Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Dorothy Day – Vị thánh của thời đại chúng ta

Dorothy Day – Vị thánh của thời đại chúng ta



Chúng ta sẽ sớm được thấy ngày phong hiển thánh của Dorothy Day.
Với nhiều người ngày nay, đặc biệt là những người không thuộc Công giáo La Mã, việc phong hiển thánh không mấy gây chú ý. Nhưng một sự phong thánh tác động thế nào đến thế giới chúng ta? Hơn nữa, chẳng phải việc phong thánh đơn thuần là sự thừa nhận một lòng sốt mến nhất định, việc mà hầu hết mọi người không thể theo? Vậy tại sao, lại có nhiều chú tâm quanh việc phong thánh cho Dorothy Day, người thực sự đã tuyên bố rằng bà không muốn người ta xem bà là thánh, và quả quyết rằng tôn ai đó làm thánh thường góp phần làm vô hiệu ảnh hưởng của họ?
Ừ, thì Dorothy Day không phải là dạng thánh nhân phù hợp hoàn toàn với quan niệm thông thường về sự sốt mến. Chắc chắn là nhiều người chúng ta có biết những chuyện căn bản về cuộc đời bà. Bà sinh ở New York năm 1897 và mất năm 1980. Bà là nhà báo, nhà hoạt động vì hòa bình, một người cải sang Kitô giáo, cùng với Peter Maurin lập Phong trào Công nhân Công giáo để kết hợp sự cứu trợ trực tiếp cho người nghèo và người vô gia cư với hành động phi bạo lực vì hòa bình và công lý. Phong trào này vẫn đầy sinh lực ngày nay. Bà cũng làm việc cho tờ báo mình sáng lập, tờ Công nhân Công giáo, từ năm 1933 cho đến tận khi qua đời.
Nhân cách của bà và phong trào bà sáng lập, đã truyền hứng khởi mạnh mẽ cho các Kitô hữu thuộc mọi phái cố gắng hiệu quả hơn trong việc đưa Tin mừng đến các ngả đường, cố gắng đưa Chúa Giêsu và công lý chung lại với nhau một cách hữu hiệu hơn. Ngày nay, bà được nhắc đến như hình mẫu hàng đầu cho tất cả mọi người, dù là Kitô hữu hay không, đang hăng hái làm việc trong lĩnh vực công bằng xã hội.
Vậy bà rất xứng đáng với vinh dự này. Bà, có lẽ nổi trội hơn bất kỳ ai trong thế hệ của mình, đã có khả năng kết nối Phúc âm và công lý, Chúa Giêsu và người nghèo, và đem hóa trái của sự kết hợp này đến các ngả đường một cách hiệu quả.  Đây là một chiến công hiếm có và đầy gian khó.
Ernst Kasemann từng nhận định rằng vấn đề của cả thế giới và giáo hội chính là việc những người theo chủ nghĩa tự do thì không sốt mến và những người sốt mến thì không theo chủ nghĩa tự do. Ông đã đúng. Chính trị và tôn giáo đều đang bị bần cùng hóa bởi người sốt mến không thể theo lý tưởng tự do, và người theo đuổi tự do lại không thể sốt mến. Bạn thường không thấy được có ai vừa lĩnh xướng buổi lần hạt vừa lĩnh xướng cuộc tuần hành hòa bình. Bạn thường không thấy được ai vừa chiến đấu cho phong trào vì sự sống vừa chiến đấu cho lựa chọn của phụ nữ. Và bạn thường không thấy được ai vừa tuyệt đối bảo vệ những vấn đề riêng tư nhất của đạo đức cá nhân, và vừa có cùng một nhiệt tâm luân lý cao độ như thế cho các vấn đề công bằng xã hội toàn cầu. Nhưng, có đó, chính là Dorothy Day. Bà vừa dẫn đầu cuộc tuần hành hòa bình, vừa bắt kinh mân côi, một cách thật thoải mái như nhau. Có người từng bảo: Nếu bạn rút ra những gì sâu sắc nhất và tốt nhất của những người bảo thủ và tự do, rồi hòa chung với nhau, thì kết quả chính là Dorothy Day.
Một nét đặc tính thứ hai xác định Dorothy Day và linh đạo của bà, chính là khả năng hành động một cách đơn sơ, và hành động hữu hiệu.  Bà không chỉ có đức tin, mà bà còn hành động dựa trên đức tin. Bà là một người thực hành, chứ không chỉ lắng nghe, và bà đã hiện thực hóa đức tin của mình và đưa đức tin đó thể hiện trong một thể chế, đó là Phong trào Công nhân Công giáo, vốn không chỉ có thể mục vụ trực tiếp cho người nghèo, mà còn có thể đưa tổ chức vào trong một sự rộng lớn và trường tồn hơn đức tin, lập trường và sức mạnh của một con người riêng biệt. Dorothy có thể hành động theo một đường lối rộng lớn và hữu hiệu hơn bản thân bà. Có câu châm ngôn thế này: Giấc mơ một mình, thì chỉ là giấc mơ, nhưng giấc mơ cùng với người khác có thể trở thành hiện thực. Dorothy đã cùng mơ với người khác, và làm cho giấc mơ thành hiện thực. Ngày nay, hầu hết chúng ta đang đấu tranh để thực hành trên đức tin của mình, và hơn nữa là hiện thể đức tin một cách cụ thể trong hành động hiệu quả, và bền vững trong cộng đồng.
Cuối cùng, Dorothy Day có thể là một hứng khởi cho chúng ta bởi đã làm điều đúng đắn vì nguyên cớ đúng đắn. Sự tân tụy của Dorothy Day với người nghèo, không phát xuất từ cảm giác tội lỗi, hay rối loạn, hay giận dữ, cay đắng với xã hội. Nhưng là từ lòng biết ơn. Con đường bà đến với đức tin, Chúa Giêsu, và người nghèo thật không theo kiểu chính thống. Trong những năm trước khi trở lại đạo, bà là một người vô thần, người cộng sản, một phụ nữ mang tư tưởng bài hôn nhân, và là một phụ nữ từng phá thai. Biến cố khiến bà hướng về Thiên Chúa và người nghèo, là khi bà sinh con gái mình, Tamar Theresa, trong niềm vui sinh hạ, bà cảm nghiệm được một lòng biết ơn ghi dấu sâu đậm trong linh hồn. Trong tiểu sử của mình, Cô đơn Dài lâu [The Long Loneliness] bà mô tả khi lần đầu nhìn thấy con gái mới sinh của mình, lòng bà tràn ngập một niềm biết ơn, làm cho đức tin và tình yêu tái sinh trong bà và không bao giờ mất đi nữa. Nhiệt tâm của bà dành cho Thiên Chúa và người nghèo được thúc đẩy bởi cảm thức này.
Bà cũng là một vị thánh rất trần gian. Chắc chắn, bà có ý muốn, là vị thánh đầu tiên được họa hình là một phụ nữ với điếu thuốc trên môi. Bà là vị thánh của thời đại chúng ta. Bà cho chúng ta thấy cách để có thể phục vụ Thiên Chúa và người nghèo trong một thế giới đầy phức tạp, và làm sao để làm được việc này với tình yêu và đầy phấn khởi.
20150521cnsbr9681-800x500
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét