Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Văn hóa Zapping ảnh hưởng tới hôn nhân

Tác giả: 
 Lm Tạ Duy Tuyền



Văn hóa Zapping  ảnh hưởng tới hôn nhân

Theo một công trình nghiên cứu xã hội học của tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa(ĐHKHXHNV Saigon): Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31 - 40%, tức là trong đó cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Con số khó tin, nhưng đó là sự thực. Điều đáng buồn hơn là 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 23 - 30, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 - 7 năm và hầu hết đã có con...

Phải chăng cuộc khủng hoảng này cũng liên hệ đến một thứ văn hóa mới mà người ta gọi là văn hóa “zapping”. Văn hóa Zapping nghĩa là việc hay thay đổi các kênh truyền hình bằng điều khiển từ xa. Văn hóa này nói về hiện tượng đa số chúng ta mỗi lần đến quảng cáo là liền remos qua chương trình khác ngay, hoặc một chương trình nhàm chán là họ chuyển kênh ngay. Văn hóa Zapping cũng là một thói quen lướt wed trên điện thoại hay Ipad được ghi nhận là nhiều người trở thành con nghiện Internet. (Cha José Rodriguez Carballo, Bề trên tổng quản dòng Anh em hèn mọn)

Chắc chắn chúng ta đều sẽ không ngạc nhiên trước việc một nhóm bạn, trong khung cảnh rất thơ mộng của quán sân vườn mát mẻ hay tại một điểm cafe sành điệu giữa phố thị lung linh, mỗi người một chiếc Iphone trên tay nói nói cười cười với ai đó, ở đâu đó và về điều gì đó, chứ không tỏ ra quan tâm tới những người đang chung bàn và đối diện với mình. Nhiều khi trên đường chúng ta vẫn thấy một anh con trai vất vả đạp xe chở cô bạn gái toát mồ hôi, còn cô bạn lại ung dung nhắn tin cho người ở trên facebook!

Cảnh tưởng đó quá quen thuộc rồi, và chúng ta cũng đã từng như thế.

Đó là nhu cầu giao tiếp của chúng ta, những người của thời đại kỹ thuật số, của đế chế trái táo cắn dở. Chúng ta liên lạc liên lỉ và không cho bản thân mình một chút thinh lặng hồi tâm nào. Hiện tượng Zapping liên lục khiến con người chúng ta không thể thiếu điện thoại bên mình.

Rồi cứ như thế chúng ta giao tiếp cả ngày, bất cứ lúc nào nhưng chỉ với ... con dế cưng (điện thoại) của mình chứ không phải với một con người thật bằng da bằng thịt nào cả. 

Và dường như người ta coi người ở trên mạng quan trọng hơn người đang đối diện với mình. Người ta sẵn sàng phụ người thân chứ không phụ người ảo trên mạng.

Có lẽ chúng ta đều biết câu chuyện hài hước về Facebook: “Người mẹ đi chợ về gọi con vác hộ bao gạo vào nhà, đứa con kêu không giúp được vì đang bận… làm thơ ca ngợi mẹ trên Facebook!” Đúng là “mẹ già đâu ở trên face, xin đừng báo hiếu ở đây làm gì”! 

Đó là lý do ngày nay các đôi vợ chồng dường như ít giờ nói chuyện với nhau, vì họ đã mất quá nhiều thời gian trên mạng. Đôi khi tình cảm của họ cũng  hời hợt, loáng thoáng qua theo kiểu Zapping. Bởi văn hóa Zapping khiến con người có thói quen thích khám phá, thích sống ảo và kết thân với người ảo. Vì thế, con người ngày nay cũng ít chung thủy với nhau và luôn theo xu thế đi tìm cái mới cho dù đó chỉ là ảo!

Văn hóa Zapping còn khiến cho con người sống ảo, phạm tội ảo và cho đó là chuyện riêng không ảnh hương đến ai. Điển hình là việc thích lướt những trang wed xấu. Và Việt Nam cũng là một trong 10 nước có số người truy cập Wed khiêu dâm nhất trên thế giới.

Thế nên, ngày nay người ta còn nói đến một tội mới là Tội phạm ảo hay Tội phạm không gian ảo.Chỉ với một máy ví tính, một Iphone, một không gian riêng người ta tha hồ phơi bày thân thể mình cho người ảo xem hoặc mầy mò vào những trang wed xấu. Phạm tội ảo là phạm tội một mình với sự trợ giúp của phương tiện truyền thông là Internet.

Điều này chúng ta thấy rõ ràng nhiều trẻ em và ngay cả người lớn phạm tội bắt đầu từ trang mạng xã hội. Rất nhiều phụ huynh hằng ngày vẫn thấy con ở nhà, cặm cụi với máy tính tưởng rằng nó học hành, nghiên cứu nên không để ý, chỉ tới khi tình cờ bắt được nó đang tự khoe thân thể cho người bên kia xem, hoặc đang xem những hình ảnh xấu . .  .

Phạm tội ảo dễ dàng vì mình tin là người kia không biết mình nên dễ dàng phạm tội, nhưng đó là cách phạm tội từ xa rồi dẫn đến gặp mặt và phạm tội thật. Đây là bi kịch của nhiều gia đình. Nhiều khi chính người thân trong nhà lại tán tỉnh nhau qua mạng.

Cách chung văn hóa Zapping đang phá đổ những sinh hoạt của nhiều gia đình. Khiến người sống bên nhau nhưng không gần nhau. Con người ngày nay thích sống với thế giới ảo. Hiện tượng này rất đáng lo ngại với các gia đình bên Mỹ khi về nhà phòng ai người ấy ở, dường như không có những sinh hoạt chung với nhau. Thế nên, khi thiếu quan tâm tới nhau thì vợ chồng làm sao có thể hiểu nhau và chia sẻ với nhau. Hơn nữa, chính văn hóa zapping khiến cho người ta thích quan hệ ảo từ Internet làm cho vợ chồng xa dần nhau và lâu dần sẽ dẫn đến phản bội nhau.

Thiết nghĩ văn hóa zapping không xấu, cái xấu là chúng ta đã lợi dụng nó để thực hiện những việc xấu. Nếu mỗi người biết dùng mạng lưới để liên lạc với người thân, để kết nối bạn bè là điều tốt, nhưng nếu chỉ để tán gấu, hoặc đeo bám những tình cảm mờ ám thì sớm muộn cũng sẽ gây nên đỗ vỡ cho gia đình.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta những phương tiện hiện đại để con người gần nhau hơn, nhưng xin Chúa giúp chúng ta biết sống trong sạch với bản thân, đừng vì thế giới ảo mà bán rẻ phẩm giá của mình và bỏ rơi người đang chung sống với mình.

Hãy sống thật với người thật đừng quá mù quáng sống ảo và dành thời giờ cho những người ảo và hình ảnh ảo. Có như vậy chúng ta mới có thời giờ quan tâm chăm sóc cho nhau.

Ước gì các đôi vợ chồng hãy chung thủy với nhau bằng việc từ bỏ những quan hệ bất chính cho dù đó là ảo. Hãy ngăm chặn ngay từ đầu những thói quen sống ảo để sống thực với người bạn đời của mình, hầu có thời gian chăm sóc và vun trồng tình yêu cho nhau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

http://www.thanhlinh.net/node/93543

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét