ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Thính Đường Phaolô VI

Thứ Tư, 11/10/2006

Thánh Simon và Thánh Giuđa

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về hai vị trong nhóm các tông đồ. Đó là Simon, người Canaan, và Giuđa Tađêô (xin đừng lẫn lộn với nhân vật Giuđa Ítcariốt). Chúng ta tìm hiểu cả hai vị cùng một lúc không chỉ bởi các ngài luôn được đặt cạnh nhau trong bản danh sách Nhóm Mười Hai [Cf. Mt 10,3,4; Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13], nhưng còn bởi có quá ít thông tin về các ngài, trừ một điều là quy điển Tân Ước lưu giữ một lá thư được gán cho tông đồ Giuđa Tađêô.

Biệt hiệu của tông đồ Simon thay đổi trong cả bốn bản danh sách. Trong khi Mátthêu và Máccô mô tả ngài là “người xứ Canaan”, thì Luca lại mô tả ngài là “người nhiệt thành”. Thực tế, hai cách mô tả này tương đương nhau, bởi chúng có cùng một ý nghĩa. Trong tiếng Hípri, động từ qanà có nghĩa là “nhiệt thành, hăng hái”, có thể áp dụng cho cả Thiên Chúa lẫn con người. Áp dụng cho Thiên Chúa vì Người tận tâm chăm sóc Dân mà Người đã tuyển chọn [Cf. Ex 20,5]. Áp dụng cho con người để nói lên tinh thần nhiệt thành, phục vụ Thiên Chúa, với lòng kính mến sâu sắc, tựa trường hợp của ngôn sứ Êlia [ Cf. 1V 19,10].

Vì thế, quả rất thích hợp để áp dụng biệt hiệu này cho tông đồ Simon dù ngài không phải là thành viên của nhóm dân chúng theo phong trào nhiệt thành chủ nghĩa dân tộc. Ít ra, ngài cũng nổi bật là người gắn bó sâu đậm với căn tính Do Thái của mình, từ đó, có thể suy ra, ngài cũng gắn bó với Thiên Chúa, với Dân Người và Lề Luật.

Nếu điều đó là đúng thì Simon thuộc tầng lớp hoàn toàn khác với Mátthêu (một người thu thuế bị chống đối, bởi công việc ông đang làm thì dân chúng lại coi đó là dơ bẩn). Điều này chỉ ra rằng Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ, các cộng sự viên, mà không có bất cứ sự loại trừ nào, họ được kêu gọi từ những hoàn cảnh tôn giáo và xã hội rất khác biệt. Đức Giêsu chú trọng những con người chứ không phải bận tâm họ thuộc thành phần xã hội nào hay mang nhãn hiệu nào. Họ là những người quan tâm đến Đức Giêsu, không lệ thuộc tầng lớp hay đẳng cấp xã hội. Và điều tuyệt vời nhất, trong nhóm những người đi theo Đức Giêsu, dẫu có nhiều khác biệt, nhưng tất cả vẫn chung sống cùng nhau, vượt qua những khó khăn đến độ không tưởng. Điều gắn kết các môn đệ lại với nhau chính là Đức Giêsu. Trong Người, tất cả các ông đều nhận ra bản thân cần phải liên kết với người khác.

Đây là một bài học đáng giá cho chúng ta, vốn là những người dễ bị cám dỗ, hay chú ý tới những điểm khác biệt, thậm chí là đối chọi với người khác, mà quên rằng trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được ban tặng sức mạnh để cải thiện những xung đột liên tục giữa chúng ta. Hãy nhớ rằng Nhóm Mười Hai là biểu tượng của Giáo hội, nơi đó phải có không gian cho mọi đặc sủng, cho mọi dân tộc và sắc tộc, cho mọi phẩm tính nhân loại vốn tìm thấy sự gắn kết và hợp nhất của nó trong sự hiệp thông với Đức Giêsu.

Giờ đây, chúng ta cùng hướng đến tông đồ Giuđa Tađêô. Đó là danh xưng mà truyền thống đã dành cho ngài, được kết hợp bởi hai tên gọi khác biệt. Thực tế, trong khi Mátthêu và Máccô đơn giản chỉ gọi ngài là “Tađêô” [Mt 10,3; Mc 3,18], thì Luca lại gọi ngài là “Giuđa, con ông Giacôbê” [Lc 6,16; Cv 1,13].

Danh xưng “Tađêô” có nguồn gốc không chắc chắn và được giải thích theo hai hướng: một là, nó bắt nguồn từ tiếng Aram, taddà, có nghĩa là ngực và sẽ gợi lên một sự hào hiệp, cao thượng; hai là viết tắt của một danh xưng Hy Lạp, “Teodòro, Teódoto”.

Rất ít dữ kiện về ngài được truyền lại cho chúng ta. Duy nhất chỉ có thánh Gioan đề cập đến một câu mà Giuđa Tađêô hỏi Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” [ Ga 14,22]

Đây là một vấn nạn mang tính thời sự, là điều mà chúng ta cũng sẽ nói với Chúa: tại sao Đấng Phục Sinh không mặc khải chính mình cho các kẻ thù của Người trong vinh quang trọn vẹn, để chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Đấng chiến thắng? Tại sao Người chỉ tỏ mình ra cho các môn đệ? Câu trả lời của Đức Giêsu rất mầu nhiệm và sâu sắc: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” [Ga 14,23].

Câu trả lời này có nghĩa là Đấng Phục Sinh phải được xem thấy, phải được đón nhận bằng tâm hồn, và chỉ như thế, Thiên Chúa mới tiếp tục ở lại với chúng ta. Đức Kitô không xuất hiện như một cái gì đó mà thôi. Người khao khát đi vào đời ta, và vì thế, sự bày tỏ của Người là một cuộc mặc khải, trong đó ngụ ý và bao hàm một tâm hồn rộng mở. Chỉ với cách thức như thế, chúng ta mới có thể nhìn thấy Đấng Phục Sinh.

Tác giả của một lá thư thuộc quy điển Tân Ước, được xếp vào loại “thư chung” vì không chỉ được gửi đến một Giáo hội địa phương cụ thể nào, nhưng có ý gửi đến một phạm vị rộng lớn hơn, được cho là của Giuđa Tađêô. Trên thực tế, lá thư ấy gửi “cho những người được kêu gọi, được Thiên Chúa là Cha yêu mến, và được dành riêng cho Đức Giêsu Kitô” [Gđ 1].

Ý tưởng chủ đạo của lá thư này là thức tỉnh các Kitô hữu, giúp họ chống lại những ai đang viện cớ về ân sủng của Thiên Chúa mà sống phóng túng, làm bại hoại và lung lạc tinh thần người đồng đạo bằng những giáo huấn không thể chấp nhận được, gây chia rẽ Giáo hội “trong cơn mê sảng của họ” [Gđ v. 8].

Đó là những lời thánh Giuđa nhận định về đạo lý và ý tưởng riêng tư của họ. Ngài thậm chí còn so sánh họ với những thiên thần sa ngã, và không tiếc lời, ngài nói rằng “họ đi vào con đường của Cain” [Gđ v. 11]. Hơn nữa, ngài cũng không ngần ngại khi quy gán họ như là “những đám mây không nước, cuốn theo chiều gió; cây cối mùa thu không trái, chết hai lần, bị nhổ tận rễ; sóng biển hung dữ, tung bọt là những hành vi bỉ ổi của họ; những vì sao lạc, u ám tối tăm là nơi dành cho họ đến muôn đời” [Gđ vv. 12-13].

Ngày nay, có lẽ chúng ta không còn quen với việc sử dụng ngôn ngữ đậm tính bút chiến như vậy, nhưng kỳ thực, những ngôn từ ấy nói với chúng ta một vài điều quan trọng: giữa biết bao cám dỗ hiện tồn, cùng vô vàn dòng chảy sự sống, chúng ta phải gìn giữ căn tính đức tin của mình. Dĩ nhiên, con đường hòa nhã và đối thoại mà Công đồng Vatican II đã vạch ra một cách thích hợp, chúng ta cũng phải kiên định đi theo. Vậy hãy ghi nhớ, con đường đối thoại này, tuy rất cần thiết, nhưng không được làm chúng ta quên đi nhiệm vụ phải chuyên tâm ngẫm suy và làm nổi bật những khía cạnh chính yếu không thể bỏ qua của căn tính Kitô giáo. Hơn nữa, phải khắc ghi vào tâm trí một điểm quan trọng rằng căn tính của chúng ta đòi hỏi một thái độ can trường mạnh mẽ và sự khôn ngoan sáng suốt giữa những mâu thuẫn của thế gian, nơi chúng ta trú ngụ.

Vì thế, lá thư tiếp tục với những lời sau: “Nhưng anh em, hỡi anh em thân mến”- và đây là những lời vị tông đồ đang nói với chúng ta - “hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời; hãy thuyết phục những người do dự…” [Gđ vv. 20-22].

Lá thư kết thúc với những từ ngữ rất đẹp: “Xin kính dâng Đấng có quyền phép gìn giữ anh em khỏi sa ngã và cho anh em đứng vững tinh tuyền trước vinh quang của Người. Trong niềm hoan lạc, xin kính dâng Thiên Chúa duy nhất, Đấng cứu độ chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính dâng người vinh quang, oai phong, sức mạnh và quyền năng, trước mọi thời, bây giờ và cho đến muôn đời! Amen” [Gđ vv. 24-25].

Dễ nhận thấy rằng tác giả của những dòng này đã sống đến tình trạng viên mãn của đức tin. Những thực tại lớn lao như lối sống luân lý toàn vẹn, niềm hoan lạc vui tươi, sự tín thác và lời tán dương không ngừng, đều thuộc về đức tin ấy. Mọi sự được thúc đẩy bởi vẻ thiện hảo của một Thiên Chúa duy nhất, và bởi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Nguyện xin thánh Simon người Canaan và thánh Giuđa Tađêô giúp chúng ta biết khám phá ra vẻ đẹp luôn tươi mới của đức tin Kitô giáo, sống đức tin không mệt mỏi, đồng thời, mạnh mẽ làm chứng cho đức tin ấy bằng con đường hòa bình.

Nguồn: daminhvn.net (27/10/2024)