GIÁO LÝ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐINH : Bài 1
Lời giới thiệu
Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha,
Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Anh Chị Em và các bạn trẻ.
Đời sống hôn nhân và gia đình luôn là mối bận tâm của các Vị Chủ Chăn trong Hội Thánh. Trong khóa họp thường niên năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn năm 2003 làm Năm Thánh Hóa Gia Đình, đồng thời một số Đức Cha muốn có một tài liệu giáo lý về Hôn Nhân và Gia Đình. Vào tháng giêng năm 2003, Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Gia đình đã tổ chức Cuộc gặp gỡ quốc tế về Gia Đình lần thứ tư tại Manila (Phi Luật Tân). Và gần đây, trong Hội Nghị khoáng đại lần thứ tám của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu khai diễn hôm 17 tháng 8 năm 2004 tại Daejeon (Nam Hàn), cũng đã bàn về chủ đề Gia đình Á Châu Hướng Tới Một Nền Văn Hóa Sự Sống.
Cùng thao thức với các Vị Chủ Chăn, Nhóm phụ trách giáo lý của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cố gắng biên soạn Quyển Giáo Lý Hôn Nhân và Gia Đình, với hy vọng được góp phần nhỏ trong việc hướng dẫn các bạn trẻ hiểu và sống đúng những giáo huấn căn bản của Hội Thánh về hôn nhân trong đời sống gia đình.
Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin xin giới thiệu đến các cộng đoàn Dân Chúa Quyển Giáo Lý Hôn Nhân và Gia Đình này, và ước mong được sự đón nhận cũng như được sự góp ý của tất cả các cộng đoàn.
Kính chúc Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Anh Chị Em và các bạn trẻ luôn được an vui trong tình yêu của Đức Kitô.
Mỹ Tho, ngày 03 tháng 09 năm 2004.
CT. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin.
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Lời nói đầu
Khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, đôi bạn nào cũng ấp ủ rất nhiều mộng ước. Tuy nhiên, khi nhìn đến hiện trạng hôn nhân hiện nay, nhiều người không khỏi băn khoăn lo lắng. Trong những thập niên vừa qua, đời sống hôn nhân và gia đình trên thế giới đã gặp phải nhiều khủng hoảng với những khó khăn đưa đến tan vỡ.
Hội Thánh hết sức lo âu khi đứng trước thực trạng trên, bởi vì gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội và Hội Thánh, và “tương lai của nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình”[1]. Hội Thánh luôn đồng hành với các gia đình để soi sáng, nâng đỡ, hướng dẫn và giúp họ thể hiện được ơn gọi đích thực của mình. Những nỗ lực này được thực hiện qua nhiều hình thức, từ các giáo huấn cho đến các chăm sóc mục vụ, và trên nhiều bình diện, từ Giáo Hội hoàn vũ cho đến các Giáo Hội địa phương[2].
Riêng tại Việt Nam, trong khoá họp thường niên năm 2002 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn năm 2003 làm năm Gia đình. Các ngài muốn có một cuốn sách giáo lý về Hôn nhân và Gia đình cho Dân Chúa. Tài liệu này sẽ là một phương tiện giúp các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, cũng như giúp các gia đình Kitô hữu Việt Nam xây dựng gia đình mình thành một mái ấm hạnh phúc và thánh thiện theo mẫu gương Thánh Gia Nadarét.
Để thực hiện mong muốn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tổ phụ trách giáo lý của Uỷ ban Giáo lý Đức Tin đã biên soạn quyển Giáo lý Hôn Nhân và Gia Đình. Tài liệu này gồm hai phần chính: Ơn gọi hôn nhân và Đời sống gia đình.
1. Ơn gọi hôn nhân: Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa. Ý nghĩa và mục đích của hôn nhân. Thế nào là Hôn nhân Công giáo. Để bước vào cuộc sống hôn nhân, cần chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào?
2. Gia đình là Hội Thánh tại gia: Tình yêu đôi bạn không khép lại nơi hai vợ chồng nhưng mở ra với con cái, với cha mẹ và họ hàng đôi bên, với làng xóm và xã hội. Mẫu mực cho tình yêu đôi bạn là tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Mẫu mực cho kinh nghiệm gia đình là gia đình Nadarét với thánh cả Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Làm thế nào để xây dựng gia đình thành một Hội Thánh tại gia, một tổ ấm hạnh phúc và thánh thiện?
Các nội dung trên được rút ra chủ yếu từ Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo ban hành năm 1992, Tông huấn về Gia đình của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng như Công đồng Vaticanô II, được trình bày thành từng bài học, tiện dụng cho các lớp Giáo lý chuẩn bị Hôn nhân và các nhóm chia sẻ về Gia đình.
Mặc dù tài liệu này còn nhiều thiếu sót và hạn chế, nhưng ước mong nó sẽ giúp các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cũng như các gia đình Kitô hữu có một cái nhìn xuyên suốt về hôn nhân và gia đình, một kiến thức tổng hợp về các vấn đề giáo lý, luân lý, tâm lý, tính dục, xã hội, Hội Thánh, tu đức, để nhờ đó dễ dàng thống nhất đời sống và thành công trong việc xây dựng gia đình thành một cộng đồng của sự sống và tình yêu, mỗi ngày một vươn lên và sẽ hoàn thành trong Nước Thiên Chúa.
Mến chúc các đôi bạn và các gia đình thành công trên đường xây dựng một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.
Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin.
[1] GĐ 86; x. GHAC 46
[2] x. GL 1063
Ơn gọi hôn nhân
Sách Sáng thế kể lại: Sau khi đã dựng nên Ađam, Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” Khi thấy Evà, Ađam đã sung sướng kêu lên: “Này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (x. St 2,18-23).
Hôn nhân trước hết là một ơn gọi. Qua việc phối hợp trong tình yêu, hai vợ chồng được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa (x.St 1,26-28), một Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín (x. Hs 2,21).
Tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại.
Chúa Giêsu chỉ sống trên trần gian ba mươi ba năm, nhưng đã dành ba mươi năm sống trong gia đình Nadarét. Điều đó cho thấy hôn nhân và gia đình có một tầm mức quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, các đôi vợ chồng nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng, cũng như luôn đồng hành và làm cho hôn nhân và gia đình trở thành con đường hạnh phúc, dẫn con người đến sự hiệp thông với nhau và hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu.
Bài 1
Ơn gọi hôn nhân
trong chương trình của Thiên Chúa
Từ ban đầu Tạo Hoá đã dựng nên con người có nam có nữ
và Ngài đã phán:
“Vì thế, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình,
và cả hai sẽ nên một huyết nhục”
(Mt 19,4-5).
và Ngài đã phán:
“Vì thế, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình,
và cả hai sẽ nên một huyết nhục”
(Mt 19,4-5).
Có thể nói, hôn nhân và gia đình là một trong những thể chế cổ xưa nhất của loài người. Hôn nhân đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu[1], và rồi hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến nơi những trang cuối[2]. Điều đó cho thấy, hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ, và mời gọi họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó” (St 1,28).
1. Hôn nhân là gì?
Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ[3].
2. Nguồn gốc của hôn nhân
Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Sách Sáng thế kể lại rằng ngày thứ sáu, sau khi đã tạo dựng nên trời đất, cây cối và muôn loài muôn vật, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh mình. Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất” (St 1,26-28).
Ngoài ra, sách Sáng thế còn nói một cách cụ thể hơn về việc kết hiệp vợ chồng: “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”.
Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. (St 2,7.18.21-24)
Cả hai câu chuyện trên đều cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo và do ý muốn của Ngài. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc, hoặc chỉ là nam, hoặc chỉ là nữ, nhưng đã dựng nên con người có nam, có nữ và đã tác hợp họ nên vợ chồng, thành “một xương một thịt”. Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họï có nam có nữ[4].
3. Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân
Thiên Chúa là Tình Yêu[5], Đấng duy nhất nhưng không đơn độc. Nơi bản thân, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Vì yêu thương mà dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa cũng mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông.
Khi sống yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người[6]. Tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân. Sự trao tặng thân xác giữa hai vợ chồng chỉ có ý nghĩa khi thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu. Tình yêu là nền móng xây dựng những mối tương quan gia đình. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mạng của đời sống gia đình là bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng là do tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng lại chính là tình yêu[7].
4. Mục đích của hôn nhân
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến hai mục đích: Lợi ích của đôi vợ chồng và lưu truyền nòi giống (sinh sản và giáo dục con cái)[8]. Hai mục đích này luôn đi đôi với nhau, mặc dù có những lúc mục đích này được nhấn mạnh hơn mục đích kia.
4.1. Trọn đời yêu thương và bổ túc cho nhau
Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19, 6; x. St 2, 24), và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau.
Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.
5.2. Sinh sản và giáo dục con cái
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân.
Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc[9].
5. Hạnh phúc đời hôn nhân
Hôn nhân bao giờ cũng đi đôi với ước vọng trăm năm hạnh phúc. Đối với người Công giáo, hạnh phúc thật là được sống trong tình thân mật với Thiên Chúa Tạo Hoá là Cha yêu thương chúng ta. Có Thiên Chúa, dù thiếu mọi sự, cũng vẫn hạnh phúc. Còn vắng bóng Ngài, dù có mọi sự, cũng chỉ là bất hạnh. Đối với người Công giáo, khi đôi bạn thực hiện hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa, thì hôn nhân chính là một con đường dẫn đến Thiên Chúa, cũng như dẫn đến hạnh phúc.
Mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng, đó là làm cho con người được yêu thương và hiệp nhất với Ngài trong hạnh phúc đời đời. Đồng thời, mọi sự Thiên Chúa ban cho ở đời này đều nhằm giúp con người đạt tới mục đích cuối cùng ấy. Khi đã nhận biết điều đó, trong mọi sự, ta luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa để được hiệp nhất với Ngài. Hễ điều gì giúp ta đến gần Ngài, thì ta đón nhận, bằng không ta phải dứt bỏ ngay[10].
4 GHI NHỚ :
1. H. Hôn nhân là gì?
T. Hôn nhân là giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ tự do ưng thuận và ý thức trách nhiệm, để trở thành vợ chồng.
2. H. Ai đã lập nên hôn nhân?
T. Chính Thiên Chúa đã lập nên hôn nhân khi dựng nên loài người có nam có nữ, và mời gọi họ sống yêu thương.
3. H. Yếu tố căn bản của hôn nhân là gì?
T. Yếu tố căn bản của hôn nhân chính là tình yêu vì Hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng của Hôn nhân cũng chính là tình yêu.
4. H. Hôn nhân có những mục đích nào?
T. Hôn nhân có hai mục đích này:
- Một là yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
- Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.
4 GỢI Ý SUY NGHĨ :
1. Tình yêu có gì khác với sự thu hút giữa nam và nữ?
2. Tình yêu cần thiết cho hôn nhân như thế nào?
3. Có thể lấy một người đồng thời lại yêu một người khác được không? Tại sao?
4 CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con sinh ra làm người nam, người nữ, mang hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban tặng cho từng người chúng con một trái tim muốn yêu và khao khát được yêu để chúng con có thể yêu Chúa và yêu nhau.
Xin dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con để chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh Chúa là Tình yêu. Amen.
[1] x. St 1,27-28; 2,18-25
[2] x. Kh 21,2.9.17
[3] x. GLHT 1601
[4] x. GLHT 1603
[5] x. 1Ga 4, 8.16
[6] x. GLHT 1604
[7] x. GĐ 18
[8] x. GLHT 1601; x. GL 1055 §1
[9] x. GLHT 1652-1653
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét