CHỊU ĐAU KHỔ NHƯ ĐỨC KITÔ NGHĨA LÀ GÌ?
Lm. James Dominic Brent, OP
WHĐ (24.02.2024) – Tin Mừng Matthêu cho chúng ta biết: “Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Êli, Êli, lêmasabácthani’, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’” (Mt 27, 46). Lời ta thán này của Chúa đặt ra câu hỏi Chúa có mối tương quan nội tâm như thế nào với Chúa Cha trong đau khổ. Câu nói này cũng đặt ra câu hỏi: bạn và tôi cần có mối tương quan như thế nào với Thiên Chúa trong đau khổ của chúng ta. Chịu đau khổ như Đức Kitô nghĩa là gì?
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói rằng, một trong những đặc điểm nổi bật của đau khổ của con người, khác với đau khổ của loài vật, là con người đặt câu hỏi về đau khổ của mình (x. Salvifici Dolores, số 9). Khi đau khổ, chúng ta hỏi Thiên Chúa tại sao chúng ta đau khổ. Việc chúng ta đặt câu hỏi với Thiên Chúa là điều tự nhiên vì tự bản chất con người nhận biết Thiên Chúa hiện hữu và mong đợi Thiên Chúa sắp xếp thế giới một cách tốt đẹp. Đau khổ dường như đi ngược lại với sự hiểu biết tự nhiên của chúng ta về Thiên Chúa, Đấng là sự khôn ngoan và tình yêu trọn vẹn.
Việc thắc mắc với Thiên Chúa tại sao chúng ta đau khổ tự nó không phải là điều gì sai trái. Thắc mắc không nhất thiết là dấu chỉ của sự phản kháng, ngờ vực, hoặc không tin vào Thiên Chúa. Đó có thể là một câu hỏi chính đáng. Sự trung thực và dễ bị tổn thương của chúng ta trước Thiên Chúa luôn luôn thích hợp. Mở rộng con tim và tâm trí cho Thiên Chúa và thân thưa với Ngài những suy nghĩ, thắc mắc và nỗi buồn cụ thể của chúng ta là một điều tốt lành, thậm chí đó có thể là cánh cửa dẫn đến mối tương quan sâu sắc hơn với Thiên Chúa - nhất là trong lúc đau khổ.
Được giải thích trong Kinh thánh
Chúa Giêsu là con người hoàn toàn, Người giống chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Người đã chịu đau khổ tột cùng trên thập giá và chịu đựng theo cách thế của một con người. Vì vậy, Người hỏi tại sao? Người nêu thắc mắc lên Chúa Cha. Liệu Chúa Giêsu có là con người hoàn toàn nếu giữa những đau khổ tột cùng như vậy, Người không hề thắc mắc chút nào? Bằng việc đặt câu hỏi, Đức Kitô đã “để lại cho chúng ta một gương mẫu” (1 Pr 2, 21). Người mạc khải cho chúng ta rằng thật đúng đắn khi thành thật hỏi Thiên Chúa tại sao chúng ta đau khổ? Câu hỏi của Chúa Giêsu không phải là sự nổi loạn hay phản kháng, mà là có một diễn biến nào đó trong lời cầu nguyện của Người từ trên thập giá.
Chúa Giêsu trong trạng thái đang cầu nguyện, không chỉ vào lúc Người tắt thở mà còn trong suốt cuộc khổ nạn, khởi đi từ Vườn Cây Dầu. Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng có những khúc quanh trong lời cầu nguyện của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta thay đổi từ lúc này sang lúc khác, và lời cầu nguyện của Đức Kitô cũng vậy. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha rằng, nếu có thể được thì cất chén đau khổ, nhưng “xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26, 42). Sau đó, Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ bách hại Người được tha thứ (x. Lc 23,34). Nhưng lúc này, trong một thời khắc khác, Chúa Giêsu chân thành thừa nhận trước mặt Thiên Chúa toàn bộ nỗi đau khổ đang ập đến với mình. Để làm điều này, Người đã rút ra từ kho tàng lời cầu nguyện của Israel, đó là Thánh vịnh.
“Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” là dòng đầu tiên của Thánh Vịnh 22. Chúa Giêsu không chỉ đọc thuộc lòng câu này, mà Người còn thốt ra những lời này từ trong sâu thẳm tâm hồn. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một gương mẫu khác. Lời cầu nguyện chân thành là toàn tâm toàn ý và liên kết toàn bộ cơ thể và tâm hồn con người. Khi được dâng lên từ sâu thẳm tâm hồn, lời cầu nguyện thường vang lên qua thể xác bằng một giọng lớn. “Từ vực thẳm, con kêu cầu Ngài, lạy CHÚA; Muôn lạy Chúa, xin Ngài xin nghe tiếng con” (Tv 130,1).
Khi kêu lên dòng đầu tiên của Thánh vịnh 22, Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện với Chúa Cha mà còn công bố với những người xung quanh. Trong thế giới cổ đại, Kinh thánh chưa được chia thành các chương và câu.
Đúng hơn, các Thánh Vịnh được biết đến và ghi nhớ theo dòng đầu tiên của chúng. Bằng việc kêu lên dòng đầu tiên của Thánh vịnh 22, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chú ý đến bài Thánh vịnh này và cho thấy nó đã được ứng nghiệm ở giữa họ như thế nào. Thật vậy, Thánh Vịnh 22 là một lời tiên báo chính xác một cách kỳ lạ về việc Đức Kitô đang đau khổ ra sao: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi” (c. 7). Câu 8-9 bộc bạch, “Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: "Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!". Câu 15 và 16 diễn tả những đau khổ thể xác thực sự của Chúa Giêsu: “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan. Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau”. Chính xác nhất là câu 19 tiên báo việc “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”. Khi kêu lên dòng đầu tiên của Thánh vịnh 22, Chúa Giêsu đưa ra một cách chú giải thần linh về những gì đang diễn ra. Người giải thích mọi sự dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chỉ khi đọc cuộc đời mình dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta mới thực sự hiểu được sự thật thần linh về những điều bị ẩn khuất trong tầm nhìn của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thắc mắc: Đâu là mức độ đau khổ đã khiến Chúa chúng ta phải cầu nguyện “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Ngài lại bỏ rơi con?” Mức độ đau khổ trọn vẹn mà Chúa Giêsu gánh chịu là một mầu nhiệm, nhưng không phải là không thể hiểu được.
Con người bên ngoài và con người bên trong
Theo Thánh Phaolô, nhân học Công giáo phân biệt giữa “con người bên ngoài” và “con người bên trong” (2 Cor 4,16). Con người bên ngoài là một nơi nào đó trong chúng ta, nhưng không phải là nơi sâu thẳm nhất. Đó là nơi của những cảm giác, hình ảnh, và đam mê, nói cách khác, là nơi phát sinh trải nghiệm thể lý và tâm lý. Con người bên trong là một nơi sâu thẳm hơn trong mỗi chúng ta, là nơi của sự nhận thức và tình yêu cao cả hơn, bền vững hơn. Quan trọng hơn, đó là nơi con người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
Con người bên trong cũng có thể được gọi là tâm hồn sâu thẳm, và con người bên ngoài cũng có thể được gọi là khu vực xung quanh trái tim. Tâm hồn sâu thẳm có đôi mắt thiêng liêng - đôi mắt của tâm hồn (x. Eph 1,18). Khi đôi mắt của tâm hồn chúng ta được ánh sáng ân sủng soi chiếu, chúng ta nhận biết Thiên Chúa trong sâu thẳm tâm hồn mình một cách nội tại, cá vị, và thân thiết nhất. Hơn nữa, sự hiểu biết như vậy về Thiên Chúa trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta có thể chịu đựng được những trải nghiệm khủng khiếp nhất diễn ra trong khu vực xung quanh trái tim chúng ta.
Những cực hình tàn nhẫn nhất
Vì là con người hoàn toàn nên Chúa Giêsu cũng có nơi mình con người bên trong và con người bên ngoài – tâm hồn sâu thẳm và khu vực xung quanh trái tim. Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã phải chịu những cực hình tàn khốc nhất. Người đã chịu đựng sự đau đớn của những cú đấm và đòn roi, của gai nhọn và đinh đâm thấu, của sự mất máu và cơn khát tột cùng. Người bị môn đệ phản bội, bị đối thủ vây bắt, bị bạn bè bỏ rơi. Người nhìn thấy người mẹ đau khổ của mình khóc thương con. Chẳng có miệng lưỡi nào trên trần gian có thể kể hết mức độ đau khổ đã xuyên thấu thể xác và tâm hồn của Chúa Giêsu Kitô. Khu vực xung quanh trái tim của Người bị choáng ngợp.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói với chúng ta rằng nơi con người bên ngoài, ở khu vực xung quanh trái tim, Chúa Giêsu “đã bị biến thành khu đất hoang. Người không còn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Cha, nhưng đã trải qua kinh nghiệm bi thảm của tình trạng cô độc hoàn toàn nhất” (Tiếp kiến chung, ngày 30.11.1988).
Khi thốt lên lời cầu nguyện từ trên thập giá, Chúa Giêsu thành thật thừa nhận mọi điều đang diễn ra tại khu vực xung quanh trái tim mình. Tuy nhiên, khu vực xung quanh trái tim không phải là khu vực sâu thẳm nhất bên trong con người, và nó cũng không phải là khu vực sâu thẳm nhất bên trong Chúa Giêsu Kitô. Thánh vịnh 64,6 nói rằng “Con người có tâm hồn sâu thẳm”, Chúa Giêsu Kitô cũng vậy. Trong tâm hồn sâu thẳm của mình, Chúa Giêsu Kitô luôn hiệp nhất với Chúa Cha. Ánh sáng của Chúa Cha soi sáng đôi mắt của tâm hồn Người một cách đặc biệt, và trái tim Chúa Giêsu luôn là ngọn lửa tình yêu cháy bỏng dành cho Chúa Cha. Trong suốt cuộc khổ nạn, sự nhận biết và yêu mến Chúa Cha đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong sâu thẳm tâm hồn Người.
Vì lý do này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nói: “Cho dù là Chúa Giêsu cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi nhưng Người biết rằng thực tế không phải vậy. … Chúa Giêsu có cái nhìn rõ ràng về Thiên Chúa và sự chắc chắn về sự kết hợp của Người với Chúa Cha chiếm ưu thế trong tâm trí Người” (Tiếp kiến chung, ngày 30.11.1988).
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ quá nhiều đến nỗi cảm giác bị Thiên Chúa bỏ rơi đã gõ cửa tâm hồn sâu thẳm của Người, nhưng tận thâm tâm, Chúa Giêsu không tán thành. Người vẫn một mực tín trung với Chúa Cha của sự thật. Vì Chúa Cha đã không ẩn mặt trước đôi mắt tâm hồn của Chúa Giêsu. Như Thánh vịnh 22,25 diễn tả: “Chúa không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu”. Như Thánh vịnh này đã được ứng nghiệm trong những sự kiện có thể quan sát được bên ngoài, thì nó cũng đã được ứng nghiệm trong chiều sâu nội tâm và không thể nhìn thấy của tâm hồn Chúa Giêsu.
Ánh sáng ân sủng cũng chiếu sáng trong tâm hồn chúng ta. Ánh sáng này được gọi là ánh sáng của đức tin. Trong đau khổ, chúng ta có thể trải qua hàng ngàn cảm xúc. Chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi hoặc bị bỏ rơi. Thật thích hợp khi nói lên cảm giác bị bỏ rơi và nỗi sợ hãi của mình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên thực tế, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải ghi nhớ chân lý này: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (20. 02. 2024)
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chiu-dau-kho-nhu-duc-kito-nghia-la-gi--54552
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét