Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Đức Bênêđictô XVI nghĩ gì khi đi qua vực thẳm tử thần

 Đức Bênêđictô XVI nghĩ gì khi đi qua vực thẳm tử thần

Theo Vatican, tình trạng sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI vẫn nghiêm trọng nhưng ổn định và ngài vẫn minh mẫn. Trong triều giáo hoàng của ngài và trước đó rất lâu, Đức Joseph Ratzinger đã nói rất nhiều về cái chết, là nhà thần học vĩ đại, mà cũng là con người, ngài đã thắc mắc và hy vọng.

lavie.fr, Flore Pierson, 2022-12-30


Đức Bênêđictô XVI cầu nguyện trước Tấm khăn liệm Thánh ngày 2 tháng 5 năm 2010.  ALESSIA GIULIANI/CPP/CIRIC

Năm 1977, giáo sư Joseph Ratzinger dạy thần học tín lý và lịch sử tín điều tại phân khoa thần học ở Tübingen, Đức. Năm đó, ngài đã xuất bản một chuyên luận gồm các bài ngài dạy, bản dịch tiếng Pháp có nghĩa đen là Cánh chung học. Cái chết và cuộc sống sau cái chết (Eschatologie. La mort et la vie après la mort.).

Năm 1977 cũng là năm ngài được Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm tổng giám mục München và Freising. Trong suốt cuộc đời, ngài luôn trở lại văn bản mà ngài xem là tác phẩm hoàn tựu nhất của mình, để thêm vào đó lời tựa hay thêm các chương. Ở Pháp, nhà xuất bản Fayard đã dịch và phát hành tác phẩm trong những năm 1990 với tựa đề Cái chết và đời sống bên kia (Mort et l’au-delà), quyển sách được tái bản tháng 4 năm 2005 sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

Vì sao cái chết là chủ đề yêu thích của ngài? Bản văn này và các bản văn khác nói gì với chúng ta suy nghĩ của ngài về vấn đề này?

Đời sống chúng ta trên Trái đất, đã là đời sống của Thiên đàng

Câu trả lời đầu tiên được tìm thấy trong Cái chết và đời sống bên kia. Đức Bênêđictô XVI khẳng định cái chết không phải là khởi đầu của một cuộc sống khác trên Thiên đàng, tôn vinh “cuộc sống đầu tiên” trên Trái đất, nhưng cuộc sống này cũng đã là cuộc sống của Thiên đàng – nếu chúng ta muốn.

Theo ngài, có một khả năng thực sự của cái chết trong cuộc sống của chúng ta: khác với việc đặt cược mọi thứ vào một “sau” giả định, một tồn tại biết cách tính đến cái chết sẽ ngay lập tức được biến đổi. Để sống sự biến đổi này, sự vĩnh cửu này trên Trái đất, chúng ta phải đối thoại với Chúa Giêsu: “Khi hiệp thông với Người được thiết lập, các giới hạn của cái chết sẽ được vượt qua.”

Ai sẽ nắm tay chúng ta trong đêm tối?

Tuy nhiên, Đức Bênêđictô XVI không phủ nhận viễn cảnh đáng sợ mà cái chết có thể dành cho con người. Trong bài suy niệm trước Tấm khăn liệm năm 2010, ngài đồng ý: “Chúng ta tất cả đôi khi cảm thấy mình bị bỏ rơi khủng khiếp, và điều làm chúng ta sợ hãi nhất trước cái chết chính là điều này, khi còn nhỏ, chúng ta sợ bị bỏ một mình trong bóng tối.”

Bóng tối này là bóng tối của Thứ Bảy Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu chết nhưng chưa sống lại, ngài khuyên chúng ta thấy “an ủi” và “hy vọng” nơi chính Thiên Chúa đã xuống thế mặc lấy thân phận con người của chúng ta cho đến cùng. Ngài gợi lên “sự đoàn kết triệt để nhất”. Theo nghĩa này, với ngài, chúng ta có thể tin Chúa Giêsu sẽ nắm lấy tay chúng ta khi chúng ta đi qua “cánh cửa tăm tối của tử thần”: “Chúng ta có thể lắng nghe tiếng gọi mình và tìm được bàn tay đưa ra để chúng ta nắm và dẫn chúng ta ra ngoài.” Đó là âm hưởng của Thánh vịnh 22: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.”

“Sắp tới đây, tôi sẽ phải đối diện với quan tòa cuối cùng của đời tôi.”

Bên kia “cánh cửa” này, Đức Bênêđictô XVI thực sự xem mình phải vượt qua “một kỳ thi”. Chúng ta cảm nhận qua thuật ngữ này một phản ứng đầu tiên, tự phát, sợ hãi. Nó phù hợp với hình ảnh của Phán xét cuối cùng, cho thấy các linh hồn được cân trên bàn cân. Cán cân nghiêng về phía nào cho tôi? Tôi vượt qua thanh chắn để đủ điều kiện cho cuộc thi thiên đàng đây không? Chúng ta không biết đây có phải là những hồi ức của người đi tìm, phải chiến đấu để vượt qua tất cả các giai đoạn của quá trình đại học và có lẽ đã lưu lại một chấn thương.

Dù sao Đức Bênêđictô cũng không giấu phản ứng bình thường này của con người, mà cũng là của ngài, nỗi sợ vì đã không làm đủ tốt trong suốt cuộc đời mình. Vì vậy, trong báo cáo về các vụ lạm dụng đã xảy ra ở tổng giáo phận Munich và Freising được công bố rất gần đây, tháng 2 năm 2022, ngài viết: “Tôi sẽ sớm phải đối diện với quan tòa cuối cùng đời tôi.” Và ngay sau đó ngài viết: “Nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi (có thể) có nhiều lý do để kinh hãi và sợ.”

Nhưng Đức Bênêđictô XVI tiếp tục: “Lòng tôi vẫn vui mừng vì tôi tin chắc Chúa không chỉ là quan tòa công bằng mà còn là người bạn, là người anh đã chịu đau khổ vì những thiếu sót của tôi và vì thế ngài là luật sư của tôi.” Quan tòa và đồng thời là luật sư, đây là điều sẽ không khỏi gây sốc cho các luật gia, nhưng Đức Bênêđictô XVI còn đi xa hơn nữa: vị quan tòa vừa là luật sư vừa là bạn của chúng ta. “Về điều này, luôn đến trong tâm trí tôi chương đầu của sách Khải Huyền: Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: ‘Đừng sợ! Ta đây…’.”

Trên thực tế, theo Đức Bênêđictô chính con người chọn phán quyết của mình. Trong Cái chết và đời sống bên kia, ngài viết: “Còn sự phán xét thì sao? Chúa Kitô không kết án bất cứ ai, Ngài là sự cứu rỗi thuần túy; nguyền rủa là hành động của con người cô lập chính mình và từ chối Thiên Chúa.” “Khi hấp hối, (…) trò chơi mặt nạ của một cuộc đời ẩn náu sau những quan điểm hư cấu đã kết thúc.” : cái chết như một khoảnh khắc của chân lý và tự do tuyệt đối, khi đó con người chọn yêu mến Thiên Chúa hay không.

Đắm chìm trong tình yêu vô tận

Một trong những mối quan tâm lớn của con người là cuộc sống sẽ như thế nào sau khi chết. Ẩn số này không thể tiết lộ. Trong thông điệp Được Cứu rỗi trong Hy vọng (Spe salvi) năm 2007, Đức Bênêđictô XVI vẫn cố gắng hướng tâm trí chúng ta đến việc cho rằng cuộc sống vĩnh cửu không thể so sánh với tính chất tạm thời như chúng ta biết: một chuỗi ngày bị đánh dấu bởi “mệt mỏi”. Một “đời sống đời đời” như vậy chỉ có thể làm chúng ta chùn bước.

Vì thế, đời sống đời đời mang đến một sự vĩnh cửu thoát khỏi thời gian theo trình tự thời gian, không phải là hình ảnh đóng khuôn nhưng là hình ảnh năng động. Đức Bênêđictô XVI nói về việc “chìm sâu vào tình yêu vô biên”. Trong các cuộc phỏng vấn với nhà báo Peter Seewald, ngài đề cập đến Thánh Augutinô, người hiểu thánh vịnh “Hãy luôn đi tìm dung nhan Ngài” có giá trị cho vĩnh cửu. Điều “luôn luôn” này được phép do Thiên Chúa “vĩ đại đến nỗi chúng ta sẽ không bao giờ biết hết”. Đức Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh đến niềm vui viên mãn mà điều này sẽ mang lại cho chúng ta, như Tin Mừng Thánh Gioan nói: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.”

Về nhà

Vì thế thần học gia Bênêđictô XVI, qua trí thông minh của ngài đã cố gắng diễn dịch những gì Thiên Chúa đề xuất trong cái chết, để trả lời cho những lo lắng của con người. Nhưng ngài không đánh mất mối liên hệ với sự hiểu biết tự phát của mình với bí ẩn này. Năm 2012, tại Milan, trong Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ VII, ngài đã trả lời một bé gái Việt Nam xin ngài kể vài chuyện về thời thơ ấu của ngài. Sau khi nói về một gia đình đoàn kết và vui vẻ, với những ngày chúa nhật là trọng tâm của đời sống gia đình và với rất nhiều âm nhạc, ngài kết luận: “Thành thật mà nói, nếu tôi tưởng tượng một chút về gì sẽ xảy ra trên Thiên đàng, thì theo tôi, dường như đó luôn là khoảng thời gian của tuổi trẻ, của thời thơ ấu của tôi. Vì vậy, trong bối cảnh của tin tưởng, niềm vui và tình yêu này, chúng tôi đã rất hạnh phúc và tôi nghĩ trên Thiên đàng, điều này cũng sẽ tương tự như thời trẻ của tôi. Theo nghĩa này, tôi hy vọng được về ‘nhà’, đi đến ‘phần bên kia thế giới’.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2022/12/31/duc-benedicto-xvi-nghi-gi-khi-di-qua-vuc-tham-tu-than/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét