Chú giải của Lm Vũ Phan Long
ĐỨC GIÊSU TẨY UẾ ĐỀN THỜ
1.- Ngữ cảnh
Lần đầu tiên, tác giả Gioan có một bản văn song song với các Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 11,15-19; Mt 21,12-17; Lc 19,45-48). Tuy nhiên, có những khác biệt:
– Trong khi Tin Mừng IV đặt biến cố này vào đầu sứ vụ của Đức Giêsu, các Tin Mừng Nhất Lãm lại đặt ở đầu tuần Khổ Nạn.
– Lý do đã thúc đẩy Đức Giêsu can thiệp được gợi hứng bởi các bản văn ngôn sứ, cũng không giống nhau: “một nơi buôn bán” (Ga 2,16) thì nhắm đến chuyện mua qua bán lại, còn “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17 và //) thì hàm chứa một cáo giác về sự trộm cắp.
– Cuối cùng, cuộc cãi vã giữa Đức Giêsu và các đối thủ xảy ra ngay sau đó (theo Ga), hoặc lại vào ngày hôm sau (theo các Tin Mừng Nhất Lãm: Mc 11,28 và //).
Trong quá khứ, người ta thường đề nghị một giả thuyết, theo chiều hướng tương phù (concordism): Đức Giêsu đã đuổi những người buôn bán khỏi Đền Thờ 2 lần, vào đầu sứ vụ (Ga) và cuối sứ vụ (Tin Mừng Nhất Lãm). Nhưng dường như khó tin được rằng Đức Giêsu có thể lặp lại được một thách đố như thế đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo. Đàng khác, giữa bản văn của Ga và của các Tin Mừng Nhất Lãm có những nét tương đồng, khiến người ta phải nghĩ rằng hầu chắc các bản văn ấy đều đề cập tới một biến cố duy nhất: nơi cả hai bên, ta đều thấy cùng một cơ hội đã khiến Đức Giêsu làm cử chỉ ấy (sự hiện diện của những người buôn bán và đổi tiền trong Đền Thờ), có một lời Đức Giêsu trách mắng những người bán hàng, sự can thiệp của các thủ lãnh Do Thái, và nhất là dây liên hệ chặt chẽ giữa hành động này và cái chết của Đức Giêsu (Ga 2,17.19; Mc 11,18; Lc 19,47).
Vậy phải chọn giữa bài của Gioan và bài của Tin Mừng Nhất Lãm: bài nào đã đặt biến cố này vào đúng thời điểm?
1. Đa số các nhà chú giải Công Giáo và nhiều nhà chú giải Tin Lành ủng hộ bài của Gioan. Luận điểm chính nằm trong chi tiết về thời gian do 2,20 cung cấp: Công việc xây dựng Đền Thờ bắt đầu từ năm 20/19 tr CG (Fl. Josèphe, Ant XV, 380); vào lúc này là năm 28/27 CN: thời điểm này phù hợp với khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu hơn. Khi đó, người ta hiểu các Tin Mừng Nhất Lãm đã đặt biến cố này vào cuối sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì các Tin Mừng Nhất Lãm chỉ nói đến một chuyến đi lên Giêrusalem duy nhất và một lễ Vượt Qua duy nhất.
2. Những người nghiêng về các Tin Mừng Nhất Lãm thì ghi nhận trước tiên rằng dây liên kết giữa thách đố này của Đức Giêsu và cái chết của Người không mấy phù hợp với thời gian khởi đầu sứ vụ của Người. Tại cuộc xử án Đức Giêsu, lời của các nhân chứng nhắc lại câu tuyên bố của Người về việc phá Đền Thờ giả thiết là sự việc mới xảy ra, nên người ta còn nhớ rõ. Nhưng luận điểm mạnh nhất, là tác giả Gioan đã đưa bài tường thuật này ra đầu sứ vụ của Đức Giêsu, vì ông trung thành với quan điểm ông đã biểu lộ trong bài tường thuật Dấu lạ Cana (Ga 2,4.11): ông muốn quy hướng toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu ngay từ đầu về “giờ” Khổ Nạn của Người; hơn nữa, Gioan muốn rằng Do Thái giáo chính thức được chứng kiến Đức Giêsu biểu lộ tư cách Mêsia của Người ngay từ đầu, để những người Do Thái phải ở trong một tư thế bị phán xét.
Nói cho cùng, thật khó chọn bài nào, bởi vì cả hai luận đề đều có những lập luận vững chắc.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu tẩy uế Đền Thờ (2,13-17);
2) Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền Thờ (2,18-22);
3) Chuyển tiếp và dẫn nhập vào truyện Nicôđêmô (2,23-25).
3.- Vài điểm chú giải
– Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái (13): Thời gian của dấu lạ này dĩ nhiên gợi nhớ tới lễ Vượt Qua trong đó Đức Giêsu sẽ bị xử tử. Tương quan giữa việc tẩy uế Đền Thờ và cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu đã được ám chỉ. Mc 11,18 và Lc 19,47t sẽ ghi nhận rằng sự can thiệp của Đức Giêsu, vì kết án cả giới lãnh đạo Do Thái giáo, sẽ khiến các thượng tế và các kinh sư quyết định “giết Người”.
– trong Đền Thờ (en tôi hiêrôi, 14): Đây là tiền đường của Đền Thờ (đối lại với naos là Đền Thờ đúng nghĩa, gần gian Thánh và gian Cực Thánh).
– Các môn đệ của Người nhớ lại (17): Sau khi Đức Giêsu sống lại, khi Thánh Thần đã ban cho các ông hiểu các dấu chỉ Thầy đã làm, các môn đệ đã hiểu biến cố hôm nay:
– Người Do Thái (18): Trong thực tế, đây là giới lãnh đạo Đền Thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), những người chịu trách nhiệm về tình trạng vừa bị Đức Giêsu kết án. Như ở khắp nơi trong Tin Mừng, tác giả Gioan không phân biệt giữa các nhà lãnh đạo và dân Do Thái đã từ chối tin vào Đức Kitô. Vậy phải nói là toàn thể hệ thống phượng tự của dân này đang được đề cập đến.
– Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy) (19): Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy…”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy…”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy…”. Thật ra, các động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả.
– bốn mươi sáu năm (20): Đền Thờ, với phần cung thánh và tiền đường, đã được vua Hêrôđê rộng tay chi tiền sửa sang lại thật huy hoàng. Khởi công vào năm 16 triều đại ông (x. Fl. Josèphe, Ant. jud., 15, 11, 1) vào năm 734-735 thành Rôma, là năm 20-19 tCN, các công việc đã kéo dài cho tới thời Tổng đốc Anbinô, năm 62-64 (Ant. jud., 20, 9, 7). Vào thời điểm của bài tường thuật này, chúng ta ở vào năm xây dựng thứ 46. Lấy khởi điểm là năm 20 hoặc 19, sự cố tẩy uế Đền Thờ đã xảy ra vào lễ Vượt Qua năm 27 hoặc 28. Điều này phù hợp với Lc 3,2, vì bản văn này đã xác định phép rửa của Đức Giêsu xảy ra vào năm 15 triều đại Tibêriô, tức giữa ngày 1-10-27 và 30-9-28.
– … là chính thân thể Người (21): Đền Thờ mới sẽ thay thế Đền Thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Đức Kitô. Với lời giải thích của thánh Phaolô (x. 1 Cr 3,16 và 12,27; Ep 2,21 và 4,12), Đền Thờ mới là Giáo Hội, thân thể vinh hiển của Đức Kitô phục sinh, và tất cả các tín hữu được kết hợp với Người.
– Vậy, khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại… Họ tin (22): Tác giả Máccô cứ đều đặn ghi nhận rằng các môn đệ không hiểu. Gioan thì nói cách tích cực rằng các môn đệ hiểu sau khi Đức Kitô đã sống lại (12,16). Chỉ khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới được nhận Thánh Thần (7,39), và Thánh Thần mới cho các ông hiểu tất cả những dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện (14,26; 15,26t). Vậy, đức tin của các môn đệ không được liên kết với cuộc Phục Sinh như với một bằng cớ về tính xác thực của những gì Đức Giêsu đã nói, nhưng như với nguyên do (= nguồn) ban Thánh Thần, là Đấng duy nhất cho phép hiểu.
– Họ tin vào Kinh Thánh (22): Không thể xác định rõ tác giả Gioan ám chỉ tới đoạn Cựu Ước nào. Có thể so sánh Cv 2,24t; 13,34tt, trong đó có những bản văn thường được Giáo Hội tiên khởi nhắc đến trong quan hệ với sự Phục Sinh của Đức Giêsu (đặc biệt Tv 16/15,10). Chúng ta ghi nhận rằng Kinh Thánh (Lời Thiên Chúa) và lời Đức Giêsu được đặt trên cùng một bình diện (so sánh 18,9.32) để làm nên đối tượng đức tin của các môn đệ.
– nhiều kẻ tin (23): Nhiều người tin rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa (3,2), nhưng không tin vào tất cả mầu nhiệm bản thân Người. Lòng tin của họ chỉ dựa trên các phép lạ, nên không phải là không có giá trị, nhưng bất toàn (4,48; 20,29).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đức Giêsu cũng tham dự vào một đại lễ khác. Đây không phải là một lễ của một đôi vợ chồng được cử hành bởi gia đình và mọi người thân thuộc trong khung cảnh một thôn làng như Cana ở Galilê, nhưng là lễ Vượt Qua, lễ trọng nhất của Israel, khi đó toàn dân quy tụ lại Giêrusalem. Israel tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai Cập và tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã làm cho họ thành một dân độc lập và thành Dân Người.
* Đức Giêsu tẩy uế Đền Thờ (13-17)
Tại Đền Thờ, Đức Giêsu đã không góp phần cứu lấy và gia tăng niềm vui của ngày đại lễ, nhưng đã hòa vào cảnh sống náo nhiệt trên sân Đền Thờ. Con người đã rảo qua xứ sở cách an hòa (1,29.36) và đã ra tay cứu lễ mừng Cana cách hiệu quả, nay lại tỏ mình ra dưới một phương diện hoàn toàn khác. Là một người khách hành hương vô danh đến từ miền Galilê, Người đã gây ra một sự cố “động trời” tại Đền Thờ Giêrusalem. Theo TM IV, vào chuyến hành hương đầu tiên thuộc đời sống công khai của Người, Đức Giêsu đã bắt đầu hoạt động tại Giêrusalem như thế đó, bắt đầu từ sân dành cho Lương dân, phần ít cao quí nhất của tiền đường, phần duy nhất mà người ngoại quốc được đặt chân đến.
Truyền thống vẫn yêu cầu người ta tỏ ra trang nghiêm kính cẩn tại vùng sân này, chẳng hạn, phải tránh đi qua đó chỉ để đi tắt. Nhưng các quy định này, đặc biệt vào dịp lễ Vượt Qua, không được tuân giữ: do khách hành hương phải chuẩn bị các của lễ đúng quy định (một con bò hoặc một con chiên cho trường hợp những người giàu, một con bồ câu cho trường hợp những người nghèo), và một nửa đồng bạc Do Thái (một siklos, hoặc shéqèl bằng 4 ngày công) đóng thuế Đền Thờ, họ đã mua bán đổi chác gây huyên náo hỗn độn ngay tại đây. Các cửa hàng của những người bán bò và chiên được bố trí dưới các cổng, bàn của những người đổi bạc được đặt ngay ngoài trời, đã biến vùng sân này thành một cửa hàng tạp hóa vĩ đại. Tất cả tùy thuộc cách người ta quan niệm việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Hẳn là dân chúng nghĩ rằng có thú vật và tiền lẻ ngay tầm tay và đặt mọi sự dưới quyền kiểm soát của giới hữu trách Đền Thờ là tiện nhất. Nhưng điều này lại không phù hợp với quan niệm của Đức Giêsu về nhà của Cha Người. Người gọi Thiên Chúa là Cha và xác định cách cư xử dựa trên ý tưởng Người có về nhà Thiên Chúa. Không phải là mọi chuyện đều có thể chấp nhận. Không phải là cứ chuyện nào tiện lợi hoặc đưa lại tiền bạc là đúng đắn. Buôn bán thú vật được dùng làm lễ hy sinh là một sinh hoạt đáng trọng, nhưng phải cách xa nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa và nơi người ta tôn kính Ngài. Đức Giêsu thấy có những lạm dụng.
Nay đã được đặt để trong chức năng Mêsia-Con Thiên Chúa, Đức Giêsu không chỉ vào Nhà Thiên Chúa như một khách hành hương, mà còn là người quản lý và chủ nhân. Nếu Người đã làm hành vi chứng tỏ uy quyền này ngay tại Đền Thờ có lẽ là để tự mạc khải ngay giữa lòng Do Thái giáo, trước mặt các nhà lãnh đạo và đám đông đa tạp các khách hành hương, nhờ thực hiện sấm ngôn Malakhi: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mới mà các ngươi đợi trông đang đến… Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim… Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi (các thừa tác viên Đền Thờ)…” (Ml 3,1-3).
Không màng tới các rủi ro, Đức Giêsu không ngần ngại nối kết sức lực của cánh tay vào sức mạnh của lời nói để thực hiện nguyện vọng của Cha Người, được diễn tả qua miệng ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7), nhưng “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp sao?” (Gr 7,11). Đức Giêsu đã can thiệp với biện pháp rõ ràng và dứt khoát: “Người xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây'” (2,15-16). Trong nhà Chúa Cha, Chúa Cha đang hiện diện; người ta phải suy nghĩ và hành động tương ứng với chân lý này.
Cử chỉ này, trực tiếp nhắm đưa Đền Thờ trở lại với sự thanh sạch vẫn có, dường như có một tầm mức biểu tượng. Bằng cử chỉ này, Đức Kitô muốn nói rằng Người sẽ truất các tư tế mất quyền điều hành Đền Thờ Thiên Chúa và sẽ loại bỏ tất cả các lễ hy sinh thú vật để thay thế bằng lễ dâng tinh tuyền mà Thiên Chúa cũng đã loan báo qua miệng ngôn sứ Malakhi: “Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng… Và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Ml 1,10-11). Đúng là đã tới giờ rồi.
Vào lúc ấy, hẳn là sự can thiệp cương quyết của Thầy đã khiến các môn đệ thắc mắc, nhưng nhất là khiến các ông lo sợ rằng Người sẽ phải gánh chịu những hậu quả tệ hại, từ phía những lái buôn và những thừa tác viên Đền Thờ. Khi đó, các môn đệ đã nghĩ tới tiếng kêu của tác giả Tv 69/68: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân…”, thiệt thân vì sự nhiệt thành của mình và vì những đối thủ. Vào lúc chịu Khổ Nạn, khi tuyên bố rằng Thánh vịnh này được ứng nghiệm nơi Người (Tv 69/68,5; x. Ga 15,15), Đức Giêsu công nhận rằng các ông đã linh cảm đúng: sự nhiệt thành đã thiêu đốt Người bên trong vào lễ Vượt Qua đầu tiên, sẽ thiêu đốt Người hoàn toàn vào lễ Vượt Qua cuối cùng, để biến Người thành một lễ hy sinh “đẹp lòng Chúa hơn bò bê đủ móng đủ sừng” (Tv 69/68,32). Người chính là Đấng công chính chịu đau khổ để thanh tẩy Đền Thờ và nền phượng tự cũ hầu xây dựng một Đền Thờ mới và thiết lập một nền phượng tự mới (cc.19-21). Việc chuyển đi từ cái cũ sang cái mới sẽ được thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu.
* Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền Thờ (18-22)
“Người Do Thái” đây là giới lãnh đạo Đền Thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), nhưng cũng là dân Do Thái, đã hỏi: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c. 18). Đây là đề tài căn bản của tất cả những xung đột sau đó giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái giáo. Người đã yêu cầu trả lại phẩm cách trang nghiêm cho nhà Chúa Cha; điều này không thỏa mãn người Do Thái, cũng như tất cả những gì Đức Giêsu sẽ nói và sẽ làm cũng chẳng thỏa mãn họ (x. 5,16; 6,30; 9,16; 11,45-53). Hẳn là các nhà chức trách Do Thái cảm thấy khó chịu gai chướng bởi một sáng kiến vừa lạ lùng vừa cách mạng như thế: dù không có chức tư tế và không có nhiệm vụ gì ở Đền Thờ, Đức Giêsu vừa kết án một hệ thống được các nhà chức trách chuẩn nhận, mà như thế là tự cho mình có một uy quyền cao hơn uy quyền của họ. Thậm chí Người còn muốn nói là Người triệt tiêu nền phượng tự đã từng được Thiên Chúa thiết lập ở đấy, và như thế là tự gán cho mình có một uy quyền ngang bằng với uy quyền của Thiên Chúa mà Người gọi là “Cha Người”! Bởi vì Người cho rằng Người có một uy quyền thần linh, thì Người phải chứng minh điều ấy bằng cách làm một dấu lạ: một hành động phi thường cho thấy dấu ấn của Thiên Chúa trên sứ mạng cứu thế của Người (x. Mt 11,38; 16,1; Mc 8,11; Lc 11,16; 1 Cr 1,22).
Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy)” (c. 19). Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy…”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy…”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy…”. Với bối cảnh của cuộc tranh luận, Đức Giêsu dường như ám chỉ việc phá hủy và xây lại ngôi Đền Thờ bằng đá tọa lạc ngay gần bên. Người Do Thái nghĩ ngay đến Đền Thờ ấy, và cho rằng không thể được. Quả thật, phải là điên thì mới nghĩ có thể xây lại trong ba ngày; cũng phải là điên thì mới nghĩ rằng có thể đụng chạm được tới Đền Thờ này! Cứ lấy lương tri mà xét, lẽ ra người Do Thái không nên gán những ý tưởng ấy cho một người có đầu óc sáng suốt: là những người Đông phương, đã quen với giọng văn bóng bảy cũng như những câu nói hiểm hóc, hẳn là họ phải ngờ rằng ở đây có một ý hướng biểu tượng, nhất là những động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả. Nhưng họ cố ý xoáy vào ý nghĩa vật chất, cũng như người phụ nữ Samari khi đề cập tới nước ban sự sống (4,11-15), như những người Do Thái khi đề cập tới bánh ban sự sống (6,34) [xem lời các nhân chứng tạo tòa án (Mt 26,61; Mc 14,58) và những người qua đường (Mt 27,40; Mc 15,29)]. Dấu lạ Đức Giêsu loan báo ở đây tương ứng với câu trả lời cho người Pharisêu trong Mt 12,39t và 16,4.
Người Do Thái quy các lời Đức Giêsu nói vào ngôi Đền Thờ bằng gạch đá nên đã hiểu sai ý Người (x. 3,4). Đức Giêsu đang nói với họ: Các ông có thể giết chết tôi. Các ông có thể đẩy tôi đến thử thách lớn lao cùng cực nhất. Nhưng rồi tôi sẽ hoàn tất công trình của tôi và sẽ tự mạc khải ra vĩnh viễn.
Phần các môn đệ, sau khi Đức Giêsu sống lại, các ông mới hiểu được ý nghĩa của câu nói huyền bí ấy, và “đã tin vào lời Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (c. 22). Nhưng ở đây tác giả Gioan cho chúng ta được hiểu trước biến cố ấy: Đức Giêsu nói, không phải về Đền Thờ bằng gạch đá, nhưng hoàn toàn về Đền Thờ là thân thể của Người, nhân tính của Người. Các từ ngữ Người dùng phù hợp với ý nghĩa đó hơn: “Cứ làm tan rã Đền Thờ là thân thể của tôi đi (Các ông sẽ gây ra sự tan rã, cái chết, cho thân thể tôi), và trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại (sẽ đánh thức dậy khỏi giấc ngủ ấy)”. Đàng khác, ý nghĩa hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh. Nếu các môn đệ đã linh cảm rằng lòng nhiệt thành của Đức Giêsu đối với ngôi nhà vật chất của Thiên Chúa sẽ khiến Người bị các đối thủ hãm hại (c. 17), Đức Giêsu còn biết rõ hơn các ông rằng cử chỉ này sẽ đưa Người tới cái chết. Như vậy, cái chết đối với Đức Giêsu không phải là một tai nạn bất ngờ hoặc một thất bại không thể tránh được, nhưng là một thử thách Người tự do chấp nhận, để rồi tiếp theo là một Sự Sống dồi dào phong phú hơn. Đã được báo trước như vậy, người Do Thái sẽ không thể coi đó là một chiến thắng, còn các môn đệ không thể coi đó là một cớ vấp phạm được.
Ở đây, ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, ta đã thấy rõ các hậu quả của cuộc xung đột sẽ là thế nào và mục tiêu của con đường Đức Giêsu theo là gì: chết và sống lại. Cuộc Phục Sinh sẽ chuẩn nhận cho tư cách của Đấng đã bị đẩy đến một cái chết khốc liệt do việc làm và yêu sách của Người. Do cái chết này, Đền Thờ mới sẽ được xây lên. Đức Giêsu Phục Sinh là “nơi” vĩnh viễn có Thiên Chúa hiện diện với Dân Người và có Dân Người thờ phượng Thiên Chúa: đây là “ngôi nhà Cha” hoàn hảo. Lời tiên báo của Đức Giêsu một phần cảm hứng từ một sấm ngôn của ngôn sứ Hôsê (Hs 6,2). Theo lời hứa của Đức Giêsu cho ông Nathanaen, các môn đệ khi ấy sẽ thấy Thầy họ là “Bết-Ên” thật, là Nhà Thiên Chúa và Cửa thiên đàng (1,51). Một cách gián tiếp, Đức Giêsu mạc khải cho các thính giả rằng Chúa Cha cư ngụ nơi Người một cách viên mãn và vĩnh viễn (8,16; 10,38; 14,10;16,32) và chỉ nơi Người, các tín hữu mới có thể gặp được Chúa Cha vô hình (14,6-10).
* Chuyển tiếp và dẫn nhập vào truyện Nicôđêmô (23-25)
TM IV nổi bật với sự đối kháng giữa Đức Giêsu và các đối thủ. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, đã lộ rõ các yếu tố tiêu biểu của cuộc chiến đấu này: các người tranh chấp, đối tượng của cuộc tranh chấp và kết luận. Cuộc xung đột liên hệ đến quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa: Đức Giêsu nhận biết Thiên Chúa như là Cha Người; tất cả những gì Người làm đều do Thiên Chúa gợi hứng và Người làm chứng về những điều đó; còn các đối thủ của Người lại cảm thấy bị Người gây chuyện, nên yêu cầu Người trưng ra những bằng chứng khác, và họ loại trừ Người. Phần các môn đệ, do đã để cho Người dẫn dắt, các ông đạt tới đức tin và sự hiểu biết đầy đủ. Còn đám đông bị đánh động bởi những gì Đức Giêsu thực hiện; nhưng Đức Giêsu không tin họ, nên Người giữ khoảng cách với họ. Tình trạng xung đột này sẽ đưa Đức Giêsu đến cái chết dữ dội, nhưng Người sẽ được xác nhận trọn vẹn bằng cuộc Phục Sinh.
+ Kết luận
Hôm ấy, Đức Giêsu đã vào Đền Thờ như vào “nhà Cha Người”; hôm ấy, vì yêu thương Chúa Cha, Người đã đuổi những con buôn khỏi Đền Thờ. Vì nhiệt thành lo cho nhà của Cha, vì muốn hoàn toàn dành ngôi nhà này cho Cha, Đức Giêsu đã nổi cơn nghĩa nộ mà bảo vệ quyền lợi của Cha, trong khi vẫn làm chủ chính mình. Như thế, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, là bạn của kẻ tội lỗi, cũng biết nổi giận khi cần, vì vinh quang của Thiên Chúa Cha.
Sau này, đàng sau tấm màn bị xé rách của Đền Thờ và xuyên qua thân thể bầm dập của Đức Giêsu hấp hối, Thiên Chúa xuất hiện, bằng một tấm thân con người thật sự, đầy vinh quang thần linh. Giấc mơ của Cựu Ước, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, nay được thực hiện mãi mãi trong Đức Giêsu Phục Sinh.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Theo Đức Giêsu, người ta không thể chấp nhận hay nhượng bộ mọi sự. Người ta có thể thông cảm cho việc trục trặc này, chuyện không xuôi chảy kia. Nhưng khi sự việc liên hệ đến việc thờ phượng Thiên Chúa, thì không được phép có lối suy nghĩ tương-đối-hóa. Khi sự việc liên hệ đến làm chứng cho mầu nhiệm Thiên Chúa, thì không được phép nửa vời. Phần chúng ta, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đang có quan niệm nào về “nhà của Cha”, hoặc về nhiệm vụ và mục tiêu mà Ngài đã ban cho con người? Chúng ta có vận dụng trọn bản thân mình cho điều đó không?
2. Các đối thủ của Đức Giêsu cứ đòi Đức Giêsu phải trưng ra thêm các bằng chứng. Lý do không phải là để họ đạt được niềm tin tròn đầy, nhưng nói có vẻ nghịch lý, họ đòi các bằng chứng là để phủ nhận đức tin, để họ có cớ mà nói rằng họ không tin là phải. Toàn bọ TM IV là một bài học với nhiều minh họa về niềm tin như một sự phó thác vào Đấng được Thiên Chúa sai phái tới, là Đức Kitô. Trong những trường hợp nào, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đề những ranh giới dè dặt cho niềm tin tưởng của chúng ta vào Đức Giêsu, chúng ta nêu ra những điều kiện, và chúng ta đòi những đảm bảo?
3. Chứng từ của các môn đệ còn đấy: lời của Đức Giêsu có một trọng lượng như chính lời Kinh Thánh. Nhờ được Kinh Thánh thôi thúc, các ông hiểu lý do khiến Đức Giêsu phải chết; nhờ được lời Đức Giêsu soi sáng, các ông hiểu Đấng Phục Sinh chính là “nơi” vĩnh viễn có sự hiện diện và chăm sóc ân cần của Thiên Chúa. Đấy là một kinh nghiệm quan trọng được chia sẻ cho chúng ta, để hôm nay chúng ta biết tiếp tục dựa vào ánh sáng của Kinh Thánh mà khám phá thêm nữa mầu nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã chết và đã sống lại.
4. Để thực hiện được điều này, cần nhận lấy bài học khác của các môn đệ. Các ông đã rảo qua một đoạn đường dài cùng với Đức Giêsu và đã được Người liên tục dạy dỗ, rèn luyện. Chúng ta có thể chờ đợi để được dẫn đến chỗ hiểu biết đầy đủ về con đường của Đức Giêsu và con đường của chúng ta chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét