Suy tư thần học chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót - Bài 7: LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA: KHOA SƯ PHẠM THẦN LINH
Dẫn Nhập
Tháng 3 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa và ấn định ngày khai mạc là dịp lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2015. Các Giáo Phận cũng đã long trọng tổ chức khai mạc Năm Thánh với những buổi lễ thật ý nghĩa. Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội đã từng trải qua bao nhiêu sóng gió, cảm nhận phải công bố và chạy tới lòng Thương Xót của Chúa để phó cho Ngài những gian truân của mình. Đồng cảm với Vị Chủ Chăn trong thời điểm lịch sử có quá nhiều đổi thay hiện nay, Giáo Hội Việt Nam cũng “được mời gọi cung ứng những dấu chỉ hiển nhiên về sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa,” một vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương tình cảnh khổn khổ của nhân loại. Chỉ có như thế, Giáo Hội mới trung thành với căn tính sâu xa của mình và cũng nhờ công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua chính đời sống và các sinh hoạt của mình, Giáo Hội mới tái khám phá sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho mình.
Bài viết này muốn cung ứng cách đón nhận hướng dẫn của vị Chủ Chăn nhằm sống Năm Thánh này, nhưng dưới khóe nhìn của những người dấn thân trong sứ vụ giáo dục. Chúng ta không những cần phải hiểu thấu đáo cái nhìn thần học về lòng thương xót của Chúa, mà còn nhận ra khoa sư phạm của lòng thương xót này, đồng thời học biết, qua một số gợi ý, làm sao để giáo dục con người, cách riêng là những người trẻ, tiếp chạm đến Lòng Thương Xót, và đến lượt mình, chia sẻ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày. Dựa vào hai tông thư đề cập tới đề tài này: Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) và Dung Mạo Lòng Thương Xót (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) cùng với tiến trình giáo dục sống đức hạnh theo mô hình của Lawrence Kohlberg, bài viết mong đóng góp một chút suy tư và gợi ý hành động cho sinh hoạt Giáo Hội trong Năm Thánh này.
1. Đâu là mục tiêu của việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót?
Khi nghe công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa, phần lớn chúng ta đều nghĩ tới đức hạnh cần phải trau dồi và thực hành để đáp trả tình thương của Thiên Chúa. Điều đó không phải là sai, nhưng chưa hoàn toàn là đúng khi chúng ta đào sâu vào mục tiêu mà Đức Thánh Cha công bố. Quả thực là con người cần phải học biết sống chung với nhau, biết cư xử tử tế, nhân ái với nhau để tạo nên một môi trường lành mạnh, dễ sống và đem lại hạnh phúc cho nhau. Dường như con người tự bản năng khao khát điều đó cho chính mình và cho người thân, và cho đồng loại nữa. Giáo huấn của các tôn giáo bạn không phải là Kitô cũng luôn nhấn mạnh đến lòng nhân, lòng từ bi, từ tâm, hành động che chở, bảo vệ những người cô thân cô thế[1]. Những con người thiện chí trong các phong trào từ thiện khác nhau cũng đang hành động để thuyên chữa được phần nào hay phần nấy những nỗi thống khổ biết bao con người đang phải chịu đựng do thiên tai và do nhân tai.
Thế nhưng, đây không phải là mục tiêu đầu tiên của việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa. Giáo Hội hiện diện trên trần gian, cùng đồng hành với mọi thành phần nhân loại, cùng chia sẻ những thao thức về chân thiện mỹ, nhưng Giáo Hội đã được thành lập với một căn tính và một sứ mệnh nhất định, vừa mang tính nhân loại lại vừa mang tính thần linh: Giáo Hội được chính Thiên Chúa thành lập và sai đi. Vì thế Năm Thánh được cử hành với những mục tiêu phù hợp với căn tính thần linh và Giáo Hội này.
a. Trở về với Thiên Chúa Đấng Giàu Lòng Thương Xót
Ngay từ đoạn văn đầu tiên của Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã đưa tầm nhìn của cộng đoàn Dân Chúa hướng về Thiên Chúa Cha , Đấng giàu lòng xót thương” (Ep 2,4) và mời gọi chúng ta hãy liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót.[2] Đây không chỉ là việc chúng ta, những người Kitô hữu, có thể muốn hay không muốn làm, mà là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ!
Lý do được Đức Phanxicô đưa ra là “lòng thương xót là lời mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta.” Và nếu như ơn cứu độ không chỉ mang chiều kích hướng thượng mà còn cả chiều kích hướng về tha nhân, thì “lòng thương xót chính là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em mình gặp thấy trên đường đời.”
Vì vậy, Tông Sắc đã dành nhiều phần để trình bày lòng thương xót của Chúa đã được tỏ hiện trong giòng lịch sử cứu độ, là ”hình thức đặc biệt để Thiên Chúa tỏ bày sự toàn năng của Ngài.” Đức Thánh Cha đã trích dẫn nhiều kinh nguyện trong Thánh Vịnh để dẫn chứng cho kinh nghiệm đức tin của Dân Chúa khi gặp cảnh gian truân và tội lỗi, qua đó, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể và chiếm ưu thế hơn là trừng phạt và hủy diệt: Thiên Chúa là Đáng thứ tha mọi lỗi lầm, chữa lành tất cả mọi bệnh hoạn, cứu chuộc sự sống, giải thoát tù nhân, mở mắt cho kẻ đui mù, nâng dậy những người bị áp bức, bảo vệ khách kiều cư, nâng đỡ cô nhi quả phụ và phá tan lối đi của người gian ác.” Ngài quả quyết rằng yếu tố lòng thương xót làm cho tất cả các biến cố trong Cựu Ước mang ý nghĩa cứu độ khi dân Chúa vang lên lời ca ngợi: “Tình Thương Chúa bền vững đến muôn đời.”
Hướng nhìn đến Thiên Chúa là cội nguồn của mọi lòng thương xót và là Đáng làm chủ tể của giòng lịch sử, Đức Phanxicô nối tiếp giáo huấn rất sâu sắc của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua Thông Điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót. Thực thế, thông điệp cũng khởi đầu bằng lời quả quyết Thiên Chúa tình yêu là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải.
Một cái nhìn ưu tiên hướng về Thiên Chúa dường như được đặt trong bối cảnh khi mà con người chỉ muốn kéo tầm nhìn ưu tiên về con người hơn và có khi là gạt bỏ cả Thiên Chúa [nhân học chiếm ưu thế hơn thần học, quy nhân hơn là quy thần]. Đã hẳn, để sứ vụ của Giáo Hội hiện nay được khả tín, sứ vụ ấy phải ưu tiên chăm lo cho con người, cách riêng là con người nghèo khổ. Tuy nhiên, như Đức Thánh Gioan Phaolô II khẳng định, sứ vụ Giáo Hội càng hướng về con người bao nhiêu [quy nhân] thì càng phải được xác nhận và hiện thực một cách quy thần bấy nhiêu, nghĩa là càng phải được hướng về Đức Giêsu Kitô Đấng đưa chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa.[3]
Hiểm họa mà Đức Thánh Gioan Phaolô II chỉ ra là trong quá khứ cũng như hiện nay, nhiều cách nhìn muốn tách rời quy thần và quy nhân, đặt hai chiều hướng này đối lập lẫn nhau. Trong khi đó, tuân theo lời dạy Đức Kitô, Giáo Hội luôn tìm cách nối kết lại trong giòng lịch sử một cách thật chặt chẽ và sâu xa.
Vì thế, theo Đức Thánh Cha, Năm Thánh phải giúp khơi dậy nơi cõi lòng của mọi tín hữu niềm khao khát được đón nhận các dấu chỉ lòng dịu hiền của Thiên Chúa đang ban cho toàn thế giới, cách riêng những người đau khổ, bị bỏ rơi, cô đơn, không có niềm hy vọng trong cuộc sống, không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa Cha.[4] Ngài mời gọi mỗi người Kitô hữu trong Năm Thánh phải cảm nhận mạnh mẽ hơn nữa niềm vui được Chúa Giêsu bắt gặp, được Vị Mục Tử Nhân Lành đi tìm kiếm chúng ta là con chiên lạc, cảm nhận niềm hoan lạc ấm cúng vì được Vị Mục Tử vác trên vai để đưa về Nhà Cha. Mỗi người Kitô hữu cần phải nếm cảm được, tiếp chạm được Tình Yêu của Chúa Giêsu, hay đúng hơn, để cho tình yêu này chạm tới bản thân mình và được lòng thương xót của ngài biến cải cuộc sống mình để rồi đến lượt mình, mình trở thành chứng nhân hữu hiệu cho lòng thương xót ấy.
b. Nhập Thể Lòng Thương Xót của Chúa Cha như là Sứ Vụ của Đấng Thiên Sai
Trong lăng kính nhìn về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy nhìn đến sứ vụ của Đấng Thiên Sai là mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa. “Anh em thấy Thầy là thấy Cha Thầy”, điều mà Đức Giêsu đưa ra là câu trả lời cho khát vọng của muôn con người trong giòng lịch sử nhân loại: “Xin cho con được thấy Thiên Chúa.” Đây là một vì Thiên Chúa vô hình, khôn dò thấu nhưng nay đã được tỏ lộ rất cụ thể nơi Người Con. Đức Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa như là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài không chỉ tỏ lộ qua lời dạy, và thực tại lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ là nội dung của lời giảng dạy nhưng còn được hiện thực nơi Đức Kitô. Chúa Kitô làm cho Thiên Chúa hiện diện như là tình yêu và lòng thương xót nơi chính ý thức sâu đậm của mình là Người Con, và việc làm cho Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót ấy chính là cốt lõi của sứ vụ Đấng Thiên Sai. Ngài công bố tầm nhìn [vision], chiến lược [strategy] và hướng hành động [line of action] của ngài trong bài giảng Trên Núi và trong Hội Đường: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Vui cho người nghèo khó . . .”
Lòng thương xót ấy, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là chủ đề chính của lời rao giảng của Đức Kitô. Các dụ ngôn riêng trong Tin Mừng Luca như Người Con Hoang Đàng, Người Samaritano nhân hậu, cũng như rất nhiều lời dạy khác đều toát ra sứ điệp cốt lõi này. đến độ Phúc Âm của thánh Luca được mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót v.v. . . Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định: “Qua những dụ ngôn ấy, lòng thương xót được tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ” [MV 9].
Lòng Thương xót của Thiên Chúa còn nói lên trách nhiệm của Thiên Chúa đối với con người. Chính ở đây mà chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi ngài triển khai ý nghĩa thánh kinh của hạn từ Hesed [lòng nhân hậu, thương xót] của Thiên Chúa qua dụ ngôn người con hoang đàng. Trước thái độ người con hoang đàng không mong ước gì hơn là được đón nhận vào nhà như là người tôi tớ làm công, người cha nhân hậu không có thì giờ xem xét mức độ hậu quả của việc người con bỏ cha mình ra đi và phí phạm tiền của, nhưng lập tức thể hiện lòng thương xót, bởi lẽ, người cha nhân hậu có trách nhiệm về phẩm giá của người con. Điều mà người cha quan tâm không phải là đức công bình cần phải duy trì mà chính là phẩm giá làm con của người con hoang đàng đang bị tổn hại. Thiên Chúa ưu tư đến phẩm giá của con người đã bị ra hư hoại, và tình yêu của Thiên Chúa vượt thắng mạnh mẽ đến độ có khả năng trả lại phẩm giá cho con người làm con cái Thiên Chúa. Đó chính là điểm mới mẻ, là Tin Vui mà Đức Giêsu công bố cho con người trong mọi thời.
c. Giáo Hội Sống nhờ và để truyền giao Lòng Thương Xót
Dụ ngôn Người Đầy Tớ Bất Khoan Nhân cho thấy tiêu chuẩn để trở thành con cái Thiên Chúa. Người đầy tớ đã nhận được lòng thương xót tha thứ những khoản nợ tày đình, thế nhưng, bản thân mình lại không thể hiện lòng thương xót với đồng loại, anh ta đã bị tống giam trở lại! Quả là một lời cảnh giác cho cộng đồng môn đệ của Đức Giêsu Kitô, những người đã được tiếp nhận ơn tha thứ và đã được cứu vớt nhưng lại khép lòng trước nhu cầu của anh chị em mình mà đôi khi lại nhân danh sự công bình để gạt bỏ lòng thương xót.
Giáo Hội, theo Đức Thánh Cha, thực tế là đang sống nhờ lòng thương xót của Chúa và cần phải tuyên xưng chân lý này, đồng thời, cần phải làm chứng cho lòng thương xót thần linh ấy qua những kinh nguyện cầu khấn, qua các sinh hoạt giảng dạy và phục vụ bác ái của mình, không những nơi đời sống của các tín hữu mà còn phải giới thiệu và đưa tới cả những con người thiện chí.
Giáo Hội đang sống trong một thế giới trong đó nhiều người đang muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân và cộng đồng, tự tin vào sức mạnh của tri thức và khả năng kỹ thuật thống trị của mình. Hệ quả là, như hai vị chủ chăn nhận định, lòng thương xót bị coi là cái gì xa lạ, là yếu nhược, và hầu như bị gạt bỏ sang một bên.[5] Hai cuộc thế chiến đã chấm dứt với biết bao nhiêu hệ lụy cũng như niềm lạc quan. Nhưng niềm lạc quan ấy sớm tan biến qua những xung đột ý thức hệ cũng như những cuộc chiến giành lại sự độc lập của các nước nhược tiểu đối kháng với những quốc gia nhiều tham vọng và rồi trước sự bành trướng của toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trổi dậy và người ta đang chứng kiến sự đối kháng rất trầm trọng giữa các nền văn hóa cũng như tôn giáo. Các chính phủ nại tới sức mạnh của kỹ thuật, kinh tế và quân sự như là những lực lượng để răn đe và mưu tìm một sự bình đẳng trong tương quan liên quốc gia.
Ngay cả trong một đất nước, mặc dù có những sự tiến bộ thấy rõ trong các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là các phương tiện truyền thông đa phương tiện, không ít tiếng nói đã gióng lên về sự vô cảm giữa người với người, thày trò, bạn bè, công dân một đất nước và cả giữa những người thân ruột thịt. Dường như chỉ khi nào có những thiên tai cực kỳ nghiêm trọng, ý thức cộng đồng mới được lưu tâm và cao trào “từ thiện” bùng lên để rồi dễ dàng xẹp xuống. Trong tương quan hàng ngày, sự tử tế bị coi là dị hợm; thay vào đó là sự đấu tranh, giành giật [thương trường như chiến trường; tôi sống thì anh (phải) chết!].
Nguyên nhân sâu xa không gì khác hơn, như các vị chủ chăn chỉ cho thấy, nằm ở sâu xa trong cõi lòng con người. Con người bất ổn nơi chính tâm khảm của mình và bị giằng co bởi những dục vọng không hề nguôi. Chính vì thế, theo hai vị chủ chăn, tuy cách nhau cả gần 4 thập niên, nhưng sứ điệp về lòng thương xót mang tính hiện tại cấp bách. Giáo Hội phải truyền giao lòng thương xót của Thiên Chúa ra sao trong một thế giới nhiễu nhương như hiện nay?
2. Giáo Dục sống Lòng Thương Xót
a. Chiêm ngắm Đức Kitô, Đáng nhập thể lòng thương xót
Khi mời gọi cách thức truyền giao lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra ngay hành động đầu tiên phải làm chính là chiêm ngắm. Đây hẳn là chuyển động trong tương quan giữa người tin và Đấng đã mạc khải. Chỉ có khi chúng ta chiêm ngắm thì mới gặp gỡ được Thiên Chúa ở chiều cao nhất mà tinh thần con người có thể vươn tới được. Và chính khi chiêm ngắm, chúng ta được dần dần tác động để biến cải con người của mình. Một tác giả đã triển khai tác động này như sau:
Chúng ta hiện hữu theo cách thế chúng ta nhìn và cách nhìn trở thành vững bền thông qua ý hướng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nhìn theo kiểu chỉ ngó mà còn do cách chúng ta huấn luyện cái nhìn của mình thông qua những ẩn dụ và biểu tượng vốn hình thành nên các xác tín then chốt của chúng ta.
Trong cấu trúc tâm lý của con người, đúng là khi hành động, chúng ta phải sử dụng đến ý chí. Và để vươn cao trong đời sống đức hạnh, một ý chí mạnh mẽ kiên trì hết sức là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả cho một hữu thể tâm linh như con người, ý chí đó được lôi kéo và được cung cấp nguồn năng lực từ chính ý thức về mục đích tối hậu để ý chí ấy quyết định hành động.
Như thế, đời sống chuyển động như là sự gặp gỡ Thiên Chúa, hay đúng hơn, như là sự kết hiệp với Thiên Chúa, bao hàm phải huấn luyện cái nhìn của mình vốn là việc chúng ta không thể nào xem nhẹ được. Ở đây, chúng ta muốn áp dụng vào việc chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa đê trở thành con người đầy lòng thương xót. Đức Gioan Phaolô II viết: Một cách đặc biệt, Giáo Hội dường như tuyên xưng và tôn kính lòng thương xót của Thiên Chúa khi hướng về Thánh Tâm Chúa Kitô. Quả thật, chính khi đến gần Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Tâm của ngài khiến chúng ta mới đạt tới điểm hết sức then chốt mà con người có thể chạm tới được là mạc khải tình yêu thương xót của Chúa Cha.
Vì thế, ngài kêu mời chúng ta liên tục suy niệm Lời Chúa, ý thức tham dự tích cực vào Thánh Lễ và bí tích Giao Hòa, những hành vi dấu chỉ đưa chúng ta cảm nghiệm sâu xa tác động của Thiên Chúa trong giòng lịch sử nhân loại và cách riêng qua mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, Đáng đã thể hiện “tình thương yêu thế gian của Chúa Cha đến độ đã ban Con Một của Người cho thế gian.” Không gì còn có thể cản ngăn được lòng thương xót của Chúa. Tình thương của Ngài là bao la vô hạn và chỉ có thể không đạt tới con người khi người ấy khép lòng mình trước tác động của ân sủng. Vì thế, không có gì lạ khi Giáo Hội phải rao giảng sự sám hối để đưa con người sám hối gặp gỡ được lòng thương xót của Chúa. Chính khi Giáo Hội cũng liên tục hoán cải, thì Giáo Hội mới liên lỉ tiếp chạm tình thương tha thứ của Chúa. Đây không chỉ là một hành vi mà là một “thái độ thường hằng và liên lỉ.” Chỉ khi nào luôn ý thức mình cần đến ơn tha thứ, lòng thương xót của Thiên Chúa, thì các thành viên của Giáo Hội dễ dàng thể hiện tình thương với đồng loại bất kỳ thuộc tầng lớp, giai cấp và tôn giáo nào. Và khi yêu thương đồng loại với lòng thương xót, chúng ta mới khẳng định được là mình đã được lòng thương xót Thiên Chúa tiếp chạm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định:
Con người duy trì được tình yêu thương xót của Thiên Chúa theo như mức độ nội tâm của mình được biến cải trong tinh thần yêu thương đồng loại. Đây thực sự là cả một tiến trình phúc âm hóa [bản thân] chứ không chỉ là một cuộc biến cải thiêng liêng làm một lần cho xong. Đó là cả một lối sống toàn diện, là đặc tính thiết yếu và thường hằng của ơn gọi sống là Kitô hữu. Ơn gọi này hệ tại ở chỗ liên tục khám phá và bền bỉ thi hành tình yêu như là năng lực thông nhất hóa vượt qua mọi khó khăn tâm lý hay xã hội: quả thực, đó là một tình yêu thương xót mà tự bản chất là sáng tạo.
Mẫu gương của tình yêu thương xót ấy chính là Đức Kitô chịu khổ giá. Và liên tục chiêm ngắm mẫu gương này, người Kitô hữu vượt thắng cái nhìn lòng thương xót có một chiều, theo kiểu lòng thương hại: mình là kẻ ban phát chứ không phải là thụ lãnh! Không phải như thế! Lòng thương xót Kitô giáo là hỗ tương, khởi đi từ việc thụ lãnh từ Thiên Chúa và rồi trao ban lẫn thụ nhận! Như thế, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi:
. . . liên tục thanh luyện mọi hành động và ý hướng của chúng ta để lòng thương xót không chỉ thực hiện có một chiều. Chỉ là hành vi thương xót thật khi chúng ta xác tín sâu xa rằng ngay lúc chúng ta thực thi lòng thương xót thì cùng lúc đó chúng ta cũng lãnh nhận lòng thương xót từ người đón nhận tình thương từ chúng ta. Nếu không qua tác động hỗ tương này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định, đó không phải là hành vi của lòng thương xót đích thực, cũng như chưa thể nói đó là hành vi thương xót tạo nơi ta sự hoán cải mà Đức Kitô chỉ ra cho chúng ta qua gương của Ngài trên thập giá và chúng ta chưa tham dự trọn vẹn vào nguồn mạch tình yêu thương xót Ngài mạc khải cho ta.
Chính trong mối liên hệ hỗ tương này mà Kitô giáo mới đưa ra được giải pháp cho tương quan công bình, bình đẳng. Công bình chỉ là bước đầu trong tương quan khách quan xã hội theo nghĩa “trả lại cho ai những gì thuộc về họ.” Nhưng động lực và nguồn mạch sâu xa hay cái hồn của mọi tương quan công bình, bình đẳng xã hội lại chính là và phải là lòng thương xót. Vì “sự bình đẳng” phải thể hiện trong tương quan phẩm giá người với người mà ở đây thì không có chỗ chỉ có người cho và người nhận, trong đó, người cho đứng ở một vị thế cao hơn, và người thụ nhận tự ti vì ở vị thế tiếp nhận yếu hơn! Nền văn minh tình thương mà Giáo Hội nỗ lực xây dựng mang ý nghĩa ở việc thể hiện lòng thương xót này. Lòng thương xót không dung nhượng cho những sai trái và tội lỗi, nhưng vẫn mang chở một thái độ sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng tiếp nhận tội nhân và hỗ trợ tiến trình hoán cải, không đóng vào tội nhân bản án muôn thưở mà mở ra cho con đường sửa chữa, đền bù và thăng tiến. Thái độ ấy khác hẳn những đòi hỏi công bằng lạnh lẽo mà thâm sâu nhiều lần chất chứa những dục vọng ích kỷ cá nhân hay lợi ích nhóm. Hệ quả của tương quan đòi hỏi công bình này rất sớm đưa tới tình trạng kẻ yếu bị áp chế và lại bùng nổ những xung đột tiếp theo.
Cộng đồng Kitô hữu đã có sẵn những truyền thống chiêm niệm dành cho những bậc tu trì. Đại đa số cộng đồng giáo dân đã được hướng dẫn để có những việc đạo đức chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa. Nhưng ở đây, Đức thánh Cha nói đến việc liên lỉ chiêm ngắm chứ không chỉ là một việc đạo đức trong số các việc đạo đức. Làm thế nào phát khởi cả một phong trào đạo đức mời gọi các nhóm, cá nhân, các gia đình tham gia vào nỗ lực chiêm ngắm này? Đó là tiếng mời gọi nhưng cũng là thách đố cho các sáng kiến mục vụ của các vị chủ chăn. Cộng đồng giáo hội địa phương hẳn còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng lại lời mời gọi này của Chúa thông qua vị Chủ Chăn tối cao.
Việc chiêm ngắm này đòi hỏi một ý chí mãnh liệt được Đức Giáo hoàng chỉ dẫn: "Tay trong tay với Đức Giêsu, sống sung mãn là có thể được; nắm lấy tay Ngài, tin rằng đời sống xứng đáng để cố gắng là có thể được; trao ban nỗ lực tối đa, để nên men, muốn và ánh sáng giữa bạn bè, trong khu vực sinh sống, trong các cộng đoàn, trong gia đình, quả là đáng giá. Vì lẽ này, các bạn trẻ, nắm chặt tay Chúa Giêsu, cha xin các con không để cho mình bị loại bỏ, không cho phép các con bị giảm giá, đừng để thế gian đối xử với các con như một món hàng". Cầu nguyện, đọc Kinh thánh, cách riêng Tin Mừng sẽ kiện cường chân lý này: Nắm tay Chúa Giêsu cho thật chặt. Và cuộc đời sẽ mở hướng mới.
b. Thực Hành Lòng Thương Xót
Giáo Hội chiêm ngắm lòng thương xót Chúa để được liên lỉ nuôi dưỡng từ nguồn mạch này và rồi Giáo Hội dần dần đồng hóa mình với lòng thương xót của Chúa, trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót ấy. Lý tưởng đó không hệ tại những quan niệm rất hay và cao quý nhưng được thể hiện qua cả một truyền thống yêu thương lâu dài đến độ Đạo Kitô được gọi là Đạo Bác Ái.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại và cổ võ mọi người Kitô hữu nhiệt thành hăng say thực hành những hành vi bác ái vật chất và tinh thần cho người đồng loại. Ngài mời gọi tái khám phá những hành vi thương xót như thương xác bảy mối, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và thương linh hồn bảy mối, là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ làm mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Ban Bác Ái Xã Hội được thành lập trong các giáo phận và giáo xứ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này sẽ cổ võ hơn để làm thế nào, trong khu vực của mình, không còn ai phải sống cảnh tủi nhục nghèo khổ và đánh mất đi nhân phẩm của họ, sẽ không còn những trẻ em phải chịu cảnh thất học, người lẻ loi cô độc, những người bị gạt ra khỏi bên lề xã hội, trở thành thứ vất bỏ còn hơn rác rưởi! [MV, 15] Trong thế giới truyền thông đa phương tiện thống trị bởi những tập đoàn thông tin, các tin thường chuyển tải những gì gọi là “giật gân”, là “tin tức”, mà ít những thông tin đem lại sự lạc quan cho cộng đồng, những thông tin về sự hy sinh chịu khó âm thầm xây dựng tình người khó trở thành “tin nóng hổi” cho quần chúng! Những vụ việc nhẽ ra là rất thông thường [trả lại của cải bị mất cho khổ chủ] giờ đây lại là những tin lạ thường!
Vậy, không ai trong Giáo Hội được miễn chước những trách vụ như thế vì không ai là một hòn đảo. Những cuộc tập họp lễ nghi hoành tráng, dâng hoa đầy ý nghĩa nghệ thuật sẽ chẳng có tác động gì trên xã hội nếu như chính những thành viên của Giáo Hội xao nhãng sứ vụ của mình trong các tương quan đời sống hằng ngày.
Chính Đức Phanxicô đã làm gương sáng cho toàn thể Giáo Hội ở mức toàn cầu. Từ khi ngài nhận lãnh sứ vụ Phêrô, củng cố anh em trong đức tin và đức ái, ngài đã thổi một luồng gió mới vào ngôi nhà Giáo Hội. Lối sống rất giản dị, lời rao giảng chân chất đi đôi với những hành động “rất đời thường” của ngài đã chinh phục cả thế giới. Thánh Lễ Tiệc Ly đầu tiên của ngài diễn ra ở một nhà tù với chừng dưới 50 người tham dự, hành vi hôn chân các tù nhân của ngài, kể cả những tù nhân không thuộc tôn giáo Kitô đã là bài học lớn lao cho các chủ chăn và tín hữu Kitô. Hành động hơn là lời nói, đó là cách truyền dạy của ngài. Chiếc ghế bục cao khi tiếp đón các phái đoàn đã được thay bằng chiếc ghế bình thường như những chiếc ghế dành cho khách đến viếng thăm ngài tạo nên một “sự bình đẳng” và nói lên sự ân cần của ngài dành cho khách kính viếng.
Tuy nhiên, mức độ liên vị giữa người với người là căn bản và là then chốt. Thế nhưng, lòng thương xót này còn ở một tầm mức phải rộng lớn hơn, can dự vào trong cả những chính sách của cộng đồng quốc gia và quốc tế, để lòng thương xót Giáo Hội đề ra không chỉ thực hiện trong phạm vi các cộng đồng tu trì hay giáo xứ bé nhỏ. Các công tác từ thiện quả là quý giá nhưng còn đậm chất thảng hoặc, xoa dịu cảm xúc, động lòng trắc ẩn hơn là nhắm tới việc thăng tiến toàn diện phẩm giá con người. Cho trẻ em có cơ hội học hành [thế nên từ thiện một vài cuốn sách/vở chưa phải đã giải quyết vấn đề], người già cả neo đơn có nơi nương tựa/chăm sóc, người lỡ đường cô thế cô thân có được bàn tay giơ ra cứu giúp vượt khó... Các cộng đồng tín hữu cần ngồi lại để xem xét toàn bộ thực trạng và khả năng can thiệp của mình. Những cộng đoàn giáo xứ lớn có nhiều tiềm năng để chia sẻ với những cộng đoàn vùng sâu vùng xa với những kế hoạch khả thi và cụ thể.
Ban Bác Ái Xã Hội quả là một sự đáp trả hợp thời và cần được quan tâm để nhân rộng. Không ai thiếu thốn đến độ không có gì để chia sẻ. Đức Thánh Cha cảnh giác các tín hữu về những chướng ngại trong việc thực thi lòng thương xót:
Có thể có một số chướng ngại vốn đóng cửa lòng lại. Có cám dỗ để đóng cửa, hay sống với tội lỗi, chúng ta giảm thiểu nó, luôn luôn biện minh cho nó, nghĩ rằng chúng ta không xấu hơn những kẻ khác. Tuy nhiên, đấy là những cách thức cánh cửa lòng bị khóa chặt lại và chúng ta bị nhốt ở bên trong, thành tù nhân của sự dữ. Chướng ngại khác là xấu hổ mở cánh cửa bí mật của lòng chúng ta. Thực vậy, xấu hổ là một triệu chứng tốt bởi vì nó tỏ cho thấy rằng chúng ta muốn đoạn tuyệt với sự dữ; tuy nhiên, ta không bao giờ được biến nó thành sợ hãi. Có một cạm bẫy thứ ba, cạm bẫy là làm cho chúng ta xa cách cánh cửa: nó xảy ra khi chúng ta dấu ẩn trong sự khốn cùng của ta, khi chúng ta liên lỉ trầm ngâm, liên kết nó với những điều tiêu cực, cho đến khi chìm hẳn vào trong kho chứa tối đen nhất của linh hồn. Rồi thậm chí chúng ta nên đồng tông giống với nỗi buồn mà chúng ta không muốn, chúng ta trở nên thất đảm, và chúng ta nên yếu nhược hơn khi đối diện với những cám dỗ. Điều nàyxảy ra bởi vì chúng ta ở lại với chính mình, đóng mình lại và tránh ánh sáng.
Giáo huấn thật đánh động. Đó không phải là cả một chương trình thiêng liêng cho chúng ta hay sao? Chúng ta không được phép xây dựng phương cách giáo dục mang tính cá nhân chủ nghĩa, tiêu cực, lẩn tránh lòng thương xót.
c. Giáo Dục Lòng Thương Xót
Giáo Hội không chỉ chiêm ngắm, nhập thể mà còn phải loan báo, hay đúng hơn, còn phải giáo dục dân Kitô sống lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau khi đã nhận biết nội dung, Giáo Hội còn phải tìm cách hướng dẫn làm thế nào để một con người đạt tới mức thể hiện lòng thương xót như thế trong thế giới ngày nay. Đây chính là vấn đề giáo dục không những đức tin mà còn là giáo dục phong hóa đạo đức, thuộc về trách nhiệm không tương nhượng được của Giáo Hội.
Công việc này Giáo Hội không làm độc lập. Những tôn giáo bạn, những đoàn thể dân sự mang tính thiện nguyện cũng đã dấn thân trong nhiệm vụ này. Xã hội được đáng sống hơn và còn đem lại niềm hy vọng nhờ những con người tận tụy như thế. Giáo Hội không là một ốc đảo, nhưng còn tham gia vào công tác giáo dục “quần chúng”. Nếu ở đây là giáo dục sống lòng thương xót, thì quả là một thách đố rất lớn trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, toàn thể xã hội đang nhấn mạnh vào việc sống theo pháp luật là những gì quy định lối sống ở bên ngoài, tôn trọng những quyền lợi của nhau. Những quyền lợi này rất dễ bị xâm phạm qua lợi ích riêng. Nhưng sâu xa hơn, pháp luật dễ bị qua mặt vì lợi ích nhóm, lợi ích tập thể mà quên đi công ích, không những cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Cuối cùng ra, con người đạo đức mới là quan trọng trong mọi tương quan.
Nhưng không dễ dàng gì để giáo dục đạo đức con người. Lawrence Kohberg đã chỉ ra cho thấy những mức độ sống đạo đức của con người và một cách nào đó, mức độ sống đạo đức tôn giáo: đạo đức tiền quy ước; đạo đức quy ước và đạo đức hậu quy ước.
Nền đạo đức, hay một cách tương tự, một mức độ sống đạo đức tôn giáo ở trình độ tiền-quy ước là lối sống chọn làm những điều thiện chỉ vì sợ bị phạt hay để bản thân mình được ân thưởng. Người tín hữu làm những điều lành và tránh điều xấu chỉ vì sợ bị Thiên Chúa trừng phạt. Thần học thời Trung Cổ nhấn mạnh đến đức công thẳng của Thiên Chúa, sự phán xét của đời sau [vd. Kinh Dọn Mình Chết Lành] khiến người tín hữu sợ mà tránh tội. Tâm thức này tuy hiện nay không còn được nhấn mạnh trong các bài giảng, bài giáo lý... nhưng không phải là không còn tồi tại.
Lên một mức độ cao hơn, lối sống đạo đức hay đạo đức tôn giáo theo quy ước chọn lựa những điều thiện hảo để bản thân được cộng đồng chấp nhận hoặc vì do cộng đồng phê chuẩn. Cá nhân không sợ ai trừng phạt mình, nhưng rất ngại “tiếng nói của dư luận”. Việc phạm lỗi vẫn có đấy, nhưng làm cách nào cộng đồng không bắt gặp là được [thoát nạn và coi đó là sự thành công]. Mức độ hai mặt ấy nặng hay nhẹ vẫn tùy theo trường hợp, nhưng chắc chắn, lề luật đạo đức chỉ là cái áp đặt từ bên ngoài, từ sức ép của xã hội, của cộng đồng, mà nhiều lúc mình thấy cũng “hợp lý”, nhưng sức lực hay nguồn lực để tuân theo lại là từ bên ngoài.
Cuối cùng, theo lối sống hậu-quy ước, cá nhân chọn lựa điều thiện hảo chỉ vì cội nguồn thiện hảo ấy chính là Thượng Đế. Đó chính là mức độ cao cả nhất của đời sống luân lý cắm rễ sâu vào chính cội nguồn thiện hảo đến độ một khi đã xác định đó là sự thiện phải làm thì bản thân hữu thể nhân linh chọn lựa, không vì lý do nào khác. Cá nhân sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn sự thiện của mình, có khi vượt lên trên cả sức ép của cộng đồng xã hội. Phần lớn những vị minh sư hoặc những vị sáng lập tôn giáo, hội dòng v.v... thuộc vào hàng ngũ “quý hiếm” này. Xã hội hay cộng đồng đạo đức hoặc tôn giáo được thanh tẩy, được canh tân là do những con người dám “bức phá” trình độ đạo đức chây ì của xã hội, dứt khoát không “chiều theo số đông”.
Như thế, ở đây, khi nói tới việc sống và loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa là sống đạo ở mức độ cao cả nhất khi người tiếp nhận và chia sẻ lòng thương xót với đồng loại đã tiếp chạm với Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót. Mình chia sẻ lòng xót thương với những anh chị em bất hạnh hơn chính vì mình cũng đã được Thiên Chúa xót thương trước, cảm nghiệm sự tự do, bình an trước tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, hợp với tiếng nói của Đại hội Dân Chúa tại Việt Nam, trong việc đặt nền cho một xã hội được gợi hứng từ lòng thương xót, chúng ta phải bắt đầu với gia đình. Thật thế, gia đình sẽ luôn là trường dạy lòng thương xót, một lòng thương xót rất nhân bản. Đức Phanxicô khuyên nhủ trong việc xây dựng một xã hội mới theo lòng thương xót: "Hãy có can đảm để xin tha thứ khi chúng ta lầm lỗi trong gia đình quả là quan trọng. Một vài tuần trước, tại chính quảng trường này, cha nói rằng để có một gia đình lành mạnh, ba từ ngữ cần phải được sử dụng. Và cha muốn lặp lại ba từ ngữ ấy: Xin [mẹ, cha] vui lòng giúp con, cám ơn và xin lỗi [Please, Thank you, Sorry]. Ba hạn từ cốt thiết!". Chúng ta hãy giáo dục con em chúng ta biết thốt lên những lời ấy cách chân thành. Và nó sẽ từ từ kiến tạo được một thế hệ mới biết làm cho lòng thương xót trở thành tiêu chuẩn hành động của mình. Trong giáo dục châm ngôn "kiến tha lâu sẽ đầy tổ" quả là đúng.
Chỗ khác, ngài nói như sau:
Trong gia đình, chúng ta học tình liên đới, cách thức chia sẻ, phân định, bước tới cùng với những vấn đề của từng người… Gia đình là trường học đầu tiên của quốc gia, và trong gia đình các con sẽ tìm thấy sự giàu có và giá trị mà các con có. Gia đình như người canh giữ giá trị lớn lao đó. Trong gia đình các con tìm thấy hy vọng, vì Đức Giêsu ở đó, và trong gia đình các con sẽ có phẩm giá. Đừng bao giờ, đừng bao giờ đặt gia đình sang một bên; gia đình là hòn đá nền, trên đó một quốc gia vĩ đại đươc xây dựng.
Nhưng đó là một quốc gia vĩ đại về lòng thương xót, chứ không phải ở một thứ giàu có đến lãnh đạm và dửng dưng, sống chết mặc bay!
Kết
Đến đây, tôi muốn đi đến kết luận. Năm thánh Lòng Thương Xót không phải là một chủ đề suy lý mà thôi. Đó cũng phải là chủ đề của mục vụ và giáo dục mà từ Vaticanô II đã muốn khởi sự trong Giáo Hội. Thật vậy, Thiên Chúa, Đấng xót thương, đã từng bước, xuyên qua những thăng trầm lịch sử, đã giáo dục và huấn luyện Giáo Hội thành bí tích của Đấng là Khuôn Mặt Nhân Loại của Thiên Chúa vô hình và xót thương. Giáo Hội đã được xót thương, và nay Giáo Hội thực thi lòng xót thương, không chút chùn bước, bất chấp bách hại và đau khổ. Không chỉ như thế. Giáo Hội còn phải là tác nhân giáo dục và mục vụ sao cho con cái của mình, bất kể chức vụ và địa vị, bất kể tuổi tác và nghề nghiệp, đều là những chứng nhân của lòng Chúa thương xót.
Như thế, Giáo Hội mời gọi con cái mình biết nhìn ra những đau khổ của nhân loại. Giáo Hội luôn tìm cách liên đới với những đau khổ của nhân loại do thiên tai, chiến tranh, hận thù... Giáo Hội cũng muốn các gia đình Kitô hữu, các cộng đoàn Kitô hữu huấn luyện các thành viên của mình luôn biết nhìn xem những đau khổ của nhân loại với ánh mắt của vị Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương.
Công việc này luôn mời gọi những lớp đàn anh trong Giáo Hội giúp thế hệ trẻ can đảm để đi ngược lại não trạng thế tục. Não trạng đó luôn tán thưởng những hình thức oán hận, căm thù, gieo sợ hãi. Tất cả những thứ đó luôn làm tê liệt con người. Tất cả những thứ đó chỉ có thể được thuyên chữa nhờ lòng thương xót. Theo ánh sáng đó, cần giúp cho thế hệ trẻ làm cho lòng thương xót chi phối suy tư, cảm tình, hành động của mình. Họ hãy nỗ lực làm cho guồng máy xã hội, trong chính nơi họ làm việc, được ngày một chuyển động nhuần nhuyễn hơn nhờ dầu của lòng thương xót.
[1]Tứ Vô Lương Tâm của Phật Giáo: Từ-Bi-Hỉ-Xả. Lòng Nhân của Khổng Giáo.
[2]MV, 1.
[3]DM, 1
[4] Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ tại Bangui, ngày 30/12/ 2015.
[5] Friedrich Nietzsche được coi là phát ngôn nhân cho việc đề cao con người “hùng” mà “giết chết Thượng Đế! Trong chủ trương của ông, không hề có chỗ cho lòng thương xót. Đó là phẩm hạnh của những kẻ yếu nhược. Đối với những nhà chủ trương để cao con người [nhân bản cực đoan], lòng thương xót chỉ là một thứ mị dân!
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB.
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét