Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Ý nghĩa thần học của “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần”

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Ý nghĩa thần học của “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần”
 
Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần là từ ngữ được sử dụng ở Bắc Mỹ để diễn tả cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần, một cảm nghiệm thường đi kèm với cuộc gặp gỡ có tính bản thân sâu sắc với Chúa Kitô, được thấy năng quyền chúa tể của Người, được cảm nghiệm tình yêu Chúa Cha, một cảm nghiệm đầy tính bản thân và giải thoát, nhận ra mình không cô đơn nhưng luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện và sẵn sàng khích lệ, thuyết phục, hướng dẫn, và trợ giúp để hiểu những việc về Chúa (1). Cảm nghiệm đầy sinh lực về Chúa Ba Ngôi này đem đến cho ta ước muốn mới hay đổi mới được cầu nguyện, bao gồm cả ca tụng, thờ lạy, và tạ ơn một cách đặc biệt; được đọc Sách Thánh, ‘Sách Thánh trở thành sống động”; được nói với người khác về sự tốt lành của Thiên Chúa. Cảm nghiệm này cũng thường kèm theo ý muốn được liên hệ với các Kitô hữu khác và việc biểu hiện một hay nhiều đặc sủng được liệt kê trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 12, thư thứ nhất của Thánh Phêrô chương 4, và thư gửi tín hữu Rôma chương 12. Linh mục Francis Sullivan, Dòng Tên, cho rằng ta có thể định nghĩa vắn tắt kinh nghiệm này như sau: “Một kinh nghiệm tôn giáo dẫn ta đi vào một cảm thức hoàn toàn mới về sự hiện diện và tác động đầy quyền năng của Thiên Chúa trong đời ta, một tác động thường liên quan tới một hay nhiều đặc sủng” (2).

Ngay từ những suy tư thần học đầu tiên năm 1969, người ta vốn hiểu kiểu nói “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” đầu hết chỉ việc ban Chúa Thánh Thần trong các bí tích khai tâm Kitô Giáo, một kiểu nói đã được dùng trong Tân Ước, và chỉ được dùng một cách loại suy để diễn tả cảm nghiệm của những người đã được rửa tội hợp lệ và những người Công Giáo đã chịu thêm sức. “Muốn chính xác hơn, ta không nên nói tới việc tiếp nhận Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, mà chỉ nên nói tới việc canh tân Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần mà thôi” (3).

Dù hình thức có tổ chức của việc canh tân này lên xuống tùy các quốc gia và tùy thời gian, nhưng nó vẫn là một trong các phong trào phổ biến nhất và gây ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội Công Giáo sau Công Đồng Vatican II và cho tới này, hiện có mặt tại hơn 120 quốc gia với hơn 100 triệu người đang cảm nghiệm được điều vẫn được mệnh danh là “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” (4). Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo thường được coi là thành phần của một hiện tượng phổ quát hơn, đó là Phong Trào Ngũ Tuần xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 và hiện có hơn 500 triệu người tham gia (5).

Kể từ lúc có lời Đức Gioan XXIII kêu gọi toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho việc chuẩn bị Công Đồng Vatican II, xin Thiên Chúa ban cho ta một “Lễ Hiện Xuống mới”, các Đức Giáo Hoàng liên tiếp nhấn mạnh tới việc Giáo Hội và mỗi người chúng ta cần phải cảm nghiệm được việc làm của Chúa Thánh Thần như đã được mô tả trong trình thuật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Sách Tông Đồ Công Vụ.

Sau Công Đồng, Đức Phaolô VI viết trong “Gaudete in domino” (Hãy Vui Mừng Trong Chúa) rằng: “Rõ ràng ở đây, ta có công trình của Chúa Thánh Thần, một ơn Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Người ta cũng phải nhìn nhận trực giác có tính tiên tri của đấng tiền nhiệm của ta là Đức Gioan XXIII, đấng vốn coi hoa trái Công Đồng như một thứ lễ Hiện Xuống mới. Ta cũng muốn có cùng một lối nhìn và một thái độ mong chờ như thế. Không hẳn vì Lễ Hiện Xuống không còn là một thực tại trong suốt lịch sử Giáo Hội nữa, nhưng vì các nhu cầu và nguy cơ của thời hiện đại to lớn quá, viễn tượng nhân loại muốn được sống chung trên thế giới bao la quá nhưng lại bất lực không thực hiện được, nên ta sẽ không cứu vãn được tình thế nếu không có sự đổ tràn ơn Chúa mới” (6).

Cũng theo cùng một đường lối ấy, Đức Gioan Phaolô II trong “Christifideles laici” (người tín hữu giáo dân Kitô Giáo) giải thích phong trào canh tân tâm linh hậu công đồng trong Giáo Hội Công Giáo như “một cuộc tuôn trào mới của Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống”. Trong diễn văn đọc trước lễ Hiện Xuống năm 1998 với 500,000 người đại diện cho hơn 50 phong trào canh tân khác nhau, Đức Gioan Phaolô II đã tổng hợp giáo huấn Thánh Kinh và giáo huấn của Công Đồng Vatican II về thực tại Hiện Xuống và các ơn của Chúa Thánh Thần, để nói với họ rằng: các khía cạnh định chế và đặc sủng đều đồng chủ yếu đối với pháp chế Giáo Hội. Dù khác nhau, chúng đều đóng góp vào sinh hoạt, vào việc canh tân và thánh hóa dân Chúa. Chính nhờ việc tái khám phá ra chiều kích đặc sủng của Giáo Hội mà trước và sau Công Đồng, một kiểu mẫu phát triển kỳ diệu đã được thiết lập cho các phong trào và cộng đồng mới trong Giáo Hội… Sự hiện diện của anh chị em ở đây chính là các dấu chỉ trông thấy của việc “tuôn trào” Chúa Thánh Thần ấy” (7).

Rồi ngài tha thiết mời gọi mọi Kitô Hữu: “Ngày nay, tôi muốn kêu nài tất cả anh chị em đang tụ tập tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và mọi Kitô hữu: hãy ngoan ngoãn mở lòng mình ra đón nhận các ơn của Chúa Thánh Thần! Hãy tiếp nhận một cách biết ơn và vâng phục các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban xuống cho chúng ta!”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng tiếp nhận chủ đề trên. Trong một diễn từ năm 2008, nhân suy tư về trích đoạn Tông Đồ Công Vụ trong đó, Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng họ sẽ được chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần, ngài mời gọi toàn thể Giáo Hội như sau: “Hôm nay, tôi muốn gửi lời mời gọi sau đây đến mọi người: anh chị em thân mến, ta hãy khám phá lại vẻ đẹp được rửa tội trong Chúa Thánh Thần; ta hãy ý thức lại Phép Rửa và Phép Thêm Sức của ta, chúng đều là nguồn ơn thánh luôn luôn hiện hữu. Ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria giúp ta nhận được một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội ngày nay, một Lễ Hiện Xuống sẽ trải rộng trong mọi người niềm vui được sống và làm chứng cho Tin Mừng” (8).

Dĩ nhiên, không ai cho rằng Đức Bênêđíctô XVI, khi sử dụng từ ngữ phép rửa trong Chúa Thánh Thần của Thánh Kinh, là ngài muốn mời gọi mọi người chịu rửa tội trong Chúa Thánh Thần theo nghĩa của phong trào canh tân đặc sủng Công Giáo. Tuy nhiên, phải nhận rằng ngài quả đã đưa ra lời mời gọi thống thiết để ta canh tân các ơn phúc của phép rửa và phép thêm sức trong tương quan với biến cố Hiện Xuống và bản chất của nó, một bản chất được chính Chúa Giêsu gọi là “rửa tội trong Chúa Thánh Thần”. Ta cũng phải nhìn nhận rằng Đức Bênêđíctô XVI hiểu rất rõ ý nghĩa mà Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo vốn hiểu về phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

Do đó, những lời kêu gọi nhất quán của các vị giáo hoàng khiến việc thảo luận về phép rửa này trở nên quan trọng, một phép rửa mà Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo vốn coi là thực tại hàng đầu của Lễ Hiện Xuống mới, một phép rửa mà từ năm 1967, nhiều nhà thần học cũng như học giả thánh kinh Công Giáo đáng kính trong Phong Trào này nghiên cứu sâu rộng. Từ những nghiên cứu ấy, Ralph Martin, trên tạp chí tư tưởng Công Giáo Logos, số mùa hè năm 2011, của Trường Đại Học Công Giáo St Thomas, đã trình bày 3 lối giải thích thần học về kiểu nói này trong bài “Một Lễ Hiện Xuống Mới? Thần Học Công Giáo và Phép Rửa Trong Chúa Thánh Thần”.

Lối giải thích thứ nhất: Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần và Phép Khai Tâm Kitô Giáo

Lối giải thích nổi bật hơn cả về phép rửa trong Chúa Thánh Thần là việc “khơi dậy” hay “canh tân” hay “giải thoát” (releasing) hay “hiện thực hóa” ơn Chúa Thánh Thần đã nhận được trong các bí tích khai tâm Kitô Giáo, chủ yếu là phép rửa tội và phép thêm sức. Khảo luận có tính thánh kinh, thần học và lịch sử của hai linh mục George Montague và Killian McDonnell, về việc khai tâm Kitô Giáo trong 8 thế kỷ đầu, có lẽ là tác phẩm cung cấp cho ta lý chứng trọn vẹn nhất của quan điểm này. Dù sao, đây cũng là lối giải thích hàng đầu được các nhà thần học đầu tiên công bố về đề tài này (9). Cũng cần nhớ rằng lời giải thích thần học được đưa ra cho các tham dự viên “ngày cuối tuần ở Duquesne” năm 1967, mà nhiều người vốn coi là ngày khai sinh ra Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng trong Giáo Hội Công Giáo, trong đó có nhiều giáo sư thần học, vốn như sau: điều họ cảm nghiệm chính là một đáp ứng đối với lời cầu xin của họ được canh tân phép rửa và phép thêm sức của mình và được Chúa Thánh Thần hiện xuống như đã được mô tả trong Sách Tông Đồ Công Vụ (10). Lời giải thích này khá quan trọng trong cố gắng tìm hiểu phép rửa trong Chúa Thánh Thần về phương diện thần học trong tương quan với các bí tích khai tâm Kitô Giáo, nhưng đồng thời lối giải thích này vẫn không có tính quyết định.

Sự nhất trí về phương diện chú giải, vốn được dùng làm căn bản cho lối giải thích này, coi phép rửa trong Chúa Thánh Thần, như đã được Tân Ước trình bày, là lời mô tả những gì xẩy ra trong việc khai tâm Kitô Giáo. Theo cái nhìn này, phép rửa trong Chúa Thánh Thần có liên hệ mật thiết với phép rửa trong nước. Dù có những ngoại lệ về thứ tự các biến cố, như đã mô tả trong Công Vụ 8 (“Lễ Hiện Xuống của người Samaria”) hay trong Công Vụ 10 (“Lễ Hiện Xuống của Dân Ngoại”); ngoại lệ, vì qui phạm là: trước nhất trở lại, rồi rửa tội trong nước, sau đó xức dầu và đặt tay, tất cả những việc này gộp lại được hiểu là khai tâm Kitô Giáo hay phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Lối chú giải này cũng coi chiều kích cảm nghiệm của khai tâm Kitô Giáo hay phép rửa trong Chúa Thánh Thần là có tính qui phạm, nghĩa là có kèm theo việc biểu hiện các đặc sủng của Chúa Thánh Thần song song với việc khai tâm Kitô Giáo hay phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Thông thường, không một đặc sủng riêng rẽ nào được coi là dấu chỉ nhất thiết của phép rửa trong Chúa Thánh Thần như một số nền thần học không Công Giáo hay nhấn mạnh, thí dụ đặc sủng nói tiếng lạ chẳng hạn.

Căn bản Thánh Kinh cho lối nhìn “canh tân” việc tiếp nhận Chúa Thánh Thần hay “khơi dậy” một đặc sủng vốn đã nhận được rồi nhưng sau đó “trở nên im ắng” chính là Công Vụ 4, trong đó các bạn đồng hành bị bách hại của Thánh Phêrô và Thánh Gioan cầu nguyện và nhận được sức mạnh mới để truyền giảng Tin Mừng, và thư thứ hai gửi Timôtê 1:6 và tiếp theo, trong đó, Thánh Phaolô thúc giục Timôtê “hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa mà con đã nhận được qua việc đặt tay”, có lẽ để ám chỉ đặc sủng của Chúa Thánh Thần ban cho lúc thụ phong. Hai tác giả Montague và McDonnell ủng hộ luận đề của mình dựa vào các chứng cớ hiện có thuộc 8 thế kỷ đầu của Giáo Hội. Các chứng cớ này cho thấy các bí tích khai tâm Kitô Giáo thường kèm theo chiều kích cảm nghiệm và các biểu hiện của đặc sủng Chúa Thánh Thần (11).

Họ cho rằng việc chuyển từ phép rửa người lớn qua phép rửa trẻ thơ, các phản ứng chống lại thuyết Montanism và những thái quá có tính tiên tri của họ, việc phát triển được đế quốc nhìn nhận của Kitô Giáo mà kết quả là hàng loạt người đua nhau trở lại, với những mức độ thành thực khác nhau, do đó tiêu chuẩn trong việc chuẩn bị để chịu phép rửa bị hạ thấp, tất cả những điều này đã góp phần làm cho việc cảm nghiệm Chúa Thánh Thần và các đặc sủng của Người vốn đi theo việc khai tâm Kitô Giáo bị mất dần đi, khiến người thời nay coi việc đổ tràn Chúa Thánh Thần như là một điều gì mới.

Đối với các tác giả này, phép rửa trong Chúa Thánh Thần và các biểu hiện của đặc sủng không phải là nhiệm ý (optional), không phải là các cảm nghiệm bản thân, hay là điều gì đó liên quan tới một linh đạo hay một phong trào đặc thù, nhưng là điều chủ yếu đối với toàn bộ việc khai tâm Kitô Giáo, một điều có tính qui phạm cho toàn thể Giáo Hội. Đây là chính lời của họ: “Sức mạnh ban năng lực của Chúa Thánh Thần, tự biểu lộ qua các đặc sủng khác nhau, không phải là thứ sợi bông bám vào tôn giáo. Nó cũng không như nhiều người ngày nay nghĩ là một linh đạo nhiệm ý giống như việc sùng kính Thánh Tâm hay đi đường thánh giá của người Công Giáo. Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần không thuộc phạm vi sùng kính tư riêng, nhưng, như chúng tôi đã chứng minh, nó thuộc phụng vụ công khai chính thức của Giáo Hội. Nó là linh đạo của Giáo Hội. Vì lý do đó, cần phải nói rõ ràng rằng nó không phải là sở hữu của phong trào canh tân đặc sủng. Công duy nhất của phong trào này, nếu có, là làm cho Giáo Hội ý thức được Phép Rửa này. Đó càng là lý do tại sao không được đồng hóa Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần với bất cứ nhóm hay phong trào nào… Thực vậy, Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần có tính qui phạm” (12).

Nhưng dù kinh nghiệm này có tính qui phạm, xem ra nó khá đa dạng trong các hiệu quả của nó, tùy theo kinh nghiệm trước đó của người nhận. Nhiều người có thể từ đường phố tạt vào, vốn gần như không có một kinh nghiệm Kitô Giáo nào, có khi còn sống một cuộc sống tội lỗi nữa, thế rồi trong một khoảnh khắc bỗng tìm thấy đức tin và ơn trở lại, cảm nghiệm được phép rửa trong Chúa Thánh Thần, dù chưa được chịu bí tích rửa tội, như trường hợp Coc-nê-li-ô và gia đình ông trong Tông Đồ Công Vụ. Những người trong các hoàn cảnh như thế cần được giảng dạy, đào luyện nhiều và được kết hợp vào đời sống Giáo Hội, ngõ hầu ơn thánh vừa lãnh nhận đơm bông kết trái lâu dài. Một số khác, khi chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần, vốn chỉ là những người Công Giáo cho có tên trong nhiều năm và chưa bao giờ có được một liên hệ bản thân thực sự với Chúa Kitô. Lại cũng có người, khi chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần, vốn đã là những người Công Giáo hiểu biết và sùng đạo, rất có thể có bằng cấp thần học, sống một cuộc sống thánh thiện chân chính, và từng tham gia sâu sắc vào sứ vụ của Giáo Hội. Tất cả đều cho thấy những thay đổi có ý nghĩa mà họ cảm nghiệm được.

Đức Hồng Y Leon Joseph Suenens, chẳng hạn, sống một đời sống hết sức nhiệt thành và khẩu hiệu giám mục của ngài vốn là “in Spiritu sancto” (trong Chúa Thánh Thần). Ấy thế nhưng ngài đã thuật lại nhiều thay đổi xẩy ra cho mình khi cầu nguyện chung với người khác để xin ơn Chúa Thánh Thần. Ngài viết: “Tôi không khám phá ra Chúa Thánh Thần trong phong trào Canh Tân. Như tôi đã nói, Chúa Thánh Thần từ lâu vốn đã hiện diện tại tâm điểm cuộc sống của tôi rồi… Tôi thấy gương sống của một số Kitô hữu, những người vốn hiểu Sách Tông Đồ Công Vụ theo nghĩa đen, và điều này khiến tôi thắc mắc về sự sâu sắc và chân chính trong đức tin của mình. Kết quả, tôi thấy mình tuy có tin hành động của Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ một cách có giới hạn; trong tôi, Chúa Thánh Thần chưa bật ra được hết các giai điệu du dương từ chiếc đàn organ như Người muốn; một số ống sáo bị tắc, vì chúng chưa bao giờ được sử dụng” (13).

Lối giải thích thứ hai: Ban Chúa Thánh Thần cách đặc biệt khác với Khai Tâm Kitô Giáo 

Lối giải thích thứ hai này đầu tiên được linh mục Francis Sullivan đề xướng trong một bài đăng trên tờ Gregorianum và sau đó khai triển thành một cuốn sách (14).

Dù nhận rằng lối giải thích thứ nhất được chấp nhận rộng rãi và ngài không bác bỏ giá trị của nó, nhưng cha Sullivan vẫn nghĩ rằng sẽ thích đáng hơn nếu ta coi phép rửa trong Chúa Thánh Thần như một việc ban Chúa Thánh Thần đặc biệt, khác với Khai Tâm Kitô Giáo, để trang bị cho người thụ lãnh đảm nhiệm một sứ vụ đặc biệt hay tiến một bước quan trọng tới cuộc sống với Chúa Kitô. Cha Sullivan không hề có ý nghi vấn sự thành hiệu của các bí tích khai tâm Kitô Giáo hay hoài nghi đặc tính “ex opere operato” (làm là thành) của chúng, do đó, ngài đề nghị coi phép rửa trong Chúa Thánh Thần này như việc ban thêm ơn Chúa Thánh Thần chứ không phải là việc khởi động (activation) các ơn tiềm ẩn (dormant) của các bí tích khai tâm. Ngài trích dẫn giáo huấn của Thánh Tôma Tiến Sĩ về việc sai Chúa Thánh Thần xuống một cách vô hình (invisible mission), khác với việc sai Chúa Thánh Thần xuống một cách hữu hình như trong ngày lễ Ngũ Tuần, để hỗ trợ cho luận điểm của mình. Dưới đây, ta sẽ xem trích đoạn này kỹ hơn.

Linh mục Sullivan cho rằng dưới ánh sáng tư tưởng Thánh Tôma, ta có thể hiểu kinh nghiệm Ngũ Tuần mà người ta thường gọi là phép rửa trong Chúa Thánh Thần một cách khác. Theo ngài, vì mọi Kitô hữu đã rửa tội đều lãnh nhận Chúa Thánh Thần và do đó đã rửa tội trong Chúa Thánh Thần, cho dù ơn ấy có thể đang “ngủ yên”, tiềm ẩn hay không hoạt động, nên tốt nhất phải tôn trọng việc ban Chúa Thánh Thần “ex opere operato” này bằng cách không gọi kinh nghiệm Ngũ Tuần hiện tại là phép rửa trong Chúa Thánh Thần mà phải gọi nó là việc canh tân trong Chúa Thánh Thần, một việc không nhất thiết liên kết một cách gần gũi với phép rửa và phép thêm sức.

Do đó, việc tốt nhất ta có thể làm là cho rằng điều mà các Kitô hữu trong phong trào canh tân đặc sủng đang cầu xin và đang nhận được chính là “việc sai Chúa Thánh Thần mới” hay “việc đổ tràn Chúa Thánh Thần mới” để họ “canh tân trong Chúa Thánh Thần” (15). Cha Sullivan muốn đặt điều xảy ra khi các Kitô hữu cầu xin cho được rửa tội trong Chúa Thánh Thần trong ngữ cảnh Tông Đồ Công Vụ 4:23.33, trong đó, các môn đệ từng được rửa tội trong Chúa Thánh Thần vào ngày Ngũ Tuần nay cầu xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ nữa để giúp họ tiến tới trong các tình huống khó khăn, hơn là trong ngữ cảnh các đoạn văn đầu tiên của Sách này.

Với lối giải thích này, không thể coi cảm nghiệm được rửa trong Chúa Thánh Thần như có tính qui phạm và do đó liên kết một cách chủ yếu với việc khai tâm Kitô Giáo nữa, nhưng đúng hơn như một điều gì đó có tính giới hạn, khó đoán, và thuộc bản thân hơn. Cũng có thể coi cảm nghiệm này như một linh đạo đặc thù, một linh đạo đặc sủng.

Lối giải thích thứ ba: Việc tràn đổ Chúa Thánh Thần có tính cánh chung để tin mừng hóa thế giới dưới ánh sáng Chúa trở lại

Dù không bác bỏ hai lối giải thích trên đây, lối giải thích thứ ba vẫn đã xuất hiện, mà linh mục Peter Hocken là người đề xướng chủ chốt. Cha Hocken cho rằng lần thứ nhất kể từ các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, các đặc sủng của Chúa Thánh Thần lại được cảm nghiệm trên qui mô hoàn cầu, vượt xa truyền thống Công Giáo trong các thế kỷ đầu tiên, là các thế kỷ chỉ chứng kiến các đặc sủng này nơi các hiển thánh mà thôi. Cha tin rằng có một điều mới lạ trong lần tuôn tràn Chúa Thánh Thần này. Đó chính là ý nghĩa cánh chung vào thời điểm Tin Mừng đã được rao truyền khắp thế giới và chính dân Do Thái cũng đã gặp gỡ Chúa Kitô và hướng lên Người như Đấng Mêxia.

Cha Hocken cho rằng việc Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu trong các tin mừng Mátthêu và Luca như Đấng sẽ rửa tội trong Chúa Thánh Thần và trong lửa đã “liên kết việc đổ tràn Chúa Thánh Thần hứa ban cho thời thiên sai với việc phán xét cánh chung” (16). Rửa tội trong Chúa Thánh Thần được liên kết với việc phán xét sau cùng và việc phân nhân loại thành “lúa mì” cho vào kho lẫm và “trấu” quăng vào lửa không bao giờ tắt. Thay vì coi kinh nghiệm rửa tội trong Chúa Thánh Thần hiện thời chỉ như một kinh nghiệm canh tân bản thân nhất thời hay như việc sai Chúa Thánh Thần đến giúp ta thực hiện một bước tiến mới trong đời sống hay trong việc phục vụ có tính bản thân, hay như một canh tân các ơn thánh khai tâm, Cha Hocken cho rằng trong mô tả đầu tiên của Thánh Gioan Tẩy giả về phép rửa trong Chúa Thánh Thần, phải nhìn nhận là rõ ràng có ý nói tới khuôn khổ cánh chung. Ngài cũng nhận định rằng hai đoạn văn trong Tông Đồ Công Vụ chuyên biệt sử dụng thuật ngữ “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” đều đề cập tới những biến cố có ý nghĩa bao quát, tức việc ứng nghiệm của các lời tiên tri về Đấng Mêxia từng được ngỏ với dân Do Thái vào ngày Ngũ Tuần và việc mở rộng nước thiên sai cho dân ngoại thuộc nhà Cóc-nê-li-ô.

Cha Hocken kết luận: “Như thế, nếu lối suy nghĩ cánh chung này đúng, thì ý nghĩa ‘được rửa trong Chúa Thánh Thần’ ngày nay, vì kinh nghiệm bản thân, phải là thành phần của một ‘Lễ Ngũ Tuần’ mới trong nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là (i) ở thời đại ta, nó là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần theo cách hợp đoàn và (ii) nó là một hình thức đặc thù của việc chuẩn bị Giáo Hội đón Vua và vương quốc tới” (17).

Bình luận về ba lối giải thích

Lối giải thích thứ nhất 

Có lý khi cho rằng lối giải thích thứ nhất là lối giải thích nổi bật về phép rửa trong Chúa Thánh Thần và vốn được coi như thế từ khi những tác phẩm và bài báo đầu tiên được công bố về chủ đề này. Dù hiển nhiên, những người được rửa tội và thêm sức thành hiệu đều là Kitô hữu và đều đã lãnh nhận được Chúa Thánh Thần, nhưng ta cần nhớ rằng giữa các hoa trái của Lễ Hiện Xuống như đã được biểu lộ trong Tân Ước và việc nhiều người Công Giáo ngày nay sống mà không có các hoa trái ấy, có cả một khoảng cách lớn lao (18).

Thần học Công Giáo về các bí tích từ lâu vốn đã có lời giải thích về khoảng cách này, dù ít được lưu ý như nó đáng được. Giáo Hội Công Giáo truyền dạy một cách chắc chắn rằng các bí tích của Giáo Hội có hiệu lực “ex opere operato”, nghĩa là hữu hiệu do chính hành động được thực hiện. Ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi khiến cho việc ban bí tích trở thành vô hiệu, tính thành hiệu của bí tích không tùy thuộc sự xứng đáng của thừa tác viên hay hiệu năng của việc chuẩn bị. Mặt khác, bí tích chỉ đòi hỏi rất ít chuẩn bị (disposition) thích đáng về phiá người nhận lãnh, hoặc trong trường hợp rửa tội trẻ em, bí tích chỉ đòi hỏi đức tin của cha mẹ, của người đỡ đầu và của Giáo Hội, và lời hứa sẽ dẫn dắt đứa trẻ tới việc thủ đắc cho chính mình (appropriation) các ơn phúc bí tích khi tới tuổi trưởng thành. Đồng thời, Giáo Hội cũng dạy rằng hiệu năng hay hiệu quả thực sự của bí tích trong đời sống cá nhân phần lớn được xác định bởi các nhân tố khác được gọi là “ex opere operantis” (hiệu quả do người làm) và rằng trên thực tế, giá trị của việc chuẩn bị, sự xứng đáng của thừa tác viên, giá trị của niềm tin cộng đoàn, và trên hết, việc chuẩn bị và ý hướng của người lãnh nhận phần lớn xác định ra tính hiệu năng do bí tích mang lại.

Như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng nói: “Từ lúc một bí tích được cử hành theo ý hướng của Giáo Hội, quyền năng của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần hành động trong nó và qua nó, độc lập với sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên. Tuy nhiên, hoa trái của bí tích tùy thuộc sự chuẩn bị của người lãnh nhận bí tích” (số 1128).

Ý nghĩa được thông truyền một cách hữu hiệu nhất tới hàng ngũ tín hữu Công Giáo từ trước đến nay dường như là ý nghĩa này : các bí tích không tùy thuộc sự xứng đáng của thừa tác viên, nhưng tự động thành hiệu. Còn khía cạnh cực kỳ quan trọng của việc chuẩn bị bên trong nơi người lãnh nhận bí tích hay phẩm tính của cộng đồng đức tin nơi các bí tích kia được lãnh nhận thì, cho đến nay, chưa được thông truyền hữu hiệu như thế. Mà dù tầm quan trọng của việc chuẩn bị kia, về lý thuyết, có được nhìn nhận đi chăng nữa, nó cũng ít được đem ra thi hành một cách hữu hiệu trong lúc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích.

Chỉ duy Phần Ba cuốn Summa Theologiae (III, qq 66.71) của Thánh Tôma Tiến Sĩ có bàn sâu rộng về tầm quan trọng của việc chuẩn bị bên trong. Ở đấy, Thánh Tôma trình bày trong chi tiết, một cách rất rõ ràng, các trở ngại làm tắc nghẽn tính hữu hiệu của các bí tích, dù chúng đã được ban một cách thành hiệu. Các trở ngại đó là: thiếu đức tin, thiếu hiểu biết, thiếu ước ao sống cuộc sống mới, thiếu ăn năn, hay sao lãng việc trừ qủy, cho phép các ảnh hưởng ma quái của nó làm ta không đáp ứng được ơn phúc của Phép Rửa. Ngài tuyên bố rõ ràng rằng một số người rất có thể lãnh nhận bí tích rửa tội và bí tích thêm sức một cách thành hiệu như nhau, nhưng hoa trái của bí tích thì thay đổi một cách đáng kể; đối với ngài, ai muốn Chúa nhiều hơn, sẽ nhận được Người nhiều hơn.

Lối giải thích thứ nhất cho rằng kinh nghiệm hiện nay về phép rửa trong Chúa Thánh Thần, khi được các Kitô hữu đã khai tâm rồi cảm nhận, thực sự là một cuộc canh tân hay tháo cởi (release) các ơn Chúa Thánh Thần đã từng được ban cho họ, nhưng đang ngủ mê nay được đánh thức nhờ được dạy thêm về giáo lý bao gồm việc giảng dạy, cầu nguyện và mời gọi vào đức tin, vào sự ăn năn và dấn thân sâu sắc hơn với Chúa Giêsu Kitô, và vào lòng ước ao hơn được khởi động ơn Thánh Thần của Người; và nhờ năng liên kết với cộng đoàn, với các nhóm cầu nguyện hay các mạng lưới sống đức tin sốt sắng nhằm phát huy sự canh tân ấy và cuộc sống liên tục trong Chúa Thánh Thần (19). Không nên coi những chuẩn bị ấy nhất thiết sẽ đem tới sự canh tân. Như Thánh Gioan Thánh Giá thường hay nói, ta có thể chuẩn bị đón nhận hành động của Thiên Chúa, nhưng Chúa mới là người quyết định hành động hay không. Việc chuẩn bị tốt cho sự canh tân hay hoa trái của bí tích là điều rất quan trọng, nhưng đó chỉ là sự chuẩn bị để Chúa hành động mà thôi.

Lối giải thích thứ hai 

Lối giải thích thứ hai cho rằng dù có lý khi hiểu phép rửa trong Chúa Thánh Thần là việc canh tân các bí tích khai tâm Kitô Giáo, nhưng tốt hơn nên hiểu nó là việc “sai Chúa Thánh Thần” nữa như Thánh Tôma diễn tả. Hiểu như thế sẽ tránh được bất cứ sự hoài nghi nào đối với hiệu quả của việc khai tâm Kitô Giáo. Điểm mạnh khác của lý thuyết này là nó nhìn nhận tính đa dạng của các kinh nghiệm mà người ta vốn gọi chung là phép rửa trong Chúa Thánh Thần; một số kinh nghiệm này chỉ có thể hiểu tốt nhất như là việc sai Chúa Thánh Thần nữa để Người lên sinh lực cho một giai đoạn thừa tác vụ hay sống đạo mới, chứ không đơn giản chỉ là việc canh tân khai tâm Kitô Giáo. Các suy nghĩ phong phú của Thánh Tôma Tiến Sĩ cho thấy lý thuyết này có gốc rễ khá sâu trong truyền thống Công Giáo.

Ở đây, điều đáng để ý là đối với kinh nghiệm phép rửa trong Chúa Thánh Thần, không hề có một ý nghĩa nhất thống nào. Cả thời Giáo Hội sơ khai cũng thế. Mà là có cả hàng loạt kinh nghiệm khác nhau, tùy thuộc nhiều biến tố khác nhau. Đối với một số người, có sự thay đổi đột ngột và nhận ra tức khắc nhờ các hoa trái ta đã nhắc trên đây. Đối với những người khác, các hoa trái này chỉ xuất hiện từ từ. Cũng có người cần nhiều thời gian chăm bón thì cái khởi đầu canh tân kia mới đơm bông kết trái đầy đủ nhờ được học hỏi giáo lý thêm, nhờ lời cầu nguyện và hỗ trợ của cộng đoàn, v.v… Cũng có người, vì thiếu chuẩn bị và ý hướng, nên hiệu quả thật nhỏ nhoi. Với một số người, quả thực đó là một kinh nghiệm được ơn thêm của Chúa Thánh Thần như chủ trương của lý thuyết này.

Theo thiển ý, khi đã có một mức độ chuẩn bị thoả đáng và sự thành thực trong ý hướng nào đó, thì điều thông thường nhất được người ta cảm nhận trong phép rửa trong Chúa Thánh Thần chính là hành động Thiên Chúa đem tới cho ta sự canh tân hay hiện thực hóa (actualization) các ơn thánh của bí tích khai tâm. Rất có thể Chúa Thánh Thần cũng ban cho họ các ơn thánh và ơn phúc giúp họ theo đuổi một sứ mệnh hay một ơn gọi đặc biệt nào đó như chủ trương của lý thuyết này.

Nhưng điểm yếu nhất của lối giải thích thứ hai là ở chỗ này: nó không trực tiếp giải quyết sự chênh lệch lớn lao giữa điều Tân Ước mô tả như là khai tâm Kitô Giáo cũng như các hiệu quả cùng hoa trái của nó từng được các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội cảm nhận, và kinh nghiệm cực kỳ thông thường nơi những người, tuy đã được khai tâm một cách thành sự về phương diện bí tích nhưng tỏ ra ít có hay không có một chút liên hệ sinh động nào với Chúa Kitô và Chúa Cha, với việc cầu nguyện sâu sắc, với ơn Chúa Thánh Thần đánh động, và với việc khao khát làm chứng cho Chúa Kitô trong trần gian. Nó cũng không trực tiếp đối diện với sự kiện này là điều phần đông các Kitô hữu đã khai tâm cảm nhận được trong cuộc canh tân hay hiện thực hóa Phép Rửa và Phép Thêm Sức này là điều họ chưa bao giờ cảm nhận được trước đó, mà chỉ là điều giúp họ sống phù hợp với lối sống Kitô Giáo như đã được mô tả trong Tân Ước. Đối với phần đông, phép rửa trong Chúa Thánh Thần thường không đẩy họ ra khỏi cái nền căn bản của cuộc sống Kitô hữu đạo hạnh để bước vào một giai đoạn hay một thừa tác vụ mới và cao hơn hay một ơn gọi đặc biệt nào đó; nó chỉ là việc hiện thực hóa một số hoa trái căn bản nào đó mà Tân Ước vốn gán cho việc khai tâm Kitô Giáo.

Một điểm yếu khác của lối giải thích thứ hai này nằm ở chỗ nó đã liệt điều xem ra như một kinh nghiệm dành cho mọi người, miễn là được huấn giáo và chuẩn bị thích đáng, vào hàng những điều huyền bí và khó đoán (20). Thiển nghĩ đường lối này sẽ đem lại hậu quả thực tiễn là giảm thiểu tối đa con số những người có thể cảm nhận được ơn canh tân hữu hiệu và phụ trội của Chúa Thánh Thần.

Đồng thời, như đã nói trên đây, để hỗ trợ cho lối giải thích thứ hai này, người ta đã trích dẫn giáo huấn của Thánh Tôma Tiến Sĩ nói về việc sai Chúa Thánh Thần xuống thêm. Mặc dù, nếu xem sét các bản văn của Thánh Tôma một cách kỹ càng hơn, ta có thể tìm được sự hỗ trợ cho quan điểm canh tân ơn thánh căn bản này, nhưng xét cho cùng, tập chú chính của ngài là các ơn gọi và sứ mệnh chuyên biệt như ơn gọi tu dòng, tử đạo, hay ơn gọi làm việc cho người nghèo. Bản văn của ngài cho ta nhiều chi tiết hơn.

Sự sai đi, tự nó, bao hàm điều này: người được sai đi hoặc bắt đầu hiện diện ở một nơi trước đó họ chưa hiện diện, như trong trường hợp tạo vật; hoặc bắt đầu hiện diện ở một nơi trước đó họ đã hiện diện rồi, bây giờ hiện diện một cách mới, đây là nghĩa áp dụng cho các ngôi vị Thiên Chúa. Sự sai đi, xét từ người được gửi tới, bao hàm hai điều: sự cư ngụ của ơn thánh và việc đổi mới ơn thánh nào đó. Ở đây, cũng cần nói thêm rằng sự sai đi hay sứ mệnh vô hình (invisible misson, tức việc sai Chúa Thánh Thần xuống với ai) được ban cho tất cả những ai thoả mãn hai điều vừa kể (tức có sự cư ngụ của ơn thánh hay nhận được sự đổi mới ơn thánh)… Sự sai đi vô hình này cũng diễn ra trong sự tiến triển về nhân đức và trong việc gia tăng ơn thánh nữa. Sự sai đi như thế cũng xẩy ra qua việc người nhận lãnh có khả năng thực hành những hành vi mới hay tiếp nhận một tình trạng ơn thánh mới, như khả năng làm phép lạ hay khả năng nói tiên tri, hay khả năng sốt mến đến độ sẵn sàng chấp nhận việc tử đạo, từ bỏ của cải, hoặc đảm nhiệm những công việc khó khăn, nặng nhọc (21).

Thành thử, trong bản văn của Thánh Tôma, ta có thể phân biệt 3 loại sai đi vô hình (22). Một là việc canh tân căn bản của ơn thánh, dù nghĩa của nó không rõ ràng lắm. Hai là việc tiến triển nhân đức hay gia tăng ơn thánh. Ba là khả năng hành động cách mới mẻ hay đạt tới một tình trạng ơn thánh mới. Một trong các thí dụ được Thánh Tôma sử dụng để minh hoạ điều được ngài cho là “một tình trạng ơn thánh mới” là khả năng làm phép lạ hay nói tiên tri. Một thí dụ khác của ngài là ơn gọi từ bỏ của cải để đi tu, hay ơn phúc tử đạo hoặc ơn đảm nhận những trách vụ khó khăn.

Đọc bản văn của ngài cẩn thận hơn, ta thấy hình như Thánh Tôma muốn nói tới các hành động khác nhau của Chúa Thánh Thần khi ngài đề cập đến sứ mệnh vô hình của Chúa Thánh Thần, mà một trong các hành động đó căn bản xẩy ra trong việc khai tâm Kitô Giáo. Nghĩa thứ hai xem ra muốn chỉ việc lớn mạnh chứ không hẳn khai tâm nữa. Nghĩa thứ ba rõ ràng đề cập tới những ơn phi thường, khó có thể xếp vào loại khai tâm.

Do đó, xem ra điều được Thánh Tôma chủ yếu hiểu là các ơn vô hình thông thường nhất của Chúa Thánh Thần thuộc các ơn gọi đặc biệt chứ không hẳn thuộc ơn canh tân việc khai tâm Kitô Giáo căn bản. Điều này không có nghĩa: khi một ai đó được rửa tội trong Chúa Thánh Thần, thì ngoài việc canh tân các ơn thánh của Phép Rửa và Phép Thêm Sức ra, họ không nhận lãnh được các ơn phi thường hay ơn gọi đặc biệt nào cả, nhưng chỉ có nghĩa: việc sau không phải là kinh nghiệm thông thường.

Dù bản văn được các nhà chủ trương lối giải thích thứ hai muốn ta lưu ý có liên quan tới cuộc nghiên cứu của ta, nhưng thiển nghĩ bản văn của Thánh Tôma mà ta đã đề cập tới khi bình luận về lối giải thích thứ nhất trích từ Tertia Pars (Phần Thứ Ba, ST III, qq.66.71) đã giải thích cách rõ ràng và đầy thuyết phục lý lẽ tại sao hoa trái và công hiệu của các bí tích khai tâm rất có thể và thường bị ngăn chặn và sau đó được giải tỏa như thế nào. Như ta đã ghi nhận, Thánh Tôma nhấn mạnh rằng việc thiếu đức tin, thiếu ăn năn thống hối thực sự, thiếu hiểu biết, thiếu đương đầu với hoạt động của ma quỉ, thiếu lòng ước ao, và thiếu ý hướng cũng như ước ao sống lối sống mới, tất cả đều có thể ngăn chặn hoa trái các bí tích vì ta đã lãnh nhận các bí tích này cách hợp lệ. Ngài dạy rằng khi những thiếu sót và ngăn chặn này được tháo bỏ , thì hoa trái bí tích sẽ được khai thông. Đồng thời, ngài cũng nói rằng điều ta cảm nghiệm trong hoa trái bí tích thay đổi tùy theo độ sâu sắc trong ước muốn thiêng liêng của ta đối với ơn thánh bí tích cũng như tùy thuộc hành động tối cao của Chúa.

Trong các phản ứng đầy tranh cãi với phe Cải Cách, Giáo Hội Công Giáo có khuynh hướng nhấn mạnh tới khía cạnh “ex opere operato” (hữu hiệu do chính hành vi được thực hiện) của các bí tích. Hậu quả là: trong thực hành cũng như trong cái hiểu mục vụ, ý nghĩa lớn lao trong việc chuẩn bị chủ quan của người lãnh nhận bí tích để có được các hoa trái của nó đã không được nhấn mạnh đủ (23).

Các nhà chủ trương lối giải thích thứ hai, khi sử dụng việc phân biệt của các nhà Kinh Viện về các loại ơn thánh khác nhau, đôi khi cũng nhấn mạnh rằng ơn thánh bí tích là một hình thức đặc biệt của ơn thánh hóa (gratia gratum faciens, ơn đẹp lòng Chúa, hay ơn công chính hóa) và có tính yếu tính đối với bí tích, trong khi các ơn đặc sủng thuộc một loại khác (gratiae gratis datae, ơn nhưng không) (24) và không thể cho là có tính yếu tính đối với các ơn của Phép Rửa và Phép Thêm Sức; do đó, phải coi chúng như không liên hệ một cách yếu tính với các bí tích này, mà đúng hơn phải coi chúng như là hậu quả của một sự “gửi” thêm hay “sai phái” thêm Chúa Thánh Thần. Dù công trình của McDonnell tập chú chuyên biệt vào các đặc sủng và có thể hiểu như muốn nói rằng chúng là chủ yếu đối với các ơn thánh khai tâm, nhưng thiển nghĩ vấn đề vẫn có thể được giải quyết một cách thỏa đáng nhờ việc phân biệt giữa yếu tính và tùy thể (essential & accidental). Một trong những người ủng hộ lối giải thích của Sullivan mạnh hơn cả cũng nhìn nhận rằng:

“Cũng có thể có câu trả lời thứ hai cho câu hỏi liệu kinh nghiệm ngũ tuần, trong yếu tính, có phải là một ơn bí tích hay không; câu trả lời ấy là: ‘có’ với điều kiện. Nếu yếu tính của kinh nghiệm ngũ tuần chỉ giới hạn ở việc lớn mạnh chung chung trong ơn thánh hóa, một ơn, xét theo một phạm vi nào đó, luôn bắt nguồn từ Phép Rửa, thì không có khó khăn nào cả. Lúc ấy, các đặc sủng sẽ là những biểu hiện không có tính yếu tính của sự lớn mạnh, hay canh tân, của ơn thánh rửa tội. Kinh nghiệm ngũ tuần, xét trong toàn thể, chỉ có thể giải thích một cách hợp lệ như là ơn bí tích nếu các đặc sủng của nó được phân biệt một cách rõ ràng như là tùy thể đối với kinh nghiệm này” (25).

Cho dù ta chấp nhận lối phân biệt chặt chẽ của Kinh Viện, ta cũng thấy không có vấn đề gì khi hiểu các ơn chiêm niệm như có tính yếu tính đối với phép rửa trong Chúa Thánh Thần và dành cho mọi người. Những ơn này rất hiển nhiên trong kinh nghiệm ngũ tuần, tức được gặp gỡ Chúa Kitô sống lại, lên trời và rửa tội trong Chúa Thánh Thần, ơn khiến ta cất lời ngợi khen, mừng rỡ hân hoan, can đảm làm chứng nhân, nở bông nhân đức, thấy Thánh Kinh như sống lại, ước ao được cầu nguyện cũng như được hiệp thông Kitô Giáo. Đồng thời, ta cũng có thể coi sự biểu hiện “thường xuyên” hay “thường lệ” các đặc sủng như là tùy thể xét theo siêu hình học và được phân phát một cách đa dạng khác nhau. Trong các bí tích rửa tội và thêm sức, mọi người đều lãnh được cùng một ơn thánh hóa, dù như Thánh Tôma từng dạy, có rất nhiều mức độ khác nhau trong cảm nghiệm và trong hoa trái, tùy ở các yếu tố ta đã nhiều lần nhắc đến. Việc canh tân các ơn Khai Tâm Kitô Giáo này, tức ơn thánh hóa, lúc đó tuy cùng thuộc một loại nhưng khác nhau về hoa trái, tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Việc biểu hiện của đặc sủng không như nhau ở từng người nhưng thay đổi không chỉ tùy sự chuẩn bị của cá nhân mà còn tùy ở sự phân phối các ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần. “Đối với mỗi cá nhân, biểu hiện của Chúa Thánh Thần được ban cho vì một lợi ích nào đó… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1 Cor 12: 4.11). Ta còn có thể coi các đặc sủng khác nhau này như những tùy thể xét theo siêu hình học và là những trường hợp sai thêm hay gửi thêm Chúa Thánh Thần xuống cho các tín hữu, đồng thời coi các ơn nòng cốt này (kể cả 11 ơn trong sách tiên tri Isaia) như các ơn của bí tích khai tâm được canh tân hay được khai thông.

Ấy thế nhưng, dù có thể coi các đặc sủng này như các tùy thể xét theo siêu hình học, chúng vẫn là những ơn thông thường, quan trọng, và hữu ích (26). Ở đây, Thánh Phaolô nói rằng ta nên “cố khao khát các ơn của Chúa Thánh Thần” (1 Cor 14:1). Ai trong chúng ta cũng nhớ lời khuyên của Đức Gioan Phaolô II: “hãy ngoan ngoãn mở lòng ra đón nhận các ơn của Chúa Thánh Thần! Hãy tiếp nhận một cách đầy biết ơn và vâng phục các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban cho chúng ta!” (27).

Lối giải thích thứ ba

Lối giải thích thứ ba hữu ích ở chỗ đã lưu ý chúng ta tới khuôn khổ có tính cánh chung rõ ràng mà Thánh Kinh từng dành cho việc được rửa tội trong Chúa Thánh Thần và nhắc ta nhớ tới “thế giới quan thánh kinh” từng lên khuôn các tin mừng với Ngày của Chúa và việc phán xét cuối cùng trong ngày ấy cũng như việc nó phân chia nhân loại thành hai loại người: loại được cứu rỗi và loại bị kết án. Lối giải thích này làm nổi bật tính cấp bách của việc tin mừng hóa. Lối giải thích này không coi mình như một giải thích tự nó hoàn toàn thỏa đáng và quả thực, người ta không thể coi nó như thế được. Chỉ có thời gian mới có thể cho ta hay liệu những đồ đoán về các biến cố hiện nay đang xẩy ra đối với dân tộc Do Thái, hay “việc bỏ đạo hàng loạt” hay “việc loại trừ mọi hạn chế tội lỗi” hay việc rao giảng tin mừng khắp thế giới có thực sự là các dấu hiệu cho thấy ta đang bước vào những ngày cuối cùng của thời gian hay không.

Dù kinh nghiệm có tính hoàn cầu về phép rửa trong Chúa Thánh Thần và các ơn Chúa Thánh Thần từng bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 rất có thể có một một ý nghĩa cánh chung hiện đại, nhưng người ta vẫn có những giải thích khác chắc chắn hơn. Ở đây, lối đọc “các dấu chỉ thời đại” của Đức Gioan Phaolô II trong “Novo millennio ineunte” (Bắt Đầu Thiên Niên Kỷ Mới) đem lại cho ta một giải thích đầy đủ, không cần phải nại tới lối giải thích cánh chung đầy tính suy đoán. Việc xụp đổ của thế giới Kitô Giáo trong thời đại ta đã làm lung lay Giáo Hội tận gốc rễ và đang buộc ta phải xem sét lại nguồn gốc đích thực đem lại sức mạnh cho Giáo Hội là đâu, trong khi tại nhiều quốc gia, Giáo Hội đang bị tước bỏ rất nhiều ảnh hưởng chính trị cũng như tài sản vật chất, thế giá tinh thần xuống thấp và rất nhiều giả hình đang bị phanh phui. Một cuộc tân phúc âm hóa quả thực đang cần phải có và làm thế nào có được một cuộc phúc âm hóa như thế, ngoại trừ ta phải tìm lại được niềm phấn khích, niềm hân hoan, cái quyết tâm sẵn sàng hy sinh, và niềm say sưa công bố Chúa Kitô của Giáo Hội thời sơ khai, điều mà cả bốn vị giáo hoàng mới đây đều nhận diện như là sức mạnh của Ngũ Tuần, mà Thánh Kinh vẫn hiểu như là được rửa tội trong Chúa Thánh Thần?

Đối với những người khó nhìn nhận rằng kinh nghiệm Ngũ Tuần phải được coi là chuyện thông thường, như lối giải thích thứ nhất, vì họ thấy: bao thế kỷ đã trôi qua, mà hành động của Chúa Thánh Thần nào có được cảm nhận thường xuyên lắm, thì lối giải thích này có thể hữu ích. Trong viễn tượng này, ta có thể nói đây không phải là một đổi mới mà là một điều mới hẳn. Chúa Thánh Thần đang phục hồi một số khía cạnh trong phương thức hành động của Người để đáp ứng trước sự xụp đổ của thế giới Kitô Giáo, trước nền văn hóa ngoại đạo có tính quốc tế, và các nhu cầu hiện nay của Giáo Hội.

Kết luận

Theo thiển ý, lối giải thích thoả đáng nhất đối với điều phần lớn người ta cảm nghiệm khi được rửa tội trong Chúa Thánh Thần là lối giải thích thứ nhất, tức lối giải thích cho rằng đó là việc khai thông, canh tân hay hiện thực hóa các ơn thánh đã nhận được trong Phép Rửa và Phép Thêm Sức vốn “nằm im” bởi các lý do đã được Thánh Tôma Aquinô đưa ra. Dựa vào các lời chứng đã được thu thập, công bố và tóm lược trong nhiều năm qua, người ta thấy lối giải thích này có lý. Vì các lời chứng này phần rất lớn đã vẽ lại hình ảnh các Kitô hữu được khai tâm trọn vẹn mà ta vốn gặp trong Tân Ước, chứ không phải là các ơn gọi đặc biệt (28). Điều này không có nghĩa: trong số những người được rửa tội trong Chúa Thánh Thần, không ai cảm nhận được một ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống thêm cho họ, như lối giải thích thứ hai chủ trương, giúp họ đủ sức mạnh đảm nhiệm một sứ mệnh đặc biệt hay một trình độ sống với Chúa Kitô cao hơn, mới hơn, hay cảm nhận được sự khởi động của một đặc sủng mới, khác biệt với đời sống Kitô Giáo thông thường.

Lối giải thích thứ ba nhìn nhận bản chất cánh chung của phép rửa trong Chúa Thánh Thần như đã được trình bày trong Thánh Kinh, và cũng nhìn nhận các dấu chỉ cánh chung đặc biệt của thời đại. Dù có giá trị, nhưng ta chỉ có thể coi nó như một suy đoán (speculation).

Dù cả ba lối giải thích đều đem lại một điều gì đó cho cái hiểu của ta về điều thực sự xẩy ra cho phép rửa trong Chúa Thánh Thần và cung cấp cho ta các ý niệm để suy nghĩ xa hơn, thiển nghĩ lối giải thích thứ nhất vẫn gần trọng điểm hơn. Đàng khác, như trên đã nói, các bản văn của Thánh Tôma Tiến Sĩ về hoa trái bí tích đã mang đến cho ta một tư liệu thần học để ta hiểu rõ hơn việc canh tân hay hiện thực hóa ơn thánh bí tích này thực sự là gì, một việc có ích để hiểu ý nghĩa hiện đại của phép rửa trong Chúa Thánh Thần hơn là giáo huấn của ngài về việc phái thêm Chúa Thánh Thần xuống mà người ta đã trích dẫn làm căn bản cho lối giải thích thứ hai, dù cả hai bản văn này đều có tính soi sáng. Giáo huấn của ngài hỗ trợ mạnh cho quan điểm cho rằng các bí tích khai tâm Kitô Giáo tuy được lãnh nhận một cách thành hiệu nhưng có thể nằm đó chưa đem lại hiệu quả thiêng liêng. Giáo huấn này cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho quan điểm cho rằng những ai lãnh nhận các bí tính khai tâm Kitô Giáo một cách “không có hiệu quả”, sau này có thể cảm nghiệm được hiệu quả của chúng khi các trở ngại làm cho ơn thánh bí tích không có hiệu quả được gỡ bỏ đi. Thánh Tôma cũng cho thấy rõ: có cả một bậc thang khá lớn trong cảm nghiệm và tính hữu hiệu thiêng liêng nơi những người đã được khai tâm thành hiệu tùy thuộc mức sâu sắc trong ước muốn, trong sùng mộ và sự hiểu biết của từng người.

Bởi thế, xem ra giáo huấn của Thánh Tôma rõ ràng đã đem lại những nền tảng thần học chắc chắn cho quan điểm coi cảm nghiệm rửa tội trong Chúa Thánh Thần hiện nay thực sự là việc khai thông các ơn thánh bí tích đang nằm im, đang không có hiệu quả hay đang bị giới hạn về hiệu quả vì các thiếu sót trong hiểu biết, trong ý chí, trong ước muốn v.v… Như thế, điều thực sự đang xẩy ra là việc gia tăng hiểu biết, gia tăng ước muốn, gia tăng lòng thống hối, gia tăng đức tin nơi nhiều người.

Đồng thời, như Sullivan từng chủ trương, ta có thể nhìn nhận rằng một số người chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần vốn trước đó đã cảm nhận được hoa trái đầy đủ của các bí tích khai tâm rồi, nhờ một diễn trình phát triển từ từ qua nhiều năm tháng, nay điều họ cảm nhận được cần phải được coi là một ơn mới, một ban phát đặc sủng mới giúp họ có được một liên hệ sâu sắc hơn với Chúa Kitô, một ơn gọi phục vụ nhiều hơn đối với nhiệm thể Chúa Kitô.

Với sự xụp đổ của thế giới Kitô Giáo, sau gần 1,700 năm hiện hữu, và việc xuất hiện một nền văn hóa quốc tế ngoại đạo mới, một nền văn hóa được Đức Bênêđíctô XVI gọi là “nền độc tài của chủ nghĩa tương đối”, Giáo Hội tại Phương Tây đang phải đương đầu với một hoàn cảnh giống như hoàn cảnh của Giáo Hội thời sơ khai. Các lời kêu gọi khôn nguôi của các vị giáo hoàng gần đây phải có một lễ Hiện Xuống mới, một nhu cầu có lẽ sâu xa nhất của Giáo Hội hiện nay, chắc chắn sẽ được cổ vũ nhờ một cái hiểu sâu sắc hơn về điều mà nhiều triệu người đang cảm nhận như là phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

Và như McDonnell, người đề xuất lối giải thích thứ nhất cách mạnh mẽ hơn cả, từng nói chí lý rằng: bất luận việc khai thông Chúa Thánh Thần là do việc đánh thức ơn thánh bí tích hay chỉ là hoa trái của cầu nguyện, điều quan trọng là nó xẩy ra (29).

Vũ Vân An (dịch)

Ghi Chú
(1) Thực ra có nhiều kiểu gọi cảm ngiệm này. Thuật ngữ “Phép Rửa Trong Chúa Thánh Thần” được dùng ở đây chỉ là vì thuận tiện.
(2) Linh mục Francis Sullivan, SJ, “Baptism in the Holy Spirit: A Catholic Interpretation of the Pentecostal Experience”, Gregorianum 55, no. 1 (1974): 49.68.
(3) Kevin và Dorothy Ranaghan, Catholic Pentecostals (New York: Paulist, 1969), 151.
(4) Các số thống kê này là của International Catholic Charismatic Renewal Services có văn phòng tại Vatican (www.iccrs.org ). Xem thêm Peter Hocken, “The Impact of the Charismatic Movement on the Roman Catholic Church”, Journal of Beliefs and Values 25, no. 2 (August 2004): 205.16.
(5) David B. Barrett, George T. Kurian, và Todd M. Johnson, World Christian Encyclopedia, 2nd ed. (New York: Oxford University Press, 2001).
(6) Đức Paul VI, Tông Huấn Gaudete in domino (Hãy Vui Mừng Trong Chúa), 9 tháng 5, 1975, chương 7 (http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/apost_exhortations/documents/h...)
(7) L’Observatore Romano, Ấn bản tiếng Anh, ngày 3 tháng 6, 1998, “This is the day the Lord has made! Holy Father holds historic meeting with ecclesial movements and new communities”, 1.2.
(8) Đức Benedict XVI, “Let Baptism of the Holy Spirit purify every heart”, ngày 11 tháng 5, 2008,L’Osservatore Romano, Ấn bản tiếng Anh, 14 tháng 5, 2008, Số 20, 1.
(9) Hai nghiên cứu sớm nhất là của Ranaghans (xem số 3 trên đây) và của Edward O’Connor, CSC,The Pentecostal Movement in the Catholic Church (Notre Dame, IN: Ave Maria, 1971).
(10) Patti Gallagher Mansifeld, As By a New Pentecost: The Dramatic Beginning of the Catholic Charismatic Renewal, bản hiệu đính (Stonyhurst, Lancashire: Proclaim Publications, 1992), 2.
(11) Xem Killian McDonnell và George T. Montague, Fanning the Flame: What Does Baptism in the Holy Spirit Have to Do with Christian Initiation? (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1991), 16.18.
(12) Killian McDonnell và George T. Montague, Christian Initiation and Baptism in the Holy Spirit: Evidence from the First Eight Centuries (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1991), 337.
(13) Đức HY Leon Joseph Suenens, A New Pentecost? (New York: The Seabury Press, 1975), 212.27.
(14) Norbert Baumert, “Charism and Spirit- Baptism: Presentation of an Analysis”, Journal of Pentecostal Theology 12, no. 2 (April 2004): 147.79.
(15) Sullivan, “Baptism in the Holy Spirit”, 66.
(16) Peter Hocken, “Baptized in Spirit: An Eschatological Concept”, Journal of Pentecostal Theology13, no. 2 (2005): 257.68.
(17) Ibid., 267.
(18) Viện Catherine of Siena, dựa vào một cuộc phỏng vấn rộng rãi, cho rằng không đến 15% người Công Giáo đang sống một cuộc sống được Tân Ước mô tả là đặc sủng. Xem www.siena.org.
(19) Một trong các ơn phúc lớn của phong trào canh tân đặc sủng là tìm ra các cách đơn giản thực sự giúp người ta chuẩn bị và cầu nguyện hữu hiệu để chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Một trong các sáng kiến là Cuộc Hội Thảo Sống Trong Chúa Thánh Thần (Life in Christ Seminar) kéo dài 7 tuần, mỗi tuần một buổi giúp các tham dự viên nắm được những điều giáo lý căn bản và chuẩn bị họ thực hiện các hành vi thống hối, cam kết sống với Chúa Kitô, từ bỏ các ảnh hưởng của thần xấu, và ước mong nhận được “nhiều Chúa Thánh Thần hơn”.
(20) Montague và McDonnell phân biệt giữa việc đạo đức tư riêng (lối giải thích thứ hai) và phụng vụ công cộng (lối giải thích thứ nhất).
(21) St. Thomas Aquinas, Summa theologiae (ST) I, q. 43, a. 6.
(22) Lời bàn của Thánh Tôma về việc sai phái Chúa Con và Chúa Thánh Thần khá phức tạp và sâu rộng hơn ta tưởng đối với vấn đề bàn ở đây.
(23) Muốn có cái nhìn quân bình hơn xin xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo số 1128.
(24) Thánh Tôma bàn về ơn thánh hóa và các đặc sủng trong ST I.II, q. 111, a.1; II.II, qq. 171.78.
(25) Joy, “Outpouring of the Holy Spirit”, 154.
(26) Cha Raniero Cantalamessa khảo sát lịch sử phức tạp của việc xếp loại các ơn thánh hóa và đặc sủng trong cuốn Come, Creator Spirit (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 2003), 171.90.
(27) “This is the day the Lord has made!”
(28) Xem McDonnell và Montague, Christian Initiation, 341.
(29) McDonnell và Montague, Christian Initiation, 339.


http://www.thanhlinh.net/node/39493

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét