Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux.
VẤN ĐỀ LY DỊ (10,1-12)
Nhiều lời khuyên bảo liên quan đến đời sống cộng đồng đã được Chúa Giêsu thực tại Caphanaum, xứ Galilê (9,33). Chặng đường dài của xứ Palestin, từ bắc tới nam đã được vượt qua (c. 1a). chúa Giêsu đang tiến bước hướng về Giêrusalem. Giờ đây Ngài đang tiếp xúc với cư dân mạn nam Palestin, ở hai bên bờ sông Giođan; ở phía tây là Giuđê, những đồng hương Do Thái với Ngài, phía đông là người xứ Pêrê (hiện là Giocđani) thuộc dân ngoại. Maccô muốn chứng tỏ Chúa Giêsu đang rao giảng cho tất cả mọi người không phân biệt. Đám đông đang hiện diện và thế là Chúa Giêsu dạy dỗ họ (c. 1b). Ở đây có đủ mọi điều kiện cần thiết để sứ điệp của Ngài đạt đến quảng đại quần chúng.
Đám biệt phái lại mon men đến gần Ngài (c. 2a). Lần tranh luận cuối cùng giữa Chúa Giêsu và những kẻ nhiệt tình bảo vệ luật Môsê này đã xảy ra cách đây khá lâu (8, 11-12). Cũng giống nhu lần đó, lần này Maccô cũng ghi rõ những người Do Thái được số một này đến chất vấn Chúa Giêsu “để thử Ngài” (c. 2b). Cần phải nhớ rằng đàng sau những từ này, tác giả Phúc Âm muốn gợi lại thái độ của những người Israel vào thời còn ở hoang mạc lúc xuất hành từng biểu lộ sự cứng lòng với Môsê và với chính Thiên Chúa: “Ho thử thách Giavê bằng cách nói rằng: “Thiên Chúa có ở giữa chúng ta hay không?”. Còn ở đây thì họ giương bẫy gài Chúa Giêsu về vấn đề ly dị: “Chồng có được phép rẫy vợ không?” (c. 2c). Vào bước ngoặt của Kỷ nguyên Kitô giáo vấn đề “rẫy” vợ được các giáo sĩ Do Thái tranh luận sôi nổi. Hai trường phái nổi tiếng đối đầu đưa ra những ý kiến ngược nhau. Một bên là giáo sĩ Hillel, thuộc dạng biệt phái tự do thì chấp nhận rất nhiều lý do cho phép vợ chồng có thể chia tay nhau. Ngược lại, giáo sĩ Shamamai thuộc khuynh hướng nghiêm khắc thì chỉ chấp nhận một số giới hạn các trường hợp được phép “rẫy” vợ. Bởi vì theo luật Do Thái, chỉ đàn ông mới có quyền ly dị vợ mình, nên Shammai theo cách thức của mình, đã bảo vệ cho phụ nữ trong một xã hội thượng tôn nam giới. Chính vì được đánh giá là một bậc thầy tăm tiếng nên Chúa Giêsu đã được hỏi ý kiến xem Ngài ủng hộ phe nào. Bẫy gài giương ra rất rõ ràng: Người ta sẽ đánh giá Ngài thuộc loại theo chủ thuyết “buông thả” hay chủ thuyết “gò bó” trong vấn đề này. Họ muốn đóng khung Ngài hoặc trong phe này hoặc trong phe kia. Trước tiên Chúa Giêsu dẫn đối phương về tận nguồn gốc cuộc tranh luận: “Môsê đã răn dạy các ông điều gì?” (c. 3). Câu hỏi này dễ trả lời (c.4). Lời quy chiếu của đám biệt phái về luật Môsê cho thấy thói quen xưa kia xem việc ly dị là hợp pháp (x. Đnl 24,1). Luật pháp Israel (bắt nguồn từ Môsê?). Chỉ nhân đạo hóa chút ít tập tục này bằng cách buộc người chồng phải trao cho người vợ mà ông ta ly dị một tờ giấy xác nhận. Tuy nhiên Chúa Giêsu không phải là không biết rằng bởi vì theo chủ trương buông thả quá độ nên truyền thống Do Thái đã phạm tội thiên bị bênh vực cho riêng cánh đàn ông. Người đàn ông có thể rẫy vợ mình kể cả vì những lý do không đáng gì hết! Một câu trong sách Đệ nhị luật đã mở đường cho tất cả mọi sự lạm dụng: “Khi một người nam cưới vợ, nếu cô này chẳng được ơn trước mặt người chồng bởi người ấy thấy nơi nàng có điều gì tỳ vết, thì người ấy thảo một tờ giấy ly dị, trao vào tay cô ta và đuổi cô ta về lại nhà cha mẹ…” (Đnl 24,1). Sử gia Do Thái Flarius Joseph (thế kỷ I sau Công nguyên) xác nhận là phe Hillel đã dùng đoạn này trong Torah để ủng hộ quyền tự do ly dị của cánh đàn ông. “Kẻ nào muốn lỵ dị, vì bất cứ lý do gì (có vô số lý do mà đàn ông có thể nại ra) thì cứ viết ra một chứng thư xác nhận (Cổ văn Do Thái 4,8,23).
Ý thức được hiện có đủ lối cắt nghĩa về vấn đề này Chúa Giêsu liền bắt đầu cách phục hồi luật Môsê vào đúng mực độ của nó: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá nên ông Môsê mới viết điều răn đó” (c. 5). Chủ đề dân được chọn cứng lòng không nghe lời Chúa đầy dẫy trong luật sư. Các tiên tri đã không ngừng tố cáo tấn kịch này của Israel, một dân tộc luôn cố “chống lại ý Chúa”. Chính Chúa Giêsu cũng đã phàn nàn về “sự cứng lòng này” của đám biệt phái là những đại biểu ưu tú của dân (x. 3,5). Tuy nhiên, Chúa Giêsu dự tính xoáy sâu hơn vào tư tưởng Ngài. Cũng như trước đây khi đề cập đến luật Môsê về ngày Sabat (x. 2,23-28). Lần này Ngài cũng đi trở vượt qua truyền thống Do Thái để trở về với ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa (c. 6). Chúa Giêsu đi trở ngược dòng thời gian: khá lâu trước thời kỷ Đệ nhị luật, sách Sáng thế mà Ngài trưng dẫn (St 1,27) đã trình bày sự kết hợp nam nữ như là nền tảng vững chắc để xây dựng cộng đoàn nhân lọai chứ không phải để phá hủy. Được tạo dựng theo hai phái tính nam, nữ nên cả đàn ông lẫn đàn bà “đều là hình ảnh của Thiên Chúa”. Sự cao cả của việc hô kết hợp với nhau là ở đó. Chúa Giêsu đưa ra yêu muốn Đấng Tạo Hóa về sự kết hợp này: “Vì thế… cả hai sẽ thành một xương thịt” (c. 7-8). Quy chiếu này rõ ràng ám chỉ trình thuật thứ hai về cuốn tạo dựng (St 2,24). Bản văn này rất súc tích. Người nam và người nữ được kêu gọi xây dựng nên một tế bào gia đình độc lập. Sự kết hợp giữa họ tạo thành một đơn vị nền tảng, phát sinh do sợi dây tình yêu và tình dục. Được xây dựng trên ý định của Thiên Chúa nên đơn vị nguyên sơ này là một thực thể cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều đó: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phố hợp, loài người không được phân ly!” (c. 9).
Như vậy, Chúa Giêsu đã đưa ra một tầm nhìn cao vời bất ngờ cho câu hỏi trên. Như sau này thánh Gioan nhận thức, nơi đây quả có một vị tiên tri còn cao cả hơn Môsê, nhà lập luận của dân riêng Chúa (Ga 1,17). Với quyền năng Thiên Chúa tràn đầy, Đức Mêsia đã đến phục hồi vũ trụ vào đúng trật tự Đấng Tạo Hóa muốn. Nếu có tham gia vào cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các bậc khôn ngoan (các giáo sĩ ưu tú lúc bấy giờ) Chúa Giêsu cũng không để mình bị rơi vào bẫy của các nhà luật học Do Thái cũng như vào chủ nghĩa vị luật của họ. Ngài xác nhận mạnh mẽ ý nghĩa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban cho mối dây liên kết hôn nhân. Con đường Ngài mở ra mang tính cách đòi hỏi hơn các quan điểm nhân loại rất nhiều. Sự nghiêm khắc của con đường ấy không ngừng hạch sách các bạn hữu thân tình của Ngài. Như thường lệ, chính các môn đệ cũng ngỡ ngàng về lời dạy khắt khe của Thầy mình. Họ lợi dụng đám Biệt Phái rút lui để hỏi riêng Chúa Giêsu tại nhà (c. 10). Người ta có thể nghĩ rằng họ đai diện cho cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đang đương đầu với vấn đề ly dị nơi các thành viên của mình và đang tìm cách xác định tư tưởng của Chúa Giêsu về những trường hợp khó khăn, và Chúa Giêsu đã trở lại cho các môn đệ bằng một công thức đầy kinh ngạc (c. 11-12). Người ta có thể nêu ra hai nhận xét. Thứ nhất, ở đây liên quan đến việc tái hôn của những người đã ly dị, chứ không phải là một sự ly thân. Tình trạng này bị xem là “ngoại tình”. Đây là từ ngữ nghiêm khắc được các tiên tri dùng để bêu riếu Israel về việc họ “tương giao” với Thiên Chúa (x. Hs 1-3). Thứ hai là các từ ngữ được dùng cho thấy đàn bà cũng có quyền ly dị giống như đàn ông. Vào thời Chúa Giêsu, trường hợp này không hề có Thầy luật pháp Do Thái. Điều này cho thấy trường hợp này phát xuất từ luật Rôma. Khi soạn Phúc Âm cho các Kitô hữu đến từ gốc ngoại giáo, hẳn Maccô đã phải để ý đến các luật lệ Rôma.
Hai nhận xét trên đủ cho thấy rõ tư tưởng vững chắc của Chúa Giêsu về đề ly dị đã được Giáo Hội sơ khai áp dụng vào những tình cảnh mới. Vì thế không ngạc nhiên gì khi tư tưởng ấy vẫn còn áp dụng mãi đến ngày hôm nay. Giáo Hội luôn luôn phải đương đầu với những trường hợp hôn nhân bị “đứt đoạn” và vấn đề tái hôn. Dù sao trong tất cả những trường hợp này, người ta hãy nhớ rằng tư tưởng của Chúa Giêsu không xây dựng trên quan điểm “vị luật”, và Ngài luôn luôn rộng mở đón nhận những kẻ bị khai trừ và những người tội lỗi (x. 2,15-17).
CHÚA GIÊSU VÀ CÁC TRẺ EM (10,13-16).
Giữa lúc Chúa Giêsu đang dạy dỗ về phương cách để trở thành môn đệ Ngài (từ 8,34) thì Maccô lại lồng vào quang cảnh ngắn gọn sống động đầy tươi mát này: Chúa Giêsu tiếp đón các trẻ em. Trước đây, Chúa Giêsu đã từng biểu lộ quan tâm của Ngài đối với thế giới trẻ em (9,35-37). Để được đầu với những cao vọng nhóm Mười Hai, lúc đó Ngài đã tự xem mình là tôi tớ cho tất cả mọi người. Ở đây sứ điệp này được lặp lại với trọng điểm nơi khác một tí. Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết trẻ em là gương mẫu trong một trong việc tiếp nhận Nước Thiên Chúa.
Người ta mang trẻ em tới cho Ngài để được Ngài chạm vào chúng (c. 13a). không ghi rõ tuổi tác nhưng đây chắc chắn không phải là những đứa bé xíu. Từ ngữ Hy Lạp được dùng ở đây ám chỉ lứa tuổi từ 7-14. Cũng không thấy xác định rõ lý do tại sao “người ta” muốn Ngài chạm vào đứa trẻ em này. Thực sự rất nhiều lần chúng ta đã thấy nhiều người, nhất là các bệnh nhân chen nhau đến với Chúa Giêsu để chạm được vào vị lương y này (2,10; 5,25-28). Tuy nhiên các trẻ em này không phải là những bệnh nhân. Phải chăng những kẻ mang chúng đến với Chúa Giêsu chỉ muốn Ngài ban cho chúng một cử chỉ chở che?
Người ta rất cảm thấy chướng trước thái độ rõ ràng thù nghịch của các môn đệ (c.13b). Đây là một cử chỉ xua đuổi mạnh mẽ. Tại sao vậy? Vào thời Chúa Giêsu, người lớn thường có thái độ khinh thường trẻ em. Lũ trẻ lóc nhóc, hay đòi ăn này chẳng được xem trọng trong một thế giới đói nghèo. Thêm vào đó, đám trẻ thuộc cộng đoàn Do Thái này lại chưa biết gì đến lề luật Môsê nữa chứ. Cho nên người ta xem chúng như những kẻ “sống ngoài lề luật”. Chúng bị liệt vào hàng “bị khai trừ” giống như các bệnh nhân, phụ nữ và nô lệ v.v… Sự khinh bỉ mà các bạn thân của Chúa Giêsu biểu lộ đối với đám trẻ em làm Ngài xúc động mạnh: “Thấy thế, Ngài bực mình” (c.14a). Maccô từng nêu lên tia nhìn giận dữ của Chúa Giêsu (3,5) tuy nhiên chưa bao giờ ông tỏ cho chúng ta biết lý do sâu xa Ngài tức giận. Còn bây giờ thì lý do đã rõ (c.14b): đám trẻ em, cũng như những kẻ bị “khai trừ” khác, vẫn có chỗ trong Vương Quốc của Chúa Giêsu.
Cùng với Chúa Giêsu, Vương Quốc Thiên Chúa đã đến: đó là một trong những đề tài nổi bật được Chúa Giêsu ưa thích nhất trong lời công bố của Ngài (x.1,14-15). Giờ đây Ngài chỉ rõ đám trẻ em và “những kẻ giống như chúng” là những người được nhận lãnh Vương Quốc này. Tại sao vậy? Chúa Giêsu thường dùng lời nói tán dương “tinh thần của trẻ em”. Hẳn người ta đã nói nhiều đến sự ngây thơ vô tội của trẻ em. Người ta đã biến chúng thành kiểu mẫu luân lý mặc dù vẫn không phải luôn luôn cảnh giác được chiếc bẫy mà những kẻ trưởng thành khờ khệch thường hay rơi vào đó là một thứ “ấu trĩ chủ nghĩa” nào đó. Khoa học hiện đại, đặc biệt là khoa tâm lý chiến đấu đã cho thấy một cái nhìn bớt thơ mộng hơn về trẻ em. Một nhà thông thái như Frend chẳng hạn còn dám nói trẻ em là một thứ “tà vạy đa hình”: một sinh vật tàng ẩn, dưới dạng mầm non, mọi xấu xa của người lớn.
Vì thế không nên lý tưởng hóa việc Chúa Giêsu tiếp đón trẻ em. Nếu Chúa lấy trẻ em làm gương cho những người lớn bắt chước là bởi vì theo não trạng thời đó, trẻ em là những kẻ bé nhỏ, nghèo nàn và bị khai trừ. Chúng ta hãy đọc lại: vào thời Chúa Giêsu trẻ em trước hết là một “kẻ nghèo” bởi chúng hoàn toàn lệ thuộc vào người khác, đồng thời chúng cũng tỏ ra rất có khả năng lắng nghe và tin cậy, điều này những người lớn hầu như đã đánh mất! Chính thái độ sẵn sàng nơi trẻ em đã biến chúng thành tấm gương cho các tín hữu. Chúa Giêsu đã long trọng quả quyết điều này (c.15). Người ta nhận thấy rõ đây là nỗi ưu tư mà Chúa Giêsu không ngừng điều chỉnh cho tầm nhìn của các môn đệ bởi vì họ là những kẻ Ngài đang huấn luyện để đảm nhận trách nhiệm trong Giáo Hội. Họ phải bỏ đi những tham vọng “làm cha làm chú” (9,33-34) và phải trở nên “bé nhỏ” để có thể đón nhận Vương Quốc Thiên Chúa với lòng khiêm nhu và cởi mở tối đa.
Đoạn cuối trình thuật dễ thương này cho thấy Chúa Giêsu đã chuyển từ lời nói qua hành động. Ngài ôm đám trẻ và chúc lành cho chúng (c.16). Việc Chúa Giêsu trìu mến đám trẻ em – ít được yêu thương và thường bị ruồng bỏ này – mang đầy ý nghĩa sâu sắc. Theo Thánh Kinh cử chỉ “chúc lành” các giáo sĩ Do Thái thường làm, ám chỉ việc hiệp thông nhờ hành vi ban ân sủng của Thiên Chúa. Ở đây có nghĩa là Chúa Giêsu mở rộng Nước Thiên Chúa cho đám trẻ em.
Mọi cử động trong quang cảnh trên hé mở cho thấy những gì đang xảy ra trong Giáo Hội của Maccô. Một số môn đệ nắm giữ quyền hành, chắc chắn đang bị cám dỗ muốn “ngăn cấm” không cho những kẻ bé nhỏ, nghèo khó, bị khai trừ, gia nhập vào đời sống của cộng đoàn. Tác giả Phúc Âm đặt lại trước mắt các vị ấy cử chỉ tiên tri của Chúa Giêsu: với tư cách là tôi tớ mọi người, Chúa Giêsu muốn người ta để cho những kẻ bị thế gian khinh dể “đến với Ngài”; và không chừng những kẻ này lại được mời gọi vào sống thân mật với Thiên Chúa… trước tiên đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét