Những lời cầu xin tha thứ được tiếp nối bởi ban nhạc Misericordias Domini và ca đoàn của cộng đoàn Congo ở Rôma, dưới cái nhìn của Chúa Kitô trên Thập giá của thánh Đamianô, vốn đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của Người Nghèo ở Assidi. Những phát biểu của các Hồng y do Đức Giáo hoàng soạn thảo đã được Đức Hồng Y Oswald Gracias khởi sự. Đức Tổng Giám mục Bombay ở Ấn Độ đã cầu xin sự tha thứ cho tội thiếu can đảm “trong việc tìm kiếm hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia”. “Kiến tạo hòa bình đòi hỏi lòng can đảm: nói có với gặp gỡ và nói không với đối đầu; nói có để tôn trọng các hiệp ước và nói không với sự khiêu khích; nói có với sự chân thành và nói không với sự tính hai mặt.”

Đồng lõa trong việc im lặng xung quanh các vụ lạm dụng

Sau đó là ba chứng từ cá nhân của ba nạn nhân bị lạm dụng, chiến tranh và thờ ơ đối với việc di cư. Laurence Gien, người Nam Phi, bị lạm dụng năm 11 tuổi do một giáo sĩ Công giáo. “Nhiều người sống sót vẫn ẩn danh và không được lắng nghe, câu chuyện của họ bị che giấu bởi sự sợ hãi, lên án hoặc đe dọa. Khuôn mặt của các nạn nhân thường bị mờ đi, ẩn sau bức màn bí mật mà Giáo hội, trong lịch sử, đã đồng lõa duy trì”, ông nói và đồng thời coi sự thiếu minh bạch từ phía Giáo hội là một yếu tố để duy trì cuộc khủng hoảng. Sự thờ ơ là trọng tâm của lời chứng tiếp theo của bà Sara Vatteroni, giám đốc khu vực của Tổ chức Di dân Toscane, cùng với Solange (người gốc Bờ Biển Ngà), đến từ giáo phận Massa và Carrara Pontremoli.

Chào đón những “người sống sót” sau cuộc di cư

Tại các cảng của chúng ta, trên các bờ biển của chúng ta, những người sống sót, những người thành công đã đến. Họ là những “người sống sót”, những người di cư, mà do sự xoay vần của số phận, đã lên đúng con thuyền không bị chìm, đúng lúc vì không có bão lớn, và vào đúng vùng biển vì chỉ có sau vài ngày lênh đênh trên biển họ đã được phát hiện và cứu sống. Tất cả điều này giống như một trò chơi tàn bạo của số phận, trong đó chúng ta là ‘khán giả’ bởi vì chúng ta chỉ có thể chờ đợi trên bờ những người sống sót“, bà tuyên bố và khẳng định rằng bà muốn làm chứng ở đây về “ một nhân loại mới“: của những người đồng hành với mọi người để trở thành những con người, của những người nữ giúp đỡ người nữ trở thành người nữ, của những người chào đón người lạ, và người lạ đã đến bến cảng của họ và là người ở nơi họ.

Những tia sáng nhỏ trong chiến tranh

Cuối cùng, một nữ tu người Syria đến từ Homs, sơ Deema Fayyad, đã chia sẻ những kỷ niệm đau buồn của mình về chiến tranh. “Chiến tranh thường có thể nêu bật những điều tồi tệ nhất trong chúng ta, bộc lộ sự ích kỷ, bạo lực và tham lam. Nhưng nó cũng có thể nêu bật những điều tốt đẹp nhất trong chúng ta: khả năng kháng cự, đoàn kết trong tình liên đới, không nhượng bộ trước hận thù,” sơ nhấn mạnh và đồng thời kêu gọi dấn thân cho sự kháng cự bất bạo động, mà về sau trở thành “một lời phàn nàn thầm lặng nhưng mạnh mẽ chống lại những người thu lợi từ chiến tranh, buôn bán vũ khí, chinh phục đất đai hoặc tăng cường quyền lực của họ.” “Điều này có vẻ không tưởng, nhưng không phải vậy. Chúng tôi đã trải nghiệm điều đó, với tư cách là một cộng đồng, cố gắng thắp sáng những tia sáng nhỏ trong bóng tối của chiến tranh. Chúng tôi đã cố gắng tạo ra những khả năng gặp gỡ và cơ hội cho những người trẻ tuổi, cố gắng tạo ra những không gian cho đối thoại và phát triển, vốn những điều cơ bản để xây dựng lại các mối quan hệ và hy vọng cho tương lai”.

Xin lỗi vì sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ…

Đức Hồng y người Canada Michael Czerny đã cầu xin sự tha thứ, cảm thấy xấu hổ “vì những gì chúng tôi, những tín hữu, đã làm để biến công trình tạo dựng từ khu vườn thành sa mạc, thao túng nó theo ý muốn, và vì những gì chúng tôi đã không làm để ngăn chặn nó”. Vị Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã nói về các quyền và phẩm giá bị vi phạm của các dân tộc bản địa, sự đồng lõa của các hệ thống ủng hộ chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân. “Tôi cầu xin sự tha thứ vì đã tham gia vào quá trình toàn cầu hóa sự thờ ơ trước những thảm kịch đang biến các tuyến đường biển và biên giới giữa các quốc gia từ con đường hy vọng thành con đường chết chóc đối với rất nhiều người di cư”.

…vì lạm dụng lương tâm, quyền lực và lạm dụng tình dục

Đức Hồng y Seán Patrick O’Malley đã cầu xin sự tha thứ cho tất cả những lần “mà chúng ta, những tín hữu”, đã đồng lõa hoặc trực tiếp phạm tội lạm dụng lương tâm, lạm dụng quyền lực và lạm dụng tình dục. Đức nguyên Tổng Giám mục của Boston cảm thấy “xấu hổ và buồn bã khi đặc biệt nghĩ đến việc lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, đã cướp đi sự vô tội và xúc phạm đến đặc tính thánh thiêng của những người yếu đuối và không có khả năng tự vệ”.

…vì phẩm giá của phụ nữ chưa được thừa nhận đầy đủ

Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã cầu xin sự tha thứ cho tất cả những lần mà phẩm giá của phụ nữ không được công nhận hoặc bảo vệ, “mà chúng tôi đã khiến họ câm lặng và phục tùng, và rất thường xuyên bị lợi dụng, đặc biệt là trong điều kiện đời sống thánh hiến.”

…vì sự trơ ì đối với người nghèo

Về phần mình, Đức Hồng y Cristóbal Lopez Romero đã cầu xin sự tha thứ nhân danh toàn thể Giáo hội, xấu hổ vì đã quay lưng lại với người nghèo, thích trang điểm cho bản thân và bàn thờ bằng những thứ quý giá tội lỗi vốn lấy đi bánh mì từ người đói: “Tôi cầu xin sự tha thứ, cảm thấy xấu hổ vì sự trơ ì đã ngăn cản chúng tôi chấp nhận lời kêu gọi trở thành một Giáo hội nghèo của người nghèo và khiến chúng ta nhượng bộ trước sự cám dỗ của quyền lực và sự xu nịnh của những địa vị cao nhất và những danh hiệu hão huyền”, ngài tuyên bố khi nhắm vào căn bệnh tự quy chiếu nơi các không gian Giáo hội, coi thường sứ mạng ở các vùng ngoại vi về mặt địa lý và hiện sinh.

…vì đã nhồi nhét Tin Mừng

Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã bày tỏ sự xấu hổ của mình đối với đối với những lần, trong Giáo hội, các mục tử đã không bảo vệ và đề nghị Tin Mừng như một nguồn sống của sự mới mẻ vĩnh cửu, bằng cách “nhồi nhét” Tin Mừng và có nguy cơ giảm thiểu Tin Mừng thành một đống đá chết chóc để ném vào người khác. Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández nói: “Tôi cầu xin sự tha thứ, tôi xấu hổ vì tất cả những lần chúng tôi đã đưa ra những biện minh về mặt giáo lý cho những cách đối xử vô nhân đạo”.

…vì tất cả những trở ngại đối với tính hiệp hành

Cuối cùng, ĐHY Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Vienna ở Áo, đã cầu xin sự tha thứ vì “tất cả những trở ngại đặt ra trong việc xây dựng một Giáo hội thực sự hiệp hành, giao hưởng, ý thức trở thành dân thánh của Thiên Chúa cùng nhau bước đi, nhìn nhận phẩm giá phép rửa chung của họ”.

Tôi xin sự tha thứ, tôi xấu hổ vì đã bao lần chúng ta không lắng nghe Chúa Thánh Thần, thích lắng nghe chính mình hơn, bảo vệ những ý kiến và ý thức hệ làm tổn thương sự hiệp thông của tất cả mọi người trong Chúa Kitô, mà Chúa Cha mong đợi vào ngày tận thế. Tôi xin sự tha thứ, tôi xấu hổ vì những lần chúng tôi đã biến quyền bính thành quyền lực, bằng cách bóp nghẹt tính đa nguyên, không lắng nghe người ta, gây khó khăn cho rất nhiều anh chị em tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, mà quên mất rằng trong lịch sử, bởi niềm tin vào Chúa Kitô, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành những viên đá sống động của ngôi đền duy nhất của Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho chúng con,” ngài kết luận, trước khi nhường lại lời phát biểu cho Đức Thánh Cha.

Tý Linh

Chuyển ngữ từ: Vatican News

Nguồn: xuanbichvietnam.net