Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 12.
Chúa Nhật 11 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng cũng gọi là Chúa Nhật Hồng.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Đang ngồi tù, ông Gio an nghe biết những việc Đức Ki tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Họ đi rồi, Đức Giê su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”
Anh chị em thân mến, Chúa Nhật hồng phúc!
Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng này nói với chúng ta về Gioan Tẩy Giả, khi đang ở trong ngục, ngài sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:4). Thật vậy, khi nghe nói về các công việc của Chúa Giêsu, Gioan đã nghi ngờ không biết Ngài có thực sự là Đấng Mêsia hay không. Trên thực tế, ngài tưởng tượng về một Đấng Mêsia nghiêm khắc sẽ đến và thi hành công lý bằng quyền năng, bằng cách trừng phạt những kẻ tội lỗi. Giờ đây, ngược lại, Chúa Giêsu có những lời nói và cử chỉ đầy lòng trắc ẩn đối với mọi người; trung tâm hành động của Ngài là lòng thương xót tha thứ, nhờ đó “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe tin mừng” ( câu 6). Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét kỹ hơn cuộc khủng hoảng này của Gioan Tẩy Giả, vì nó cũng có thể tiết lộ cho chúng ta biết một điều quan trọng.
Bản văn nhấn mạnh rằng Gioan đang ở trong tù, và điều này, cùng với tình cảnh của một nơi chốn thực tế, khiến chúng ta liên tưởng đến hoàn cảnh nội tâm mà ngài đang trải qua: trong tù là bóng tối, không thể nhìn rõ và nhìn xa hơn. Trên thực tế, vị Tẩy Giả không còn có thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu thế được chờ đợi. Ngài bị nghi ngờ tấn công, và ngài sai các môn đệ đi kiểm tra: “Các con hãy đi xem ông ấy có phải là Đấng Mêsia hay không”. Chúng ta ngạc nhiên rằng điều này lại xảy ra với Gioan, người đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Giođan và đã chỉ cho các môn đệ biết Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1:29). Nhưng điều này có nghĩa là ngay cả người có niềm tin lớn nhất cũng phải đi qua đường hầm của sự nghi ngờ. Và đây không phải là một điều xấu; trái lại, đôi khi nó cần thiết cho sự tăng trưởng tâm linh: nó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn những gì chúng ta tưởng tượng về Ngài. Những kỳ công của Thiên Chúa thật đáng ngạc nhiên so với những tính toán của chúng ta; hành động của Ngài luôn khác biệt, vượt quá nhu cầu và mong đợi của chúng ta; và do đó, chúng ta không bao giờ được ngừng tìm kiếm Ngài, hoán cải và hướng về thiên nhan đích thật của Ngài. Một nhà thần học vĩ đại đã từng nói rằng Thiên Chúa “cần được tái khám phá theo từng giai đoạn... đôi khi chúng ta tin rằng chúng ta đang đánh mất Ngài” (H. DE LUBAC, Sur les chemins de Dieu). Đây là điều mà vị Tẩy Giả làm: trong sự nghi ngờ, ngài vẫn tìm kiếm Chúa, chất vấn Chúa, “tranh luận” với Chúa và cuối cùng tái khám phá Chúa. Tóm lại, Thánh Gioan, được Chúa Giêsu xác định là người cao trọng nhất trong số những người được sinh ra bởi những người phụ nữ (x. Mt 11:11), dạy chúng ta, đừng đóng khung Thiên Chúa trong những não trạng của chúng ta. Đây luôn là mối nguy hiểm, sự cám dỗ nguy hiểm là chính chúng ta tạo ra một Thiên Chúa theo thước đo của chúng ta, một Thiên Chúa để chúng ta sử dụng. Nhưng Chúa không phải như thế đâu.
Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta cũng thấy mình ở trong hoàn cảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả, trong một ngục thất nội tâm, không thể nhận ra sự mới mẻ của Chúa, Đấng mà có lẽ bị chúng ta giam cầm vì cho rằng chúng ta đã biết mọi điều về Ngài. Anh chị em thân mến, người ta không bao giờ biết hết mọi điều về Thiên Chúa, không bao giờ! Có lẽ chúng ta nghĩ đến một Thiên Chúa quyền năng làm theo ý Ngài muốn, thay vì Thiên Chúa hiền lành khiêm nhường, Thiên Chúa của lòng thương xót và tình yêu, Đấng luôn can thiệp trong khi tôn trọng tự do và lựa chọn của chúng ta. Có lẽ chúng ta thậm chí còn thấy mình nói với Ngài: “Có thật là Ngài, Đấng rất khiêm nhường, là Thiên Chúa đến để cứu chúng tôi không?”. Và điều tương tự cũng có thể xảy ra giữa chúng ta và các anh chị em của mình: chúng ta có những ý tưởng, những thành kiến của mình và chúng ta gắn những nhãn mác cứng nhắc cho người khác, đặc biệt là những người mà chúng ta cảm thấy khác biệt với mình. Vì vậy, Mùa Vọng là thời gian để lật ngược các quan điểm của chúng ta, để chúng ta có thể ngạc nhiên trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Đấng đáng kinh ngạc: Thiên Chúa luôn luôn gây ngạc nhiên. Cách đây không lâu, chúng ta đã thấy trong chương trình truyền hình “A Sua Immagine” nghĩa là “Theo hình ảnnh Ngài”, họ nói về điều kỳ diệu. Chúa luôn là Đấng khuấy động điều kỳ diệu trong anh chị em. Mùa Vọng là một thời điểm trong đó, khi chuẩn bị máng cỏ Giáng Sinh cho Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta học biết lại Chúa của chúng ta là ai; một thời gian để bỏ lại sau lưng những định kiến và thành kiến nào đó về Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Mùa Vọng là thời gian mà thay vì nghĩ đến những món quà cho bản thân, chúng ta có thể dành những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người bị thương tích, như Chúa Giêsu đã làm với người mù, người điếc và người què.
Xin Đức Mẹ nắm lấy tay chúng ta, như một người mẹ, xin Mẹ cầm tay chúng ta trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh này, và giúp chúng ta nhận ra nơi sự nhỏ bé của Hài Nhi sự cao cả của Thiên Chúa đang đến.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến!
Hôm qua, tại Barbacena ở Brazil, Isabel Cristina Mrad Campos đã được tuyên chân phước. Người phụ nữ trẻ này đã bị giết vì lòng căm thù đức tin vào năm 1982 ở tuổi 20. Cô đã bảo vệ phẩm giá phụ nữ và giá trị sự trong trắng của mình. Xin cho gương anh hùng của chị truyền cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ quảng đại làm chứng cho đức tin và gắn bó với Tin Mừng. Một tràng pháo tay cho tân Chân Phước!
Tôi buồn bã và lo lắng theo dõi tin tức từ Nam Sudan về các cuộc đụng độ bạo lực trong vài ngày qua. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hòa bình và hòa giải dân tộc, để các cuộc tấn công chấm dứt và dân thường luôn được tôn trọng.
Hôm nay là Ngày Núi non Thế giới, ngày này mời gọi chúng ta nhận ra tầm quan trọng của nguồn tài nguyên kỳ diệu này đối với sự sống của hành tinh và nhân loại. Chủ đề năm nay – “Phụ nữ dời núi” – đúng là phụ nữ dời núi! – nhắc nhở chúng ta về vai trò của phụ nữ trong việc chăm sóc môi trường và bảo vệ truyền thống của người dân miền núi. Từ những người miền núi, chúng ta học được ý thức cộng đồng và đi bộ cùng nhau.
Tôi chào tất cả anh chị em, tại Rôma, từ nước Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu từ Barcelona, Valencia, Alicante, Beirut, Cairo, và những người từ Mễ Tây Cơ và Ba Lan. Tôi chào cộng đồng Công Giáo Tanzania tại Ý; các nhóm giáo xứ từ Terni, Panzano ở Chianti, Perugia, Nozza di Vestone; Dàn hợp xướng Alpini của Rome; và đại diện của những công dân đang sống ở những vùng ô nhiễm nhất nước Ý, với hy vọng tìm ra một giải pháp công bằng cho những vấn đề nghiêm trọng của họ và những căn bệnh phát sinh từ môi trường ô nhiễm này.
Và tôi muốn gửi lời chào thân ái đến những người bị giam giữ trong nhà tù “Due Palazzi” của Padua: Tôi thân ái chào anh chị em!
Và bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho “Bambinelli”, là những bức tượng nhỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng mà anh chị em, các em trai và các em gái thân mến, đã mang đến đây và sau đó, khi trở về nhà, sẽ đặt trong máng cỏ Chúa Giáng Sinh. Tôi mời anh chị em cầu nguyện, trước máng cỏ, để Chúa Giáng Sinh sẽ mang lại tia bình an cho trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là những trẻ buộc phải sống những ngày khủng khiếp và đen tối của chiến tranh, cuộc chiến ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, rất nhiều cuộc sống, và rất nhiều trẻ em. Phép lành cho Bambinelli…
Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc và một cuộc hành trình tốt đẹp hướng về Chúa Giáng Sinh. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét