Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ Đại Trào Mừng Chúa Giáng Sinh lúc 7:30 tối 24 tháng 12 bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Thánh lễ Giáng Sinh, có khoảng 7,000 người tham dự theo Vatican, bắt đầu bằng việc công bố Tin Mừng Giáng Sinh Truyền thống Kalenda. Một bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng, được trưng bày trước bàn thờ, sau đó được mở ra khi tiếng chuông của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vang lên.
Dàn hợp xướng đã hát những bài hát mừng Giáng Sinh truyền thống Silent Night, The First Noel, và Adeste Fidelis, cùng những bài khác.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Đêm nay có còn gì để nói với cuộc sống của chúng ta nữa không? Hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu Giáng Sinh, sau bao nhiêu lễ Giáng Sinh trải qua giữa những đồ trang trí và quà tặng, chủ nghĩa tiêu dùng đã gói kỹ dường nào mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, dẫn đến một mối nguy hiểm. Chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta quên ý nghĩa đích thực của ngày lễ này. Như thế, làm thế nào để chúng ta có thể tái khám phá ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Trước hết, chúng ta sẽ đi tìm Chúa Hài Đồng ở đâu? Phúc âm tường thuật biến cố Chúa Giáng Sinh dường như đã được viết chính xác cho mục đích này: đó là nắm lấy tay chúng ta và dẫn chúng ta đến nơi Thiên Chúa muốn chúng ta đi.
Mọi sự bắt đầu với một tình huống không khác gì tình huống của chúng ta ngày nay: mọi người đang hối hả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, cuộc điều tra dân số lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều. Theo nghĩa đó, bầu không khí rất giống lễ Giáng Sinh hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng không sa đà vào bối cảnh trần tục đó; nhưng nhanh chóng chuyển cái nhìn của chúng ta sang một điều khác quan trọng hơn. Đó là một chi tiết nhỏ và dường như không đáng kể mà Tin Mừng nhắc đến ba lần, luôn liên quan đến các nhân vật trung tâm trong câu chuyện. Đầu tiên, Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu “trong máng cỏ” (Lc 2:7); rồi các thiên thần kể cho các mục đồng nghe về “một hài nhi bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); và cuối cùng là các mục đồng, những người tìm thấy “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Để khám phá lại ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, chúng ta cần nhìn vào máng cỏ. Tuy nhiên, tại sao máng cỏ lại quan trọng như vậy? Bởi vì đó là dấu chỉ cho thấy Chúa Kitô đến thế gian này, chứ không phải ngẫu nhiên tình cờ. Đó là cách Ngài thông báo sự giáng trần của mình. Đó là cách Thiên Chúa sinh ra trong lịch sử, để chính lịch sử được tái sinh. Sau đó máng cỏ nói gì với chúng ta? Thưa: Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.
Sự gần gũi. Máng cỏ đóng vai trò như máng ăn, giúp thức ăn được tiêu thụ nhanh hơn. Bằng cách này, nó có thể tượng trưng cho một khía cạnh của con người chúng ta: đó là lòng tham tiêu dùng của chúng ta. Trong khi thú vật kiếm ăn trong chuồng của chúng, những người nam nữ trong thế giới của chúng ta, trong cơn thèm khát của cải và quyền lực, thậm chí ăn thịt cả những người hàng xóm, anh chị em của họ. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu cuộc chiến!
Và biết bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay, nhân phẩm và tự do của con người bị khinh miệt! Như mọi khi, nạn nhân chính của lòng tham con người này là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Giáng Sinh này cũng vậy, như trường hợp của Chúa Giêsu, một thế giới khao khát tiền bạc, quyền lực và lạc thú không dành chỗ cho những trẻ nhỏ, cho biết bao trẻ em chưa chào đời, nghèo khổ và bị lãng quên. Trên hết, tôi nghĩ đến những trẻ em bị tàn phá bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, đó chính là những nơi mà Chúa Giêsu đến, một hài nhi nằm trong máng cỏ của sự chối bỏ và khước từ. Nơi Người, Hài Nhi Bêlem, mọi trẻ thơ đều hiện diện. Và chính chúng ta được mời nhìn cuộc sống, chính trị và lịch sử qua con mắt của trẻ thơ. Trong máng cỏ của sự từ chối và khó chịu, Thiên Chúa hiện diện. Ngài đến đó bởi vì ở đó chúng ta nhìn thấy vấn đề của nhân loại chúng ta: sự thờ ơ được tạo ra bởi sự vội vàng tham lam để sở hữu và tiêu thụ. Ở đó, trong máng cỏ đó, Chúa Kitô đã sinh ra, và ở đó chúng ta khám phá ra sự gần gũi của Người với chúng ta. Ngài đến đó, đến một máng cỏ, để trở thành thức ăn của chúng ta. Thiên Chúa không phải là người cha nuốt chửng con cái mình, mà là Cha, nơi Chúa Giêsu, làm cho chúng ta nên con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu dịu dàng của Người. Ngài đến để đánh động trái tim chúng ta và nói với chúng ta rằng chỉ có tình yêu mới là sức mạnh thay đổi dòng lịch sử. Ngài không xa cách và oai phong lẫm liệt, nhưng đến gần chúng ta trong sự khiêm nhường; bỏ ngai vàng trên trời, Người hạ mình nằm trong máng cỏ.
Anh chị em thân mến, tối nay Thiên Chúa đang đến gần anh chị em, vì anh chị em quan trọng đối với Ngài. Từ máng cỏ, như lương thực cho cuộc sống của anh chị em, Ngài nói với anh chị em: “Nếu anh em cảm thấy bị các sự kiện làm cho kiệt sức, nếu anh em bị cảm giác tội lỗi và kém cỏi nuốt chửng, nếu anh em khao khát công lý, thì Thầy, Thiên Chúa của anh em, ở cùng anh em. Thầy biết những gì anh em đang trải qua, vì chính Thầy đã trải qua những điều như thế trong máng cỏ đó. Thầy biết nhược điểm của anh em, thất bại của anh em và lịch sử của anh em. Thầy được sinh ra để nói với anh chị em rằng Thầy đang, và sẽ luôn ở bên cạnh anh em”. Máng cỏ Giáng Sinh, sứ điệp đầu tiên của Hài Nhi Chí Thánh, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Người yêu thương chúng ta và Người tìm kiếm chúng ta. Vì vậy, anh chị em hãy ghi khắc trong trái tim! Đừng để bản thân bị khuất phục bởi sự sợ hãi, cam chịu hay nản lòng. Chúa sinh ra trong máng cỏ để anh chị em có thể tái sinh ở chính nơi mà anh chị em nghĩ mình đã chạm đáy. Không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào làm Chúa Giêsu không muốn cứu anh chị em. Và Chúa luôn có thể. Lễ Giáng Sinh có nghĩa là Thiên Chúa ở gần chúng ta: hãy để niềm tin được tái sinh!
Máng cỏ Bêlem nói với chúng ta không chỉ về sự gần gũi, mà còn về sự nghèo khó. Xung quanh máng cỏ có rất ít: chỉ có cỏ khô và rơm, một vài con vật, ít thứ khác. Mọi người ấm áp trong quán trọ, nhưng không phải ở đây trong sự lạnh lẽo của chuồng gia súc. Tuy nhiên, đó là nơi Chúa Giêsu được sinh ra. Máng cỏ nhắc nhở chúng ta rằng xung quanh Ngài không có gì khác ngoài tình yêu: Mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng; tất cả những người nghèo, hiệp nhất bởi tình cảm và sự ngạc nhiên, không phải bởi sự giàu có và những kỳ vọng lớn. Do đó, sự nghèo khó của máng cỏ chỉ cho chúng ta nơi tìm thấy sự giàu có thực sự trong cuộc sống: không phải ở tiền bạc và quyền lực, mà là ở các mối quan hệ và con người.
Và người đầu tiên, của cải lớn nhất, là chính Chúa Giêsu. Nhưng liệu chúng ta có muốn đứng về phía Ngài không? Chúng ta có đến gần Ngài không? Chúng ta có yêu sự nghèo khó của Ngài không? Hay chúng ta thích tiếp tục thoải mái thu mình trong những mối quan tâm và lợi ích của riêng mình? Trên hết, chúng ta có đến thăm Người ở nơi chúng ta có thể tìm thấy Người không, cụ thể là trong máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta? Vì đó là nơi Ngài hiện diện. Chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội tôn thờ một Chúa Giêsu nghèo khó và phục vụ Người nơi những người khó nghèo. Như một vị giám mục thánh thiện đã từng nói: “Giáo hội hỗ trợ và chúc lành cho những nỗ lực thay đổi các cơ cấu bất công, và chỉ đặt ra một điều kiện: đó là sự thay đổi xã hội, kinh tế và chính trị đó phải thực sự mang lại lợi ích cho người nghèo” (OA ROMERO, Sứ điệp mục vụ cho năm mới, ngày 1 tháng Giêng năm 1980). Chắc chắn, không dễ gì rời bỏ sự ấm áp dễ chịu của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp khắc nghiệt của hang đá Bêlem, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng Giáng Sinh chân thực không thể thiếu người nghèo. Không có người nghèo, chúng ta vẫn có thể mừng lễ Giáng Sinh, nhưng không thể đón mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh. Anh chị em thân mến, trong Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa là người nghèo: hãy để lòng bác ái được tái sinh!
Bây giờ chúng ta đi đến điểm cuối cùng: máng cỏ nói với chúng ta về tính cụ thể. Thật vậy, một hài nhi nằm trong máng cỏ cho chúng ta thấy một khung cảnh gây chấn động, thậm chí là bẽ bàng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên xác phàm. Kết quả là tất cả những lý thuyết, những suy nghĩ tốt đẹp và những tình cảm ngoan đạo của chúng ta không còn đủ nữa. Chúa Giêsu sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo; Ngài không nói nhiều về nghèo đói mà sống với nghèo đói, cho đến cùng, vì lợi ích của chúng ta. Từ máng cỏ cho đến thánh giá, tình yêu của Người dành cho chúng ta luôn rõ ràng và cụ thể. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, người con trai của bác thợ mộc đã ôm lấy sự thô ráp của gỗ, sự khắc nghiệt trong sự tồn tại của chúng ta. Ngài không chỉ yêu chúng ta bằng lời nói; Ngài yêu chúng ta với sự nghiêm túc tột cùng!
Như thế, Chúa Giêsu không hài lòng với vẻ bề ngoài. Đấng đã mặc lấy xác phàm của chúng ta không chỉ muốn có ý tốt mà hôi. Đấng được sinh ra trong máng cỏ, đòi hỏi một đức tin cụ thể, được tạo thành từ sự tôn thờ và bác ái, chứ không phải những lời nói suông và hời hợt. Đấng nằm trần truồng trong máng cỏ và bị treo trần trụi trên thập giá, yêu cầu chúng ta sự thật, Ngài yêu cầu chúng ta đi đến thực tại trần trụi của mọi sự, và đặt dưới chân máng cỏ tất cả những lời ngụy biện, những biện minh và thói giả hình của chúng ta. Được Mẹ Maria dịu dàng quấn trong tấm tã, Người muốn chúng ta mặc lấy tình yêu. Thiên Chúa không muốn vẻ bề ngoài mà muốn sự cụ thể. Cầu mong chúng ta đừng để Giáng Sinh này trôi qua mà không làm được điều gì tốt đẹp. Vì đó là lễ kỷ niệm, là sinh nhật của Ngài, chúng ta hãy tặng Chúa Giêsu những món quà mà Ngài thấy hài lòng! Vào Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa rất cụ thể: nhân danh Người, chúng ta hãy giúp nhen nhóm và tái sinh hy vọng nơi những người cảm thấy tuyệt vọng!
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thấy Chúa đang nằm trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa gần gũi, luôn ở bên cạnh chúng con: tạ ơn Chúa! Chúng con thấy Chúa trong thân phận nghèo khó, để dạy chúng con rằng của cải đích thực không nằm ở vật chất mà ở con người, và nhất là ở người nghèo: xin tha thứ cho chúng con nếu chúng con đã không nhận ra và phục vụ Chúa nơi những anh chị em đó. Chúng con thấy Chúa cụ thể, bởi vì tình yêu Chúa dành cho chúng con có thể chạm đến được. Xin giúp chúng con dâng hiến xác thịt và sự sống cho đức tin của chúng con. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét