Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

Đức Giê-su Ki-tô – Đường cầu nguyện

 


 
  •  
  •  


ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG CẦU NGUYỆN

Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên

WHĐ (09.02.2024) – Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo con người và tặng ban những ân huệ cần thiết để con người sống xứng hợp với phẩm giá của mình nhưng con người đã vô ơn, kiêu ngạo, phạm tội phản nghịch Thiên Chúa và hậu quả là mất ơn nghĩa với Người. Tuy nhiên, niềm khao khát Thiên Chúa không bị triệt tiêu nơi bản tính con người. Chính vì thế, con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, mong mỏi được Người nâng đỡ phù trì trong hành trình trần thế vì phải đối diện với muôn hình thức bấp bênh, thách đố, đau khổ mà đỉnh điểm là cái chết. Đặc biệt, niềm khát khao lớn nhất của con người là sự sống vĩnh cửu, sự sống mà con người biết rằng, tự thân, mình không thể kiến tạo. Quả thực, con người phát xuất từ Thiên Chúa hằng sống nên không bằng lòng với cái chết và rời xa Thiên Chúa luôn mãi. Đó là lý do tại sao con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và khi cầu nguyện cũng là khi con người nhìn nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa để được hiện diện, sống, hoạt động và quy hướng về Người.

Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều từ mang nghĩa ‘cầu nguyện’ với Thiên Chúa, một trong những từ khá phổ biến là ‘פָּלַל/ palal’. Động từ này có nghĩa gốc là ‘phân xử’ (Xh 21,22) hay ‘nghĩ về’ (St 48,11). Từ đó dẫn tới nghĩa ‘cầu nguyện’ và cũng diễn tả tiến trình gặp gỡ và chiêm ngưỡng. Tùy theo bối cảnh, động từ này có nghĩa là ‘trung gian’ hay ‘chuyển cầu’ (mediate, intercede). Chẳng hạn, từ này xuất hiện trong sách Sáng Thế: “Bây giờ hãy trả vợ của người ấy về, vì người ấy là một ngôn sứ: Người ấy sẽ cầu nguyện [וְיִתְפַּלֵּ֥ל] cho ngươi và ngươi sẽ được sống. Còn nếu ngươi không trả về, thì hãy biết rằng chắc chắn ngươi phải chết, ngươi cũng như mọi kẻ thuộc về ngươi” (St 20,7) hay: “Bà An-na cầu nguyện [וַתִּתְפַּלֵּ֤ל] và nói: Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang” (1 Sm 2,1). Một số hạn từ khác cũng mang nghĩa tương tự, chẳng hạn như ‘צְלָא/ tsela’: “Họ dâng lên Thiên Chúa, Chúa các tầng trời, các hy lễ làm đẹp lòng Người, và cầu [וּמְצַלַּ֕יִן] cho nhà vua và các hoàng tử được trường thọ” (Er 6,10); hoặc là ‘שָׁאַל /shaal’ có nghĩa gốc là ‘thỉnh cầu’ cũng mang nghĩa ‘cầu nguyện’: “Hãy nguyện chúc [שַׁ֭אֲלוּ] Giê-ru-sa-lem được thái bình, rằng: Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh” (Tv 122,6-7). Bên cạnh đó, động từ ‘כָּרַע’ (quỳ gối) cũng diễn tả cầu khẩn, nhưng Cựu Ước áp dụng cho người của Thiên Chúa: “Viên sĩ quan thứ ba đi lên, và khi đến nơi, thì quỳ gối [וַיִּכְרַ֥ע] trước mặt ông Ê-li-a và khẩn nài: Hỡi người của Thiên Chúa, ước gì mạng tôi và mạng của năm mươi tôi tớ ngài đây được coi là quý trước mắt ngài!” (2 V 1,13).

Trong Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp, từ phổ biến mang nghĩa cầu nguyện là ‘εὔχομαι/ eúchomai’ (nghĩa đen: Kêu lớn tiếng để bày tỏ một ước nguyện), chẳng hạn: “Chúng tôi cầu xin [εὐχόμεθα] Thiên Chúa cho anh em đừng làm điều gì trái, không phải để tỏ ra chúng tôi thắng, nhưng để anh em làm điều thiện, cho dù chúng tôi như bị thua” (2 Cr 13,7). Động từ ‘εὔχομαι/ eúchomai’ cũng được dùng với tiếp đầu ngữ ‘pros’ (προσεύχομαι/ proseúchomai; ‘pros’ diễn tả: Hướng mặt lên Chúa) với nghĩa tương tự, chẳng hạn: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó [προσηύχετο]” (Mc 1,35); hoặc: “Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện [προσευχόμενος]” (Lc 5,16). Tân Ước cũng dùng động từ ‘δέομαι/ deomai’ với nghĩa là ‘mong muốn’, ‘khẩn khoản nài xin’ cho một nhu cầu cấp bách, chẳng hạn: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin [δεόμεθα] anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Ngoài ra, Tân Ước dùng động từ ‘αἰτέω/ aiteo’ để diễn tả việc ‘cầu xin’, ‘yêu cầu’ điều gì đó cho bản thân mình: ”Anh em cứ xin [αἰτεῖτε] thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Thêm vào đó, Tân Ước còn dùng động từ ‘ἐρωτάω/ erótaó’ với nghĩa là ‘hỏi’, ‘thỉnh cầu’ với nhau (nhưng không dùng động từ này để cầu xin điều gì từ Thiên Chúa), chẳng hạn: “Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi [ἠρώτων] Người về các dụ ngôn” (Mc 4,10), hoặc: Lúc ấy, bà m vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin [ἠρώτησαν] Người chữa bà (Lc 4,38). Ngoài ra, Tân Ước còn dùng danh từ ‘δέησις/ deesis’ để chỉ sự cầu nguyện: “Còn anh em, hãy lấy lời cầu nguyện [δεήσει] mà trợ giúp chúng tôi” (2 Cr 1,11).

Ai cũng nghe nói về cầu nguyện nhưng câu hỏi đặt ra: ‘Cầu nguyện là gì?’ Theo thánh Au-gút-ti-nô, “Cầu nguyện là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cả hai cùng đang khát. Thiên Chúa khát mong chúng ta khao khát Người” (thánh Au-gút-ti-nô trong GLGHCG 2560). Trong tác phẩm ‘An Exposition of the Orthodox Faith’, thánh Gio-an thành Đa-mát (675-749) cho chúng ta định nghĩa về cầu nguyện ngắn gọn như sau: “Cầu nguyện là nâng tâm trí lên cùng Thiên Chúa hoặc khẩn xin Người những điều tốt đẹp” (John of Damascus, An Exposition of the Orthodox Faith, Book III, 24). Còn thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cho chúng ta định nghĩa khá đơn giản về cầu nguyện: “Cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan” (Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su trong GLGHCG 2558). Thánh Gio-an Kim Khẩu (347-407) đề cao việc cầu nguyện khi viết: “Không có gì cao quý hơn cầu nguyện và thân thưa cùng Thiên Chúa bởi vì cầu nguyện liên kết chúng ta như là những người bạn đồng hành với Người” (St John Chrysostom, Hom 6 on Prayer). Chúng ta có thể tìm thấy hàng chục ‘định nghĩa’ về cầu nguyện, tuy nhiên, không có định nghĩa nào phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của việc cầu nguyện. Thông thường, chúng ta mô tả việc cầu nguyện hơn là định nghĩa việc cầu nguyện, chẳng hạn như cầu nguyện là thờ lạy, là tán dương, là cảm ơn, là biết ơn, là tạ ơn, là xin ơn hoặc cầu nguyện là hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và khẩn xin Người ban phát ơn lành. Cầu nguyện cho phép con người trong thời gian được nối kết với Thiên Chúa vĩnh cửu, cho phép con người giới hạn được nối kết với Thiên Chúa vô biên, cho phép con người tội lỗi được nối kết với Thiên Chúa thánh thiện, cho phép con người yếu đuối được nối kết với Thiên Chúa toàn năng, cho phép con người hay chết được nối kết với Thiên Chúa hằng sống.

Tương tự như niềm tin là ân huệ Thiên Chúa ban tặng, việc cầu nguyện của con người cũng do Thiên Chúa khởi xướng. Theo thánh Gio-an Kim Khẩu: “Cầu nguyện là cách thức cao quý để giao tiếp với Thiên Chúa, đem lại niềm vui cho tâm hồn và an bình thư thái cho những cảm xúc nội tại. Bạn đừng nghĩ rằng cầu nguyện chỉ là vấn đề của lời nói. Cầu nguyện là niềm mong mỏi gặp gỡ Thiên Chúa, một lòng sùng mộ không thể diễn tả, không xuất phát từ con người mà là món quà ân sủng của Thiên Chúa” (St. John Chrysostom, Hom 6 on Prayer). Thánh Au-gút-ti-nô và thánh Tô-ma A-qui-nô cũng khẳng định tương tự (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.83, a.15). Điều này có nghĩa rằng việc cầu nguyện của con người là do ân sủng của Thiên Chúa tác động chứ không phải tự phát từ con người. Nói cách khác, cầu nguyện là món quà của Thiên Chúa cho con người và giúp con người định hướng tâm trí về Thiên Chúa. Hơn nữa, theo thánh Tô-ma A-qui-nô: “Chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa không phải để cho Người biết những điều chúng ta cần hoặc mong muốn nhưng để nhắc nhở chính chúng ta về sự cần thiết được Thiên Chúa nâng đỡ trong những vấn đề của chúng ta” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.83, a.2). Cũng theo thánh nhân, chúng ta cầu nguyện không phải để Thiên Chúa thay đổi ý định nhưng để chúng ta nhận ra ý định của Người. Đặc biệt, Thiên Chúa ban cho chúng ta một số điều chúng ta cầu xin vì lợi ích của bản thân là có được niềm tin cậy vào Người và nhận ra Người là Tác Giả của những điều tốt lành nơi bản thân mình (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.83, a.2). Thánh nhân cũng minh định rằng việc cầu nguyện giúp chúng ta nhớ rằng chúng ta cần Thiên Chúa và nhờ đó, càng ngày chúng ta càng khiêm tốn hơn. Khi cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng Người là nguồn của mọi điều thiện hảo, quyền năng và thương xót (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.83, a.3).

Chúng ta có thể nói rằng khi con người nhìn nhận mình yếu đuối, khi con người biết thân thưa cùng Thiên Chúa cũng có nghĩa là con người cầu nguyện (St 3,8-13). Sách Sáng Thế cho chúng ta biết: “Ông Sết cũng sinh được một con trai và đặt tên là E-nốt. Bấy giờ, người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa” (St 4,26). Hơn nữa, cầu nguyện không chỉ bằng lời nói hay tâm tình mà còn bằng hành vi hay cử chỉ. Sách Sáng Thế cũng cho chúng ta biết rằng, sau lụt hồng thủy, Nô-ê lập bàn thờ để kính Đức Chúa. Hình ảnh này giúp chúng ta nhận thức rằng tâm tình của Nô-ê là tâm tình cầu nguyện (St 8,20). Những khuôn mặt điển hình trong Cựu Ước gắn liền với đời sống cầu nguyện. Chẳng hạn, Áp-ra-ham hằng cầu nguyện để xin Thiên Chúa dẫn dắt đời sống đức tin. Trong mọi hoàn cảnh, Áp-ra-ham luôn vâng phục Thiên Chúa. Mô-sê là nhân chứng đặc biệt về việc cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho bản thân cũng như cho dân tộc Do-thái mà Thiên Chúa trao phó cho ông dẫn dắt. Theo sách Xuất Hành: “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Đa-vít cũng vậy, mặc dù tội lỗi bất xứng, ông luôn tin tưởng vào sự khoan hồng tha thứ của Thiên Chúa. Đặc biệt, ông luôn cầu nguyện cho mình và cho những người mà ông được giao phó dẫn dắt. Các ngôn sứ trong lịch sử Cựu Ước là những người không ngừng cầu nguyện để xin ơn soi sáng, nhờ đó, họ có thể công bố lời của Thiên Chúa cho dân Do-thái. Chẳng hạn, trong ‘hy lễ trên núi Các-men’, ngôn sứ Ê-li-a thân thưa cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ” (1 V 18,36-37).

Trong các sách Cựu Ước, sách Thánh Vịnh là cuốn diễn tả tâm tình cầu nguyện của Dân Chúa nhiều nhất, chẳng hạn như: “Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người” (Tv 18,7); “Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: Hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt” (Tv 27,8-9); “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống” (Tv 42,2-3). Sách Thánh Vịnh cho thấy cầu nguyện không chỉ là cầu xin, mà còn ca ngợi, chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh Chúa, cũng như than vãn và sám hối, cảm tạ, tri ân. Sách Châm Ngôn cũng cho chúng ta những trình thuật cầu nguyện đặc sắc, chẳng hạn như lời cầu nguyện của ông A-gua, người Ma-xa: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói ‘Đức Chúa là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30,8-9). Những cuốn sách được viết gần với thời Tân Ước giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về việc cầu nguyện, chẳng hạn, Tô-bi-a nói với Xa-ra: "Đứng lên, em! Chúng ta hãy cầu nguyện, nài xin Đức Chúa để Người xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng ta!" (Tb 8,4) hay, theo sách Ma-ca-bê: “Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm. Vị anh hùng Giu-đa khuyên nhủ toàn quân giữ mình sạch tội, vì họ đã nhìn thấy nhãn tiền những việc xảy ra là do tội của những người đã bị giết chết” (2 Mcb 12,42). Chúng ta có thể nhận định rằng các hình thức cầu nguyện trong Cựu Ước được kiện toàn trong Tân Ước với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng, sau khi tiến dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, Thánh Gia trở về Na-da-rét: Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Mặc dù các sách Tin Mừng không cho chúng ta biết nhiều thông tin về quãng đời của Đức Giê-su ở Na-da-rét cho đến lúc ba mươi tuổi, chúng ta vẫn có thể hiểu rằng mọi người trong Thánh Gia gắn bó với truyền thống Cựu Ước như bao người Do-thái đạo hạnh khác, bởi vì: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2,41-42). Xong kỳ lễ, cha mẹ Đức Giê-su trở về Na-da-rét mà không biết rằng Đức Giê-su đang ở lại Giê-ru-sa-lem và họ đã đi tìm Người: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2,46-47). Trí thông minh và lời đối đáp của Đức Giê-su hướng về những chuyện gì vậy? Thưa, những chuyện thuộc về tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và dân Do-thái là dân riêng của Người. Trí thông minh và những lời đối đáp của Đức Giê-su sẽ không có được nếu Người không học hỏi từ gia đình, từ Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Đặc biệt, là Con Thiên Chúa vĩnh cửu, Đức Giê-su luôn gắn bó mật thiết với Chúa Cha và kinh nghiệm đó luôn hiện diện trong hành trình trần thế của Người. Theo Toát Yếu Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo“Trong nhân loại, Chúa Giê-su đã học cầu nguyện từ Mẹ Người và từ truyền thống Do Thái. Nhưng lời cầu nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn nữa, vì Người là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong nhân tính thánh thiện, Chúa Giê-su dâng lên Cha của Người lời kinh tuyệt vời trong tình con thảo” (Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 541).

Khởi đầu trình thuật Tin Mừng, thánh Mác-cô cho chúng ta biết: “Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1,4-5). Đời sống hoang địa của Gio-an Tẩy Giả là đời sống cầu nguyện, hy sinh, từ bỏ. Khi ngài kêu gọi mọi người sám hối cũng là khi ngài mời gọi họ kết hợp với Thiên Chúa trong tinh thần sám hối canh tân. Gio-an cử hành phép rửa để mời gọi mọi người ý thức hơn về thân phận yếu đuối tội lỗi của mình hầu dọn lòng đón nhận Đấng Ki-tô, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (Is 40,3-4; Mc 1,8). Cũng chính Gio-an Tẩy Giả đã làm phép rửa cho Đức Giê-su, đánh dấu sứ mệnh công khai của Người giữa gia đình nhân loại. Đức Giê-su vô tội, tuy nhiên, Người chịu phép rửa để diễn tả sự trút bỏ, hạ mình, thông phần với con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22). Đức Giê-su khởi đầu sứ mệnh bằng việc cầu nguyện, nghĩa là kết hiệp mật thiết với Chúa Cha hầu giúp mọi người nhận thức rằng sứ mệnh của Người cũng là sứ mệnh của Chúa Cha, sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Chúa Cha, công việc của Người cũng là công việc của Chúa Cha (Ga 6,38; Ga 8,18; Ga 17,8).

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su đã vào sa mạc bốn mươi đêm ngày ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỷ cám dỗ. Con số bốn mươi đêm ngày diễn tả việc Đức Giê-su vào sa mạc để sống kinh nghiệm đối diện với thử thách của Ít-ra-en cũng như kinh nghiệm của Mô-sê và Ê-li-a vào sa mạc để gặp gỡ và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Nói đến sa mạc là nói đến sự cô quạnh, đầy hiểm nguy, thiếu sức sống. Sa mạc là nơi thời tiết khắc nghiệt, ít thức ăn, hiếm nước uống. Lịch sử Cựu Ước cho chúng ta nhận thức rằng Dân Thiên Chúa trong hành trình sa mạc từ Ai-cập về Đất Hứa phải đối diện với nhiều hình thức khổ ải. Để có được sự tự do và sung túc nơi Đất Hứa, dân Do-thái đã phải trải qua hành trình bốn mươi năm trường trong đau thương, hy vọng. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết rằng ba cơn cám dỗ của Đức Giê-su trong sa mạc cũng là ba cơn cám dỗ phổ biến của mọi người (Mt 4,1-11). Cơn cám dỗ thứ nhất là ‘truyền cho đá hóa bánh mà ăn’, nghĩa là sự thỏa mãn ham muốn của thân xác; cơn cám dỗ thứ hai là ‘gieo mình từ nóc đền thờ’, nghĩa là tự cao tự đại cho rằng mình được che chở bởi các thiên thần, do đó, tự mình làm mọi việc; cơn cám dỗ thứ ba là ‘vinh quang trần thế’, nghĩa là thờ phượng quyền lực trần thế thay vì thờ phượng Thiên Chúa duy nhất chân thật. Quả thực, ‘dung dưỡng xác thịt’, ‘tự cao tự đại’ và ‘đam mê vinh quang trần thế’ là các thành phần chính yếu trong ADN của mọi người trong gia đình nhân loại từ khi Nguyên Tổ phạm tội. Với tinh thần hy sinh, khiêm hạ, trút bỏ, Đức Giê-su đã vượt thắng tất cả. Vì A-đam bất tuân phục Thiên Chúa, tội lỗi đã xâm nhập trần gian. Nhờ Đức Giê-su vâng phục Thiên Chúa, ân sủng bao phủ trần gian và con người được mời gọi chung hưởng sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa (Rm 5,12-21; 1 Cr 15,22; Pl 2,6-11). Một điều đáng lưu ý ở đây là Đức Giê-su đã dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh để chiến thắng cám dỗ.

Thông thường, trong hành trình loan báo Tin Mừng, ngày của Đức Giê-su bắt đầu với việc cầu nguyện (Mc 1,35). Trước các biến cố lớn, Người cầu nguyện cách đặc biệt hơn. Chẳng hạn, để tuyển chọn các môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ, Đức Giê-su đã cầu nguyện suốt đêm. Theo trình thuật của thánh Lu-ca: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13). Có lẽ Đức Giê-su không dùng nhiều lời trong đêm để cầu nguyện nhưng ‘Người luôn ở lại cùng Chúa Cha’ để thỉnh ý Chúa Cha trong việc hệ trọng này. Đức Giê-su tuyển chọn, đồng hành và dạy dỗ các môn đệ để họ tiếp tục chương trình loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho muôn dân muôn nước. Việc Đức Giê-su chọn mười hai môn đệ và gọi là Tông Đồ giúp chúng ta hướng về quá khứ trong đó dân Do-thái được thiết lập từ Áp-ra-ham (Tổ Phụ), I-xa-ác, Gia-cóp (Ít-ra-en) với mười hai con trai. Mười hai Tông Đồ trở thành nền tảng trong việc thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội, bí tích của Đức Giê-su, tiếp tục sự hiện diện và hoạt động của Người mọi ngày cho đến tận thế (Ep 2,19-22).

Theo các trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su dẫn các môn đệ đến các vùng xa xôi, yên tĩnh để cầu nguyện. Chẳng hạn, Người dẫn các môn đệ đến vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê, miền Bắc của Ít-ra-en, dưới chân rặng núi Khéc-mon cao ngất để ‘tĩnh tâm và cầu nguyện’. Nơi đây, thánh Phê-rô đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Trong bối cảnh trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca, sau lời tuyên xưng của thánh Phê-rô, Đức Giê-su đã loan báo về cuộc thương khó của Người lần thứ nhất, điều kiện phải có cho những ai theo Người và Nước Thiên Chúa gần đến (Lc 9,18-27). Sau đó, Người lên núi Ta-bo để diện kiến Thiên Chúa: “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,28-29). Biến cố trên Đức Giê-su và các môn đệ trên núi Ta-bo giúp chúng ta nhận thức một số điểm căn bản như sau: (1) Tầm quan trọng của việc cầu nguyện; (2) căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su; (3) vinh quang vốn có của Người cũng là vinh quang khi Người đến lần thứ hai trong thời quang lâm; (4) Ý nghĩa sâu đậm về lịch sử và thần học của biến cố; (5) qua đau khổ tới vinh quang là chủ đề căn bản trong giáo huấn và thực hành của Đức Giê-su.

Thánh Mác-cô trình thuật rằng, sau khi Đức Giê-su biến hình trên núi Ta-bo và trả lời câu hỏi về ông Ê-li-a mà các môn đệ nêu ra thì có đám đông tiếp cận Người. Một người trong họ nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” (Mc 9,17-19). Người đó xin Đức Giê-su: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9,22). Đức Giê-su trả lời: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23). Nói cách khác, đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể (Mt 19,26; Lc 1,37). Sau đó, Đức Giê-su đã trục xuất quỷ khỏi đứa bé. Các môn đệ hỏi Đức Giê-su tại sao họ không thể trừ được tên quỷ ấy. Người trả lời: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi" (Mc 9,29). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su đã thiết lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Người, kết hiệp với Người, học hỏi từ Người. Trước khi sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng, Người đã ban cho họ quyền trừ quỷ (Mc 3,15). Tuy nhiên, xem ra các môn đệ sao nhãng việc kết hiệp mật thiết với Người, với Thiên Chúa, do đó, các ngài không thể trừ quỷ được. Như vậy, luôn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, con người mới có thể thực thi công việc và đem lại hoa trái dồi dào từ những ơn lành Người đã trao ban. Quả thực, hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho con người chỉ bền vững và phát huy tác dụng khi con người biết hiệp thông với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, bằng không, con người sẽ tự kiêu tự đại, đặt vinh quang hay danh hiệu mình trước vinh quang hay danh hiệu Thiên Chúa.

Tương quan giữa Thiên Chúa và con người không chỉ được diễn tả qua hình ảnh hay tâm tình của người cha mà còn qua hình ảnh hay tâm tình của người mẹ đối với con cái mình. Chẳng hạn, trong Cựu Ước, Thiên Chúa phán: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,13). Trong Tân Ước, Đức Giê-su cũng lặp lại những lời tương tự như vậy (Lc 13,34-35). Hơn thế nữa, dưới nhãn quan Kinh Thánh, cha mẹ trần thế có ruồng rẫy hay không quan tâm đến con mình thì Thiên Chúa vẫn luôn chăm sóc gìn giữ: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt” (Is 49,15-16). Do đó, lời cầu nguyện của con người đối với Thiên Chúa được diễn tả như lời thân thưa của con cái đối với cha mẹ mình. Đức Giê-su nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,9-11). Khi nói những điều này, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Thiên Chúa luôn ban cho con người những ơn lành cần thiết để con người sống xứng hợp với phẩm giá của mình.

Trong Cựu Ước, dân Do-thái gọi Thiên Chúa là ‘Cha’, tuy nhiên, cách gọi này vẫn khá trừu tượng. Thiên Chúa là cha với nghĩa rằng Người là Cội Nguồn, là Đấng trao ban sự sống, Đấng phù trì che chở, Đấng dẫn lối chỉ đường. Nói cách khác, danh hiệu Thiên Chúa là ‘Cha’ trong Cựu Ước không được nhấn mạnh cách cụ thể như trong Tân Ước với Đức Giê-su. Bởi vì, Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha (khoảng 160 lần) theo đúng nghĩa chứ không phải là tước hiệu ẩn dụ. Quả thực, trong lịch sử nhân loại, không ai gọi Thiên Chúa là ‘Cha’ như Đức Giê-su đã gọi. Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha như người con thơ bé gọi cha mình vậy (Áp-ba, Cha ơi!). Hơn nữa, Đức Giê-su biểu lộ tâm tình của Người với Chúa Cha như một đứa trẻ đối với cha mình. Chẳng hạn, trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói: “Đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17); “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông” (Ga 8,54); “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Nói cách khác, cùng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha nhưng tương quan giữa dân Do-thái với Thiên Chúa phân biệt với tương quan giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa là Cha của Người. Dân Do-thái tìm cách giết Đức Giê-su khi cho rằng Người không giữ luật sa-bát, gọi Thiên Chúa là Cha mình và tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (Ga 5,18).

Đức Giê-su luôn nên một với Chúa Cha và Người với Chúa Cha là một. Quả thực, theo sách Xuất Hành, khi Mô-sê hỏi danh Thiên Chúa thì Người đáp: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Trong Tân Ước, Đức Giê-su cho mọi người biết danh Người cũng như vậy, chẳng hạn, Người nói với người Do-thái: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24); “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28); “Tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8,58). Đức Giê-su cũng tỏ bày cho mọi người biết sự gần gũi đến mức ‘nên một với Chúa Cha’. Chẳng hạn, trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30) hay: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì” (Ga 12,49). Như vậy, biết Chúa Cha, nên một với Chúa Cha và làm việc theo thánh ý Chúa Cha luôn là những chủ đề quán xuyến trong mặc khải của Đức Giê-su về tương quan giữa Người và Chúa Cha.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể và căn dặn các môn đệ hãy làm như vậy mà tưởng nhớ đến Người (Lc 22,19-20). Theo thánh Mát-thêu: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28). Những trình thuật tương tự cũng xuất hiện trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cũng như thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (Mc 14,22-25; 1 Cr 11,23-25). Đặc biệt, trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su giải thích về ý nghĩa đặc biệt của bí tích này (Ga 6,32-66). Sau khi phục sinh, Đức Giê-su đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau và hai môn đệ đã mời Người ở lại nhà họ. Nơi đây, Đức Giê-su đã ‘cử hành Bí Tích Thánh Thể’: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-31). Quả thực, các môn đệ nhận ra Đức Giê-su khi Người ‘cầm bánh cầu nguyện’. Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao họ lại nhận ra Đức Giê-su?’ Thưa, cách thức Đức Giê-su cầu nguyện không lẫn vào đâu được. Cách thức Đức Giê-su cầu nguyện trong hành trình loan báo Tin Mừng, chẳng hạn như trước bữa ăn hay khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể không giống bất cứ người nào trong lịch sử nhân loại. Đức Giê-su muốn các tín hữu qua muôn thế hệ kết hiệp với Người, Đấng vừa là Tư Tế, Của Lễ và Bàn Thờ trong hiến tế duy nhất và vĩnh cửu dâng lên Chúa Cha. Như vậy, ‘nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su’, lời cầu nguyện của các tín hữu được Chúa Cha chấp nhận và đem lại hiệu quả tốt đẹp cho mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể và toàn thể Giáo Hội.

Lời cầu nguyện dài nhất của Đức Giê-su trong Tin Mừng là lời cầu nguyện trước khi bước vào cuộc khổ nạn (Ga 17,1-26). Lời cầu nguyện này được gọi là lời cầu nguyện của Thượng Tế Tối Cao (the High Priestly Prayer). Ở đây, Đức Giê-su cầu nguyện cho chính Người (Ga 17,1-5); cầu nguyện cho các môn đệ thân tín của Người (Ga 17,6-19); cầu nguyện cho những ai nhờ các môn đệ mà tin vào Người (Ga 17,20-26). Đức Giê-su tỏ bày tình yêu vô điều kiện của Người đối với các môn đệ trong hành trình trần thế và tiếp tục tỏ bày tình yêu đó trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Người mong muốn các môn đệ luôn được hiệp nhất và bình an giữa muôn vàn gian nan khốn khó mà họ phải đối diện khi trung tín dõi theo bước chân Người. Đức Giê-su không chỉ cầu nguyện cho sự hiệp nhất mà là ‘hiệp nhất nên một’: Xét về mặt ngôn ngữ, chúng ta biết rằng ‘hiệp nhất nên một’ sâu nhiệm hơn ‘các hình thức hiệp nhất’ mà con người có kinh nghiệm trong hành trình trần thế. Chẳng hạn, sự hiệp nhất nên một giữa vợ chồng phân biệt với sự hiệp nhất của hai người bạn khác giới. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa phán: “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Sự ‘hiệp nhất nên một’ trong lời cầu nguyện của Đức Giê-su cùng Chúa Cha còn sâu xa và huyền nhiệm hơn nữa: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21). Đức Giê-su cầu nguyện để những ai tin tưởng, hy vọng và yêu mến Người thì nên một với Người và nhờ Người mà nên một với Chúa Cha trong hành trình trần thế cũng như trong Quê Hương vĩnh cửu.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết, trước khi bị nộp, Đức Giê-su đi ra núi Ô-liu cùng với các môn đệ. Người nói với họ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Rồi Người đã đi cầu nguyện. Thánh Lu-ca trình thuật rằng: “Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,45-46). Cũng trong bối cảnh tương tự, thánh Mác-cô trình thuật lời của Đức Giê-su rõ ràng hơn: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mc 14,38). Người bảo các môn đệ canh thức cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Người bảo các môn đệ hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, khỏi rơi vào cạm bẫy của thế giới bóng tối, của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Các trình thuật Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, trong ba năm thực thi sứ mệnh công khai, nhiều khi Đức Giê-su không có thời gian để ăn uống (Mc 3,20; Mc 6,30-52). Tuy nhiên, không trình thuật nào cho chúng ta biết rằng Người không có thời gian cầu nguyện bởi vì cầu nguyện luôn là ưu tiên hàng đầu trong mỗi ngày sống cũng như trong suốt cuộc đời của Người giữa gia đình nhân loại.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết rằng, tại vườn Ghết-sê-ma-ni, ba lần Đức Giê-su cầu nguyện đều giống nhau về nội dung: Lần thứ nhất: “Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39); lần thứ hai: “Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26,42) và lần thứ ba: “Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó” (Mt 26,44). Trình thuật này giúp chúng ta nhận thức rằng cuộc khổ nạn của Đức Giê-su thật khủng khiếp, sự đau đớn về tâm hồn thể xác lên tới cực độ, vượt quá sức chịu đựng của con người. Dù có sự hiện diện của các môn đệ tại vườn Ghết-sê-ma-ni, nhất là ba môn đệ thân thuộc (Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an) nhưng không ai thức tỉnh với Người. Ở đây, bản tính nhân loại của Người được thể hiện trọn vẹn trước cái chết gần kề. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, Người không để ý mình được thể hiện nhưng là thánh ý Chúa Cha. Điều này được biểu lộ rõ nét hơn trong lời nguyện cuối cùng, trước hơi thở cuối cùng của Người khi đối diện cái chết: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23,46).

Điều đáng chúng ta quan tâm là trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện, nhất là cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha (Mt 6,7-13). Nội dung Kinh này gồm ‘bảy lời’, trong đó ba lời đầu hướng về Thiên Chúa: (1) Tuyên xưng danh Thiên Chúa là Cha và xin cho danh Người được biểu lộ; (2) triều đại Người được hiển trị và (3) thánh ý Người được thực hiện. Bốn lời sau của Kinh này hướng về con người với những nhu cầu cụ thể: (1) Lương thực hằng ngày cho đời sống thể chất, tinh thần; (2) xin được tha thứ tội lỗi và bản thân mình sẵn lòng tha thứ cho anh chị em, (3) xin đừng sa chước cám dỗ và (4) xin được giải thoát khỏi mọi sự dữ. Như vậy, những gì Đức Giê-su dạy các môn đệ, dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha liên quan đến toàn bộ cuộc sống của con người. Kinh Lạy Cha thật ngắn gọn, sâu sắc, đầy đủ. Do đó, ai cũng có thể cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha bất luận khả năng tri thức hay sức khỏe tuổi tác. Dưới nhãn quan của thánh Au-gút-ti-nô, Kinh Lạy Cha là ‘mô mẫu’, ‘tiêu chuẩn’ hay ‘bản tóm lược’ nội dung cũng như hình thức cầu nguyện. Thánh nhân viết: “Tôi tin rằng nếu bạn lướt qua những lời cầu nguyện thánh thiện, bạn sẽ không tìm được điều gì mà không bao gồm hay hàm ý trong những lời cầu nguyện của Kinh Lạy Cha. Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta tự do dùng những từ ngữ khác nhau với bất cứ mức độ nào nhưng chúng ta phải cầu xin giống nhau; về điều này, chúng ta không có chọn lựa nào khác” (St. Augustine, Letter 130, 12.22). Trước thánh Au-gút-ti-nô, giáo phụ Te-tu-li-a-nô (155-220 AD) cho rằng Kinh Lạy Cha là ‘bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng’ (Tertullian, On Prayer, 1). Còn thánh Tô-ma A-qui-nô thì khẳng định, Kinh Lạy Cha là ‘lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất’ (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.83, a.9). Ngoài nội dung tóm lược để khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải, Kinh Lạy Cha mở đầu bằng ‘hãy cầu nguyện như thế này’ (Mt 6,9), nghĩa là không nhấn mạnh đến ‘lời’ cầu nguyện (what) mà nhấn mạnh đến ‘tâm tình’ hay ‘cách thế’ cầu nguyện (how) dâng lên Thiên Chúa (Mt 6,7-9).

Trong bối cảnh triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với mọi người: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7-8). Đặc biệt, Đức Giê-su đề cao việc mọi người cùng nhau cầu nguyện hay cầu nguyện cộng đoàn bởi vì mọi người đều là con cái của Cha ở trên trời. Do đó, các hình thức cộng đoàn gắn bó với Đức Giê-su trong gia đình nhân loại luôn thân thưa với Chúa Cha là ‘Cha chúng con’ (Πάτερ Ημών/ Pater Noster/ Notre Père/ Our Father). Chính Đức Giê-su minh định điều này khi nói: "Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20). Đức Giê-su phục sinh nói với Ma-ri-a Mác-đa-la: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Như vậy, việc cầu nguyện phải gắn liền với con người trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức cộng đoàn mà mỗi người tham dự. Trong thực tế, con người thường quan tâm đến việc cầu nguyện mang tính cá nhân hơn là cộng đoàn. Hậu quả là, đời sống tôn giáo của họ bị khiếm khuyết và có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa cá nhân trong việc thực thi bổn phận tôn giáo. Hình thức cầu nguyện thân thưa với Thiên Chúa là ‘Cha chúng con’, luôn được khuyến khích bởi vì diễn tả căn tính Giáo Hội là ‘cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su’ cùng nhau cầu nguyện nhân danh Người.

Để giúp mọi người biết cầu nguyện cách xứng hợp, Đức Giê-su kể dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cầu nguyện (Lc 18,9-14). Theo thánh Lu-ca: “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Với thế ‘hiên ngang’, người Pha-ri-sêu nói với mình, về mình và cho mình hơn là nói với Thiên Chúa về những điều mà tự thân mình không thể thực hiện được hay tỏ bày cùng Thiên Chúa về những nhu cầu thiết yếu cho đời sống tâm hồn thể xác của bản thân. Ông cũng không cầu xin Thiên Chúa soi sáng tâm trí, ban ơn thông hiểu để có thể sống xứng đáng với danh hiệu là con cái Thiên Chúa. Những gì ông đề cập cũng chỉ quanh quẩn những thứ thuộc thế giới hữu hình, thế giới vật chất hơn là những gì thuộc về thế giới tâm linh. Người Pha-ri-sêu không tôn vinh, thờ phượng, tán dương, tạ ơn Thiên Chúa nhưng lại ‘tôn vinh, thờ phượng, tán dương, tạ ơn’ chính mình trước nhan thánh Người. Hơn nữa, người Pha-ri-sêu còn nhục mạ người thu thuế trong ‘nhà cầu nguyện’. Trái lại: “Người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Với thế ‘khiêm hạ’, người thu thuế đứng xa cung thánh, đấm ngực ăn năn tội lỗi và xin Thiên Chúa tha thứ. Đức Giê-su kết luận, người thu thuế được trở nên công chính, còn người Pha-ri-sêu thì không. Đồng thời, Đức Giê-su đưa ra ‘kết luận tổng quát’ và cũng là bài học ngắn gọn, sâu sắc, hữu ích cho mọi người trong gia đình nhân loại: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Tiếp tục với truyền thống Cựu Ước, Đức Giê-su còn dạy mọi người cầu nguyện cho những người đối nghịch hay kẻ thù của mình nữa. Trong Cựu Ước, Đức Chúa nói với người Do-thái đang lưu đày ở Ba-by-lon: “Hãy mưu tìm thịnh vượng cho thành mà Ta đã đày các ngươi tới; hãy cầu nguyện cùng Đức Chúa cho thành ấy, vì sự thịnh vượng của nó cũng là sự thịnh vượng của các ngươi” (Gr 29,7). Đây là trình thuật duy nhất trong Cựu Ước liên quan đến việc ‘cầu nguyện cho kẻ thù’. Trong Tân Ước, Đức Giê-su kiện toàn lời của Thiên Chúa cách cụ thể và dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,43-47). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Đức Giê-su nói: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,28). Lời nói của Đức Giê-su luôn đi đôi với việc làm, chẳng hạn như trong trình thuật thương khó của Đức Giê-su, thánh Lu-ca viết: ”Khi đến nơi gọi là ‘Đồi Sọ’, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,33-34).

Đức Giê-su còn dạy các môn đệ kiến tạo môi trường cầu nguyện phù hợp nhất: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Đối với Đức Giê-su, ‘phòng’ không chỉ mang tính không gian, nơi chốn mà còn là cõi thâm sâu của tâm hồn con người. Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy vào nội cung của tâm hồn mình để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đặc biệt, để việc cầu nguyện ngày càng phù hợp hơn, Đức Giê-su mời gọi mọi người tập làm quen với ‘ngôn ngữ thinh lặng’. Quả thực, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã sống đời thinh lặng nhiều hơn là rao giảng, ba mươi năm thinh lặng chuẩn bị cho ba năm rao giảng. Trong gia đình Na-da-rét cũng vậy, Đức Ma-ri-a là người thinh lặng. Thánh Lu-ca trình thuật rằng, sau khi chứng kiến những gì diễn ra trong Biến Cố Giáng Sinh: “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19); sau khi tìm được Đức Giê-su ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và trở về lại Na-da-rét: “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Trong các trình thuật Tin Mừng, thánh Giu-se không nói lời nào. Quả thực, thinh lặng là điều cần thiết để con người nghe tiếng Thiên Chúa và nghe tiếng lòng mình. Khi tiếng lòng mình đồng nhịp với tiếng Thiên Chúa cũng là khi việc cầu nguyện của con người đem lại hiệu quả tốt đẹp. Với Đức Giê-su, ai không có khả năng thinh lặng thì cũng không có khả năng lắng nghe, vâng phục và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Thinh lặng cho phép con người hiểu rõ hơn về những lựa chọn trong cuộc sống mình theo giáo huấn của Người.

Đức Giê-su luôn là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Với Biến Cố Phục Sinh, lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, Đức Giê-su là Đấng Bảo Trợ cho mọi người. Thánh Gio-an Tông Đồ viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2,1). Với ngôn ngữ phụng tự, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái diễn giải về Đức Giê-su, Thượng Tế Tối Cao, như sau: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,24-25). Đặc biệt, theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời. Vị đó lo việc tế tự trong cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên” (Dt 8,1-2) hay: “Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Quả thực, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã nhân danh mọi người cầu nguyện cùng Chúa Cha. Giờ đây, bên hữu Thiên Chúa, Người vẫn không ngừng chuyển cầu cho tất cả mọi người.

Với kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su trong hành trình trần thế, đặc biệt, là những chứng nhân về đời sống cầu nguyện của Đức Giê-su cũng như lắng nghe Người giảng dạy, các môn đệ đã cùng nhau thực thi đời sống cầu nguyện sau khi Đức Giê-su phục sinh và lên trời. Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng trong ngày Lễ Ngũ Tuần (πεντηκοστή), khi các môn đệ cùng với Đức Ma-ri-a đang cầu nguyện thì những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tỏa ra và đậu xuống trên từng người một và họ được đầy tràn ơn Thánh Thần (Cv 2,1-4). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cũng cho chúng ta biết rằng vào dịp đó, muôn dân thiên hạ đang tụ họp ở Giê-ru-sa-lem. Họ lắng nghe các môn đệ loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng bằng thổ âm của mình. Qua biến cố này, chúng ta nhận diện những điểm chính yếu sau đây: (1) Tầm quan trọng của việc cùng nhau cầu nguyện, (2) các môn đệ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần để tiếp tục sứ mệnh của Đức Giê-su, (3) tính hoàn vũ của sứ điệp Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng đời sống của Người, (4) sự hiệp nhất nên một của những người đặt niềm tin vào Đức Giê-su, (5) với ngôn ngữ tình yêu, mọi người đều đón nhận và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Quả thực, cộng đoàn Giáo Hội sơ khai cùng nhau cầu nguyện: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14); “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Trong cơn bách hại, các môn đệ Đức Giê-su không ngừng cầu nguyện. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết: “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31). Dưới sự đồng hành và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đức Giê-su luôn kết hiệp mật thiết với Người và trở nên những mẫu gương sáng ngời về đời sống cầu nguyện cho mọi người qua muôn thế hệ.

Kinh nghiệm của các môn đệ Đức Giê-su cũng như các chứng nhân trung tín của Người qua muôn thế hệ giúp chúng ta nhận thức rằng để có được tâm tình cầu nguyện chân thành thì điều căn bản là con người phải sống trong tâm tình tạ ơn. Người vô ơn khó có thể là người cầu nguyện. Khi con người vô ơn với Thiên Chúa thì cũng vô ơn với anh chị em và xem thường thế giới thụ tạo. Điểm chung của các thánh trong lịch sử Giáo Hội là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, nhất là những lúc gặp khó khăn thử thách. Người cầu nguyện chân thành cũng là người có tâm tình tạ ơn xứng hợp: Con người tạ ơn Thiên Chúa không chỉ vì nhờ Người mà được hiện diện, sống, hoạt động, mà còn tạ ơn Người vì mình được mời gọi chung hưởng sự sống vĩnh cửu. Thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Phi-líp-phê: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,6-7). Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, ngài viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Tx 5,16-18). Quả thực, sự vô ơn của con người là nguồn gốc mọi tội lỗi, làm nảy sinh muôn vàn tính hư nết xấu và gây bất hòa bất thuận trong các hình thức cộng đoàn của gia đình nhân loại. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng người vô ơn thì không bao giờ quan tâm đến việc cầu nguyện. Do đó, để sống đời cầu nguyện, con người cần nuôi dưỡng tâm tình tạ ơn, tạ ơn Thiên Chúa, ‘tạ ơn Trời, tạ ơn người, tạ ơn đời’.

Khi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su cũng cho mọi người biết tương quan mật thiết giữa đức tin và cầu nguyện: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển!, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,21-22). Ai không tin vào sự vinh thắng của ánh sáng trên bóng tối, của tình yêu trên hận thù, của sự thiện trên sự dữ, của vĩnh cửu trên thời gian, của sự sống trên sự chết, của Thiên Chúa trên ma vương quỷ lực thì khó có thể có đời sống cầu nguyện đích thực. Theo Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15). Thánh Au-gút-ti-nô minh định rằng Tin Mừng giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta cần tin tưởng và cầu nguyện hầu luôn tín thác vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào sức riêng mình. Đối với thánh nhân, đức tin và cầu nguyện tồn tại trong nhau: Đức tin là suối nguồn của cầu nguyện và cầu nguyện củng cố đức tin; không có đức tin cũng không có cầu nguyện và ngược lại; đức tin tàn lụi thì cầu nguyện cũng chẳng còn (St. Augustine, Sermon 65 on the New Testament 1). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo“Luật cầu nguyện là luật đức tin” (GLGHCG 1124). Chúng ta cũng có thể nói ngược lại: ‘Luật đức tin là luật cầu nguyện’. Như vậy, đức tin và cầu nguyện định nghĩa nhau, nghĩa là người có đức tin chân thành cũng là người trung tín cầu nguyện và ngược lại. Tương tự như thế, chúng ta cũng có thể nói về tương quan giữa ‘luật cầu nguyện’ với ‘luật sống’, ‘luật hành động’, ‘luật suy nghĩ’, ‘luật yêu thương’, ‘luật phục vụ’ cũng như nhiều hình thức luật khác nữa trong xã hội loài người.

Qua mọi thời, đặc biệt, trong thế giới hôm nay, con người thường dành nhiều năng lực cho đời sống thể chất, chẳng hạn như thể dục thể thao, giải trí, rèn luyệt kỹ năng sống hay gia tăng tri thức về khoa học tự nhiên, xã hội, trong khi đó lại dành quá ít thời gian cho đời sống nội tâm, đời sống linh thiêng, đời sống cầu nguyện. Khi con người không cầu nguyện cũng là khi tâm hồn con người ngày càng bị sa mạc hóa và thiếu sức sống. Sa mạc nội tâm càng lớn thì đời sống con người càng chật chội bởi vì sự thâm nhập của những yếu tố độc hại nảy sinh từ các thế lực ma quỷ, thế gian, xác thịt. Cầu nguyện giúp con người không ngừng đổi mới bản thân, nhờ đó, con người biết luôn hoán cải hầu củng cố tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể tự thân biến đổi mình cách xứng hợp. Đó là lý do tại sao chúng ta cần cầu nguyện để với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta ngày càng trở nên công chính thánh thiện hơn giữa biển đời với muôn hình thức cám dỗ và mưu mô ác thần. Đặc biệt, việc cầu nguyện liên lỉ giúp con người biết đâu là mục đích và ưu tiên trong đời sống mình giữa thế gian không ngừng biến chuyển.

Ai cũng phải đối diện với những khó khăn, thách đố trong việc cầu nguyện. Một mặt, mọi người ý thức rằng Thiên Chúa luôn lắng nghe lời cầu nguyện của con người. Mặt khác, ai cũng cảm thấy hụt hẫng khi lời cầu nguyện của mình không trở thành hiện thực. Chẳng hạn, biết bao người cầu nguyện để được khỏi bệnh nan y nhưng lại phải chết; biết bao người cầu nguyện để được sung túc nhưng suốt đời nghèo khổ; biết bao người cầu nguyện để được thảnh thơi nhưng cuộc đời lại đau thương bầm dập; biết bao người cầu nguyện để được bình an nhưng cuộc đời đầy gian nan khốn khó; biết bao người cầu nguyện để được sống lâu nhưng lại phải chết mau chết trẻ. Phải chăng Thiên Chúa thinh lặng? Đức Giê-su cho chúng ta câu trả lời rằng Thiên Chúa luôn lắng nghe và đáp lời cầu nguyện của con người theo cách tốt hơn cho con người. Khi triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8). Người cũng khẳng định: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Câu hỏi đặt ra là ‘nếu như vậy thì xin làm gì?’ Thưa, mục đích của việc chúng ta cầu nguyện thường xuyên là để chúng ta ý thức về sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình, đồng thời, phân định và cầu xin Người những điều thiết thực cho chúng ta trong những hoàn cảnh cụ thể. Do đó, ưu tiên của việc cầu nguyện không phải được như ý mình xin nhưng thân thưa với Thiên Chúa rằng ‘Ngài biết con’, ‘Ngài biết những gì tốt hơn cho con’, ‘chỉ mình Ngài mới đem lại cho con niềm hạnh phúc đích thực’. Thánh Gia-cô-bê viết: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,2-3). Dưới nhãn quan của thánh Au-gút-ti-nô, có ba lý do căn bản liên quan đến việc lời cầu nguyện của con người không được đáp ứng là: (1) xin điều không phù hợp, (2) cách xin không phù hợp và (3) tình trạng tâm hồn của người xin không phù hợp (St. Augustine, Letter 130, 1.2; 4.9; 8.15; 8.16; 14.25).

Khi cầu nguyện, điều chúng ta mong đợi không phải là câu trả lời cuối cùng của Thiên Chúa cho chúng ta nhưng để chúng ta được Thiên Chúa hướng dẫn hầu có thể tiến bước cách xứng hợp hơn trên đường về với Người. Con người, hiện tượng, sự vật không ngừng vận động, biến đổi. Trong quá trình đó, những điều không tốt dần bị loại thải để những điều tốt lành được đâm chồi nẩy lộc và lớn lên. Bởi vì, mỗi người chúng ta được ví như dự án chưa hoàn thành của Thiên Chúa bao lâu còn rong ruổi trên trần đời. Dự án đó lệ thuộc vào sự tự do của chúng ta trong việc đón nhận, sống và làm cho ân sủng của Thiên Chúa nơi chúng ta sinh chồi nẩy lộc. Thiên Chúa luôn cung cấp đầy đủ ánh sáng cho chúng ta tiến bước trong niềm tin, tình yêu và hy vọng. Như vậy, bao lâu còn sống, chúng ta không bao giờ có được câu trả lời chung cuộc cho bản thân mình bởi vì chúng ta có tự do chọn lựa để đặt niềm tin tưởng vào Biến Cố Đức Giê-su hay vào biến cố nào đó; chúng ta có tự do chọn lựa để sống theo thánh ý Thiên Chúa hay theo ý tưởng của thực thể nào đó; chúng ta có tự do chọn lựa để thực thi thánh ý Thiên Chúa hay ý định của người nào đó. Việc cầu nguyện thường xuyên giúp chúng ta không ngừng biến đổi để ngày càng ý thức rằng mình lệ thuộc vào Thiên Chúa như Đức Giê-su hằng lệ thuộc vào Chúa Cha trong hành trình trần thế và rằng mình không thể quán xuyến đời sống mình cũng như anh chị em đồng loại. Để việc cầu nguyện thường xuyên đem lại hiệu quả tốt đẹp, mỗi người cần quan tâm các hình thức cầu nguyện căn bản theo truyền thống Giáo Hội.

Ba hình thức cầu nguyện chính yếu trong lịch sử Giáo Hội là cầu nguyện bằng lời (khẩu nguyện, vocal prayer), bằng suy niệm (suy nguyện, meditation) và bằng chiêm niệm (chiêm nguyện, contemplation). Người ta cũng có thể thu gọn về hai hình thức cầu nguyện căn bản, đó là cầu nguyện bằng lời (vocal prayer) và cầu nguyện bằng tâm trí (mental prayer). Tuy nhiên, chúng ta nhận thức rằng trong việc cầu nguyện bằng lời có sự tham dự của tâm trí nữa, nghĩa là ‘lời không độc lập với tâm trí’. Sự phân biệt căn bản giữa hai hình thức cầu nguyện bằng lời và bằng tâm trí không phải là dùng lời nói hay không dùng lời nói: Thông thường, khi cầu nguyện bằng lời, chúng ta nói ra những ngôn từ đã được sắp xếp trong tâm trí. Trong khi đó, cầu nguyện bằng tâm trí được diễn ra như là cuộc đối thoại trong thinh lặng, nếu có thể dùng lời thì những lời đó thường tự phát hơn là được sắp xếp. Mục đích của cầu nguyện bằng lời nói là xin cho được như những điều mình nói ra hầu có thể đáp ứng những mong muốn cụ thể nào đó của bản thân; mục đích của cầu nguyện bằng tâm trí là nối kết tâm trí chúng ta với Thiên Chúa hầu thiết lập tương quan mật thiết với Người cũng như nhờ Người trợ giúp để chúng ta có khả năng sống phù hợp với thánh ý Người trong những hoàn cảnh cụ thể của đời mình. Thực ra, hai hình thức cầu nguyện này không đối lập nhau nhưng bổ túc cho nhau, cùng nhau giúp con người thiết lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Đặc biệt, cầu nguyện bằng tâm trí giúp con người đi vào cuộc đối thoại thâm sâu và liên lỉ với Người.

Liên quan đến việc cầu nguyện bằng lời (vocal prayer), thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng cần phải để ý ba điều là: Thứ nhất, chú tâm những lời nói ra kẻo nói sai; thứ hai, chú tâm về ý nghĩa của những lời đó và thứ ba, chú tâm sự kết thúc của lời nguyện, cụ thể là hướng về Thiên Chúa và điều chúng ta cầu xin. Theo kinh nghiệm của thánh nhân, đôi khi tâm trí chúng ta quy hướng về Thiên Chúa mạnh mẽ đến mức quên hết tất cả những điều khác (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.83, a.13). Đối với thánh Au-gút-ti-nô, cầu nguyện cho phép ‘trái tim nối với trái tim, lòng nối với lòng’, con người được nối kết với Thiên Chúa. Thánh nhân quả quyết: “Dùng nhiều lời cầu nguyện là để khấn xin điều cần thiết nhưng kéo dài thời gian cầu nguyện là để có trái tim chung nhịp với cảm xúc sùng kính luôn mãi đối với Đấng mà chúng ta cầu nguyện” (St. Augustine, Letter 130, 10.20). Ngài cũng khẳng định: “Trong hầu hết trường hợp, cầu nguyện thiên về sự thầm thĩ [rên xiết] hơn là lên tiếng, trong nước mắt hơn là trong lời nói. Nhưng Người làm cho nước mắt chúng ta tuôn chảy trước nhan Người và sự thầm thĩ của chúng ta không thể ẩn dấu đối với Người, Đấng sáng tạo mọi sự bởi Lời và không cần nhiều lời nói của con người” (St. Augustine, Letter 130, 10.20). Như vậy, đối với thánh Au-gút-ti-nô, cầu nguyện đích thực cho phép tâm hồn con người mở ra với Thiên Chúa và nhờ ánh sáng của Người soi chiếu, tâm hồn con người được biến đổi để luôn sẵn sàng lắng nghe và thực thi thánh ý Người. Tư tưởng này của thánh Au-gút-ti-nô cũng tương tự như thánh Gio-an Kim Khẩu khi ngài viết: “Như con mắt thể lý của chúng ta được chiếu rọi bởi nhìn thấy ánh sáng, khi chiêm ngắm Thiên Chúa, tâm hồn chúng ta được Người chiếu sáng” (St John Chrysostom, Hom 6 on Prayer).

Đức Giê-su nói rằng "chiên của tôi thì nghe tiếng tôi" (Ga 10,27). Người luôn mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Lời Người. Khả năng lắng nghe của chúng ta lệ thuộc nhiều vào việc chúng ta thiết lập và sống mối tương quan liên vị với Đức Giê-su trong mọi hoàn cảnh của đời mình. Chúng ta không thể lắng nghe Đức Giê-su, nếu chúng ta không thuộc về Người và không có được tâm hồn yên tĩnh cần thiết. Nếu chúng ta không lắng nghe Lời Đức Giê-su, chúng ta sẽ đối diện với muôn hình thức hiểm nguy trong cuộc sống hằng ngày. Tiếng gọi của chủ nghĩa cá nhân, tiếng gọi của chủ nghĩa tương đối, tiếng gọi của chủ nghĩa tiêu thụ, tiếng gọi của chủ nghĩa lãnh đạm, tiếng gọi của các phương tiện truyền thông hiện đại, tiếng gọi của những kẻ trộm cướp âm thầm, nhưng rất nguy hiểm đang vang vọng bên tai của chúng ta. Tiếng gọi của Thiên Chúa luôn nhẹ nhàng, do đó chúng ta cần phải lắng nghe (listen), còn nhiều tiếng gọi khác thì lại vang dội với tần suất nhiều và công suất lớn, do đó, chúng ta không cần lắng mà vẫn nghe được (hear). Trên tất cả, chúng ta được mời gọi lắng nghe lời Chúa như kinh nghiệm của thánh Au-gút-ti-nô: “Trong cảnh tối tăm của thế giới này, chúng ta là những người hành hương vắng bóng Đức Chúa bao lâu chúng ta còn bước đi trong đức tin chứ không bằng mắt thấy, tâm hồn người Ki-tô hữu thật cô độc, tiếp tục trong cầu nguyện và học cách điều chỉnh ánh mắt đức tin hướng về lời trong các sách Kinh Thánh” (St. Augustine, Letter 130, 2.5).

Một trong những cách thức cầu nguyện đáng chú ý là cầu nguyện theo hình thức ‘Lectio Divina’ [đọc Kinh Thánh theo phương pháp Lectio Divina hay đọc Lời Chúa và cầu nguyện], hình thức cầu nguyện này ăn sâu vào tiềm thức của các Ki-tô hữu qua dòng lịch sử, đặc biệt từ thế kỷ thứ sáu với thánh Bê-nê-đích-tô (480-547) và Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô I (540-604). Cầu nguyện theo hình thức Lectio Divina là dựa vào Kinh Thánh với các bước căn bản như: Đọc (lectio, reading), suy niệm (meditatio, meditation), cầu nguyện (oratio, prayer) và chiêm niệm (contemplatio, contemplation). Cầu nguyện theo hình thức này cho phép người cầu nguyện thông hiệp với Lời Chúa cách đặc biệt, chú tâm vào việc ‘lắng nghe’ hơn là ‘nói’ hầu giúp bản thân đón nhận Lời Chúa và để Lời Chúa tác động và định dạng bản thân mình: Để Chúa nói với mình hơn là mình nói với Chúa. Trong Tông Huấn Verbum Domini (Tông Huấn Lời Chúa, 2010), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI khuyến khích mọi người cầu nguyện theo hình thức Lectio Divina. Ngài trích dẫn tư tưởng của thánh Au-gút-ti-nô (354-430) như sau: “Lời cầu nguyện của bạn là lời bạn nói với Chúa. Khi bạn đọc Kinh Thánh, Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện bạn nói với Chúa” (St. Augustine trong Verbum Domini 86). Như vậy, cầu nguyện có thể được ví như ‘con đường hai chiều’ (two-way street), trong đó, con người lắng nghe lời của Thiên Chúa và Thiên Chúa lắng nghe lời của con người. Tại sao cầu nguyện theo hình thức Lectio Divina lại được chú trọng? Thưa, vì Lời Chúa là nội dung căn bản của đức tin Ki-tô Giáo. Trong mọi lời mà con người tiếp nhận, đồng hóa, và dõi theo trong đời sống không có lời nào quan trọng hơn Lời Chúa. Do đó, cầu nguyện đi đôi với việc đọc Kinh Thánh luôn là điều mà các Ki-tô hữu cần ý thức và thực hành trong cuộc đời mình. Công Đồng Vatican II minh định: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu” (DV 21).

Cầu nguyện theo hình thức ‘Lectio Divina’ vừa gia tăng niềm tin, vừa giúp con người biết hành động thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Nghĩa là, sau khi ‘đọc’, ‘suy niệm’, ‘cầu nguyện’, và ‘chiêm niệm’, thì phải hành động (actio, action) nữa. Quả thực, cầu nguyện và hành động luôn luôn đi đôi với nhau theo lời dạy của Đức Giê-su: “Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa!, mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành” (Lc 6,46-49). Như vậy, kinh nghiệm chúng ta có được khi đọc Lời Chúa, suy gẫm, thầm thĩ và chiêm niệm cần phải đem lại hoa trái trong đời sống thực tiễn là cải thiện tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Thánh Au-gút-ti-nô khuyên dạy mọi người: “Không chỉ tiếng bạn tán dương Thiên Chúa mà còn công việc bạn hòa hợp với tiếng bạn nữa” (St Augustine, Exposition on Psalm 147.2).

Theo giáo huấn của Đức Giê-su được thánh Phao-lô đúc kết và trình bày qua các thư của ngài, cầu nguyện đích thực là cầu nguyện trong Thần Khí của Đức Giê-su, nghĩa là trong Chúa Thánh Thần. Quả thực, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Nhờ Thần Khí giúp đỡ, chúng ta mới có thể cầu nguyện cách xứng hợp. Thánh Phao-lô khẳng định điều này khi viết cho các tín hữu Rô-ma: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27). Thánh nhân đề cao vai trò của Thần Khí trong cầu nguyện nơi các thư khác nữa, chẳng hạn: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6,18); “Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2,10); “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” (Gl 5,17-18). Thánh Giu-đa cũng khuyên dạy các tín hữu: “Hỡi anh em thân mến, hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 1,20-21).

Trong thời đại hôm nay, nhiều người chủ trương rằng mình cần linh đạo nhưng không tôn giáo (spirituality without religion). Nghĩa là họ không quan tâm đến bất cứ hình thức tôn giáo cụ thể nào nhưng để ý đời sống nội tâm, giữ lòng thanh tịnh cần thiết với hy vọng rằng tự mình sẽ giải thoát bản thân khỏi những gì gây bất hạnh, bất an, trăn trở. Cụ thể là, đối với họ, một số cách thức thực hành theo kinh nghiệm thuần túy nhân loại, thuần túy thế tục, được tích lũy theo thời gian có thể giải thoát họ khỏi những tư tưởng, lời nói, việc làm tiêu cực để tích tụ những năng lượng tích cực. Chúng ta có thể nhận định rằng những phương thức thực hành như thế có thể đem lại cho con người những kết quả nhất định về khía cạnh tâm lý và thể chất nhưng khó có thể lấp đầy khoảng trống vắng liên lỉ trong tâm hồn con người (nhân linh ư vạn vật). Con người luôn cần liên kết, cần tương quan, cần ‘Ai đó’ đồng hành và hướng dẫn mình và cho mình những ánh sáng cần thiết nhằm nuôi dưỡng niềm hy vọng đích thực vào sự giải thoát tận căn, sự giải thoát mà thế gian không thể ban tặng. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, con người chỉ có thể cảm nghiệm được thiên đàng khi con người biết nối kết với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện và thực thi thánh ý Thiên Chúa cách trung tín nhất.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ thân tín rằng Người là Đường (Ga 14,6). Những trình bày trên đây cho phép chúng ta khẳng định rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Cầu Nguyện bởi vì cầu nguyện gắn liền với mọi biến cố trong hành trình trần thế của Người. Việc Đức Giê-su luôn cầu nguyện đã để lại cho mọi người trong gia đình nhân loại mẫu gương xán lạn trong việc thiết lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Quả thực, là Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ nhưng Đức Giê-su lại luôn cầu nguyện. Do đó, những ai theo Người thì cần phải có tâm thức cầu nguyện như vậy hầu được luôn ở lại trong tình thương của Thiên Chúa. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Đức Ki-tô. Lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta, nhưng chỉ lên tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su” (Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 560). Các Ki-tô hữu có thể phân biệt nhau về ơn gọi, đặc sủng, công việc nhưng tất cả đều được mời gọi cùng đi theo một Con Đường duy nhất, Đường Đức Giê-su, Đường Cầu Nguyện, Đường dẫn tới sự thật và sự sống viên mãn (Ga 14,6; Cv 4,12). Bởi vì, theo thánh Phao-lô: “Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘có’ nơi Đức Giê-su. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên ‘A-men’ để tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1,20).

Các Ki-tô hữu luôn được mời gọi đi trên Đường Cầu Nguyện của Đức Giê-su, sống theo Đường Cầu Nguyện của Đức Giê-su và loan báo Đường Cầu Nguyện của Đức Giê-su cho anh chị em mình. Để có thể thực hiện điều đó, các Ki-tô hữu được mời gọi: Hãy suy gẫm, chiêm ngắm Đường Cầu Nguyện của Đức Giê-su, hãy dõi theo giáo huấn của Người về cầu nguyện, hãy cộng tác với Thiên Chúa để định dạng bản thân theo thánh ý Người hầu có thể trở thành ‘người cầu nguyện’, người luôn thiết lập tương quan hiệp nhất nên một với Thiên Chúa. Quả thực, người luôn cầu nguyện cũng là người thường xuyên hướng về Đức Giê-su, hướng về Thiên Chúa. Người luôn cầu nguyện cũng là người luôn sẵn sàng làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người trong mọi biến cố của cuộc sống mình. Chẳng hạn, nhờ đi theo Đường Cầu Nguyện của Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a luôn suy đi nghĩ lại trong lòng lời của Thiên Chúa và những việc Thiên Chúa làm. Đức Ma-ri-a luôn đồng hành và hiệp thông với Đức Giê-su. Dưới chân thập giá, Đức Ma-ri-a chứng kiến sự đau khổ tột cùng của Đức Giê-su, cái chết của Đức Giê-su cùng với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Sau khi Đức Giê-su phục sinh và lên trời, Đức Ma-ri-a tiếp tục ở lại với các môn đệ để cùng nhau cầu nguyện và cử hành Lễ Bẻ Bánh, nghĩa là cử hành Bí Tích Thánh Thể (Cv 1,14; Cv 2,42). Với đời sống nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a cùng các môn đệ thân tín là những người đầu tiên loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.

Chúng ta có thể kết luận rằng, theo mặc khải Ki-tô Giáo, khi con người phạm tội cũng là khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa và mất tình nghĩa với Ngưởi. Tuy nhiên, niềm khao khát được kết hiệp với Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong tâm hồn con người và làm cho con người không ngừng khắc khoải. Con người cũng biết rằng, tự thân, mình không thể giải thoát mình khỏi ách nô lệ tội lỗi mà cao điểm là sự chết. Đó là lý do tại sao, trong tâm tình cầu nguyện, con người quay mặt lại với Thiên Chúa, không ngừng quy hướng về Thiên Chúa là Nguồn Gốc cũng như Cùng Đích của mình để xin ơn cứu độ và giải thoát. Hơn nữa, cầu nguyện không chỉ để hướng về Thiên Chúa mà còn hiệp nhất nên một với NgườiMặc khải Ki-tô Giáo cũng cho chúng ta biết rằng, vì tình yêu, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với gia đình nhân loại. Đường của Người trong hành trình trần thế là Đường Cầu Nguyện. Bởi vì, Người luôn cầu nguyện để được hiệp nhất nên một với Chúa Cha trong mọi biến cố của cuộc đời. Đặc biệt, Người cầu nguyện trong những biến cố quan trọng, chẳng hạn như khi chịu phép rửa, khi chịu cám dỗ bốn mươi đêm ngày trong sa mạc, khi chọn các Tông Đồ, khi thực thi các phép lạ, khi bước vào cuộc khổ nạn cũng như trên thập giá. Hơn nữa, chính Người đã dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha để các ngài biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa cách xứng hợp nhất. Đời sống và giáo huấn của Đức Giê-su cũng như kinh nghiệm lịch sử Giáo Hội giúp chúng ta nhận thức rằng ai cầu nguyện thì được nối kết với Thiên Chúa; ai cầu nguyện thì được hiệp nhất nên một với Người; ai cầu nguyện thì nhận ra thánh ý Người; ai cầu nguyện thì được Người phù trì nâng đỡ; ai cầu nguyện thì không lẻ loi đơn độc; ai cầu nguyện thì được an bình hạnh phúc; ai cầu nguyện thì yêu thương anh chị em mình như Đức Giê-su dạy. Ước gì, nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, mọi người trong gia đình nhân loại biết đón nhận Đức Giê-su và tiến bước trên Đường Cầu Nguyện của Người để được hiệp nhất nên một với Chúa Cha trong hành trình trần thế và trong Quê Hương vĩnh cửu.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-cau-nguyen-54434

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét