Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

GIỚI TRẺ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO

 GIỚI TRẺ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO

Chúa Nhật Truyền Giáo 


Chủ đề Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay là “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ dấn thân trong sứ mạng mang Tin Mừng cho tất cả mọi người, cho đến “tận cùng trái đất”.

Đức Thánh Cha nói rằng, mỗi người chúng ta được mời gọi để phản ánh một sự thật là “tôi là một nhà truyền giáo nơi thế gian này”, đó là lý do chúng ta đang ở đây trong thế giới này. “Mỗi người, nam và nữ là một nhà truyền giáo. Để được thu hút và để được sai đi là hai động thái” của trái tim “vì triển vọng tương lai của chúng ta cũng như định hướng cho cuộc đời của chúng ta”.

Truyền giáo là một sứ mạng thiêng liêng cao cả, khởi nguồn từ Thiên Chúa. Qua mọi can dự vào lịch sử loài người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm tất cả “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”.

Sứ mạng truyền giáo đã được trao phó cho Giáo Hội. Khi lập Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu cho thấy ý định trao phó sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội sau này (x. Mc 3,13). Trước khi rời các Tông đồ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trực tiếp ban mệnh lệnh truyền giáo cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), “Anh em hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Chính các Tông đồ và những cộng sự của các ngài đã thừa hành mệnh lệnh này một cách xuất sắc. Trải qua bao khó khăn dọc dài lịch sử, các ngài đã đem Tin Mừng Phục Sinh tới nhiều miền và cho nhiều tâm hồn. Hơn hai ngàn năm qua, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các thế hệ tông đồ truyền giáo đã nối tiếp nhau mang Tin Mừng đi khắp địa cầu. Như vậy, truyền giáo xuất phát từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô sứ mạng này đã được trao cho Giáo Hội, nhờ Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trung thành và nhiệt thành chu toàn sứ mạng cho đến ngày tận thế.Thực thi sứ mạng truyền giáo là chia sẻ cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, yêu thương đến cùng, yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. Truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống.

I. Nội dung truyền giáo

Nội dung truyền giáo có 4 công việc quan trọng.

a. Truyền giáo là Rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Rao giảng là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Truyền giáo là “loan báo Tin mừng”.

b. Truyền giáo là “thiết lập cộng đoàn các môn đệ”, cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô, cộng đoàn này chính là Giáo Hội. Chúa Giêsu nói rõ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

c. Truyền giáo là “cử hành Phụng vụ và các Bí tích”. Chúa Giêsu cũng nói rõ: “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Các Bí tích thuộc về Nhiệm cục Cứu độ của thời đại Tân Ước, được Chúa Giêsu thiết lập, để qua đó ban ơn cứu độ cho con người.

II. Truyền Giáo theo gương Chúa Giêsu

Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu.

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi với 4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Chúa Giêsu đến với họ, cho họ thấy, Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người. Chúa Giêsu hiến thân đến tột cùng vì tình yêu.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng hãy theo gương Thầy, đem Tin Mừng đến cho 4 hạng người đó. Đây cũng là sứ mạng truyền giáo của mỗi Kitô hữu. Nói cách khác, truyền giáo là yêu như Chúa Giêsu yêu. Chúa dành tình yêu đặc biệt cho 4 hạng người: người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo. Yêu người ngoại, yêu người tội lỗi, yêu người nghèo và người bệnh tật như thế là truyền giáo theo gương Chúa Giêsu.

Truyền giáo hôm nay phải là giới thiệu, là trình bày, là minh họa, là thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho những anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày nơi môi trường mình sống và làm việc. Đời sống của giáo dân là phương tiện truyền giáo hữu hiệu hàng đầu. Muốn truyền giáo, giáo dân phải có lòng đạo nhất định. Việc tái truyền giáo giúp tẩy xóa hay giảm bớt những cách sống phản Tin Mừng nơi người đã có đức tin. Thực tế, chẳng ai lại đi theo một cái Đạo mà ngay cả tín đồ cũng không thực hành Đạo. Cũng chẳng ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Tái truyền giáo sẽ giúp giáo dân đong đầy hành trang là những giá trị Tin Mừng cho cuộc sống, thay cho những lối sống buông thả và thiếu cố gắng xưa nay. Muốn giới thiệu Chúa cho người chưa biết Chúa, người giáo dân phải thấm nhuần đạo lý, sống trong thế thượng phong về luân lý, về đức bác ái và sự công bằng. Như thế, từng cá nhân, từng nhóm và cộng đoàn, mới dấn thân vào việc truyền giáo. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình… Như Công đồng Vaticanô II nói: Giáo dân phải hợp tác vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh; là những chứng nhân và đồng thời là những công cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh” (Ad Gentes, 41)”. 

III. Giới trẻ dấn thân truyền giáo

Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ hãy đi ra: “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín, trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày”.

Đức Thánh Cha hy vọng nhiều vào giới trẻ. Ngài nói: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”. 

Trong Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2018, Ngài mời gọi: “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x.Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối với một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.

Trọng tâm của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là sự lây lan của tình yêu, nơi đó niềm vui và lòng nhiệt thành được diễn tả bằng ý nghĩa mới khám phá và đầy đủ trong đời sống. Việc lan truyền của đức tin qua “sự thu hút” đòi hỏi những con tim biết cởi mở và biết đưa vòng tay ôm rộng vì tình yêu. (x.Sứ điệp Truyền giáo 2018). Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

Cuộc đời thật cần gương sáng. Gương sáng để đẩy lùi điều xấu. Gương sáng giúp cho xã hội bớt cái xấu và giúp cho cái tốt, cái thiện phát triển mạnh hơn. Gương sáng ở nơi gia đình sẽ giúp cho mọi thành viên sống tốt hơn. Gương sáng nơi học đường sẽ giúp cho nhà trường rạng rỡ hơn. Gương sáng giữa bạn bè sẽ giúp nhau thăng tiến. Gương sáng ở nơi môi trường sống sẽ đẩy lùi những tệ nạn, những trào lưu văn hóa xấu.

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo, thiết tưởng chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều gương sáng sống đạo, hơn là những người giảng thuyết mà thiếu gương sáng giữa đời. 

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là người trẻ, luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét