SUY NIỆM LỄ MÙNG HAI TẾT 2024
Làm Con Phải Hiếu

Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày Mồng Một Tết, là Ngày cầu cho thế giới được hòa bình, quốc thái dân an, gia đình ấm êm hạnh phúc.

Hôm nay Ngày Mồng Hai Tết, ngày kính nhớ tổ tiên ông bà, cha mẹ, những người đã cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục chúng ta thành người.

Thứ bốn thảo kính cha mẹ

Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Ý tưởng của Lời ca nhập lễ nhắc nhớ chúng ta : “Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân...”. Lời nguyện tiến lễ mới đẹp làm sao : “Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài”.

Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là bổn phận của kẻ làm con. Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Ước muốn sống lâu, sống hạnh phúc trên địa cầu này là lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới, bởi ai cũng mơ sống hạnh phúc, khang an và trường thọ. Chúa dạy : “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Ngoài việc sống vui sống hạnh phúc, kẻ tôn kính mẹ cha còn được tha thứ tội lỗi : “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm” (Hc 3,2). Được nhận lời khi cầu xin: “Ai hiếu thảo với cha mẹ, khi cầu xin họ sẽ được lắng nghe” (Hc 3,5b). Được con cái báo đền : “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái” (Hc 3,5a). Vì “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đấy”. Người bất hiếu với cha mẹ sẽ bị con cái đối xử tàn tệ hơn. Người có hiếu với cha mẹ cũng sẽ được con cái đối xử tốt đẹp. Được ơn lành tích trữ trong kho tàng : “Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,4).

Triết lý chữ hiếu qua chiếc bánh chưng xanh

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha.

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ VI là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: ”Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như: thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được. Chỉ gói gọn trong chiếc bánh chưng xanh thôi là cả một Đạo Hiếu đáng ghi nhớ. Nó đã thoát khỏi đơn thuần là vật chất, móm ăn bình thường nhưng chứa đựng một triết lý sâu sắc đạo làm người.

Làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu

Từ lâu nhân loại đã luôn ca tụng về những tấm gương hiếu hạnh. Có thể thấy, dù ở thời đại nào, con người vẫn đề cao sự hiếu kính và báo đáp công ơn nuôi dưỡng của các đấng sinh thành.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”.

Mỗi lần nhắc tới ơn cha nghĩa mẹ, thì y như rằng ta có lớn, có già lụm cụm cũng vẫn là trẻ con trước mắt mẹ cha, rồi nước mắt ngắn dài, cha thương mẹ xót. Thương vì cái ơn quá lớn chưa có đền đáp được bao nhiêu, xót vì có lúc nghịch ngợm, và có khi đã từng là... nghịch tử, cãi cha mắng mẹ! Người ta nói xã hội xuống cấp về đạo đức, lòng người trở nên vô cảm, lạnh lùng, nhưng nếu quả tình họ vô cảm, lạnh lùng với cả cha mẹ mình thì... chẳng còn gì để nói.

Làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu, nếu không mọi việc làm tốt đều vô nghĩa. Thờ không phải chỉ lúc chết mới cúng giỗ linh đình mà phải thương, kính ngay từ thuở người còn sống. Kính vì ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục ví tựa “Thái sơn”, tựa “nước trong nguồn chảy ra”. Đỗ Trung Quân thì khẳng khái ví quê hương như là mẹ. Và mỗi người chỉ một, nên phải nhớ, nhớ để “lớn thành người”.

Tôn kính Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết kính thờ song thân.”

Phụng dưỡng Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời Dạy sao cho được con hiền
Để cho cha mẹ khỏi phiền về con
Một niềm phép tắc nết na
Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”
(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Khi cha mẹ qua đời

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.