Trang

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Chú giải của Fiches Dominicales

 Chú giải của Fiches Dominicales

SAU KHI CHỊU THỬ THÁCH VÀ CHIẾN THẮNG, ĐỨC GIÊSU KHỞI ĐẦU SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO Ở GALILÊ

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1) Thần Khí đẩy Người vào hoang địa.

Mỗi năm cứ đến Chúa nhật thứ I Mùa Chay chúng ta lại đọc tường thuật về cuộc Cám dỗ của Đức Giêsu. Matthêu và Luca trình bày giai thoại này như một cuộc đọ sức mà hai bên dùng lời Cựu ước để tranh thắng bại, giữa Đức Giêsu và Tên Cám Dỗ. Còn về phần Máccô, ông đã khôn khéo tóm lược trong hai câu, vừa ngắn gọn lại vừa đầy đủ.

Đức Giêsu vừa đến xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa ở sông Giođan. Ở đó Người đã được thánh hiến để làm Đấng Mêsia Vua và làm người Tôi Tớ của Thiên Chúa. “Đây là Con Ta yêu dấu”, tiếng từ đám mây đã tuyên phán như vậy, “trong Người, Ta được hài lòng”. Là Môsê mới, Người đã băng qua nước thuộc về một cuộc xuất hành mới. Người được giao trọng trách tụ họp một dân mới để dẫn họ về đất hứa; Người đã nhận lãnh Thần Khí là quyền năng của Thiên Chúa để chu toàn trọng trách đã nhận.

Máccô viết tiếp: Chính Thánh Thần liền đẩy Người vào hoang địa.

+ “Liền”: Còn cách nào nhấn mạnh mối tương quan giữa phép rửa và cuộc thử thách hơn thế? Nào ta có thể cảnh báo những ai đã chịu thanh tẩy hoặc những dự tòng đang chuẩn bị để lãnh bí tích này một cách rõ ràng hơn, rằng họ đừng ngạc nhiên khi họ phải đương đầu với thử thách?

+ “Thần Khí đẩy Người vào hoang. địa”, nếu dịch nguyên văn thì phải viết: “ném người vào hoang địa”, giống như dân Israel thuở xưa, khi được lôi ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã bị ném ra ngoài, bị xua đuổi đi (Xh 6,1; 11,1; 12,33).

Tại sao lại vào “sa mạc”? – Thưa bởi vì theo truyền thống Kinh Thánh, hoang địa nơi thử thách cũng là nơi con tim Thiên Chúa và lòng tin con người được bộc lộ, nơi khởi đầu mọi sự; nơi thiết lập Giao ước.

J. Potin viết: “Đối với người Do Thái thì hoang địa là nơi thử thách ròng rã 40 năm dài. Dân Israel lâm vào một cuộc chiến không ngừng là chọn giữa Thiên Chúa thật, Đấng vừa cứu họ khỏi ách nô lệ và tự mạc khải ở núi Sinai, với bên kia là những tà thần, nào là của Ai Cập, nào là của những dân ở Canaan, những thần mà lúc nào họ cũng muốn chạy theo. Đức Giêsu không thoát khỏi cuộc thử thách này. Thử thách bắt buộc người, Vị được chọn của Thiên Chúa, phải lựa chọn một lần dứt khoát, cái lựa chọn sẽ dẫn Người đến con đường thảm kịch. Trong hoang địa, cái đói cái khát làm nổi lên trước mắt những vùng sáng chói ngời, đó có thể là những ảo ảnh, mà cũng có thể là dân Hứa. không ai có thể chọn trải qua cuộc chiến như thế, nếu không là kẻ tự phụ. Người ta bị Thần Khí đẩy vào, như Máccô đã viết, Thần Khí sức mạnh của Thiên Chúa từ nay được che giấu sâu kín trong ý chí và trong con tim” (“Jésus, l’histoire vraie”, Centurion, trang 114).

2) Đức Giêsu đối đầu và toàn thắng thử thách.

“Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ”, Máccô viết tiếp.

“Bốn mươi”: đối với người am hiểu Kinh Thánh đây là một con số mang nặng ý nghĩa: con số tượng trưng sửa soạn cho một cuộc khởi đầu mới. Nước Đại hồng thuỷ đã tràn ngập mặt đất suốt 40 ngày và 40 đêm, trước khi Thiên Chúa lập giao ước với ông Noe và dòng dõi. Trong 40 ngày và 40 đêm, ông Môsê chuẩn bị trên núi Sinai lãnh nhận Lề luật của Giao ước trước khi truyền lại cho dân. Trong suốt 40 năm, dân Israel được Thiên Chúa gỡ cho khỏi ách nô lệ Ai Cập đã dong duỗi hành trình trong hoang địa trước khi vào được Đất Hứa. Cũng trong 40 ngày và 40 đêm, ngôn sứ Êlia đã đi bộ về núi Horép, núi của Thiên Chúa, để ở đó lãnh nhận sứ mạng tái lập giao ước.

Ở đây thánh ký Máccô tỏ cho ta thấy rằng một khởi đầu mới đã khai mào. Đức Giêsu đã muốn làm lại cuộc hành trình do chính bản thân, cuộc hành trình thiêng liêng của dân Người; Người chiến thắng những cám dỗ mà xưa kia dân Israel đã bị thất bại trong hoang địa, với vai trò Môsê mới, Người đi đầu dẫn dắt dân mới về Đất Hứa.

– Trong Tin Mừng của ông, Máccô cũng không quên nhấn mạnh cám dỗ, mà Đức Giêsu phải liên lỉ đương đầu, là dùng quyền năng thần thiêng để áp đặt vương quốc Thiên Chúa. Ong tuy chỉ nhắc đến bằng một câu hết sức sơ sài; ông viết: “Người chịu Satan cám dỗ “.

Rồi bằng một câu ngắn, ông công bố cuộc khải hoàn của Đức Giêsu trên quyền lực của sự dữ:

– “Người sống giữa loài dã thú”. Đó là một cách tuyên bố rằng Đức Giêsu khánh thành thời đại cứu thế, mà ngôn sứ Isaia nói đến: “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng” (Is 11,6).

+ “Và có các thiên sứ hầu hạ Người”. Một kiểu nói của Máccô ám chỉ sự trợ giúp thần thiêng dành cho người mà trong gian nan thử thách đã đặt hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chua. Ở trong Cựu ước – Matthêu và Luca trong tường thuật song hành đã trich dẫn rõ ràng Thánh vịnh 90: “Người truyền cho thiên sứ và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vập chân vào đá”.

J. Hervieux kết luận: Đấng Mêsia xuất hiện như một Con Người mới, sống hoà hợp tuyệt vời với trời cao cũng như đất thấp. Câu kết của đoạn Dẫn Nhập nay nói lên rất nhiều điều. nơi mà Israel đã tỏ ra bất trung với Thiên Chúa, thì Đức Giêsu, vị Chủ lại của dân mới, đã tỏ ra thái độ trung thành tuyệt hảo” (L’Evangile de Marc”, Centurion, trang 25).

3) Khai mạc sứ mạng của Người ở Galilê.

Thế giới mới mà Đức Giêsu vừa khai mở do toàn thắng Satan trong cuộc thử thách nơi hoang địa, bây giờ Người công bố bằng lời nói và bằng hành động.

Máccô nêu rõ, Đức Giêsu bắt đầu sứ mạng của người. “Sau khi ông Gioan bị nộp” để nói lên sự liên tục của sứ mạng Người với sứ mạng của Gioan.

“Người đến miền Galilê”, là quận của dân ngoại, là miền đất cư ngụ người Do Thái pha trộn người dân ngoại, là tỉnh bị Giêrusalem coi khinh.

Người công bố khai mạc thời đại mà những loan báo của các tiên tri được thực hiện. Giờ đây Thiên Chúa bắt đầu hoạt động ra tay, Vương quốc của Người đã đến gần: “Thời kỳ đã mãn và Triều đã Thiên Chúa đã đến gần”? Người ta cần phải thống hối ngay để đón nhận biến cố hồng phúc này trong đức tin: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

BÀI ĐỌC THÊM.

Một cuộc lật ngược ngoạn mục, chỉ bằng 1 câu văn.

(H.Vulliez, trong cuốn ~dieu si proche, Năm B” Brouwer, trang 34).

Thánh ký Máccô chỉ dùng một câu văn mà trình bày được một cuộc lật ngược ngoạn mục: một Đức Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa, trở thành một Đức Giêsu sáng ngời trong một vũ trụ hoà hợp và xinh đẹp. Đó là tạo thành mà Thiên Chúa yêu quý. Một Đức Giêsu toàn thắng sự dữ, trong một thế giới được hoà giải với chính mình và với Thiên Chúa. Ở đó ta tìm thấy toàn bộ Kinh Thánh, toàn bộ lịch sử nhân loại, chỉ trong vài hàng chữ đầy kỷ niệm, ta thấy nổi lên nguồn hy vọng vượt khỏi tầm mức con người.

Đức Giêsu ở trong hoang địa 40 ngày chịu sa tan cám dỗ. Thế rồi, báo trước buổi bình minh vượt qua, Người sống an hoà với mãnh thú, và các thiên sứ từ trời xuống hầu hạ Người. Hoang địa, một vùng đất mênh mông đầy thế lực thù nghịch. Cuộc sống luôn bị thần chết đe doạ. Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người đến để lật ngược tình thế: là trả lại cho Thiên Chúa và cho vũ trụ đã ra méo mó, dung mạo của Thiên Chúa. Thần Khí bay lượn trên miền đất khô ráo và kìa Đấng Hằng Sống chỗi dậy trong một khu vườn xanh tươi và nở đầy bông. Bức phù điêu khắc hình Ađam đã lật sang mặt kia có hình Đức Kitô. Địa đàng đã không bị mất phía sau mình. Mà nó đang ở phía trước, người ta phải tìm kiếm thì mới tìm thấy, nhờ cộng tác với Đức Giêsu và nhận Thần Khí.

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, 40 ngày sa mạc để được quyến rũ và lôi kéo bởi niềm hy vọng mãnh liệt, hy vọng rằng mọi vật trong vũ trụ sống hoà hợp trong Đức Kitô, tuy chưa hoàn tất; nhưng đang hoạt động rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét