Câu chuyện chữa lành người mù bẩm sinh, với 41 câu, là trình thuật dài nhất trong Tin Mừng Gioan, sau chuyện Đức Giêsu gặp người phụ nữ Samari ở chương 4 với 42 câu. Cả hai đều mô tả cuộc hành trình đến với đức tin của một phụ nữ và sau đó là của một người đàn ông mà thoạt tiên không biết gì về Đức Giêsu. Đối với người mù bẩm sinh, mọi sự bắt đầu bằng một chữa lành mà anh ta không yêu cầu và Đức Giêsu đã chủ động thực hiện: “Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa" (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9,6-7).

Thế đấy! Tất cả tóm gọn chỉ trong hai câu. Và mọi chuyện có thể kết thúc ở đấy, như trong Mc 10, 51-52 chẳng hạn. Trong Ga 9, hai câu được trích dẫn trước tiên gợi lên một biến đổi về thể chất: Từ bị mù, con người trở nên nhìn thấy được. Nhưng theo sau chúng là hơn ba mươi câu mô tả biến đổi nội tâm và thiêng liêng: Từ việc nhìn thấy, con người trở thành kẻ tin (9, 8-41). Tiếp cận với ánh sáng ban ngày là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc nhìn nhận Đức Giêsu là ánh sáng thế gian (9, 5).

Hành trình chậm chạp hướng đến niềm tin

Năm giai đoạn của cuộc hành trình này nổi bật lên dựa trên các nhân vật được thể hiện. Chúng ta hãy nhìn vào họ một cách ngắn gọn, cố gắng xác định những điểm nhấn mạnh.

1) Láng giềng và người mù được chữa lành (9, 8-12)

Cảnh đầu tiên này kể lại phản ứng của những “láng giềng”, những người thân quen với người mà họ thường thấy ngồi ăn xin: “Có người nói: "Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây! (9, 9). Đây là điểm xuất phát của anh ấy. Vào lúc này, tất cả những gì anh biết về Đức Giêsu chỉ là tên của Ngài (9, 11).

Người ta hỏi anh câu thứ hai, chỉ vì tò mò: "Ông ấy ở đâu?". Và anh trả lời: “Tôi không biết” (9, 12). Mọi chuyện không đi xa hơn. Ở đây, chúng ta có ấn tượng rằng trình thuật nói đến những người xung quanh chỉ để xác nhận việc chữa lành và nhấn mạnh rằng vào lúc đầu cuộc hành trình của mình, người mù được chữa lành chưa bao giờ biết Đức Giêsu trước đó và cũng không có ý định biết Ngài nhiều hơn.

2) Người Pharisiêu và người mù – Lần thứ I (9, 13-17)

Sau đó, bắt đầu cuộc điều tra có hệ thống tiếp tục trong ba cảnh tiếp theo, được dẫn dắt bởi một tầng lớp tôn giáo lúc được gọi là “những người Pharisiêu”, lúc được gọi là “những người Do Thái”.

Trước khi kể lại lần xuất hiện đầu tiên của người (trước đây bị) mù trước mặt họ, tác giả giải thích rõ ràng về hoàn cảnh chữa lành của anh ta: “Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisiêu. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sabát” (9,13-14). Từ đó trở đi, vấn đề liên quan đến danh tính của người chữa bệnh, được bàn luận trước mặt người được chữa lành: “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy? "Thế là họ đâm ra chia rẽ” (9,16). Sau đó, họ quay sang người mới được chữa khỏi bệnh mù và nhìn thấy được: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Khi được hỏi như vậy, anh ta được dẫn dắt vượt qua bước đầu tiên: “Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!” (9, 17).

3) Những người Pharisiêu và cha mẹ người mù (9, 18-23)

Giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra. Người mù được đưa ra ngoài và cha mẹ anh được triệu tập: “Người Do Thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến” (9, 18). Thay vì coi việc chữa lành như một dấu hiệu tiết lộ về căn tính của Đức Giêsu và mối quan hệ đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa – thật sự một vài người trong số họ đã bắt đầu đi theo hướng này - những người Pharisiêu đã quay trở lại câu hỏi “làm sao” (comment): “Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh? Làm sao bây giờ anh ấy nhìn thấy được?’” (9, 19)

Không có vấn đề gì khi trả lời câu hỏi đầu tiên: “Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh" (9,20). Câu trả lời thứ hai đi theo hướng khác: “Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được” (9, 21). Vì vậy, không giống như con trai mình, cha mẹ anh không dám thỏa hiệp với Đức Giêsu.

Tuy nhiên, qua cách trình bày, tác giả gợi ý rằng họ tin vào Ngài, đã nhìn thấy Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế ở nơi Ngài: “Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do Thái. Thật vậy, người Do Thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó!’” (9, 22-23)

4) Người Pharisiêu và người mù – Lần thứ II (9, 24-34)

Với mười một câu mô tả giai đoạn cuối của cuộc thẩm vấn, đây là cảnh phức tạp nhất trong toàn bộ trình thuật. Một lần nữa, những người Pharisiêu gọi người mù được chữa lành và nói với anh lời xác quyết: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi" (9, 24). Người vừa được Đức Giêsu mở mắt đã phản ứng ngay: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (9,25).

Từ chối kể lại sự kiện, người mới được nhìn thấy đã tiếp tục công kích bằng một câu hỏi xấc xược: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” (9, 27). Bị “bẽ mặt”, những người đối thoại mắng nhiếc lại, “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Môisê!” (9, 28). Cuộc chơi diễn ra như thế đấy. Những đại diện của giới tinh hoa này không chùn bước, ngay cả trước mâu thuẫn mà người mù bẩm sinh nêu ra: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi” (9, 31). Sau đó anh ta tiến thêm một bước: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (9,33). Nhận xét này khiến anh ta bị nguyền rủa: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? "Rồi họ trục xuất anh" (9, 34).

5) Đức Giêsu, người mù và những người Pharisiêu (9, 35-41)

“Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giêsu trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây". Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin". Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (9,35-38).

Xong rồi đấy, Đức Giêsu chỉ cần hái một trái đã chín muồi. Người mù đã đi đến cuối hành trình của mình. Điều dẫn anh đến với cuộc hành trình và đức tin vào Đức Giêsu là biết cách đối mặt với những câu hỏi và tranh cãi của người khác. Nếu những người khác không tra hỏi, vặn vẹo, lăng mạ, trục xuất anh, anh sẽ vẫn ở điểm xuất phát, vẫn là anh sau khi được bình phục. Đối với anh, Đức Giêsu vẫn là một người mà anh chỉ biết đến tên và không có ý định gặp mặt.

Trình thuật này liên quan gì đến chúng ta?

Và đây là những gì mà trình thuật về người mù bẩm sinh nói với chúng ta: Nếu bạn phải lội ngược dòng, nếu bạn phải sống trong một môi trường lạnh nhạt hoặc thù địch với Đức Giêsu, hãy đứng lên, hãy can đảm với niềm tin của mình. Điều ấy có thể đòi hỏi rất nhiều, và bạn phải nói những lời sắc bén. Nhưng việc dám làm chứng trước những luồng gió nghịch có thể trở thành một cơ hội để trưởng thành, một cơ hội để hình thành hoặc củng cố đức tin.

Ở ba chương sau đó (12, 37-46), Thánh Gioan sẽ đưa ra một loại đánh giá hoặc những chống đối tiêu biểu đối với Đức Giêsu vào giai đoạn cuối sứ mệnh của Ngài. Ba điều mà ông vạch ra tương ứng với những điều được trình bày ở chương 9. Trước hết, sự khép kín hay “không có đức tin” (12, 37-40), được những người Pharisiêu minh họa ở đây, sau đó là đức tin bị chôn vùi không dám không dám thổ lộ (12, 42-43), đại diện là cha mẹ của người mù. Cuối cùng là đức tin đích thực (12, 44-46). Qua trải nghiệm điển hình của người mù, thái độ này sẽ được gợi lên với những hạn từ như trong Tin Mừng Gioan chương 9: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (12, 46).

Vì vậy, để minh họa và cổ võ thái độ tích cực của đức tin – “để anh em tin” (Ga 20,30), Gioan đã không chọn kinh nghiệm của những người đã tin như Mátta và Maria (Ga 11), được kêu gọi lớn lên trong xác quyết của mình. Thay vào đó, chẳng phải đáng chú ý khi Gioan mô tả hành trình của một người khiếm thị phải dần dà tiến tới niềm tin vào Đức Giêsu, được thúc đẩy bởi những câu hỏi, phản đối và mỉa mai của người khác sao?

Tác giả: Michel Gourgues, O.P.
Collège Universitaire Dominicain, Ottawa

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Từ: Parabole, septembre 2024, Vol Xl, no 3, tr. 10-12

Hình: Chữa lành người mù bẩm sinh, Tranh của El Greco (1567), Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan

Nguồn: gpquinhon.net