Trang

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Chú giải CN 3 MC B của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

 Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

TẨY UẾ ĐỀN THỜ

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Lễ vượt qua của người Do thái gần đến”. Thời gian xảy ra dấu chỉ đây tự nhiên làm ta nghĩ tới lễ Vượt qua trong đó Chúa Giêsu sẽ bị lên án tử hình; tương quan giữa việc tẩy uế Đền thờ và cuộc Tử nạn của Chúa Kitô như thế là đã được ám chỉ. Mc 11,18 và Lc 19,47 ghi chú rằng việc can thiệp này của Chúa Giêsu nhằm lên án giới lãnh đạo Do Thái giáo, sẽ thúc đẩy các tư tế và ký lục “tìm cách hại Người”.

“Người gặp thấy trong Đền thờ”: Đền thờ gợi lên tất cả hệ thống phụng tự cổ xưa vốn tập trung hoàn toàn tại đó. Cũng tại đó, các lái buôn bán súc vật để làm lễ hy tế riêng và những người đổi tiền đổi cho bạn tiền Do thái (tiền cũ của vùng Tyrô) là thứ tiền duy nhất được chấp nhận để trả thuế Đền thờ.

“Một cái chợ”: thành ngữ này cảm hứng từ Dcr 14,21, trong khi Tin mừng Nhất Lãm, vì muốn đối chọi hoàn cảnh hiện tại (‘một hang trộm cướp’) với lý tưởng Thiên Chúa muốn (‘một nhà cầu nguyện’), nên dã trích dẫn Gr 7,11 và Is 56,7.

“Môn đồ nhớ lại”: Các môn đồ chỉ hiểu được câu chuyện này sau khi Chúa Giêsu sống lại, lúc Thần khí đã cho họ ơn thông hiểu các dấu chỉ Thầy đã làm.

“Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa sẽ nghiến cả mình tôi”: Thánh vịnh 69 trình bày người Công chính trị thiêu đốt bởi lòng nhiệt thành đối với sự thánh thiện của nhà Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành này khiến ông phải bị bách hại. Ga 15,25 và 19,29 cũng sẽ còn trích dẫn thánh vịnh 69, luôn luôn trong tương quan với cuộc Khổ nạn chia Chúa Kitô. Thành thử ý nghĩa của câu trích dẫn này trong văn mạch hiện tại là như sau: cũng như người Công chính đau khổ đã phải trả giá cho lòng nhiệt thành đối với Đền thờ thì Chúa Kitô, khi tẩy uế Đền thờ cũng gây nên đau khổ và cái chết cho bản thân.

Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ và phụng tự cũ hầu xây dựng một Đền thờ mới cùng thiết lập một phụng tự mới (cc.19-20); việc đi từ cũ sang mới này sẽ được thực hiện nhờ cái chết của Người.

“Người Do thái”: Trong thực tế, đây là các chức sắc trong Đền thờ (tư tế, Lêvi và vệ binh) có trách nhiệm về những chuyện Chúa Giêsu kết án. Tuy nhiên, như hết mọi nơi trong Tin Mừng của ông, Gioan không phân biệt giới lãnh đạo với toàn thể dân Do thái đã từ chối tin vào Chúa Kitô. Thành thử đây là vấn đề hệ thống phụng tự của toàn dân Do thái.

“Dấu nào ông tỏ ra được cho chúng tôi?”: Qua câu này, người Do thái muốn nói tới một hành động phi thường vốn sẽ biểu lộ dấu ấn Thiên Chúa trên sứ mệnh Chúa Giêsu. Mt 12,38; 16,1; Mc 8,11 và Lc 11,16 cũng ghi lại một lời yêu cầu tương tự của Biệt phái. Dcr 1,22 bảo người Do thái hay đòi hỏi như vậy.

“Hãy phá hủy Đền thờ này đi”: Vì không tin, người Do thái sẽ trở thành dụng cụ gây nên dấu chỉ họ đòi hỏi. Về sau câu nói này của Chúa Giêsu sẽ bị nhắc lại bởi các chứng nhân trong vụ án xử Người (Mt 26,61; Mc 14,58) và bởi khách bộ hành lăng nhục Người dưới chân thập giá (Mt 27,40; Mc 15,29) Dấu chỉ Chúa Giêsu loan báo đây tương ứng với câu Người trả lời cho Biệt phái trong Mt 12,29t và 16,4: “Con Người, Người đã nói về Đền thờ thân thể Người”: Đền thờ mới thay thế Đền thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Chúa Kitô.Tín hữu thành Ephêsô, độc giả trực tiếp của Gioan, rất quen thuộc với một sự đồng hóa như vậy vì Dcr 3,16 và 12,27 (được viết tại Ephêsô) cũng như Ep 2,21 và 4,12 đều nói Kitô hữu vừa là Đền thờ của Thiên Chúa, vừa là thân thể Chúa Kitô, với lối giải thích này của Phaolô, Đền thờ mới chính là Giáo hội, Thân thể vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh mà mọi tín hữu đều kết hợp vào.

“Vậy khi Người phục sinh từ cõi chết, môn đồ người nhớ lại… họ đã tin”: Maccô thường ghi nhận là các môn đồ không hiểu gì hết. Gioan thì nói cách tích cực là họ hiểu rõ sau ngày Chúa Kitô phục sinh (12,16). Bởi vì chỉ sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh, họ mới nhận lãnh Thần khí (7,39), Đấng sẽ soi sáng cho họ hiểu các dấu chỉ Chúa Giêsu đã làm (14,26; 15,26tt). Thành thử ở đây đức tin của các môn đồ được liên kết với sự Phục Sinh không như với một bằng chứng về sự xác thực của những gì Chúa Giêsu đã bảo, song như với nguyên nhân ban ơn Thần khí, Đấng duy nhất giúp cho họ hiểu.

“Họ đã tin vào Kinh thánh”: Ta không rõ Gioan muốn ám chỉ đoạn nào trong Cựu Ước. Có thể so sánh với Cv 2,24t; 13,34tt, nơi có những bản văn thường được Giáo hội sơ khai trích dẫn đối chiếu với sự Phục sinh của Chúa Giêsu (đặc biệt là Tv 16,10). Xin lưu ý là Kinh Thánh (lời Thiên Chúa) và Lời Chúa Giêsu đều được đặt trên cùng bình diện (so sánh Ga 18,9.32) và đều là đối tượng niềm tin của các môn đồ.

Các câu 23-25 là những câu chuyển mạch nhằm chuẩn bị cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô; chúng giải thích việc Nicôđêmô đến (3,2), niềm tin bất toàn của ông và những lời Chúa Giêsu khiển trách ông (3,11t). Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô như thế được đặt trong một khung cảnh cụ thể. Thói quen của Gioan là vậy: để ra một vài câu để đặt các trình thuật biểu tượng và thần học của ông trong một khung cảnh lịch sử: so sánh 4,43-45; 7,1-13; 10,19-21.40-42; 11,55-57; 12,17-19.41-43.

“Lắm kẻ tin vào Danh Người”: Nhiều kẻ tin rằng Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa (3,2), nhưng không tin vào tất cả mầu nhiệm con người của Người. Niềm tin của họ chỉ dựa trên phép lạ mà thôi: nó không phải là vô giá trị, nhưng bất toàn (4,48; 20,29).

KẾT LUẬN

Sau bức màn bị xé toang của Đền thờ và qua thân thể bầm dập tắt thở của Chúa Giêsu Thiên Chúa đã xuất hiện trong một thân xác người đích thực, phủ đầy vinh quang thần linh. Giấc mơ của Cựu ước Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, giờ đây được thực hiện trong Chúa Giêsu Phục Sinh mãi mãi.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Vì yêu Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chắp dây thừng làm roi đánh đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền thờ, nơi mà 20 năm về trước, Người đã vào như vào nhà thân phụ khi làm cử chỉ đầu tiên của một người Israel khôn lớn. Người đã dùng võ lực bênh vực quyền lợi của Cha, vì bị nung nấu bởi lòng nhiệt thành đối với nhà Cha, vì muốn nhà Cha được sử dụng cách xứng đáng, vì bị thúc đẩy bởi một cơn thịnh nộ. Thành thử, dù là Đấng “hiền lành và lòng đầy khiêm nhượng”, bạn bè của các trẻ nhỏ và tội nhân, Chúa Giêsu cũng là người biết nổi giận và phẫn uất. Người chẳng phải là một thượng thánh im lìm song là một con người bằng xương bằng thịt, biết phản ứng và tỏ ra kinh khủng khi phải bênh vực vinh quang Cha Người.

2) Chúa Giêsu cũng muốn dùng phương pháp trên để giải phóng tâm hồn nhân loại, biến nó thành Đền thờ đích thực của Thiên Chúa hằng sống. Người biết rõ mọi cái có nơi con người ta hơn cả những nhà tâm phân học; biết những uẩn khúc của ý thức, tiềm thức, vô thức của chúng ta, biết các con vật đang thu mình và gầm gừ trong đó. Người hết sức muốn giải phóng ra khỏi cảnh nô lệ này, khỏi sự tục hóa này cái con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, cái con người đã được mời gọi sống sự sống thần linh. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài hầu những ai tin vào Người sẽ được sống vĩnh cửu” (Ga 3,16).

3) Trong dịp lễ Vượt qua đầu tiên của đời sống công khai này, Chúa Giêsu tỏ mình như một nhà giải phóng khác với Môsê: Người thiết lập một ngày sabbat mới và một lễ Vượt Qua mới. Vì danh Cha, Người muốn có một phụng tự khác trong Thần Khí và sự thật, trong tình yêu và tự do, một phụng tự tôn thờ đích thực trong đó giới răn thứ nhất được thi hành một cách tuyệt hảo: “Ngươi hãy thờ lạy một mình Thiên Chúa và mến yêu Ngài trên hết mọi sự “.

4) “Hãy phá hủy Đền thờ này đi, và nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nghĩa là thân xác Chúa Giêsu sẽ bị đánh dập nhừ tử, sẽ bị giết chết nhưng rồi sẽ phục sinh. Trong thực tế, vào ngày thứ sáu Tuần thánh, hai nhân chứng sẽ đến lặp lại những lời này: Tên này đã nói: Ta có thể triệt hạ Đền thờ Thiên Chúa và trong ba ngày sẽ xây cất lại (Mt 26,61). Tại đồi Canvê, dân chúng sẽ lắc đầu nhạo báng Người mà rằng: “Mày định triệt hạ Đền thờ và trong ba ngày sẽ xây lại, hãy tự cứu mình đi” (Mt 27,41). Nhưng rồi cuộc Phục sinh đã khôi phục cái Đền thờ, trong đó, Chúa Giêsu đã dâng hy tế hoàn hảo, đã dâng của lễ giải phóng nhân loại. Trên thập giá, Người đã vừa dâng lễ vừa tự hiến, là tư tế và hy lễ cùng một lúc; thành thử đối với chúng ta, Đền thờ mến yêu và thờ lạy chính là thân thể Chúa Kitô, trái tim Chúa Kitô. Trong thân thể của Người, chúng ta có thể kết hợp với Chúa Kitô tư tế và hy lễ. Trong thân thể phục sinh của Người là tạo vật được giải phóng tuyệt hảo nhất, thuần tính (nguồn tự do toàn vẹn) đã chiến thắng trong thân thể phục sinh của người, Giao ước mới đã được ký kết và củng cố mãi mãi.

5) Người Kitô hữu là Đền thờ Thiên Chúa. Phạm tội là biến Đền thờ Thiên Chúa là hang trộm cắp, và như thế xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi lòng mình. Mùa chay là lúc trùng tu, kiến thiết đền thờ tâm hồn chúng ta để xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét