Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Phần III – Bài 24 BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Phần III – Bài 24 BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN


        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau đây:

1.      Lần tôi gần cái chết nhất trong một tai nạn hoặc một cơn bệnh, đó là khi…

2.      Đối với tôi, việc cầu nguyện trên những người bệnh có nghĩa là…

ĐAU YẾU

       
 Mưa rơi ngoài cửa sổ phòng bệnh của Jane Lindstrom.  Mưa khiến cho bà cảm thấy cô đơn và chán nản.  Rồi có người đem tới một lá thư của ai gửi cho bà.  Jane mở ra đọc:
       
 “Từ hôm bà bị đau tới nay, mỗi sáng tôi đều nhớ nụ cười và cái vẫy tay chào của bà.  Tôi cầu nguyện cho bà được mau lành.  Có lẽ bà ngạc nhiên khi nhận được lá thư này.  Nhưng đối với tôi, cuộc đời kém hạnh phúc đi nếu thiếu vắng bà.”
        
Cảm nghĩ cô đơn và buồn nản của bà Jane bỗng chốc tiêu tan.  Lá thư tốn không đầy một phút để viết, nhưng gói ghém tất cả tình yêu và sức mạnh.  Nó cho bà biết là người ta nhớ đến bà.  Bà nói:  “Lá thư ấy còn hiệu nghiệm hơn cả toa thuốc bác sĩ cho.”
        
Sau đây là một câu truyện khác.  Ông Doan đã 88 tuổi, nhưng vẫn sống một mình.  Mỗi sáng Chúa Nhật, ông đong đưa chiếc ghế ngựa nhanh hơn khi sắp sửa nhìn thấy một người rất đặc biệt.  Người đặc biệt này chính là cô Maria, một sinh viên 22 tuổi và là thừa tác viên Thánh Thể của giáo xứ Thánh Tâm.
        
Khi cô Maria đến vào khoảng 11 giờ, cô bắt đầu đọc bài Tin Mừng Thánh lễ Chúa Nhật cho ông Doan nghe.  Rồi cô kể tóm tắt bài giảng cô vừa nghe ở nhà thờ.  Sau đó cô và ông Doan nắm tay nhau đọc kinh Lạy Cha để chuẩn bị rước Mình Thánh Chúa Ki-tô.
       
 Sau khi ông Doan rước lễ, cô Maria chậm rãi đọc một đoạn trong cuốn sách kinh.  Ông Doan thích nhất kinh cầu cho bệnh nhân:
        
“Lạy Chúa là Cha chí thánh, xin hãy giải thoát tôi tớ Chúa khỏi yếu đau, được phục hồi sức khỏe.  Xin Chúa đưa tay nâng tôi tớ Chúa dậy, xin lấy quyền lực mà ban cho tôi tớ Chúa được mạnh mẽ, xin dùng quyền năng mà che chở tôi tớ Chúa và ban mọi sự cần thiết cho tôi tớ Chúa được an lành.  Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”
        
Sau khi đọc kinh, ông Doan và cô Maria chia sẻ với nhau về những gì họ làm trong tuần vừa qua.
        
Khi cô Maria chào ông Doan để ra về, cô nhận ra là mình đến thăm không phải chỉ để mang Mình Thánh Chúa, nhưng còn cho ông thấy cả giáo xứ Thánh Tâm không bỏ quên ông đâu.  Họ lo lắng cho ông và ông biết đó là cách cụ thể họ có thể làm cho ông.

Bệnh nhân cần được yêu thương đặc biệt

        
Những câu truyện thực về bà Jane và ông Doan đều phản ảnh sự đau khổ và cô đơn khi đau yếu hoặc tuổi già.
        
Hai tình cảnh này có thể làm phát sinh nơi chúng ta cảm nghĩ bị cô lập với thế giới này.  Chúng có thể khiến ta lâm vào tình trạng bấn loạn tâm thần.  Đôi khi chúng cũng có thể làm cho lòng tin chúng ta nơi Chúa bị suy yếu trầm trọng.

Đức Giê-su chữa lành bệnh nhân

       
 Sách Tin Mừng đầy những câu truyện nói về nỗi lo lắng Đức Giê-su dành cho những bệnh nhân.  Chúng ta thử đọc vài truyện.
        
“Bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm trên giường.  Lập tức họ nói cho Đức Giê-su biết tình trạng của bà.  Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy;  cơn sốt dứt ngay…
       
 “Người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người…  Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ…
        
“Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng:  “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”  Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo:  “Tôi muốn, anh sạch đi!”  Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1:30-34,40-42)
        
Đức Giê-su đã lấy việc lo lắng chăm sóc cho bệnh nhân làm tiêu chuẩn để xét xử nhân loại trong ngày tận thế.  Trong dụ ngôn về cuộc Phán xét chung, Đức Giê-su nói: 

“Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.  Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng:  “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi…  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…;  Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;  Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;  Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom;  Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25:33-36).

Đức Giê-su đã chia sẻ quyền năng chữa lành của Ngài

        
Đức Giê-su không chỉ chữa lành bệnh nhân, nhưng Ngài còn chia sẻ quyền năng chữa lành của Ngài cho các môn đệ.  Sách Tin Mừng nói về các môn đệ:  “Các ông xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6:13).
        
Cũng vậy, thư thánh Gia-cô-bê Tông đồ cho biết là sau khi Đức Giê-su lên trời, Giáo Hội tiếp tục sử dụng quyền năng chữa lành Ngài đã chia sẻ với họ.  Thánh Gia-cô-bê viết:  “Ai trong anh em đau yếu ư?  Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến;  họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.  Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh;  người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5:14-15).

XỨC DẦU BỆNH NHÂN

       
 Một cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam hồi phục tại bệnh viện Walter Reed, Hoa-thịnh-đốn.  Trong một bức thư gửi cho bạn, anh mô tả kinh nghiệm rất đặc biệt ngay sau khi anh bị trúng hỏa pháo tại chiến trường:
        
“Không đầy một giây sau khi bị trúng đạn, tôi hoàn toàn cảm thấy đơn độc.  Tôi đã nghe người ta nói mà vẫn không tin là thật rằng khi bạn hấp hối thì không còn ai ngoài mình cả.  Bạn hoàn toàn cô đơn.  Tôi bị thương nặng, rất nặng.  Một trái hỏa pháo 4.2 đã nổ sau lưng tôi khoảng ba mét và cắt cụt luôn một chân của tôi, xé nát từ sườn lên tới nách trái, lưng, đầu, hông, gót và mắt cá chân phải đều bị thương.  Tôi cảm thấy choáng váng lập tức, nhưng tôi cố chống trả vì biết hễ ngất đi là sẽ không khi nào tỉnh lại được nữa.
        
“Ba hay bốn người cứu thương cúi xuôáng trên tôi, lay tôi và cố giúp tôi…  Tôi ráng cầu nguyện, nhưng không thể làm được.  Tôi xin các bạn tôi hãy nói với tôi để giúp tôi tỉnh, nhất là nếu có ai giúp tôi cầu nguyện thì càng tốt.  Tôi cảm thấy không còn ai ngoài tôi.  Những người chung quanh chỉ có thể nói với tôi.  Rồi với tất cả bản tính lì lợm và may mắn (phải nói là quan phòng mới đúng), tôi đã sống để chống đỡ được hai giờ đồng hồ sau khi bị thương.
        
“Sau khi người ta mang tôi tới trạm cấp cứu, tôi thấy bốn năm người nắn bóp người tôi, khiến tôi mở mắt và có thể nhìn thấy lờ mờ nhữõng gì trước mắt tôi khoảng một nửa mét.  Nhưng có một người cúi xuống trên tôi.  Tôi không rõ là ai, tuy nhiên tôi nghĩ hình như là vị tuyên úy của tiểu đoàn.  Mũi ngài dí sát mũi tôi.  Sau khi gặp ngài, tôi bắt đầu lả dần – tôi tưởng đây là phút cuối đời.  Khi nói, tôi chỉ có thể thì thào và làm được như vậy là cùng.
        
“Khi đang lả đi, mắt tôi nhắm lại và tôi nghe linh mục tuyên úy nói:  “Anh có ăn năn hối hận về những tội lỗi của mình không?”  Với tất cả tàn hơi, tôi thều thào:  “Thưa có!”  Một giây trước khi ngất đi, tôi cảm thấy dầu trên trán mình.  Và một điều gì đó đã xảy ra mà tôi không bao giờ quên, một điều gì trước đây tôi chưa bao giờ thấy trong đời!
        
“Rất đột ngột, tôi không còn thở hổn hển nữa.  Tôi chỉ thấy thật là vui…  Tôi cảm thấy dường như vừa nhận một mũi moọc-phin triệu phân khối.  Tôi đang ở trên chín tầng mây, nhẹ bẫng khỏi thân xác và tâm trí.  Rồi trong vòng mười ngày sau đó tôi đã tỉnh lại ba bốn lần. Tôi đã chẳng sợ chết nữa.  Thực ra tôi đã chờ đợi cái chết.”
        
Lá thư của người lính kia mô tả thật hay về kinh nghiệm của anh khi anh lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.

Giáo Hội tiếp tục sứ vụ chữa lành của Đức Giê-su

        
Sứ vụ chữa lành của Giáo Hội tiếp tục sứ vụ chữa lành của Đức Giê-su.  Bạn hãy nghĩ như sau:  như Đức Giê-su đã chữa lành dân chúng trong thời Tin Mừng bằng những hành vi nhân loại của thể xác Ngài thế nào, thì Ngài cũng tiếp tục chữa lành dân chúng hôm nay qua những hành vi bí tích của Giáo Hội là Nhiệm Thể Ngài như vậy.
        
Đức Giê-su từ bi đã chữa lành dân chúng trong thời Tin Mừng cũng là chính Đức Giê-su đang chữa lành người ta hôm nay.  Sự khác biệt duy nhất, đó là phương thức Ngài chữa lành cho họ mà thôi.
        
Trong thời Tin Mừng, Đức Giê-su đã chữa lành người ta bằng thân xác trần gian của Ngài.  Ngài chạm đến họ với bàn tay bằng xương bằng thịt của Ngài.  Ngày nay, Đức Giê-su chữa lành người ta bằng Nhiệm Thể là Giáo Hội.  Ngài chạm đến họ qua bàn tay của linh mục.  Và khi linh mục làm như vậy, người ta cảm thấy cùng một việc chữa lành mà những ngườøi thời Tin Mừng đã cảm nghiệm.
        
Thí dụ, một số người cảm thấy được chữa lành toàn diện hoặc một phần thể xác như kinh nghiệm của người cựu chiến binh Hoa-kỳ đã tham chiến tại Việt-Nam.
        
Những người khác cảm nghiệm được chữa lành tinh thần khiến họ được bình an, giống như sự bình an người lính đã được.
        
Có người lại cảm nghiệm sự chữa lành thiêng liêng trong linh hồn giúp họ nhận biết tình yêu và tha thứ của Chúa, tựa như sự tha thứ mà người lính đã lãnh nhận.
       
 Sự chữa lành do Bí tích kỳ diệu này không hẳn luôn luôn phải là chữa lành thể xác.  Thực ra hiệu quả rõ rệt nhất có lẽ không phải là chữa lành thể xác mà là tinh thần và thiêng liêng.

PHỤNG VỤ BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

        
Cha Giu-se được mời đến một bệnh viện tại Los Angeles để xức dầu cho một bà cụ tên là Gladys.  Bà bị bất tỉnh và xem chừng không còn sống được.  Cha đến gặp bà tại phòng bệnh bà chung với một bệnh nhân khác.  Cha cũng gặp tám người thân thuộc trong gia đình bà.  Ngài mời gia đình quây quần chung quanh giường bệnh và đặt tay trên bà đang khi ngài cử hành Phụng vụ Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
        
Sau khi xức dầu cho bà Gladys, bà bệnh nhân bên cạnh quá cảm động nên cũng xin được xức dầu.  Thì ra bà ấy cũng là người Công giáo, nhưng đã không sống đạo từ nhiều năm rồi.
       
 Bà Gladys tiếp tục hồi phục sau cơn hôn mê và được bình phục hoàn toàn. 
        
Câu truyện trên cho thấy hai điểm quan trọng về Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.

Chữa lành là một hành động của Giáo Hội
       
 Trước hết, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân không phải là một hành vi riêng tư giữa linh mục với bệnh nhân.  Nhưng đó là một hành vi công cộng, liên hệ tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.  Vì như thánh Phao-lô nói:  “Không có chia rẽ trong thân thể…  Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12:25-26).
        
Nói khác đi, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô cũng giống như thân thể con người.  Nếu một phần tử bị thương tích, hoạt động của toàn thân cũng chịu ảnh hưởng chứ không riêng phần tử ấy.
        
Điều này đưa chúng ta sang điểm thứ hai.

Ai có thể được lãnh nhận Bí tích?

       
 Bà Gladys đã lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân trong lúc bất tỉnh.  Điều này cho chúng ta ý niệm sau:  nếu chúng ta thường lãnh nhận những bí tích khác đang khi sống thì chúng ta không thể bị từ chối lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, ngay cả lúc chúng ta bất tỉnh hoặc lẫn lộn do thuốc thang, đau yếu hoặc tuổi già.
       
 Có thể một ít người sẽ ngạc nhiên khi thấy một người không Công Giáo nhưng đã được rửa tội cũng xin lãnh nhận  Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, miễn là họ xin lãnh nhận và tin Chúa Ki-tô hành động qua bí tích ấy.
        
Thường thường những người lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân là những người sau đây:
        
-  những ai đau đớn vì một cơn bệnh nặng,
        
-  những ai đau đớn vì quá yếu mệt do tuổi già,
        
-  những ai đã được xức dầu, nhưng đau lại do một cơn bệnh khác hoặc chính cơn bệnh ấy trở nên nặng hơn,
       
 -  những ai sắp bị giải phẫu vì một cơn bệnh trầm trọng,
       
 -  các em nhỏ đau nặng và đã đủ tuổi khôn để hiểu và đáp lại bí tích với lòng tin.
       
 Một tài liệu hướng dẫn của các Giám mục Hoa-kỳ định nghĩa sự đau yếu theo nghĩa rất rộng, tức là bất cứ sự đau yếu nào thuộc thể xác, cảm xúc hoặc tinh thần có ảnh hưởng trên đức tin của một người.  Nếu không rõ có nên xin xức dầu cho một người hay không thì hãy hỏi ý kiến linh mục.  Nhưng tốt hơn cả là chính đương sự nên quyết định lấy.  Câu hỏi thật giản dị:  Tình trạng của người đau yếu đã tới lúc họ cần sự chữa lành của Đức Ki-tô và lời cầu nguyện chữa lành của Giáo Hội chưa?

        Điều này đưa chúng ta tới việc ban hành bí tích.

Ban hành Bí tích gồm có ba bước


        Bí tích Xức dầu Bệnh nhân được ban tại tư gia hay tại bệnh viện.  Tuy nhiên, nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép, thì nơi lý tưởng nhất vẫn là nhà thờ giáo xứ và trong một “Thánh lễ chữa lành” quy tụ mọi người đau yếu trong cộng đoàn để lãnh nhận bí tích.  Nghi thức gồm có ba bước.

        Trước hết, linh mục bắt đầu, chào đón bệnh nhân và những người có mặt.  Sau đó là một ít lời nguyện và một đoạn Kinh Thánh. 

        Tiếp theo, linh mục đặt tay trên người đau yếu và thinh lặng cầu nguyện.  Nếu thấy thích hợp, chủ sự có thể mời tất cả những người hiện diện cũng làm như ngài.  Cử chỉ đặt tay trên một người cũng là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi Ngài chữa kẻ đau yếu (Mc 6:5).

        Thứ ba, linh mục lấy dầu thánh, đọc lời tạ ơn và xức dầu trên trán bệnh nhân đang khi ngài nói:  “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con.”  Đáp lại, bệnh nhân thưa:  “A-men.”

        Rồi linh mục xức dầu trên hai bàn tay bệnh nhân, ngài nói:  “Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, và thương làm cho con thuyên giảm.”  Bệnh nhân lại thưa:  “A-men.”

        Như đã nói ở trên, Đức Giê-su và các môn đệ thường xức dầu cho những người đau yếu (Ga 9:11;  Mc 6:13).

        Nghi thức kết thúc với việc mọi người hiện diện cùng đọc kinh Lạy Cha và chủ sự ban phép lành cho những người hiện diện.

        Nếu bệnh nhân muốn lãnh nhận Bí tích Hòa giải thì linh mục thường giải tội cho họ trước khi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.

        Nếu bệnh nhân được xức dầu ngoài Thánh lễ và muốn rước lễ thì linh mục cho họ rước Mình Thánh Chúa sau khi cùng đọc kinh Lạy Cha.

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH


        
1.  Đức Giê-su chữa lành người ta                      Mác-cô 1:29-2:12         
        
2.  Đức Giê-su chia sẻ quyền năng chữa lành        Lu-ca 10:1-9       
        
3.  Các môn đệ Chúa chữa lành người ta             Lu-ca 10:17-24            
        
4.  Giáo Hội sơ khai chữa lành kẻ yếu đau            Công Vụ Tông Đồ 5:12-16  
        
5.  Hãy đến với Giáo Hội để được chữa lành         Gia-cô-bê 5:13-20         

THẢO LUẬN


        
1.  Đức Giê-su đã lo lắng cho những người đau yếu như thế nào?
       
 2.  Sau khi Đức Giê-su lên trời, Giáo Hội Ngài tiếp tục sứ vụ chữa lành thế nào?
        
3.  Tại sao nên có những người khác hiện diện khi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân?
        
4.  Bí tích Xức dầu Bệnh nhân được cử hành như thế nào?

CHIA SẺ

      
  1.  Giải thích những tư tưởng sau đây:
        -  “Con cảm tạ Chúa đã cho con đôi mắt để nhìn.  C
on cũng cảm tạ Chúa về sự mù lòa của con, nhờ đó con thấy con rõ hơn.”  (Old Lodgeskins trong phim Little Big Man)
       
 -  “Ai chưa từng nếm ưu phiền
        Ai chưa từng sốâng trong miền tối tăm
        Chưa từng khóc lóc vãn than
       
 Thì chưa biết Đấng trên ngàn mây xanh.”  (Johann Wolfang von Goethe)
       
 2.  Thánh Phao-lô viết:  “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em.  Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì ích lợi cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24).  Thánh Phao-lô muốn nói gì?  Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người đau yếu đóng góp vào Giáo Hội bằng những đau khổ của họ như thế nào?
       
 3.  Sự đau yếu còn gây thêm nhiều điều khác ngoài đau đớn thể xác.  Nó khiến bệnh nhân phải lệ thuộc vào người khác ngay trong những nhu cầu căn bản nhất.  Hậu quả là gì?  Chán nản.  Sự thông đạt không còn nữa.  Cảm thấy mọi người, kể cả Chúa, bỏ rơi mình.  Bí tích Xức dầu Bệnh nhân nhắm đến toàn diện tình trạng này.  Bí tích giúp tất cả con người thắng vượt những trở ngại ngăn chặn ân sủng và ơn cứu chuộc do sự đau yếu gây nên.  Bạn hãy nhớ lại một cơn bệnh nặng bạn hoặc người thân của bạn đã chịu và hãy chia sẻ những hậu quả nó gây nên cho bạn.
       
 4.  Nhớ lại lần nào đó bạn đã được xức dầu hoặc bạn đã hiện diện trong một buổi xức dầu cho bệnh nhân.  Lần ấy có ảnh hưởng gì đối với bạn?

Tác giả: Mark Link, S.J. Chuyển ngữ: Lm Trần đình Nhi
Nguồn: The Catholic Vision III – 24

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét