Bà Rakhel "khóc cho con mình" có liên quan gì đến Các Thánh Anh Hài, và Mẹ Maria?
Chúng ta đã quen thuộc với câu chuyện đau lòng về những con trẻ đầu tiên phải hy sinh mạng sống của mình cho Chúa Giêsu: những con trẻ được gọi là các Thánh Anh Hài, bị tàn sát vì cơn thịnh nộ ganh tị của Hêrôđê.
Một phần của câu chuyện mà chúng ta có thể không chú ý nhiều là lời tiên tri mà Tin Mừng theo Thánh Mátthêu nói đã được ứng nghiệm: “Bấy giờ Hêrôđê thấy các đạo sĩ xỏ mình thì tức cuồng lên và sai quân trudiệt hết các trẻ con tại Bêlem và toàn vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ. Bấy giờ đã nên trọn điều tiên tri Giêrêmia nói: Có tiếng vẳng lên tại Rama khóc lóc than van inh ỏi ấy Rakhel khóc thương các con bà và không màng lời an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mátthêu 2: 17-19).
Điều đó đã ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia: “Giavê phán thế này: Kìa, Ở Rama vẳng nghe có tiếng ai oán, tiếng khóc xót xa, Rakhel khóc thương con cái bà mà không màng được an ủi, về con cái bà, bởi chúng không còn nữa!” (31: 15).
Rakhel này là mẹ của Giuse – Giuse là người có chiếc áo khoác nhiều màu sắc, mà Giacóp, cha cậu, “đã làm cho cậu một cái áo thụng” (Khởi Nguyên 37: 3). Điều hấp dẫn về bà Rakhel, đó là bà thực sự là một hình ảnh tiên trưng của Mẹ Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Những điểm tương đồng nổi bật được Brant Pitre nêu ra trong cuốn sách “Chúa Giêsu và cội rễ Do Thái của Mẹ Maria: Mặc khải về Mẹ Đấng Mêsia”.
Đầu tiên Pitre giải thích Rakhel là ai trong Cựu ước. Là người vợ yêu dấu của Giacóp / Israel, bà là mẹ của Giuse và Bengiamin. Bà chết khi sinh ra Benjamin, trong khi gia đình đang thực hiện một cuộc hành trình, khi họ tình cờ đến gần Bêlem.
Rakhel không được chôn cùng với các bà mẹ khác của Ítraen (Sara, Rêbêca) trong mộ phần của gia đình; thay vào đó, bà được chôn trên con đường gần “Bêlem” (Sáng thế ký 35:19).
Điều này quan trọng đối với vai trò của Rakhel không chỉ với tư cách là mẹ của Giuse và Benjamin, mà trên thực tế, là “mẹ của toàn thể Israel, bà là người, trong một cách nào đó, đã đau khổ với họ và khóc thương họ, ngay cả sau khi bà qua đời”. Lời tiên tri mà Mátthêu trích dẫn từ Giêrêmia được hiểu là chỉ ra mối liên hệ giữa Rakhel với dân tộc của bà trong thời gian bị lưu đày.
Pitre giải thích:
Theo các học giả Cựu Ước, chìa khóa để hiểu được đoạn văn này là hãy nhớ rằng ngôi mộ của Rakhel nằm gần nơi những người lưu vong bị người Babylon bắt giữ.
Thiên Chúa nghe thấy tiếng khóc than của Rakhel khi bà “đau khổ” cùng với những người dân của mình bị lưu đày, và Thiên Chúa hứa rằng dân tộc của bà sẽ trở về đất của họ “Giavê phán thế này: Thôi im đi tiếng khóc, và mắt hãy ráo lệ, vì ngươi sẽ lĩnh công xứng đức cù lao - sấm của Giavê - chúng sẽ từ xứ quân thù trở lại” (Giêrêmia 31:16). Vì vậy, Rakhel, theo truyền thống của người Do Thái, là một người cầu bầu uy lực nhất, là người cầu bầu với sức mạnh của nỗi buồn chứa chan tình mẫu tử cùa bà… giống như Đức Mẹ.
Bây giờ trong Tân Ước, chúng ta thấy rằng Rakhel không chỉ khóc cho những đứa con của mình đang bị lưu đày ở Babylon gần mộ bà, mà bây giờ lại khóc vì nhiều con cháu của bà bị giết dưới tay Hêrôđê, một lần nữa gần nơi an nghỉ của bà.
Vai trò của Mẹ Maria là Rakhel mới, người mẹ của dân tộc Mẹ và là người cầu bầu thần thế.
Là người mẹ đau khổ của một người con bị truy bắt và chạy trốn, Mẹ Maria trong Tin Mừng Mátthêu thực sự là một Rakhel mới. Thật vậy, trên bình diện con người, có thể dễ dàng hình dung Mẹ Maria khóc không chỉ vì sự bắt bớ và lưu đầy của chính con trai mình mà còn vì mạng sống của tất cả các bé trai bị thảm sát trong nỗ lực của Hêrôđê tìm giết con của Mẹ.
Cuốn sách của Pitre tiếp tục bàn luận về những cung cách khác mà Mẹ Maria và bà Rakhel được liên kết với nhau, dựa vào sách Khải Huyền, và coi Mẹ là hình ảnh của “người con yêu dấu” và như người “môn đệ yêu dấu”.
Kathleen Hattrup
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
theo Aleteia.org.
http://conggiao.info/ba-rakhel-khoc-cho-con-minh-co-lien-quan-gi-den-cac-thanh-anh-hai-va-me-maria-d-65635
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét