Trang

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin: Iuvenescit Ecclesia

Văn kin mi ca B Giáo Lý đc tin: Iuvenescit Ecclesia

VATICAN. Sáng ngày 14-6-2016, Bộ giáo lý đức tin đã công bố văn kiện xác định quan hệ thiết yếu giữa giáo quyền và các cộng đoàn, phong trào mới trong Giáo Hội.

 Văn kiện này là thư của Bộ gửi các GM trong Giáo Hội với tựa đề ”Iuvenescit Ecclesia” (Giáo Hội trở nên trẻ trung), về tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đoàn sủng cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

 Hiện diện trên bàn chủ tọa trong cuộc họp báo giới thiệu văn kiện của Bộ cũng có ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM, Đức Ông Piero Coda, thành viên Ủy ban thần học quốc tế, và nữ giáo sư María Carmen Aparicio Valls, thuộc phân khoa thần học Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma.

 Thư dài 18 trang, được ấn hành bằng các ngôn ngữ chính, và mang chữ ký ngày 15-5-2016 của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và vị Tổng thư ký của Bộ là Đức TGM Luis Ladaria. ĐTC đã phê chuẩn và truyền công bố thư này trong buổi tiếp kiến ngày 14-3 năm nay dành cho ĐHY Tổng trưởng.

 Văn kiện nhấn mạnh đến tương quan hòa hợp và bổ túc cho nhau giữa định chế của Giáo Hội và các phong trào, cộng đoàn mới: trong sự tham gia phong phú và có trật tự của các đoàn sủng vào cộng đoàn hiệp thông của Giáo Hội, các thực thể mới này không được tránh né không vâng phục hàng giáo phẩm của Hội Thánh, và cũng không được tự ban cho mình quyền được thi hành một sứ vụ tự trị. Vì thế, các đoàn sủng có một tầm quan trọng không thể thiếu được đối với đời sống và sứ mạng của

Giáo Hội; các đoàn sủng chân chính chính có đặc tính cởi mở truyền giáo, vâng phục cần thiết đối với các mục tử, và ở trong Giáo Hội.

 Thư của Bộ giáo lý đức tin cảnh giác chống lại chủ trương coi Giáo Hội cơ chế và Giáo Hội bác ái như hai thực thể đối nghịch nhau hoặc chỉ ở cạnh nhau, bởi vì trong Giáo Hội cả các cơ chế thiết yếu cũng có đặc tính đoàn sủng, và các đoàn sủng phải được cơ chế hóa để có một sự thống nhất, trước sau như một, và liên tục. Vì thế, cả hai chiều kích đều cùng nhau góp phần hiện diện hóa mầu nhiệm và hoạt động cứu độ của Chúa Kitô trong thế giới.

 Bộ giáo lý đức tin cũng trình bày những tiêu chuẩn để phẩm trật Giáo Hội phân định những đoàn sủng chân chính, theo đó các đoàn sủng phải là dụng cụ nên thánh trong Giáo Hội; dấn thân trong việc truyền bá Tin Mừng; tuyên xưng trọn vẹn đức tin Công Giáo, chứng tỏ tình hiệp thông thực sự với toàn thể Giáo Hội, chân thành đón nhận các giáo huấn đạo lý và mục vụ của Giáo Hội, nhìn nhận và quí chuộng các yếu tố đoàn sủng khác trong Giáo Hội; khiêm tốn chấp nhận những lúc thử thách trong cuộc phân định; có những thành quả thiêng liêng như bác ái, vui mừng, hòa bình, nhân bản; để ý đến chiều kích xã hội trong việc loan báo Tin Mừng, ý thức sự kiện: mối quan tâm đến sự phát triển toàn diện cho những người bị xã hội bỏ rơi nhiều nhất là điều không thể thiếu trong một thực tại Giáo Hội chân chính”.

 Thư của Bộ giáo lý đức tin đã trình bày 2 tiêu chuẩn cơ bản để cứu xét hầu nhìn nhận các thực tại mới của Giáo Hội về phương diện pháp lý, theo các hình thức đã được Bộ giáo luật thiết định.

 - Tiêu chuẩn thứ I là ”tôn trọng đặc tính đoàn sủng của mỗi phong trào hoặc cộng đoàn  mới của Giáo Hội”, vì thế cần tránh những những ”bó buộc hoặc lèo lái về pháp lý, làm giảm bớt sự mới mẻ của các thực tại ấy”.

 - Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến sự tôn trọng đường lối cơ bản trong việc cai quản Giáo Hội, tạo điều kiện dễ dàng cho sự hội nhập các hồng ân đoàn sủng trong đời sống Giáo Hội, nhưng cần làm sao để tránh cho các thực thể ấy bị coi như một thực tại song song, không tham chiếu các phẩm trật của Hội Thánh”. (SD 14-6-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét