Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Chúa nhật 5 TN B – Phép lạ chữa lành của Đức Giê-su

 

Chúa nhật 5 Thường niên năm B – Phép lạ chữa lành của Đức Giê-su

 
  •  
  •  


CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN NĂM B

BÀI 52: PHÉP LẠ CHỮA LÀNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

WGPSG (02.02.2024) – Tin Mừng Chúa nhật V Thường niên năm B kể lại việc Đức Giê-su chữa lành nhạc mẫu ông Phê-rô đang lên cơn sốt nặng và Người cũng “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” (Mc 1.34).


Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Kinh Thánh cũng như người Ít-ra-en nói gì về bệnh tật, và Đức Giê-su đối với bệnh tật như thế nào.

1. Kinh Thánh nói gì về bệnh tật ?

Trong bể khổ trần gian, bệnh tật là một thực tại luôn có và gai góc đối với con người mọi thời đại và cũng là điều mà con người hằng mong được giải thoát.

Trong Cựu Ước, dân Ít-ra-en cảm nghiệm rằng bệnh tật có mối liên hệ huyền nhiệm nào đó với tội lỗi và sự dữ. Thiên Chúa thường trừng phạt sự bất trung của dân bằng bệnh tật, ví dụ như vua Giơ-hô-ram của Giu-đa bị Chúa giáng phạt qua lời ngôn sứ Ê-li-a rằng : “Ngươi sẽ mắc đủ thứ bệnh, sẽ đau ruột ngày này qua ngày khác, đau đến sổ ruột ra” (2 Sb 21,15), hay lời than thở của tác giả sách Ai ca “Người bỏ tôi hiu quạnh, suốt cả ngày bệnh hoạn ốm đau” (Ac 1,13).

Khi lâm cơn bệnh tật, bệnh nhân thường xin Chúa chữa lành, nhìn nhận mình tội lỗi và đáng bị giáng phạt như lời thánh vịnh : “Chính vì Chúa giận, mà da thịt con không chỗ nào lành ; vì tội lỗi của con, mà xương con chẳng nơi đâu nguyên vẹn” (Tv 38,4), “Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con, quả thật con đắc tội với Ngài” (Tv 41,5).

Nếu đúng là bệnh tật khổ đau có thể liên quan cách nào đó đến hình phạt vì tội lỗi, thì trái lại, xem mọi khổ đau bệnh tật là hậu quả của một lỗi lầm và luôn mang tính trừng phạt, thì đó là điều sai lầm, vì bệnh tật cũng đến với cả những người công chính, khiến họ có khi chất vấn cả Thiên Chúa để tìm lời giải đáp.

Điển hình là trường hợp ông Gióp. Tác giả sách Gióp cho thấy chính Xa-tan ganh ghét mà ông Gióp phải khốn khổ : “Xa-tan hành hạ ông Gióp, khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu” (G 2,7). Nếu Chúa đồng ý thử thách ông Gióp bằng đau khổ, là để chứng minh sự công chính của ông, thì đau khổ mang ý nghĩa thử thách.

Yếu đau bệnh tật luôn là điều tiêu cực, dẫu cho theo nghĩa tích cực, nó như để minh chứng lòng trung thành của người công chính, hay để phục hồi sự công chính đã mất vì tội lỗi, hoặc để hối thúc tội nhân hối cải. Vì thế, điều hướng tới là sự lành mạnh của con người toàn diện như câu ngạn ngữ la-tinh xưa “mens sana in corpore sano” (một tinh thần lành mạnh trong một thân thể khoẻ mạnh”. Ngôn sứ I-sai-a đã loan báo một thời đại mà không còn bệnh tật khổ đau : “Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”, “sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu, và người già tuổi thọ không tròn” (Is 35,5-6; 65,20).

2. Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh tật

Ngay từ đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã liên tục đối diện với bệnh tật khổ đau và “Người chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23).

Các sách Tin Mừng ghi nhận hơn 40 phép lạ do Đức Giê-su thực hiện, trong đó các phép là chữa lành chiếm phần đa số. Không kể việc phục sinh kẻ chết và trừ quỷ, Tin Mừng ghi nhận Đức Giê-su đã thực hiện hơn 20 các phép lạ chữa bệnh.

Các phép lạ chữa lành của Đức Giê-su là dấu chỉ sứ mạng cứu độ của Người (x. Lc 7,20-23), chứng tỏ quyền uy chiến thắng của Thiên Chúa trên mọi sự dữ và trở thành biểu tượng cho việc cứu chữa con người toàn diện cả hồn lẫn xác.

Những lần Đức Giê-su tha tội khi chữa lành người bệnh, chẳng hạn như khi Người nói với anh bại liệt : “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5), là dấu chứng quyền năng chữa lành thiêng liêng của Đức Giê-su cùng với việc chữa lành thể lý trong ý nghĩa hồi phục một con người toàn diện. Điều này không có ý nói bệnh tật luôn luôn đi cùng tội lỗi hay luôn là hậu quả của tội. Đức Giê-su có lần đã nói với một phụ nữ tội lỗi rằng : “Tội của chị được tha rồi” mà không kèm theo việc chữa lành thể lý, vì chị là người mạnh khoẻ (x. Lc 7,36-49).

Quyền năng cứu độ của Đức Ki-tô trên bệnh tật và khổ đau không chỉ liên quan đến các phép lạ chữa lành, nhưng còn làm cho chúng ta dự phần vào cuộc khổ nạn tự nguyện và vô tội của Đức Ki-tô. Thật thế, Chính Đức Ki-tô, vốn vô tội, đã chịu mọi thương đau trong cuộc khổ nạn, mang lấy mọi nỗi khốn cùng của nhân loại như lời ngôn sứ I-sai-a nói về Người tôi tớ đau khổ của Đức Chúa : “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4).

Khi thực hiện ơn cứu chuộc bằng khổ đau, Đức Ki-tô đã nâng khổ đau của con người lên đến mức ban cho khổ đau ấy giá trị cứu độ. Trong khổ đau, mọi người có thể tham dự vào những khổ đau cứu chuộc của Đức Ki-tô.

Nhiều người tìm cách giải thích bệnh tật khổ đau theo lối suy luận “post hoc ergo propter hoc” (chuyện xảy ra sau là do chuyện trước mà có), theo đó, khổ đau là hậu quả của tội lỗi trước đó hay là sự trừng phạt giáng xuống người tội lỗi. 

Đức Giê-su phủ nhận mối tương quan nhân quả máy móc vừa nói giữa tội lỗi và bệnh tật (x. Ga 9,2-3). Người đến để gánh lấy bệnh tật của con người và chữa lành họ cả xác lẫn hồn (x. GLHTCG 1503).

Thật khó để xác định liệu một căn bệnh có lý do siêu nhiên hay luân lý nào không, điều quan trọng là xác tín vào Thiên Chúa như lời thánh Phao-lô đã nói : “Chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng : “Khi giải thoát một số người khỏi những đau khổ đời này như đói khát (Ga 6,5-15), bất công (Lc 19,8), bệnh tật và cái chết (Mt 11,5), Đức Giêsu chứng tỏ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để tiêu diệt mọi khổ đau ở trần gian này (Lc 12,13-14 ; Ga 18,36), nhưng để giải thoát con người khỏi kiếp nô lệ lầm than nhất, đó là nô lệ tội lỗi (Ga 8,34-36). Thứ nô lệ này ngăn cản họ làm con Thiên Chúa, cũng như gây ra mọi hình thức nô lệ hóa con người” (GLHTCG, 549).

Cầu nguyện

Hiệp thông với nỗi đau của các bệnh nhân, chúng ta cùng cầu nguyện với tác giả thánh vịnh 41 :

Phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ :
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn.
Người chăm nom khi liệt giường liệt chiếu,
lúc bệnh hoạn, Người chữa cho lành.
Con đã thưa cùng Chúa :
Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con,
quả thật con đắc tội với Ngài.
Lũ địch thù buông câu nguyền rủa
bao giờ nó mới chết, cho tên tuổi xoá nhoà ?
Kẻ đến thăm, miệng nói lời giả dối,
nhưng chủ ý thâu tin độc địa,
vừa ra khỏi nhà, đã vội rêu rao.
Mọi kẻ ghét con đều bàn tán thì thào,
tưởng tượng con mắc bệnh gì ghê gớm :
“Chứng nan y thâm nhập nó rồi,
đã liệt giường là không dậy nổi đâu !”
Cả người bạn thân con hằng tin cậy,
đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con !
Nhưng phần Ngài, lạy Chúa,
xin thương xót và nâng con trỗi dậy…
Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en,
từ muôn thuở cho đến muôn đời.
A-men. A-men.

(Tv 41,2-11.14)

Nguồn: tgpsaigon.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét