Trang

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Chúng ta có thật sự chọn được tôn giáo cho mình không?

 



Chúng ta có thật sự chọn được tôn giáo cho mình không?

fr.aleteia.org, Jeanne Larghero, 2024-02-02

Mọi thuộc về tôn giáo đều có chiều kích xã hội, nhưng việc thuộc về kitô giáo lại còn hơn cả một kinh nghiệm xã hội. Triết gia Jeanne Larghero khẳng định đức tin của người tín hữu kitô được sống trong kinh nghiệm gặp gỡ, một thúc đẩy của tình yêu giải phóng con người.

Bạn là người công giáo, lại là người công giáo xác tín, bạn nghĩ bạn đã chọn được tôn giáo cho bạn. Nhưng nếu bạn sinh ra ở Islamabad, cha mẹ bạn theo đạo hồi, liệu bạn có chọn được tôn giáo cho bạn không? Và nếu bạn theo anh giáo ở Westminster, theo phái calvin ở Wittenberg, bạn nghĩ bạn quyết định được sao? Chúng ta khó chấp nhận đây là nhờ các quyết định riêng của mình, dù nó có liên quan đến xác tín cá nhân. Nhưng chúng ta phải thừa nhận, những người thờ thần Baal hay thờ thần Horus, họ chỉ đơn giản thuận theo dòng sông, vì sao với tín hữu kitô lại khác? Đây là sự phản đối thường được đưa ra để chống lại những người làm chứng cho đức tin của họ. Bạn nghĩ gì về chuyện này?

Tôn giáo tĩnh hay năng động?

Đúng là tôn giáo nào cũng có chiều kích xã hội. Định nghĩa theo xã hội học về tôn giáo xem đây là tập hợp các nghi thức và giáo điều liên kết lại với nhau để mọi người có thể sống trong một cộng đồng. Như vậy, các cộng đồng kitô giáo sinh ra người tín hữu, cũng như ông vua sinh ra hoàng tử công chúa, như người nông dân sinh con là nông dân. Và chúng ta không thể chọn mình là con vua, con người nông dân hay con người trưởng giả.

Chúng ta hướng mắt về ai thì ngọn lửa người đó bốc lên. Nền giáo dục của chúng ta làm chúng ta hướng mắt về Chúa Kitô, và một ngày nào đó ngọn lửa sẽ chiếm lấy trái tim chúng ta.

Nhưng kinh nghiệm sâu xa của người tín hữu kitô lại thấy rất ít trong định nghĩa tôn giáo được chấp nhận rộng rãi này, một định nghĩa mà triết gia Henri Bergson gọi là tôn giáo tĩnh (trong Hai nguồn đạo đức và tôn giáo, Les Deux Sources de la morale et de la religion). Ngược lại kinh nghiệm sâu xa của người tín hữu kitô được Bergson mô tả lại là năng động, không phải là một bản sắc xã hội. Kinh nghiệm này là cuộc gặp với khuôn mặt của Thiên Chúa được nhận ra nơi Chúa Kitô. Chúng ta không phải là tín hữu của một tôn giáo mà chúng ta kế thừa một cách vô thức, hoặc ngay cả khi chúng ta chọn trong số các tôn giáo khác, vì xét về mọi mặt, chúng ta sống tốt ở môi trường này và suy nghĩ một cách thông minh về nó. Hơn nữa, nếu phải chọn tôn giáo của mình trong số tất cả các tôn giáo khác trong siêu thị tôn giáo lớn lao trên đời này thì điều này là không thể: ai có thể nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo và làm một so sánh các tôn giáo trước khi quyết định? Một đời cũng không đủ!

Kinh nghiệm của một cuộc gặp

Kinh nghiệm kitô giáo sâu đậm hơn là kinh nghiệm đức tin, “trước hết và trên hết là sự gắn bó cá nhân của con người với Thiên Chúa” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 150). Đó là lý do vì sao chúng ta không tuyên xưng đức tin: “Tôi tin vào đạo công giáo và tất cả các điều răn của tôn giáo này”, nhưng chúng ta tuyên xưng “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi”. Đó thực sự là một cuộc gặp, một thúc đẩy được tạo nên bởi tình yêu, bởi một khát khao sâu đậm và tự do – hãy gọi đó là ý chí. Và như cú sét ái tình, có một phần được chọn và một phần không được chọn. Chúng ta hướng mắt về phía ai đó và ngọn lửa bốc lên. Giáo dục của chúng ta đưa chúng ta hướng mắt về Chúa Kitô, và một ngày nào đó ngọn lửa sẽ chiếm lấy trái tim chúng ta. Hay không chiếm lấy, Hay chưa. Nhưng một ngày nào đó, từ đáy lòng chúng ta nói: “Vì tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm, 1, 12).

Đây là một nghịch lý: vấn đề lựa chọn không phải là vấn đề người tín hữu kitô thường có. Những gì họ sống là kinh nghiệm của tự do. Chúng ta không sống với Chúa Giêsu vì chúng ta chọn Ngài trong một danh mục. Chúng ta sống cuộc sống chúng ta với Ngài cho đến ngày chúng ta không còn muốn sống thiếu Ngài. Với Ngài và tự do như không khí.

Marta An Nguyễn dịch

https://phanxico.vn/2024/02/05/chung-ta-co-that-su-chon-duoc-ton-giao-cho-minh-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét