Trang

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Hoa trái của tiến trình Hiệp Hành trong ánh sáng của Công Đồng Giê-ru-sa-lem (Cv 15)

 

Hoa trái của tiến trình Hiệp Hành trong ánh sáng của Công Đồng Giê-ru-sa-lem (Cv 15)


  •  
  •  


HOA TRÁI CỦA TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH TRONG ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG GIÊ-RU-SA-LEM (Cv 15)

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Thông


DẪN NHẬP

I. KHỞI ĐI TỪ CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI THÁNH AN-TI-Ô-KHI-A (15, 1-4)

       1. Hội Thánh An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a

       2. Vấn đề của cuộc tranh luận

II. ĐẾN CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI THÁNH GIÊ-RU-SA-LEM (15,5-21)

       1. Diễn từ của thánh Phê-rô (15,7-11)

       2. Diễn từ của thánh Gia-cô-bê (15, 13-21)

III. THƯ CHUNG (15, 22-29)

       1. Lý do có Thư Chung này (15,23-27)

       2. Nghị quyết của Công đồng (15,28-29)

IV. THÀNH QUẢ CỦA THƯ CHUNG (15,30-35)

KẾT LUẬN


DẪN NHẬP

Thượng Hội đồng Giám mục XVI triển khai tối đa hình ảnh Giáo hội là Dân Thiên Chúa của Công đồng Vatican II khi mời gọi toàn thể Dân Chúa tham gia vào tiến trình hiệp hành, qua việc thỉnh ý mọi thành phần dân Chúa thuộc mọi cấp độ khác nhau khởi đi từ thành phần nhỏ nhất là giáo dân cho đến những người có nguy cơ bị loại trừ: người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, kể cả những người ít thực hành hay đã lìa bỏ thực hành đức tin. Không những thế, Thượng Hội đồng còn muốn lắng nghe từ phía những người thuộc truyền thống tôn giáo khác, ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo...[1]

Do đó, Hội Thánh mà Thượng Hội đồng Giám mục XVI hướng đến là một Hội Thánh không theo chiều kích từ trên xuống, nhưng từ dưới đi lên. Đây là một Hội Thánh hữu hình, cụ thể mà mọi thành phần dân Thiên Chúa đang sống và đã có kinh nghiệm. Đồng thời, đó cũng là một Hội Thánh tự xem mình có sự liên đới mật thiết với gia đình nhân loại trong sứ mạng cứu độ của mình: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất kỳ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thực vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người. Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại” (GS, số 1).

Vì thế, khi triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục XVI, Đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi toàn thể Hội Thánh suy tư về một chủ đề mang tính quyết định đối với đời sống và sứ vụ của mình: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba. Hành trình này, theo ý hướng ‘canh tân’ Hội Thánh được Công đồng Vatican II khởi xướng, chính là một ân phúc mà cũng là một nhiệm vụ; bằng cách cùng nhau cất bước hành trình và cùng nhau suy nghĩ về hành trình đã thực hiện, Hội Thánh sẽ có thể học biết, qua kinh nghiệm của mình, đâu là những tiến trình có thể giúp Hội Thánh sống hiệp thông, thực hiện sự tham gia và mở ra cho việc thi hành sứ vụ” (“Tài Liệu Chuẩn Bị”, số 1).

Trong bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu “hoa trái của tiến trình hiệp hành trong ánh sáng của Công đồng Giê-ru-sa-lem”, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh mà thánh Lu-ca mô tả trong sách Công vụ Tông đồ. Công đồng Giê-ru-sa-lem chiếm trọn chương 15 của sách Công vụ gồm có 28 chương. Chương này là trung tâm của sách Công vụ, không chỉ vì nó được đặt ngay ở trung tâm của sách, nhưng cũng vì nó bao phủ một biến cố chủ đạo đề cập đến chiều kích phổ quát của Tin Mừng và sự lan truyền vô giới hạn của Tin Mừng giữa thế giới lương dân.

Công đồng Giê-ru-sa-lem được thánh Lu-ca thuật lại theo một trình tự như sau: Khởi đi từ cuộc tranh luận tại Hội Thánh An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a, Hội Thánh địa phương (Cv 15,1-4), Công đồng được tổ chức tại Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh Mẹ, để giải quyết cuộc tranh luận này (15,5-21) và kết thúc với Thư Chung ghi nhận những nghị quyết được đôi bên chấp nhận (15,22-29), cuối cùng là thành quả của Công đồng khi kể ra niềm vui của Hội Thánh An-ti-ô-khi-a đón nhận Thư Chung (15,30-35).

I. KHỞI ĐI TỪ CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI THÁNH AN-TI-Ô-KHI-A (15, 1-4)

1. Hội Thánh An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a

Theo Cv 11,19-26, các Kitô hữu gốc Do Thái thuộc văn hóa Hy Lạp bị bách hại sau cuộc tuẫn đạo của thánh Tê-pha-nô, phải tản mác khắp nơi, đi đến đâu, họ “loan báo lời Chúa” đến đó (8, 4). Khi đến thành An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a, họ “loan Tin Mừng Chúa Giê-su” (11,20) không chỉ cho người Do Thái, nhưng còn cho cả lương dân. Nhờ đó, số lượng các Kitô hữu càng gia tăng. Sứ mạng của người Kitô hữu tại An-ti-ô-khi-a đóng một phần chủ đạo trong việc lan truyền Kitô giáo. Công cuộc Phúc Âm hóa lương dân trở thành nguyên tắc chứ không phải một sự việc ngẫu nhiên xảy ra trong vài trường hợp riêng lẻ. Công cuộc Phúc Âm hóa này cũng không bị giới hạn vào “những người kính sợ Thiên Chúa”, nhưng trải rộng cho đến tất cả lương dân. Tâm điểm của Hội Thánh bắt đầu chuyển từ Hội Thánh Giê-ru-sa-lem sang Hội Thánh An-ti-ô-khi-a, Hội Thánh này sẽ là nơi phát xuất công cuộc Phúc Âm hóa thế giới lương dân.

Khi nghe biết những sự việc xảy ra tại An-ti-ô-khi-a, các vị hữu trách của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem cảm thấy có trách nhiệm đối với mọi việc xảy ra trong cánh đồng truyền giáo, nên cử thánh Ba-na-ba đến tận nơi để xem xét vấn đề cho thật tường tận. Như vậy, họ sử dụng cùng quyền kiểm soát đức tin như vào dịp phó tế Phi-líp-phê thi hành sứ vụ ở miền Sa-ma-ri (8,14). Việc chọn lựa thánh Ba-na-ba thật có ý nghĩa. Thánh Ba-na-ba hội tụ nơi con người mình những phẩm chất cần thiết: người Kitô hữu gốc Do Thái thuộc dòng dõi Lê-vi, theo văn hóa Hy Lạp như Tê-pha-nô, và sinh trưởng tại đảo Síp; ngoài ra, ông có một đức tin sống động và chứng tỏ luôn luôn vâng phục những ân ban Thánh Thần (11,24). Khi nhận ra rằng những lương dân đón nhận những ân ban Thánh Thần như những người Do Thái khác, thánh Ba-na-ba cho rằng không cần thiết buộc họ phải chịu phép cắt bì và tuân giữ Luật Mô-sê. Chúa Thánh Thần soi sáng thánh nhân, như đã soi sáng thánh Phê-rô.

Thánh Ba-na-ba chẳng những không phản đối việc kết nạp dân ngoại vào cộng đoàn mà không thông qua phép cắt bì, nhưng còn đi tìm thánh Phao-lô đến An-ti-ô-khi-a để cùng cộng tác với mình trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chính tại An-ti-ô-khi-a này mà các tín hữu được gọi là “Kitô hữu”. Danh xưng mới này gắn kết tín hữu với Chúa Kitô ban cho họ một căn tính khác với các tín đồ đạo Do Thái. Vài Giáo phụ thấy danh xưng “Kitô hữu” này là dấu chỉ cho thấy những người trở thành môn đệ của Chúa Kitô không phải do những nguyên nhân phàm trần: “Dù rằng các thánh Tông đồ đã là các thầy dạy của chúng ta và đã ban cho chúng ta Tin Mừng về Đấng Cứu Độ, chính không từ các ngài mà chúng ta đã mang danh xưng của chúng ta: chúng ta là ‘Kitô hữu’ nhờ Chúa Kitô và chính vì Người mà chúng ta được gọi như vậy” (St Athanasius, Oratio I contra Arianos, 2).

2. Vấn đề của cuộc tranh luận

Mở đầu là cuộc tranh luận tại Hội Thánh An-ti-ô-khi-a giữa hai thánh Phao-lô và Ba-na-ba với những người Kitô hữu gốc Do Thái về phép cắt bì khi gia nhập Hội Thánh. Chung chung, người ta ghi nhận vào năm 49 cuộc tranh luận mà thánh Lu-ca đặt ngay liền sau cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất, và đa số các nhà chuyên môn đồng hóa cuộc tranh luận này với cuộc tranh luận mà thánh Phao-lô kể ra trong thư gởi tín hữu Ga-lát (Gl 2,1-10). Thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba không những phải đương đầu với những người Do Thái cứng lòng tin, như trong cuộc hành trình mới đây của các ngài, nhưng còn phải tranh luận với những Kitô hữu gốc Do Thái xuất thân từ phái Pha-ri-sêu tuân giữ Luật Mô-sê cách nghiêm nhặt, họ từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ô-khi-a, muốn những người Kitô hữu gốc lương dân phải chịu phép cắt bì. Theo chủ trương của những người nghiêm nhặt này, người ta gọi họ là “những người Kitô hữu Giu-đê”, phải trở thành tín đồ Do Thái trước rồi mới được phép trở thành Kitô hữu sau. Đức tin không thay thế Luật Mô-sê, đơn giản là đức tin được thêm vào Luật Mô-sê: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì, thì anh em không thể được cứu độ” (Cv 15,1).

Người ta hiểu những lời tuyên bố như thế gây hoang mang như thế nào trong các cộng đoàn chấp nhận nhiều người Kitô hữu gốc lương dân mà không thông qua phép cắt bì. Thế nên, phải mang vụ tranh chấp đến Giê-ru-sa-lem trước cộng đoàn mà các Tông đồ là những người điều hành Hội Thánh Mẹ (15, 2-3). Vì thế, Hội Thánh An-ti-ô-khi-a cử hai thánh Ba-na-ba và Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem trình bày vấn đề trước hội nghị. Điều đó cho thấy rằng chính Hội Thánh Mẹ ở Giê-ru-sa-lem và các Tông đồ mới thực sự có quyền phán quyết tối hậu. Thánh Phao-lô nói trong thư gởi tín hữu Ga-lát rằng cuộc hành trình này là do Mặc Khải đặc biệt (Gl 2,2).

II. ĐẾN CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI THÁNH GIÊ-RU-SA-LEM (15,5-21)

Vào lúc thánh Lu-ca biên soạn sách Công vụ, nhiều người Kitô hữu Giu-đê vẫn xác tín rằng để thực sự là người Kitô hữu, “phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê”. Cắt bì là nghi thức giao ước để gia nhập dân Thiên Chúa. Những người Kitô hữu gốc Do Thái thuộc nhóm Pha-ri-sêu này chủ trương phải giữ toàn bộ Luật Mô-sê thì người ta mới được cứu độ. Hơn nữa, luật không cho phép ngồi ăn chung với các Kitô hữu không cắt bì. Vậy làm sao có thể ngồi chung với các Kitô hữu không cắt bì khi dự lễ bẻ bánh? Họ quên rằng đó là lệnh truyền của Chúa, chứ không phải sáng kiến các Tông đồ (x. 10,1 - 11,18).

Người ta thấy họ qua lại trong trong các cộng đoàn của thánh Phao-lô để loan truyền đạo lý của họ. Họ tự ý viện dẫn thánh Gia-cô-bê và thậm chí cả thánh Phê-rô chống lại thánh Phao-lô để bảo đảm uy thế cho quan điểm của họ. Chính những người này mà trong thư gởi tín hữu Ga-lát thánh Phao-lô đề cập đến khi gọi họ là “những tên xâm nhập, những kẻ giả nhân giả nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có được trong Đức Giê-su Ki-tô; họ làm như vậy là bắt chúng ta trở thành nô lệ. Nhưng với những người ấy, chúng tôi đã không chịu nhượng bộ, dù chỉ trong giây lát, để duy trì cho anh em chân lý của Tin Mừng” (Gl 2,4-5). Chúng ta nên đọc lại đề tài này ở nơi vài đoạn thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê (Pl 3) và tín hữu Ga-lát (Gl 5).

Hội Thánh cơ cấu, gồm có các Tông đồ và các kỳ mục, họp lại để quyết định xem phải chăng buộc phải chịu phép Rửa mà không cần chịu phép cắt bì và tuân giữ Luật Mô-sê. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với Hội Thánh còn non trẻ và câu trả lời cho vấn đề này phải là hoàn toàn đúng. Dưới quyền lãnh đạo của thánh Phê-rô, cuộc họp tranh luận dài, nhưng sẽ không nghĩ ra một chân lý mới hay những nguyên tắc mới: tất cả hội nghị, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, nhằm cung cấp một lời giải thích đúng về những lời hứa và những huấn lệnh của Chúa liên quan đến ơn cứu độ của con người và cách thức lương dân có thể gia nhập Hội Thánh, dân Ít-ra-en mới.

Để hiểu rõ hơn những quyết định tối hậu, đối tượng của đoạn văn này, chúng ta phải tóm tắt những tranh luận mà thánh Lu-ca tường thuật khá dài. Công đồng Giê-ru-sa-lem được định vị ở giữa sách Công vụ, như đánh dấu khúc quanh của Hội Thánh: khởi đi từ giây phút này, Hội Thánh “chuyển sang lương dân, mở đường cho lương dân đón nhận đức tin”. Khi tái hiện ở đây những diễn từ của thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê, thánh Lu-ca nhấn mạnh rằng lập trường của hai nhân vật rất quan trọng trong Công đồng Giê-ru-sa-lem chính xác là đứng về phía thánh Phao-lô. Như thế, thánh Lu-ca tước đoạt khỏi những Kitô hữu Giu-đê chủ trương tuân giữ luật Mô-sê nghiêm nhặt, luận chứng tốt nhất của họ. Như vậy, thánh Lu-ca hợp pháp hóa trước những gì sắp tái diễn trong hoạt động truyền giáo có tầm mức hoàn vũ theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh trước khi về trời: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

1. Diễn từ của thánh Phê-rô (15,7-11)

Chắc chắn hội nghị đã tranh luận với nhau cách sôi nổi khi đưa ra những luận chứng ủng hộ và chống đối về việc có nên áp dụng phép cắt bì cho những người Kitô hữu gốc lương dân hay không. Thánh Lu-ca không thuật lại những luận chứng mà những Kitô hữu chủ trương Do-thái hóa viện dẫn, những luận chứng này chắc chắn dựa trên lối giải thích sát từ về giao ước Thiên Chúa thiết lập với tổ phụ Áp-ra-ham (x. St 17) và dựa trên khái niệm rằng Lề Luật có giá trị vĩnh cửu. Cuối cùng, thánh Phê-rô phát biểu cách ngắn gọn và mang tính quyết định. Thánh nhân vạch cho thấy chân lý nằm ở đâu.

Dựa trên kinh nghiệm của riêng mình về việc Thiên Chúa đã hướng dẫn thánh nhân trong việc ban phép Rửa cho ông Co-nê-li-ô và gia quyến của ông (x. ch. 10), thánh Phê-rô tóm tắt cuộc tranh luận và đưa ra một giải pháp: chính đức tin vào Chúa Giêsu chứ không phải Lề Luật cứu chúng ta, vì thế phép cắt bì và ngay cả Lề Luật đã được “đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô” thay thế rồi. Vì thế, không nên “quàng vào cổ” những người Kitô hữu gốc lương dân này “một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi”.

Điểm mấu chốt ở nơi lập luận của thánh Phê-rô chính là: “Vả lại chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cũng là một cách như họ” (15,11). Theo thánh Phê-rô, hiện nay Tin Mừng đã được loan báo rồi, Lề Luật không cần thiết cho ơn cứu độ, vì thế cả dân Do Thái lẫn dân ngoại được cứu độ nhờ tin vào ân sủng của Chúa Giêsu, chứ không nhờ Lề Luật. Thánh Phao-lô có cùng một quan điểm như vậy trong Thư gửi tín hữu Ga-lát của mình: “Chúng ta bẩm sinh là người Do Thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại. Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy” (Gl 2,15-16).

Khi bàn về lời phát biểu của thánh Phê-rô, thánh Ép-ra-em viết: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhờ đức tin và Lề Luật thì đã được Đức Giêsu ban cho lương dân nhờ đức tin mà không cần tuân giữ Lề Luật” (Armenian Commentary, ad loc.). Còn thánh Tô-ma A-qui-nô, thánh nhân viết: “Không ai có thể được nên công chính sau khi phạm tội, trừ phi nhờ Đức Kitô… các tiền nhân đã được cứu nhờ tin vào Đức Kitô như thế nào, thì chúng ta được cứu nhờ tin vào Đức Kitô, Đấng đã sinh ra và chịu đau khổ cũng như vậy” (Summa theologiae, III, q. 61, a. 3 và 4). “Điều đó thì tuyệt đối cần thiết mà không có nó không ai có thể đạt được ơn cứu độ; đây là trường hợp với ân sủng của Đức Kitô và với bí tích Rửa Tội, nhờ đó một người được tái sinh trong Đức Kitô” (ibid., q. 84, 1. 5).

Sau khi nghe lập luận của thánh Phê-rô dựa trên những sự việc đã xảy ra ở các chương 10-11, phe chủ trương “Do-thái hóa” đã không còn gì để nói, thái độ của họ ở đây tương tự như ở 11,18: “Nghe thế, họ mới chịu im, và tôn vinh Thiên Chúa mà nói: ‘Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sống’”. Hai thánh Ba-na-ba và Phao-lô viện dẫn bằng chứng cụ thể: “Các dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa đã dùng hai ông mà làm giữa các dân ngoại” để ủng hộ lời phát biểu của thánh Phê-rô.

2. Diễn từ của thánh Gia-cô-bê (15, 13-21)

Với tư cách người lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, thánh Gia-cô-bê đúc kết những ý kiến của hội nghị và đưa ra một đề nghị có thể chấp nhận được. Thánh Gia-cô-bê tán thành lập luận thích đáng của thánh Phê-rô khi trích dẫn lời của thánh Phê-rô: “Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang tên Người”, nghĩa là từ nay không còn phân biệt dân Do Thái với dân ngoại nữa, nhưng trong các dân tộc Thiên Chúa chọn một dân mới mang tên Người. Thánh Gia-cô-bê còn trích dẫn Am 9,11-12 để nhấn mạnh rằng kế hoạch này đã được Thiên Chúa hứa từ xưa.

Đây cũng là sứ điệp trọng tâm của thánh Phao-lô theo đó lương dân được rửa tội cũng thuộc về dân của lời hứa: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19). Điều này chỉ cho thấy rằng Chúa Thánh Thần đang làm việc, soi sáng cho mọi người hiểu ý nghĩa đích thật của những lời hứa được chứa đựng trong Kinh Thánh. Giáo phụ Ô-ri-gen phát biểu rằng: “Theo tôi, sự phong phú của những biến cố lớn lao này không thể nào được giải thích nếu không có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng là tác giả của chúng” (Origen, In Ex hom., IV, 5).

Từ đó, thánh Gia-cô-bê đề nghị rằng người ta không được lấy Luật Mô-sê để gây phiền hà cho các anh em Kitô hữu gốc lương dân, đồng thời viết thư khuyên các anh em Kitô hữu gốc lương dân tránh bốn điều gây dị ứng đối với anh em Kitô hữu gốc Do-thái:

1/ Kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho các thần linh.

2/ Tránh gian dâm.

3/ Kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết.

4/ Kiêng ăn tiết.

Những điều cấm này được quy định trong sách Lê-vi, vì thế để hiểu chính xác những lệnh cấm này, chúng ta cần phải đọc chúng trong ánh sáng của sách Lê-vi. Người Do Thái cho rằng nếu họ ăn thịt cúng cho các thần linh, điều này hàm ý cách nào đó dự phần vào tội thờ ngẫu tượng (Lv 17, 7-9). Dù rằng thánh Phao-lô vạch cho thấy rõ rằng người Kitô hữu tự do ăn thịt cúng, thánh nhân cũng sẽ đòi hỏi họ không được gây cớ vấp phạm cho “người yếu đuối” (x. 1Cr 8). Gian dâm là tội mà bất kỳ nền văn hóa của dân tộc nào cũng đều lên án, một hành động trái với luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục. Còn hai lệnh cấm sau cùng có liên quan với nhau. Thịt con vật không cắt tiết, còn tụ máu, máu là sinh khí tụ lại phải dành riêng cho Thiên Chúa, vì Người là chủ tể sự sống (x. Lv 17,11). Đàng khác, tục lệ uống máu những tế vật dâng cúng cho thần linh vẫn tồn tại nơi nhiều tôn giáo dân ngoại. Vì thế, luật Mô-sê cấm ăn thịt còn máu (x. Lv 19,26).

Những lệnh cấm trên không nhằm giới hạn sự tự do của những người Kitô hữu gốc lương dân, nhưng chỉ cốt tạo điều kiện cần thiết cho những Kitô hữu gốc Do Thái và những Kitô hữu gốc lương dân chung sống hòa thuận với nhau. Chính thánh Phao-lô đã thường cắt nghĩa như vậy, có khi còn chống việc quá câu nệ sắc lệnh này (1Cr 10,25-27; Cl 2,16-23; 1Tm 4,2-3). Xét cho cùng, sắc lệnh nhằm duy trì đức ái, khi vấn đề đã được giải quyết, những điều cấm do sắc lệnh quy định không còn cần phải giữ nữa.

Như vậy các Kitô hữu gốc lương dân cảm thấy an lòng, vì Công đồng không còn kể ra phép cắt bì như điều kiện tiên quyết để gia nhập Đạo nữa, nhưng chỉ đòi hỏi họ phải kiêng cữ vài thức ăn để có thể đồng bàn với anh em Kitô hữu gốc Do thái. Về phía những Kitô hữu Giu-đê, họ dễ dàng nhận ra ở nơi những kiêng cữ này, thật ra truyền thống hiếu khách đã đòi buộc những ngoại kiều sống ở Ít-ra-en phải tuân giữ. Bù lại, họ phải rộng mở tấm lòng mà đón nhận tất cả những Kitô hữu gốc lương dân, những anh em cùng chia sẻ niềm tin với họ.

Qua sự nhượng bộ đòi hỏi cả hai phía, thánh Gia-cô-bê hy vọng rằng nhờ đó, Hội Thánh giữ được mối giao hảo hài hòa trong cuộc sống chung giữa những Kitô hữu gốc Do Thái và những Kitô hữu gốc lương dân, khi cả hai đều tôn trọng bản sắc văn hóa của nhau. Đây cũng là nguyên tắc chung cho các nhà truyền giáo sau này đến với các dân tộc thuộc các nền văn hóa khác nhau. Viễn cảnh được nhắm đến ở đây chính là Tin Mừng được loan báo không chỉ ra ngoài Giê-ru-sa-lem, nhưng còn ra khỏi khuôn mẫu đạo Do Thái. Đây là một đề tài không bao giờ có thể thay đổi.

III. THƯ CHUNG (15, 22-29)

Để thông truyền cho Hội Thánh An-ti-ô-khi-a những nghị quyết của Công đồng Giê-ru-sa-lem, hội nghị viết một Thư Chung long trọng và trao thư này cho hai trong số các ngôn sứ có uy tín nhất trong Hội Thánh, ông Giu-đa, chỉ được nói đến một lần duy nhất ở đây, và ông Xi-la, sau này là bạn đồng hành của thánh Phao-lô và là thư ký của thánh Phê-rô. Hai phát ngôn viên này tăng thêm sự tín nhiệm mà hội nghị dành cho thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba và sẽ chính thức giải thích Thư Chung này. Thư Chung, thuộc loại thư tín vào thời đó, bắt đầu: “Anh em Tông đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a” (15,23) và kết thúc: “Chúc anh em an mạnh” (15,29).

1. Lý do có Thư Chung này (15,23-27)

Trước hết, Thư Chung bắt đầu với một số người Kitô hữu Giu-đê, chỉ vì sáng kiến của riêng mình, gây nên tình trạng hoang mang trong cộng đoàn An-ti-ô-khi-a (15,24); tiếp đó, ca ngợi lòng nhiệt thành tông đồ của thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba (15,25-26). Đây là cách thức công nhận đề tài về ơn cứu độ nhờ đức tin chứ không nhờ phép cắt bì. Hai ông Giu-đa và Xi-la được cử đi trình bày trực tiếp những nghị quyết của Công đồng, nhưng chính Phẩm trật Hội Thánh trình bày và công bố sắc lệnh khắp các miền có nhiều anh chị em Kitô hữu gốc lương dân.

2. Nghị quyết của Công đồng (15,28-29)

Cuối cùng, Thư Chung kết thúc với những nghị quyết của Công đồng được rút ra từ hai bài diễn từ của thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê, cũng như xác định rằng những nghị quyết này được bảo đảm dưới ơn phù trợ của chính Chúa Thánh Thần (15,28-29). Biểu thức: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”, rất quý sẽ được những đấng kế vị thánh Phê-rô lặp lại. Qua biểu thức này, Công đồng ý thức rằng chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn những nghị quyết của các ngài và phân tích cho đến cùng chính Thiên Chúa đã quyết định vấn đề. Đồng thời, các Tông đồ khẳng định quyền tối thượng của các ngài trong Hội Thánh. Quyền này các ngài nhận từ Đức Giê-su và được Thánh Thần trợ lực.

Khi khẳng định rằng không áp đặt bất kỳ gánh nặng nào trên những Kitô hữu gốc lương dân, Công đồng tuyên bố rằng người Kitô hữu gốc lương dân không bị buộc cắt bì và tuân giữ luật Mô-sê, nhưng chỉ buộc họ tuân giữ vài lệnh cấm chủ yếu liên quan đến thức ăn. Đường lối khôn ngoan của Công đồng làm hài lòng cả những Kitô hữu gốc Do Thái lẫn những Kitô hữu gốc lương dân.

Khi khuyên bảo các Kitô hữu gốc lương dân: “Anh em tránh những điều đó là tốt rồi”, Công đồng muốn nói rằng những lệnh cấm này, dù xuất phát từ luật Mô-sê, bị buộc không vì luật đó, nhưng đúng hơn vì uy quyền của Hội Thánh. Chính Hội Thánh đã quyết định áp dụng chúng vào thời gian hiện hành. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Công đồng xem ra cố duy trì Luật Mô-sê, vì Công đồng chọn lựa những quy luật khác nhau từ Luật đó, nhưng thật ra Công đồng hủy bỏ Luật đó, vì Công đồng không chấp nhận ‘tất cả’ những quy luật của Luật đó. Công đồng thường hay nói về những quan điểm này, Công đồng cố gắng tôn trọng Lề Luật, tuy nhiên thiết lập những quy định không xuất phát từ Mô-sê nhưng từ các Tông đồ” (Hom. on Acts, 33).

Tưởng nên nhắc lại rằng vấn đề thức ăn còn trầm trọng hơn vấn đề cắt bì, vì có liên quan đến việc đồng bàn. Những Kitô hữu gốc Do Thái vẫn còn tuân giữ những điều cấm kỵ của luật Mô-sê, vì thế họ không thể chia sẻ bữa ăn với những Kitô hữu gốc lương dân. Ở Hội Thánh An-ti-ô-khi-a, hai cộng đoàn dùng bữa tách riêng ra. Vì thế, những quyết định của thánh Gia-cô-bê nhằm giải quyết vấn đề này. Việc cùng ăn cùng uống với nhau là một yếu tố quan trọng để tạo nên một sự hiệp nhất giữa những Kitô hữu có những nguồn gốc khác nhau, nhất là cùng nhau tham dự lễ Bẻ Bánh.

IV. THÀNH QUẢ CỦA THƯ CHUNG (15,30-35)

Khi nội dung của Thư Chung được công bố, Hội Thánh An-ti-ô-khi-a gặp lại niềm vui mà họ đã mất và sẵn sàng tái đề xuất công cuộc truyền giáo cho thế giới lương dân. Vào thế kỷ XVI, Melchor Cano nhận định về thành quả của Công đồng Giê-ru-sa-lem như sau: “Các lương dân có lẽ đã mãn nguyện với Công đồng vì Công đồng có vẻ chấp nhận sự tự do mà Đức Giê-su Ki-tô đã ban cho họ, và vì Công đồng áp đặt trên các môn đệ vài nghi thức xem ra cần thiết, thực ra không cần thiết, vì đức tin là chìa khóa cho ơn cứu độ. Người Do Thái cũng không bị bài bác khi viện dẫn Kinh Thánh chống lại nghị quyết của Công đồng dựa trên những lý do mà Kinh Thánh xem ra ủng hộ quan điểm của họ theo đó phép cắt bì cần thiết cho ơn cứu độ. Thế nên, bằng việc kính trọng Công đồng, họ cho chúng ta mọi chuẩn mực mà chúng ta phải khảo sát trong mọi thời sau này; nghĩa là, đặt trọn niềm tin vào quyền bính của các Thượng Hội đồng được thánh Phê-rô và các vị kế vị hợp pháp của thánh nhân khẳng định. Họ nói, Công đồng xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng ta; quả thật, quyết định của Công đồng là quyết định của chính Chúa Thánh Thần” (De locis, V, 4).

KẾT LUẬN

Hội nghị tại Giê-ru-sa-lem được coi như Công đồng Chung đầu tiên của Hội Thánh, nghĩa là tiền thân của một loạt các Công đồng mà Công đồng Vatican II là Công đồng gần đây nhất. Quả thật, Hội nghị tại Giê-ru-sa-lem biểu lộ cùng những nét đặc trưng như những Công đồng Chung sau này trong lịch sử Giáo hội:

1/ Chính là cuộc hội họp những người lãnh đạo của toàn thể Hội Thánh, chứ không phải các thừa tác viên của một nơi chốn đặc thù.

2/ Cuộc hội họp này công bố những quy luật có sức mạnh đòi buộc toàn thể Kitô hữu.

3/ Nội dung của sắc lệnh liên quan đến đức tin và luân lý.

4/ Nghị quyết được ghi lại bằng văn bản - một hình thức công bố cho toàn thể Giáo hội.

5/ Thánh Phê-rô chủ trì Công đồng.

Theo bộ Giáo Luật (số 338-341) các Công đồng Chung là những buổi hội họp của các Giám Mục và vài người khác được ban quyền tài phán, được Đức giáo hoàng triệu tập và chủ trì. Những nghị quyết của các Công đồng này không đòi buộc nếu chúng không được Đức giáo hoàng khẳng định và công bố.

Vấn đề mà Công đồng Giê-ru-sa-lem đã tranh luận và tìm hướng giải quyết xuất phát từ Hội Thánh An-ti-ô-khi-a, Hội Thánh địa phương, qua hai người đại diện của họ là thánh Ba-na-ba và thánh Phao-lô. Vào thời đó, vấn đề lương dân gia nhập vào Giáo hội có cần phải thông qua phép cắt bì hay không rõ ràng không đơn giản là vấn đề của riêng Hội Thánh An-ti-ô-khi-a, nhưng có tính quyết định tương lai của các Hội Thánh gốc lương dân mà Thánh Phao-lô đã và sẽ thiết lập trong những cuộc hành trình truyền giáo của thánh nhân.

Cũng thế, Tài Liệu Chuẩn Bị số 4 cho thấy những vấn đề mà Thượng Hội đồng Giám mục XVI sẽ tranh luận và đưa ra một hướng đi cho toàn thể Hội Thánh có tính toàn cầu, nhưng trở nên phong phú và hoàn tất ở nơi các Hội Thánh địa phương: “Con đường hiệp hành diễn ra trong bối cảnh lịch sử được ghi dấu bởi những biến chuyển lớn trong xã hội và bởi một giai đoạn then chốt trong đời sống Hội Thánh không thể bỏ qua được: chính trong những biến động phức tạp của bối cảnh này cùng những căng thẳng và những mâu thuẫn của nó, chúng ta được mời gọi ‘tìm hiểu tường tận các dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng’ (GS, 4). Chúng ta phác họa ở đây một vài yếu tố chủ yếu của khung cảnh toàn cầu có nối kết chặt chẽ nhất với chủ đề của Thượng Hội đồng, nhưng sự mô tả này phải được phong phú và hoàn tất ở bình diện địa phương tùy bối cảnh tại đó” (“Tài Liệu Chuẩn Bị”, số 4).

Cả hai: Công đồng Giê-ru-sa-lem và Thượng Hội đồng Giám mục XVI, đều nhấn mạnh quyền phán quyết tối hậu thuộc về các nghị phụ. Khi nhận xét về Công đồng Giê-ru-sa-lem, thánh Ép-ra-em viết: “Nếu không có sự đồng ý của các Tông đồ, không ai tự ý thay đổi bất cứ điều gì mà các ngài chưa cho phép thế vì sự yếu đuối của người Do Thái. Thánh Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem để giải quyết việc loại bỏ Lề Luật và phép cắt bì trước sự hiện diện của các môn đệ: nếu các Tông đồ không ủng hộ thì thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba không muốn loại chúng” (Armenian Commentary, ad loc.).

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục XVI số 14 cũng khẳng định như vậy theo cách của mình: “Việc thỉnh ý dân Chúa không hàm ý là Hội Thánh tiếp thu những trào lưu dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số, bởi lẽ lý do của việc tham gia vào mọi tiến trình hiệp hành là niềm khao khát được chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng, chứ không phải là những xung đột lợi ích. Nói khác đi, đây là một tiến trình mang tính Hội Thánh vốn chỉ có thể được thực hiện ‘giữa lòng một cộng đồng có cấu trúc phẩm trật’. Chính trong mối liên hệ tích cực giữa cảm thức đức tin của dân Chúa và chức năng giáo huấn của các mục tử mà sự đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin của toàn thể Hội Thánh được thể hiện. Mọi tiến trình hiệp hành, trong đó các giám mục được mời gọi phân định những gì Chúa Thánh Linh nói với Hội Thánh, không phải chỉ có các ngài đơn độc, nhưng bằng cách lắng nghe dân Chúa vốn ‘cùng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô’ (LG, 12), đều là hình thức hiển nhiên của việc ‘cùng nhau cất bước hành trình’, nhờ đó Hội Thánh lớn mạnh”.

Khi bài này được viết, tiến trình hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục XVI đang diễn tiến ở giai đoạn thỉnh ý toàn thể mọi thành phần dân Chúa. Chính từ bản tổng kết này mà trong Kỳ Đại hội lần thứ XVI sắp tới, các nghị phụ sẽ tranh luận và đưa ra những nghị quyết bằng văn bản và thông tri cho toàn thể Hội Thánh thi hành. Quá trình tự hiệp hành này, Hội Thánh đang chuyển mình khởi đi từ “gặp gỡ, lắng nghe và phân định”, để rồi dốc hết toàn lực vào “hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Dù hiện nay tiến trình hiệp hành chỉ là giai đoạn đầu chưa phải là chung cuộc, nhưng chúng ta có đủ lý do để xác tín rằng tiến trình này sẽ đạt được những thành quả lớn lao, vì Chúa Thánh Thần “luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17), “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26), Ngài “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).

Đó là lý do tại sao “để ‘cùng nhau cất bước hành trình’, chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn, nhờ đó có được tinh thần hiệp hành thực sự, bằng cách can đảm và tự do dấn bước vào tiến trình hoán cải vốn là điều thiết yếu cho cuộc đổi mới liên tục mà Hội Thánh luôn cần đến bao lâu Hội Thánh còn là một định chế nhân loại ở trần gian này” (“Tài Liệu Chuẩn Bị”, số 9). “Đây là lý do để hy vọng, tràn trề hy vọng. Ở đâu có dấu ấn của phong cách hiệp hành, ở đó cảm thức về Hội Thánh triển nở, và sự tham gia của tất cả mọi người đem lại cho đời sống Hội Thánh một sức năng động mới” (“Tài Liệu Chuẩn Bị”, số 7).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm 2022)



[1] Xin xem “Cẩm Nang Cho Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành” ở: 2. Các nguyên tắc của Tiến trình hiệp hành, 2.1-Thành phần tham gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét