Trang

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Chương 7 Cảm thức đức tin trong di sản

 Cảm thức đức tin trong di sản

Chương 7 sách Công giáo trong tự do

Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

renepoujol.fr, René Poujol, 2021-12-24

Đó là “cảm thức đức tin” chung cho tất cả những người đã được rửa tội mà Đức Phanxicô triệu tập để chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023. Ngoại trừ, như nhà thần học Jean François Chiron trong báo La Croix (*), khi xóa “và chấp thuận” ở cuối câu ngạn ngữ kinh điển la mã: “Tất cả những gì liên quan phải được tranh luận và phải được tất cả chấp thuận”, Đức Phanxicô không thực sự cắt đứt quan niệm về tính đồng nghị, được đặt vấn đề ngày hôm nay khi Huấn quyền vẫn là trọng tài duy nhất với các đề nghị do các tín hữu đưa ra.

Hình minh họa: Đêm Phục sinh tại Tu viện Sylvanès.

Cảm thức đức tin trong di sản

Từ nửa thế kỷ nay, tôi say mê đời sống của Giáo hội – có lẽ có từ ngày tôi thêm sức – tôi không ngừng thấy người công giáo xâu xé nhau. Tin gì và không tin gì? Điều gì nên làm theo và không nên làm theo các giảng dạy của Giáo Hội thường được gọi là huấn quyền? Không có gì là mới! Chỉ cần đọc sách Công vụ Tông đồ để có một ý tưởng về sự chia rẽ trong các cộng đoàn kitô giáo đầu tiên. Có gì vượt thời gian hơn?

Liệu Giáo Hội vẫn điếc khi giáo dân chất vấn các giáo dân của mình không?

Thượng Hội đồng về Gia đình được tổ chức tại Rôma trong hai phiên – đó là điều đặc biệt – năm 2014 và 2015, đã cho chúng ta một minh họa rõ nét về những đụng độ và xâu xé này. Chắc chắn không tránh được. Bởi vì cuối cùng, ngoại trừ việc nương náu trong một nhân loại “ngoài mặt đất” có nghĩa là ngoài lịch sử loài người, thì sự thích nghi – hay đào sâu – vẫn là điều cần thiết, và những cuộc tranh luận nảy sinh vẫn là hằng số. Điều gì có điểm chung như một trải nghiệm, hơn là những gì liên quan đến gia đình? Và làm thế nào chúng ta không nhìn thấy chúng đã thay đổi nhiều như thế nào trước mắt chúng ta? Cán cân cũ, vốn rất giàu có, giữa hôn nhân, chung thủy, tình dục và sinh sản đã bị phá vỡ. Liệu Giáo Hội vẫn điếc khi giáo dân của mình kêu gọi về việc tránh thai, quan hệ trước hôn nhân, đón nhận người đồng tính, cho người ly hôn tái hôn được rước lễ không?

Nhưng chỉ mới đụng đến một phần của tòa nhà là đã nghe hét toáng lên! Vào cuối mùa hè năm 2015, một vài tuần trước khi khai mạc kỳ họp thứ hai của Thượng hội đồng Rôma về Gia đình, chúng tôi được biết có “kiến nghị hiếu thảo” thu được 500.000 chữ ký gởi đến Đức Phanxicô xin ngài đừng “bao giờ tách rời thực hành mục vụ khỏi giáo huấn được truyền lại của Chúa Giêsu Kitô và những vị tiền nhiệm của ngài”. Ở những nơi khác có việc xuất bản một tác phẩm tập thể, có chữ ký của mười một vị cao cấp về Hôn nhân và gia đình trong Giáo hội công giáo. Tài liệu về đề tài này không thể phong phú hơn, người ta có thể thấy đây là một nỗ lực mới nhằm tạo áp lực lên Đức Phanxicô và các Nghị phụ của Thượng Hội đồng để họ đừng thay đổi gì. Và chúng tôi thực sự không biết nên tội nghiệp, nên thấy chướng mắt, nên chế giễu hay nên tuyệt vọng khi nghe những tâm hồn cao đẹp thống khổ thấy, vì thượng hội đồng mà giáo hoàng có thể thay đổi giáo lý.

“Những tín hữu riêng lẻ có thể đi xa đến mức từ chối sự giảng dạy của các mục tử của họ”

Nhưng sự mới lạ nằm ở chỗ khác! Được bầu vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngay từ cuối hè, Đức Phanxicô đã công bố việc triệu tập Thượng hội đồng này ngày 5 tháng 11 – 2013, một tài liệu chuẩn bị kèm theo một bảng câu hỏi dài dành cho các tín hữu trên khắp thế giới. Sáng kiến chưa từng có! Chúng ta có nên thấy trong cuộc tham vấn “dân chủ” là biểu hiện của một lệch lạc hiện đại không? Không, chỉ đơn giản là đặt nặng và thực hiện điều mà trong thần học cổ điển nhất gọi là “cảm thức đức tin”, cụ thể cho tất cả những người đã được rửa tội, bởi chính sự thuộc về Chúa Kitô và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi Ngài. Cảm thức đức tin từ lâu đã làm cho nhiều giáo dân, trong số những người giữ đạo nhất thú nhận họ không còn hiểu mối liên hệ giữa Tin Mừng và điều này điều kia được quy định trong huấn quyền. Để đưa ra chỉ một ví dụ được tranh luận rộng rãi trong thượng hội đồng, làm thế nào để hiểu được sự nhấn mạnh của Chúa Kitô về sự tha thứ và việc Giáo hội khăng khăng từ chối để người ly dị tái hôn tham dự vào bí tích mà nhiều người vẫn gọi là giải tội? Người anh hùng trẻ tuổi trong tiểu thuyết của tôi chắc chắn đã nghĩ đến thực tế nghịch lý này, khi anh ta quyết định yêu cầu “quyền kiểm kê” trước khi quyết định dấn thân thêm!

“Được cảnh báo bởi cảm thức đức tin, sensus fidei (câu nổi tiếng ‘cảm thức đức tin’), các tín hữu riêng lẻ có thể đi xa đến mức từ chối sự giảng dạy của các mục tử của họ, nếu họ không nhận ra Chúa Kitô, người mục tử nhân lành trong lời dạy này.” Chúng ta không biết nói gì hơn! Bản văn này, chắc chắn được viết bằng ngôn ngữ Giáo hội, phát ra từ Ủy ban Thần học Quốc tế rất chính thức trong một nghiên cứu khá hứng thú, nếu không muốn nói là luôn thuyết phục, đã được công bố một ít lâu trước thượng hội đồng. Nhưng một công bố đúng lúc vì nó đặt ra câu hỏi phải được biết, khi “có những căng thẳng giữa giảng dạy của huấn quyền và những quan điểm được cho là nói lên cảm thức đức tin”, làm thế nào để phân định, nếu đây không chỉ đơn thuần là một ý kiến. Câu hỏi là chính đáng!

Cảm thức đức tin và ý kiến quần chúng

Tuy nhiên, tất cả các lập luận do Ủy ban Thần học Quốc tế triển khai đều làm bản chất của nó bị trống rỗng. Xin lỗi với những người chưa quen, nhưng phải đi vào phần “khó” của lý giải để hiểu thách thức của những dòng trích, có một cái gì đó với sự khó chịu của nhiều người công giáo và do đó phần nào giải thích được cuộc khủng hoảng Giáo hội đã trải qua.

Bản văn chú ý phân biệt cảm thức đức tin dành riêng cho từng người đã được rửa tội (sensus fidei fidelis) với cảm thức đức tin chung cho tất cả mọi người, từ giám mục đến giáo dân, điều duy nhất cuối cùng được công nhận đích thực bởi Giáo hội cảm nhận đức tin của tín hữu (sensus fidei fidelium). Bản văn nhấn mạnh đến sự cần thiết, không được nhầm lẫn giữa cảm thức đức tin và ý kiến quần chúng, dù điều đó có thể là chính đáng. Và nếu bản văn thừa nhận, trên nguyên tắc, rằng sự bất đồng giữa các tín hữu và huấn quyền có thể do đánh giá chưa đủ cảm thức đức tin của các tín hữu… thì cần phải nhanh chóng nêu rõ “sự phán xét liên quan đến tính đích thực của cảm nhận đức tin của tín hữu… sensus fidei fidelium, theo phân tích cuối cùng, thuộc về huấn quyền, không thuộc về bản thân tín hữu hay thần học.” CQFD.

Quý vị muốn có một hình minh họa? Trong một văn bản kèm theo tài liệu này từ Ủy ban Thần học Quốc tế, chúng ta có thể đọc:

“Việc một số lớn người công giáo khó khăn khi tiếp nhận thông điệp Sự sống Con người, Humanae Vitae (1968) được giải thích đây là một “sai lầm” của huấn quyền, rằng phản ứng tiêu cực của cảm thức đức tin của tín hữu kitô đã làm cho điều này trở thành nổi bật. Huấn quyền hậu công đồng đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng cảm thức đức tin không thích hợp này.”

Huấn quyền như trọng tài tối cao đối với các chỉ trích được lập ra để chống họ.

Chúng ta biết Giáo hội không phải là một nền dân chủ. Nhưng có thể hiểu các tín hữu thắc mắc khi họ thấy huấn quyền tự đặt mình như trọng tài tối cao đối với những lời chỉ trích được lập ra để chống họ. Chúng ta có thể khẳng định, các tín hữu, với tất cả tự do và trung thành với đức tin của họ, có thể ảnh hưởng trên sự phát triển của học thuyết và đồng thời nhắc lại, họ là động lực cuối cùng cho cấp bậc thẩm quyền đánh giá tính nhất quán của những đề xuất này với đức tin của Giáo hội không? Vị anh hùng trẻ tuổi trong Cái chết của người cha, người đã kỷ niệm sinh nhật hai mươi tuổi cùng năm Đức Phaolô VI công bố thông điệp Sự sống Con người, Humanae Vitae, đã thấy rõ tính không thể chấp nhận, cho anh và cho thế hệ của anh những mâu thuẫn như vậy. Trong nhiều thập kỷ, người ta chống đối các tín hữu công giáo, rằng một vài mong muốn thích ứng của họ không dựa trên “cảm thức đức tin” đích thực, nhưng đơn giản thể hiện một dư luận công giáo bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng tự do thống trị… Trong khi những yêu cầu này được tìm thấy ở phần kết luận của gần như hầu hết các thượng hội đồng giáo phận… Hay đúng hơn là không, vì Vatican cấm họ làm như vậy. Và họ được hỗ trợ bởi nhiều giám mục, hồng y và nhà thần học! Qua nhiều thời kỳ, huấn quyền Giáo hội công giáo không thay đổi, về việc cho vay nặng lãi, vấn đề xã hội hay tự do tôn giáo? Và nếu ý kiến của giáo dân và các nhà thần học thích đáng ngày hôm qua để biện minh cho những phát triển như vậy, vì sao bây giờ lại không còn?

Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc, mà một lần nữa gây khủng hoảng niềm tin của nhiều tín hữu và làm suy giảm uy tín của Giáo hội? Về gia đình và chính xác hơn về cặp vợ chồng xây dựng gia đình, tôi thấy có một cảm thức đúng về tự do lựa chọn, sự chung thủy, thời gian sống và khả năng sinh sản của hôn nhân. Nhưng cũng có những câu hỏi về việc làm thế nào để hiểu giáo lý này và chuyển nó thành “hành động theo tinh thần kitô” đương đại, quan tâm đến các thực tế đời sống, của những khám phá khoa học, của sự đa dạng các nền văn hóa. Các đồng thuận và các câu hỏi là yếu tố cấu thành một cảm thức đức tin như chúng ta có thể thấy Đức Phanxicô đã dựa vào kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài. Dù phải chịu nguy cơ làm trái ý và không hài lòng.

Đối với một huấn quyền xây dựng vừa trên giáo hoàng, vừa trên truyền thống, trên các nhà thần học và những người được rửa tội.

Sáu tháng sau khi kết thúc Thượng Hội đồng Rôma về Gia đình, ngày 8 tháng 4 năm 2016, Đức Phanxicô đúc kết các kết luận và ngài công bố trong Tông huấn có tựa đề Niềm vui Yêu thương. Không có cách mạng học thuyết. Tuy nhiên có chú thích số 351, trong những giới cứng rắn nhất vốn lo sợ một sự tiến triển như vậy, sẽ dẫn đến tác động của một vụ nổ. Ghi chú đơn giản này đã làm cho mọi người có thể – cuối cùng, nhưng trong những điều kiện nhất định – chào đón những người trong hoàn cảnh bất thường theo luật Giáo hội, đặc biệt là những người ly dị tái hôn và những người đồng tính sống chung như một cặp vợ chồng.

Sự tiếp nhận được đa số người công giáo cho “là cởi mở” mục vụ này, nói theo cách mà Đức Phanxicô diễn tả ở đó, dù ở mức độ nhỏ so với một số mong chờ, “cảm thức đức tin” đã đánh dấu một loại trở về với huấn quyền được xây dựng vừa trên giáo hoàng và theo truyền thống, vừa trên các nhà thần học và những người đã được rửa tội.

(*) Jean François Chiron: Thượng hội đồng, giữa cách mạng hay cải cách, phải lựa chọn. Báo La Croix ngày 20 tháng 12 năm 2021. Nhà thần học đề cập đến văn bản của Đức Phanxicô năm 2015, kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức Thượng hội đồng. Câu ngạn ngữ không được trích dẫn như vậy, nhưng toàn bộ phần minh chứng, trên thực tế, là để phân biệt giai đoạn “mở” cuộc tranh luận với đoạn “đóng” của quyết định.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2022/12/19/cam-thuc-duc-tin-trong-di-san/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét