Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Chương 6 Tình dục: và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp!

 Tình dục: và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp!

Chương 6 sách Công giáo trong tự do




Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

renepoujol.fr, René Poujol, 2021-19-12

Vào thời điểm mà báo cáo Ciase cho thấy sự cần thiết Giáo hội công giáo phải “sàng lọc học thuyết của mình về tình dục” vốn có thể liên quan đến các lệch lạc của tội phạm ấu dâm trong hàng ngũ giáo sĩ thì chúng ta cần phải tự hỏi. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích sự bất lực không có được cái nhìn tin tưởng, nhân từ về tình dục của con người, mở rộng tầm nhìn cho sự khác biệt và cho vấn đề sinh sản, nếu cần?

Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp

Nói cách khác, tình dục từ lâu đã trở thành mấu chốt bất hòa giữa Giáo hội và xã hội. Chắc chắn luôn là như vậy. Không cần phải là giáo sĩ vĩ đại – có người sẽ nói họ tốt nghiệp trường danh tiếng Cao đẳng Hành chánh ENA – để thấy rằng việc giảng dạy của họ trong lãnh vực không làm nhiều người quan tâm. Và chắc chắn họ đã đóng góp, ở một mức độ lớn lao trong suốt hậu bán thế kỷ 20, để loại ra khỏi nhà thờ hàng triệu người đàn ông, đàn bà thiện chí, quyết không để mình bị sai khiến, bị cấm đoán bởi những giáo sĩ chọn lựa cho mình bậc sống độc thân… để kiềm chế. Và không phải những vụ tai tiếng ấu dâm lặp đi lặp lại, được gán cho hàng giáo phẩm sẽ sửa chữa mọi thứ. Khi việc đào tạo dành cho các linh mục trong vấn đề này, bị ám ảnh bởi ý tưởng tội lỗi, không cho phép họ phân biệt giữa các mối quan hệ mật thiết, giữa sự đồng thuận của người lớn và bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc những người dễ bị tổn thương… thì khi đó khái niệm “chuyên ngành về nhân loại” mà Giáo hội thích dùng đã trở nên không thể chấp nhận được. Và những người đương thời của chúng ta tự nhiên tìm thấy ở đây, liên quan đến tình dục, câu trả lời người Athêna nói với Thánh Phaolô khi ngài cố gắng thuyết phục họ về sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy.”

Một lời dạy chỉ được một thiểu số nghe.

Yếu tố làm nặng thêm: sự phân chia giữa những người “vâng lời” và những người “thờ ơ” với huấn quyền về những vấn đề luân lý tình dục này, vượt qua chính các tín hữu. Thật đáng thương khi thấy các giám mục của chúng ta ngạc nhiên và cảm thấy khó hiểu đến mức nào, khi họ thấy trong cuộc thăm dò về tình dục, ý kiến của người công giáo cũng ở mức trung bình với người Pháp. Vì thế có một cám dỗ rất mạnh đổ lỗi cho sự suy sụp về phong tục tập quán trong xã hội chúng ta. Tôi không phủ nhận chủ nghĩa khoái lạc đang thành công với chúng ta như nó đã thành công ở những nơi khác, vào những thời điểm khác trong lịch sử các nền văn minh; cũng không phải nội dung khiêu dâm nuôi dưỡng từ những năm đầu tuổi trẻ lâm nghiện, là điều hoàn toàn trái ngược với những say mê của tình yêu. Nhưng hãy tưởng tượng, đứng trước thực tế này cũng như nhiều thực tế khác, chỉ cần nói đến “đúng thời hoặc ngược thời” và rút ra những đoạn thích hợp trong giáo lý của Giáo hội công giáo là không có một hiệu quả nào và thường đưa ra quá nhiều chất vấn, chính xác là tính thích đáng với những gì chúng ta tiếp tục dạy.

Giáo hội từ dè chừng giới tính… đến nghi ngờ

Bi kịch, nếu có một bi kịch, là Giáo hội vẫn kiên trì, bất chấp mọi trở ngại, không chịu chấp nhận những đòi hỏi nào đó của một nền nhân học với mục đích phổ quát, nơi mà đa số người dân chỉ đơn thuần cố gắng sống với thực tế của họ. Không phải là không có đòi hỏi về đạo đức. Bởi vì cuối cùng: khẳng định lại với sự kiên định – tôi sẽ viết: với sự cứng đầu – rằng chỉ những mối quan hệ tình dục trong khuôn khổ của một cuộc hôn nhân dị tính không thể phân ly mới hợp pháp về mặt đạo đức, với điều kiện vẫn để ngỏ cho sự truyền giống… đây đúng là sự phủ nhận ghê gớm nhất, không chỉ của thực tế mà còn cả với đạo đức thông thường được chấp nhận. Và không ai phản đối tôi làm chứng cho các cặp vợ chồng, trung thành với huấn quyền, sống theo đòi hỏi này như con đường nên thánh… Tôi có lòng kính trọng họ sâu xa, nhưng điều này không thuyết phục tôi về giá trị của kỷ luật họ tự ràng buộc. Giáo hội dè chừng với giới tính! Chắc chắn họ có một vài lý do. Nhưng đến mức tự phát nuôi dưỡng nghi ngờ với tình dục thì điều đó vượt ra ngoài suy nghĩ thông thường. Một ngày nọ tôi còn nghe hồng y Decourtray nói trước đông đảo cử tọa nơi tôi ở, rằng ngài vừa trải qua một trong những niềm vui lớn nhất trong đời linh mục của ngài. Một cặp vợ chồng sắp năm mươi tuổi, cả hai nói với ngài, từ nay họ quyết định sống như anh chị em với nhau… Một thiên thần bay qua… ở đây là hai!

Ngoài hôn nhân, không có lạc thú!

Mùa hè năm 2012, cảm nhận được cơn bão sẽ khuấy động cuộc tranh luận của quốc hội về dự luật Taubira mở ra cho hôn nhân đồng giới – tôi không lường được tầm rộng lớn của nó – tôi đăng trên blog của tôi một số suy nghĩ về tình dục, và tôi đã nhận các phản hồi công kích từ môi trường công giáo. Họ tiếp tục suy diễn suy nghĩ của tôi một cách trung thực, đến mức tôi phải trích chúng ra ở đây. Từ ý tưởng, nay đã bị khoa học phủ nhận, rằng động vật chỉ giao cấu để sinh sản, luân lý công giáo đã kết luận, đây cũng là ý của Chúa đối với tạo vật hoàn chỉnh nhất, được yêu thương nhất của Ngài: nhân loại, đàn ông và đàn bà. Nhân danh “đạo lý tự nhiên”, không có tình dục ngoài truyền giống. Và hôm nay cũng như hôm qua: không có khoái cảm đơn độc, tình dục vị thành niên, sống thử ngoài hôn nhân, đồng tính luyến ái tích cực, cái gọi là tránh thai nhân tạo… “Nghĩa vụ vợ chồng” duy nhất, may phước, không phải không có tình yêu hay quyền được hưởng lạc, một lần nữa không cần phải đào bới quá nhiều để tìm ra những điều cấm!

Nếu Kinh thánh rõ ràng lên án thói thủ dâm và thói tình dục hậu môn, đến mức cho đến ngày nay vẫn là cơ sở cho những “điều cấm” của sách giáo lý… thì nó cũng mô tả một số tình huống, tất cả đều “không phải là công giáo cho lắm.” Điều này không có nghĩa là Giáo hội chấp thuận chúng. Chính Chúa đã xin tiên tri Ô-sê cưới một cô gái điếm; chính hai cô con gái của bà Lốt đã chui vào giường của cha mình; đó là chế độ đa thê tổng quát hóa giữa các tộc trưởng đến mức mười hai con trai ông Gia-cốp – từ đó là mười hai chi tộc Israel – thuộc bốn giường “cùng một lúc”: hai vợ và hai thê thiếp của ông. Ai mà chẳng bao giờ tự hỏi, cũng hơi xấu hổ, làm sao Ca-in có thể có con, nếu không ngủ với Ê-va, mẹ của mình?

Với người dân Do thái, liên kết giữa tình dục và khả năng sinh sản là điều kiện để sống còn

Nếu tất cả những điều này có ý nghĩa, điều tôi tin chắc sẽ là điều này: làm thế nào một dân tộc nhỏ bé như dân tộc do thái, dân được chọn, dân của một Chúa duy nhất, đang sống dưới sự đe dọa thường xuyên của nạn đói, dịch bệnh, của tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, của sự thù địch của các bộ tộc lân cận, được sống sót nếu tình dục của người này người kia ra khỏi nhiệm vụ duy nhất là sinh nhiều con cháu? Theo tôi, điều này đủ giải thích cho những cấm đoán (thủ dâm, quan hệ đồng tính), những dung thứ (loạn luân, đa thê…). Và chúng ta có thể thấy những mệnh lệnh tương tự, thường có tính chất tôn giáo trong các xã hội khác trước các mối nguy hiểm tương tự.

Nếu “đạo đức tự nhiên” và đơn giản có ý thức chung – dù dường như nó không còn được mọi người chia sẻ – tiếp tục nói với chúng ta vào đầu thiên niên kỷ mới, rằng cần phải có một người nam và một người nữ để mang sự sống đến cho một em bé hoặc ít nhất có những đóng góp sinh học của nam giới và nữ giới, họ khó có thể biện minh cho hành vi tình dục bị cho là vô đạo đức khi hành vi này loại cùng đích sinh sản nào ngay lập tức. Có phải trong bản chất con người, được tạo ra bởi Thiên Chúa, cho phép mình bị nhốt trong hình thức thuyết sinh học đến mức quên họ được kêu gọi để biến đổi tình trạng của mình và mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình không? Điều chúng ta gọi là văn hóa! Mặt khác Tin Mừng không phải là lời mời liên tục vượt ra ngoài bản chất đơn thuần để hình thành một nền đạo đức đó sao? Điều gì có thể ít “tự nhiên” hơn mệnh lệnh yêu kẻ thù của mình.

Tôi hiểu rõ dù nhân loại không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng một số quốc gia, nhất là các nước Tây Âu đang trải qua nạn suy giảm nhân khẩu trầm trọng và dân số già đi gấp đôi. Đối diện với giới trẻ của thế giới hồi giáo, một số không ngần ngại cho rằng Giáo hội công giáo, “dân được chọn mới” – một luận điểm được gọi là “thay thế” ngày nay bị Giáo hội từ bỏ – sẽ bị đe dọa về mặt thể lý, biện minh qua việc duy trì các chuyện cấm. Bị đe dọa về số lượng và trong chính cấu trúc  giáo hội của mình. Tôi vẫn còn nghe, trong căn phòng êm dịu của Vatican, một Đức ông bình tĩnh giải thích với tôi việc hợp pháp hóa các biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng công giáo, thì cũng như việc từ bỏ các gia đình đông con, những gia đình duy nhất có thể có ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đúng, đó là sự thật của thế kỷ trước…

Tất nhiên, người ta có thể tự hỏi quyền nào mà một “dân tộc công giáo nhỏ bé” cho rằng mình bị đe dọa bởi chính sự tồn tại của mình, lại áp đặt đạo đức sống còn cho một thế giới thế tục hóa, để trước hết, lo lắng kiểm soát các nguy cơ dân số quá đông, cho phép mỗi người có một sự tồn tại xứng đáng. Mặc dù, như chúng tôi đã nói, một tuyên bố như vậy, nếu nó vẫn tồn tại, hoàn toàn là viển vông. Nhưng điều nghiêm trọng nhất là ở chỗ khác. Đối với người công giáo, việc tiếp tục tê cứng trong tầm nhìn về tính dục này sẽ lên án họ: thu mình vào bè phái, kỳ thị hoặc thậm chí loại trừ những người trong số họ – đặc biệt là những người đồng tính – những người không nhận ra trong đạo đức giảng dạy Tin Mừng này. Bằng cách đặt ở đây một loại văn hóa phản văn hóa, bằng cách bác bỏ mọi ý tưởng phát triển học thuyết của mình, Giáo hội có làm cho mình mất cơ hội có thể chia sẻ với những người cùng thời với chúng ta, ý nghĩa sâu xa của tình dục trong kế hoạch của Chúa, vốn suy diễn từ việc đọc Kinh thánh theo trào lưu chính thống không?

Những điều cấm đã trở nên không thể hiểu nổi

Ngày nay, tôi thấy sự lên án điên rồ về mặt đạo đức đối với quan hệ tình dục trước hôn nhân ở các quốc gia chúng ta, khi trung bình tuổi kết hôn ở đây là ba mươi – và chúng ta vẫn làm vậy – trong khi độ tuổi trưởng thành về tình dục của thanh niên vẫn không thay đổi. Từ hàng ngàn năm nay, chưa bao giờ yêu cầu tiết dục trước hôn nhân, thời gian trung bình bây giờ là mười lăm năm, lại nặng nề như vậy. Thế giới do thái vào thời Chúa Giêsu, người dân kết hôn lúc mười ba tuổi. Romeo và Juliet chưa quá mười lăm tuổi khi người anh Laurent công nhận họ là vợ chồng trẻ. Như thế tuổi dậy thì và hôn nhân đã trùng hợp trong nhiều thế kỷ và vẫn trùng hợp trong một số xã hội, không phải là không có vấn đề. Liệu ngày nay, nhân danh đạo đức trừu tượng, chúng ta có thể bỏ qua thực tế xã hội và sinh học này không? Chúng ta biết ở các vùng đất hồi giáo, các vụ tấn công tình dục gia tăng rất nhiều với phụ nữ, xuất phát từ sự thất vọng của giới trẻ phải kết hôn cho được với một cô còn trinh. Và đồng tính “bù trừ” là điều phổ biến ở đó.

Cũng như việc cấm các biện pháp tránh thai nhân tạo một cách điên rồ. Ngay cả khi một thế hệ phụ nữ trẻ mới, tham gia vào cuộc chiến sinh thái, bày tỏ sự chọn lựa hàng đầu của họ là các phương pháp tự nhiên, họ từ chối ba chuyện: không giao cuộc sống riêng tư của mình cho chế độ độc tài y học và khoa học; làm ô nhiễm nguồn nước ngầm khi thải nội tiết tố; làm mập các công ty dược phẩm. Nhưng khi một cặp vợ chồng chấp nhận hình thức sinh sản có một không hai này là quà tặng của cuộc sống, thì vì sao đòi hỏi mỗi hành vi tình dục phải có tiềm năng mở ra? Có phải đúng hơn là để họ tự quyết định làm thế nào để điều chỉnh mức sinh này theo những ràng buộc của sự tồn tại của chính họ?

Nghĩa vụ luân lý điên rồ buộc những người đồng tính phải sống tiết dục suốt đời. Tình dục “trái tự nhiên” nếu người ta cho rằng nó phải duy trì, cho tất cả, có khả năng mở ra cho sinh sản, dù đó không phải là cùng đích duy nhất của nó. Nhưng chúng ta có thể đoán, ngoài việc đọc theo chủ nghĩa chính thống các lời lên án trong Kinh thánh và mệnh lệnh nhân khẩu học đã được đề cập, điều gì làm thể chế giáo hội sợ hãi. Chúng ta biết vị trí trọng tâm của bậc sống độc thân. Chắc chắn sẽ dễ dàng hơn để có được sự tiết dục mong chờ nơi các linh mục, khi tính dục của các giáo dân bị “đóng khung” trong quan niệm hôn nhân dị tính sinh sản và đòi hỏi khiết tịnh. Thừa nhận một hình thức “khả năng sinh sản xã hội” cho các cặp đồng tính; để tắt tiếng lên án các hành vi khi họ đã sống trong mối quan hệ ổn định, chẳng phải là đã đưa con sâu vào quả không? Ngày nay, một nỗi sợ hãi đã được khẳng định – không phải là vượt quá – qua những tiết lộ trong cuốn sách Sodoma của tác giả Frédéric Martel, về đồng tính trong Giáo hội.

“Xin thương xót mọi tội lỗi”… còn phải có tội thật sự ở đây!

Đối diện với những thực tế này, sự cởi mở về mục vụ của Đức Phanxicô bao gồm việc làm sống lại câu ngạn ngữ công giáo cũ “xin thương xót mọi tội lỗi”. Ngoại trừ, những gì là tội lỗi trong luật Giáo hội không còn được những người trong cuộc nhận thức và sống như vậy: kể cả những người trẻ chọn cách bày tỏ tình yêu của họ không chỉ bằng lời, các cặp vợ chồng dùng biện pháp tránh thai, cũng như những người đồng tính. Làm phai nhạt ý thức đạo đức? Không nhất thiết ! Vì vậy, khi nói đến cuộc khủng hoảng mà Giáo hội và tương lai công giáo phải đối diện, vấn đề – điều cấm kỵ cho đến ngày nay – được nêu ra cho một cải tổ học thuyết, trong thực tế, bao gồm một cái nhìn khác về tính dục con người không chỉ từ Kinh thánh mà còn từ những gì người tín hữu sống, mà qua đó chúng mang lại ý nghĩa.

Hãy nhìn xung quanh chúng ta. Trong khi giáo huấn của Giáo hội về tình dục chỉ còn được một nhóm nhỏ tôn trọng, các xã hội phương Tây chúng ta đã “hàng hóa hóa” tình dục và thúc đẩy chủ nghĩa khoái lạc đến một cách tàn khốc. Tuy nhiên, trước nguy cơ tôi phải lặp lại, việc tưởng tượng chiến đấu hữu ích chống lại chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tự do, đơn giản bằng cách quay trở lại chủ nghĩa đạo đức kitô giáo là điều không tưởng. Ưu tiên của Giáo hội là gì, hay chính xác hơn, Giáo hội đứng ở đâu nhất trong sự thật sứ mệnh của mình: bất chấp mọi thứ, duy trì chống lại mọi cấm đoán mà nền tảng thần học của chúng đôi khi có vẻ không chắc chắn, hoặc đặt cược hào phóng để kêu gọi mỗi người đến với tự do và trách nhiệm của tình dục “trưởng thành”, phù hợp với sự sáng tạo này mà sách Sáng thế ký nói với chúng ta “Thiên Chúa thấy thế là điều tốt đẹp”?

Tôi không sống trên hành tinh nào khác ngoài “ngôi nhà chung” của chúng ta, tôi quan sát chung quanh tôi, rằng người trẻ các thế hệ, có sử dụng hoặc không sử dụng biện pháp tránh thai, có sống chung hoặc không sống chung trước hôn nhân, hiếm khi họ có quan hệ tình dục bông lông, nhưng họ đi tìm sự chung thủy và một tình yêu sinh sản; Tôi quan sát thấy rằng những người đồng tính mà tôi biết thường gắn bó với nhau nhất, sâu sắc và lâu dài, tôn trọng bản thân và người khác, trên hết họ mong được công nhận trong tình anh em và xã hội đi kèm, với một số người trong số họ, điều này là đúng và tôi sẽ trở lại nói về vấn đề này, về tình trạng hôn nhân thực sự và đôi khi là tình cảm cha mẹ.

Chúng ta chỉ chia sẻ toàn những chuyện cấm thôi sao?

Chẳng phải người công giáo chúng ta nên cống hiến cho nhau, cho xã hội mà chúng ta đang sống, hơn là chỉ lặp đi lặp lại những chuyện cấm đã trở nên khó hiểu và vô hiệu đó sao? Phải chăng, đã không có gì khi nói với mọi người, dưới ánh sáng của Tin Mừng, rằng hãy tin tưởng vào người khác, lòng trung thành, sự đoàn kết, vượt qua sự hữu hạn của bản thân bằng món quà của sự sống hoặc tất cả những hình thức sinh sản quãng đại khác, từ bỏ hoàn toàn trong niềm vui được cho và nhận, hay tự nguyện lựa chọn tiết chế trong món quà của chính mình, mang đến trải nghiệm hoàn hảo nhất về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta không? Con người, đàn ông và đàn bà, không bao giờ ngừng xây dựng mình trong tự do, miễn là họ biết nhìn đúng, cao và xa? Và ước gì họ được giúp!

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2022/12/17/tinh-duc-va-thien-chua-thay-the-la-tot-dep/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét