Trang

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

BỐI CẢNH TỤC HÓA VÀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ

BỐI CẢNH TỤC HÓA VÀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ




 “Thế tục chỉ những gì thuộc về đời này, ngược với thánh thiêng là những gì thuộc về đời sau. Như vậy thế tục thuộc về hạ giới chứ không phải thượng giới, là của con người chứ không phải của Thiên Chúa, là cái được tạo dựng chứ không phải tự dưng mà có, là nằm trong thời gian chứ không phải vĩnh cửu, là hữu hình chứ không phải thiêng liêng, là hợp lý và giải thích được chứ không phải là huyền nhiệm, là tương đối và bởi đó thay đổi theo thời gian, nơi chốn và hoàn cảnh chứ không phải là tuyệt đối, không phải là bất di bất dịch vì có liên hệ với Thiên Chúa bất biến và trong mức độ có liên hệ với Người”

Trên đây là ý nghĩa từ “thế tục” theo Tự Điển Công Giáo Phổ Thông của John A. Hardon (p.600).  Theo ý nghĩa đó, ta có thể hiểu “thế tục hóa” (duy thế tục, tục hóa, làm cho trở nên thế tục) chỉ về một trào lưu thượng tôn thế tục trên thánh thiêng, hạ giới trên thượng giới, thời gian trên vĩnh cửu. Nó chủ trương loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người, và coi các thực tại nhân bản hoàn toàn tuyệt đối độc lập khỏi Thiên Chúa; muốn con người sống như không có Thiên Chúa.

Với 42 lần được sử dụng, từ ‘tục hóa’ gần như rải đều suốt 246 trang của “tài liệu làm việc” của Đại hội Giáo lý Toàn quốc 2014, cho thấy vấn đề đã được Ban Soạn thảo quan tâm và mổ xẻ rất kỹ. Tục hóa hay thế tục hóa xuất hiện trong tài liệu như một danh từ chỉ một tình trạng. Thế nhưng trước khi là một danh từ, tục hóa là một động từ (séculariser, to secularize). Dưới đây con xin mượn lại các dữ liệu trong Kinh Thánh để cho thấy rõ hơn về tục hóa: Ai tục hóa? Ai bị tục hóa? Tục hóa cái gì? Tục hóa ở đâu? Tục hóa khi nào? Tục hóa cách nào? Và nhất là tại sao tục hóa? Tục hóa để làm gì? Trong phần tiếp theo, theo chỉ định của ban tổ chức hội nghị, con sẽ trình bày một ít nhận định về ảnh hưởng của não trạng tục hóa trong cách nghĩ và lối sống của người Việt cũng như trên việc giáo dục đức tin; từ đó con xin được đóng góp vài gợi ý cho việc mục vụ giáo lý trong một bối cảnh thế tục hóa.

1. CHUYỆN DÀI XUYÊN LỊCH SỬ

Từ Ađam tới đám lính canh mồ


Tục hóa không phải chỉ mới bắt đầu từ nửa thế kỷ nay hoặc từ cuối thế kỷ XVIII. Toàn cảnh lịch sử ơn cứu rỗi như là một cuộc giao tranh giữa thế tục và thánh thiêng cho đến ngày Nước Thiên Chúa hoàn toàn ngư trị khi Chúa Kitô lại đến trên trần gian. Có thể nói khi nguyên tổ loài người từ chối kế hoạch của Thiên Chúa và chạy theo kế hoạch riêng, họ đã bị tục hóa, tức là bị bẻ lệch hướng đi, chỉ hướng về thế tục, không còn hướng về Thiên Chúa nữa. Khi bất tuân lệnh Chúa, họ không chỉ là nạn nhân của một ai đó muốn tục hóa họ nhưng chính họ đã hưởng ứng sự tục hóa, đồng ý gạt chương trình Thiên Chúa sang một bên và theo đuổi một chương trình khác, có vẻ giàu hứa hẹn hơn. Tiếp đến, trong câu chuyện lụt đại hồng thủy Thiên Chúa đã lôi ông Nôê và gia đình ra khỏi biển nước trần đời ô trọc nhưng rồi đám người xây tháp Babel đã dìm họ trở lại trong bể thẳm của kiêu căng ngông cuồng loại trừ Thiên Chúa.

Ở đầu lịch sử dân Chúa, Thiên Chúa lại tách riêng vị tổ phụ Abraham khỏi bầu khí ngẫu tượng đa thần để tạo nên một dòng dõi mới và kết Giao ước, chọn họ làm một dân thánh thiêng, tức là thuộc riêng về Ngài. Thế nhưng ngay trong môi trường ống nghiệm được khử trùng này,  mầm tục hóa vẫn len lỏi vào và lịch sử dân riêng là lịch sử cuộc đấu tranh chống lại tục hóa. Trong dòng tục hóa dân Chúa, ta có thể kể đến sự coi thường quyền trưởng nam của Esau, sự lừa gạt của Giacóp, sự ghen tức các anh trút lên Giuse - một Giuse kiên nhẫn và giàu lòng tha thứ, sự vội vã của Môsê làm hỏng mất chương trình của Chúa phải đến 40 năm sau mới được Chúa trao tặng một cơ hội mới. Giao ước Sinai mời gọi Dân Chúa luôn sống theo ý Chúa, nhưng dân bất trung với Giao ước rồi lại hối lỗi trong sa mạc.

Sau việc Giôsua tái khẳng định Giao ước, là hai thế kỷ xen kẽ an và nguy thời các Thẩm phán. Kinh nghiệm thời Thẩm phán cho thấy rõ nét hơn bi kịch của Dân Chúa là luôn bị lôi kéo giữa đôi đàng, Thiên Chúa và trần thế, thiêng và tục. Sự kiện điển hình là Dân Chúa đã nằng nặc xin ban cho họ một vị vua, để họ được trở thành một quốc gia như các dân tộc xung quanh. Họ muốn biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc của nhân loại. Ngôn sứ Samuel thấy đó là dấu chỉ họ từ chối sự lãnh đạo của Thiên Chúa, không muốn thuộc về Thiên Chúa. Thế nhưng tình thương của Thiên Chúa bao trùm lên sự tự do bướng bỉnh của con người. Ngài vẫn chấp nhận mọi thách đố, vẫn dấn thân để lôi kéo Dân Ngài về phía Ngài. Vua Saul được chọn và bị loại bỏ, Đavít lầm lỗi và ăn năn, Salômôn rơi từ đỉnh khôn ngoan xuống sự mù quáng thờ ngẫu tượng khiến Dân Chúa bị chia đôi hai miền Nam và Bắc với những vị vua tồi tệ. Niềm hy vọng của các ngôn sứ là ở chỗ chính Thiên Chúa đi đầu trong cuộc chiến chống lại tục hóa. Chỉ cần Dân chịu để cho Thiên Chúa dẫn dắt là sẽ thắng. Nhưng Dân không chịu nghe. Những cuộc cải cách tôn giáo thật hiếm hoi và ngắn ngủi cho tới khi Dân Chúa lại được thanh luyện trong cảnh lưu đày: không đền thánh, không lễ bái … lòng mến Giavê thể hiện trong đời sống nội tâm và sự trung thành tuân giữ giới răn của Chúa.

Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy bởi lẽ sau thời lưu đày trở về, những hồ hỡi ban đầu phai nhạt dần, các lễ tế lại đã sớm bị biến thành chuyện hình thức nhạt nhẽo, đám tư tế và ký lục trở thành những kẻ chạy theo bề ngoài, vụ luật, vụ hình thức với những tập tục tỉ mỉ do con người bày đặt ra. Trong thời sau hết, Thiên Chúa quyết định đi vào trần gian, “Ngôi Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta”.  Chúa làm người để người trở thành con Chúa. Nhận ra cái thánh thiêng cao cả nằm trong cái phàm trần thô hèn trở thành một thách đố mà lắm người Do thái – và cả ta nữa - đã không vượt qua được.  Khi Đấng Cứu Thế đến họ có thể chỉ cho Hêrôđê biết nơi Ngài sinh ra nhưng chính họ thì không tin vào Ngài, đã chống lại Ngài, giết Ngài trên thập giá. Thập giá trong ý nghĩa sâu xa chính là thời điểm Thiên Chúa thi thố quyền năng và sức mạnh trên cái phàm trần. Con Thiên Chúa đã chịu chết và chịu an táng trong mồ không là thất bại nhưng là một chặng trong cuộc vượt qua tiến về sự sống mới. Khi Ngài đẩy tảng đá che cửa mồ bước ra thì những người lãnh đạo tinh thần của họ thay vì bừng tỉnh hướng về thượng giới, những sự cao siêu trên trời, họ lại bộc lộ tâm địa hạ giới, hành sử tệ hơn người vô tín là dùng tiền bịt miệng đám lính canh và dạy họ nói lời bịa đặt. Chẳng phải chỉ có các thủ lãnh, cả đám quần chúng đông đảo, như cỏ xuôi theo mọi chiều gió, luôn sẵn sàng hùa theo mọi làn sóng tục hóa, chỉ một chút lợi lộc nhỏ đủ khiến họ phủ nhận sự thật để làm chứng cho điều gian dối. Tuy nhiên cũng từ giữa đám đông dân chúng vẫn luôn tồn tại những hạt giống của trung tín và nhiệt thành; ta còn nhớ chuyện, khi ngôn sứ Êlia tưởng rằng trong cả nước chỉ còn một mình ông thờ phượng Thiên Chúa thì Chúa đã bảo ông rằng vẫn còn bảy ngàn người không chịu uốn gối trước Baal. Rất hay là lịch sử cuộc đấu tranh giữa cái thiêng thánh và cái phàm tục trong thời Cựu ước được thường xuyên đọc lại trong Phụng vụ để chúng ta thấy đó cũng là chuyện của hôm nay, của muôn thuở, nhưng hình như chúng ta ít khi dựa vào đó để tự nêu câu hỏi cho chính mình: tôi là ai, tôi đi về hướng nào.

Từ vợ chồng Anania và Saphira … đến mẹ các gái điếm


Rồi cuối thời Cựu ước, chỉ còn một nhóm nhỏ sót lại và Đức Kitô lại bắt đầu từ một hạt cải tí teo, biến nó thành nhúm men, vùi vào rá bột nhân loại. Đây là một Dân riêng mới, thuộc về Thiên Chúa. Họ ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 17,14-17). Lễ Ngũ Tuần đưa lại luồng gió mới của Giao ước mới, với cuộc sống lý tưởng chưa từng thấy, ‘chẳng ai kể cái gì mình có là của riêng nhưng mọi sự đều là của chung’. Thế mà chỉ ít lâu sau, các quả phụ gốc Hy Lạp đã không được quan tâm đủ, Anania và Saphira đã lừa dối Thánh Thần…

Giáo hội tiến bước trong hành trình đức tin giữa thăng trầm lịch sử không phải lúc nào cũng trung thành với sứ vụ thiêng liêng của mình. Bao nhiêu phen Giáo hội hiền thê trở nên xinh đẹp hơn nhờ luôn gắn bó với màu cờ thập giá Chúa Kitô trong cơn thử thách gian nan nhưng rồi khi cơn bách hại qua đi, các lạc thuyết mọc lên như nấm, các chức sắc đã ngoan ngoãn thỏa hiệp với thế quyền cho đến nỗi thế kỷ thứ mười được gọi là thế kỷ sắt, đòi phải có cuộc canh tân Cluny. Vừa trồi lên đã sụt xuống, phải có Phanxicô Assisi và Đa Minh chấn chỉnh, rồi lại thoái hóa đến độ nổ tung ra phong trào Tin Lành và xuất hiện các nhà cải cách từ bên trong như Inhaxiô Loyôla, Phêrô Alcantara, Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá… Rồi cuộc tục hóa lại chỗi dậy từ thời cách mạng Pháp ở cuối thế kỷ XVIII, tách nhà nước ra khỏi Giáo hội, bảo vệ tính cách độc lập của các thực tại trần thế nhưng đã trệch hướng đến độ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và tiến nhanh như vũ bão cho đến thiên niên kỷ mới chúng ta đang sống. Các chính phủ lần lượt tán đồng những chọn lựa ngược với luân lý Kitô giáo và cũng ngược với đạo lý cổ truyền: ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính, giúp chết êm dịu… Với mạng truyền thông chính dòng bị uốn cong theo cái nhìn duy thế tục, chuyện tục hóa muôn thuở nay mang một nét mới là đồng loạt, mọi mặt và có tổ chức… Người ta tìm cách đánh gục uy tín của Hội thánh Công giáo để dập tắt tiếng nói của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc, một tiếng nói luôn tìm cách bênh vực lẽ phải, công lý và tình thương…Người ta làm như vậy một cách nghiêm túc, hăng say, đầy xác tín, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2). Từ nửa sau thế kỷ XX, sự tục hóa đã đột biến thành một cơn lốc rất nhanh, đồng loạt, đồng bộ và rộng khắp khiến ta âu lo. Thế nhưng đó chỉ là chuyện đương nhiên ở giai đoạn cuối lịch sử ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã báo trước: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”  (Mt 24,12-13). Và “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Tác giả sách Khải huyền cho thấy cuộc chiến sẽ trở thành quyết liệt, khi Dân Chúa được tách làm đôi, một bên là người đàn bà lăng loàn, mẹ của các gái điếm, và một bên là Tân nương, hiền thê của Chiên Con là Đức Kitô Chúa.

Bản tóm lược trên đây giúp ta thấy việc tìm cách thoát khỏi tục hóa là một cuộc đấu tranh không thể tương nhượng. Trong dòng lịch sử luôn tồn tại một lực đẩy người ta hướng hẳn về những điều thế tục, cái hạ giới, để làm cho họ thôi hướng về Chúa Kitô và Cha Ngài, phủ nhận các giá trị Kitô giáo. Không những bên trong mà cùng lúc, bên ngoài Kitô giáo người ta cũng có dạng tục hóa với nghĩa tương tự: từ chối hướng về thế giới tâm linh, phủ nhận các giá trị tâm linh và hướng hẳn về những điều thế tục. Như thế, tục hóa không chỉ là giải trừ Kitô giáo nhưng còn là phủ nhận Thiên Chúa Tạo Hóa, đơn giản là một thái độ vô thần thực hành – dù trong xã hội người ta mang danh nghĩa tín hữu hay giáo sĩ.

Kẻ chủ mưu


Đàng sau sự kiện tục hóa, có một kẻ chủ mưu không ai khác hơn là Satan, đầu mục thế gian này. Các anh chị em Phật tử không đặt vấn đề Thiên Chúa nhưng đã khám phá ra đầu mối của mọi tệ hại là “chấp ngã”, chọn mình, chính nó đẻ ra tam độc là tham, sân, si để rồi lao theo đủ mọi thứ cuồng mê vọng tưởng. Còn Kitô giáo gọi đích danh Satan.

Điều đáng sợ là Satan đã làm cho người ta quên mất nó và cũng có một điều rất lạ là chúng ta thường ngại nhắc đến nó, làm như thể chỉ nhắc đến nó là đã thành kẻ cổ lổ, lỗi thời. Satan tìm cách tục hóa tất cả mọi người, không trừ ai. Thậm chí khi Con Thiên Chúa làm người, nó cũng tìm cách kéo Ngài về phía nó. Satan làm một phép thử đơn giản để chia đám đông thành hai nhóm: Một nhóm thích đi xuống và nhóm kia thích đi lên. Với nhóm thứ nhất, nó chào hàng điều xấu không úp mở và nhóm thứ hai nó rao bán điều xấu dưới nhãn hiệu điều tốt. Nó dạy cả hai nhóm cách ngụy biện để an tâm đi theo nó. Những thủ thuật của nó có lẽ chúng ta đây ai cũng đã có lần học qua ở các lớp tu đức hoặc các khóa linh thao. Điều đáng quan tâm là phải học được kinh nghiệm nhận định, nhận rõ đâu là ý Thiên Chúa, đâu là mưu chước Satan.

Mục tiêu của Satan là lôi con người ra khỏi định hướng đúng là hướng đến Thiên Chúa và thúc ép họ chỉ còn hướng về những điều thế tục. Như đã hành động ngay từ đầu lịch sử, nó tiếp tục hành động ngay ở bước đầu của mỗi đời người, bước đầu của mỗi giai đoạn đời, mỗi công cuộc, mỗi ngày, mỗi việc lớn nhỏ. Nó tìm cách bẻ lệch tay lái của ta rồi thúc ta chạy thật nhanh, càng chạy nhanh càng rời xa mục tiêu cần đến.

Nó lập trình đến tận từng chi tiết để chận bắt và giết hại từng linh hồn và toàn thể nhân loại. Âm mưu tục hóa của Satan đảo ngược mục tiêu của Thiên Chúa là thánh hóa:

Thiên Chúa thánh hóa ta,
tách riêng ta cho Chúa
Satan tìm cách tục hóa ta,
lôi ta ra khỏi Chúa
Ta được luôn hướng về Thiên Chúa,
lấy Chúa làm mục đích
Ta phải lo nghĩ về Tiền Của,
lấy Tiên của làm mục đích
Tin, cậy và yêu mến
Si, tham, sân
Sự thật và tình thương yêu
Gian dối và ích kỷ
Bảy nhân đức lớn
Bảy mối tội đầu

Và hạ nhục Thiên Chúa:

Chúa là Thiên Chúa duy nhất
è Quyền tối thượng của Thiên Chúa
“Ông bà sẽ nên như những Thiên Chúa”
è Tương đối hóa Thiên Chúa
è Thay Thiên Chúa bằng Tiền Của và các ngẫu tượng khác
Tin Thiên Chúa và vâng phục Ngài
 khiêm nhường bước đi trong sự thật
è Ngược với đức tin là lầm lạc. Tục hóa
kìm giữ con người trong sự lầm lạc, lạc lối về.
“Đức Kitô chỉ là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13,8). “Đức Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12)
Tương đối hóa Đức Kitô, chỉ còn là một giữa các giáo chủ.

Nạn nhân và đồng lõa


Hôm nay, anh chị em chúng ta ngồi lại đây như một ý thức quyết liệt muốn dấn thân vào cuộc đấu tranh triền miên để thuộc về Thiên Chúa và giúp người khác thuộc về Thiên Chúa. Thế nhưng vị Đại diện Chúa Kitô đến từ Mỹ Châu Latinh đã dõng dạc cảnh báo phải coi chừng kẻ nội thù có thể đang thản nhiên lèo lái cõi lòng mỗi chúng ta. Nó cung cấp cho mỗi chúng ta đủ những lý lẽ cao cả để thỏa hiệp.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Il Messagero”, ngày 29-6-2014, khi trả lời câu hỏi về tham nhũng thối nát, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Ta đang sống không hẳn trong thời đại có những thay đổi, mà là trong lúc đang có sự thay đổi cả một thời đại. Do đó, thay đổi cả một nền văn hóa…. Một thay đổi thời đại làm gia tăng sự suy đồi luân lý, không những chỉ trong chính trị, mà cả trong sinh hoạt tài chánh và xã hội nữa”. Nơi người Kitô hữu cũng có một thứ tham nhũng tâm linh, lạm dụng ơn Thiên Chúa ban để mưu đồ những công cuộc riêng, bên ngoài có vẻ rất tốt lành nhưng bên trong không phải là ý Chúa, như những kẻ nhân danh Chúa để nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ để rồi bị Chúa quở là làm điều gian ác và đuổi ra ngoài (x. Mt 7,21-23). Đức Thánh Cha Phanxicô có thể khiến ta rùng mình khi ngài vạch rõ tình trạng tục hóa không chỉ của quần chúng mà cả của các chủ chăn: “… Điều tương tự cũng xảy ra đối với các linh mục sợ mất thời giờ rảnh rỗi của mình. Lý do thường là vì người ta cảm thấy nhu cầu quá mạnh muốn bảo vệ sự tự do riêng của họ, họ coi nhiệm vụ loan báo Tin Mừng như thể là một chất độc nguy hiểm thay vì là một lời đáp hân hoan trước tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta truyền giáo, hoàn thiện bản thân và sinh hoa kết quả. Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng.” (Niềm Vui Tin Mừng, số 81). Chúa Giêsu đã nói “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8), thì không phải chỉ một vài người bị lừa gạt, mà là rất đông đảo, hầu hết, kể cả mỗi chúng ta đây, quý vị cũng như bản thân người đang nói, chúng ta không thể xem thường. Vâng, nghiêm chỉnh nhìn lại đời mình, ai trong chúng ta không băn khoăn tự hỏi nơi những gì đã và đang làm, có được bao nhiêu phần trăm là làm theo ý Chúa?

Sợi tơ vàng trói buộc


Satan đã đánh gục bao thế hệ và đang đòi đánh gục chúng ta bằng những cám dỗ làm điều tốt. Nó dẫn dụ ta bằng những sợi tơ tinh tế và dùng những sợi tơ ấy trói buộc ta vào các điều tốt giả từng bị Chúa nghiêm khắc kết án trong Mt 7,21-23.
- Sợi tơ chủ quan phiến diện: Chúng ta không tương nhượng nhau, ngay đến Thánh danh Chúa Cứu Thế, ta có gần một chục cách viết khác nhau, không ai chịu nhường ai.

- Sợi tơ giả đạo đức: Chúng ta chịu ảnh hưởng của xã hội xung quanh, làm y hệt người đời, chất gánh nặng lên vai người khác, còn chính mình không chạm một ngón tay lay thử. Đầy những lời hô hào rất mạnh mẽ: (Ngoại trừ tôi) nào tất cả chúng ta hãy cùng nhau tiến lên. Làm sao có được chúng ta nếu không có bản thân mình trong đó? Thế nhưng đó lại là chuyện rất phổ biến cả ngoài đời lẫn trong đạo hiện nay.
- Sợi tơ ham tiền, ham danh.
- Sợi tơ trốn trách nhiệm.
- Sợi tơ thành tích, chạy theo số lượng bên ngoài. Ta đếm số tín hữu mà quên hỏi xem trong đó có được mấy chứng nhân.
- Sợi tơ điều phụ, bỏ quên điều chính. Lễ hội rình rang.

- Sợi tơ ghen tị, phủ nhận người khác, kết án người khác. Người Việt không có lịch sử, ta không biết nhìn nhận lẫn nhau, cờ đến tay là đạp đổ tất cả để bắt đầu lại từ zéro. Triều đại sau phủ nhận triều đại trước, cha sở mới đến dẹp bỏ hết những chuyện cha sở cũ dày công gầy dựng, ủy ban mới được bầu lên làm lại tất cả và thường chưa chắc đã bằng ủy ban trước! Cả ngoài đời cũng như trong đạo, dường như người ta mong để lại dấu ấn của mình cho hậu thế và chỉ dấu ấn của một mình mình thôi!

- Sợi tơ hài lòng với cái tối thiểu. Bệnh lười.

Ta có thể kể thêm một chuỗi dài những sợi tơ như thế. Điều đáng sợ là với lối làm việc mục vụ qua loa, giữ đạo hình thức, không kiểm tra sâu sát, ta thường xem nhẹ nó, quên rằng chỉ cần một sợi tơ thôi đủ cho Satan biến ta thành nô lệ. Dù bị trói bằng sợi tơ, ta mất tự do. Ta trở thành mù quáng không còn nhận ra ý Thiên Chúa; ta bị xáo trộn, thang giá trị bị đảo ngược; ta trở nên nguội lạnh và yếu ớt dễ sa ngã, và sau cùng, bị hoen ố. Thường thì ta không dám nhìn nhận mình đang bị trói buộc. Làm sao để có thể sáng suốt nhận rõ sợi tơ và can đảm cắt đứt nó.

Đứng lâu tại một nơi bị ô nhiễm hôi thối, ta có thể bị quen đi. Muốn nhận rõ tình trạng hôi thối cần phải ra khỏi đó, hít thở không khí trong lành rồi quay lại ghi nhận từ góc độ không bị ô nhiễm. Nói theo ngôn ngữ Kinh thánh, với sự nhập thể của Đức Kitô, thời sau hết đã tới. Riêng thời chúng ta đang sống ghi đậm dấu tục hóa. Mỗi khi thỏa hiệp với thế gian, cách nào đó, chúng ta đã bị cuốn vào dòng tục hóa và bị kẹt vào chính mình. Phải ra khỏi nơi đó bằng mọi giá để có thể dấn thân thực hiện ý Thiên Chúa và lại được thuộc về Ngài. Trong nhật ký ĐGH Gioan XXIII ta nhiều lần đọc thấy tác giả nài xin lòng thương xót Chúa trên những lỗi lầm đầy dẫy của đời ngài. Đó không phải là một mặc cảm tội lỗi cũng chẳng phải là một sự khiêm nhường “theo thủ tục” nhưng là cảm nghiệm sâu thẳm về phận người yếu đuối của tác giả và của mỗi chúng ta. Trong cảm nghiệm của Đức Gioan XXIII cũng như trong cái nhìn của Thiên Chúa, tội không phải là vi phạm một khoản luật nhưng là không làm theo ý Thiên Chúa, không vâng lời Ngài. Khám phá của Đức Gioan XXIII cho cả một cuộc đời là “vâng lời và bình an” là vì vậy.

2. BỐI CẢNH TỤC HÓA VÀ VIỆC ĐÀO TẠO ĐỨC TIN


Trong đời thường

Theo ý ban tổ chức, con phải trình bày về “Não trạng thế tục hóa và ảnh hưởng của nó vào cách nghĩ và lối sống của người Việt”. Nhưng có lẽ khiêm tốn hơn và thiết thực hơn chúng ta nên đặt vấn đề về ảnh hưởng tục hóa nơi những người Công giáo Việt Nam chúng ta. Chỉ cần nhìn thoáng qua và so sánh một chút với những anh em không cùng đức tin, chúng ta cũng biết được mình hiện ở đâu trong dòng tục hóa đang chảy tràn làn trên mảnh đất từng thấm máu chứng nhân tử đạo này. 

-     Đang khi các cán bộ mà ta gọi là vô thần tìm cách gửi các cháu bé vào nhà trẻ các sơ để được định hướng thật tốt từ tấm bé thì phụ huynh Công giáo thà bỏ tiền cho con cái học thêm hơn là đi học giáo lý miễn phí. Ai đang chạy theo và ai đang chống lại tục hóa?

-     Đang khi tuổi trẻ Phật tử rủ nhau ăn chay, từ hai hay bốn ngày một tháng đến chay trường, thì Giáo hội Công giáo Việt Nam cho phép thay thế kiêng thịt ngày Thứ Sáu bằng một việc nào đó được coi là tương đương. Chúng ta có đủ thứ lý do để ăn gian cả với Thiên Chúa và Tòa Thánh. Trong thời chiến, chúng ta xin được chuẩn kiêng thịt. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ 40 năm, và sách Giáo lý 1992 vẫn giữ điều răn kiêng thịt, thì chúng ta tiếp tục chuẩn chỉ vì  đức tin và lòng mến không đủ mạnh để chống lại tục hóa.

-     Chúa nhật là ngày của Chúa, ngày nghỉ việc để thờ phượng Chúa và làm việc thiêng liêng. Oái oăm thay, ngày nay nó thành ngày của chùa, ngày an lạc của các Phật tử, còn con cái Chúa thì quần quật làm ăn… Ai tục hóa và ai đã thiêng hóa?

-     Đang khi các nhà sư xuống tóc, ra đường mặc tu phục thì các linh mục cả đến áo sơ mi cổ trắng cũng ngại ngần. Ai tục hóa, ai không?

-     Các Phật tử: Tại Việt Nam, đang khi một số chùa đang tự biến thành những trung tâm du lịch và lễ hội thì rất nhiều chùa khác đang đẩy mạnh Phật học ứng dụng - Tịnh độ tông cải tiến - ngày an lạc (hằng tuần – Chúa nhật), khóa tu 10 ngày liên tục cho những nhóm khác nhau. Thử vào Google và gõ “khóa tu mùa hè 2014”… hoặc gõ thêm tên chùa sẽ thấy rất nhiều chương trình phục vụ tĩnh tâm cho các bạn trẻ rất linh động. Chẳng hạn chùa Trúc Lâm gần Đà Lạt, hè 2014 có 4 khóa 6 ngày cho bạn trẻ 11-17 tuổi, dung nạp 800 người và 2 khóa cho người trên 18 tuổi, dung nạp 400 người. Không phải là ít, mà nếu ta cho là ít thì vẫn còn hơn ta không có. Liệu ta có thể học hỏi với họ? Tại Âu Mỹ, sự lôi cuốn của Phật giáo do đâu? Do nó cung cấp một thực tập đi ngược dòng tục hóa.

Đã rõ văn hóa Việt Nam ảnh hưởng tam giáo (Nho, Phật, Lão). Giữa dòng tục hóa, vẫn có những đóa ‘sen giữa lầy’, ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á châu đề ra cuộc đối thoại ba mặt: đối thoại về kinh nghiệm tâm linh, về văn hóa và hợp tác trong phục vụ người nghèo để nhận ra cái phàm tục và cái thánh thiêng trong bối cảnh chung. Chúng ta đã hay đang làm gì để gọi là hội nhập văn hóa, thâu nhận và tích hiệp các yếu tố văn hóa phù hợp với Tin Mừng? Hay lại mang mặc cảm tự tôn thì càng lộ ra chân tướng thế tục của mình!

Trong việc giáo dục đức tin

Bây giờ, liên quan trực tiếp đến mục tiêu cuộc hội họp này, ta thử đi tìm dấu tích não trạng thế tục hóa trên việc giáo dục đức tin. 

Ban tổ chức đã hữu ý dùng từ chính xác là việc ‘giáo dục đức tin’ - chứ không chỉ là việc đứng lớp giáo lý. Tiêu đích chính của mục vụ là đào tạo đức tin và đức mến. Cũng thế, dạy giáo lý là giáo dục đức tin, tức là gợi lên, nuôi dưỡng và phát huy một đức tin sống động có khả năng biến đổi đời sống. Không thể hài lòng với việc truyền thông kiến thức nhưng đòi phải có đức tin và đức tin phải đi kèm với hành động, phải khẳng định sự hoán cải, phải đổi mới người tín hữu từ lời nói, cách phục sức, bữa ăn.

Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đòi ta nhìn lại: Có thật là mục vụ tại Việt Nam đang tập trung vào mục đích đào tạo đức tin cho Dân Chúa? Hay chúng ta chỉ cố gắng để bảo tồn, để duy trì sự ổn định? Chúng ta có thực sự xây dựng các chương trình mục vụ theo ý Chúa, cụ thể là theo các bước “xem-xét-làm”, hay chỉ chạy theo thành tích, hình thức bên ngoài? Quản trị mục vụ ở Việt Nam không để ý tới việc kiểm tra, rà xét, lượng giá. Các chương trình từ giáo xứ, giáo phận tới toàn quốc đều đề ra rồi bỏ ngỏ, không đi tới đâu, không tiên liệu chuẩn mực để kiểm tra, thành ra đầu voi đuôi chuột…

Con mới được đặt làm linh giám Legio Mariae Giáo phận Qui Nhơn hơn bốn tháng. Tháng 7 vừa qua, con hiện diện quan sát một cuộc trại dành cho các em Junior, qui tụ khoảng 200 em, để biết phải giúp gì cho các em. Các em sinh hoạt hai ngày, thi đua về kỹ thuật trại, kỷ luật, sinh hoạt, văn nghệ lửa trại, trò chơi lớn; có thánh lễ, đố vui giáo lý và thủ bản nhưng không có giờ học nào về đường nên thánh của Legio, cũng không có giờ dành cho lòng sùng kính Đức Mẹ. Nhạc kích động mở cả ngày, các em rất hào hứng với những trò chơi thông tục, hỗn độn cả nam lẫn nữ. Người ta đã nhờ một nhóm linh hoạt viên chuyên nghiệp, không có khái niệm gì về Legio. Mỗi tiểu trại đều có bàn thờ Đức Mẹ. Tại lều trung ương cũng có bàn thờ với Thánh giá Chúa, tượng Đức Mẹ và hai ngọn đèn điện tắt ngúm trên một chiếc bàn rộng. Bên cạnh thánh giá là một mũ bảo hiểm, một áo gió cuộn tròn, những bịch nilon đựng khăn quàng, bảng tên, bánh kẹo và cả rác, một bao thuốc 555 và chiếc hộp quẹt. Thánh giá Chúa và tượng Đức Mẹ chỉ còn thuần túy là những đồ vật giữa các đồ vật. Sự tục hóa đến từ Ban Điều hành trại. Junior của Legio Mariae là những bạn trẻ có tâm hướng cầu nguyện và truyền giáo. Thế nhưng chẳng ai nghĩ phải tổ chức cho các em một khóa tĩnh tâm. Nếu con tổ chức một khóa tĩnh tâm 6 ngày như ở chùa Trúc Lâm, sẽ có bao nhiêu bạn trẻ trong số 200 bạn ấy tham gia. Chưa biết được, chỉ biết chắc một điều là người ta chưa gieo cho các em lòng khao khát sự thinh lặng nội tâm để gặp gỡ Chúa.

Sư phạm của phụng vụ


Tiện đây con xin được chia sẻ đôi điều về khía cạnh đào tạo đức tin của phụng vụ. Phụng vụ là trường dạy đức tin và theo sư phạm đức tin. Lúc nãy con có nói tới ăn chay, kiêng thịt. Mỗi năm, luật Giáo hội chỉ buộc ăn chay hai ngày thế mà rất nhiều người thực hành không nghiêm chỉnh. Đang khi đó, quanh ta đầy dẫy những tín đồ Cao Đài và Phật tử ăn chay trường. Tại sao một bên hoan hỉ ăn chay còn một bên rất miễn cưỡng? Theo con, đây là kết quả của hai hướng sư phạm. Một bên mở ra lời mời gọi tự nguyện, còn một bên khắc sâu vào tâm trí tín hữu những luật buộc. Phải chăng tự nguyện giúp người ta lớn lên, còn sự bó buộc khiến người ta thành ấu trĩ? Đang khi nhiều người thực hành không nghiêm chỉnh việc ăn chay theo luật buộc thì vẫn có đông đảo những thành viên của lòng Thương xót Chúa và của việc tôn sùng Trái tim Đức Mẹ ăn chay hằng tuần. Sức kêu gọi tự nguyện của ngày Lễ Tro và của những ngày Tuần Thánh hết sức lớn nhưng khoa luân lý của ta lại thiết định sự đồng cảm với Chúa thành một luật buộc, cho nên đã gây phản tác dụng.

Thêm một chuyện phản tác dụng nữa. Hằng năm Phụng vụ dành Chúa nhật áp chót, Chúa nhật 33 Thường niên, để cảnh tỉnh Dân Chúa khỏi cơn lốc tục hóa. Cả ba năm A, B, C, bài đọc 1, bài đọc 2 và bài Tin mừng đều nói về ngày cùng tận và sự phán xét cuối cùng. Thế nhưng từ 26 năm rồi, người tín hữu Việt Nam không còn được nghe giảng về những sự thật hệ trọng bậc nhất ấy nữa.  Giáo hội Việt Nam đã khai tử Chúa nhật ấy nhân danh lòng yêu kính các Thánh Tử vì đạo của mình, yêu cầu mọi giáo xứ cử hành trọng thể lễ mừng các ngài vào Chúa nhật trước lễ Chúa Kitô Vua. Thật oái oăm, chính việc cử hành đức tin của tiền nhân lại làm mất cơ hội được phụng vụ dạy dỗ về mục đích đời người và những sự thật cuối cùng của nhân sinh, giúp ta ra khỏi não trạng tục hóa và biết sống nghiêm túc. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII cả một đời luôn đòi mình phải sẵn sàng đón nhận giờ chết, nhờ thế từng ngày của ngài là từng ngày thánh. Khi chọn thủ bản Giáo lý, ta cần xem thủ bản ấy có trình bày về những sự thật cuối cùng cách nghiêm túc chăng.

3. MỤC VỤ GIÁO LÝ TRONG BỐI CẢNH TỤC HÓA


Nếu thực sự khắp nơi gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đà tục hóa và ban tổ chức ý thức rất rõ hiện trạng này thì những tham dự viên cuộc họp này ở đây cũng như khi ra về  không thể không quan tâm đến vấn đề mục vụ giáo lý trong bối cảnh tục hóa tại Việt Nam hôm nay. Ở đây con xin được nêu vài nét lớn cho mục vụ ấy. 

Dạy giáo lý để gợi lên và phát huy lòng khát khao nên thánh
Bản dự thảo “Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam” nên cho thấy dạy giáo lý là một cách hữu hiệu để giải trừ sự tục hóa và thúc đẩy sự thánh hóa, hơn nữa, vì không ai cho được cái mình không có, chính những người chịu trách nhiệm giáo dục đức tin cần có lòng khao khát nên thánh mãnh liệt; họ phải ý thức rằng  Satan có thể lừa gạt để họ xem nhẹ hoặc chạy trốn sự khao khát nên thánh. Các nhà giáo dục đức tin nói chung và các giáo lý viên nói riêng cần phải là những người xác tín chương trình tình thương của Thiên Chúa và tha thiết muốn giúp người khác nhận ra chương trình ấy để họ cũng được sự sống đời đời. Với những giáo trình khơi nguồn từ Lời Chúa, trình bày theo lịch sử ơn cứu rỗi, và dẫn tới cầu nguyện, nhà đào tạo có thể cảm nghiệm được điều ấy và giúp học viên cũng cảm nghiệm được như thế. Con chỉ xin lưu ý vài điểm:

- Tập trung vào Chúa Kitô: Trách nhiệm của người dạy giáo lý là giúp học viên khám phá Đức Kitô trên từng trang giáo lý: Ngài là Sự Thật phải tin (tín lý), là Sự Sống cần đón nhận (bí tích và cầu nguyện) và là con đường phải đi (luân lý). Cần để ý chỗ khác biệt giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác nơi vai trò của luân lý. Nơi các tôn giáo khác, đời sống luân lý tốt đem lại sự cứu rỗi. Nơi Kitô giáo, ơn cứu rỗi đã được Chúa Kitô sắm sẵn cho ta và đời sống tốt lành phải là hoa quả của ơn cứu rỗi ấy (x. Bản tuyên bố chung về giáo lý về Công chính hóa 1999, số 37-39).  Trên tinh thần đó, cần nhấn mạnh việc cầu nguyện và hiệp thông gắn bó với Chúa Giêsu để nhờ đó đời sống người tín hữu ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn. Cần gieo và phát huy cho học viên lòng khao khát nên thánh, tập trung cái nhìn và cuộc sống vào câu hỏi: “Điều gì đẹp lòng Chúa hơn?”.

- Chọn lựa thập giá. Xác tín tình thương của Thiên Chúa cũng là xác tín rằng Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người qua con đường hẹp. Nếu ‘cây trái cấm’ là cột mốc tiến trình tục hóa thì Thánh giá là dấu hiệu chiến thắng của Chúa Giêsu, con đường phải theo để chiến thắng tục hóa.


Mt 5,1 – 7: sự khôn ngoan thập giá (x 1Cr 1,18-25)

Nhận định khi chọn Thiên Chúa:
Linh hồn > cả thế giới (……)
Kho tàng Nước Trời > sản nghiệp
Bảo ngọc Nước Trời > mọi thứ mình có được
Hiện tại > lúc khác
Ý Chúa > ý riêng
Lòng nhân > của lễ
Ơn Chúa > sức riêng
Nhận định khi chọn thụ tạo:
Tậu ruộng, mua bò, cưới vợ > Tiệc cưới Đức Vua
Phụ > chính
Bao bì, hình thức > nội dung
Lúc khác > hiện tại
Lượng > phẩm
Bên ngoài > tấm lòng
100$ > tình bạn
Bản thân > Thiên Chúa
Công cuộc nhân loại > Công cuộc Thiên Chúa
Sự hư mất đời đời
Nước lụt, lút cả làng; người ta chịu được, tôi chịu được è tương đối hóa họa phúc đời đời
Tiền nhân đức tin không chịu ‘quá khóa’
Con cháu ‘bước qua Thánh giá’ khi từ bỏ con đường khó nghèo, khiêm hạ, vụ hình thức, hưởng thụ, hèn nhát, thỏa hiệp với thế gian, …

 

Nền tu đức và luân lý Kitô giáo xây dựng trên lựa chọn cơ bản này. Bởi thế không lạ gì trong bảy mối tội đầu, kiêu ngạo là tên đầu sỏ, tiếp đến là tham lam. Các nền linh đạo nối tiếp nhau khai thác kho tàng ẩn giấu của khiêm nhu, từ bỏ, khó nghèo. Từ góc độ sư phạm thực hành, tác giả sách Linh thao lại cho thấy sự ham mê của cải đẻ ra kiêu ngạo. Trong bài cầu nguyện then chốt mang tên “hai cờ hiệu” (“hai màu cờ”), tác giả mô tả Satan tập họp tất cả đàn em, ngăm đe và ra lệnh cho chúng phải tung lưới và xiềng xích ra. Tay sai của hắn phải nỗ lực quyến rũ loài người ham muốn của cải, gài họ vào bẫy hư danh để rồi, từ hư danh đưa họ đến chỗ kiêu ngạo hoàn toàn, từ đó sẽ dễ dàng lôi họ vào hết tật xấu này đến tật xấu khác.  Bài gợi ý của tác giả còn lý thú ở chỗ mời gọi ta chiêm ngắm Đấng sẽ cứu ta khỏi tục hóa là Chúa Cứu Thế Giêsu. Ngài tuyển chọn các tông đồ và môn đệ cùng với những người khác. Ngài sai họ rao giảng đạo lý thánh thiện của Ngài cho tất cả mọi người thuộc mọi giai cấp qua mọi thời đại. Ngài xin họ lôi cuốn con người theo tinh thần khó nghèo siêu nhiên và tự nhiên, Ngài xin họ làm thế nào cho con người ao ước được chịu sỉ nhục và khinh dể, trở nên thật sự khiêm nhường, và nhờ đó đạt được mọi nhân đức và được hoàn toàn hiệp nhất với Thiên Chúa. Thánh I Nhã không tự nghĩ ra điều ấy. Ông chỉ quảng diễn giáo huấn của Thầy Chí Thánh: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. (Mt 6,24)

Cả một truyền thống tu đức khuyến cáo sự thận trọng với tiền bạc của cải thế gian. Nói đúng hơn tất cả đòi phải chọn lựa dứt khoát: Thiên Chúa hay Tiền Của? Mới đây nhất, trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng, số 55, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định: “Một nguyên nhân của tình huống (tục hóa) này được thấy trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, vì chúng ta thản nhiên chấp nhận sự thống trị của nó trên chúng ta và các xã hội của chúng ta”.

Đào tạo khả năng nhận định


Giữa xã hội đầy thách đố, người tín hữu trẻ cần được trang bị khả năng nhận định, luôn mở lòng ra với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 
          
“Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Ki-tô ở đây” hoặc “ở đó”, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi nếu được thì chúng sẽ lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24,23-25).

“Ngay từ đầu, ma quỷ đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44b). Ma quỷ dùng tay sai của chúng để lừa gạt: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,11-13).

Sự tục hóa hiện đang bùng phát đều khắp như một cơn lốc khủng khiếp, ta kiên quyết hành động để khắc phục tai họa đồng thời ta không nỡ kết án ai vì chính bản thân ta cũng bị tiêm nhiễm. Ta thấy mình được hưởng lòng Chúa thương xót và từ đó ta cũng nhìn anh em với lòng thương xót của Chúa. Chính trong tâm thức ấy, chúng ta cùng nhau tìm kiếm và cùng với Hội Thánh tìm xem đâu là nguyên nhân của sự suy thoái nơi các cộng đồng con cái Chúa. Nguyên nhân đáng ngại nhất là sự thỏa hiệp của chính chúng ta. Không phải chúng ta cố tình đầu hàng Satan nhưng, do thiếu kinh nghiệm nhận định,  chúng ta bị lừa và tự đánh lừa. Có thể nói chúng ta vừa bị tục hóa vừa chủ động trong sự tục hóa, tức là lìa xa Thiên Chúa quay về với thụ tạo. Phải đi qua bao kinh nghiệm đau thương rướm máu ta mới hiểu ra điều khôn lẽ dại và ngồi lại chia sẻ với anh em. Ta sẽ nói với anh em rằng không thể nhu nhược, không thể nhượng bộ. “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12).    

Các tôn giáo có chung một cái nhìn luân lý là lánh dữ làm lành. Nhận định để phân biệt điều lành với điều dữ là một kinh nghiệm bẩm sinh, người ta có được khi bước vào tuổi khôn, biết nghe tiếng lương tâm. Tiến xa hơn trên đường sống theo lương tâm, ta sẽ thấy đối diện với những điều tinh tế hơn, cần phân biệt đúng để có thể “ăn ngay ở lành”. Không phải bất cứ điều tốt nào nhưng phải là những điều tốt phù hợp với một lương tâm “lành” và “ngay”. Muốn vậy cần cắt đứt những sợi tơ, tức là những quyến luyến lệch lạc, để thật sự có được tình trạng thinh lặng nội tâm sâu thẳm.

Đây là lúc Satan rao bán điều xấu dưới nhãn hiệu điều tốt. Ta cần phải học kỹ kinh nghiệm nhận định của các vị Thánh để nhận rõ đâu là ý Thiên Chúa, đâu là mưu chước Satan. Satan thường xuyên lộng giả thành chân, dùng thủ đoạn để khiến ta tưởng giả là thật, đánh tráo lúa tốt bằng cỏ lùng và lừa gạt ta bằng điều có vẻ giống như sự thật (x Mt 7,21-23). Cám dỗ làm điều tốt chính là “con đường mềm” của Satan đưa dần ta tới lầm lạc và biến công cuộc Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại. Bên ngoài, điều tốt giả giống hệt điều tốt thật. Bên trong, nơi điều tốt giả người ta tìm mình, nơi điều tốt thật người ta tìm Chúa; hai hướng trái ngược: ý Chúa và ý riêng.

Bản chất
Điều tốt giả
Điều tốt thật
Hướng đi (ý hướng và động cơ bên trong)
Ý riêng = tìm mình = chạy theo thụ tạo như mục đích = lệch hướng
Ý Chúa = tìm Chúa = dùng thụ tạo như phương tiên = đúng hướng
Kết quả
Sinh quả xấu
Sinh quả tốt
Cách gợi ý
Quảng cáo rầm rộ
Gợi hứng nhẹ nhàng

Cụm từ “cách gợi ý” ở đây có ý nói tới những quy tắc của Thánh I Nhã đưa ra để phân biệt sự bình an thật và bình an giả. Những quy tắc này cũng giúp nhận rõ đâu là gợi ý của Thiên Chúa và đâu là gợi ý của Satan. Con xin phép chỉ giới thiệu như thế để những ai quan tâm có thể tìm hiểu kỹ hơn. Nếu ta chú tâm hướng dẫn cho các bạn trẻ, họ có thể dần dần quen nhận rõ được ý Chúa từ nơi những điều nhỏ bên ngoài và dần dần sẽ nhận ra những tín hiệu tinh tế nơi những điều bên trong.

Liên kết với những thành phần Dân Chúa đang khao khát nên thánh


              Kinh nghiệm đào tạo của Thánh Don Bosco là tạo cho giới trẻ một môi trường mới. Trên bình diện giáo xứ cần tạo được sự liên kết, đồng trách nhiệm của toàn thể Dân Chúa để có được một môi trường thuận lợi hầu giáo dục đức tin hữu hiệu cho thanh thiếu niên.

Một số giáo phận đã phối kết Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể với lớp giáo lý. Năm nay Đức Cha Qui Nhơn cũng đã quyết định thành lập Liên đoàn TNTT theo hướng ấy. Các lớp giáo lý của chúng con bị đuối sức vì giáo xứ nào cũng bị chảy máu chất xám, không đủ giáo lý viên. Cần tạo thế liên kết để đào tạo đức tin Kitô giáo và giúp lớp trẻ gắn bó hơn với bạn hữu và quê nhà.

Các lớp giáo lý không thể một thân một mình chống tục hóa. Các anh chị Legio Mariae, các trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, phong trào cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót và những tâm hồn nghèo khó đều phải được liên kết trong cuộc chiến chống tục hóa. Chao ôi, hỡi những người nghèo của Chúa trên toàn thế giới, xin hãy đoàn kết lại, để cho điều thiện nẩy nở, để cho lẽ thật, bình an và tình thương lại nở rộ nơi cuộc sống con người.

Sách “Hướng Dẫn Tổng Quát về Việc Dạy Giáo Lý” (số 261-262), nhấn mạnh vai trò và phương cách của các phong trào và đoàn thể trong việc dạy giáo lý. “Các hiệp hội, phong trào và tập thể tín hữu khác nhau được phát triển trong Giáo Hội địa phương, có mục tiêu giúp các môn đệ của Đức Kitô hoàn thành sứ mạng giáo dân của họ trong thế giới và trong chính Hội Thánh. Ở những tập thể đó, các Kitô hữu dấn thân vào việc thực thi lòng đạo đức, vào việc tông đồ trực tiếp, vào việc thực thi tình bác ái và tương trợ, vào việc hiện diện Kitô giáo trong các thực tại trần thế” (xt số 272-275).

Các Gioan Maria Vianê hôm nay


Một trong những điểm son của bản dự thảo là đã nói khá mạnh đến trách nhiệm các linh mục trong công tác giáo lý và giáo dục đức tin (x. các số 52, 56, 97). Những câu hỏi ở phần nhận định, cuối các số 25, 26, 27 và 28 trong dự thảo đều hỏi về cách thức dạy giáo lý. Trong hoàn cảnh các Giáo phận tỉnh lẻ hiện nay, những người dạy giáo lý là những người thiện chí, chính cha sở mời gọi, thuyết phục và chỉ dẫn chớp nhoáng cho họ cách dọn bài, lên lớp. Các khóa huấn luyện tổ chức ra không phải giáo lý viên nào cũng tham dự được. Như thế, dạy giáo lý cách này hay cách khác là tùy nơi linh mục. “Tuy nhiên, các linh mục thường giao phó hết việc dạy giáo lý cho tu sĩ và giáo dân nhưng ít quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức và đời sống đức tin cho họ. Nhiều giáo lý viên giáo dân chưa được huấn luyện đầy đủ, chưa thực sự ‘dạy điều mình tin và thực hành điều mình dạy’ và chưa được hỗ trợ thỏa đáng về vật chất cũng như tinh thần” (số 22).

Ủy ban Giáo lý Đức tin có đưa ra những định hướng tốt thế nào đi nữa, nếu các linh mục không quan tâm, mọi việc sẽ vẫn dậm chân tại chỗ; bản hướng dẫn biên soạn công phu sẽ thành chuyện lý thuyết, thành một bản văn sớm bị bỏ quên. Thiết tưởng Ủy ban Giáo lý Đức tin cần phối hợp chặt chẽ với Ủy Ban Giáo sĩ và Chủng sinh. Chúng ta đừng quên rằng tác giả quyển “Hướng dẫn Tổng quát về việc Dạy Giáo lý” là Thánh bộ Giáo sĩ. Một khi các linh mục khao khát nên thánh, mọi khó khăn đều sẽ được vượt qua cách dễ dàng.

4.      GÓP Ý VỚI ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN


Phần cuối bài chia sẻ con xin có đôi lời góp ý với ban Giáo lý Đức Tin mà trong thời gian qua đã làm việc công phu, cách riêng trong việc chuẩn bị cho cuộc hội ngộ này.

·      Về ‘Dự Thảo Hướng Dẫn Tổng Quát Dạy Giáo Lý tại Việt Nam’. Bản dự thảo đề nghị tại Đại hội này ngắn gọn, chỉ trong 42 trang, vừa khái quát hiện tình việc dạy giáo lý tại Việt Nam vừa tóm lược bản văn gốc dài 291 trang của Thánh bộ Giáo sĩ[1], giúp mọi người có thể tiếp cận những hướng dẫn của Tòa Thánh cách nhẹ nhàng. Bản dự thảo là một bước tiến quan trọng nhưng có lẽ ta chưa được phép thông qua một cách dễ dãi, nếu không, mọi người sẽ tưởng là đã giải quyết xong vấn đề đang khi thực tế của việc đào tạo đức tin còn rất nhiêu khê. Ta cần đầu tư thêm để có thể tìm ra cách đảo ngược thế cờ tục hóa của Satan không chỉ tại Việt Nam mà cả trong liên đới trách nhiệm với Hội Thánh toàn cầu.

Có thể rằng những năm qua Ban soạn thảo đã làm việc trong cô đơn, mệt mỏi, chẳng mấy ai hồi âm, dễ nghĩ rằng có đợi chờ thêm vài năm nữa cũng chỉ thế thôi, chi bằng giải quyết dứt điểm cho xong để còn làm việc khác. Thiết nghĩ Ủy ban Giáo lý toàn quốc cũng như từng Ban Giáo lý các Giáo phận cần ý thức lại vinh dự và trách nhiệm của mình. Vai trò của anh chị em là chia sẻ với các Giám mục và hỗ trợ cho các Giám mục trong sứ mạng thầy dạy về đức tin và luân lý. Cả khi anh chị em mất hút tại một vùng xa xôi hẻo lánh, sứ mạng của anh chị em vẫn lấp lánh tính cách liên đới với Hội Thánh toàn cầu. Ngoài trách nhiệm tổ chức việc giáo dục đức tin, anh chị em còn là người thức canh và nhắc nhở, như Êlia, Êlisa, Isaia, Giêrêmia và các ngôn sứ khác của lịch sử và như Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay, không hề trấn an Dân Chúa khi họ thỏa hiệp với con đường rộng nhưng cảnh tỉnh họ thật mạnh mẽ. Sự thật mất lòng, thế nhưng sứ mạng tiên tri là thế, dù có bị tẩy chay, trù dập, ngược đãi hay bị giết chết. “Sư tử đã gầm, ai không run sợ? Chúa Trời đã phán, ai lại không nói tiên tri?” (Am 3,8).

Không chỉ nhằm giải quyết vấn đề của Giáo hội Việt Nam mà trong tâm tình đền ơn đáp nghĩa, chúng ta còn mong góp phần tìm kiếm giải đáp cho tình trạng tục hóa khốc liệt hiện nay trên toàn cầu. Quý Đức Cha, quý Cha và anh chị em có bao giờ nghĩ rằng chúng ta đang được may mắn hơn anh chị em tại Trung Đông vì chúng ta không bị bắt bớ bằng bạo lực, chúng ta cũng may mắn hơn các anh chị em tại Âu Mỹ vì chúng ta đang có những sinh hoạt cộng đồng sầm uất. Xét về một số mặt nào đó, ta đang có những điều kiện thuận lợi, lẽ nào ta giải quyết việc mình cách vội vã và chẳng quan tâm gì tới những khó khăn của các cộng đồng khác để cùng chia sẻ phần suy tư động não của ta với họ?

·    Về bố cục sách giáo lý và việc dạy giáo lý. Tùy theo đối tượng học viên mà ta có thể linh động sắp xếp thứ tự cho học bốn phần trong giáo lý sao cho phù hợp hơn. Trước tiên con đề nghị  nên xếp phần cầu nguyện lên vị trí thứ ba và phần luân lý xuống vị trí thứ tư. Như thế, luân lý sẽ là hoa trái của đức tin (kinh Tin kính), đức cậy (các bí tích) và đức mến (cầu nguyện). Việc này cũng phù hợp với người Á châu vốn “hãnh diện về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình, như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngắm, sự đơn sơ, hài hoà, quên mình, bất bạo động, chăm chỉ làm việc, kỷ luật, sống mộc mạc, khao khát hiểu biết và tìm kiếm triết lý” (Tông huấn Giáo hội tại Á châu, số 6).

Thứ đến khi dạy phần luân lý ta nên cấu trúc lại các bài và nội dung trong phần này. Vấn đề không phải là bỏ bớt hay giảm nhẹ điều gì, nhưng là trình bày lại để nó trở thành một chương trình đầy gợi hứng. Cần có một dẫn nhập để cho thấy cuộc sống Kitô là hoa quả của ba nhân đức hướng thần, và cũng vì thế, ba nhận đức hướng thần cần được đặt ở vị trí khởi đầu của phần luân lý[2]. Cách xếp đặt này sẽ lôi người tín hữu ra khỏi thái độ tiêu cực, loay hoay mãi với câu hỏi điều gì có tội và điều gì không, và vươn tới thái độ tích cực, luôn tìm thực hiện điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

Thật vậy, qua chút kinh nghiệm ít ỏi với một số người dân quê chất phác, con kinh ngạc nhận ra một điều kỳ diệu. Khả năng tiếp thu của họ có thể hạn hẹp, nhưng một khi ta đã giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa và giúp họ khao khát đáp lại, tức là một khi ta đã đánh thức được nơi họ một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch, họ có thể ứng xử về mặt luân lý giống hệt như trong sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, thậm chí còn đi xa hơn, cho dù họ chưa được học qua và chưa biết đến thuật ngữ dùng để chỉ vấn đề họ gặp phải. Những sự kiện như thế khẳng định kinh nghiệm của các vị thánh. Chúng ta quá biết những vị thánh góp phần đổi mới Hội Thánh như Phanxicô, Đaminh, Inhaxiô, Gioan Thánh giá hay Têrêxa Avila đã không hề dạy dỗ về luân lý nhưng chỉ quan tâm đưa người ta tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe Thiên Chúa và sống theo tiếng Chúa. Cần khôi phục lại chỗ đứng của ba nhân đức hướng thần và giúp tín hữu khám phá ra ở đó nguồn sức mạnh vô tận cho cuộc sống làm con cái Chúa giữa trần gian. Ba nhân đức ấy sẽ cung ứng cho người tín hữu ánh sáng và sức mạnh để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong mọi trường hợp. Nhấn mạnh ba nhân đức hướng thần là tặng cho khoa luân lý Kitô giáo cái hồn của khoa tu đức, mặc cho khoa luân lý một hướng đi mới, chuyển từ tối thiểu lên tối đa, đẩy tới thái độ tự nguyện, khát khao và yêu mến. Phần luân lý các giới răn vẫn cần thiết và sẽ hiện diện trong sách giáo lý như tấm bản đồ cho kẻ đi đường tham khảo khi cần, để yên tâm biết mình đang đi đúng hướng.

Nếu xếp luân lý vào vị trí thứ tư, đó sẽ là một cánh cửa mở vào cuộc sống. Việc học giáo lý sẽ kết thúc với điều răn thứ mười, điều răn dạy ta chế ngự lòng khao khát sự đời, thoát khỏi sự tục hóa, để hướng lòng lên khao khát những sự trên trời, khao khát Thiên Chúa. Như thế cũng là một kết thúc có hậu. Tuy nhiên có thể thêm một bài ca tụng những vị thánh đã làm chứng cho đức tin Kitô giáo để thúc đẩy học viên vào dòng đời đang chảy, quyết trở nên những chứng nhân của Chúa Cứu Thế Giêsu. Như thế, giáo lý không như một tập hợp những mệnh đề giáo điều nhưng khơi nguồn cho một dòng sống mới.

LỜI KẾT


“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Đang khi có mối nguy như mối nguy vong quốc thì mình phải tập trung tất cả vào chuyện chính, không thể vì những chuyện phụ mà quên mất chuyện chính. Giáo lý phải giúp chúng ta đánh thẳng vào điểm then chốt, giúp phát hiện và phá vỡ được sự thống trị mềm của tục hóa, của Satan, bằng không những mệnh đề của chúng ta có hoa mỹ đến đâu cũng thành vô ích. Chúng ta đã được ơn để đi từng bước. Tạ ơn Chúa, bản dự thảo là một bước đầu rất tốt. Ta cần làm sao để nó giúp dẫn đến bước thứ hai quan trọng và khẩn cấp hơn nhiều. Trong thực tế, nội dung chính của bản dự thảo là một cơ sở tốt để Đại hội làm việc và thông qua. Con chỉ xin là nếu được thì thêm vào phần dẫn nhập hoặc lời kết luận một đoạn khẳng định tính dò dẫm của bản hướng dẫn và thời gian thử nghiệm, đồng thời mở ra hướng tìm kiếm cho vấn đề gốc rễ đang cản trở việc đào tạo giáo lý và đức tin.

Dù sao, đây là cái nhìn chủ quan của con; theo khách quan, có khi lại bị lạc đề chăng. Con chỉ mong cống hiến với tất cả lòng thành. Nếu có gây trở ngại gì cho Đại hội, hay có khi chính con lại sa vào bẫy tục hóa rồi thì xin thương cứu giúp con và xin tất cả vui lòng lượng thứ cho con. Con xin cám ơn sự theo dõi của tất cả.


[1]  Quyển “Hướng Dẫn Tổng quát về việc Dạy Giáo Lý” hiện nay của Thánh bộ Giáo sĩ là thành quả một công việc kéo dài ngót 30 năm. Ấn bản 1997 duyệt lại toàn bộ ấn bản 1971 (xem Lời tựa). Đó là một tấm gương lớn. Phiên bản tiếng Việt sau khi đã được ban soạn thảo dày công chuẩn bị từ lâu ít ra cũng phải dành vài năm cho mọi người tham gia góp ý để tránh bất cập.

[2] Trong quyển Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo hiện nay, ba nhân đức này chỉ là những hạng mục thứ yếu, không xuất hiện nơi bản mục lục, chỉ ai đã quen mới có thể đoán ra nó nằm trong đề mục “nhân đức”.  

Tác giả: Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét