Vào thời Chúa Giêsu, thị trấn nằm cao trên ngọn đồi, còn Nadarét chen lấn hiện nay, ngạc nhiên thay, như lúc đó nó nên là, có những căn nhà trắng nằm cách xa những hàng bách cao gầy và những con phố hẹp, chợ búa đông đúc.

Đúng là Nhà thờ Truyền tin hùng vĩ, xây theo hình tròn với những chiếc cửa sổ có tranh tuyệt diệu, nổi bật trên nền trời thị trấn nhỏ; đúng là có hàng ngàn du khách, những người chào hàng muốn hướng dẫn thăm thú các nơi thánh, những trẻ em học cách nheo nhéo quấy rầy xin tiền; nhưng những cửa hàng nhỏ mở toang vẫn còn đó, vẫn bán hạt, trái cây, thịt dê. Bất chấp xe hơi, vẫn có hàng trăm con lừa; đàn ông vẫn mặc áo dài Ảrập và khăn chùm đầu của người Bơđuin, tức chiếc khăn trùm đầu Ảrập mầu trắng được cột bằng hai sợi dây mầu đen. Nhà nguyện Truyền tin nhỏ xíu với chiếc bàn thờ lớn xem ra có vẻ không thuyết phục bao nhiêu, nhưng cửa tiệm thợ mộc có tường đất sét, với phòng gia đình mát mẻ ở tầng hầm có những hốc tường để đèn, một cỗ trũng để chứa lò than nấu nướng rất dễ nhận diện là căn nhà của Thánh Gia.



Có trọn cả một dẫy phố thợ mộc. Đàn bà vẫn mang các bình nước trên vai đến ‘Ain-sitt Miriam’ (Giếng Maria), như ngài vẫn thường làm; giếng của nó là nguồn nước chính của Nadarét.

Bao quanh bởi những trang trại và vườn tược trên đồi đẹp mắt, mầu mỡ hoa dại, cây chà là, cây vả, cây ôliu và cây lựu, Nadarét vốn được gọi là “hoa Galilê”. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, hình như nó là một nơi không có mấy tiếng tốt: Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được? Nói về Chúa Giêsu, Nathanaen hỏi như thế. Ảnh hưởng ngoại giáo Hy Lạp lúc ấy vẫn còn rất mạnh ở Nadarét, và liệu có người Nadarét nào được tin tưởng là chính thống một cách nghiêm ngặt như cha mẹ của vị Mêxia không?

Hơn nữa, Nadarét không thuộc Giuđêa, nơi, các trưởng thượng biết rõ, Người sẽ sinh ra. Há tiên tri Mikha đã không nói rõ như thế đó sao?

Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha,

ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa,

từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện

một vị có sứ mạng thống lãnh Israel (5:1)
.

Các trưởng thượng làm thế nào đã có thể đoán được cách lạ theo đó Bà Maria thành Nadarét được mang tới Bêlem?

Cha mẹ của bà Maria không được các sách Tin Mừng nhắc đến, nhưng theo truyền thống, họ có tên là Gioakim và Anna và được tôn kính như các vị thánh, vì trong chín tháng, Anna từng là “nhà tạm” cho Maria. Anna là bổn mạng thợ mộc và thợ làm tủ, của các bà đỡ, thậm chí của tủ nhà bếp hữu dụng.

Truyện các ngài được kể trong các tin mừng ngụy thư, được viết sau này như để “thêu thùa” cho Kinh Thánh, một số đẹp đẽ, một số quá ngây thơ. Các dã sử kể cho chúng ta rằng Gioakim và Anna, mặc dù cưới nhau đã 20 năm nhưng vẫn chưa có con, và đã lên Đền thờ Giêrusalem theo tập tục chính thống Do thái giáo, để dự Lễ Vượt qua. Gioakim dâng một con chiên nhưng bị tư tế từ chối vì ông hiện sống dưới lời nguyền rủa áp đặt lên bất cứ ai không dưỡng dục con cái cho Israel. Gioakim lên tận đỉnh núi ngồi khóc thảm thiết, ăn chay ở đó 40 ngày rồi đọc một lời cầu nguyện vĩ đại lên Thiên Chúa.

Trong khi đó, Anna nghĩ mình bị bỏ rơi nên rất buồn sầu, nhưng đúng vào lúc Gioakim đọc lời cầu nguyện vĩ đại, bà được thúc giục mặc áo cưới vào và ra ngoài vườn. Thình lình, một thiên thần hiện ra với bà và với cả Gioakim và cho họ biết họ sẽ có một đứa con mà hạt giống của em sẽ được nói đến trên khắp thế giới. Đến ngày, con trẻ được sinh ra, nhưng không phải đứa con trai như lòng họ ước mong, mà là một đứa con gái.

Để tạ ơn vì con sinh ra, Chúa đã cất đi sự sỉ nhục của họ, Gioakim và Anna đã đem con Maria vào đền thờ vì em mới có 3 tuổi và trao con cho vị thượng tế; vị này hôn em, chúc lành cho em và nói em ngồi xuống bậc thứ ba của bàn thờ. Nhưng Chúa nói với em cách khác và, thay vì ngồi xuống, em đã múa, điều này làm cho ai thấy em cũng hết sức vui thích.



“Những truyện thêu dệt” như thế tiếp tục cho tới lúc đính hôn và Giáng Sinh. Phần lớn nói rằng Giuse là một người góa vợ, ở cỡ tuổi từ 50 tới 90, và dường như các nhà thần học trung cổ còn cổ vũ thứ niềm tin này, nghĩ rằng sự đồng trinh vĩnh viễn của Đức Maria, đối với con mắt thế gian, sẽ dễ dàng có được nếu bà lấy một ông già khú đế; nhưng điều này quả đã hạ giá ngài, và càng hạ giá Thánh Giuse nhiều hơn nữa. Việc ngài còn trẻ làm cho việc tự chế, đức khôn ngoan, niềm tin không nghi vấn, hành động mau lẹ và việc bảo vệ Đức Maria và Con Trẻ trở thành quên mình và kỳ diệu hơn nhiều.

Có lẽ Đức Maria và Thánh Giuse yêu nhau theo lối bình thường của một người đàn ông và một người đàn bà trẻ, nhưng cuộc hôn nhân của họ chắc chắn do cha mẹ sắp xếp qua mối lái. Cuộc “tenaim”, tiếng Do Thái chỉ hôn nhân, của hồi môn, trong đó chắc chắn có những cây nến mà Đức Maria sẽ đốt lên vào những ngày Sabát, những tặng phẩm người ta mong chờ từ chú rể, và ngày cưới, tất cả phải được giải quyết xong vào ngày Đính Hôn, một nghi thức trói buộc và long trọng.

Do đó, Đức Maria ngỏ với Thánh Giuse lòng trung thành, trung thực của mình, và rồi thiên thần hiện ra. Chúng ta không biết lúc ấy, Đức Maria đang ở đâu, dù nhiều bức tranh vẽ ngài đang dệt vải. Có phải ngài chỉ đơn giản ngước trông lên và thấy sự hiện diện sáng láng?

Các thiên thần đẹp một cách dễ sợ. Tiên tri Đanien mô tả thiên thần của ngài có mắt như những ngọn đuốc rực lửa. Trong Tân Ước, tại mộ Chúa Giêsu, mặt thiên thần giống như sấm sét, áo ngài trắng như tuyết, và các lính canh sợ đến như chết đi được. Thật vậy, dường như các vị khách thiên thần thường bắt đầu sứ điệp của các ngài bằng cách nói: “Đừng sợ”.

Có lẽ sự độc đáo của Đức Maria biểu lộ qua việc ngài không sợ hãi, dù lời Gabriel Chào bà có phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc hơn mọi người nữ có làm ngài bối rối; ngài rõ ràng khiêm tốn, nhưng ngài không mất bình thản và sự ưng thuận của ngài không phải là ngôy ngô. Ngài chỉ đơn giản nói, Làm sao việc ấy có thể có được? Gần như chắc chắn ngài đã nghe nhiều lời tiên tri, nhất là của Isaia, và do đó, sự ngạc nhiên của ngài không phải là chuyện một trinh nữ sẽ mang thai, mà là ngài, một người thấp hèn và tối tăm đến thế, mà lại là trinh nữ ấy.



Việc một cô gái, đáng kính, khiêm tốn, yêu người, trung thành, như Kinh Thánh đã mô tả về Đức Maria, bỗng nhiên mang thai trước khi cô và vị hôn thê về chung sống với nhau sẽ ra sao đây? Từ các sách Tin Mừng, chúng ta có thể thu lượm được như sau: cha mẹ ngài vốn là những người Do Thái chính thống dám không thừa nhận ngài nữa; vì chính Thánh Giuse đã nghĩ sẽ bỏ ngài một cách bí mật để khỏi đặt ngài vào thế bị sỉ nhục.

Dĩ nhiên, Đức Maria không hề cảm thấy ô nhục, một điều rõ ràng gây ngạc nhiên, nhưng ngài cũng không thể giải thích; ai mà tin ngài nếu ngài dám giải thích? Phải chăng việc Thánh Giuse cay đắng thất vọng đối với ngài là lưỡi gươm đầu tiên đâm thấu trái tim ngài? Thế nhưng, ngài không nói gì với Thánh Giuse. Trong trọn bộ Tân Ước, Đức Maria chỉ nói không quá 200 lời, thánh Giuse không nói lời nào, nhưng các hành vi của các ngài nói hùng biện hơn bất cứ lời nói nào. Chắc hẳn phải là một sự nhẹ lòng cho Đức Maria xiết bao khi thiên thần đến báo mộng, lần này, cho Thánh Giuse và, theo Mátthêu, yêu cầu ngài đón Đức Maria về làm vợ.

Thánh Giuse chắc chắn là dụng cụ của Thiên Chúa hay, nếu ta muốn, là một dụng cụ của quan phòng. Ngày nay, thật khó mà hiểu được sự rủi ro Đức Maria phải chịu, không những bị ô nhục, mà còn có thể chết nữa: ngài có thể bị ném đá, vốn là hình phạt cho tội ngoại tình. Sự im lặng của Giuse làm im lặng mọi sự, nhưng ở một thị trấn nhỏ như Nadarét, vẫn còn rất nhiều tò mò, và có lẽ đây là lý do khiến ngài đưa Đức Maria đi với ngài lên Bêlem nhân cuộc kiểm tra dân số.

Cứ 14 năm, người La Mã lại tổ chức một cuộc kiểm tra dân số trong khắp đế quốc để, qua loại thuế thân, họ có thể có tiền trả lương cho đoàn quân của họ, cho các xa xỉ của họ, và “bánh mì cùng trò xiếc” cho người dân của họ. Có điều chắc là cuộc kiểm tra dân số đặc thù được Tin Mừng Luca nói đến diễn ra giữa năm 10 và năm 7 TCN dưới triều Hoàng đế Augustô. Để dự cuộc kiểm tra dân số này, Thánh Giuse phải trở về Bêlem nơi ngài sinh ra và là thị trấn của nhà Đavít.

Đưa một thiếu nữ, gần đến ngày sinh đứa con đầu tiên, vào một cuộc hành trình gian lao dài tới 4 hay 5 ngày trên lưng lừa quả là một điều khùng điên. Nhưng với Đức Maria, sự trùng hợp của kiểm tra dân số với việc sinh hạ đứa con của ngài hẳn phải là “một xác nhận” khác; nó ứng nghiệm lời tiên tri xưa của Mikha về nơi sinh của Đấng Mêxia.

Nhiều thế kỷ về sau, đan sĩ Rôma, Dionysius Exiguus, nẩy sinh ra ý tưởng phân chia lịch sử thành hai kỷ nguyên phân cách bởi ngày sinh của Chúa Kitô, nhưng nay ta biết năm lịch 1 CN không hẳn là năm Chúa Giêsu sinh ra đời, vì Người sinh ra dưới triều Hêrốt, và Hêrót, lúc đó bệnh sắp chết, đã qua đời năm thứ 4 TCN. Khi các chiêm tinh gia đến thăm ông thì không thấy nhắc gì đến sức khỏe kém của ông cả. Có lẽ Con Trẻ sinh vào khoảng năm 7 TCN, là năm cũng trùng hợp với một hoặc hai cố gắng của các chiêm tinh gia giải thích ngôi sao của ba nhà chiêm tinh.

Thánh Giuse và Đức Maria hẳn đã du hành dọc thung lũng Giócđăng, tương đối không nóng, khô và hiểm trở như ngày nay; hồi đó, vẫn còn dấu vết mầu mỡ và rừng xưa của Palestine. Các ngài có thể đã đi theo con đường xa như Giêricô rồi leo lên những ngọn đồi để tới Giêrusalem và tiếp tục tới Bêlem cách đó quá 5 dặm.

Cũng dường như các ngài đi một mình. Có lẽ thánh Giuse muốn giấu Đức Maria khỏi những con mắt tò mò, nhưng đây quả là một quyết định táo bạo, trên đường, giữa những vách đá chơ vơ, có thể có những bọn cướp. Lừa đã trở thành một phần của bức tranh mà chúng ta vẫn coi là chuyện đương nhiên, còn Đức Maria, nặng nề với thai nhi, chắc không thể nào cuốc bộ được.

Có lẽ về đêm, các ngài nghỉ ngơi cho an toàn tại các quán ăn hay nhà trọ dọc đường, có lẽ là một căn nhà nhỏ một tầng, có sân với tường bao quanh, có giếng ở giữa, dây cột xúc vật, chỗ để đốt lửa, xây bằng đất sét hay đào dưới đất.

Lừa có thể vác một cuộn đồ nằm, và Đức Maria hiển nhiên mang theo các tã quấn, những miếng vải hẹp trong đó chân tay bé thơ được quấn chặt theo thói quen thời ấy để tránh quá nhiều cựa quạy. Và thế là các ngài tới Bêlem Éphrata, một thị trấn miền đồi núi giữa những khu rừng trồng ôliu.

Éphrata, danh xưng của quận quanh Bêlem, có nghĩa là “nhiều hoa trái”, trong khi “Bêlem” có nghĩa là “nhà làm bánh”; Chúa Giêsu sau này sẽ nói rằng Người là “cây nho đích thực”, và là “bánh ban sự sống”; và hàng triệu Kitô hữu tin rằng Người tái hiện dưới hình bánh và rượu hàng ngày, trên các bàn thờ khiêm hạ hay kỳ diệu tại hầu như mọi ngõ ngách trần gian. Nhưng đêm đó, như chúng ta biết, ở Bêlem, không ai đón tiếp Người cả, không có chỗ để Người sinh ra một cách thích đáng. Chuồng bò, có lẽ của một chủ quán, hẳn là một cái hang, vì ở Bêlem đồi núi, đó là nơi trâu bò của gia đình và các thú vật khác được giữ ở đó.

Đức Maria có lẽ sinh con một mình; nhưng trong một câu truyện ngụy thư khác, Thánh Giuse đi kiếm một bà đỡ và bỗng nhiên cả thế giới đứng im: Lúc này Giuse tôi đang bước đi nhưng không bước được nữa...Và tôi nhìn lên chiếc trụ trên thiên đàng và thấy nó đứng yên, còn các gà vịt trên thiên đàng cũng bất động. Và tôi nhìn xuống đất và thấy đĩa bát được dọn sẵn, và các công nhân đang nằm gần đó, và tay của họ đang với tới đĩa bát: và những người đang nhai thì ngừng nhai, còn những người đang nâng thức ăn lên thì không nâng lên được, và những người đang đút thức ăn vào miệng thì không đút được, nhưng mặt tất cả bọn họ đều hướng lên trời. Và kìa, có những con chiên bị lùa đi, nhưng chúng tiến lên không được mà đứng im, và người chăn chiên giơ tay dùng gậy thúc đánh chúng, nhưng tay ông lơ lửng giữa trời. Và tôi nhìn xuống giòng sông và tôi thấy miệng các con dê con đang định uống nước nhưng chúng uống không được. Và bỗng nhiên mọi vật lại chuyển động trở lại trong diễn trình của chúng.

... và kìa một vầng mây sáng phủ lên hang... mây tự rút đi... và một ánh sáng vĩ đại xuất hiện trong hang... và từ từ ánh sáng đó cũng tự rút lui cho tới lúc con trẻ xuất hiện
.

Một bức tranh tuyệt diệu trong đó cả thế giới kìm giữ hơi thở của mình.

Sự hiện diện của con bò và con lừa đã ứng nghiệm lời tiên tri. Ở giữa hai sinh vật, Ngài sẽ làm Ngài được biết đến, Khabacúc đã viết như thế về Đấng Mêxia, trong khi Isaia viết, Con bò biết chủ của nó còn con lừa biết máng của chủ nhân nó. Ở Phương Đông, máng được làm bằng đất sét hay có lẽ là một cái máng bằng đá, và mặc dù Đức Maria có thể đã trải đầy cỏ khô, nhưng hẳn nó phải rất lạnh. Câu truyện truyền thống vẫn cho rằng bò và lừa đã giữ cho Con Trẻ được ấm bằng hơi thở của chúng.



Ở Palestine, người ta không thể đi xa mà không gặp một người chăn chiên, thường với một chiên con hay chiên mẹ bị thương trên vai. Anh có thể mặc chiếc áo khoác Bơđuin bằng lông chiên trên chiếc áo dài của mình, phần lông hướng vào bên trong; anh mang chiếc gậy trong tay để hướng dẫn đoàn vật, nói với chúng bằng một giọng nói như hát. Các người chăn chiên rất nổi bật trong Kinh Thánh, từ Ápraham với đoàn vật của ông, và Đavít, người được kêu gọi khi đang chăn chiên để trở thành vua được xức dầu, đến chính Chúa Kitô: "Chúa là Đấng chăn chiên tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi", có lẽ là thánh vịnh được yêu mến nhiều nhất, và hết lần này đến lần nọ, Chúa Kitô sẽ nói về Người trong các dụ ngôn Người là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành. Thành thử còn gì xứng đáng hơn khi những người ở bên ngoài đầu tiên được thấy Người sơ sinh là những người chăn chiên?

Dù thế, vẫn đã phát sinh ra những lập luận bất tận. Một số thần học gia nói rằng Chúa Giêsu có thể không sinh ra trong mùa đông vì Bêlem vào tháng Mười Hai xuống tới điểm đông đá và đoàn vật thường được giữ ở bên trong. Việc Chúa sinh ra chắc chắn xẩy ra vào mùa xuân, nhiều người khác nói thế, vì đó là lúc thả chiên ngoài đồng, khi những người chăn chiên canh chúng lúc đêm khuya, vào các thời điểm khác, họ để mặc đoàn chiên. Lập luận hay không, các sách Tin Mừng nói rằng các người chăn chiên của Lễ Giáng Sinh sống ngoài đồng, căn cứ vào đây, hình như họ là người Bơđuin hay những người du mục khác; ngay bây giờ, quanh Bêlem, những chiếc lều thấp, mầu đen vẫn được nhìn thấy cả mùa đông lẫn mùa hè, và đốt lửa ban đêm.

Ngày nay, vào lễ Giáng sinh, Bêlem chen chúc các du khách, hàng ngàn người họ khiến các Kitô hữu địa phương không thể dự được Thánh Lễ nửa đêm của họ. Hang đá hiện nay nằm dưới nhà thờ Rôma vĩ đại; hai dẫy bậc thang dẫn xuống một cái động chỉ rộng và dài vài thước Anh; nó nặc mùi hương và có những trang trí cầu kỳ, hơn 50 cây đèn; nhưng nền động được gắn một ngôi sao, bạc của nó mòn đi vì các nụ hôn, địa điểm nơi Chúa Kitô sinh ra, một nhắc nhớ tới dòng dõi Đavít và ngôi sao dẫn các nhà chiêm tinh.

Các nhà chiêm tinh đã gây sôn sao xiết bao trên các phố xá Bêlem khi họ cỡi lạc đà tới chỗ ngôi sao dừng lại! Mátthêu viết rằng nó đậu lại trên một ngôi nhà, như thế, Thánh Gia hẳn đã rời khỏi chiếc hang.

Không ai biết các nhà chiêm tinh đã phát xuất từ đâu, nhưng sự giầu có trong các tặng phẩm của họ và sự kính trọng họ nhận được tại triều đình vua Hêrốt, chắc hẳn họ phải là những người danh tiếng; trong truyền thống bình dân, họ là những vị vua. Hiển nhiên họ đã du hành một đoạn đường rất dài. Nếu, rất có thể như thế, nếu họ phải vượt hoang địa, thì chắc hẳn họ phải dùng lạc đà. Theo ngôi sao, hẳn họ phải du hành ban đêm.



Các sử gia và chiêm tinh gia vốn lý luận hàng nhiều thế kỷ nay về việc ngôi sao đầy ấn tượng này có thể là gì. Một ngôi sao chổi? Một ngôi đã được nhìn thấy vào năm 17 TCN, quá sớm; một ngôi khác, được coi như báo trước cái chết của Nêrông, xẩy ra năm 66 CN, quá muộn. Người Trung Hoa, những quan sát viên thiên thể chính xác nhất, ghi nhận rằng một sao chổi lúc ẩn lúc hiện trong bẩy ngày vào năm 5 TCN. Hay ngôi sao có thể là một sao mới (nova), không hẳn một ngôi sao mới, cho bằng một ngôi sao bỗng tăng độ sáng khi nó nổ tung ở bên trong; độ sáng của một sao mới có thể hết sức lớn. Người Trung Hoa nhận thấy một ngôi vào năm 4 TCN; họ gọi những sao mới này là “sao chổi không có đuôi”, ngôn ngữ thiên văn học đầy vẻ đẹp thiên thể.

Có một sự trùng hợp khác, chắc chắn như thế, không những chỉ đươc sự hỗ trợ của khoa thiên văn mà thôi mà của cả khoa chiêm tinh nữa, tức khoa nghiên cứu ảnh hưởng của các vì sao và hành tinh đối với con người và việc làm của họ; các hành tinh di chuyển qua thái dương hệ, đôi khi tới gần nhau đến nỗi đối với chúng ta cách xa cả hàng triệu dặm dường như giao hội (conjunction). Năm 1603, nhà thiên văn học nổi tiếng người Đức, Johannes Kepler, qua viễn vọng kính, thấy Jupiter và Saturn trong chòm sao Song Ngư (pisces) giao hội nhau, và nhớ lại điều ông từng đọc, rằng các nhà chiêm tinh xưa vốn tin rằng việc các hành tinh gần như gặp nhau này biểu thị cho đêm, thậm chí cả giờ, khi Đấng Mêxia xuất hiện vì Song Ngư, hai “con cá” thiên thể ấy cột lại với nhau bằng đuôi của chúng, chính là dấu hiệu của Người; Jupiter vốn là hành tinh vương giả và may mắn, còn Saturn được tôn kính như người bảo vệ Israel.

Nhờ tính toán cẩn thận các ghi chú của mình, Kepler học biết rằng sự giao hội hiếm có và lạ lùng này từng diễn ra trước đây, vào năm 6 hoặc 7 TCN. Trong nhiều năm, việc khám phá của ông bị bác bỏ, nhưng vào năm 1925, một số tài liệu xưa được tìm thấy tại một Trường Chiêm Tinh nổi tiếng tại Sippar của Babylon; và ở đó, dưới hình thức chữ nêm Babylon, một vụ giao hội đã được đánh dấu rõ ràng và được quan sát trong 5 tháng liền vào năm 7 TCN: đó chính là sự giao hội của Jupiter và Saturn trong vòm sao Song Ngư.

Xem ra không thể tranh cãi, thế nhưng... Đối với những con người đầy kinh nghiệm như các Chiêm Tinh Gia, liệu vụ giao hội, dù gần đến bao nhiêu, có thể chỉ là một ngôi sao? Họ đâu có nói: “Chúng tôi nhìn thấy các ngôi sao của Người” ở số nhiều? Hơn nữa giải thích hoặc bằng các hành tinh hay bằng sao chổi hay sao mới của người Trung Hoa, vẫn còn một khiếm khuyết: tất cả đều hiển hiện ở Babylon và khắp Phương Đông xa tới tận Trung Hoa, thế nhưng ở Palestine, dường như không ai lưu ý đến chúng, kể cả các thượng phẩm và luật sĩ của Hêrốt, kể cả bất cứ ai ở Giêrusalem. Thậm chí khi các Chiêm Tinh Gia nói với họ, họ vẫn lấy làm lạ. Tại sao?

Trong cuốn Kinh Thánh Giêrusalem, lời chú giải về các sách Tin Mừng cẩn thận chặn đứng mọi óc tưởng tượng, thận trọng tách biệt sự thật ra khỏi dã sử, nhưng ghi chú liên hệ vẫn nói rằng, “Hiển nhiên, tin mừng gia [sử gia thận trọng Mátthêu] nghĩ tới một ngôi sao mầu nhiệm; quả là vô dụng khi đi tìm một lối giải thích tự nhiên”. Và há yếu tính của một thị kiến không phải là nó chỉ được nhìn thấy bởi những người nó được định dành cho đó sao? Không hề có bất cứ bút tích nào về việc không ai mà chỉ có Gioan Tẩy Giả mới nhìn thấy Chim Bồ Câu ngự xuống tại Phép Rửa của Chúa Giêsu; trên đường Đamát, không ai trừ Thánh Phaolô đã thấy gì, nhưng Thánh Phaolô đã bị mù trong chốc lát bởi một ánh sáng. Cũng giống như thế đối với mọi thị kiến.

Thành thử, rất có thể, sự kỳ diệu thực sự của ngôi sao là không ai ngoài các Chiêm Tinh Gia đã thấy nó. Đối với Đức Maria, việc tôn kính của họ dường như không thuộc trần gian, những khách viếng thăm vĩ đại này đến từ những đất nước xa xôi, qùy gối trước Con Trẻ, nhưng rồi các cúng phẩm trần gian, kỳ lạ đối với phần lớn các Bé Thơ, nhưng Các Người Khôn Ngoan này biết nhìn xa: họ tặng vàng này cho vương quyền của Người, nhũ hương cho Thiên tính của Người và mộc dược cho cái chết và buồn sầu cay đắng của Người.

Còn tiếp