Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

THÁNH VỊNH 89 - CN XXVIII TN B

 THÁNH VỊNH 89

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Bối Cảnh

Thánh vịnh 89 vừa được ca lên là một thánh vịnh rất đặc biệt. Điều đặc biệt xuất hiện ngay ở câu đầu tiên của Thánh vịnh. Câu này cho ta thấy Thánh vịnh 89 là thánh vịnh duy nhất được gán cho Môsê với tựa đề: Lời cầu nguyện của Môsê, người của Thiên Chúa. Tại sao Môsê được đề cập ở đây? Vịnh gia nhắc đến Môsê ở đây có ý dẫn chúng ta quay trở lại với cuộc Xuất hành của nhà Irael ra khỏi Ai Cập. Trong cuộc Xuất hành Môsê đóng vai trò như người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel; ông là một ngôn sứ vĩ đại, một nhà lãnh đạo tài tình, và trên hết ông là kiểu mẫu của đời sống cầu nguyện. Ông cầu nguyện cho kẻ thù là Pharaô khi ông gặp những bệnh dịch (x. Xh 8-10); ông cầu nguyện cho người thân là chị Mariam khi bà mắc bệnh phong cùi (Ds 12,9-13); ông cầu xin cho những người đã nổi loạn (x. Ds 14,1-19) và khi rắn độc giết hại dân chúng (Ds 21,4-9); ông cũng cầu nguyện cho chính mình khi gánh vác những trọng trách quá nặng nề (Ds 11,10-15). Trong cầu nguyện, Môsê đã thấy Thiên Chúa và thưa chuyện với Người diện đối diện, như thể một người nói với bạn mình.

Trong bối cảnh Israel phải đương đầu với những thế lực nước ngoài, những chia rẽ nội bộ và những yếu đuối tội lỗi nơi con cái Israel, trong bối cảnh Israel dường như trở lại vạch xuất phát mà không có kỳ vọng được xuất hành, vịnh gia đã lấy danh Môsê mà kêu cầu với Chúa, ngõ hầu lời cầu nguyện của ông được Chúa thương nhận lời.

Thánh vịnh phản ánh một thực tại lịch sử về cuộc lưu đầy cũng như những cơn khủng hoảng của một dân tộc hay một cá nhân. Kết quả cần phải đợi, nhiều lúc cả tháng, cả năm. Con người phải kiên nhẫn mong chờ Chúa.

Bố cục và Ý nghĩa

Bố cục

Thánh vịnh 89 gồm 17 câu, có thể được chia thành bốn phần chính.

  • Phần nhập đề (cc. 1-2): lời tán tụng Thiên Chúa
  • Phần thân (cc. 3-6): cuộc đời con người mỏng manh và chóng tàn.
  • Phần tiếp theo (cc. 7-12): cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với con người
  • Phần kết (cc.13-17): mối tương quan được tái thiết, được hàn gắn.

Ý Nghĩa

Trước tiên chúng ta đến với hai cầu đầu của phần Nhập đề. Thánh vịnh khởi đầu với lời tán tụng Thiên Chúa và cũng là lời xác tín vào Thiên Chúa Đấng vĩnh hằng và yêu thương: “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi con trú ẩn.”

Sau lời tán tụng đầy xác tín này, vịnh gia bày tỏ những suy tư khôn ngoan về cuộc đời với bản chất mỏng manh, yếu đuối và  tội lỗi: “Chúa bắt phàm nhân trở về với cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” Suy tư này hướng chúng ta liên tưởng tới ngay những chương đầu của sách Sáng thế. Sau khi Ađam phạm tội, Thiên Chúa phán với ông, “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).

 Suy tư về số phận chóng tàn phai của con người cũng được diễn tả trong sách ông Gióp với những lời sau đây: “Còn nói chi kẻ cư ngụ trong ngôi nhà đất sét, đặt nền móng trên cát, trên bụi, bị chà đạp chẳng khác côn trùng. Một sớm một chiều chúng bị nghiền nát, rồi biến dạng, chẳng còn ai để ý lưu tâm” (Gióp 4,19-20). Bởi vậy, vịnh gia cảm nghiệm sự hiện hữu của con người mỏng manh “như cỏ đồng trổi mọc ban mai nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn” (Tv 90,6).

Con người, ngoài tính mỏng giòn yếu đuối, còn thêm biết bao nhiêu những tội lỗi: “Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài, lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ. Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.” (cc.8-9).

Nói chung, cuộc đời con người “tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (c. 10). Thế nên, Thiên Chúa dạy chúng ta biết đếm ngày đời mình sống ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan, nghĩa là chúng ta biết mình cần đến Chúa, cần đến ân sủng và tình thương của Người.

Vịnh gia xin Chúa ban ân sủng để có thể hưởng nếm hương vị của niềm hy vọng. Chỉ nhờ ân sủng của Chúa, công việc của con người mới được ổn định và bền vững: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (c. 17).

Truyền thống

Hôm nay, trong bối cảnh nhân loại đang trìm sâu trong sợ hãi, tuyệt vọng, mất đức tin vào Thiên Chúa Đấng hằng hữu và yêu thương.

Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta hãy xin Chúa một ánh quang vĩnh cửu soi chiếu trên cuộc đời chúng ta cũng như công việc của chúng ta. Với sự hiện diện của ân thiêng trong chúng ta, một ánh sáng sẽ chiếu toả trên đường đời đang qua đi của chúng ta và sự sầu khổ sẽ biến thành vinh quang, những gì mờ ảo sẽ rõ ràng như ban ngày.

Mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô cho chúng ta khả năng “để ngày ngày được hớn hở vui ca”. Mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô là nguồn mạch sự sống của chúng ta vượt trên sự chết. “Sau khi được cảm nghiệm niềm vui từ biến cố Đức Kitô phục sinh, nơi Người chúng ta tin tưởng một ngày kia chúng ta cùng được sống lại, thên nên bây giờ chúng ta sống với niềm vui những ngày còn lại trong đời sống chúng ta.” Với những bài thánh ca và thánh vịnh chúng ta ca tụng Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét