Nguyên tắc kép
Nguyên tắc kép
osservatoreromano.va, Marinella Perroni, nhà Kinh Thánh học, 2022-12-03
La Pietà, Michelangelo
Gần đây một đoạn video ngắn lan truyền những phản ứng đầy xúc động và nhiệt tình của nhiều cô gái người Mỹ gốc Phi khi họ xem bộ phim Disney Nàng tiên cá, The Little Mermaid trên truyền hình, trong đó nhân vật Ariel có làn da ngăm đen. Một video hay nhắc chúng ta nhớ tính hội nhập văn hóa cũng được dựa trên trí tưởng tượng. Và những cô gái người Mỹ gốc Phi phấn khích khi thấy Ariel da ngăm đen nói với chúng ta điều gì đó vẫn còn giá trị cho bất cứ giao tiếp nào, ngay cả với giáo hoàng: nghe, đọc, nhìn có nghĩa là nhận được tín hiệu rõ ràng hoặc tiềm ẩn, mà trong chúng ta có một tập hợp các niềm tin góp phần cấu trúc nên bản sắc chúng ta, những thứ có lợi cho việc xây dựng một trí tưởng tượng tập thể mà tất cả chúng ta đều được phản ánh trong đó. Đây chính là mấu chốt: làm sao để tự thấy mình?
Tư đó bắt đầu một thảo luận về một điều gì đó rất nghiêm túc, thậm chí có thể khó khăn, có vẻ lạ. Chưa hết, trong quảng cáo của Disney có chìa khóa để hiểu những gì tôi sắp nói về cái mà “trong mật mã” được gọi là “nguyên tắc Maria-Phêrô”. Một công thức lặp đi lặp lại trong Huấn quyền của bốn giáo hoàng gần đây nhất nói về đời sống của Giáo hội và trên hết là sự tham dự của nam giới, nữ giới: chúng ta cảm nhận ngay Đức Maria là nguyên mẫu của người nữ, Phêrô là người nam và rõ ràng, khi các giáo hoàng dùng công thức “nguyên tắc Maria-Phêrô”, các ngài muốn khẳng định, mọi người, nam cũng như nữ, phải cảm thấy như mình ở nhà mình, trong Giáo hội vì đó là nơi diễn ra mối quan hệ giữa nam và nữ tuyệt đối hỗ tương nhau. Tuy nhiên, vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, hỗ tương qua về trao cho phụ nữ đặc sủng tình yêu, còn đàn ông là quyền lực, ít nhất điều này cũng phải làm chúng ta suy nghĩ. Nhưng, có lẽ, tốt hơn là nên đi theo thứ trật.
Chúng ta mắc nợ việc phát minh ra “nguyên tắc Maria-Phêrô” của một trong những nhà thần học vĩ đại nhất thế kỷ trước, hồng y Hans Urs von Balthasar, người đã hy vọng làm cho tất cả các tín ngưỡng kitô giáo chấp nhận quyền ưu tiên của Giáo hội Rôma trên cơ sở hội nhập thừa tác vụ thánh Phêrô trong thần nghiệm về Đức Mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà bản văn trong đó nhà thần học người Thụy Sĩ giải thích nguyên tắc kép Maria-Phêrô, có tựa đề là Phức hợp chống-la mã. Làm thế nào để tích hợp chức vụ giáo hoàng trong Giáo hội phổ quát. Dĩ nhiên chính hồng y cũng không ngờ lưỡng cực Maria-Phêrô lại thành công lớn như vậy. Nhưng cũng đúng, ít nhất cho đến vài chục năm trước, việc dùng các nguyên mẫu nam tính và nữ tính có thể dễ dàng áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Tuy nhiên, Von Balthasar sẽ không bao giờ hình dung được, kể từ thời điểm đó trở đi, tất cả các giáo hoàng sẽ đề cập đến nó, tuy nhiên, không còn là hội nhập chức vụ giáo hoàng vào đời sống của Giáo hội hoàn vũ, mà là hội nhập người nam và nữ trong Giáo hội. Đức Phaolô VI đã dùng một lần trong Marialis Cultus, Đức Gioan Phaolô II tiếp nhận và đưa ra trong Mulieris Dignitatem, Đức Bênêđictô XVI đã dùng để giải thích ý nghĩa và giá trị của màu đỏ hồng y. Và Đức Phanxicô đã đề cập đến nó ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, để mọi người hiểu ngài xem đó là mô hình giáo hội học hữu ích nếu không muốn nói là hết sức cần thiết. Chính xác vì ngài có nhiều uy tín thẩm quyền, nên theo tôi, điều quan trọng là phải đề xuất một suy nghĩ, thậm chí nên mở một cuộc thảo luận. Thánh Phaolô khẳng định, Thiên Chúa “đã đặt trong Gia Đình-Giáo Hội của Ngài, cũng như trong mọi gia đình, hình ảnh Người Phụ Nữ, người âm thầm và trong tinh thần phục vụ, theo dõi và nhân từ bảo vệ hành trình của họ về quê hương, cho đến ngày vinh quang của Chúa”. Nói cách khác, theo nghĩa đen khẳng định của Von Balthasar, qua đó “yếu tố Đức Mẹ ẩn mình trong Giáo hội, giống như người phụ nữ trong mái ấm gia đình”.
Vì thế nguyên tắc Maria dự trù đặc tính “làm mẹ” và “nội trợ”. Tuy nhiên, Von Balthasar nhấn mạnh vào ưu tiên toàn diện của thần nghiệm Maria so với chức vụ thừa tác viên của Phêrô: nguyên tắc thứ nhất là điều kiện hóa vì nó bao trùm và giải phóng tất cả, trong khi nguyên tắc thứ hai bị điều kiện hóa vì mang tính chất thừa tác và quản lý. Còn Đức Gioan Phaolô II khẳng định, về bản chất, Giáo hội vừa là “Mẹ Maria” vừa là “tông truyền-Phêrô” vì cấu trúc phẩm trật của Giáo hội hoàn toàn hướng đến sự thánh thiện của các chi thể Chúa Kitô, nhưng cũng vì trong phẩm trật thánh thiện chính xác là “người phụ nữ”, Maria Nadarét là “hình ảnh”Giáo hội và vì điều này, Giáo hội đề cao chức năng lành mạnh của “thiên tài nữ tính” so với đàn ông-nam giới. Còn với Đức Bênêđíctô XVI, thì “mọi sự trong Giáo hội, mọi định chế và thừa tác vụ, kể cả của Thánh Phêrô và những người kế vị ngài, đều được “bao gồm” dưới áo choàng của Đức Trinh Nữ, trong không gian tràn đầy ân sủng của lời “xin vâng” của Mẹ với thánh ý Chúa”. Cuối cùng, Đức Phanxicô cũng cảm thấy khó vượt qua tầm nhìn gia trưởng vốn buộc nam và nữ vào một sơ đồ, không vì thế mà ít nguy hiểm hơn khi Phêrô và Maria được thiết lập như những nhân vật quy chiếu mang tính biểu tượng và dành quyền hành chức vụ cho Phêrô, tức là cho nam giới, và Maria, là với phụ nữ, có đặc sủng của tình yêu.
Thuyết lưỡng cực luôn quyến rũ bởi vì chúng lừa dối. Chúng làm chúng ta nghĩ rằng các khác biệt có thể được giải quyết theo một công thức và sự phức tạp có thể được đánh lừa bằng sự đơn giản hóa. Nhưng các khuếch đại tu từ khác nhau mà gốc rễ của nó là sự đồng nhất phụ nữ và lò sưởi, có nghĩa giữa một bên là nữ tính và nội trợ, nữ tính và nội tâm, nữ tính và chào đón, nữ tính và tâm linh, và mặt khác, nam tính và chức vụ, nam tính và uy quyền, nam tính và quyền lực, cho thấy một khó khăn thực sự, theo nghĩa kỹ thuật là một “bê bối”, cho phụ nữ và nam giới, những người không được quan niệm sự khác biệt giới tính theo thứ bậc. Cũng bởi vì giờ đây đã hoàn toàn rõ ràng, các hình thức tôn vinh nữ tính một cách thần bí tỷ lệ thuận với việc từ chối công nhận quyền lực của phụ nữ.
Do đó, câu hỏi được đặt ra với tất cả sự khắc nghiệt của nó: nguyên tắc Maria-Phêrô có thể hiện một ý thức hệ và tu từ học về sự khác biệt dục tính và giới tính mà hiện nay đã bị vạch trần như một trong những vỏ bọc của các đặc quyền gia trưởng không? Trong số những chuyện khác, hệ thống kiến thức mà trong đó đánh giá sự khác biệt dục tính và giới tính ngày nay đã hoàn toàn xa rời tâm sinh lý học vốn có nền tảng từ sinh học Aristotle và không cho phép phù hợp với sự phân bố vai trò và quyền hạn đối với sinh học, hình thái hoặc, ít hơn nhiều, với các phân loại tâm sinh lý.
Lưỡng cực nam-nữ, thậm chí đã chiếm lĩnh bối cảnh một cách ám ảnh khi tư tưởng thần học hoàn toàn lấy trọng tâm là nam giới và gia trưởng từ hơn một thế kỷ, nghĩa là, kể từ khi phụ nữ lần đầu tiên trở thành “vấn đề phụ nữ” và sau đó, bỏ biểu hiện xúc phạm này, đã quyết định cảm thấy hoàn toàn là nhân vật chính của đời sống xã hội, chính trị và giáo hội, hiện đã là chủ đề của những sửa đổi quyết định và đảo ngược quan trọng. Ngay cả trong đời sống giáo hội. Và nguyên tắc Maria-Phêrô vốn đảm bảo cho việc duy trì các khuôn mẫu học thuyết, các sắp xếp thể chế, các thực hành sùng kính, giờ đây bộc lộ tất cả sự mong manh của nó. Cũng bởi ngày nay không gì có thể thoát khỏi sự kiểm soát của mối quan hệ giữa trật tự biểu tượng, tiền đề nhân học và hệ quả xã hội. Ngay cả tư tưởng thần học cũng không. Đó là lý do vì sao những cô gái người Mỹ gốc Phi vui mừng vì Ariel có cùng màu da nhắc nhở chúng ta rằng không có từ ngữ, suy nghĩ, hình ảnh nào là “trung lập”: tất cả đều truyền tải một tầm nhìn về cuộc sống. Bao gồm hoặc phân biệt đối xử. Đó là lý do vì sao bây giờ lời mời gọi thành cấp bách: chúng ta hãy nói về nó.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2022/12/15/nguyen-tac-kep/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét