Một trong các phong tục của ngày Saturnalia là treo những mặt nạ của Bacchus, thần rượu nho, lên những cây trường xuân. Bacchus thường được trình bầy như một ông già béo phị, nhưng các tác phẩm cổ điển mô tả ông như một người đẹp trai và trẻ trung, dịu dàng một cách bất ngờ, giống như một trong các thứ rượu nho của ông. Đúng là con chim của ông là con ác là (magpie), vì trong ngành uống rượu, người ta ăn nói rất mạnh bạo và tự do, nhưng làm thế nào người ta có thể giúp làm ta yêu thương được cái thứ anh hào dạy người ta cách dùng rượu, cấy cày mặt đất và chế tạo mật ong? Chúa Giêsu cũng từng biết cách dùng rượu, và rượu Người chế tạo từ nước ở Cana không phải chỉ là rượu, mà là rượu hảo hạng.

Vào Lễ Giáng Sinh, nếu thời tiết lạnh và rét căm căm, chúng ta có thể đãi rượu nho hâm nóng và pha chế, hâm lên và pha đường và gia vị, hay rượu pân (punch) nóng, một mô phỏng hiện nay của chiếc bát chè chén xưa vào dịp Lễ Giáng Sinh. Những cái bát chè chén xưa, thường bằng bạc hay hợp kim thiếc, rất lớn, một chiếc ở Oxford chứa tới 10 gallons, nhưng tiếng Anglo-Saxon gọi tục chè chén này là wes-hâl, có nghĩa là “trọn gói” hay “trăm phần trăm” như lối nói Việt Nam, uống một hơi!

Người ta cho hay các lễ lạc ngoại giáo xưa thường vui nhộn và vô tội. Có đúng thế không? Ở Scandinavia và Bắc Đức, khi những đợt tuyết đầu tiên xuất hiện và trâu bò không còn ra ngoài gậm cỏ nữa, đoàn vật này ngày càng nhỏ dần với “những vụ sát sinh vĩ đại”, đến nỗi trở thành mùa ăn uống, hàng tuần lễ, cho tới khi đàn ông và đàn bà đều trở thành gần như bất tỉnh. Dù các chợ của chúng ta vào dịp Giáng Sinh, thường trưng xác vật được trang trí bằng lá trường xuân và nơ hoa hồng, nhắc nhở chúng ta về việc trên, nhưng tiệc tùng của chúng ta không giống như tiệc tùng của người La Mã khi thuốc gây nôn (emetic), có lẽ bằng thảo mộc và dầu, đã được sử dụng giữa các món ăn; rồi sau đó, người ta phải chạy vội vào phòng mửa (vomitorium), mửa cho hết ra, trước khi trở lại bàn “nhồi nhét” tiếp. Ngày nay, khó có người muốn ăn quá đáng, kể cả trong ngày lễ lạc, nhưng vẫn không khác ở chỗ vào ngày Lễ Giáng Sinh, mối quan tâm đầu tiên của các bà chủ nhà là chất đầy bàn với những món ăn.

Chúa Giêsu rất hiểu về thực phẩm, cho người khác. Người đã làm phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá, và từng nấu bữa ăn sáng bên hồ cho các môn đệ ngư phủ của Người sau một đêm lao nhọc của họ; nhưng chính Người thì thường ăn chay, và như chúng ta biết, căn cứ vào lời Người trách cứ Martha, Người không thích sự ồn ào om xòm.

Luca viết về Martha tội nghiệp, băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, giống các bà nội trợ vào dịp Lễ Giáng Sinh. Liệu bà có trở lại bếp và nói, “mọi sự đều tốt đẹp, nhưng Người đang ở đây, Đấng mà tôi yêu mến, đang đói và mệt mỏi... Vả lại Người là thượng khách của chúng tôi” hay không? Những lời nói này ẩn hiện đôi chút niềm tự hào nội trợ của bà. Vả lại, Lễ Giáng Sinh cũng là lúc gia đình trở về mái ấm, thân nhân gặp nhau và với Martha, dường như mọi người đều có khẩu vị khác nhau và, ngày nay, nhiều cách ăn uống kiêng khem khác nhau. Tất cả đều cần phải ghi nhớ.

Ngoài ra, những điều tốt, gói và thùng quà, thường phải từ nhà gửi đi xa; thời hoàng kim của Anh, điền chủ biếu đùi bò cho mỗi hộ trong làng, và ngay trong các gia đình nghèo, bà nội trợ cũng đặt một ổ bánh trên đồ nướng đang nướng; ổ bánh sẽ hút nước cốt đầy chất dinh dưỡng và sau đó có thể biếu tặng những gia đình còn nghèo hơn họ.

Bất chấp hàng trăm công thức nấu nướng trên các tạp chí và sách nấu ăn ngày nay, phần lớn chúng ta không muốn dành cho Lễ Giáng Sinh một điều gì khác, mà chỉ là những món truyền thống của đất nước chúng ta thuộc về. Mỹ cho Anh gà tây, thực ra nguyên khởi từ Mễ Tây Cơ, nhưng gia cầm Giáng Sinh phải là ngỗng, thậm chí thiên nga; và ở gần khắp châu Âu, thịt Giáng sinh vẫn là thịt heo, mà phần nào của nó cũng được sử dụng.



Phần lớn các gia hộ đều có đùi heo muối và sấy khô (ham): Ở Nga, họ dọn món truyền thống là chân giò heo, trong khi, ở Anh, đầu heo đực được sử dụng như một phần không thể thiếu của ngày lễ. Mõm của nó được giữ cho mở rộng bằng một trái táo, chiếc đầu trang trí được mang vào trên một chiếc đĩa bạc và đôi khi còn kèm tiếng kèn rộn rã trong khi một bài hát mừng được hát lên:

Đầu heo đực được tôi mang đến

Được trang trí với cây nguyệt quế và cây hương thảo

Và tôi cầu xin cho qúy vị, chủ nhân của tôi, được vui tươi
.

Sở dĩ có nghi thức này, vì, trong Thánh vịnh 80, Satan là heo rừng, và đầu của nó, được mang vào, chứng tỏ nó đã bị đánh bại bởi Con Trẻ mới sinh.

Mọi người trong gia hộ nên khuấy bánh pútđinh và làm một lời ước. Một số “lời đáp ứng” có ngay trong bánh pútđinh: những đồ trang sức tí hon bằng bạc, một đồng tiền cho người giầu, cái đê để khâu vá cho những ai muốn làm gái già, một khuy áo cho anh chàng độc thân, một nhẫn cưới.

Ngoài bánh pútđinh ra, nên có bánh ngọt Giáng Sinh, khác nhau tùy từng nước. Người Pháp nấu “những chiếc bánh ngọt ba vua” không lồ vào ngày Lễ Hiển Linh và, cho Lễ Giáng Sinh, chiếc bánh nhỏ hơn gọi là naulets, giống hình Con Trẻ Thánh và thường tặng làm quà; phong tục cũ của người Ba lan là gửi những chiếc bánh xốp thánh thể có đóng những khuôn hình khác nhau như để thay thế thiệp Giáng Sinh. Nghe có vẻ như bất kính, nhưng thực ra bánh ấy không được truyền phép mà chỉ được linh mục làm phép.

Ở Đức hồi xưa, các nông dân tin rằng có ma lực trong các ổ bánh nướng vào dịp Giáng Sinh nếu bột làm bánh được nhào với sương đêm Gáng Sinh; sương này thánh thiêng, được nhắc đến trong các điệp xướng hát vào Kinh chiều Mùa Vọng: Rorate Coeli, desuper (Trời cao, hãy đổ sương xuống), sương đây chính là Chúa Kitô.

Dù ngày nay, những chiếc bánh nướng mỏng được làm với trái cây hương vị, phần lớn là nho khô, chúng thường được nhét thịt gà thái mỏng, lưỡi trâu bò. Nhưng bất kể bánh nướng được làm với trái cây hay thịt, mỗi người nên ăn ít nhất 12 cái và dịp Giáng Sinh để có được 12 tháng may mắn trong cả năm mới.

Mỗi tên của thực phẩm, cũ hay mới, đều có tính lễ hội: cháo bột mì, món thạch sữa, kem mầu nhung, thạch nam việt quất, trái cây phalê, bánh nước khoai ngọt, kẹo hình gậy. Và dường như xuất phát từ khắp nơi trên thế giới: mận Carlsbad, vả Smyrna, gừng trong các lọ đựng đầy mời mọc của Trung Hoa, quýt, hạnh đào và nho khô. Ở Ý và Tây Ban Nha, người ta ăn kẹo nougat để cả năm được ngọt ngào.



Với những chiếc bàn ăn đầy ứ như thế, xem ra chẳng còn chỗ nào cho bất cứ điều gì khác, nhưng một đam mê mới đã trở về với Lễ Giáng Sinh từ lễ Kalends: trang trí. Có chắc gì là việc trang trí nhà chúng ta không phải là của ngoại giáo? Nó quả đúng như thế, đã có từ thời cổ xưa, một phong tục đã mang lại ý nghĩa kép rất thích đáng cho Lễ Giáng Sinh: vòng hoa nhựa ruồi (holly) và những băng giấy màu đỏ ở cổng trước mỗi ngôi làng và thị trấn nhỏ đều có tính lễ hội; nhưng cây nhựa ruồi, cây thường xuân (ivy) và cây tầm gửi thẩy đều thánh thiêng vì chúng ra trái vào mùa đông.

Cây tầm gửi là “cành vàng” được cắt vào ngày đông chí bởi viên chức có tên là “archdruid” bằng một con giao cán dài bằng vàng. Người ta cho rằng nó có thể chữa mọi chứng bệnh, và mạnh về tình bạn đến nỗi nếu kẻ thù gặp nó trong rừng, họ sẽ bỏ khí giới cho tới tận ngày hôm sau, đó là lý do, nó được treo ở cửa hay hành lang nơi người ta qua lại, để họ có thể hôn trong yêu thương và tình bạn.

Những cây Giáng Sinh đầu tiên của chúng ta là những cây trổ bông nhỏ: những cây mận gai, cây táo gai, cây hạnh đào, trồng trong những chiếc chậu hay ngâm trong nước và mang vào trong nhà, hy vọng rằng chúng nẩy mầm hay đơm hoa vào ngày Giáng Sinh và như thế đem lại một năm mới nhiều thành quả. Điều này do truyền thuyết cho rằng khi Chúa Kitô sinh ra, các con sông chẩy sữa chứ không phải nước, và các cây trổ hoa nở rộ giữa thời tiết đóng băng và đầy tuyết.

Những cây nở hoa này bị buộc đem vào hơi ấm của căn nhà trở nên mảnh khảnh, và khi chúng không chịu nở bông, như thường chúng vẫn như thế, gia hộ đầy những điềm gở đen tối. Bắc Âu vì thế chọn cây trường xuân, và chẳng bao lâu các nước khác theo chân. Ở Đức, lãnh thổ của rừng, Weihnatchsbaum [cây giáng sinh] có nhiều chuyện lạ và thơ mộng hơn ở các nước khác vì nó nối loài người với thiên nhiên và việc biến đổi trường cửu các mùa trong năm: cây trường xuân tượng trưng cho sự bất tử. Ở một số nơi của Đức, các ngôi mộ cũng được quấn cây nhựa ruồi vả cây thường xuân, và một cây nhỏ có đèn ở giữa chúng.

Truyện nhân gian kể rằng chồng nữ hoàng Victoria đã đem cây Giáng Sinh, với nhiều phong tục Đức, qua Anh, nhưng nó vốn nổi tiếng ở Anh và ở Pháp đầu thế kỷ 18. Nay, những dấu hiệu Giáng Sinh đẹp nhất, dựng ở hầu hết mọi cửa sổ, là những cây nhỏ rực rỡ với đèn, trái cầu, kim tuyến và vàng dát.

Tặng quà đã thành một sắc chỉ, giống sắc chỉ của hoàng đế La Mã Caligula khi, vào ngày Tết, ông loan báo ông sẽ đứng ở cổng để nhận quà tặng và tiền bạc; nếu món tiền không đủ, người tặng sẽ bị bêu xấu công khai. Chúng ta cũng thế, vẫn giữ nguyên hủ tục này: những bằng hữu và thân nhân của chúng ta giầu có và quan trọng hơn, nhưng họ càng ít cần quà cáp, chúng ta lại càng nghĩ ngợi và tiêu nhiều tiền hơn về quà cáp. Cũng lại là ngày Kalends một lần nữa, “Thúc bách tiêu pha” quả “chiếm hữu mọi người”, nhưng nay, nó không phải chỉ là một thúc bách.



Chúng ta còn gửi thiệp nữa. Những chiếc thiệp này lúc đầu là những chiếc thiệp làm tay và, ngay lúc các tấm thiệp thương mãi xuất hiện, chúng ta vẫn thường tự tay tô mầu chúng: hoa lá ở những ren giấy bên lề, những cảnh óng ánh với tuyết mầu bạc, rất thường khi có những con chim cổ đỏ vì “chim cổ đỏ (robin) và chim hồng tước (wren) vốn là gà trống và gà mái của Thiên Chúa”; hay còn có những vần thơ làm phương châm, trang trí cầu kỳ. Rồi thiệp một xu được du nhập và trận tuyết lở bắt đầu. Tấm thiệp một xu! Nay, ngay cả tem bưu điện cũng là những hình ảnh Giáng Sinh, cũng mắc như chính tấm thiệp gửi đi, nhưng mỗi năm mỗi cảm thấy phải gửi nhiều hơn: một số người trong chúng ta thậm chí giữ một mục trong sổ chi tiêu “cho và nhận”.

Đó có phải là lúc để xác định ngày giờ cho thấy Lễ Giáng Sinh đã bắt đầu đánh mất tinh thần của nó? Lễ Phục Sinh gần như luôn làm chúng ta ngạc nhiên, và Chúa Giêsu dường như cố ý muốn lẩn tránh, các môn đệ của Người gần như luôn phải đi tìm Người đến nỗi dường như là một chuyện nghịch lý khi Đấng vốn không để lại vết tích thể lý nào, dường như chỉ còn sở hữu chiếc áo khoác “không đường nối” mà Mẹ của Người từng dệt và bị binh lính bốc thăm, và có lẽ đôi dép, nếu ngày sinh của Người biến thành một hội chợ trong năm. Cha già Giáng Sinh, hậu duệ vô tội của một vị thần và một vị thánh, đã trở thành như một trong những hình bong bóng thổi phồng, choán hết chân trời và che phủ hết ngôi sao. Nhiều trẻ em nghĩ ông là Thiên Chúa.

Có lúc quả ông là Thiên Chúa, chúa Odin Miền Bắc, đánh chiếc xe do nai kéo qua đêm tối giữa mùa đông phương bắc đem đến tặng phẩm mùa xuân, bắp mới và hoa trái, dường như không còn tặng phẩm nào khác. Rồi ông trở thành Santa Claus [Ông già Noel], người thực sự là Thánh Nicholas, một vị Giám Mục thế kỷ thứ tư, quan thầy các cậu trai, người ta tin rằng ngài hồi sinh bốn cậu dù một chủ quán xấu xa đã ướp muối cả bốn! Thánh Nicholas được yêu mến đến độ ở Nga người ta quen nói, “dù Thiên Chúa có chết, chúng ta vẫn còn Thánh Nicholas”. Vào đêm ngày 6 tháng 12, ngài mượn cỗ xe do nai kéo của Odin và viếng thăm mỗi nhà có trẻ em, chịu để giầy của chúng trong lò sưởi khi đi ngủ; đến sáng sớm, nếu chúng ngoan, đôi giầy sẽ đầy kẹo; giầy của trẻ hư vẫn trống rỗng.



Đôi giầy trở thành đôi vớ và nay, người ta hân hoan nghĩ, trẻ con đều như nhau dù tốt hay xấu; vì không điều gì sánh được với niềm phấn khích tràn lan, ngay trước khi những tia sáng đầu tiên xuất hiện, đã thấy cái thứ lòng thòng có nhiều nốt phồng kia, lép kẹp vào đêm trước, nay bỗng đầy ứ ở lò sưởi.

Không phải việc tặng quà đã gần như xua đuổi Chúa Kitô khỏi Lễ Giáng Sinh; dù sao, Người vốn không ngừng dạy chúng ta rằng cho là có phúc. Đúng hơn, há không phải là việc dập tắt bình minh của Người, đánh mất sự ngây thơ vô tội trong tham lam và cướp giật đó sao?

Không trẻ em nào từng viết cho Thánh Nicholas để ra lệnh cho ngài, nhưng dù ít lá thư gửi Ông già Noel đi vào ống khói ngày nay theo kiểu ma thuật ngày xưa, hàng ngàn được gửi qua đường bưu điện:

... Cháu muốn nghe truyện Chúa Kitô và sáu con ngựa.

... một cái đu cho mỗi đứa (cho Natasha và cháu) để chúng cháu khỏi đánh nhau vì cứ phải nói của tao, của tao, của tao tối ngày
.

và, theo lối kinh doanh hơn, từ một bé trai:

Cha già Noel ơi, xin cha gửi cho con hai chiếc xe hơi và xin cho con cả một con đường nữa, xin làm ơn.

Một câu truyện “thêu dệt” kể rằng cậu bé Giêsu 5 tuổi chơi trò làm bánh nướng bằng đất, tạo nên những con chim sẽ bằng đất sét và nước, và, vì là ngày Sabát, Thánh Giuse ra la mắng Người. Chúa Giêsu không trả lời. Người vỗ tay và con chim sẽ bay đi. Thánh Giuse chắc hẳn phải lúng túng lắm, nhưng Chúa Giêsu thì không, vì mọi trẻ em, theo một nghĩa nào đó, có thể làm như thế: tưởng tượng. Nhưng ngày nay, người ta tưởng tượng đến thế nào?

Đồ chơi máy chém được chế tạo, những bộ tra tấn tí hon được làm ra, và đồ chơi súng ống mà chính cảnh sát, dù đến gần, cũng không thể phân biệt với đồ thật. Và ở đây, người ta cảm thấy chắc chắn Chúa Kitô sẽ làm lại điều Người đã làm một cách giận dữ, sự giận dữ của Thiên Chúa, tại Đền Thờ, đuổi những kẻ buôn tiền ra khỏi. Người gọi bọn họ là kẻ cướp.

Hết lần này đến lần khác, các người có suy nghĩ tìm cách đem Chúa Kitô trở lại Ngày Giáng Sinh. Một trong số họ là Thánh Phanxicô thành Assisi. Không như các Giám Mục và Cromwell, ngài không dùng bài giảng hay ngăn cấm, nhưng một điều cũng đơn giản như sự đơn sơ của ngài, Máng cỏ Giáng sinh.



Máng cỏ, được biết dưới tên praesaepe, vốn có trong các nhà thờ hàng thế kỷ trước ngài rồi, bắt đầu với sự tôn kính tại hang đá ở Bêlem vốn không phải là hang đá thật. Vào thế kỷ thứ hai CN, Hadrian, hoàng đế La Mã nổi tiếng, đã cố tình phạm thánh các thánh điểm của Kitô giáo; ông cho xây một đền thờ kính Adonis trên hang, trồng một lùm cây tại địa điểm, nhưng Constantinô đã phá hủy chúng và cho xây ngôi Vương cung Thánh đường Giáng Sinh vào năm 326 CN trên hang hiện nay, được cả sử gia Origen và Thánh Giustinô Tử Đạo thề là đúng địa điểm.

Praesaepe đầu tiên được thực hiện 7 trăm năm sau ở Rome, tại Nhà Thờ Đức Bà Cả; ý niệm này nhanh chóng truyền bá tới các nhà thờ khác, nhưng tất cả hào nhoáng với vàng và bạc, đá qúy và chạm trổ, rất khác xa với chiếc hang nhỏ xíu ở Bêlem đến nỗi Thánh Phanxicô, người nghèo nhất trong hàng các thánh, quyết định tạo ra các hang đá của dân thường tại làng Greccio, Ý.

Thánh Phanxicô nói, “tôi vui lòng làm một điều tưởng niệm Con Trẻ từng sinh ra ở Bêlem và một cách nào đó được nhìn thấy bằng mắt thịt các khổ cực thời thơ ấu của Người”.

Khổ cực chứ không vinh quang. Trong cánh rừng gần nhà thờ Greccio, một máng cỏ đã được chế tạo có cỏ khô, một con bò và một con lừa được dẫn vào.

Một vị vọng thấy nó, viết, “đây là sự đơn giản được tôn kính. Đức khó nghèo được vinh danh, đức khiêm tốn được khuyến khích và từ Greccio như thể một Bêlem mới được tạo ra. Đêm đen được thắp sáng như ban ngày và là một điều thú vị”.

Những “Bêlem” nhỏ bé khiêm nhường này, từ đó, đã được dựng tại các gia đình cũng như các nhà thờ, không phải bằng vàng và bạc, mà bằng gỗ và rơm, với những hình tượng bằng đất sét dùng hết năm này qua năm nọ. Ngôi sao có thể bằng kim tuyến, con bò con lừa có thể mất một chân, người chăn chiên có thể nghiêng để đổ, nhưng trọn câu truyện giáng sinh có ở đó và, trước khi trẻ em đi ngủ, chúng đốt nến máng cỏ và hát những bài ca mừng. Dĩ nhiên, máng cỏ xem ra trống rỗng; nhưng không, nó đang chờ đợi.

Có một truyện kể về Martin Luther, giáo sĩ nổi loạn, người có lẽ không đồng ý những cách trang trí Lễ Giáng Sinh, nhưng, vào đêm vọng Giáng Sinh, ông ra ngoài đi dạo, nhìn lên bầu trời trong sáng, gió lộng, được thắp sáng bởi hàng ngàn vì sao, và bỗng nhiên ông được thúc đẩy phải hạ một cây thông nhỏ và dựng nó ở phòng khách cho mấy đứa con của ông; cây này không có những đồ trang trí hay kim tuyến hoặc quà cáp, nhưng ông thắp sáng nó bằng “man vàn ngọn nến như hình ảnh sao trời từ đó Chúa Kitô sẽ xuất hiện”.

Nay, nến không hẳn bằng sáp ong nguyên chất, ngoại trừ các cây nến trong nhà thờ, vì không còn đủ ong, nhưng ngọn lửa sống động của chúng vẫn mang ý nghĩa hy vọng. Trong một số nhà thờ Kitô giáo, trong lễ thanh tẩy Đức Maria vào ngày cuối cùng của mùa Giáng Sinh, có buổi phụng vụ Lễ Nến. Khi người thờ phượng đi vào, mỗi người được trao cho một cây nến chưa đốt. Rồi, lúc kết lễ, vị linh mục đốt một cây nến từ bàn thờ. Các người giúp lễ đốt các cây nến của họ từ cây nến của ngài rồi đem tới cộng đoàn, mỗi người đốt lên cây nến của người đàn ông hay đàn bà và trẻ em gần nhất. Người này, đến lượt họ, đốt cây nến của người ngồi bên cạnh cho tới khi hết cây nến này đến cây nến nọ, hết ngọn bấc này đến ngọn bấc nọ, toàn bộ nhà thờ tràn đầy ánh sáng. Có lẽ, vẫn còn trong Lễ Giáng Sinh, sự tỏa sáng êm đềm đó ra khỏi cửa đi tới tận những nơi xa xăm, đi qua mỗi người chúng ta tới người khác, không như những cây nến, dĩ nhiên, nhưng là những cây nến, giống như các thiên thần, có những cải rang hết sức lạ lùng.

Đối với Luther, cây giáng sinh ấy hẳn xem ra bất tử, và chắc chắn, nếu bây giờ ông đã lên tới cái bầu trời đêm đông ấy, và nhìn xuống, hẳn đối với ông, chính các vì sao cũng dường như đang hạ cánh xuống mặt đất.

Ánh sáng từ một qalgi trải khắp miền tuyết Eskimo.

Qalgi là một nhà tuyết khổng lồ xây cho trò chơi và nhẩy múa Giáng Sinh thay cho lễ lạc giữa mùa đông xưa của người Eskimo, vốn cử hành ở lúc thay đổi đêm trường. Nó vẫn là một ngày lễ, với hàng vạc món hầm thịt caribou, món tủy từ xương đùi caribou, và cơm; và kết thúc với điệu vũ trống Eskimo.

Trong mùa hè nắng ấm ở Úc, đêm Giáng Sinh, các cây nến được đốt sáng để trang trí, được làm từ một thứ hoa lạ, hoa Chuông Giáng Sinh, vốn mang một chùm chuông nặng, đỏ tươi viền vàng; nếu rung chúng, các nhị của chúng kêu rung rinh và lách cách. Người Da Đỏ đốt cây đèn deeva, một cái bấc chập chờn trên một cái đĩa đất hình lá, và trong Lễ Giáng Sinh, họ quấn tay đèn bằng kim tuyến. Các thành phố lấp lánh ở mọi quốc gia; những thị trấn nhỏ xa xôi có hàng dẫy dây “đèn thần tiên”, loè loẹt, chúng chỉ là “thần tiên” nhưng chúng chiếu sáng.

Như thể khuôn mẫu huyền nhiệm đã đổi chiều: từ những thời đã mất, những nền văn minh bị quên lãng, những nơi chốn bị chôn vùi, buổi bình minh sinh hạ này lại trở về với Bêlem. Ngày nay, bất chấp, vì ngu dốt hay vì ngây thơ, hoặc cả hai, chúng ta đang làm gì hay đã làm gì cho Lễ Giáng Sinh, nó vẫn đã truyền bá từ từ, mạnh như xáp ong, như Tin Mừng Luca nói về Con Trẻ Kitô, và chúng ta có thể chắc chắn rằng, máng cỏ dủ nhỏ hay khiêm tốn, dù lớn lao và trang trí kim cương hột soàn bao nhiêu, vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, máng cỏ vẫn đầy. “Ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9).