QUYỀN BÍNH TRONG CỘNG ĐOÀN, VÀI QUY TẮC TỔ CHỨC CỘNG ĐOÀN
Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B
(Mc 10, 33-45)
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Phải hiểu như thế nào chữ “vinh quang” ở c.37 ?
2. “Chén” và “phép rửa” (cc.38-39) Chúa Giê-su nói đây là gì?
3. Theo cc.41-45, các thủ lãnh cộng đoàn Ki-tô hữu phải quan niệm chức vụ của họ ra sao? Câu 45 cho thấy một sự phục vụ đúng nghĩa phải như thế nào ?
1. Những tương phản thật là mãnh liệt giữa cảnh này với cảnh đặt trước (10,32-34). Lời loan báo Khổ nạn được tiếp nối bằng câu hỏi phi lý và ngây ngô của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an. Với một thái độ gần như trẻ con, hai ông muốn được chấp thuận ngay cả trước khi trình bày thỉnh nguyện (10,35). Trước câu hỏi lại của Chúa Giê-su (10,36), họ trả lời bằng cách nói lên tham vọng được tham dự vào quyền điều hành trong “vinh quang”, trong quyền tối thượng thiên sai của Chúa Giêsu (10,37). Phải hiểu chữ “vinh quang” như trong bản văn nguyên thủy của Mt (20,21) là “vương quốc sắp được thiết lập tại Giê-ru-sa-lem theo kỳ vọng của các môn đồ. Trong quyền tối thượng được quan niệm theo kiểu Đa-vít đó, hai anh em muốn được người ta dành cho những vinh dự lớn nhất và uy quyền tối cao. Khi nói với họ “các ngươi chẳng biết điều các ngươi xin” (10,38), Chúa Giêsu muốn bảo lời thỉnh cầu của họ thật ngây ngô khờ khạo. Rồi, bằng hai hình ảnh chén uống và phép rửa, Người giải thích rằng sự sẵn sàng và khả năng chịu tử đạo và điều kiện cho việc “đồng quyền tối thượng ” đó. Uống chén (x. 14,36) và “được rửa bằng một phép rửa” có nghĩa là chấp nhận đau khổ và sỉ nhục. Sự sẵn sàng của hai anh em, mà Chúa Giêsu không phủ nhận, có lẽ phản ảnh vai trò của hai con ông Giêbêđê trong cộng đoàn sơ khai: uy thế của các ông đặt cơ sở không phải trên một trách nhiệm điều khiển (như đối với Phêrô) nhưng trên cái chết tử đạo của hai ông; vì ít nhất đối với Gia-cô-bê, cái chết tử đạo của ông được lịch sử minh chứng. Nhưng 10,40 nói tiếp: mặc dù họ sẵn sàng, điều đó chẳng bảo đảm gì về vai trò tương lai của họ. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền thẩm định điều này (câu văn ở thể thụ động chứng tỏ chủ từ là Thiên Chúa, x. 4,11; 8,12; 9,31; 10,33). Tuy nhiên, đoạn tiếp sẽ cho thấy tư tưởng đầy tham vọng của hai môn đồ không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giê-su nói chung. Vì thế cho nên chi tiết “những ai mà điều đó đã được tiền định” có mục đích đặt toàn bộ vấn đề đi ra ngoài những tính toán nhân loại và chẳng tỏ lời thỉnh cầu chẳng thích hợp chút nào hết.
2. Câu 41 mở đầu phần giáo huấn cho các môn đồ với một chủ đề mới mẻ; nhưng sự kiện phần này được nối kết với phần trước nhấn mạnh cách mới mẻ sự phi lý của một tranh luận nhằm chiếm “địa vị” trong Vương quốc Thiên Chúa. Đề tài bây giờ là trật tự hiện thời giữa các môn đồ. Cộng đoàn cần phải bảo toàn trong phạm vi của mình cách thức suy tưởng của Chúa Giê-su và đừng để bị lôi cuốn vào những tranh chấp vì một cấp cao và một cấp thấp như lề lối các phẩm trật trần gian. Câu 42 nhắc nhở cho hay (“các ngươi biết…”) các hệ thống phẩm trật trần gian sẽ như thế nào nếu không được điều chỉnh bằng tình huynh đệ Ki-tô giáo. Giữa các môn đồ với nhau, cần phải áp dụng những biện pháp khác hẳn ( 10.43-44). Các thủ lãnh cộng đoàn (“ai muốn làm lớn … ai muốn đứng đầu”) phải hiểu chức vụ mình là một sự phục vụ, và “phải làm tôi tớ mọi người”. Tính cách đáng tin của một Tin mừng, vốn nhằm thanh luyện và phế bỏ những tương quan phi nhân. Tùy thuộc vào sự đảo ngược phẩm trật tự nhiên đó. 10,45 biện minh cho sự cần thiết của thái độ đảo ngược các quy tắc “nhân loại” như vậy, và giải thích bằng cách quy chiếu vào Chúa Giê-su, Đấng đã hoàn thành sứ mạng bằng cách thay thế cho tất cả, đến độ chấp nhận một cái chết đớn đau và bởi đó đã chứng tỏ mức độ mà một sự phục vụ đúng nghĩa phải đạt tới. Việc c.45 quy chiếu về hình ảnh Người Tôi tớ đau khổ, cứu chuộc của Isaia (53), đem lại cho giá trị mẫu mực của tư tưởng này một uy thế thần học đặc biệt.
Ingo Hermann, Levangile de Saint Marc, II, tr 48-50.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Đây là một bản văn mà các anh em phản chứng thường nhắc nhở và chú giải cách nhiệt thành: Chúa Kitô đã không bao giờ tán dương người trên, linh mục hoặc thủ lãnh. Đối với Người, điều làm nên môn đồ, chẳng phải là quyền bính, sự thông thái, nhưng là sự phục vụ. Chính Người đã từ chối dứt khoát cám dỗ của Satan là thống trị các dân tộc với các phép lạ lẫy lừng. Thầy ở giữa các con như một người phục vụ.
2. Thế nhưng ta đều bị cám dỗ sử dụng những phương tiện điều hành, bởi vì đối với ta chúng có vẻ hữu hiệu để hướng dẫn con người hơn là sự thuyết phục, sự tự do và lòng yêu thương. Giacôbê và Gioan đã mong ước thực thi việc tông đồ ở trên ngai, và Chúa Giêsu đã cho hai ông biết sẽ thực thi việc đó ở trên thập giá.
3. Chúa Ki-tô là thủ lãnh và là Thầy tuyệt hảo; muốn biết quyền bính trong Hội Thánh phải được thực thi như thế nào, hãy xem Chúa Giêsu đã sử dụng quyền năng Người ra sao. Đối với Chúa Giêsu, Vương quốc Thiên Chúa là một xã hội hoàn toàn khác với các quốc gia trần thế; nó không tự áp đặt cho con người do chính bản chất của mình, nhưng hằng tự do lương tâm. Lời mời gọi của Chúa luôn luôn là tự do: “nếu anh muốn làm tông đồ Ta… Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo… hạnh phúc cho các anh nếu các anh làm như vậy…”. Quyền bính Ki-tô giáo phải được thực thi bằng thuyết phục, bằng cảm hóa, soi sáng, dạy dỗ.
4. Nhưng những thí dụ và lời giáo huấn của Chúa Giêsu quá trái nghịch với những tham vọng tự nhiên của các môn đồ, nên khó mà không gặp phản ứng thái độ ngây ngô của Gia-cô-bê và Gio-an vẫn còn là thái độ của nhiều người trong Giáo Hội. Ngày nay, người ta khám phá rằng quyền bính trong Hội Thánh không phải là quyền áp đặt những quyết định của thủ lãnh cho các cấp dưới, nhưng là khả năng khơi dậy sự hiệp thông. Vấn đề không phải là truyền lệnh hay là thanh trừng, nhưng là kêu gọi lương tâm và xác tín. Vị thủ lãnh không phải là người ra lệnh nhưng là người tạo nên một bầu khí tin tưởng, thương yêu, tôn trọng, một cộng đoàn cùng chung những quan điểm và khát vọng đến nỗi giải đáp của các vấn đề sẽ được thể hiện bằng một sự nhất trí luân lý.
5. Chúa Giêsu đã không nói đến nguy hiểm và trật tự trọng Hội Thánh Người, nhưng Người đã nói nhiều đến nguy hiểm của một quyền bính tôn giáo được thực thi như một quyền bính trần thế. Chúa Giêsu đã không nói rằng các thủ lãnh phải cai trị bằng sự công bình và lòng nhân từ; Người đã nói rõ ràng rằng các thủ lãnh không được cai trị, nhưng hãy sống như các nô lệ và tôi tớ; người nào phục vụ nhất, người đó là thủ lãnh đích thực.
6. Chỉ có một tinh thần Tin Mừng, chỉ có Thánh Thần của Chúa Giêsu mời có thể linh ứng cho các người có trách nhiệm phương thức thi hành sứ mạng tôn giáo. Để thực thi tốt quyền bính, cũng như để sử dụng tốt của cải, cần phải nói như Chúa Ki-tô: “Đối với con người là điều không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì tất cả đều làm được”.
7. Ngai vàng duy nhất, uy quyền duy nhất, quyền bính duy nhất mà Chúa Ki-tô đã hứa cho Giacôbê và Gioan, là hãy yêu mến như Người, uống chén đắng, thí mạng sống và yêu anh em như Người.
Louts Evely, Méditalious d’ Evangiles, tr. 246tt.
Học viện Giáo hoàng Piô X Đà Lạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét