Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (3)

Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (3)
Bible-Question-MarkBài sau đây giúp ta hiều phần nào cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề “sự đáng tin của Kinh Thánh”.

III. Sự Đáng Tin của Thánh Kinh về Phương Diện Chứng Cớ Nội Tại

1. Nguyên Tắc Chấp Nhận Hoài Nghi (Benefit of Doubt)

Các học giả cho rằng trong khoa phê bình văn học (literary critics), ta phải chấp nhận nguyên tắc bất hủ của Aristotle, tức nguyên tắc: phải cho là đúng nếu ta không có bằng chứng rõ ràng để trợ lực cho cảm giác của ta cho rằng điều nào đó có thể không đúng sự thật. Do đó, ta phải lắng nghe các khẳng định (claims) của tài liệu đang được phân tích, chứ không được giả thiết là lừa lọc hoặc sai lạc ngoại trừ tác giả tự loại bỏ mình bằng các mâu thuẫn hoặc những sai lầm rõ ràng về sự kiện (31)… Mà ngay một mâu thuẫn biểu kiến cũng chưa đủ để bác bỏ một tài liệu. Ta còn cần phải chắc chắn mình đã hiểu đúng đoạn văn, hiểu cái ý nghĩa trong đó nó sử dụng các từ ngữ hoặc con số. Mặt khác ta cũng cần phải nắm vững mọi kiến thức hiện có về vấn đề ấy, và không còn cách nào khác để soi dẫn vấn đề dù từ các hiểu biết mới, các tìm kiếm văn bản mới, hoặc khoa khảo cổ học… Khó khăn tự mình không tạo nên phản luận (objections). Những vấn đề chưa giải quyết không nhất thiết phải là những sai lạc. Ta phải đương đầu với các khó khăn và các vấn nạn phải thúc đẩy ta đi tìm ánh sáng rõ ràng hơn; tuy nhiên bao lâu ta chưa đạt được cái ánh sáng toàn diện và sau cùng kia để sáng tỏ một vấn đề nào đó, ta vẫn không có quyền khẳng định rằng: ‘đây rõ ràng là một sai lầm, một phản luận không còn thắc mắc gì nữa chống lại sự vô ngộ của Thánh Kinh’. Vì ai cũng biết rằng có biết bao nhiêu ‘phản luận’ đã từng được giải đáp trọn vẹn kể từ đầu thế kỷ này” (21). 

2. Giá Trị Nguồn Nguyên Thủy (Primary source value)

Các soạn giả Thánh Kinh viết trong tư cách những người được chứng kiến tận mắt hoặc từ những tin tức tận nguồn. Ta hãy nghe Luca: “Thưa ngài Thêôphilê đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài” (Lc 1:1-3). Phêrô, trong thư thứ hai, nhấn mạnh hơn: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt về uy phong lẫm liệt của Ngài” (2 Pr 1:16). Thánh Gioan, trong thư thứ nhất, cũng tuyên bố y như thế: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài” (1 Ga 1:3). Trong Phúc Âm do ngài soạn thảo, thánh nhân nhấn mạnh hơn: “Người xem thấy việc này đã làm chứng và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). 

Mặt khác, các soạn giả ấy cũng đã đề cập đến những vấn đề và những sự kiện có thể bị người đương thời kiểm chứng được, vì những vấn đề và những sự kiện ấy vẫn còn sống động trong tâm trí người đọc và người nghe. Và đó là điều được sách Tông Đồ Công Vụ nhiều lần nhắc đến: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nagiarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó” (Cv 2: 22). Và nơi khác: “Ông Phaolô còn đang tự biện hộ như thế, thì ông Phét-tô lớn tiếng nói: Ông Phaolô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hóa điên! Ông Phaolô đáp: Thưa ngài Phét-tô đáng kính, tôi không điên đâu, nhưng tôi nói lên những điều hợp với sự thật và lẽ phải. Quả thế, đức vua biết rõ những điều ấy, và tôi mạnh dạn nói với người: tôi tin chắc rằng trong các điều ấy, không có gì mà người không biết, vì chuyện này đã không xẩy ra ở một xó góc nào đó” (Cv 26:24-26). Đúng như nhận định của F.F. Bruce, giáo sư Thánh Kinh tại đại học Manchester: “Các nhà giảng thuyết Phúc âm đầu hết biết rất rõ giá trị của chứng cớ nguyên khởi, và đã nại đến giá trị ấy rất nhiều lần. Họ không ngừng và hoàn toàn tin tưởng khẳng định rằng: “chúng tôi là nhân chứng của những việc này”. Quả thực chẳng có chi dễ dàng, như nhiều nhà văn từng nghĩ, khi tạo hoẹt ra các lời nói và việc làm mà gán cho đức Giêsu trong những ngày quá sớm sủa này, vì các môn đệ của Ngài vẫn còn quanh quẩn đâu đó, và hẳn còn nhớ rất rõ những gì đã xẩy ra và không xẩy ra. 

Và các nhà giảng thuyết đầu hết ấy không những chỉ phải “tính sổ” với các nhân chứng bạn mà thôi đâu, họ còn phải dè chừng các nhân chứng ít thiện cảm khác là những người rất sành sỏi các dữ kiện liên quan đến sứ vụ và cái chết của đức Giêsu. Các môn đệ không thể liều lĩnh phạm cái tội bất cẩn sai lệch (chưa kể đến việc táy máy thay đổi các sự kiện cho khác đi) vì một hành động như thế sẵn sàng bị lột mặt nạ bởi những người quá hân hoan muốn làm điều đó. Trái lại, một trong những điểm mạnh của lời giảng tông đồ lúc ban đầu là việc tin tưởng nại đến sự hiểu chuyện của người nghe; không những các ngài chỉ nói: “chúng tôi là nhân chứng của những việc này” mà thôi, mà còn nói rằng: như “chính anh em biết điều đó” (Cv 2:22)” (11). 

3. Thực Sự Là Các Tài Liệu Thuộc Nguồn Nguyên Thủy

Các học giả ngày nay đều nhất trí coi Tân Ước là các tài liệu có nguồn nguyên thủy từ thế kỷ thứ nhất (31). Hai bảng sau đây cho ta thấy hai lối xác định niên hiệu của Tân Ước: 

XÁC ĐỊNH TUỔI MỘT CÁCH DÈ DẶT

Các thư Phaolô
Năm 50-66 A.D.
(Hiebert)
Phúc âm Mátthêu
Năm 70-80 A.D.
(Harrison)
Phúc âm Maccô
Năm 50-60 A.D.
(Harnak)

Năm 58-65 A.D.
(T.W. Manson)
Phúc âm Luca
Đầu thập niên 60 A.D.
(Harrison)
Phúc âm Gioan
80-100 A.D.
(Harrison)

XÁC ĐỊNH TUỔI MỘT CÁCH PHÓNG KHOÁNG

Các thư Phaolô
Năm 50-100 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Mátthêu
Năm 80-100 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Maccô
Năm 70 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Luca
Năm 70-90 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Gioan
Năm 170 A.D.
(Baur)

Năm 90-100
(Kummel)

(Xem Werner Georg Kummel, Introduction to the New Testament, do Howard Clark Lee dịch sang tiếng Anh, NXB Abingdon Press, 1973; Everett Harrison, Introduction to the New Testament, William B. Eerdmans Publishing Co., 1971; D. Edmond Hiebert, Introduciton to the New Tstament, Vol. II, Moody Press, 1977). Dựa vào các tài liệu Biển Chết, William Foxwell Albright, một trong những nhà khảo cổ học thánh kinh nổi tiếng nhất hiện nay, quả quyết rằng: “theo ý kiến của tôi, các sách Tân Ước đều đã được các người Do-thái đã rửa tội soạn thảo giữa các thập niên 40 và thập niên 80 của thế kỷ thứ nhất (rất có thể giữa các năm 50 và 75)… Nhờ các khám phá tại Qumran, người ta đã chứng minh rằng nội dung Tân Ước đúng là điều trước nay ta vẫn tin: giáo huấn của Đức Kitô và của các môn đệ trực tiếp của Ngài khoảng giữa các năm 25 và 80 công nguyên” (4). Ngay những học giả có khuynh hướng phóng khoáng từng xác định niên biểu của Tân Ước sau thế kỷ thứ nhất nay cũng cho rằng nó đã được soạn thảo trước khi Giêrusalem thất thủ, nghĩa là trong khoảng các năm 70-79 (xem Dr. John A.T. Robinson, Redating The New Testament). 

IV. Chứng Cớ Ngoại Tại Cho Thấy Sự Đáng Tin của Thánh Kinh

Chứng cớ ngoại tại nghĩa là liệu có những tài liệu lịch sử nào khác xác nhận hoặc bác khước chứng cớ nội tại của Thánh Kinh không? 

Các Tác Giả Ngoài Thánh Kinh

Eusebius, trong cuốn Ecclesiastical History III.39, đã nhắc đến các phát biểu của Papias, giám mục Heirapolis (năm 130 A.D.), mà ông đã nhận được từ bậc Trưởng thượng (Elder tức Thánh Gioan Tông đồ): “Bậc Trưởng thượng thường cũng nói rằng: ’Máccô, vốn là thông dịch viên của Phêrô, đã viết lại một cách chính xác mọi điều Phêrô nhắc đến, bất kể là lời nói hay việc làm của đức Kitô, tuy nhiên không được thứ tự… Máccô đã không phạm sai lầm nào, khi viết lại những sự việc được Phêrô nhắc đến; vì ông chú ý cẩn thận, không bỏ sót điều gì đã được nghe, không thêm nếm những lời bịa đặt nào’”. Papias cũng nhận xét như sau về Phúc âm Mátthêu: “Mátthêu ghi lại những lời sấm ký bằng tiếng A-ram”. 

Irenaeus, Giám mục Lyons (năm 180 A.D.), môn đệ của Polycarp, Giám mục Smyrna, môn đệ của thánh Gioan Tông đồ, đã viết rằng: “Cơ sở của các Phúc âm vững chắc đến nỗi chính những người rối đạo cũng phải làm chứng cho chúng, và mỗi người trong họ đều đã bắt đầu từ các tài liệu ấy mà xây dựng nên các học thuyết riêng của mình” (Against Heresies III). Bốn sách Phúc âm đã trở thành định đề trong thế giới Kitô giáo đến nỗi Irenaeus nhắc đến chúng như một sự kiện đã được thiết lập và được nhìn nhận là hiển nhiên y như người ta nói đến bốn hướng của sa-bàn: “Vì cũng như có bốn phương thiên hạ và bốn hướng gió tổng quát, và vì Giáo hội đã hiện diện cùng khắp trái đất và phúc âm là trụ cột và nền tảng của Giáo hội và hơi thở sự sống, nên lẽ tự nhiên cũng cần phải có bốn trụ cột, thổi phúc trường sinh bất tử từ mỗi phía, làm cho sự sống con người được đổi mới. Do đó, hiển nhiên Ngôi Lời, kiến trúc sư của muôn loài, đấng ngự trên các thiên thần lý trí (cherubim). .. phải ban cho ta bốn sách phúc âm, được cùng Một Thần Khí kết hiệp lại với nhau… Mátthêu công bố phúc âm của mình nơi người Do-thái bằng ngôn ngữ riêng của họ, khi Phêrô và Phaolô đang rao giảng Tin Mừng tại La-Mã và thiết lập nên hội thánh tại đó. Sau khi hai vị qua đời (truyền thuyết vững chắc cho là dưới thời Neron cấm đạo năm 64), Maccô, môn đệ và thông dịch viên của Phêrô, cũng đã để lại cho ta những điểm chủ yếu trong giáo huấn của thầy. Luca, một người theo Phaolô, cũng viết thành sách tin mừng do thầy mình truyền giảng. Rồi Gioan, môn đệ của Chúa, người đã tựa vào ngực Thầy (biến cố được kể lại trong Ga 13:25 và 21:20), cũng viết một sách Phúc âm riêng, khi đang sống tại Ephesus bên Á Châu”.

Clement Thành Rô-ma (Khoảng năm 95 A.D.) coi Thánh Kinh như sách đáng tin và chân xác. Và Ignatius (năm 70-110 A.D.), giám mục Antiôkia và chết vì đạo, môn đệ của Polycarp (học trò Thánh Gioan Tông đồ) đã đặt căn bản đức tin của mình trên sự xác thực của Thánh Kinh. Chính Polycarp cũng đã anh dũng dùng máu đào của mình làm chứng cho Sách Thánh. 

Flavius Josephus, sử gia Do-Thái, đã nhắc đến một nhân vật Tân Ước cách chi tiết, đó là Gioan Tẩy giả. Ông viết như sau: “Một số người Do-Thái nghĩ rằng quân đội của Hêrốt đã bị Chúa tiêu diệt, và đó quả là một hình phạt để trả thù cho Gioan, biệt danh là Tẩy giả. Vì Hêrốt đã giết hại ông ta, dù ông ta là người tốt, luôn khuyên nhủ người Do-Thái tu thân tích đức, sống công bình với nhau, kính sợ Thiên Chúa và chịu phép rửa. Ông dạy rằng Chúa chấp nhận phép rửa miễn là họ tiếp nhận nó không phải để được tha tội, mà là để thanh tẩy thân xác, khi tâm hồn đã được thanh tẩy nhờ sự công chính. Khi thấy người ta tụ tập chung quanh ông (vì họ rất cảm kích khi nghe ông nói), Hêrốt sợ rằng sức thuyết phục nhân tâm của ông, một khi mạnh mẽ như thế, rất có thể dẫn đến nổi loạn, vì họ sẵn sàng tuân theo lời khuyên của ông trong mọi sự. Do đó, ông nghĩ chẳng thà bắt giam ông và giết ông chết trước khi ông có thể gây nên bất cứ xáo trộn nào, hơn là phải hối hận lâm vào khó khăn sau này, khi cuộc phản lọan đã xẩy ra. Vì sự đa nghi của Hêrốt, mà Gioan đã bị tống giam vào Machaerus, pháo đài mà trước đây chúng tôi đã nhắc đến, và ở đó ông bị xử tử. Người Do-Thái tin rằng chính để trả thù cho cái chết của ông mà thảm họa đã giáng xuống trên quân đội của ông, Chúa muốn đem khốn khó lại cho Hêrốt” (11). Ở đây, ta thấy Flavius khác với Phúc âm ở điểm Gioan Tẩy giả bị giết vì lý do chính trị chứ không phải vì đã tố cáo cuộc hôn nhân của Hêrốt với Herodias. Sự khác biệt này không hẳn là mâu thuẫn. Rất có thể Hêrốt nhằm cả hai: giết Gioan Tẩy giả theo yêu cầu của Herodias nhưng đồng thời cũng dứt một hậu họa. Flavius đâu có chú ý đến khía cạnh tôn giáo cho bằng khía cạnh chính trị. Điều quan trọng là những nét tổng quát trong bài tường thuật hoàn toàn đúng với lời tường thuật của Phúc Âm (11). Tatian (khoảng năm 170 A.D.) đã xếp đặt các Phúc âm thành những cột để so sánh mà ông gọi là Diatessaron.

 Vũ Văn An
Nguồn: UBKT/HĐGMVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét