Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Từ điển Việt-Bồ-La giúp hiểu rõ ý nghiã một số kinh đọc thường ngày

Từ điển Việt-Bồ-La giúp hiểu rõ ý nghiã một số kinh đọc thường ngày

Tìm hiểu ý nghĩa của một số kinh đọc thường ngày.
Ngày 18/01/2014 vừa qua, Dòng Tên Việt Nam đã tổ chức lễ Khai mạc năm thánh mừng 400 các Cha Dòng Tên đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng. Các cha đã góp phần làm cho mảnh đất Việt Nam thấm đẫm hạt giống Lời Chúa. Bên cạnh đó, một điều mà xã hội Việt Nam không thể phủ nhận đó là các Ngài đã đóng góp nhiều công sức giúp phát triển xã hội Việt Nam qua việc sáng tạo Chữ Quốc Ngữ. Khi kể đến công ơn này, không ai lại không nhắc đến cha Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ) người đã có công thu tập thành quả nghiên cứu của thế hệ thừa sai Dòng Tên đi trước và các tín hữu học thức trong 31 năm đầu tức là từ năm 1615 (ba Thừa Sai đầu tiên tới Việt Nam) cho tới 1646 (khi Cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn), biên soạn và cho xuất bản Từ điển Việt – Bồ - La năm 1651.

Từ điển Việt – Bồ - La là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ. Đây là cuốn từ điển đầu tiên ở Việt Nam lấy từ tiếng Việt làm mục từ, đối chiếu với tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin. Về hình thức đây là dạng từ điển đối chiếu đa ngữ. Mặt khác, Từ điển Việt - Bồ - La còn mang tính chất của một từ điển giải thích, vì các từ ngữ khó hiểu được giải thích cách tỉ mỉ kèm theo những ví dụ thuyết minh, chỉ có điều là ngôn ngữ giải thích là tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin chứ không phải tiếng Việt. Lần đầu tiên, ở Việt Nam, trên một cuốn từ điển, các từ ngữ tiếng Việt đã được ghi lại bằng các chữ cái ghi âm tố mà chúng ta gọi là Chữ Quốc Ngữ.

Các nhà nghiên cứu Việt ngữ học đã xác định, Từ điển Việt – Bồ - La có khoảng trên dưới 550 từ ngữ mà nay đã trở thành từ ngữ cổ: là những từ ngữ đã từng tồn tại trước đây nhưng hiện nay không còn trong đời sống ngôn ngữ toàn dân nữa, hoặc chỉ còn làm thành tố trong những kết cấu ngôn ngữ rất hạn chế nào đó, hoặc chỉ còn sử dụng rất hạn chế trong một cộng đồng xã hội nào đó.

Khi đọc các kinh thường ngày, chúng ta nhận thấy trong một số kinh có một vài từ ngữ không còn rõ nghĩa nữa, khiến một số người trong chúng ta hoặc những người ngoài Công Giáo nghe chúng ta đọc sẽ cảm thấy thật khó hiểu. Khi ấy, nếu dùng các từ điển tiếng Việt hiện đại để tra cứu, chúng ta sẽ thấy các từ ngữ ấy hoặc không có, hoặc có nhưng nghĩa không phù hợp nếu gắn vào các kinh đọc thường ngày của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta dùng Từ điển Việt - Bồ - La để tra cứu, thì từ điển sẽ soi sáng giúp chúng ta hiểu rõ nghĩa một số các từ ngữ ấy. Bởi vì những từ ngữ ấy là những từ ngữ cổ, chỉ còn được sử dụng hạn chế trong các cộng đồng tín hữu Công Giáo, trong các kinh đọc được biên soạn từ khi đạo Công Giáo mới được truyền vào Việt Nam, dù đã được sửa một lần vào năm 1924. Xin đơn cử vài ví dụ trong các kinh sau đây:

1. Kinh lạy Nữ Vương[1]
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

- Cụm từ “thân lạy Mẹ!”, nếu tra từ điển tiếng Việt hiện đại[2] chúng ta sẽ thấy từ “thân” không có nét nghĩa nào phù hợp với kinh đọc này. Đây là một từ cổ đã được Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận, “thân” nghĩa là: “Cách nói để bày tỏ lòng tôn kính với những người cao trọng dưới vua chúa; thân ông, thân đức ông, thân ông già muôn tuổi : là những kiểu xưng hô tương đương với: tâu vua, dộng chúa, bạch thày, chiềng ông : đó là những kiểu xưng hô đáng giá.” Từ điển từ cổ[3] chú thích nghĩa của từ “thân” là: thưa, bẩm. Như vậy, “thân lạy Mẹ!” là một từ ngữ dùng xưng hô cho dành Mẹ là đấng đáng kính trọng về mặt nghĩa cổ của nó. Chúng ta cũng bắt gặp từ này trong “kinh Đức Thánh Thiên Thần”: “Con thân Đức Thánh Thiên Thần” từ “thân” trong câu ngày cũng có nghĩa như trong “Kinh lạy Nữ Vương”.

- Cụm từ “Bà là chúa bầu chúng con”, đọc câu kinh này chúng ta thấy nghĩa có vẻ tối và khó hiểu. Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận: baù (bầu) chủ, baù mình nghĩa là: “Kẻ bàu chủ, kẻ bàu lĩnh (bảo lãnh); baù ai: xin vua cho con được chức tước gì”. Câu kinh “Bà là chúa bầu chúng con”: vừa có nghĩa tung hô Mẹ là “Bà Chúa” cách nói dùng tung hô người nữ có quyền chức sau vua mà Từ điển Việt - Bồ - La cũng ghi nhận, vừa xác tín rằng Mẹ là người bảo lãnh cho chúng ta.

- Cụm từ “Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay!”. Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích: “thay” là từ biểu thị sự tác động mạnh mẽ đến tình cảm người nói của một điều đạt đến mức độ rất cao như: may thay, đẹp thay, đau đớn thay. Nhưng nếu chỉ hiểu nghĩa của từ “thay” theo tiếng Việt hiện đại, thì ý nghĩa của câu kinh sẽ không rõ. Tác giả Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận “thay” nghĩa là: nhiều, lắm, rất; tốt thay : rất tốt; khoan thay : rất nhân từ; nhân thay: rất đạo hạnh; dịu thay: rất dịu hiền. “Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay!”: là lời ca khen Mẹ rất nhân từ, rất đạo hạnh, rất dịu hiền.

2. Kinh Bởi Lời
Lạy Ðức Chúa Giêsu xưa bởi lời mà xuống thế gian ba mươi ba năm cùng chịu những sự thương khó cho các linh hồn thiên hạ được rỗi. Thì rày chúng con xin Cha rất nhân lành hay thương vô cùng, xin tha phần phạt cho các linh hồn đã cầu nguyện hôm nay, hoặc còn giam nơi lửa luyện tội thì xin mở cửa tù rạc ấy cho ra mà đem đến chốn hưởng vui thật là nước thiên đàng vì công nghiệp Chúa con đã chịu nạn chịu chết vì chúng con. Amen.

- Trong kinh này chúng ta thấy từ “tù rạc” với nét nghĩa mờ nhạt, nếu tra cứu Từ điển tiếng Việt hiện đại, chúng ta sẽ không thấy từ này trong Từ điển. Tuy nhiên, Từ điển Việt - Bồ - La ba lần nói đến từ “tù rạc” với nghĩa là nhà giam, nhà tù. Với nghĩa này, chúng ta có thể hiểu câu kinh rõ ràng hơn, “luyện tội” hay “luyện ngục” là hình thức bị giam giữ mất tự do như bị tù ngục.

3. Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử
Lạy ơn Ông Thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con mắc phải... 

- Khi bắt đầu kinh đọc này, một số người đã thắc mắc tại sao lại là “lạy ơn ông Thánh Giuse” mà không là “lạy Thánh Giuse”, hóa ra là chúng ta chỉ quan tâm đến “ơn ông Thánh Giuse” ban, chứ không quan tâm đến Thánh Giuse. Từ điển Việt – Bồ - La sẽ giúp chúng ta hiểu rõ lời kinh hơn. Trong Từ điển Việt – Bồ - La chúng ta thấy cụm từ đầu mục “lạy ơn Đức Chúa blời (Trời)” xuất hiện hai lần và được giải thích nghĩa là: “tạ ơn Chúa Trời”. Ý nghĩa của cụm từ này soi sáng cho chúng ta khi đọc các kinh “lạy ơn ông Thánh Giuse”, “lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần”[4], “lạy ơn Đức Chúa Giêsu”[5], các câu kinh này không có nghĩa là chúng ta chỉ quan tâm đến ơn ban của các Ngài, mà có nghĩa là lời tạ ơn, lời cám ơn đầu tiên của chúng ta trước khi chúng ta cầu xin điều gì tiếp theo.

- Tiếp tục “kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử” chúng ta thấy câu: “Chúng con xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời,...” Từ “làm Bạn” khiến chúng ta hiểu không rõ nghĩa của câu kinh. Nếu tra cứu Từ điển tiếng Việt hiện đại, chúng ta chỉ thấy giải thích nghĩa “bạn” như là tình bạn bình thường. Nhưng Từ điển Việt – Bồ - La giải thích khác. Ở mục từ “bạn” Cha Đắc lộ lấy thêm ví dụ là cụm từ “có bạn chăng” rồi giải thích là: “bạn đã kết hôn chưa ? đó là cách hỏi thanh nhã bất cứ người con trai hay con gái nào”. Với cách giải thích này chúng ta có thể hiểu từ “làm Bạn” nghĩa là kết hôn. Cha còn chú thích thêm đây là “cách hỏi thanh nhã”. Ở chỗ khác trong Từ điển Cha lấy ví dụ “chẳng có bạn” và giải thích là: “được giải thoát khỏi vợ, không kết hôn”. Như vậy, qua cứ liệu của Từ điển Việt - Bồ - La, chúng ta có thể hiểu câu kinh cách rõ ràng hơn.

* Từ điển Việt – Bồ - La của Cha Đắc Lộ được soạn thảo cách đây gần 400 năm, nhưng giá trị của nó không hề giảm hoặc mất theo thời gian. Không một nhà nghiên cứu Việt ngữ học nào lại không một lần đọc Từ điển Việt – Bồ - La. Từ điển Việt – Bồ - La có giá trị về lịch sử, nhưng nó cũng có giá trị trong đời sống hiện tại.

400 năm hạt giống Lời Chúa được rao truyền thì cũng gần 400 năm đóng góp của Cha Đắc Lộ được ghi nhận đã đem lại nhiều hoa trái. Nói kiểu của Từ điển Việt – Bồ - La là Giáo Hội Việt Nam “bưng ơn”, “đội ơn”, “cám ơn”, “tạ ơn” Cha Đắc Lộ “thay thảy” “làu làu”.

Sr. Minh Thùy (còn tiếp)

1 cả các kinh, được trích từ các trang web sau :
- http://www.conggiao.org/dao-cong-giao/tat-ca-cac-kinh/
- http://www.giaoxudenver.org/kinh/cackinh.htm
[2] Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2010, được xác định là cuốn Từ điển tiếng Việt hiện đại đầy đủ và quy mô nhất hiện nay.
[3] Từ điển từ cổ của Vương Lộc, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2002 trang 154.
[4] Kinh Đức Chúa Thánh Thần.
[5] Kinh cầu cho các linh hồn.


Từ điển Việt Bồ La giúp hiểu rõ ý nghiã một số kinh đọc thường ngàySr. Minh Thuỳ3/30/2014
(tiếp theo)

4. Kinh Truyền Tin[1]

· Xướng: Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.

Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. (Kính mừng...)

· Xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.

Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền. (Kính mừng...)

· Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

Đáp: Và ở cùng chúng con. (Kính mừng...)

· Xướng: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.

Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

Lời nguyện : Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kito là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển. Cũng vì công nghiệp Chúa Kito là Chúa chúng con. Amen

- Trong kinh này chúng ta thấy có 3 lần xuất hiện từ “chịu” kết hợp với các từ ngữ khác nhau, với 3 sắc thái nghĩa khác nhau: 

1.chịu thai: (sắc thái trung tính)

2.chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa: (sắc thái tích cực)

3.chịu nạn chịu chết (sắc thái tiêu cực)[2]. 

Từ điển Việt hiện đại[3] mô tả từ “chịu” có 6 nét nghĩa, trong đó có 2 nét nghĩa mang sắc thái trung tính và 4 nét nghĩa mang sắc thái tiêu cực, không có nét nghĩa tích cực. 

Tác giả Từ điển Việt – Bồ - La sử dụng 23 mục từ có từ “chịu”, trong đó có đầy đủ ba nét nghĩa tích cực, trung tính và tiêu cực. Ví dụ (xin trích vài ví dụ điển hình):

· Nét nghĩa tích cực (3 lần):
 chịu → lãnh, nhận
 chịu phúc → hưởng phúc, nhận lãnh phúc lộc
 chịu muôn phúc → hưởng phúc, nhận lãnh vô số phần thưởng

Chúng ta cũng thấy xuất hiện kiểu nói này trong cuốn “Phép giảng tám ngày” của cha Đắc Lộ: “Ai đến được trên ấy thì chịu hằng hằng vui vẻ vậy”[4] hoặc trong cuốn “Các thánh truyện”[5] cũng nói tương tự: “Chúng tôi là kẻ chịu phúc”.

· Nét nghĩa trung tính (7 lần):
 chịu đạo → tiếp nhận đạo
 chịu thai (2) → có thai, đã thụ thai, mang thai
 chiụ lụy (2) → vâng lời, tuân phục
 chịu phép bề tlên (trên) → tỏ lòng vâng phục các bề trên
 chiụ vậy → đón nhận cách kiên nhẫn

· Nét nghĩa tiêu cực (13 lần):
 chịu tủi hổ → chịu đựng sự nhục nhã
 chịu chết → chịu tội, chịu đau khổ 
 chịu khốn khó → chịu sự bần cùng và khó nhọc
 chiụ lỗi → thú lỗi
 chiu nạn → chịu đựng những đau khổ
 chịu thương chịu khó → chịu đựng những lao nhọc và khốn khổ
 chịu tội → chịu vì tội

Từ điển Việt – Bồ - La giúp chúng ta hiểu rõ nghĩa 3 từ “chịu” trong 3 kết hợp khác nhau của Kinh Truyền Tin cách rõ ràng, trong khi đó tiếng Việt đương đại từ “chịu” không còn nét nghĩa tích cực nữa.

5. Kinh Nữ Vương Thiên Đàng

· Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng - Alleluia

Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng - Alleluia 

· Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa - Alleluia

Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con - Alleluia

· Xướng: Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc - Alleluia

Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật - Alleluia

Lời nguyện : Lạy Chúa, là đấng đã làm cho thiên hạ vui mừng qúa bội bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời dời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

- Trong kinh này chúng ta gặp từ ghép đa tiết song song “hỉ hoan khoái lạc”. Từ điển tiếng Việt đương đại không có từ “hỉ hoan” nhưng có từ tương ứng “hoan hỉ” với nghĩa “rất vui mừng”; có từ “khoái lạc” (thuần Việt) với nghĩa “cảm giác thỏa mãn, thích thú về hưởng thụ vật chất”. Từ điển Việt – Bồ - La có từ “hoan hỉ” với nghĩa “vui vẻ, vui mừng”; không có từ “khoái lạc”. Từ “khoái lạc”[6] là một từ nguyên gốc Hán với nghĩa “rất vui mừng”. 

Trong tiếng Việt chúng ta thấy rất nhiều từ ghép song tiết gồm một yếu tố thuần Việt cộng với một yếu tố Hán Việt như: giá cả, hỏi han, tuổi tác... Trong đó: “cả” là yếu tố Hán Việt đồng nghĩa với “giá”; “han” là yếu tố Hán Việt đồng nghĩa với “hỏi”, “tác” là yếu tố Hán Việt đồng nghĩa với “tuổi”; các yếu tố “cả, han, tác” hiện nay nghĩa đã mờ hoặc có thể tiếng Việt hiện đại đã thay vào đó bằng các từ đồng âm thuần Việt tương ứng với nghĩa hoàn toàn khác.

Trường hợp cụm từ “hỉ hoan khoái lạc” là cụm từ ghép hai từ song tiết gồm một từ là thuần Việt “hỉ hoan” và một từ là Hán Việt “khoái lạc”, cả hai đều mang nghĩa “rất vui mừng”. Muốn hiểu từ “khoái lạc” phải tra từ điển Hán Việt hoặc từ điển Từ nguyên Hán Việt. Ngặt một nỗi là tiếng Việt hiện đại đã có từ “khoái lạc” thuần Việt với nghĩa hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa của lời kinh. Cụm từ “hỉ hoan khoái lạc” là loại từ ghép hội nghĩa trong tiếng Việt, đặc điểm của nó là tạo nghĩa khái quát do hai yếu tố cộng lại, “hỉ hoan - khoái lạc” là một sự vui mừng rất lớn lao. Trong tiếng Việt nếu từ ghép có nghĩa tích cực thì bao giờ yếu tố mang nét nghĩa tích cực hơn, biểu cảm hơn cũng được đặt sau[7]. Yếu tố “khoái lạc” là yếu tố có nét nghĩa tích cực hơn, biểu cảm hơn vì bản chất Hán Việt của chúng. 

“Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc hơn 100 năm sau Từ điển Việt – Bồ - La có từ “khoái” với nghĩa “hoan hỉ, bằng lòng”, thiết nghĩ với ý nghĩa này sẽ giúp cho hiểu rõ ý nghĩa của kinh này hơn.[8]

6. Kinh Tin

Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy, cùng các điều Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen

- Trong kinh này ta thấy từ “thông minh”, nếu chỉ sử dụng nghĩa từ “thông minh” theo Từ điển tiếng Việt hiện đại thì nghĩa của câu kinh rất hẹp, phẩm chất “thông minh” với nghĩa là “có trí lực tốt, hiểu nhanh tiếp thu nhanh – nhanh trí và khôn khéo” là phẩm chất mà nhiều người thường cũng có. 

Từ điển Việt – Bồ - La có từ “thông minh” (thoå manh) với nghĩa đen là “mù mà mắt vẫn mở”, “thông minh vô cùng” nghĩa bóng là “thấu biết suốt mọi điều mà mắt thường con người không thấy”. Với nghĩa từ “thông minh” như Từ điển Việt – Bồ - La, chúng ta mới thấu hiểu câu kinh thâm thúy biết nhường nào. Phẩm tính của Thiên Chúa tóm gọn trong lời kinh đáng để chúng ta tuyên xưng với đức tin của mình qua lời kinh đọc hàng ngày rằng: “Chúa thông biết mọi sự và chân thật vô cùng”.

7. Kinh Cậy

Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

- Trong kinh này chúng ta thấy từ “phép tắc”, nghĩa của từ này trong tiếng Việt hiện đại là “quy tắc, lề lối phải tuân theo”, nét nghĩa này hoàn toàn không có chút nào giống và xứng với ý nghĩa lời kinh đọc của chúng ta. Từ điển Việt – Bồ - La có hai mục từ “phép tắc vô cùng” (phép tác vô cî) và được giải thích là “quyền năng vô cùng, toàn năng”. Với ý nghĩa này thì chúng ta giục lòng trông cậy hằng ngày mới xứng hợp.

8. Kinh Mến

Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.

- Trong kinh này ta thấy từ “kính mến” và từ “thương yêu”. Bởi vì chúng ta đọc quen, nên không thấy thắc mắc, nhưng trong một lớp Giáo lý Tân Tòng, một bạn trẻ giơ tay hỏi: “Sơ ơi ‘kính mến mà hết lòng hết sức’ nghĩa là sao ? Tại sao không là ‘yêu Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự’; Tại sao với Chúa chỉ là ‘kính mến’ với người ta lại là ‘thương yêu’ ? Hai vế của câu kinh này không trùng với nghĩa trong câu Tin Mừng Mc 12,29 hay sao ?”.

Nếu dùng Từ điển tiếng Việt hiện đại thì chúng ta không hiểu rõ và giải thích được ý nghĩa sâu sắc của lời kinh; bởi vì ba từ “mến”, “thương” và “yêu” trong tiếng Việt hiện đại là ba từ ở ba cấp độ biểu cảm khác nhau mà “mến” ở cấp độ thấp nhất. Trong Từ điển Việt - Bồ - La ba từ “mến”, “thương” và “yêu” đồng nghĩa với nhau và đều có nghĩa là “yêu”. “Mến” cũng nghĩa là “yêu”; “mến” còn nghĩa là “yêu thắm thiết, yêu nồng nàn”; “mến đạo” là “yêu đạo”; “kính mến” nghĩa là “yêu mến với lòng tôn kính một vị cao cả như Thiên Chúa, vua...”; “kính mến Đức Chúa Blời (Trời)” là “kính trọng và yêu mến Đức Chúa Trời”. “Thương” cũng có nghĩa là “yêu” nhưng kèm theo nét nghĩa là “thương hại”. Với các mục từ “mến”, “thương” và “yêu” kèm theo cách giải thích của Từ điển Việt – Bồ - La chúng ta mới hiểu được từ “kính mến” và “thương yêu” trong câu kinh trên. Và câu kinh này là gói trọn ý nghĩa của Tin Mừng Mc 12,29.

Mỗi lần đọc kinh, là mỗi lần tôi cám ơn Cha Đắc Lộ và các nhà truyền giáo. Nhờ các Ngài mọi người dân Việt dễ dàng đọc, viết và hiểu tiếng Việt qua phương tiện Chữ Quốc Ngữ như hiện nay[9].

Sr .Minh Thùy (còn tiếp)

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tất cả các kinh, được trích từ các trang web sau: 
- http://www.conggiao.org/dao-cong-giao/tat-ca-cac-kinh/
- http://www.giaoxudenver.org/kinh/cackinh.htm
[2] Ở đây chỉ xét đến nghĩa trên bề mặt “từ ngữ” theo từ điển, không bàn đến ý nghĩa Thần học trong giải thích này.
[3] Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2010.
[4] Trích trong bài giáo lý “Ngày thứ nhất”, sách Phép giảng tám ngày.
[5] Các thánh truyện 1650-1680.
[6] Từ điển Hán Việt từ nguyên, Bửu Kế, Nxb Thuận Hóa, 2007.
[7] Ví dụ: vui mừng, to lớn, thích thú, vui thú...
[8] Một số độc giả cũng đặt vấn đề gợi ý với tôi, nếu các từ cổ mà hiện nay đã có những nét nghĩa mới có khi là ngược lại với nét nghĩa cũ, thì có nên thay thế và sửa lại bằng một từ mới để tránh hiểu lầm, như trường hợp từ “khoái lạc” trong “Kinh Nữ Vương Thiên đàng” không ? – Xin thưa, tôi chỉ có thể giúp hiểu rõ nghĩa các từ ngữ cổ, còn việc suy nghĩ có nên sửa đổi và thay thế hay không vấn đề này không thuộc thẩm quyền và chuyên môn của bản thân tôi.
[9] Trước thời Chữ Quốc Ngữ người ta thống kê dân Việt 98% mù chữ vì chữ Nôm và chữ Hán rất khó học.
Nguồn: http://vietcatholic.info/News/Html/122267.htm


Từ điển Việt Bồ La giúp hiểu rõ ý nghiã một số kinh đọc thường ngàySr.Minh Thùy4/9/2014
(tiếp theo - 3)

9. Kinh Ăn Năn Tội[1]

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

- Trong kinh này chúng ta thấy từ “ăn năn”, từ “ăn năn” trong tiếng Việt hiện đại nghĩa là “cảm thấy đau xót, day dứt trong lòng về lỗi lầm của mình”; bên cạnh đó tiếng Việt thế kỉ XVII thời của Từ điển Việt - Bồ - La cũng có nghĩa cổ hay không kém. “Ăn năn” nghĩa đen theo Từ điển Việt – Bồ - La là “ăn thứ cỏ đắng”, nghĩa ẩn dụ “để chỉ sự thống hối”. Từ này có lịch sử như sau: ngày xưa muốn sửa dạy ai là dùng hình phạt, người có lỗi phải quỳ gối ăn thứ cỏ ‘năn’ đắng giống như súc vật. “Ăn năn tội” nghĩa là ‘vì tội mà phải ‘ăn cỏ năn để tỏ lòng thống hối’, theo dòng lịch sử nghĩa đen của việc bị phạt ăn cỏ, trở thành nghĩa chính của từ “ăn năn tội” là biểu lộ sự “thống hối tội lỗi của mình”, là bày tỏ thái độ và hành động thống hối.

- Trong kinh này chúng ta cũng gặp cụm từ “cả lòng”, từ “cả” trong Từ điển Việt – Bồ - La cũng có những nét nghĩa tương tự như trong Từ điển tiếng Việt hiện đại: cao nhất, lớn nhất, đứng đầu nhất, mức độ mạnh mẽ nhất, số lượng thành phần ở mức độ tối đa; tuy nhiên nó cũng có vài nét nghĩa cổ. Những cụm từ chúng ta thấy trong Từ điển Việt – Bồ - La như: thầy cả, chị cả, cả gan, cả giận, cả tiếng những từ này giống như trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên Từ điển Việt – Bồ - La còn có những cụm từ khác chúng ta hiện nay như:
đầy tớ cả................... (nghĩa là tông đồ),
cả nước – hồng cả .... (nghĩa là lụt hồng thủy, lụt cùng khắp),
ăn chay cả ................ (nghĩa là mùa chay bốn mươi ngày),
ơn cả ........................ (nghĩa là ơn huệ to lớn),
cả và thiên hạ ........... (nghĩa là tất cả thế giới, cả mọi người dưới bầu trời).

Cụm từ “cả lòng” được Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “tội cả lòng” nghĩa là “tội cả dám”, dám phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa. Chúng ta cũng gặp cụm từ “cả sáng” trong Kinh Lạy Cha là kiểu kết hợp tương tự, kiểu kết hợp này ngày nay không còn nữa. Một điều thú vị là chúng ta tìm thấy trong Phép giảng tám ngày của Cha Đắc Lộ, 8 lần Cha dùng cụm từ “cả sáng” với nghĩa “vinh danh, tỏ rạng”; làm cho danh Cha “cả sáng” nghĩa là cho danh Cha được “tỏ rạng”, được “vinh danh”. Lần thứ 8 trong Phép giảng tám ngày ở câu cuối cùng xuất hiện cụm từ “cả sáng hơn” và được chú thích là ‘khẩu hiệu Dòng Tên’ nghĩa là vinh danh Chúa hơn.

- Trong kinh này còn cụm từ “dốc lòng chừa cải”: Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “dốc lòng” nghĩa là “quyết tâm, quyết định”; “dốc lòng chừa” nghĩa là quyết tâm sửa mình; Từ điển Việt – Bồ - La ghi rất rõ: mục từ “chừa” nghĩa là “sửa mình một phần”, và mục từ tiếp theo “chừa cải” nghĩa là “sửa mình hoàn toàn”. “Dốc lòng chừa cải” nghĩa là “quyết tâm sửa mình hoàn toàn”. Thiết nghĩ lời kinh thật sâu sắc với những từ nghĩa cổ rất thích hợp để chúng ta nghiền ngẫm trong những ngày cuối của mùa chay thánh này.

10. Kinh Trông Cậy

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiêú thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “hằng chữa”: theo Từ điển Việt – Bồ - La “hàng” nghĩa là “luôn luôn”, “chữa” nghĩa là “giải cứu khỏi bất cứ tai họa nào như bệnh hoạn hoặc sự nguy hiểm...” “Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ”, nghĩa là xin Mẹ luôn luôn giải cứu cho khỏi mọi sự dữ, khỏi bất cứ tai họa, bệnh nạn hoặc bất cứ nguy hiểm nào.

11. Kinh thờ Lạy

Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài; Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “con là vật phàm hèn”, tác giả Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận câu nói: “tôi là kẻ hèn” với nghĩa “tôi không là gì hết” là một “lời khiêm tốn, thông dụng đối với người An-nam” (người Việt Nam) lúc bấy giờ. Các nhà truyền giáo đã ứng dụng câu nói thông dụng của người dân An-nam vào lời kinh đọc bằng cách thay thế đại từ “tôi” bằng đại từ “con” và từ “kẻ” bằng từ “vật”. Lời kinh “con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa” nghĩa là con không là gì hết, con không có gì hết, con là hư không trước mặt Chúa là một lời khiêm tốn, là câu nói cửa miệng của người An-nam. Khi chúng ta bắt đầu lời “Kinh Thờ Lạy” hoặc khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận của mình trước mặt Chúa: Lạy Chúa, con không là gì hết, con không có gì hết, con là hư không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy Chúa.

Trong kinh này chúng ta còn gặp cụm từ “Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài” ý tưởng này tác giả Từ điển Việt – Bồ - La nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong từ điển bằng các kiểu nói như: Chúa blời (Trời) là cội rễ muân (muôn) sự nghĩa là Chúa Trời là nguyên lý mọi vật; là đấng “vô thỉ vô chung”. Tác giả Từ điển giải thích thêm: “thiên thần” và “linh hồn” thì “hỡu (hữu) thỉ vô chung” nghĩa là “có nguyên lý mà chẳng có cùng tận”. Thiên Chúa thì “vô thỉ vô chung” là vĩnh cửu. Khi đọc lời kinh này chúng ta xác tín rằng, Chúa là Đấng hằng hữu, “Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài”, từ muôn đời đã có Ngài và mãi mãi ngàn đời vẫn có Ngài.

12. Kinh Phù Hộ

Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng, đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay, khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa; vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng . Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “xuống ơn” đây là một nét nghĩa, một kiểu kết hợp ngữ pháp mà tiếng Việt hiện đại không có. Tiếng Việt hiện đại từ “xuống” có 4 nét nghĩa: 1.Di chuyển đến một chỗ, một vị trí thấp hơn hay được coi là thấp hơn; 2.Giảm số lượng, mức độ hay cấp bậc; 3.Truyền đến các cấp dưới (kết hợp hạn chế); 4.Từ biểu thị hướng di chuyển hoạt động.

Từ điển Việt – Bồ - La từ “xuống” cũng có các nét nghĩa như tiếng Việt hiện đại, và có thêm mục từ “xuống” tương ứng với mục từ “giáng” (từ nguyên Hán Việt) nghĩa là từ trên xuống (nghĩa đen), từ này giúp chúng ta hiểu cụm từ “xuống thế” nghĩa là “giáng thế” là đến thế gian với nghĩa bóng; từ này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn từ “xuống thai” trong Kinh Tin Kính mà tiếng Việt hiện đại không diễn đạt hết ý nghĩa. Hơn 100 năm sau Từ điển Việt – Bồ - La, “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc có các mục từ “xuống ơn” với nghĩa “bề trên ban ơn”; “xuống phước” nghĩa là “ban ơn cho ai”; “xuống thế” nghĩa là “đến thế gian”; như vậy từ “xuống” còn có nghĩa là “ban” và “đến”. Thiết nghĩ với ý nghĩa này sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa một số kinh đọc có các cụm từ “xuống ơn”, “xuống thai”, “xuống thế”, “xuống phúc” cách rõ ràng hơn.

13. Dấu Thánh Giá[2]

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

- Dấu Thánh Giá chúng ta tuyên xưng hằng ngày, mỗi ngày, mọi nơi, mọi lúc thật ngắn gọn và đơn giản. Tuy nhiên khi cần phải giải thích thì không ít người trong chúng ta gặp khó khăn. Thật ra việc tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi có lẽ ai cũng hiểu, nhưng khi được hỏi về cụm từ “nhân danh” khởi đầu Dấu Thánh Giá thì có lẽ chúng ta lúng túng.

Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “nhin danh cha” nghĩa là nhân danh cha, tác giả ghi chú thêm [hồ nghi không biết có cùng một nghĩa với ‘in nomine patris’ ?] tác giả để nguyên gốc từ Latin để không làm sai đi ý Thần Học của từ ấy. Trong Từ điển Việt – Bồ - La còn có mục từ “danh” nghĩa là “tên”. Tuy nhiên nếu kết hợp với “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc thì chúng ta sẽ thấy cụm từ này sáng rõ hơn. Trong “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc rất nhiều mục từ là phương ngữ Đàng Trong, chúng ta có từ “nhơn” (phương ngữ Đàng Trong) tương ứng với từ “nhân” (ngôn ngữ toàn dân) nghĩa là vì, bởi vì; cụm từ “nhơn danh” (phương ngữ Đàng Trong) tương ứng với cụm từ “nhân danh” (ngôn ngữ toàn dân) nghĩa là “vì tên”. Từ “nhơn danh” cũng chính là từ “nhân danh” trong công thức Dấu Thánh Giá chúng ta đang tìm hiểu, nghĩa là vì tên, vì danh.

Chúng ta cũng nên biết thêm một điều, trong lịch sử tiếng Việt đó là từ Hán Việt và thuần Việt có phần thay thế phân bố với nhau rất hài hòa. Từ Hán Việt luôn biểu thị sắc thái nghĩa trang trọng, khái quát; từ thuần Việt luôn biểu thị nghĩa thông thường, cụ thể. Ví dụ như: người ta thường sử dụng từ Hán Việt quốc tế phụ nữ chứ không ai nói quốc tế đàn bà, người ta gởi thiệp báo lễ thành hôn chứ không ai gởi thiệp báo lễ đám cưới, người ta gọi giáo sư tiến sĩ A, chứ không nói thày dạy tiến sĩ A... Chính vì thế mà từ “nhân danh” (từ Hán Việt) tồn tại trong Dấu Thánh Giá với nghĩa trang trọng thay thế cho (từ thuần Việt) “vì tên”.

Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta “nhân danh” Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thói quen làm Dấu Thánh Giá trước bất kì công việc gì, ăn uống, ngủ nghỉ, học hành... ước gì chúng ta cũng ý thức tất cả các hoạt động ấy là “vì danh” Thiên Chúa Ba Ngôi, là “nhân danh” Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Sr. Minh Thùy (còn tiếp)


[1] Tất cả các kinh, được trích từ các trang web sau:
http://www.conggiao.org/dao-cong-giao/tat-ca-cac-kinh/
- http://www.giaoxudenver.org/kinh/cackinh.htm
[2] Một số độc giả gởi đến lời thắc mắc và xin giải thích từ “nhân danh” trong “Dấu Thánh Giá”. Chúng tôi cũng dùng Từ điển Việt – Bồ - La để giúp quý vị hiểu rõ về ý nghĩa lời đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét