Suy niệm chú giải Lời Chúa – Chúa Nhật III Mùa Chay – Lm. Inhaxio Hồ Thông
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này có thể được gọi là “Chúa Nhật về sự thánh thiện của Thiên Chúa”.
Xh 20: 1-17
Bài Đọc I trích từ sách Xuất Hành trình bày Thập Giới trong đó việc thờ phượng Thiên Chúa chân thật và tôn kính Danh Thánh của Ngài được định vị ngay ở hàng đầu tiên.
1Cr 1: 22-25
Bài Đọc II, trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, dành một chỗ đặc biệt cho biến cố Tử Nạn: Đấng Mê-si-a bị đóng đinh là hình ảnh kỳ chướng đối với người Do thái và điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đó lại là sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa.
Ga 2: 13-25
Tin Mừng Gioan tường thuật hoạt cảnh Đức Giê-su đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, vì họ làm ô uế nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài.
BÀI ĐỌC I (Xh 20: 1-17)
Sách Xuất hành là cuốn sách thứ hai trong Ngũ Thư. Sách tường thuật cuộc ra khỏi Ai-cập và giai đoạn đầu tiên của cuộc hành trình trong hoang địa. Biến cố này được định vị có lẽ vào thế kỷ thứ mười ba trước Công Nguyên (giữa 1250 và 1230).
Qua trung gian của ông Mô-sê, Thiên Chúa không chỉ giải thoát dân Ít-ra-en khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, nhưng Ngài còn quy tụ dân và ban cho họ Lề Luật. Thập Giới chỉ là một phần rất nhỏ của Luật Mô-sê, nhưng phải nói là căn bản của Luật Mô-sê. Trong các bộ luật được gặp thấy trong Ngũ Thư chỉ có Thập Giới được đặt vào bối cảnh của cuộc Thần Hiển, ở đó Thiên Chúa trực tiếp phán với dân Ngài (Xh 20: 18-19); còn các bộ luật khác Thiên Chúa ban gián tiếp cho dân Ngài qua trung gian của ông Mô-sê.
Trong Ngũ Thư, có hai bản văn Thập Giới: bản văn của sách Xuất Hành (Xh 20: 1-17) và bản văn của sách Đệ Nhị Luật (Đnl 5: 6-21) với vài tiểu dị. Hai bản văn nêu lên hai lý do khác nhau về việc tuân giữ ngày sa-bát. Trong Thập Giới của sách Xuất Hành, lệnh truyền tuân giữ ngày sa-bát quy chiếu đến cuộc Sáng Tạo (Xh 20: 11) để nêu bật tính chất tôn giáo của ngày sa-bát; còn trong Thập Giới của sách Đệ Nhị Luật, lệnh truyền tuân giữ ngày sa-bát quy chiếu đến cuộc giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập (Đnl 5: 15) để nhấn mạnh tính chất xã hội của ngày sa-bát. Cả hai bản văn này đều cho thấy chúng không là bản văn nguyên thủy nhưng được khai triển rồi. Vài chi tiết cho thấy chúng được gởi đến dân chúng không còn hành trình trong hoang địa nhưng đã định cư rồi.
1. Tính chất cổ xưa của Thập Giới
Có nhiều dấu chỉ cho thấy tính chất cổ xưa của Thập Giới. Việc luật được ghi khắc trên hai bia đá là nét đặc trưng cho thấy tính chất cổ xưa của nó. Mặt khác, cách thức luật được trình bày nhắc nhớ vài hiệp ước được soạn thảo ở miền Cận Đông vào giữa những thế kỷ thứ mười lăm và mười ba trước Công Nguyên, nhất là những hiệp ước được ký kết giữa các vua Hít-ti và các vua Át-sua hay giữa vua Hít-ti và Pha-ra-ô Ai-cập. Vị bá vương đề xuất hiệp ước của mình với các chư hầu khi nhắc lại cho họ trước tiên những ân phúc mà vua đã ban cho họ. Cũng vậy, Đức Chúa nhắc lại cho dân Do thái rằng Ngài đã can thiệp để giải phóng họ khỏi miền đất nô lệ. Giờ đây, Ngài ngỏ lời với họ như với những con người tự do, những con người được luật pháp bảo vệ hẳn hoi; nhưng bù lại, Ngài đưa ra những yêu sách của mình.
Thập Giới được Thiên Chúa ban trong khung cảnh cuộc Thần Hiển trên núi thánh Xi-nai. Ở viện bảo tàng Louvre, có một tấm bia đá trên đó ghi khắc Bộ Luật Ba-by-lon của vua Hammourabi, vào thế kỷ thứ mười tám trước Công Nguyên. Ở đỉnh của tấm bia đá này như đỉnh của một ngọn núi, biểu thị thần Shamash và vua Hammourabi. Vua này nhận được tước hiệu: “Vua Công Chính mà thần Shamash đã ban luật cho vua”. Chúng ta cũng không thể không liên tưởng đến vua Hy-lạp là Minos. Vào cũng một thời kỳ này, vua leo lên ngọn núi thánh Crète để suy niệm và cầu nguyện suốt chín năm; sau đó vua ra sức làm cho sự công chính ngự trị trong vương quốc của mình. Thế giới của thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên có những truyền thống chung và sử dụng những hình ảnh tôn giáo tương tự nhau.
2. Nội dung của Thập Giới
Thập Giới trình bày một tổng đề về những bổn phận tôn giáo và luân lý. Vả lại, con số “mười” đánh dấu sự viên mãn. Trong số mười giới luật, tám giới luật được phát biểu theo hình thức phủ định tức lệnh cấm: “Ngươi không được…”; còn hai giới luật được đặt vào giữa Thập Giới và được phát biểu theo hình thức khẳng định tức lệnh buộc: tuân giữ ngày sa-bát để kính Đức Chúa và giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ (20: 8-12). Thập Giới được phân chia thành những giới luật để nhắc nhớ những bổn phận đối với Thiên Chúa và những bổn phận đối với tha nhân.
Hình thức phủ định nhắc nhớ hình thức mà chúng ta gặp thấy trong một cuốn sách của Ai-cập có nhan đề “Những người đã qua đời”, ở đó người qua đời tự bào chữa mình trước tòa án của thần Orisis, thần của những người chết:
Tôi đã không ăn cắp…
Tôi đã không giết người…
Tôi đã không nói láo…
Tôi đã không ngoại tình…
Tôi đã không làm chứng gian…
Tôi đã không khinh thường Thiên Chúa trong lòng…
Luân lý của người Ai-cập gần với luân lý Kinh Thánh hơn luân lý của người Ca-na-an và của những dân tộc khác miền Cận Đông hay của dân Hy-lạp. Thập Giới được phân chia thành những giới luật, chúng nhắc nhớ những bổn phận đối với Thiên Chúa và những bổn phận đối với tha nhân.
2.1- Bổn phận đối với Thiên Chúa
Những bổn phận đối với Thiên Chúa cốt yếu là những lời cảnh báo mà Thiên Chúa nhắc nhở dân Do thái khi dân định cư ở giữa dân ngoại: không được tạc các tượng thần; không được thờ lạy các tượng thần đó, nhưng chỉ phụng thờ Thiên Chúa độc nhất. “Đức Chúa, Thiên Chúa ghen tuông” là cách diễn tả tính không nhân nhượng của Ngài. Đoạn văn này chứa đựng một ghi nhận hùng hồn bằng con số: những kẻ ghét Ngài, Ngài phạt con cháu đến “ba bốn đời”, nhưng những ai yêu mến Ngài, Ngài giữ trọn niềm nhân nghĩa đến “ngàn đời”. Lối nói song đối nghịch đảo nàydiễn tả lòng xót thương nhân hậu vô cùng tận của Thiên Chúa: Ngài trừng phạt có chừng có mực, nhưng Ngài yêu thương vô bờ bến. Đây là kinh nghiệm về mối quan hệ của dân Do thái với Thiên Chúa của mình trong lịch sử của dân tộc mình: Thiên Chúa nổi giận, giận trong giây lát, nhưng Ngài yêu thương, thương cho đến trọn một đời.
Tuy nhiên, trong Thập Giới chúng ta không gặp thấy lệnh buộc: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Biểu thức này chịu ảnh hưởng của các ngôn sứ bút ký như ngôn sứ A-mốt và nhất là ngôn sứ Hô-sê.
Bổn phận của dân đối với Thiên Chúa liên quan đến định chế ngày sa-bát: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát…”. Lệnh buộc này nhấn mạnh nét đặc thù của dân Ít-ra-en: mọi ngày sống trong một tuần lễ phải hướng đến ngày sa-bát, ngày của Chúa, Đấng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
2.2- Bổn phận đối với tha nhân
Với những bổn phận đối với tha nhân, Thập Giới trở về luân lý phổ quát, có giá trị thường hằng và khắp nơi. Điều cốt yếu ở nơi những bổn phận này là tôn trọng gia đình, con người và của cải. Tuy nhiên, những ý định ẩn kín ở trong lòng con người được gợi lên ở đây: “Ngươi không được ham muốn…”. Căn nguyên của mọi tội lỗi hệ tại ở trong lòng con người. Khẳng định nà ychuẩn bị giáo huấn của các ngôn sứ và của chính Đức Giê-su.
Cuối cùng, chúng ta ghi nhận rằng lệnh buộc “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” cũng không được gặp thấy ở Thập Giới. Huấn lệnh này được gặp thấy ở sách Lê-vi (19: 18).
3. Nét độc đáo của Thập Giới
Tuy nhiên, Thập Giới bày tỏ nét độc đáo của riêng mình. Chắc chắn nó dựa trên luân lý tự nhiên, nhưng nguồn gốc của nó thì siêu việt: chính Thiên Chúa đích thân ban Thập Giới cho dân Ngài. Thập Giới chủ yếu lấy sự thánh thiện của Thiên Chúa làm khuôn vàng thước ngọc, vì thế Luân Lý của Thập Giới trổi vượt trên luân lý của dân ngoại chung quanh, nhất là ở nơi lời kêu gọi ăn ngay ở lành. Tính siêu việt này sẽ đảm bảo sự thăng tiến tinh thần của một dân tộc nhỏ bé có một vận mệnh đặc biệt.
Thập Giới được đặt ở dưới dấu chỉ lịch sử của cuộc giải phóng khỏi Ai-cập. Chúng ta hãy đọc lại lời mào đầu, ở đây Đức Chúa không phán như trước đây: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi: Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác và của Gia-cóp”, nhưng “Ta là Đức Chúa, Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ”. Đức Chúa tự giới thiệu mình như Đấng Giải Phóng. Chính ách nô lệ khác mà giờ đây Thiên Chúa muốn giải phóng dân Ngài, tức ách nô lệ của tội lỗi, nhằm làm cho họ thành một dân thánh.
BÀI ĐỌC II (1Cr 1: 22-25)
Đoạn văn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô được cấu trúc rất chặc chẽ. Một cách nào đó, đoạn trích này tự nó là trọn nghĩa; tuy nhiên, để hiểu chiều kích của đoạn trích này rõ hơn, chúng ta đặt nó vào trong bối cảnh của bức thư.
Xin được nhắc lại cách vắn tắt: các tín hữu Cô-rin-tô bất hòa với nhau về những nhà rao giảng của họ. Những bất hòa này đã dẫn đến những bè phái. Chống lại những chia rẽ này, thánh Phao-lô vạch cho họ thấy rằng óc bè phái không phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Đối với những người thích“lý sự” tự cho mình là “khôn ngoan hiểu biết”, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng thánh nhân đã không rao giảng cho họ những lời lẽ khôn ngoan, nhưng sự điên rồ của thập giá. Thánh nhân đề cập đến việc người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ và người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Tuy là hai tinh thần rất khác nhau, nhưng hình ảnh thập giá trên đồi Can-vê không thể nào có chỗ đứng trong những viễn cảnh của họ. Trong hoạt động truyền giáo của mình, thánh nhân đã gặp phải cả hai chướng ngại này.
1. Thập giá đối với người Do thái
Người Do thái mong chờ một Đấng Mê-si-a đầy quyền năng, Ngài sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ và đem lại sự toàn thắng cho dân tộc của mình. Vì thế, nhiều người Do thái đã không chịu nổi ý tưởng về Đấng Mê-si-a chịu khổ hình thập giá một cách nhục nhã đến như vậy. Vì thế, thánh nhân bị họ bách hại ở An-ti-ô-khi-a, ở Thê-xa-lô-ni-ca và ở những nơi khác.
2. Thập giá đối với người Hy-lạp
Người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì hình ảnh một con người bị đóng trên thập giá chẳng khôn ngoan một chút nào. Thánh nhân đã chạm trán với họ ở A-thê-na; ngài đã ra sức thuyết phục họ, nhưng vô ích. Họ chờ đợi một hệ thống triết lý cao vời trong khi thánh Phao-lô lại rao giảng “Một Con Người”. Đoạn trích thư nàytự nó cho thấy rằng việc rao giảng thập giá khó mà tránh khỏi sự thất bại. Đối với người Hy-lạp, phẩm tính đầu tiên của thần linh chính là vẻ đẹp; ấy vậy, Đấng chịu đóng đinh không ra hình tượng người không tương xứng với hình ảnh của vị thần linh.
3. Rao giảng một Đức Ki tô chịu đóng đinh
Nhưng thập giá không là một bài thuyết giáo, cũng không là một sự chứng minh mà là một sự kiện, một sự kiện khác thường, ở nơi sự kiện đó ẩn dấu sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa, hoàn toàn khác với những viễn cảnh của con người.
Một trong những bài học vĩ đại của bức thư nàyđó là “rao giảng mầu nhiệm đau khổ như yếu tố cốt yếu của Tin Mừng”. Một cách khái quát, thần học của thánh Phao-lô không tách Tử Nạn ra khỏi Phục Sinh. Đây là một trường hợp ngoại lệ, thánh nhân có chủ ý chỉ giương cao “hình ảnh Đức Ki tô bị đóng đinh” đối diện với sự tự mãn của con người.
TIN MỪNG (Ga 2: 13-25)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ Tin Mừng Gioan. Hoạt cảnh thật khác thường: cơn phẩn nộ của Đức Giê-su: “Ngài bèn lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”. Đối với những kẻ bán bồ câu – của lễ của những người nghèo – Ngài không mở tung các lồng chim của họ, nhưng cho họ một lời giải thích: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi chợ búa”. Vì thế, phải chăng Đức Giê-su đến để chấn chỉnh tôn giáo Ít-ra-en và thanh tẩy Đền Thờ mà chẳng bao lâu sau bị phá hủy? Không phải như thế, trái lại, Ngài loan báo rằng một thời đại mới đang khởi sự. Cách hành xử của Ngài cốt yếu mang tính ngôn sứ.
Để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của hoạt cảnh quá đặc biệt này, phải định vị nó trước hết vào trong khung cảnh bên ngoài; đoạn vào trong khung cảnh tôn giáo: lễ Vượt Qua; và sau cùng, vào trong văn mạch của Tin Mừng thứ tư.
1. Khung cảnh bên ngoài
Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên một tiền sảnh bát ngát có những hàng hiên bao quanh. Khi băng qua hàng hiên, người ta ở trên tiền đình được gọi “Tiền Đình dân ngoại”, được gọi như thế vì lương dân nào muốn cầu nguyện với Thiên Chúa của dân Do thái đều được phép đi vào ở đây. Tiếp đó, là nơi thánh, chỉ dành riêng cho người Do thái, được phân chia thành nhiều khu vực khác nhau: khu vực nữ giới, khu vực nam giới, và sau cùng sân của các tư tế.
Chính ở nơi Tiền Đình dân ngoại này mà những kẻ bán súc vật được dùng làm hy lễ. Công việc buôn bán của họ rất thịnh đạt. Có nhiều lý do để nghĩ rằng các chức sắc tư tế đã kiếm nhiều lợi nhuận từ những thương vụ này.
Những người đổi bạc cũng ở nơi Tiền Đình nầy. Việc đổi bạc từ hiện kim sang “tiền đền thánh” là một nhu cầu cần thiết cho khách hành hương, vì người Do thái không được nộp thuế cho Đền Thờ bằng những đồng tiền “ô uế” được đúc hình của hoàng đế Rô-ma hay của vị thần linh ngoại giáo.
2. Khung cảnh lễ Vượt Qua
Thánh ký nói với chúng ta “gần đến lễ Vượt Qua của người Do thái”. Qua kiểu nói: “lễ Vượt Qua của người Do thái”, thánh ký hàm ý với độc giả rằng vào thời tác giả và từ nhiều năm rồi có một lễ Vượt Qua khác: “lễ Vượt Qua của người Ki-tô hữu”.
Niên biểu lễ Vượt Qua của người Do thái này được chính bản văn cung cấp: “Đền Thờ nàyphải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong”. Đền Thờ được vua Hê-rô-đê Cả khởi công tái thiết vào năm 19 trước Công Nguyên, vì thế, đây là lễ Vượt Qua vào năm 28 sau Công Nguyên.
Khung cảnh lễ Vượt Qua này đem lại ý nghĩa sâu xa cho hoạt cảnh. Đức Giê-su đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, vì đây là nơi dành riêng để cầu nguyện. Nhưng Ngài cũng còn xua đuổi những súc vật dành riêng cho các hy lễ, vì chính Ngài sẽ là “con chiên sát tế”, con chiên Vượt Qua đích thật, hy lễ có giá trị duy nhất từ nay sẽ thay thế tất cả hy lễ vô giá trị khác (chúng ta quen lối đọc đa nghĩa này của Tin Mừng Gio-an). Thư gởi tín hữu Do thái cho chúng ta một bài suy niệm sâu xa về ý nghĩa này: “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô đã nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến lễ, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xóa tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10: 5-6).
Đức Giê-su xua đuổi những người đổi bạc vì công việc làm ăn của họ bất lương không xứng hợp với khung cảnh thánh thiêng, nhưng cũng vì những tiền dâng cúng chẳng bao lâu nữa không còn lý do tồn tại nữa: sẽ không còn Đền Thờ, không còn tư tế…
Sau cùng, Đức Giê-su thanh tẩy Tiền Đình dân ngoại vì dân ngoại có quyền đòi hỏi phải tôn trọng những lời cầu nguyện của họ. Quả thật, sẽ đến một ngày không xa lắm, dân ngoại sẽ không còn phải bị loại ra ngoài, chính họ cũng sẽ là một phần không thể thiếu Dân Mới của Ngài và sẽ được mời gọi dự phần vào ơn cứu độ như dân Ít-ra-en.
3. Văn mạch của Tin Mừng Gio-an
Tin Mừng Gioan đặt việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua vào lúc bắt đầu sứ vụ của Ngài, sau tiệc cưới Ca-na và sau vài ngày lưu lại ở Ca-phác-na-um. Ba Tin Mừng nhất lãm tường thuật việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem vào lúc Ngài sắp bước vào tuần Tử Nạn và xem biến cố này như đổ thêm dầu vào lửa khiến cho giáo quyền Do thái công phẩn đến cực độ. Đây là một trong những lý do họ ra lệnh truy nả Đức Giê-su.
Tin Mừng Gioan có một quan điểm thần học khác với các Tin Mừng nhất lãm. Thánh Gioan muốn dẫn chúng ta tiến bước vào trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô (Đấng Mê-si-a). Đức Giê-su đã được Gioan Tẩy Giả giới thiệu là Đấng Mê-si-a. Ở Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su hành xử với tư cách “Con Thiên Chúa”. Ngài cho mọi người tiên cảm những mối liên hệ rất đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa, Cha Ngài, qua việc Ngài ra tay hành động để buộc người ta phải tôn kính nơi thánh thiêng, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài.
Ở tiệc cưới Ca-na, Đức Giê-su đã ban “rượu mới”, báo trước rượu sẽ trở thành máu Ngài (Ga 19: 31-37). Ở Giê-ru-sa-lem, Ngài loan báo “đền thờ mới” đền thờ này sẽ là thân thể Ngài. Như vậy, Ngài ám chỉ đến cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Các ông cứ phá hủy đền thánh nàyđi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (2: 19). Sau này, những kẻ xuyên tạc lời của Ngài khi tố cáo Ngài bằng cách thay chủ từ “các ông” trong câu nói của Ngài bằng chủ từ “tôi” trong câu lập lại của họ: “Tên này đã nói: tôi có thể phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa…” (Mt 26: 61). Điều mà thánh Gioan muốn chúng ta lưu ý ở đây chính là khi nói đến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, thánh Gioan dùng từ “Đền Thờ” có nghĩa “không gian thánh” (2: 14, 15) nhưng khi nói về đền thờ sẽ là thân thể của Ngài, thánh ký sử dụng từ “Đền Thánh” là nơi cực thánh của Đền Thờ.
Mặt khác, toàn bộ Tin Mừng Gioan được trình bày như một phiên tòa ở đó những người xét xử Đức Giê-su mà thánh Gioan gọi là “người Do thái” với nét nghĩa tiêu cực (cốt yếu là các chức sắc tư tế và các kinh sư). Hoạt cảnh Đức Giê-su đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ cấu thành điểm nhấn của phiên tòa nầy. Ai đọc hoạt cảnh này chắc chắn nghĩ đến lời công bố của các ngôn sứ: “Việc Thanh tẩy Đền Thờ sẽ đánh dấu việc khai mạc thời đại Mê-si-a”.
Cuối cùng, thánh Gioan ghi nhận rằng có nhiều người đến với Ngài và tin vào Ngài vì họ đã chứng kiến các dấu lạ Ngài làm, nhưng Ngài không tin họ vì Ngài “biết có gì trong lòng con người”. Như vậy, Đức Giê-su tiên cảm họ sẽ quay lưng lại với Ngài trong tương lai.
Như vậy, trong Tin Mừng Gioan, hoạt cảnh này có giá trị mặc khải: bày tỏ con người Đức Giê-su với tư cách Con Thiên Chúa và loan báo những đảo lộn mà Ngài sẽ thực hiện cũng như sự vô tri mà Ngài sẽ là đối tượng. Khung cảnh của lễ Vượt Qua sắp đến phóng chiếu trên những dữ kiện này một sự soi sáng mang tính ngôn sứ.
Lm. Inhaxio Hồ Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét