Suy niệm chú giải Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Chay năm B
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay năm B nêu bật Phép Rửa, tức là cuộc vượt qua từ cõi chết để bước vào cõi sống.
St 9: 8-15
Đoạn trích sách Sáng Thế gợi lên hình bóng của Phép Rửa qua việc một nhân loại mới được cứu thoát khỏi trận Hồng Thủy. Thiên Chúa lập giao ước với nhân loại mới này qua ông Nô-ê.
1Pr 3: 18-22
Trong thư thứ nhất của mình, thánh Phê-rô muốn những người lãnh nhận Phép Rửa hiểu rằng việc vượt qua nước là dấu chỉ việc họ tham dự vào cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô và đó cũng là dấn thân vào giao ước với Thiên Chúa.
Mc 1: 12-15
Tin Mừng Mác-cô tường thuật rất ngắn gọn cuộc thử thách mà Đức Giê-su đã kinh qua trong hoang địa: Ngài chiến thắng các chước cám dỗ, tức thế lực của sự Ác.
BÀI ĐỌC I (St 9: 8-15)
Chữ “Ước”, để chỉ hai phần của bộ Kinh Thánh: “Cựu Ước và Tân Ước”, được dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp sang tiếng La-tin: “Testamentum”, có nghĩa là “Giao Ước”. Vì thế, “Cựu Ước và Tân Ước” phải được hiểu trọn nghĩa là “Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới”.
Quả thật, chữ “Giao Ước” tóm gọn tinh thần của toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là, những quan hệ giữa Thiên Chúa và con người chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh. Ấy vậy, có một chỗ đứt đoạn giữa công việc của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và thi ân, và cách hành xử của con người, tội nhân. Nhưng chỗ đứt đoạn này về phương diện lịch sử được lòng xót thương của Thiên Chúa chắp lại: sau vài án phạt điển hình, Thiên Chúa tha thứ và tái lập giao ước với nhân loại.
1. Giao Ước với ông Nô-ê
Đây là Giao Ước mà Thiên Chúa đã thiết lập sau trận Hồng Thủy như án phạt của Thiên Chúa trên khắp toàn cõi địa cầu. Giao Ước với hai ông bà nguyên tổ, A-đam và E-và, được thiết lập cách mặc nhiên; Giao Ước với ông Nô-ê được thiết lập cách minh nhiên. Qua ông Nô-ê và hậu duệ của ông, Thiên Chúa giao ước với toàn thể nhân loại.
Chiều kích hoàn vũ của Giao Ước với ông Nô-ê này càng đáng chú ý hơn khi so sánh với những giao ước sau này. Thật vậy, Giao Ước với tổ phụ Áp-ra-ham cũng như Giao Ước với ông Mô-sê bị thu hẹp, chỉ còn liên quan đến một dân tộc được tuyển chọn giữa muôn dân (thực ra, dân Chúa chọn này có sứ mạng chuẩn bị ơn cứu độ cho hết mọi người).
Mặt khác, sau trận Hồng Thủy, Thiên Chúa ban cho cuộc sáng tạo một khởi điểm mới, một nhân loại mới lại bắt đầu. Ông Nô-ê là một người công chính, như A-đam trước đây đã là người công chính khi xuất ra từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa. Vì thế, đây đích thật là một công trình sáng tạo mới.
2. Ơn cứu độ phổ quát dưới dấu chỉ của nước
Tác giả soạn thảo chuyện tích trận Hồng Thủy này dựa trên những truyền thống xưa và những dữ kiện huyền thoại. Phải nói có hai chuyện tích về trận Hồng Thủy được đan quyện vào nhau. Một chuyện tích xưa thuộc truyền thống Gia-vít không biết đến đề tài Giao Ước và một chuyện tích khác muộn thời hơn thuộc truyền thống tư tế (có lẽ trong thời kỳ lưu đày hay sau đó ít lâu) nêu bật đề tài Giao Ước.
Bài Đọc I được trích từ chuyện tích thuộc truyền thống tư tế này, trong đó chúng ta gặp thấy đề tài Giao Ước. Tác giả của chuyện tích này khoác cho chuyện tích xưa thuộc truyền thống Gia-vít một quan niệm thần học. Khi phân biệt giáo huấn của Thiên Chúa trong chuyện tích thuộc truyền thống Gia-vít, tác giả tư tế đã đọc thấy dấu chỉ của ơn cứu độ được dâng hiến cho hết mọi người, ở đó nước sẽ đóng một vai trò quan trọng. Nếu toàn thể nhân loại đã bị trừng phạt, thì cũng chính toàn thể nhân loại sẽ được cứu, vì lòng xót thương của Thiên Chúa còn lớn hơn cả tội lỗi nữa. Ơn cứu độ sẽ được thực hiện dưới dấu chỉ của nước, biểu tượng của cuộc tái sinh. Thánh Phê-rô, trong thư mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật này, gợi lên chuyện tích này là hình bóng Phép Rửa.
3. Giao ước với tất cả mọi sinh vật
Giao Ước của Thiên Chúa trải rộng cho hết mọi sinh vật. Cử chỉ này là một hành vi sáng tạo trong các chuyện tích về nguồn gốc nhân loại (St 1-11). Ông Nô-ê, A-đam mới, cũng như những sinh vật đều đã được cứu thoát, từ nay được bảo tồn. Thiên Chúa không từ bỏ bất cứ gì từ cuộc sáng tạo ban đầu.
Chúng ta có thể nhấn mạnh thêm rằng đại họa Hồng Thủy đã đến hồi kết thúc, nước phía trên đã được phân rẽ khỏi nước phía dưới, và đất trồi lên, như trong cuộc sáng tạo đầu tiên. Mọi sự lại bắt đầu. Như vậy, Phép Rửa có ý nghĩa của một cuộc vượt qua từ cõi chết bước vào cõi sống.
4. Cầu vồng
Dân Hy-lạp xem cầu vồng là khăn quàng của nữ thần Iris, sứ giả của các thần linh. Dân Do thái đặt trọng tâm trên vấn đề về những mối quan hệ giữa trời và đất, vì thế thấy ở đây một dấu chỉ của việc Thiên Chúa giao hòa với nhân loại. Chiếc cầu vồng nối liền trời với đất biểu thị chiều kích phổ quát của Giao Ước, một lời giải thích mang đậm nét thi ca về lời hứa của Thiên Chúa. Từ nay, Thiên Chúa “gác cây cung lên mây”, tức là không còn dùng khí cụ tiêu diệt nữa. Việc cầu vòng xuất hiện trên không trung loan báo điềm lành: cơn mưa đã tạnh.
BÀI ĐỌC II (1Pr 3: 18-22)
Đoạn trích thư này vang dội Bài Đọc I, nhắc lại trận Hồng Thủy và Giao Ước mà Thiên Chúa thiết lập với ông Nô-ê. Qua đó, thánh Phê-rô nêu bật hình bóng Phép Rửa.
1. Hoàn cảnh
Thư thứ nhất của thánh Phê-rô này được viết ở Rô-ma vào những năm 60-64 (thánh nhân được phúc tử đạo vào năm 64). Thư được gửi đến cho tất cả Ki-tô hữu bị phân tán khắp miền Tiểu Á vì bị quấy nhiễu hay bị bách hại. Vị lãnh đạo Giáo Hội quan tâm đến đoàn chiên của mình. Trong thư, thánh nhân nhắc nhớ những chân lý cốt yếu của đức tin.
Bức thư này đã được một cộng tác viên của thánh Phê-rô là ông Xin-va-nô biên soạn: “Nhờ tay anh Xin-va-nô mà tôi coi là một người anh em trung tín, tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em…” (5: 12). Ông này cũng là người bạn đồng hành thân tín của thánh Phao-lô. Có lẽ vì thế mà những dấu ấn của thánh Phao-lô được gặp thấy ở nhiều đoạn trong thư này; như trong đoạn trích hôm nay, chúng ta ghi nhận “chết vì tội lỗi chúng ta”, hay việc đối lập giữa “thân xác và thần khí”, hoặc “Phép Rửa” đồng nghĩa với việc “tham dự vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki tô”.
Thánh Phê-rô ngỏ lời với những người Ki-tô hữu đang phải hứng chịu những lời chế nhạo và vu khống của dân ngoại. Thánh Tông Đồ khuyên họ hãy can đảm theo gương Đức Ki-tô, Người đã chịu đau khổ dù vô tội. Từ đó, thánh nhân gợi lên ơn Cứu Độ và những ân phúc của nó đối với những người đã qua đời cũng như những người đang sống.
2. Đối với những người đã qua đời
Đây là một đoạn văn đặc thù trong các bản văn Tân Ước gợi lên Đức Ki-tô xuống ngục tổ tông. Việc Đức Ki-tô xuống ngục tổ tông muốn nói lên rằng việc cứu độ những tội nhân không chỉ có giá trị đối với những ai đã qua đời sau biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, nhưng cũng có hiệu lực trở về trước nữa. Đức Ki-tô đã đến “loan báo Tin Mừng” cho các vong nhân, và đặc biệt hơn nữa, cho những vong nhân bị quên lãng và bị nguyền rủa, thậm chí vào thời ông Nô-ê, ông là người công chính duy nhất (3: 19-20). Những vong nhân này xuất hiện trong truyền thống Do thái (và đặc biệt trong văn chương khải huyền) như những kẻ nổi loạn. Chắc chắn đó là lý do mà thánh Phê-rô viện dẫn họ để ca ngợi quyền năng Cứu Độ và lòng xót thương vô lượng hải hà của Thiên Chúa.
Mặt khác, việc Đức Giê-su xuống cõi âm ty nêu bật giá trị của việc Ngài lên trời trong vinh quang. Đấng xuống cõi âm ty chính là “Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền”. Vinh quang tuyệt mức tương ứng với sự khiêm hạ tột cùng của Con Thiên Chúa, Đấng đã dự phần vào cõi hư vô của sự chết.
3. Đối với những người đang sống
Đối với những ai hiện đang sống (và đối với những ai sinh ra sau này), biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki tô dâng hiến ơn cứu độ dưới dấu chỉ Phép Rửa. Thánh Tông Đồ nhấn mạnh không cốt “được tẩy sạch vết nhơ thể xác” như trong các nghi thức thanh tẩy của lương dân, nhưng nhất là “cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô”.
Cùng với những bản văn của thánh Phao-lô, bản văn này làm chứng rằng vào những năm 60, thần học Phép Rửa đã được bày tỏ và khẳng định rất rõ nét.
TIN MỪNG (Mc 1: 12-15)
Đoạn trích Tin Mừng Mác-cô hôm nay gồm có hai phần: phần thứ nhất (1: 12-13) tường thuật việc Đức Giê-su chuẩn bị cần thiết cho sứ vụ công khai của Ngài; phần thứ hai (1: 14-15) tường thuật việc Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài.
1. Đức Giê-su chuẩn bị cần thiết cho sứ vụ công khai (1: 12-13)
Tin Mừng Mác-cô thuật lại cuộc thử thách của Đức Giê-su trong hoang địa. Dù bài trình thuật của thánh Mác-cô rất giản dị so với thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca, nhưng những điều cốt yếu đều được nói ở đây: Thánh Thần thúc đẩy; bốn mươi ngày trong hoang địa, chịu Xa-tan cám dỗ; Đức Giê-su chiến thắng thế lực sự Dữ. Trong phần thứ nhất này, thiết tưởng phải phân biệt hai khía cạnh: rút vào hoang địa và chịu Sa-tan thử thách.
A. Rút vào hoang địa (1: 12)
Ngay sau khi chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả và trước khi bắt đầu sứ vụ của mình, Đức Giê-su rút vào hoang địa để chuẩn bị sứ vụ của mình trong chiêm niệm, cầu nguyện và chay tịnh. Trước khi khởi sự cuộc đời của một nhà giảng thuyết lưu động, khiêm hạ và hoàn toàn tuân phục mọi hướng dẫn của Chúa Cha, Đức Giê-su sống trong sự mật thiết với Cha Ngài và trang bị cho mình sức mạnh Thánh Thần.
Về phương diện nhân loại, Đức Giê-su chắc hẳn đã kinh qua nỗi sợ hãi và xao xuyến, bởi lẽ Ngài đã gánh lấy thân phận yếu hèn của chúng ta. Ngài đặt mình vào trong sự liên đới với những âu lo của chúng ta. Ngài tăng cường lời cầu nguyện của mình bằng chay tịnh như cách thức huấn luyện mình để “làm chủ bản thân mình”, đồng thời như một hành vi “phụ thuộc vào Thiên Chúa”.
Trong cuộc đời của mình, vào những giây phút mang tính quyết định, Đức Giê-su nhiều lần rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện. Ngài đã cầu nguyện thâu đêm trước khi chọn các Tông Đồ của mình (Lc 6: 12). Ngài đã cầu nguyện lâu giờ trước khi hỏi các môn đệ Ngài là ai và đón nhận lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô (Lc 9: 18). Ngài cũng đã thức suốt đêm cầu nguyện (Ga 6: 15) trước khi công bố rằng bánh mà Ngài ban chính là Mình Ngài làm của ăn để nuôi sống chúng ta (Ga 6: 51).
B. Chịu Xa-tan thử thách (1: 13)
Tại sao Đức Giê-su phải chịu Xa-tan thử thách? Xin được đưa ra ba lý do để soi sáng vấn đề này.
a. Chấp nhận thân phận con người
Việc Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ theo tiến trình hợp lý về ơn gọi của Ngài: Ngài đã đồng hóa mình với nhân loại tội lỗi bằng cách chấp nhận phép rửa sám hối bởi Gioan Tẩy Giả. Ngài đã đi cho đến tận cùng của sự đồng hóa này khi chấp nhận chịu những cơn cám dỗ như số phận của con cái A-đam và E-và. Qua kinh nghiệm của mình, Ngài chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào chiến thắng những chước cám dỗ. Và chính nhờ mẫu gương của Ngài, chúng ta, được ơn phù trợ của Thánh Thần như Ngài, có thể lập lại lời khẩn cầu mà Ngài đã dạy: “Lạy Cha… xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ…” (Mt 6: 13).
b. Kinh qua những cơn cám dỗ của Dân Chúa
Nếu Đức Giê-su là một A-đam mới, một A-đam khải hoàn, thì Ngài cũng là một Mô-sê mới. Đức Giê-su đã muốn đồng hóa mình với dân Ngài bằng cách sống lại những cơn cám dỗ của họ trong hoang địa. Ngài đã trải qua cuộc lưu đày ở Ai-cập khi vừa mới chào đời. Ngài cũng đã kinh qua những chước cám dỗ trong hoang địa. Bốn mươi ngày chay tịnh và cầu nguyện của Ngài nhắc nhớ không chỉ bốn mươi ngày chay tịnh và cầu nguyện của ông Mô-sê trên núi Xi-nai, trước khi đón nhận những lời Giao Ước, nhưng cũng bốn mươi năm truân chuyên mà dân Do thái đã trải qua trong hoang địa.
c. Khúc dạo đầu cho cuộc chiến thắng tối hậu
Cuộc đời của Đức Giê-su đầy những dấu chỉ. Cuộc thử thách trong hoang địa là một trong những dấu chỉ lớn lao. Đây là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến vĩ đại chống lại quyền lực sự Dữ. Về phía mình, Xa-tan đã tiên cảm rằng Đức Giê-su là một đối thủ đáng gờm; vì thế nó sẽ tăng gấp bội nổ lực của mình, sẽ gây ra những phản bội và bỏ rơi, và bên ngoài có vẽ chiến thắng vào ngày thứ sáu Thương Khó của Ngài. Nhưng cuối cùng, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài đã chiến thắng trên mọi quyền lực của sự ác.
2. Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài (1: 14-15)
Phần thứ hai cũng gồm có hai khía cạnh: Khung cảnh (1: 14) và sứ điệp đầu tiên của Đức Giê-su (1: 15):
A- Khung cảnh (1: 14)
Sau khi nghe tin “ông Gioan bị nộp”, Đức Giê-su biết rằng sứ vụ của Ngài bắt đầu. Thông tin này cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài khi vị Tiền Hô chấm dứt sự vụ của thánh nhân. Như vậy, có một mối quan hệ mật thiết giữa sứ vụ của vị Tiền Hô và sứ vụ của Đấng mà vị Tiền Hô có sứ mạng dọn đường. Trong Tin Mừng Mác-cô, động từ “bị nộp” nêu bật cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giê-su. Động tự này xuất hiện ở đây cho thấy số phận của thánh Gioan báo trước số phận của Đức Giê-su.
– “Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê”: Đức Giê-su đã đến bờ sông Gio-đan để chịu phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả; sau đó, Ngài đi vào hoang địa Giu-đê để chịu những chước cám dỗ; giờ đây, Ngài trở về miền Ga-li-lê để khởi đầu sứ vụ của mình. Nói chung, miền Ga-li-lê thuận tiện cho sứ vụ của Đức Giê-su hơn miền Giu-đê. Miền Ga-li-lê là ngã tư quốc tế, là nơi giao thương giữa các dân tộc chung quanh, là nơi người Do thái không chỉ sống chung với lương dân nhưng còn là nơi giao tiếp với muôn dân, nên từ xưa miền này được ngôn sứ I-sai-a gọi là “miền đất ngoại bang” (Is 8: 23). Vì thế, khi coi miền Ga-li-lê là địa bàn hoạt động chính của Đức Giê-su, thánh Mác-cô muốn nhấn mạnh sứ điệp phổ quát của Đức Giê-su.
– “Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”: Diễn ngữ: “Tin Mừng của Thiên Chúa” muốn nói rằng Tin Mừng xuất phát từ Thiên Chúa. Đức Giê-su là hiện thân của Tin Mừng này. Vì thế, Tin Mừng xuất phát từ Thiên Chúa chính là Đức Giê-su Ki-tô; nói cách khác, Đức Giê-su Ki-tô chính là Tin Mừng của Thiên Chúa.
B- Sứ điệp đầu tiên của Đức Giê-su (1: 15):
Sứ điệp đầu tiên của Đức Giê-su được tóm kết ở đây: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
– “Thời kỳ đã mãn”: Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ: thời hiện tại và thời sẽ đến. Thời sẽ đến là thời điểm quyết định dứt khoát của Thiên Chúa, mọi sự đều tùy thuộc thời điểm này (x. Đn 7: 22; Ed 7: 12; 9: 1; Ac 4: 18; Kh 1: 3; 1Pr 1: 1). Với động từ: “đã mãn”, Chúa Giê-su loan báo thời hiện nay đến hồi chấm dứt và một thời đại mới, thời đại cuối cùng, thời cánh chung đã tới. Đó là thời Thiên Chúa ấn định để thực hiện và thành tựu các lời hứa và các sấm ngôn của Ngài.
– “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”: Kể từ ngày thoát khỏi cảnh lưu đày Ba-by-lon, dân Do thái đặt tất cả mọi hy vọng vào việc Thiên Chúa đích thân ngự đến và thiết lập Vương Quyền của Ngài trên mọi dân tộc (Mk 4: 7; So 3: 15b; Dcr 14: 9; vân vân). Ở đây, Đức Giê-su khẳng định rằng với sự hiện diện của Ngài, “Triều Đại Thiên Chúa” đã đến và đang có mặt ở đây. Như thế, Triều Đại Thiên Chúa đã đến rồi, đến trong con người của Đức Giê-su.
– “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”: Triều Đại Thiên Chúa đòi hỏi thay đổi đời sống, như thánh Gioan Tẩy Giả đã nói rõ ra: “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (1: 4). Trong lời rao giảng của mình, Đức Giê-su mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, nghĩa là “Hãy sám hối tức là tin vào Tin Mừng”. Lòng sám hối phải được bày tỏ ra qua việc tin vào Tin Mừng, mà tin vào Tin Mừng đồng nghĩa với việc tin vào Đức Giê-su, Đấng là hiện thân Tin Mừng của Thiên Chúa. Đó cũng là lời rao giảng đầu tiên của các Tông Đồ: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ được ân huệ là Chúa Thánh Thần” (Cv 2: 38). Đó cũng là lời rao giảng của thánh Phao-lô như ở Ê-phê-xô: “Tôi kêu nài những người Do thái và Hy-lạp trở lại với Thiên Chúa và tin vào Chúa Giê-su” (Cv 20: 21).
Lm. Inhaxio Hồ Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét