việc dùng phép bao gồm đối nghĩa (trong tim và trên mặt đất), và đồng nghĩa
(làm việc gian tà, mở đường cho bạo lực); cùng với 2 câu văn biền ngẫu song đối
cho thấy được nét tăng tiến của sự xấu xa mà họ thi hành.
Đối
thoại với thế giới: ghét bỏ sự dữ là tố cáo (c. 4-6)
Sau cuộc đối thoại trực tiếp với những kẻ xấu ở đoạn
đầu tiên (c. 2-3), đoạn này (c. 4-6) tố cáo sự dữ cho mọi người được biết. Sự
dữ được chuyển thành ngôi thứ ba số nhiều (chúng).
Câu 4 dùng lối nói thậm xưng về thời điểm lầm đường
lạc lối của người xấu (từ khi còn trong lòng mẹ). Họ bị đồng hoá với chính hành
vi xấu (những kẻ gian ác, những người nói điều dối trá). Trong khi đó, thánh
vịnh thường diễn tả người công chính là những người nhận biết sự hiện diện của
Chúa ngay từ trong lòng mẹ (Tv 22:10).
Về tính chất và mức độ nguy hiểm của sự dữ, người xấu
được so sánh như loài rắn độc điếc lác và bịt tai lại với những tác động bên
ngoài (c. 5), ngay cả đối với những người dụ rắn thạo nghề nhất (c. 6). Khép
kín nơi chính mình là một trong những tội nặng nhất vì không để cho ánh sáng
của Thiên Chúa đi vào đời mình. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nói đến tội phạm đến
Chúa Thánh Thần là tội không được tha (Mc 3:28-29). Tội này được hiểu như là
việc tội nhân khép mình lại, từ chối mở ra với ơn tha thứ và ơn hoán cải của
Thiên Chúa.[10]
Như vậy, bên cạnh phép so sánh thậm xưng, thái độ ghét
bỏ trong đoạn này đặc trưng bởi việc lên tiếng tố cáo sự dữ. Cuộc chiến với sự
dữ được mở rộng khi càng có nhiều người nhận biết về bản chất của chúng. Tố cáo
gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại sự dữ.
Đối
thoại với Thiên Chúa: ghét bỏ sự dữ là xin tru diệt sự dữ (c. 7-10)
Sau khi tố cáo sự dữ với thế giới, vịnh gia hướng lên
Thiên Chúa để cầu xin Ngài tru diệt. Ở đây, 7 lời tru diệt[11] được liệt kê chỉ
trong 4 câu thánh vịnh (c. 7-10): phá vỡ răng, bẻ hàm, trôi đi như nước, tự
tiêu diệt, ốc sên thối rữa, thai nhi chết non, thổi bay củi lửa chưa kịp bén
nồi.
Nhiều hình ảnh quen thuộc nói về kẻ thù xuất hiện lại
trong đoạn này. Kẻ thù như sư tử nuốt trửng con cái loài người, răng của chúng
là giáo và mũi tên, lưỡi của chúng là gươm sắc bén (Tv 57:5; 3:8; 35:17). Vịnh
gia cầu xin Thiên Chúa tiêu diệt hàm răng và mũi tên là vũ khí của kẻ thù (c.
7-8). Hình ảnh thai nhi chết non (c. 9) nói đến một sự vô phúc gắn liền với số
phận ác nhân (Gv 6:3). Các động từ được dùng trong đoạn này mang sắc thái ghét bỏ
rất mạnh: phá huỷ, đập vỡ, cuốn trôi, tiêu diệt, thối rữa, chết không thấy mặt
trời, thổi bay đi.
Câu 10 xuất hiện sự thay đổi chủ thể của ngôi thứ hai
trong đoạn đối thoại (từ Thiên Chúa sang kẻ dữ).[12] Cuộc đối thoại với
kẻ dữ quay trở lại tạo nên một cấu trúc bao gồm (c. 2 – c. 10). Sau khi vạch
trần bản chất của kẻ dữ, tố cáo chúng với mọi người, cầu xin Thiên Chúa đánh
phạt; lần này, vịnh gia trực tiếp nguyền rủa kẻ dữ. Đặt trong mối tương quan so
sánh với các lời cầu xin tru diệt, mức độ nguyền rủa trong lần đối đầu trực
tiếp này giảm đi. Dường như có sự tách biệt giữa người xấu (nồi của ngươi) và
những động cơ thúc đẩy bên dưới (cây gai cháy). Tác giả cầu xin Thiên Chúa cuốn
đi năng lượng tiêu cực trước khi chúng bén lửa vào “nồi” của kẻ ác.
Đối
thoại với chính mình: ghét bỏ sự dữ là tự động viên và hi vọng vào chiến thắng
của Thiên Chúa (c. 11-12)
Sau cuộc chiến với chính kẻ dữ, đoạn kết thể hiện niềm
hy vọng về việc Thiên Chúa sẽ chiến thắng và xét xử kẻ dữ. Đây cũng là lời động
viên lẫn nhau của những người công chính. Người công chính sẽ vui mừng, họ sẽ
thu lượm được hoa trái trong cuộc chiến đấu với ác nhân. Hình ảnh báo thù và
rửa chân trong máu (c. 11) thể thiện sự chiến thắng của Thiên Chúa trước kẻ thù
(Dnl 32:42; Is 63:1-6; Kh 14:19-20; 19:13-14). Hình ảnh này được dùng như biểu
tượng của chiến thắng hơn là thái độ bạo lực khát máu.[13]
Thực ra, cuộc chiến giữa người lành kẻ dữ là một cuộc
chiến liên tục chưa đến hồi kết. Dù tác giả thể hiện sự ghét bỏ gay gắt đối với
sự dữ, nhưng kết cục của cuộc chiến chưa được tỏ lộ. Động từ chỉ về sự chiến
thắng (vui mừng, rửa chân) được chia ở thì tương lai. Tuy vậy, niềm tin vào sự
chiến thắng được thể hiện cách rõ ràng trong sự quyết tâm, lời cầu nguyện và sự
tự tin của người công chính khi đối mặt với kẻ dữ.
Cuối cùng, chiến đấu loại bỏ sự dữ chính là sống tâm
tình cầu nguyện cho sự vững bền của vương quốc Thiên Chúa. Toàn bộ thánh vịnh
này nằm trong bộ 4 thánh vịnh “xin đừng phá đổ” (57, 58, 59, và 75). Trong bộ
thánh vịnh này, Thiên Chúa như vị thẩm phán công minh trừng phạt kẻ dữ và ân
thưởng người lành. Lời cầu xin tiêu diệt sự dữ chính là lời cầu xin Thiên Chúa
bảo vệ, cứu người lành khỏi tay sự dữ.[14]
Lời mời gọi sống
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Một
người có thể phạm tội không chỉ vì lòng tham và nỗi khát khao quyền lực; nhưng
cũng vì sự sợ hãi, do dự, và nhát đảm trước sức mạnh của quyền lực.”[15] Thánh vịnh 58 nhắc
nhở người Kitô hữu về thái độ cần có đối với sự dữ khi sống trong xã hội ngày
nay: vừa kiên trì đấu tranh loại bỏ sự dữ; vừa khiêm tốn đặt niềm hy vọng vào
chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa. Thêm nữa, theo kinh nghiệm của thánh
Inhã, thái độ này cũng rất quan trọng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng nơi nội
tâm con người.
Kiên trì đấu tranh với sự dữ
Ghét bỏ sự dữ là vạch trần, tố cáo bản chất xấu xa của
sự dữ. Tâm tình này của thánh vịnh cho thấy thái độ dấn thân của một người
thuộc về Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa luôn đi liền với việc chán ghét điều
dữ. Ngôi Lời đến thế gian đem ánh sáng chiếu soi vào bóng tối (Ga 1:5). Ai
thuộc về ánh sáng cũng sẽ loại trừ bóng tối ra khỏi mình. Kitô hữu không thể
sống thái độ thoả hiệp khi chỉ chăm chăm thực thi tình yêu thương mà không ý
thức được sức mạnh đen tối của sự dữ. Đặc biệt, trong khía cạnh hiệp thông và
liên đới khi tội đang ăn sâu vào cơ cấu xã hội, đấu tranh chống lại sự dữ còn
là trách nhiệm cần có đối với tha nhân. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương của điều
này khi Ngài sẵn sàng phê phán những người Pharisêu và những nhà lãnh đạo tôn
giáo vì thái độ nệ luật mà thiếu đức công bình với tha nhân (Mt 23:23). Cùng
với việc giảng dạy đạo lý, Chúa Giêsu cũng sửa dạy các môn đệ (Mc 8:33), khử
trừ ma quỷ (Mt 4:24), và lên tiếng trước sai lầm của các nhà lãnh đạo Do Thái
(Mt 23:13-15). Cho dù có thể bị người khác ghét bỏ và làm hại vì lên tiếng
trước sự dữ (Mc 3:6), Chúa Giêsu vẫn không chọn thái độ im lặng.
Cầu nguyện và tin tưởng vào Thiên Chúa
Tâm tình ghét bỏ trong thánh vịnh 58 mang thêm ý nghĩa
đặc biệt nhờ tâm tình nguyện cầu và phó thác nơi Thiên Chúa. Đứng trước cuộc
chiến cam go với sự dữ, vịnh gia khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa. Thực ra,
cuộc chiến với sự dữ cũng là cuộc chiến của chính Thiên Chúa. Vì yêu thương
loài người và để cứu con người, Chúa Giêsu đến thế gian để chiến thắng tội lỗi,
cao điểm qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Ấy vậy, việc khẩn cầu Thiên
Chúa không chỉ như một trợ lực, nhưng còn là yếu tố quyết định để con người
chiến thắng được sự dữ nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.
Thêm nữa, trong cuộc lữ hành trần thế, cuộc chiến của
con người chưa đến hồi kết vì sự dữ vẫn đang tồn tại và gây nhiều hậu quả. Việc
tin tưởng nơi Thiên Chúa giúp con người thêm hy vọng trong cuộc chiến đấu liên
lỉ với tội của mình và với những bất công trong xã hội. Tuy phải trả giá cho
chính cuộc chiến đấu này, con người tìm được ý nghĩa khi thông phần với đau khổ
của Đức Kitô trong đường thập giá. Chính Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện với Chúa
Cha để các môn đệ của mình dù sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Ngài không cất họ khỏi thế gian nhưng gìn giữ để họ không thuộc về ác thần (Ga
17:15). Trong cuộc chiến với sự dữ, con người hoàn toàn không đơn độc và được
đảm bảo chắc chắn phần chiến thắng.
Cẩn trọng với chiến thuật của kẻ dữ: chỉ dẫn của thánh Inhã
Trong bộ nguyên tắc về nhận định trong sách Linh Thao,
thánh Inhã lưu tâm đến chiến thuật kẻ dữ khi chúng cám dỗ linh hồn con người. Theo
thánh Inhã, kẻ dữ hành xử như “người phụ nữ đang trong cơn giận dữ. Chúng sẽ
yếu nhược, nản chí và bỏ chạy khi thao viên thẳng tay chống trả cám dỗ bằng
cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu thao viên bắt đầu sợ hãi và nhụt
chí, thì không một thú vật nào trên mặt đất này hung dữ cho bẳng kẻ thù của bản
tính loài người khi theo đuổi ý định xấu xa và vô cùng hiểm ác của nó”[16]. Bên cạnh đó, kẻ dữ cũng
hành xử như gã si tình phù phiếm, muốn giữ bí mật để khỏi bị phát hiện. “Khi
đưa những sự xảo trá và xúi giục vào linh hồn công chính, kẻ dữ mong muốn điều
đó được tiếp nhận và giữ bí mật. Nhưng khi linh hồn kể ra với cha giải tội ngay
lành hay một người đạo đức thuần thiêng, thì nó bất mãn vì ác tâm của nó bị bại
lộ, ý định lừa đảo bị phanh phui”[17]. Như vậy, trong cuộc
chiến thiêng liêng nơi nội tâm, kiên trì đấu tranh và mạnh mẽ lên tiếng vạch
trần sự dữ như tinh thần của thánh vịnh 58 cũng là yếu tố quan trọng và mang
lại hiệu quả.
Kết luận
Trong thánh vịnh 58, cuộc chiến với sự dữ là một cuộc
chiến liên lỉ và rộng khắp. Thánh vịnh mời gọi mỗi người ghét bỏ sự dữ ngang
qua việc vạch trần và tố cáo bản chất của sự dữ. Đặc biệt, việc tựa nương vào
Thiên Chúa là yếu tố quyết định giúp con người đi đến chiến thắng trong cuộc
chiến cam go ấy. Cuộc chiến còn kéo dài mãi đến mọi thời khi con người đang
phải đối diện với nhiều bóng tối của sự dữ trên cả đời sống cá nhân lẫn đời
sống xã hội. Sứ điệp của thánh vịnh 58 tiếp tục giúp con người ngày nay vừa
kiên trì đấu tranh với sự dữ, vừa khấp khởi hy vọng vào chiến thắng chung cuộc
của Thiên Chúa khi họ liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Kitô – Đấng đã chiến
đấu và chiến thắng sự dữ nhờ một lòng tuân theo đường lối của Thiên Chúa.
Danh Mục Tham Khảo
Ánh, Hoàng Đắc, và Nhân, Trần Phúc. Như Hương
Trầm. Sài Gòn: Tủ Sách Đại Kết, 1997.
Dahood, Mitchell Joseph. “Psalm 58.” In Psalms
II: 51-100, vol. 2 (Anchor Bible 16), edited by Michell Joseph
Dahood, 56-64. Garden City: Double Day and Company, Inc., 1968.
Inhã. Linh Thao. Dịch bởi Lê Quang
Chủng. Thủ Đức: Tập Viện Thánh Tâm, 2016. Lưu hành nội bộ.
John Paul II. Dominum et Vivificantem (1986).
Accessed January 1, 2021. http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_18051986_dominum-et-vivificantem.html.
John Paul II. Solicitudo Rei Socialis (“On
Social Concern”) (1987). Accessed January 3, 2021. http://www.cctwincities.org/wp-content/uploads/2015/11/Solicitudo-Rei-Socialis.pdf
Labadorf, Nathaniel Paul. Psalm 58: A
Commentary. Greenville: South Carolina, 2019.
Lộc, Nguyễn Văn. Đức Kitô: Người Hát Thánh
Vịnh Đáng Kính Phục. Sài Gòn: Antôn – Đuốc Sáng, 2010.
Mccann, J. Clinton. “Psalm 58.” In 1 & 2
Maccabees, Job, Psalms (The New Interpreter’s Bible, vol.
IV). Nashville: Abindon Press, 1996.
Orr, James. “Entry for ‘HATE; HATRED”. In International
Standard Bible Encyclopedia, edited by James Orr, General editor. 1915.
Accessed January 3, 2021. https://www.biblestudytools.com/encyclopedias/isbe/hate-hatred.html
Terrien, Samuel. The Psalms: Strophic
Structure and Theological Commentary. Grand Rapids, Michigan: Eerdmans,
2003.
VanGemeren, Willem A. “Psalm 58”. in Psalms
(The Expositor’s Bible Commentary, vol. 5), edited by Tremper Longman
III, and David E. Garland. Michigan: Zondervan, 2008, Epub.
“Thánh Vịnh 58”. Trong Kinh Thánh Trọn Bộ, Ấn
bản 2021. Dịch và chú thích bởi Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
(CGKPV). Truy cập 1.1.2021. https://ktcgkpv.org/bible?version=2
[1] CGKPV, “Thánh Vịnh
58”. Truy cập 1.1.2021. https://ktcgkpv.org/bible?version=2
[2] Samuel
Terrien, The Psalms, 440.
[3] Nathaniel Paul
Labadorf, Psalm 58, 6-8.
[4] Mitchell Joseph
Dahood, “Psalm 58”, 56.
[5] James Orr, “Entry
for ‘HATE; HATRED”.
[6] Nguyễn Văn
Lộc, Đức Kitô Người Hát Thánh Vịnh Đáng Kính Phục, 125.
[7] Willem A.
VanGemeren, “Psalm 58”, Epub.
[8] Hoàng Đắc Ánh, và
Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, 157-158.
[9] Samuel
Terrien, The Psalms, 440.
[10] X. John Paul
II, Dominum et Vivificantem (1986), no. 46-48.
[11] CGKPV, Kinh
Thánh, 1181. Cấu trúc 7 lời tru diệt cũng được tìm thấy nơi một số Thánh
Vịnh 59:12b-14; 69:23-29; 109:6-20.
[12] Dahood xem sự
chuyển đổi ngôi vị cách đột ngột này là cách hành văn thường thấy của vùng Tây
Bắc Do Thái trong các áng văn nguyền rủa. Thật ra, việc chuyển đổi ngôi thứ ba
từ số ít sang số nhiều (c. 8-9); và ngược lại, chuyển đổi từ ngôi thứ ba sang
ngôi thứ hai (c. 10) cho thấy được phạm vi của đối tượng bị nguyền rủa: ghét bỏ
từ cái phổ quát đến cái cụ thể của kẻ xấu. Sự chuyển đổi ngôi vị và số lượng
của đại từ có thể tìm thấy ở nhiều thánh vịnh khác: Tv 2:8; 7:2-3; 17:11-12;
35:7-8. X. Mitchell Dahooh, “Psalm 58”, 62-63.
[13] Willem A.
VanGemeren, “Psalm 58”, Epub.
[14] J. Clinton Mccann,
“Psalm 58”, 909.
[15] Pope John Paul
II, Solicitudo Rei Socialis (“On Social Concern”) (1987), no.
47.
[16] Inhã, Linh
Thao, số 325.
[17] Inhã, Linh
Thao, số 326.
https://sjjs.edu.vn/hay-ghet-bo-su-du-loi-keu-goi-tu-thanh-vinh-58/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét