Tv 127, 1-2.3.4-5.6
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
1. Bối Cảnh
Thánh vịnh 127 mà chúng ta vừa nghe là một Ca khúc lên Đền. Ca khúc này phản ảnh nền văn hóa của một xã hội thời xa xưa qua những hình ảnh sống động của một gia đình, một gia đình hạnh phúc và phồn thịnh, hạnh phúc của những ai kính sợ Chúa và ăn ở theo đường lối của Người (Tv 127,1).
Một gia đình hạnh phúc và tràn đầy sức sống được phác hoạ với người chồng và người vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái quây quần bên họ như “những cây ô-liu mơn mởn” (Tv 127,3). Thánh vịnh 127 không đơn thuần vẽ lên bức tranh của một xã hội xa xưa, mà còn dẫn chúng ta vào dòng chảy của lịch sử cứu độ. Sự xuất hiện của những đứa con là dấu chỉ của một gia đình sung mãn, tiếp nối liên tục của lịch sử cứu độ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong tâm của gia đình mà Thánh vịnh 127 muốn diễn tả là sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là căn nguyên đời sống sung mãn của con người và xã hội.
2. Bố cục và Ý nghĩa
Thánh vịnh 127 bao gồm 6 câu. Toàn bộ Thánh vịnh là lời ca ngợi hạnh phúc gia đình mà Thiên Chúa ban cho những ai kính sợ Chúa và ăn ở theo đường lối của Người. Bài ca này đồng thời trình bày giáo huấn khôn ngoan ngõ hầu giúp con người xây dựng một gia đình sung mãn và hạnh phúc.
Trước tiên, một gia đình hạnh phúc tồn tại trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Mặc dù hình ảnh một ngôi nhà được phác hoạ với nền móng là cha mẹ, và con cái là những viên đá sống động góp phần làm nên sự lớn mạnh và phồn thịnh ngôi nhà ấy, nhưng Thiên Chúa mới chính là căn nguyên, là trái tim và là sức sống của ngôi nhà ấy. Như Thánh vịnh 126 diễn tả: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công … Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh ra thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế! Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cửa công tranh tụng với địch thù.” (Tv 126,1.3-5).
Thánh vịnh 127 khẳng định chắc chắn điều Thánh vịnh 126 diễn tả: “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc!” (Tv 128,4-5a). Một mái ấm gia đình là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, có kinh nguyện chung và, như thế, có phúc lành của Chúa.
Thứ đến, Thánh vịnh 127 còn cho ta thấy một gia đình hạnh phúc là một gia đình cần mẫn trong lao động. Ngay đầu Thánh vịnh 127, người cha xuất hiện như một người thợ, dùng lao động của đôi bàn tay mình mà bảo đảm cho gia đình có được những phúc lợi vật chất và được an bình: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 127,2). Câu này dẫn chúng ta quay trở lại những chương đầu tiên của sách Sáng thế, nơi phẩm giá của con người được đề cao qua lao động: “con người đã được đặt vào trong vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Đó là hình ảnh người lao động biến đổi được vật chất và khai thác được những sức mạnh của thiên nhiên, trong khi tạo ra “tấm bánh do công khó tay bạn làm” (Tv 127,2). Nhờ vào sự cần mẫn trong lao động, con người tự làm cho mình triển nở. Lao động cũng đồng thời vừa giúp cho xã hội phát triển vừa nuôi sống gia đình, giúp gia đình được ổn định và phồn thịnh: “Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 127,5-6).
Ngoài ra viễn tượng về một gia đình hạnh phúc và phồn thịnh, Thánh vịnh còn trình bày cho chúng ta một thực tế đắng cay vốn ghi dấu trên toàn bộ Thánh Kinh. Đó là sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật trong đời sống và tình yêu.
3. Truyền thống
Thánh vịnh 127 được Giáo hội đưa vào Phụng vụ của Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B. Đặc biệt, Thánh vịnh này thường được hoà tấu trong lễ Thánh Gia và lễ Hôn phối. Điều này giải thích cho chúng ta thấy việc Giáo Hội có truyền thống áp dụng Thánh vịnh 127 cho đời sống hôn nhân gia đình. Thánh vịnh 127 được xem như là một huấn giáo khôn ngoan cho hạnh phúc hôn nhân và gia đình. Hôm nay khi hòa tấu bài ca này, mỗi người chúng ta cũng ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Hãy biến gia đình chúng ta thành Hội thánh tại gia, nơi đức tin được bén rễ, tình yêu được triển nở, và niềm hy vọng được nuôi dưỡng. Hay biến gia đình chúng ta thành một cộng đoàn Thánh Thể, một cộng đoàn luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa và tiếp rước Người vào nhà. Hôm nay Chúa nói với chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Lm. Antôn Trần Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét