Năm 2022 của Đức Phanxicô trong 10 con số
cath.ch, I. media, 2022-12-19
Quan hệ ngoại giao, phong thánh, cải cách Giáo triều, Thượng hội đồng… Rất nhiều vấn đề chiếm trọn tâm trí Đức Phanxicô trong năm sắp kết thúc. Chúng ta cùng nhìn lại các con số này trước khi bước qua năm mới 2023, năm kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của ngài.
Quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh: 1
Ngày 4 tháng 11, Tòa Thánh và Vương quốc hồi giáo Oman công bố họ đồng ý “thiết lập quan hệ ngoại giao”. Một thông báo tượng trưng được đưa ra khi Đức Phanxicô đang thăm Bán đảo Ả Rập, Bahrain.
Ngoài quốc gia mới này, hiện nay Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 184 Quốc gia. Các quốc gia hiện không có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh là Ả Rập Saudi, Bhutan, Brunei, Trung quốc, Comoros, Bắc Triều Tiên, Lào, Maldives, Somalia, Tuvalu và Việt Nam. Tuy nhiên, ở Brunei, Comoros, Lào và Somalia, Tòa Thánh có các đại diện, riêng ở Việt Nam có một “đại diện của giáo hoàng”. Với Trung quốc, năm 2022 Tòa Thánh gia hạn một thỏa thuận được ký năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục.
Các chuyến tông du: 4 chuyến quốc tế và 4 chuyến tại Ý
Dù bị đau đầu gối ảnh hưởng đến việc đi đứng, Đức Phanxicô cũng đã có 8 chuyến tông du trong năm 2022 , 4 chuyến quốc tế và 4 chuyến trong nước Ý. Ngày 2 và 3 tháng 4, ngài đi Malta. Sau đó vào đầu tháng 7, ngài hoãn chuyến đi châu Phi vị bị đau đầu gối. Nhưng từ ngày 24 đến 30 tháng 7, ngài vượt Đại Tây Dương đi Canada hành hương sám hối, ngài xin người dân bản địa tại đây tha lỗi cho những việc Giáo hội đã làm không đúng trong quá khứ.
Sau kỳ nghỉ hè, ngài đi Aquila để thăm người dân bị trận động đất năm 2009 và mộ giáo hoàng Celestine V, người tự nguyện từ chức trước Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm năm 2013. Ngày 13 đến 15 tháng 9, Đức Phanxicô đi Kazakhstan, Trung Á để dự đại hội liên tôn. Sau đó ngày 24 tháng 9 ngài đi Assisi để dự diễn đàn các nhà kinh tế trẻ và ngày 25 tháng 9 ngài đi Matera để dự lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Ý. Chuyến tông du quốc tế cuối cùng của ngài trong năm 2022: từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11, ngài đi Bahrain, bán đảo Ả Rập. Cuối cùng, ngày 19 và 20 tháng 11, ngài đi Asti, nước Ý để dự sinh nhật lần thứ 90 của người chị họ vùng Piedmont, một chuyến đi riêng thăm gia đình.
Phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông: 11
Năm 2022, Đức Phanxicô thực hiện 11 cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông khác nhau, trong đó có 3 cuộc phỏng vấn trên báo viết của Ý: nhật báo Il Corriere della Sera (3 tháng 5); nhật báo Napolitan Il Mattino (18 tháng 9); và nhật báo Turin La Stampa (18 tháng 11). Ngài cũng có ba cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý, trên Rai Tre cho chương trình trò chuyện rất nổi tiếng Che tempo che fa (6 tháng 2), trên Rai Uno với chương trình A Sua Immagine (15 tháng 4) và trên Rai Uno the Easter Sunday (17 tháng 4). Ngài cũng trả lời trên hai phương tiện truyền thông Argentina – nhật báo La Nacion (21 tháng 4) và cơ quan quốc gia Telam (1 tháng 7) – và đài truyền hình Bồ Đào Nha TVI (4-5 tháng 9).
Ngoài cuộc phỏng vấn với các biên tập viên của tạp chí Dòng Tên Văn minh Công giáo La Civilta Cattolica ngày 14 tháng 6, ngài cũng đã có buổi nói chuyện với cơ quan Reuters của Anh (4-8 tháng 7) và với trang Dòng Tên America (28 tháng 11). Một số phỏng vấn đã gây xôn xao vì các nhận xét của ngài, đặc biệt là khi ngài nói về nước Nga. Trong bài báo Corriere della Sera, ngài cảnh báo Thượng phụ Kyrill không nên là “chú giúp lễ cho Putin” đã làm cho tòa thượng phụ Nga tức giận, kéo theo nhiều tháng lạnh nhạt trong quan hệ hai bên. Giáo hoàng cũng đã bị Điện Kremlin phản đối dữ dội khi ngài trả lời trên báo America về sự tàn ác của người Chechnya và Buryats, hai dân tộc thiểu số tham chiến trong các cuộc xung đột ở Nga.
Ngoài ra, ngài cũng xuất bản hai quyển sách-phỏng vấn: Từ người nghèo đến giáo hoàng, từ giáo hoàng đến thế giới (Des pauvres au pape, du pape au monde, nxb. Seuil, 1 tháng 4), ngài nói chuyện với những người sống bên lề xã hội. Và Nhân danh Chúa, tôi xin bạn… 10 lời xin xem lại các quan tâm trong triều giáo hoàng của ngài (Vi chiedo in nome di Dio, nxb. Piemme, ngày 18 tháng 10).
12 vị thánh mới
Ngày 15 tháng 5 – 2022, kể từ sau đại dịch Covid, Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô để phong thánh cho mười chân phước, trong đó có ba người Pháp: Charles de Foucauld (1858-1916), César de Bus (1544-1607) và Marie Rivier (1768-1838) và các thánh khác, linh mục Hà Lan Titus Brandsma (1881-1942), nhà báo tử đạo trong thời quốc xã, nữ tu người Ý Marie of Jesus (1852-1923), Louis Marie Palazzolo (1827-1886), Justin Russolillo (1891-1955), Marie François Rubatto (1844-1904), Maria Domenica Mantovani (1862-1934) và giáo dân tử đạo Ấn Độ Lazare Devasahayam Pillai (1712-1752).
Ngày 9 tháng 10, Đức Phanxicô thêm vào lịch các thánh hai thánh người Ý: Jean-Baptiste Scalabrini (1839-1905), giám mục sáng lập các tu hội giúp người di cư ngày nay mang tên ngài, “scalabrinian”, và Artemide Zatti (1880-1951), giáo dân Salêdiêng gốc Ý, bác sĩ tại Argentina.
Các bộ được Hiến chế thành lập: 16
Ngày 19 tháng 3, Đức Phanxicô công bố tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium cho Giáo triều Rôma, Praedicate evangelium. Thành lập 16 “bộ” thay cho các “cơ quan” hay “hội đồng giáo hoàng” cũ: bộ Truyền giáo; Bộ Tín Lý; bộ Phục vụ từ thiện; bộ Giáo hội Đông phương; bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích; bộ Phong thánh; bộ Giám mục; bộ Giáo sĩ; bộ Đời sống Thánh hiến và Đời sống Tông đồ; bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống; bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo; bộ Đối thoại liên tôn; bộ Văn hóa và Giáo dục; bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện; bộ các văn bản pháp luật; bộ Truyền thông.
Văn bản có hiệu lực vào tháng 6 tương đối hóa vị trí ưu việt của Phủ Quốc vụ khanh, giảm xuống thành vị trí của một “ban thư ký của giáo hoàng” đơn giản và được đặt ngang hàng với tất cả các bộ và cơ quan khác của Giáo triều. Hiến pháp thể chế hóa một cực kinh tế, một trong những cải cách vĩ đại của triều Đức Phanxicô.
Tân hồng y: 20
Ngày 27 tháng 8, Đức Phanxicô phong 20 tân hồng y, 16 hồng y cử tri và 4 hồng y không cử tri. Trong số các tân hồng y cử tri có: ba giám chức làm việc tại Vatican (người Anh, Hàn Quốc và Tây Ban Nha), một người Pháp – Jean-Marc Aveline, 63 tuổi, tổng giám mục Marseille –, hai hồng y Ý (trong đó có một người đang truyền giáo ở Mông Cổ), hai hồng y châu Phi (Nigeria và Ghana), bốn hồng y châu Mỹ (hai Brazil, một Hoa Kỳ và một Paraguay), 5 hồng y châu Á (hai Ấn Độ, một Singapore, một Đông Timor và một Hàn Quốc đang phục vụ trong Giáo triều).
Và 4 tân hồng y trên 80 tuổi. Công nghị mùa hè – một công nghị ngoại thường – được triệu tập cùng lúc với cuộc họp thượng đỉnh để thảo luận về Hiến pháp mới của Giáo triều Rôma, đã làm mọi người ngạc nhiên. Tổng giám mục danh dự Lucas Van Looy, giáo phận Ghent (Bỉ), ban đầu có tên trong danh sách các tân hồng y, nhưng bị cáo buộc đã che đậy các hành vi lạm dụng nên tổng giám mục đã xin giáo hoàng bỏ việc bổ nhiệm này. Và tân hồng y Ghana Richard Kuuia Baawobr, bị đau tim trong thời gian đến Rôma dự công nghị đã qua đời ngày 27 tháng 11. Vắng mặt trong công nghị, nhưng ngài được nhận danh hiệu hồng y.
Phiên tòa xét xử tòa nhà ở London: 42
Kể từ phiên điều trần đầu tiên ngày 27 tháng 7 năm 2021 đến nay, phiên tòa xét xử trên quy mô lớn vụ “tòa nhà ở London”, đã có không dưới 42 phiên tòa diễn ra. Thẩm phán Giuseppe Pignatone thông báo ông sẽ phải nghe khoảng 200 nhân chứng điều trần cho phiên tòa kéo dài này, một trong những bị cáo là hồng y Angelo Becciu, bị tòa án buộc tội tham ô, lạm quyền trong một băng nhóm có tổ chức và hối lộ các nhân chứng.
Tháng 10 năm ngoái, thẩm phán bực mình cho cách đối xử của bên bị cáo cũng như nguyên cáo, chỉ trích họ đã lặp lại những gì đã có trong các hành vi. Ông quá bực tức: “Chúng ta sẽ kết thúc không phải vào năm 2050 mà là vào năm 2070,” ông than phiền tiến trình “đã quá bão hòa” do không tuân thủ các thủ tục.
Đến đền thờ Đức Bà Cả: 100 lần
Ngày 2 tháng 11, trước khi lên đường đi Bahrain, Đức Phanxicô đã đến cầu nguyện ở đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện với Đức Mẹ như thường lệ trước mỗi chuyến tông du và khi về hoặc trong những dịp quan trọng. Đây là chuyến đến đây lần thứ 100 của ngài từ năm 2013.
Nhân dịp này, một vòng hoa đánh số 100 được đặt ở cửa nhà nguyện Paolina, nơi có tượng Đức Mẹ Bảo vệ Người dân Rôma. Theo trang Il Sismografo, số lượng các lần Đức Phanxicô đến đây đã làm nơi này thành nơi có một giáo hoàng đến viếng nhiều nhất trong lịch sử.
Các Hội đồng Giám mục tham gia Thượng Hội đồng về tương lai Giáo hội: 112
Kể từ khi Thượng Hội đồng về Tương lai Giáo hội bắt đầu tháng 10 năm 2021, ban thư ký thượng hội đồng đã nhận được 112 bản tóm tắt từ các Hội đồng Giám mục – trong tổng số 114 -, thành quả công việc của các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Dựa trên những tổng hợp này, ngày 27 tháng 10 ban thư ký đã xuất bản Tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa.
Văn bản dài 46 trang là khuôn khổ cho giai đoạn thứ hai của quá trình chưa từng có này, nhằm làm cho Giáo hội trở nên truyền giáo, tham gia và tiếp nhận hơn, ít tập trung hóa và giáo sĩ hóa. Các báo cáo viên của chặng đầu đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về những điểm xấu và những hy vọng của Giáo hội ngày nay, không trốn tránh khó khăn trong các công việc: vị trí của phụ nữ và giới trẻ trong Giáo hội, nỗi khổ của các linh mục, những tranh luận xung quanh phụng vụ hay những tình huống nhạy cảm trong đời sống Giáo hội địa phương – ly hôn tái hôn, đa thê, LGBT, lạm dụng, v.v.
Chủ đề trong các buổi tiếp kiến chung: 3
Năm nay, có ba chủ đề cho các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Phanxicô. Bắt đầu từ ngày 17 tháng 11 năm 2011 cho đến ngày 16 tháng 2 – 2022, chủ đề là Thánh Giuse, tổng cộng ngài có trên mười bài suy niệm về người cha nuôi của Chúa Giêsu. Sau đó từ ngày 23 tháng 2 đến ngày 24 tháng 8 ngài có 18 bài về tuổi già. Và từ ngày 31 tháng 8, ngài bắt đầu chủ đề phân định.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2022/12/21/nam-2022-cua-duc-phanxico-trong-10-con-so/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét