Bạn đang làm theo (1Tx 5:17) như thế nào? (ảnh: Unsplash)
“KHÔNG NGỪNG”: 3 CÁCH ĐỂ CẦU NGUYỆN SÂU XA HƠN TRONG MÙA CHAY NÀY
Bridget McCartney Nohara
WHĐ (25.02.2024) – Dưới đây là một vài ý tưởng về cách bạn có thể kết hợp việc suy ngẫm vào một ngày sống của mình.
“Hãy cầu nguyện không ngừng”. Cuộc sống của chúng ta phải là một lời cầu nguyện liên lỉ như một dòng suối tuôn chảy không ngừng, kết nối cõi trần gian của chúng ta với cõi trời cao và tạo không gian cho những cuộc gặp gỡ hàng ngày với những gì thuộc về Thiên Chúa.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể sống lời kêu gọi cầu nguyện liên lỉ này? Tôi tin rằng có nhiều cách.
Mùa Chay này, hãy lưu tâm đặt ra một quyết tâm thiêng liêng để củng cố đời sống cầu nguyện của bạn, bằng cách nỗ lực trở nên hợp nhất sâu xa hơn với anh chị em đồng loại trong Chúa Kitô và quan trọng nhất là với Thiên Chúa của bạn.
Dưới đây là một số ý tưởng về phương cách bạn có thể kết hợp việc cầu nguyện và suy niệm vào cuộc sống hàng ngày của mình, để đáp lại lời kêu gọi cao cả “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5:17).
Bắt đầu vào buổi sáng
Thánh Gioan Vianney nói:
“Đừng bao giờ quên rằng chính vào đầu mỗi ngày sống Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng ân sủng cần thiết cho một ngày sống của chúng ta. Ngài biết chính xác những dịp nào chúng ta sẽ phạm tội và sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần nếu chúng ta cầu xin Ngài. Đó là lý do tại sao ma quỷ làm tất cả những gì có thể để ngăn cản chúng ta đọc những lời kinh ban sáng hoặc khiến chúng ta đọc những lời kinh đó một cách tồi tệ”.
Dù bạn có thời gian để làm một Giờ Thánh, 15 phút thánh hoặc thậm chí chỉ một khoảnh khắc thánh hay không, thì việc dâng hiến ngày sống của bạn cho Chúa bằng việc dâng mình vào buổi sáng là một việc làm có sức mạnh. Mỗi buổi sáng, một loạt các suy nghĩ như một rào chắn bày ra trong tâm trí tôi. Vì vậy, thay vì buộc tâm trí phải im lặng, tôi tập chuyển suy nghĩ thành lời cầu nguyện bằng cách chia sẻ những suy nghĩ đó với Chúa Giêsu. Bằng việc dâng lên một của lễ nho nhỏ: “Lạy Chúa Giêsu, con dâng tất cả những ý nghĩ này cho Chúa”, vô số những suy nghĩ, lo lắng, hy vọng và sợ hãi sẽ được biến đổi thành một cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa. Ngài nhìn thấy những điều này trong cõi lòng chúng ta trước khi chúng ta dâng chúng cho Ngài, nhưng bằng cách chú tâm mời Ngài bước vào khoảnh khắc đó và đón nhận Thánh Thần của Ngài, chúng ta để cho những lời cầu nguyện này trở thành hương thơm thánh thiện, bay lên thiên đàng, khiến môi trường chung quanh chúng ta trở nên ngọt ngào hơn và thánh thiêng hơn.
Hãy giữ cho việc cầu nguyện được đơn giản
Người ta thường nói họ không biết cầu nguyện. Mặc dù chúng ta có thể đồng cảm với suy nghĩ này vì cầu nguyện thực sự là một nỗ lực siêu nhiên, nhưng chúng ta phải nhắc nhở bản thân rằng cầu nguyện không nhất thiết phải phức tạp.
Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta những lời để cầu nguyện khi Ngài dạy cho các môn đệ kinh Lạy Cha. Nếu bạn không có lời kinh nào của riêng mình, hãy bắt đầu bằng kinh Lạy Cha đó. Ngay cả khi bạn cảm thấy mình đã đọc những lời kinh đó đến độ nhàm chán rồi, thì lời kinh Lạy Cha cũng không bao giờ không phát sinh hiệu quả.
Một cách tuyệt vời để sử dụng lời kinh này là đọc cùng với Kinh Mân Côi. Đặc biệt, cầu nguyện suy niệm các Mầu nhiệm Mùa Thương là một cách mạnh mẽ để suy ngẫm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trong 40 ngày Mùa Chay này, nhắc nhở chúng ta về cái giá mà Ngài đã trả để chúng ta có được sự sống, và cho chúng ta thêm động lực để cầu nguyện.
Và việc chọn một cuốn sách hay về tâm linh có thể hỗ trợ nỗ lực của bạn, làm nổi bật một câu trích dẫn thích hợp vốn gợi lên sự suy niệm hoặc một lời giải thích thần học cần thiết làm chất liệu cho suy nghĩ.
Cầu thay cho người khác
Giáo hội Công giáo có tính phổ quát; chúng ta biết điều này bằng chính tên Công giáo của Giáo hội. Chúng ta có mối liên hệ sâu sắc với nhân loại và mỗi người chúng ta không phải chỉ dành cho riêng mình. Trước hết chúng ta là của Chúa Kitô, nhưng chúng ta cũng thuộc về nhau vì là các chi thể của Thân Mình Chúa Kitô: “Mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rôma 12:5).
Có nhiều cách để nuôi dưỡng tình bằng hữu với anh chị em chúng ta, và một trong những cách đó là nhờ lời cầu thay nguyện giúp.
Khi chúng ta nhờ ai đó cầu nguyện cho mình hoặc ngược lại thì đây là lời cầu thay nguyện giúp; chúng ta đang đặt nhu cầu của người khác lên trước Chúa và xin Ngài trợ giúp trong hoàn cảnh này. Khi cố gắng cầu nguyện luôn, tôi nhận thấy lời cầu thay nguyện giúp là nguồn an ủi lớn lao và là cơ hội để nhìn thấy Chúa Kitô nơi những người chung quanh tôi.
Khi tôi đi bộ, chạy hoặc lái xe, tôi cầu nguyện cho những người đi ngang qua tôi. Mặc dù tôi không biết tên hoặc ý định cụ thể của họ, nhưng tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến,” tôi xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ và hướng dẫn họ suốt ngày.
Khi chúng ta cầu nguyện cho những người mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày, chúng ta tham gia vào kế hoạch cứu rỗi của Chúa. Mỗi con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa, và càng nhận ra điều này, chúng ta càng thấy được sự thánh thiêng của từng khoảnh khắc trong cuộc sống của mình, và một lần nữa, chúng ta được cuốn hút vào việc cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (21.02.2024)
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-khong-ngung-3-cach-de-cau-nguyen-sau-xa-hon-trong-mua-chay-nay-54555
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét