Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

TỪ NGỮ KINH THÁNH : JOB

 

“Bấy giờ ông Job lên tiếng nói.” (G 7,1)

Job (tiếng Do thái íyyôt) là người hùng của cuốn sách mang tên ông. Lời mở đầu sách nói ông là một vĩ nhân, ở đất Út (G 7,1) thuộc lãnh thổ xứ Êđom (St 26,28 Ac 4,11). Ông hẳn đã là một thủ lãnh dân du mục nên mới có tài sản kếch sù (G 1,3. x. St 26,14) Ông cũng là một người đông con (G1,2), dấu hiệu của người công chính (Tv 127, 3-5 128, 3). Lời mở đầu sách Job quả quyết điều đó (G 2,1) và sau này, người ta nhắc đến ông như một vị anh hùng (Ed 14, 16-20) hay như một mẫu gương của sự công chính (Hc 49,9 và Ed 14, 14-26) nhất là về tính nhẫn nại trước nghịch cảnh (Gc 5,11)

Ông Job như vậy là một người con của “các con cái Đông phương” không phải là con cái Israel nên sách Thánh không ghi lại gia phả của ông. Đưa ông ra như người hùng của tác phẩm, tác giả hẳn đã muốn cho những ý tưởng riêng của mình có chiều kích phổ quát.

Cuốn sách mang tên Job được viết dưới hai thể văn : văn xuôi (G 1,1-2,13 42,7-17) và văn vần (3,1-42,6). Phần văn xuôi có thể là một câu truyện bình dân tác giả dùng làm phần đầu và phần kết, để chèn vào giữa những vần thơ đối đáp của ba người bạn Eliphaz, Baldad và Sophar với Job (3,1- 321,40). Cuộc đối thoại còn được mở rộng với một nhân vật nữa là Êliu (32-37). Ngoài ra tác phẩm còn có những bài thơ ca tụng đức khôn ngoan (28) những lời phán dạy của Thiên Chúa (38, 1-41,26) và câu trả lời cuối cùng của Job (42,1-6).

Xét nội dung tác phẩm, tác giả không thể là một người. Ông Job được mô tả là một thủ lãnh dân du mục, nhưng tác giả sáng tác lời thoại của ông, phải là người Giuđa biết rõ sách Thánh, phong tục và bối cảnh xứ Palestina ... Thời gian biên soạn có lẽ nằm vào khoảng giữa thế kỷ 6 và 4 trước công nguyên.

Thời sách Job xuất hiện, quan niệm thưởng phạt cá nhân ở đời sau chưa được rõ rệt đối với dân Israel. Người ta vẫn quan niệm “ở hiền gặp lành” và sách Thánh nói nhiều đến việc thưởng phạt (Xh 23,20 Lv 26 Đnl 28 Tv1,37.49.73 Is 58,6-14 Gr 7,5-7.12,14-17. 17,5-8 Ed 18). Nhưng qua Job, tác giả đưa ra vấn nạn : tại sao người công chính lại phải khổ ? Các bạn ông cho rằng Thiên Chúa công minh còn ông là kẻ tội lỗi nên bị phạt. Job kịch liệt chống lại. Êliu cho rằng Thiên Chúa muốn chữa tính kiêu căng (33, 15-24). Job dù vẫn tin nhận quyền năng Chúa (9,5-13. 12,7-12. 12,13-25. 23,13-17. 27,7-10) vẫn sắt son với Chúa (1,21. 2,10) nhưng như muốn chống lại án phạt của Chúa ... Cuối cùng ông thống hối (42,5-6) và kết quả rất có hậu : Thiên Chúa phục hồi tất cả cho ông. Sách Job chưa đi xa hơn được nữa. Phải đợi Đức Kitô, Người sẽ dạy rõ hơn mầu nhiệm của đau khổ, khi Người chấp nhận Thánh Giá vì tình yêu.

https://giaophanphucuong.org/tu-ngu-kinh-thanh/job-- l

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét