I/ QUY CHẾ

Nghi thức kết thúc gồm có: a) Vài lời bảo vắn tắt, nếu cần; b) Lời chào và chúc lành của linh mục. Trong một số ngày và một số trường hợp đặc biệt, lời chúc lành này có hình thức một lời nguyện trên dân chúng hay một công thức chúc lành trọng thể hơn; c) Lời giải tán dân chúng do phó tế hoặc linh mục, để ai nấy trở về với công việc làm ăn lương thiện của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa (QCSL 90).

II/ LỊCH SỬ & Ý NGHĨA

Trong Sách lễ Rôma, việc thông báo những điều cần thiết được thực hiện ở những chỗ khác nhau và thói quen này phát triển ở một số vùng trong thời Trung cổ khi Lời nguyện Tín hữu biến mất và các thông báo được chèn thay vào. Cuối thế kỷ VII, sách Ordo Romanus I cho biết: trong phụng vụ Giáo hoàng, việc thông báo được thực hiện lập tức sau hồi hiệp lễ của Đức Giáo hoàng và trước phần hiệp lễ của giáo sĩ cũng như giáo dân. Bấy giờ, thầy tổng phó tế sẽ “rao lịch phụng vụ”, tức loan báo/thông báo ngày giờ và nơi chốn (tên của nhà thờ) Thánh lễ chặng viếng (Statio) mà ĐGH cử hành lần tới, có lẽ vì nhiều người không rước lễ sẽ rời khỏi nhà thờ. Sau lời loan báo, dân chúng sẽ đáp lại “Tạ ơn Chúa.”[1] Sách Sacramentarium Gelasianum cũng cho biết: trước phần hiệp lễ, có những thông báo được đưa ra đề cập đến những ngày chay thánh/thống hối công khai, nghi lễ tiền rửa tội, lời nguyện cho bệnh nhân và những ngày lễ mừng các thánh.[2]

Kết thúc bài giảng cũng là một thời điểm thích hợp để đưa ra thông báo. Chẳng hạn, khi kết thúc những bài giảng Ngày Bốn mùa, Đức Lêô Cả (440-461) đã nhắc nhở các tín hữu về những ngày chay tịnh trong tuần lễ tới và mời gọi họ tham dự đêm canh thức vào Chúa nhật tuần sau. Bởi vậy mới tồn tại cho tới gần đây thói quen đưa vào bài giảng lời loan báo trong Thánh lễ tại các giáo xứ.[3]

Hiện nay, việc thông báo được thực hiện ngay lập tức sau lời nguyện hiệp lễ,[4] và nội dung thì cần vắn tắt: chỉ đề cập đến những vấn đề quan trọng liên quan đến các tín hữu nhằm nhắc nhở bổn phận quan tâm chăm sóc của họ đối với nhau và mối tương quan của họ với nhau trong Đức Kitô chứ không phải là thời gian đọc các tin tức trong bản thông tin hay những gì đã được in trên các website của giáo xứ (x. NTTL 140; QCSL 90a; 184).[5]

Người loan báo thông thường là phó tế vì trước đây, thường chỉ các phó tế phụ trách phần loan báo bởi vì do sứ vụ hàng ngày của mình, thầy biết ai là người ốm đau hoặc biết rõ nhu cầu bác ái của cộng đoàn cũng như các biến cố theo lịch của cộng đoàn trừ phi linh mục mong muốn chính mình loan báo (x. QCSL 184). Tuy nhiên, nên để cho những người chuyên trách - có thể là một thành viên khác trong cộng đoàn – đọc những thông báo này.[6]

III/ MỤC VỤ

1/ Nói rằng “Nếu có những thông báo cần thiết, có thể nói cách vắn tắt” (NTTL 140) nghĩa là chỉ thực hiện khi cần thiết và nói vắn tắt vừa đủ để cộng đoàn vẫn có thể đứng mà không mỏi mệt.[7] Trong một số trường hợp rất đặc biệt, thời gian thông báo có thể dài hơn các Thánh lễ thông thường. Vào những dịp đặc biệt, như lễ truyền chức/khấn dòng, thời gian này có thể được sử dụng cho một bài cám ơn ngắn. Trong lễ tang, một bài điếu văn [ngắn gọn] có thể được đọc vào lúc này (x. NTTL 140; QCSL 90a, 166, 184).[8] Trừ phi linh mục mong muốn chính mình loan báo điều gì cho cộng đoàn. Bằng không, phó tế hoặc một người chuyên trách trong cộng đoàn có thể đưa ra những thông báo (QCSL 31, 184).[9]

- Tuy nhiên, (1) không được loan báo tin tức tại giảng đài, nếu kết thúc Thánh lễ tại ghế chủ tọa thì tốt nhất loan báo từ vị trí này, bằng không loan báo từ vị trí của giá sách khác (x. QCSL 309);[10] (2) không được thông báo trước lời nguyện hiệp lễ vì Phụng vụ Thánh Thể chưa kết thúc; (3) không nên dùng thời điểm “loan báo vắn tắt” này để (a) đọc lại tin tức/thông báo đã in trong bản tin rồi hay đã đăng trên website của giáo xứ rồi, hay (b) thực hiện những nghi thức dài dòng [như phát thưởng giáo lý, trao bằng khen, lời cảm ơn lê thê kèm theo tặng bông cho nhiều đối tượng…] vì sẽ làm mất đi vẻ đẹp của Thánh lễ qua tiêu chí tỉ lệ cân xứng cũng như làm cho Thánh lễ trở nên nặng nề và xao nhãng. Những việc này nên làm sau Thánh lễ, tức là khi chủ tế đã chúc bình an và giải tán xong;[11] (4) Nên xuất bản/cho đăng những thông tin cần thiết, những thay đổi bất thường trong bản tin giáo xứ (in ra/website) để mọi người có thể đọc và nhớ chúng dễ dàng.[12]

- Đúng ra, đây phải là thời gian dành cho việc loan báo mục vụ vắn tắt với những điều quan trọng liên quan đến cộng đoàn và cử hành phụng vụ tuần tới như một lời nhắc nhở rằng chúng ta liên đới với nhau trong Đức Kitô và bổn phận của chúng ta là chăm lo cho nhau.[13]

2/ “Nếu thấy cần để một giáo dân thông báo tin tức hay trình bày một chứng từ đời sống kitô-hữu cho các tín hữu tụ họp trong nhà thờ, cách chung nên làm việc này ngoài Thánh lễ. Nhưng mà, vì những lý do nghiêm trọng, được phép trình bày loại thông báo hay chứng từ này khi linh mục đã đọc xong lời nguyện hiệp Lễ. Tuy nhiên, một việc làm như thế không được trở thành thói quen. Lại nữa, những thông báo và chứng từ này không được có những đặc tính có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng, và cũng như không là nguyên nhân để loại bỏ hoàn toàn bài giảng” (Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 74).

_______

[1] X. Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 630.

[2] Trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 152.

[3] X. Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 119.

[4] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 131.

[5] X. Joy Ann Zimmerman, “The Mystagogical Implications”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 646.

[6] J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 403.

[7] Joseph M. Champlin, The Mystery and Meaning of the Mass (Quezon: claretian Publications, 2001), 121.

[8] X. Edward McNamara, “Reading of Notices After Communion” (20 Sep. 2016), acc. 12/03/2024, https://www.ewtn.com/catholicism/library/reading-notices-after-communion-4823.

[9] J. Gelineau, “Chia Sẻ Bánh,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II, 403.

[10] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 177-178.

[11] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), nos. 90, 166.

[12] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 212.

[13] X. Joyce Ann Zimmerman, 646; Champlin, 121.