Khi đóa hoa đã bừng nở hết
Ronald Rolheiser, 2024-02-19
Tâm điểm thâm sâu nhất của chúng ta là gì? Thường thì chúng ta xem nó là phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn, trong linh hồn mình, trọng tâm tình cảm, trọng tâm tinh thần, nơi mà nhà thần nghiệm Thomas Merton gọi là “điểm trinh nguyên” (le pointe vierge). Và đó là những cách hình dung tốt về nó. Nhưng còn một cách khác nữa.
Nhà thần nghiệm kinh điển ThánhGioan Thánh Giá nhìn nhận những điều này một cách khác biệt. Với ngài, tâm điểm thâm sâu nhất của bất kỳ điều gì chính là điểm xa nhất mà sự hiện hữu, năng lực và sức mạnh vận hành, chuyển động của nó có thể đạt đến. Ngài nói thế nghĩa là sao? Căn bản ý ngài như sau: Tâm điểm sâu thẳm nhất của bất kỳ điều gì, của một đóa hoa hay của một con người, đó chính là điểm xa nhất mà sự đó có thể vươn đến trước khi chết.
Chúng ta lấy đóa hoa làm ví dụ: Ban đầu nó là một hạt giống, rồi thành mầm cây, lớn lên thành cây non. Cuối cùng cây đó bừng nở thành đóa hoa đẹp. Đóa hoa đó tồn tại một thời gian rồi bắt đầu héo đi và lụi tàn. Cuối cùng, cái từng là tinh túy của một đóa hoa đẹp biến thành hạt giống, và trong chính hành động chết đi của nó, đóa hoa cho hạt giống để đem lại sự sống mới.
Vì thế với ThánhGioan Thánh Giá, tâm điểm thâm sâu thẳm nhất của một đóa hoa không phải là khoảnh khắc đẹp đẽ, bừng nở của nó, mà là khoảnh khắc cuối cùng, khi hoa nở biến thành hạt giống và có thể tạo nên hạt giống trong chính hành động chết đi đó.
Chuyện này cho chúng ta một bài học, ngược với cách chúng ta thường đánh giá mọi sự. Khi nào thì chúng ta có năng lực sinh sôi nhất? Khi nào thì chúng ta có năng lực dùng cuộc đời của mình để tạo ra những hạt giống đem lại sự sống mới nhất? Tâm điểm sâu thẳm nhất sự trưởng thành của chúng ta là gì?
Thường thì dĩ nhiên chúng ta nghĩ tâm điểm thâm sâu nhất chính là lúc bừng nở, cụ thể là giai đoạn hay khoảnh khắc trong cuộc đời mà chúng ta có sức khỏe, có vẻ đẹp, tài năng, thành tựu và tầm ảnh hưởng làm chúng ta được ngưỡng mộ và có khi còn bị ghen tị. Đó là thời gian trong cuộc đời mà chúng ta thấy mình tốt đẹp nhất, hay như mọi người thường nói, ở đỉnh cao cuộc đời. Đó là sự bừng nở của chúng ta! Là hình ảnh đẹp đẽ nhất của chúng ta, hơn bao giờ hết!
Thánh Gioan Thánh Giá không chê bai thời điểm đó. Nhưng, ngài thách thức chúng ta bước vào thời điểm đó, để tận hưởng, để tạ ơn Thiên Chúa, và dùng những lợi thế, những đặc quyền đi kèm với nó để giúp đỡ tha nhân. Nhưng Ngài không nói đây là đỉnh cao trong sự sinh sôi của chúng ta, không nói đây là khoảnh khắc hay giai đoạn cuộc đời mà chúng ta tạo ra hầu hết hạt giống cho sự sống mới. Không, như đóa hoa tạo ra hạt giống trong chính hành động chết đi, chúng ta cũng có tiềm năng sinh sôi nhất sau khi sự bừng nở, nhường bước cho màu xám của tuổi già, sau khi những thành tựu nhường cho một dạng sinh hoa trái khác.
Cứ hình dung một cô gái trẻ xinh đẹp và tài năng, trở thành một diễn viên nổi tiếng. Ở đỉnh cao sự nghiệp, cô bừng nở hoàn toàn và làm mọi người ngưỡng mộ, có khi còn tôn sùng cô. Ngoài ra, trong đời thực, cô có thể là người quảng đại, người vợ tuyệt vời, người mẹ tận tâm và người bạn tri kỷ đáng tin cậy. Nhưng sự bừng nở của cô không phải là cao điểm của sự trưởng thành, không phải là tâm điểm thâm sâu nhất, không phải là thời điểm trong đời mà cô tạo ra điều đem lại sự sống trực diện nhất. Nhưng chính là lúc cô đã thành người lớn tuổi, vật lộn với sức khỏe giảm sút, vẻ đẹp bên ngoài đã mất đi, phải đối diện với tương lai cần người chăm sóc và cái chết đến gần, như đóa hoa khô đi và biến thành hạt giống, cô có thể cho đi cuộc đời mình, giúp tạo nên sự sống mới theo cách mà cô đã không thể làm khi còn trẻ, hấp dẫn, được ngưỡng mộ, bị ghen tị và bừng nở hoàn toàn.
Tương tự như vậy với một vận động viên ngôi sao. Ở đỉnh cao sự nghiệp, giành chức vô địch, tên tuổi lẫy lừng ai cũng biết, hình ảnh thể thao tươi trẻ của họ xuất hiện khắp nơi, trên báo chí, trên truyền hình, trên các bảng quảng cáo, đó là lúc họ bừng nở hoàn toàn, nhưng lúc đó, họ không sinh sôi mạnh nhất trong việc tạo ra hạt giống đem lại sự sống mới. Mà nó có thể xảy ra sau đó, khi họ đã già, khi quần chúng không còn nhìn nhận họ qua thành tựu, và họ cũng như mọi người khác, tóc bạc, thể chất giảm sút, bị ra rìa và cận kề cái chết. Lúc đó, khi sự bừng nở đã ra đi, trong thời gian cận kề cái chết, họ có thể tạo ra những hạt giống đem lại sự sống mới. Chúng ta thường đồng nhất sự bừng nở đặc biệt với năng lực sinh sôi mạnh mẽ. Nói vậy cũng đúng, sự bừng nở có tầm quan trọng của nó, có mục đích chính đáng và giá trị của nó. Nhưng, một trong những thách thức của chúng ta là cho sự bừng nở đó một ánh mắt ngưỡng mộ mà không ghen tị. Không dễ để làm thế, và chúng ta thường không giỏi làm thế. Nhưng thách thức lớn hơn nữa, chính là học biết được điều mà chúng ta được kêu gọi làm sau khi đóa hoa đã bừng nở hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét