Margaret Rumer Godden OBE (10/12/1907 – 8/11/1998) là một tác giả người Anh của hơn 60 cuốn sách vừa hư cấu vừa không hư cấu. Chín công trình của bà đã được biến thành phim, nổi tiếng nhất là Black Narcissus năm 1947 và The River năm 1951. Trong cuốn “The Book of Christmas” do Reader’s Digest xuất bản năm 1973, có bài “The History of Christmas” của bà. Chúng tôi xin chuyển ngữ sang tiếng Việt:



Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa... ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Gioan 1:1,4)

Nơi các Kitô hữu tiên khởi, có thói quen mỗi lần đèn gia đình được đốt lên, mọi người dâng lời ca ngợi, “Ngợi khen Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng thiên đàng”.

Việc giữ ngày Sabát của người Do Thái bắt đầu với nghi thức đốt nến bởi bà chủ nhà, nhắc mọi người nhớ rằng ánh sáng là một trong những hành vi tạo dựng đầu tiên. Ngày Sabát kết thúc với người cha đọc một lời cầu nguyện, bàn tay ông hướng về cây nến đang cháy sáng, hướng về ánh sáng, như thể mong đợi nó.

Tuy nhiên, khi ánh sáng của Lễ Giáng Sinh đầu tiên xuất hiện, vinh quang của nó chiếu rọi không phải trên Israel, như người Do Thái mong đợi, mà là chung quanh các công nhân đơn giản đang canh đêm, lúc phần lớn người ta đang say ngủ. Nó dẫn họ, những kẻ tò mò như tất cả mọi người đơn giản vẫn tò mò, để chính mắt họ thấy liệu những lời ngoại thường mấy phút trước được nói với họ có đúng hay không.

Các người chăn chiên có thể đã mang theo các cây đèn của họ và nâng cao chúng lên để nhìn cho rõ “dấu chỉ”, một bé thơ, mới sinh quấn trong tã thô, nằm ở chỗ người ta không mong các bé thơ được mong chờ từ lâu nằm ở đó, trong một máng cỏ. Nhưng đó chính là Con Trẻ mà Dacaria, tư tế Đền Thờ, từng ca hát về:

Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối... dẫn ta bước vào đường nẻo bình an

Ánh sáng luôn là biểu tượng của điều thiện, của kiến thức và hiểu biết, bóng tối là biểu tượng của ngu dốt và điều ác; nhưng còn vầng đông? Từ điển nói nó nghĩa là lúc bắt đầu một ngày, hay một kỷ nguyên và nó là một chữ gần như đã gián đoạn, nay chỉ còn được dùng theo nghĩa bóng. Ấy thế nhưng thế giới rối rắm hiện nay cần vầng đông xiết bao: một điều tươi mát, hoàn toàn tinh trong và không bị vấy bẩn.

Không có gì tự nhiên và tốt hơn hành vi yêu thương nếu nó không bị hạ giá. Ấy thế nhưng, luôn có một điều khác, không tự nhiên, một lý tưởng vốn ám ảnh tâm trí của hầu như mọi nền văn minh trên trái đất – lý tưởng sinh hạ mầu nhiệm hay đồng trinh.

Trong thiên nhiên, vẫn luôn có những “biểu kiến” không thể giải thích được: từ lâu, người ta vẫn tin rằng loài ong tự đẻ ra con. Thi hào Virgil là người tin như vậy:

Bạn nên hết sức ngạc nhiên trước thói quen,
đặc biệt của loài ong,
Chúng không giao hợp
Thân xác chúng không bao giờ
sa vào lưới tình, cũng như chịu đau đớn
khi sinh nở.
Nhưng tự chúng, từ lá cây
và rơm rạ thơm tho, chúng thu lượm
Con cái chúng trong miệng chúng, duy trì
mãi nòi giống,
Và sinh suất, tái lập mái ấm
và lãnh địa sáp ong...”


Đó là lý do loài ong là biểu tượng của tinh trong và độc lập. Còn nhiều điển hình tự sinh nơi côn trùng, cây cối, loài cá. Nhưng một người đàn bà sinh con kiểu đó thì sao? Không thể có, nhưng lý tưởng này vẫn cứ còn đó.

Người Incas tin rằng sau khi mặt trời tạo ra trái đất, các tia sáng của nó chiếu rọi trên một người đàn bà tử sinh và nàng sinh ra một con trai mang bản chất thần linh.

Người ta nghĩ rằng Phục Hi, vị hoàng đế dã sử của Trung Hoa, vốn là con một trinh nữ, người đã ăn một bông hoa, trong khi trong anh hùng ca Kalevala của Phần Lan, trinh nữ Ilmatar mang thai do ngọn gió đông; và cũng chính ngọn gió, lần này là gió tây, đã làm Wenonah, thục nữ vương giả của bộ lạc Da Đỏ Algonquin mang thai; nàng sinh một con trai, Michabo, được thế giới biết đến như là Hiawatha của Longfellow.

Tất cả những trường hợp trên là mang thai do thiên nhiên, nhưng một thục nữ Mayan, tên Chimalmat, được Chúa của Hiện Hữu thổi hơi vào và nàng thụ thai. Đây là câu truyện gần nhất với việc rợp bóng trên Trinh Nữ Maria của Chúa Thánh Thần.

Điều nghịch thường là các nhà văn và nghệ sĩ Kitô giáo thường cố gắng giải thích lý tưởng siêu nhiên này bằng các thuật ngữ thể lý, đôi khi nực cười một cách dịu dàng. “Thiên Chúa nói qua Thiên Thần và Trinh Nữ thụ thai qua lỗ tai”, một trong các tiến sĩ tiên khởi viết như thế, và có cả một bức tranh vẽ Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu dồn các tia sáng từ mỏ vào lỗ tai Đức Maria; một bức tranh khác cho thấy chim bồ câu đi vào cạnh sườn ngài, giống dã sử kể Phật đã vào bụng mẹ như thế nhưng dưới hình dạng một con bạch tượng! Ý niệm là Chúa Kitô không biến hóa từ một trứng trong bụng mẹ, nhưng vào đó đã trọn vẹn, một người nhỏ xíu chỉ cần dần dần lớn hơn về kích thước.

Những niềm tin Kitô trên cũng kỳ khôi và ngây thơ như bất cứ niềm tin nào đã có trước, ấy thế nhưng có sự khác biệt. Khi các nền văn minh cổ biến mất, phần lớn các câu truyện, và các thần minh, của chúng cũng phai lạt trở thành dã sử. Nhưng ở Palestine, ở Israel, trong thiên niên kỷ trước Chúa Kitô, lý tưởng sinh hạ đồng trinh vẫn tồn tại và phát triển, dù một cách khá khác, không phải như việc kể lại một điều đã xẩy ra, mà như một tiên đoán. Như thể một ý nghĩ tình cờ xuất hiện trong tâm trí khắp thế giới nay đến và tập trung tại mảnh đất tí hon từng đã biết, và sẽ biết, rất nhiều đau khổ và tranh chấp này.

Người ta luôn ngỡ ngàng khi thấy Đất Thánh nhỏ bé xiết bao. Nó còn nhỏ hơn nữa vào thời Chúa Kitô sinh ra, một trăm năm mươi dặm từ đầu đến cuối, chín mươi dặm bề ngang ở phía nam, chỉ hai mươi hai dặm ở phía bắc, quê hương của một “dân tộc”, nếu người ta có thể gọi họ như thế, không quan trọng. Ấy thế nhưng không dân tộc nào, không quốc gia nào đã tác động lên lịch sử của thế giới bằng người Do Thái.

Họ tự gọi họ là “dân được tuyển chọn” vì, họ nói thế, lời hứa của Thiên Chúa chỉ được ngỏ với họ. Thiên Chúa đã làm một giao ước với Nôê và dựng một cầu vồng ở trên trời để niêm ấn cho nó; một giao ước khác với Ápraham và rồi một giao ước khác nữa với dân tộc Israel qua Môsê. Như thể Thiên Chúa dọn đường qua niềm tin và sự vâng lời của Dân Người: Tân Ước không thể có nếu không có Cựu Ước.

Khi Ápraham được kêu gọi, ông từ bỏ đất đai của mình, có lẽ chúng tọa lạc tại Haran, và, cùng với vợ không sinh nở là Sara, thân nhân của ông, tôi tớ, đoàn gia súc và chiên cừu để đi đến Canaan như lời Thiên Chúa truyền dạy. Đó là hành vi tin đầu tiên của Ápraham và phần thưởng cho niềm tin này là Sara sinh cho ông một con trai; Ápraham lúc đó 100 tuổi còn Sara thì chín mươi mốt!

Từ thời Ápraham và Sara, người Do Thái là người “được Thiên Chúa hướng dẫn”. Giacóp, được gọi là Israel, Cháu Ápraham, được lệnh đem dân của ông qua Ai Cập; Môsê, được lệnh đem họ trở về trong biến cố Xuất Hành vào khoảng năm 1250 TCN. Đất hứa lúc đó được phân chia giữa 12 chi tộc, nhưng khoảng ba trăm năm sau, Thiên Chúa biến nó thành một vương quốc được đại vương Đavít cai trị, và nó càng trở nên thịnh vượng hơn dưới triều con trai Đavít là Salômông. Nhưng sau khi Salômông băng hà, trước là người Assyria, sau là người Babylon đã chiếm lãnh thổ của họ và hàng nghìn người Do Thái bị đầy qua phía Đông. Niềm ai oán trước cuộc lưu đầy kéo dài này được truyền tụng tới ta trong một Thánh vịnh [137] thời danh:



Bờ sông Babylon,
ta ra ngồi nức nở
mà tưởng nhớ Xi-on;
trên những cành dương liễu,
ta tạm gác cây đàn.
Bọn lính canh đòi ta hát xướng...
làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người?


Cả sau khi người Do Thái được phép hồi hương, lãnh thổ vẫn vị chiếm đóng và tái chiếm đóng, và nó trở thành một tỉnh của Đế quốc La Mã khoảng 70 năm trước khi Chúa Kitô sinh ra.

Trong nhiều thế hệ, người Do Thái mong chờ Đấng Mêxia, Đấng được chờ mong đem lại ý nghĩa cho lịch sử lang thang và cố gắng lâu dài của họ. Thoạt đầu, có lẽ họ hình dung Người như một vị vua trần thế, một Đavít khác, Đấng sẽ giải thoát họ; thế nhưng với thời gian trôi qua, một ý niệm vĩ đại hơn đã xuất hiện. Giáo Hội Kitô giáo luôn nhìn nơi Đấng Mêxia Do Thái một hình ảnh, thoạt đầu mờ nhạt, của Đấng Kitô, Đấng không đến để tái lập vương quốc Israel nhưng để tạo ra một Israel mới, một dân Thiên Chúa không có biên giới quốc gia hay chủng tộc. Thiên Chúa hứa Đấng Mêxia qua những con người được Người kêu gọi trở nên các tiên tri của Người.

Thuật ngữ “tiên tri” gợi lên hình ảnh những ông già tóc dài, những tạo vật với bộ râu trắng không mấy thoải mái báo trước đau buồn và trừng phạt. Họ quả có kêu gọi sự ăn năn, một chủ đề luôn không được lòng dân, nhưng họ đâu có già; phần lớn khá trẻ và nồng nhiệt, với các ý tưởng đầy tính cách mạng giống như bất cứ người cấp tiến trẻ nào khác ngày nay. Amos (760 TCN) là một người chăn chiên, người dạy rằng Thiên Chúa của Israel không phải là độc quyền của Israel. Nhiều năm sau, Mikha cả gan lên án các nông gia giầu có vì đã ăn cướp người nghèo. Về Đấng Mêxia, Đanien viết:

Trong những thị kiến ban đêm,
tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người
đang ngự giá mây trời mà đến (7:13)


Isaia là tiên tri minh nhiên hơn hết. Ông là một chính khách của Giêrusalem, một cố vấn hoàng gia cho ba hay bốn triều vua, thậm chí có thể còn thuộc vương gia nữa; ông cũng là một thi sĩ có thiên tài, đến nỗi trong Cựu Ước, sách của ông nổi bật về tính tươi mát và sáng chói. Dù có than thở ai oán, ông cũng đầy đức tin và hy vọng:

Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi (9:1)




Luôn vẫn là ánh sáng ấy.

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta.
Người gánh vác quyền bính trên vai,
danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình (9:5)


Còn gì rõ hơn thế? Ấy thế nhưng nó dẫn đến việc rất nhiều người không thấy Người khi Người đến. Suốt trong lịch sử, xem ra dường như người được chọn, người có thiên phú vĩ đại, thực hiện những việc vĩ đại, ảnh hưởng nhiều thời đại, là người không ai nghĩ đến: không phải là chọn lựa hữu lý, nhưng là người trẻ nhất hơn là già nhất, yếu chứ không mạnh, vô học hơn là có học, thường là người tệ chứ không tốt, người hoài nghi chứ không phải người tin.

“Người Cố Vấn”, “Dũng mãnh”, “Cha muôn thuở”, “Thủ lãnh”: Người Do Thái quen thuộc với đường lối khó đoán của Thiên Chúa đến thế, làm thế nào họ có thể nghĩ rằng một sự vĩ đại như thế lại có thể sinh ra từ một thiếu nữ vô danh của một thị trấn nhỏ như Maria thành Nadarét cho được?

Còn tiếp