Giải đáp phụng vụ: Lịch sử các nữ phó tế
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Cha có thể vui lòng giải thích lý do tại sao trong lịch sử, Giáo Hội đã từng chấp nhận phụ nữ làm phó tế, và kể từ thế kỷ thứ II chức này đã được dừng lại? Giáo Hội Anh giáo cho phép phụ nữ làm linh mục, và số lượng các giáo sĩ của Giáo Hội này đã gần như tăng gấp đôi trong năm năm. Xét rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho phép người đàn ông đã lập gia đình vào chức linh mục Công Giáo để mở cửa cho Anh giáo, liệu điều này có thể không được xem là một chìa khóa cho quy tắc phương Tây về đời sống độc thân được nới lỏng trong tương lai chăng? - T. B., Salford, Vương Quốc Anh.
Đáp: Bạn thân mến, có nhiều vấn đề trong một câu hỏi đây. Các quyết định của Giáo Hội Anh giáo về vấn đề này không liên quan gì đến Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực sự khép lại cuộc tranh luận này, với một tuyên bố rằng Giáo Hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ.
Quyết định của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho phép giáo sĩ Anh giáo đã lập gia đình được truyền chức linh mục Công Giáo (mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho phép một cách thức nhiều hạn chế) không cho thấy sự nới lỏng về các quy tắc sống độc thân, vì các qui định hiện nay nói trước rằng các tân linh mục của các giáo hạt tòng nhân, gồm người từ Anh giáo chuyển qua, sẽ sống độc thân.
Có lẽ câu hỏi chủ yếu liên quan đến các nữ phó tế trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý với một đề xuất thành lập một ủy ban để nghiên cứu vấn đề này. Vấn đề này đã được đề cập đến trong năm 2002 trong một văn bản của Ủy ban Thần học Quốc tế: "Từ diakonia của Chúa Kitô đến diakonia của các Tông Đồ". Toàn bộ tài liệu có sẵn trên trang web của Vatican, và là đáng đọc vì có bản văn đầy đủ về phần liên quan đến các nữ phó tế, mà chúng tôi xin trích ra dưới đây:
"Trong thời đại tông đồ, các hình thức khác nhau của sự trợ giúp của phó tế, được cung cấp cho các Tông Đồ và các cộng đoàn bởi nhiều phụ nữ, dường như đã là định chế. Do đó, thánh Phaolô gửi gắm cho cộng đoàn ở Rôma 'chị Phê-bê (Phoebe), người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá [he dikonos] Hội Thánh Ken-khơ-rê (Cenchreae)’ (xem Rm 16: 1-4). Mặc dù dạng giống đực của diakonos được sử dụng ở đây, nhưng không vì đó mà kết luận rằng từ ngữ đang được sử dụng để chỉ định chức năng cụ thể của một "phó tế"; trước hết, là bởi vì trong văn mạch này chữ diakonos vẫn có nghĩa là người trợ tá trong nghĩa chung chung, và thứ hai, bởi vì từ ngữ "người phục vụ" không đưa ra một hậu tố giống cái, nhưng trước đó có một mạo từ giống cái. Điều rõ ràng là rằng Phê-bê (Phoebe) thực hiện một việc phục vụ được nhìn nhận trong cộng đoàn Ken-khơ-rê, phụ thuộc vào thừa tác của các Tông Đồ. Ở những nơi khác trong các thư của thánh Phaolô, chính quyền là người thừa hành (diakonos) của Thiên Chúa (Rm 13: 4), và trong 2 Cr 11: 14-15, ngài nói “Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ (diakonoi) nó đội lốt người phục vụ sự công chính”.
"Các nhà chú giải chia rẽ nhau về chủ ngữ của câu 1 Tm 3:11. Việc đề cập đến 'các bà' sau khi nhắc đến các phó tế có thể gợi ý là nữ phó tế (do qui chiếu song song), hoặc vợ của phó tế vừa được đề cập trước đó. Trong thư này, các chức năng của phó tế không được mô tả, nhưng chỉ có các điều kiện để tiếp nhận họ. Người ta nói rằng phụ nữ không được phép giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng (1 Tm 2: 8-15). Nhưng các chức năng quản trị và giảng dạy là trong bất kỳ trường hợp nào đều dành cho Giám mục (1 Tm 3: 5) và cho các linh mục (1 Tm 5:17), chứ không dành cho phó tế. Các bà góa thành lập một nhóm được công nhận trong cộng đoàn, và họ nhận được hỗ trợ của cộng đoàn để đổi lấy cam kết của họ là sống khiết tịnh và cầu nguyện. 1 Tm 5: 3-16 nhấn mạnh các điều kiện để họ có thể được ghi vào danh sách các góa phụ nhận được cứu trợ từ cộng đoàn, và không nói gì thêm về bất kỳ chức năng nào mà họ có thể có. Sau đó, họ đã chính thức 'được thiết lập' nhưng 'không truyền chức’; họ tạo thành một 'dòng' trong Giáo Hội, và sẽ không bao giờ có bất cứ nhiệm vụ nào khác ngoài gương tốt và cầu nguyện.
"Vào đầu thế kỷ thứ II, một lá thư của Pliny the Younger, thống đốc của Bithynia, đề cập đến hai phụ nữ được mô tả bởi các Kitô hữu như là ministrae, rất có thể là từ tương đương của từ ngữ Hi Lạp diakonoi (10, 96-97). Mãi cho đến thế kỷ thứ III, các từ ngữ Công Giáo diaconissa hoặc diaconal xuất hiện.
"Từ cuối thế kỷ thứ III trở đi, ở một số vùng của Giáo Hội (chứ không phải tất cả), một thừa tác Giáo Hội đặc biệt được chứng thực trên một phần của giới phụ nữ, được gọi là nữ phó tế. Điều này diễn ra ở Đông Syria và Constantinople. Khoảng năm 240, đã xuất hiện một bộ sưu tập phụng vụ-giáo luật đặc biệt, gọi là Didascalia Apostolorum (DA, Giáo huấn các Tông đồ), vốn không là chính thức trong tính cách. Sách này gán cho Giám mục các đặc tính của một thượng phụ Kinh Thánh toàn năng (xem DA 2, 33-35, 3). Ngài là đầu của một cộng đoàn nhỏ, mà ngài cai trị chủ yếu với sự giúp đỡ của các phó tế và nữ phó tế. Đây là lần đầu tiên, các nữ phó tế xuất hiện trong một tài liệu của Giáo Hội. Trong một loại hình được vay mượn từ thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Giám mục giữ vị trí của Chúa Cha, phó tế giữ vị trí của Chúa Con, và nữ phó tế giữ vị trí của Chúa Thánh Thần (chữ ‘ThánhThần' là giống cái trong các ngôn ngữ Semitic), trong khi linh mục (những người ít được đề cập) đại diện cho các Tông đồ, và các quả phụ đại diện cho bàn thờ (DA 2, 26, 4-7). Không có tài liệu nhắc đến việc truyền chức cho các thừa tác viên này.
"Sách Didascalia đã nhấn mạnh đến vai trò từ thiện của phó tế và nữ phó tế. Thừa tác phó tế xuất hiện như là "một hồn trong hai xác”. Mô hình của nó là diakonia của Chúa Kitô, Đấng rửa chân cho các môn đệ (DA 3, 13, 1-7). Tuy nhiên, không có sự song song chặt chẽ giữa hai nhánh của chức phó tế, liên quan đến các chức năng mà họ thực hiện. Các phó tế đã được lựa chọn bởi Giám mục 'để lo toan về nhiều cái cần thiết’, và chỉ có nữ phó tế 'phục vụ người nữ' (DA 3, 12, 1). Niềm hy vọng được bày tỏ rằng ‘số lượng các phó tế có thể tương ứng với số lượng của cộng đoàn dân Giáo Hội' (DA 3, 13, l). Các phó tế quản lý tài sản của cộng đoàn nhân danh Giám mục. Cũng giống như Giám mục, họ đã được nâng đỡ về vật chất cần thiết. Các phó tế được gọi là tai và miệng của Giám mục (DA 2, 44, 3-4). Đàn ông trong cộng đoàn nên gặp phó tế trước khi đến với Giám mục, còn phụ nữ nên đi gặp nữ phó tế (DA 3, 12, 1-4). Một phó tế giám sát các nơi Giám mục đến gặp gỡ, trong khi một vị khác giúp Gíám mục cử hành Thánh lễ (DA 2, 57, 6).
"Các nữ phó tế nên thực hiện việc xức dầu cho phụ nữ trong nghi thức rửa tội, dạy các phụ nữ tân tòng, và thăm viếng các nữ giáo hữu, đặc biệt là bệnh nhân, tại nhà họ. Họ bị cấm tự ý rửa tội, hay giữ vai trò nào trong việc cử hành Thánh lễ (DA 3, 12, 1-4). Các nữ phó tế đã thay thế các quả phụ. Giám mục vẫn có thể thiết lập nhóm các góa phụ, nhưng họ không được dạy giáo lý hoặc tiến hành rửa tội (cho phụ nữ), nhưng chỉ cầu nguyện mà thôi (DA 3, 5, 1-3, 6, 2).
"Cuốn Constitutiones Apostolorum, xuất hiện tại Syria khoảng năm 380, sử dụng và suy diễn sách Didascalia, sách Didache và Traditio Apostolica (Truyền thống Tông đồ). Cuốn Constitutiones đã có một ảnh hưởng lâu dài trên kỷ luật truyền chức ở phương Đông, mặc dù nó chưa bao giờ được coi là một bộ sưu tập kinh điển chính thức. Bộ sưu tập dự kiến việc đặt tay với kinh khẩn cầu Thánh Linh, không chỉ cho các Giám mục, linh mục và phó tế, mà còn cho các nữ phó tế, phụ phó tế và người đọc sách nữa (x CA 8, 16-23). Khái niệm kleros được mở rộng cho tất cả những người thực hiện một chức vụ phụng vụ, họ được hỗ trợ bởi Giáo Hội, và được hưởng lợi từ những đặc quyền trong luật dân sự của Đế quốc dành cho giáo sĩ, nên các nữ phó tế được tính là thuộc hàng giáo sĩ, trong khi các góa phụ đã được loại ra. Giám mục và các linh mục là như thầy cả thượng phẩm và các tư tế trong Cựu Ước, trong khi người Lê-vi là như tất cả các thừa tác viên khác và bậc sống khác: 'phó tế, thầy đọc sách, ca viên, người giữ cửa, nữ phó tế, góa phụ, trinh nữ và trẻ mồ côi' (CA 2, 26, 3; CA 8, 1, 21). Phó tế được đặt 'làm phục vụ Giám mục và các linh mục’ và không đụng chạm đến các chức năng của linh mục. Phó tế có thể loan báo Tin Mừng và dẫn dắt việc cầu nguyện của cộng đoàn (CA 2, 57, 18), nhưng chỉ có Giám mục và các linh mục thuyết giảng (CA 2, 57, 7). Các nữ phó tế giữ các chức vụ của mình qua một epithesis cheirôn hay việc đặt tay, vốn ban Thánh Thần, như các thầy đọc sách làm (CA 8, 20, 22). Giám mục đọc lời nguyện sau đây: "Lạy Chúa Cha vĩnh cửu, Cha của Chúa Giêsu Kitô chúng con, Đấng tạo dựng người nam người nữ, Cha ban đầy Thánh Thần cho Myriam, Deborah, Anna và Hulda; Cha không thấy là không xứng đáng cho Con của Cha, Người con Độc nhất, được sinh ra bởi một người phụ nữ; Cha ở trong lều của nhân chứng và trong đền thờ đã lập nên phụ nữ làm người gác cửa đền thánh của Cha, xin hãy đoái nhìn tôi tớ của Cha qùy trước Cha đây, được đề cử cho chức phó tế: Xin ban Thánh Thần cho người này và thanh tẩy người này khỏi mọi phiền não của xác thịt và tinh thần, để người này nên xứng đáng với phận vụ được giao phó, cho vinh quang của Cha và ca tụng Chúa Kitô, nhờ Người mọi vinh quang và sự tôn thờ đến với Cha, trong Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen".
"Các nữ phó tế được xướng tên trước các phụ phó tế, và đến lượt mình, phụ phó tế nhận một cheirotonia như thầy phó tế (CA 8, 21), trong khi các trinh nữ và quả phụ không được 'truyền chức' (8, 24-25). Sách Constitutiones nhấn mạnh rằng các nữ phó tế không có chức năng phụng vụ (3, 9, 1-2), nhưng họ dành cho chức năng của họ trong cộng đồng là "phục vụ cho các phụ nữ' (CA 3, 16, 1) và như là người trung gian giữa các phụ nữ và Giám mục. Người ta nói rằng họ đại diện cho Chúa Thánh Thần, nhưng họ ‘không làm gì mà không có phó tế’ (CA 2, 26, 6). Họ nên đứng ở lối vào của phụ nữ trong các tập họp (2, 57, 10). Chức năng của họ được tóm tắt như sau: ‘Nữ phó tế không ban phép lành, không làm phép, và không thực hiện bất cứ điều gì mà linh mục và phó tế làm, nhưng nữ phó tế trông coi cửa và tham dự với linh mục trong lễ rửa tội của phụ nữ, vì sự đoan chính' (CA 8, 28, 6).
"Điều này được lặp lại bởi sự nhận xét cùng thời của Epiphanius thành Salamis trong cuốn Panarion của ngài, khoảng năm 375: "Chắc chắn trong Giáo Hội có phẩm trật của nữ phó tế, nhưng nó không tồn tại để thực hiện các chức năng của một linh mục, họ cũng không có bất kỳ cam kết nào với họ, nhưng vì sự đoan trang của giới nữ lúc họ chịu rửa tội’. Một luật của Theodosius ngày 21-6-390, được thu hồi ngày 23-8 cùng năm, ấn định tuổi để nhận vào thừa tác nữ phó tế là 60 tuổi. Công đồng Chalcedon (điều luật 15) giảm tuổi xuống còn 40 tuổi, và cấm họ kết hôn sau này.
"Ngay cả trong thế kỷ thứ IV, lối sống của nữ phó tế là rất giống với lối sống của các nữ tu. Tại thời điểm đó, người phụ nữ phụ trách một cộng đoàn tu viện nữ được gọi là một nữ phó tế, như được làm chứng bởi thánh Grêgôrio thành Nyssa và nhiều người khác. Là nữ đan viện trưởng được tấn phong của tu viện nữ tu, nữ phó tế mặc maforion, hoặc tấm màn hoàn hảo. Cho đến thế kỷ thứ VI, họ vẫn giúp đỡ các phụ nữ ở giếng rửa tội và xức dầu. Mặc dù họ không phục vụ tại bàn thờ, họ có thể cho phụ nữ nằm bệnh rước lễ. Khi việc thực hành xức dầu toàn thân tại lễ rửa tội đã bị xóa bỏ, các nữ phó tế chỉ đơn giản là trinh nữ hiến thánh với lời khấn trinh khiết. Họ sống hoặc trong các tu viện hay ở nhà. Điều kiện được chọn là trinh nữ hay người góa chồng, và hoạt động của họ là giúp đỡ từ thiện và sức khỏe cho phụ nữ.
"Ở Constantinople, nữ phó tế nổi tiếng nhất trong thế kỷ thứ IV là Olympias, bề trên của một tu viện nữ tu, một người được che chở bởi Thánh Gioan Kim Khẩu và đã đưa tài sản của mình để phục vụ Giáo Hội. Bà đã được 'truyền chức' (cheirotonein) nữ phó tế cùng với ba bạn đồng hành của mình bởi thượng phụ. Điều 15 của Công đồng Chalcedon (451) dường như xác nhận sự việc rằng nữ phó tế thực sự được 'truyền chức' bởi việc đặt tay (cheirotonia). Thừa tác của họ được gọi là leitourgia, và sau khi được truyền chức, họ không được phép kết hôn nữa.
"Ở Byzantium thế kỷ thứ VIII, Giám mục vẫn còn đặt tay lên đầu một nữ phó tế, trao cho cô một orarion hay dây các phép (cả hai đầu của nó được đeo ở phía trước, cái này trên cái kia); ngài trao cho cô chén thánh, mà cô đặt trên bàn thờ và không cho ai rước lễ cả. Các nữ phó tế được truyền chức trong một cử hành Phụng vụ Thánh Thể, trong cung thánh, như các phó tế vậy. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa các nghi thức truyền chức, các nữ phó tế không có quyền đến bàn thờ hay làm bất kỳ thừa tác phụng vụ nào. Các việc truyền chức này được nhắm chủ yếu cho các bề trên của tu viện nữ tu.
"Cần nói lên rằng ở phương Tây không có dấu vết của bất kỳ nữ phó tế nào trong năm thế kỷ đầu tiên. Sách Statuta Ecclesiae Antiqua (Qui chế xưa của Giáo Hội) nói rằng việc dạy giáo lý cho phụ nữ dự tòng và chuẩn bị cho họ rửa tội đã được giao phó cho các quả phụ và các nữ tu 'được chọn cho việc giúp rửa tội các phụ nữ’ ( ad ministerium baptizandarum mulierum). Một số Công đồng của các thế kỷ thứ IV và V từ chối mọi thừa tác nữ giới (feminae ministerium) và cấm việc truyền chức nữ phó tế. Theo cuốn Ambrosiaster (sáng tác tại Rôma vào cuối thế kỷ thứ IV), chức phó tế phụ nữ là một sự bổ sung của lạc giáo Montanist ('Cataphrygian'). Trong thế kỷ thứ VI, phụ nữ được nhận vào nhóm các góa phụ, đôi khi được xem như là nữ phó tế. Để ngăn chặn bất kỳ sự nhầm lẫn nào, Công đồng Epaone cấm 'các việc truyền chức cho các bà góa tự gọi mình là nữ phó tế’. Công đồng Orleans II (533) đã quyết định loại trừ khỏi sự hiệp thông các phụ nữ 'đã nhận được phúc lành cho chức phó tế bất chấp các điều luật cấm việc này, và những người đã tái hôn'. Các nữ đan viện trưởng, hoặc người vợ của phó tế, cũng được gọi là diaconissae, tương tự với presbyterissae, hoặc thậm chí với episcopissae.
"Tổng quan lịch sử hiện nay cho thấy rằng một thừa tác nữ phó tế đã thực sự tồn tại, và nó được phát triển không đồng đều ở các phần khác nhau của Giáo Hội. Rõ ràng rằng thứa tác này không được coi là đơn giản tương đương với chức nam phó tế. Ít nhất, đó là một chức năng Giáo Hội, thực hiện bởi phụ nữ, đôi khi được đề cập cùng với chức phụ phó tế trong danh sách các thừa tác Giáo Hội. Liệu thừa tác này được ban bởi việc đặt tay có thể sánh với việc Giám mục đặt tay trên các linh mục và nam phó tế không? Văn bản của cuốn Constitutiones Apostolorum dường như cho thấy điều này, nhưng nó là thật sự nhân chứng duy nhất, và sự giải thích đúng đắn của nó là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Liệu việc đặt tay trên các nữ phó tế được coi là tương tự như việc đặt tay trên các nam phó tế không, hoặc ít là nó tương tự như việc đặt tay trên các phụ phó tế và thầy đọc sách không? Thật là khó để giải quyết các câu hỏi trên cơ sở dữ liệu lịch sử mà thôi. Trong các chương tiếp theo, một số yếu tố sẽ được làm rõ, và một số câu hỏi sẽ vẫn mở ngỏ. Đặc biệt, một chương sẽ được dành cho việc xem xét chặt chẽ hơn làm thế nào Giáo Hội thông qua thần học và Huấn Quyền đã trở nên ý thức hơn, về thực tại bí tích của bí tích Truyền Chức Thánh và ba phẩm trật của nó. Nhưng trước tiên thật là thích hợp để xem xét các nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của chức phó tế vĩnh viễn trong đời sống của Giáo Hội".
Các tài liệu ở giai đoạn sau mô tả sự biến mất của các nữ phó tế:
"Sau thế kỷ thứ X, các nữ phó tế chỉ được gọi tên trong sự kết nối với các tổ chức từ thiện. Một tác giả phái Jacobite của thời kỳ này ghi nhận: "Trong thời cổ đại, các nữ phó tế đã được truyền chức. Chức năng của họ là chăm sóc phụ nữ để họ không cần phải bộc lộ bản thân trước mặt Giám mục. Nhưng khi tôn giáo lan truyền rộng rãi hơn và Giáo Hội quyết định cử hành lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh, thì chức năng này đã bị bãi bỏ". Chúng tôi tìm thấy câu tương tự trong cuốn Pontifical (Sách Nhi thức) của Thượng phụ Michael thành Antiôkia (1166-1199). Khi nhận xét về luật số 15 của Công đồng Chalcedon, Theodore Balsamon, vào cuối thế kỷ thứ XII, nhận xét rằng ‘chủ đề của điều luật này đã hoàn toàn rơi vào không sử dụng. Vì ngày nay nữ phó tế không còn được truyền chức, mặc dù tên của các nữ phó tế được đưa ra một cách sai lầm cho những người thuộc về cộng đoàn khổ tu’. Các nữ phó tế đã trở thành nữ tu. Họ sống trong các tu viện, không còn thực hành công việc của diakonia, trừ trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế, hoặc phục vụ giáo xứ.
"Sự hiện diện của các nữ phó tế vẫn được chứng thực ở Rôma vào cuối thế kỷ thứ VIII. Trong khi các nghi lễ Rôma không nhắc đến các nữ phó tế trước đó, Sách bí tích Hadrianum, được Đức Giáo Hoàng gửi cho Hoàng đế Charlemagne, và nhờ ông sách phổ biến khắp thế giới Frankish, bao gồm một Oratio ad diaconam faciendum (lời nguyện phong phó tế). Thực sự đó là lời chúc lành, được đặt như là một phụ lục trong các nghi thức khác của việc thiết định đầu tiên. Các văn bản Carolingian thường kết hợp nữ phó tế và nữ đan viện trưởng. Công đồng Paris năm 829 đưa ra lệnh cấm chung cho phụ nữ là không thực hiện bất cứ chức năng phụng vụ nào. Các giáo lệnh tập của Pseudo-Isidore không đề cập đến các nữ phó tế; và cuốn Bavarian Pontifical ở tiền bán thế kỷ thứ IX cũng không hề nhắc đến nữ phó tế. Một thế kỷ sau, trong cuốn Pontifical Romano-Germanique (Sách nghi thức Rôma-Đức) ở Mainz, lời nguyện Ad diaconam faciendum được tìm thấy sau phần ordinatio abbatissae (tấn phong nữ đan viện trưởng), giữa consecratio virginum (tận hiến các trinh nữ) và consecratio viduarum (tận hiến các góa phụ). Một lần nữa, đây chỉ là lời chúc lành, kèm theo việc Giám mục đặt dây các phép và mạng che cho người ấy, cũng như chiếc nhẫn cưới và vương miện. Giống như các góa phụ, nữ phó tế hứa sống khiết tịnh. Đây là lần nhắc cuối cùng đến 'các nữ phó tế' được tìm thấy trong các nghi lễ Latinh. Thật ra, cuốn Pontifical của Guillaume Durand vào cuối thế kỷ thứ XIII nói về các nữ phó tế chỉ với tham chiếu đến quá khứ mà thôi.
"Trong thời Trung cổ, các dòng nữ tu điều dưỡng và giáo dục thực thi thật sự các chức năng của diakonia mà không được truyền chức cho thừa tác ấy. Danh hiệu, không có thừa tác phù hợp, được trao cho các người phụ nữ đã được thiết định là góa phụ hoặc nữ đan viện trưởng. Đúng là cho đến thế kỷ XIII, các nữ đan viện trưởng đôi khi được gọi là nữ phó tế".
Cuối cùng, sau khi phân tích thần học của các mức độ khác nhau của bí tích truyền chức thánh, tài liệu đi đến kết luận sau đây:
"Đối với việc truyền chức phó tế cho phụ nữ, cần lưu ý rằng có hai dấu hiệu quan trọng nổi lên từ những gì đã được nói đến thời điểm này:
"1. Các nữ phó tế được đề cập trong truyền thống của Giáo Hội cổ xưa - như bằng chứng bởi nghi thức thiết định và chức năng mà họ thực hiện - là không hoàn toàn đơn giản và tương đương với các nam phó tế;
"2. Sự thống nhất của bí tích Truyền Chức Thánh, trong sự phân biệt rõ ràng giữa các thừa tác của vị Giám mục và các linh mục một bên, và thừa tác phó tế một bên, được nhấn mạnh mạnh mẽ bởi truyền thống Giáo Hội, đặc biệt là trong giáo huấn của Huấn Quyền.
"Trong ánh sáng của các yếu tố này, vốn đã được đặt ra trong tài liệu nghiên cứu lịch sử-thần học hiện nay, nó gắn liền với thừa tác phân định, mà Chúa thiết lập trong Giáo Hội của Ngài để tuyên bố một cách uy quyền về vấn đề nảy".
Các tài liệu của Ủy ban thần học quốc tế là có thẩm quyền, nhưng không phải là huấn quyền. Bất kỳ ủy ban tương lai nào chắc chắn sẽ phải quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu và xem xét kết luận của mình. (Zenit.org 31-5-2016)
Nguyễn Trọng Đa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét