Tài liệu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin: Giáo Hội Tái Sinh (2)
Vũ Văn An6/16/2016
Vũ Văn An6/16/2016
II. Mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng trong Huấn Quyền gần đây
Công Đồng Vatican II
9. Dù chưa bao giờ có sự thiếu vắng các đặc sủng đa dạng trong suốt dòng thời gian của lịch sử Giáo Hội, tuy nhiên, chỉ trong các thời gần đây, mới có những suy nghĩ có hệ thống được khai triển về chúng. Và dù học lý về đặc sủng từng chiếm một khoảng không gian quan trọng trong Huấn Quyền của Đức Piô XII như đã được phát biểu trong Mystici Corporis (21), nhưng bước dứt khoát tiến tới chỗ hiểu biết thỏa đáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng chỉ được thực hiện với giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Các đoạn liên hệ bàn đến thể tài này (22) cho thấy: trong đời sống Giáo Hội, cộng với Lời Thiên Chúa, được viết ra và lưu truyền, song song với các bí tích, và với thừa tác vụ phẩm trật thụ phong, còn có các hồng ân, các hồng ân đặc biệt hay đặc sủng, do Chúa Thánh Thần ban phát nơi các tín hữu thuộc mọi điều kiện. Đoạn văn điển hình nhất về phương diện này tìm thấy trong Lumen Gentium, số 4:
Công Đồng Vatican II
9. Dù chưa bao giờ có sự thiếu vắng các đặc sủng đa dạng trong suốt dòng thời gian của lịch sử Giáo Hội, tuy nhiên, chỉ trong các thời gần đây, mới có những suy nghĩ có hệ thống được khai triển về chúng. Và dù học lý về đặc sủng từng chiếm một khoảng không gian quan trọng trong Huấn Quyền của Đức Piô XII như đã được phát biểu trong Mystici Corporis (21), nhưng bước dứt khoát tiến tới chỗ hiểu biết thỏa đáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng chỉ được thực hiện với giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Các đoạn liên hệ bàn đến thể tài này (22) cho thấy: trong đời sống Giáo Hội, cộng với Lời Thiên Chúa, được viết ra và lưu truyền, song song với các bí tích, và với thừa tác vụ phẩm trật thụ phong, còn có các hồng ân, các hồng ân đặc biệt hay đặc sủng, do Chúa Thánh Thần ban phát nơi các tín hữu thuộc mọi điều kiện. Đoạn văn điển hình nhất về phương diện này tìm thấy trong Lumen Gentium, số 4:
“Giáo Hội, mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi đường chân lý (xem Ga 16:13) và Người hợp nhất trong hiệp thông và các công trình thừa tác, Người vừa trang bị vừa dẫn dắt bằng các hồng ân phẩm trật và đặc sủng và trang điểm bằng hoa quả của Người (xem Ep 4:11-12,; 1Cr 12:4; Gl 5:22)” (23). Như thế, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, khi trình bầy các hồng ân được ban phát qua Chúa Thánh Thần, bằng cách phân biệt giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng, đã làm nổi bật sự dị biệt trong hợp nhất của chúng. Các xác quyết trong Lumen Gentium số 12 liên quan tới các hiện tượng đặc sủng xem ra cũng có ý nghĩa trong bối cảnh Dân Chúa tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô. Ta nhận ra: Chúa Thánh Thần không tự giới hạn Người vào việc này mà thôi vì “không phải chỉ qua các bí tích và các thừa tác vụ của Giáo Hội mà Chúa Thánh Thần thánh hóa và dẫn dắt Dân Chúa và phong phú hóa Dân này bằng các nhân đức”, nhưng “Người còn phân phát các hồng ân đặc biệt nơi các tín hữu mọi bậc. Nhờ các hồng ân này, Người làm cho họ xứng đáng và sẵn sàng đảm nhiệm các trách vụ và chức vụ đa dạng góp phần vào việc canh tân và xây đắp Giáo Hội”.
Cuối cùng, tính đa dạng và quan phòng của chúng được diễn tả như sau: “Các đặc sủng này, bất chấp trổi vượt hơn hay đơn giản hơn và ban phát rộng rãi hơn, đều cần được lãnh nhận với lòng biết ơn và cảm thấy được an ủi vì chúng hoàn toàn thích hợp và hữu ích cho nhu cầu của Giáo Hội” (24). Các suy tư tương tự cũng được tìm thấy trong Sắc Lệnh của Công Đồng về Tông Đồ Giáo Dân (25). Văn kiện này quả quyết rằng “từ việc chấp nhận các đặc sủng này, gồm cả các đặc sủng có tính sơ đẳng hơn, mỗi tín hữu đều có quyền và bổn phận phải dùng chúng trong Giáo Hội và trong thế giới để gây ích cho con người và xây dựng Giáo Hội, trong tự do của Chúa Thánh Thần” (26). Do đó, các đặc sủng chân chính đã được coi như các hồng ân có tầm quan trọng tuyệt đối cần thiết đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Sau cùng, giáo huấn của Công Đồng không ngừng thừa nhận vai trò chủ yếu của các mục tử trong việc biện phân các đặc sủng và việc thi hành chúng cách trật tự trong hiệp thông Giáo Hội (27).
Huấn Quyền sau Công Đồng
10. Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, các can thiệp của Huấn Quyền về chủ đề này đã được nhân bội (28). Sinh khí mỗi ngày mỗi gia tăng nơi các phong trào mới, các hiệp hội giáo dân, và các cộng đồng Giáo Hội, cùng với như cầu chuyên biệt hóa vị trí của Đời Sống Thánh Hiến bên trong Giáo Hội đã góp phần vào việc nhân bội này (29). Đức Gioan Phaolô II, trong Huấn Quyền của ngài, đã nhấn mạnh cách riêng đến nguyên tắc đồng yếu tính (coessentiality) của các hồng ân này: “tôi thường có dịp nhấn mạnh rằng trong Giáo Hội, không hề có tranh chấp hay chống chọi giữa chiều kích định chế và chiều kích đặc sủng, mà các phong trào là một biểu thức quan trọng. Cả hai chiều kích này đều cùng một yếu tính với kết cấu thần linh của Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, vì cả hai cùng giúp làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô và công trình cứu rỗi của Người hiện diện trên thế giới” (30). Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ngoài việc xác nhận tính đồng yếu tính của các hồng ân ra, còn thâm hậu hóa lời xác quyết của vị tiền nhiệm, khi nhắc nhớ rằng “trong Giáo Hội, các định chế có tính yếu tính cũng đều có tính đặc sủng và quả thực, các đặc sủng, cách này hay cách khác, đều phải được định chế hóa để có được sự gắn bó và liên tục. Do đó, cả hai chiều kích đều bắt nguồn từ cùng một Chúa Thánh Thần vì cùng một Nhiệm Thể Chúa Kitô, và cùng đồng tình làm cho mầu nhiệm và công trình cứu rỗi của Chúa Kitô hiện diện trên thế giới” (31). Như thế, các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng có liên hệ hỗ tương ngay từ nguồn gốc. Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc ta nhớ tới “sự hòa hợp” mà Chúa Thánh Thần đã tạo ra giữa các hồng ân đa dạng và đã kêu gọi các hiệp hội đặc sủng cởi mở đối với việc truyền giáo, vâng lời cần thiết đối với các mục tử, và duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội (32), vì “chính trong cộng đồng, các hồng ân mà Chúa Cha dư tràn ban cho chúng ta mới nở rộ và phát triển; và chính giữa lòng cộng đồng, người ta học được cách nhận ra chúng như dấu chỉ tình yêu của Người dành cho mọi con cái của Người” (33). Do đó, để tóm tắt, ta có thể nhận ra sự đồng thuận trong Huấn Quyền gần đây đối với tính đồng yếu tính giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng. Sự chống đối giữa chúng, và cả việc đặt chúng bên cạnh nhau là triệu chứng của một sai lầm hay của việc hiểu không đủ về hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
III. Nền tảng thần học của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng
Các chân trời Ba Ngôi và Kitô học của các hồng ân Chúa Thánh Thần
11. Muốn nắm được các lý do sâu xa của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng, ta nên nhớ tới nền tảng thần học của chúng. Thực vậy, việc cần thiết phải vượt qua kiểu đặt các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng ở thế chống chọi nhau vô ích hay bên cạnh nhau nhưng ngoại tại nhau là một đòi hỏi của chính nhiệm cục cứu rỗi, một nhiệm cục luôn bao hàm mối tương quan nội tại giữa các sứ mệnh của Ngôi Lời và các sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Thực thế, mọi hồng ân của Chúa Cha đều hàm nghĩa phải quy chiếu vào các hành động hỗn hợp và dị biệt hóa của sứ mệnh Thiên Chúa: mọi hồng ân đều phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Hồng ân Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội có liên quan chặt chẽ với sứ mệnh của Chúa Con, được dứt khoát chu toàn trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Chính Chúa Giêsu đã nối kết việc Người chu toàn sứ mệnh của Người với việc sai Chúa Thánh Thần xuống cộng đồng tín hữu (34). Qua việc sai xuống này, Chúa Thánh Thần không thể khai diễn một nhiệm cục nào khác hơn nhiệm cục Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, chịu đónh đinh và sống lại (35). Quả thực, toàn bộ nhiệm cục bí tích của Giáo Hội đều là sự thể hiện thần khí của Nhập Thể: bởi thế, Chúa Thánh Thần đã được Thánh Truyền coi là linh hồn của Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hành động của Thiên Chúa trong lịch sử luôn bao hàm mối tương quan giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần, những Đấng vốn được gọi là “hai bàn tay của Chúa Cha” theo kiểu nói khêu gợi của Thánh Irênê thành Lyon (36). Theo nghĩa này, mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần không thể không ở trong mối tương quan với Ngôi Lời thành xác phàm (37).
Dây nối kết từ nguồn gốc giữa các hồng ân phẩm trật, được ban bố bằng ơn bí tích truyền chức, và các hồng ân đặc sủng, được Chúa Thánh Thần ban phát tự do, do đó, có các gốc rễ hết sức sâu xa trong mối tương quan giữa Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần, Đấng luôn là Thần Khí của Chúa Cha và của Chúa Con. Chính vì để tránh các viễn kiến thần học mập mờ vốn chủ trương một “Giáo Hội của Thần Khí”, phân biệt và tách biệt hẳn với Giáo Hội phẩm trật-định chế, ta cần phải nhắc lại điều này: hai sứ mệnh thần thánh bao hàm lẫn nhau trong mọi hồng ân được ban cho Giáo Hội cách tự do. Thực thế, sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô vốn bao hàm hành động của Chúa Thánh Thần ngay trong chính nó. Trong thông điệp của ngài về Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantem, Đức Gioan Phaolô II đã cho thấy tầm quan trọng dứt khoát của hành động Chúa Thánh Thần trong sứ mệnh Chúa Con (38). Đức Bênêđíctô XVI thâm hậu hóa tầm nhìn thông xuốt này trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis của ngài; ngài nhắc nhở rằng Đấng Phù Trợ, Đấng “vốn làm việc ngay trong Sáng Thế (xem St 1:2), đã hiện diện suốt trong đời sống của Ngôi Lời nhập thể”. Chúa Giêsu Kitô “được Trinh Nữ Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (xem Mt 1:18; Lc 1:35); ở bờ sông Gióc Đăng, ngay từ ngày khởi đầu sứ mệnh công khai của Người, Chúa Giêsu đã thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (xem Mt 3:16 và những câu song hành); Người hành động, nói năng và hân hoan trong Chúa Thánh Thần (xem Lc 10:21), và Người có thể hiến dâng mình trong Chúa Thánh Thần (xem Dt 9:14). Trong điều gọi là “diễn văn từ biệt” được Thánh Gioan tường thuật, Chúa Giêsu đã rõ ràng liên kết việc hiến mạng sống Người trong Mầu Nhiệm Vượt Qua với hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho những kẻ thuộc về Người (xem Ga 16:7). Khi đã sống lại, còn mang trên da thịt các dấu tích của cuộc thống khổ, Người đã có thể tuôn ban Chúa Thánh Thần trên họ (xem Ga 20:22), biến họ thành những người tham dự vào chính sứ mệnh riêng của Người (xem Ga 20:21). Rồi, Chúa Thánh Thần dạy các môn đệ mọi điều và giúp họ nhớ lại mọi điều Chúa Kitô đã nói (xem Ga 14:26), vì cũng như Thần Khí sự thật (xem Ga 15:26), Người có nhiệm vụ dẫn đưa các tông đồ vào mọi sự thật (xem Ga 16:13). Trong trình thuật Công Vụ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ đang tụ họp để cầu nguyện với Đức Maria vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (xem 2:1-4) và thúc đẩy họ đảm nhận sứ mệnh công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc (39).
Hành động của Chúa Thánh Thần trong các hồng ân phẩm trật và đặc sủng
12. Nhấn mạnh tới chân trời Ba Ngôi và Kitô học của các hồng ân Thiên Chúa cũng soi sáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng. Thực vậy, mối tương quan đối với các hành động cứu độ của Chúa Kitô, như việc thiết lập Phép Thánh Thể (xem Lc 22:19 tt; 1Cr 11:25), quyền tha tội (xem Ga 20:22tt), lệnh truyền cho các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng và làm phép rửa (Mc 16:15tt; Mt 28:18-20), đã xuất hiện đầu tiên trong các hồng ân phẩm trật vì chúng vốn thuộc bí tích Truyền Chức Thánh. Cũng hiển nhiên không kém là không một bí tích nào có thể được thông ban mà lại không có hành động của Chúa Thánh Thần (40). Mặt khác, các hồng ân đặc sủng, do Chúa Thánh Thần tự do ban phát, “Đấng muốn thổi đâu tùy ý Người” (Ga 3:8) và phân phát các hồng ân của Người “theo cách Người muốn” (1Cr 12:11), về phương diện khách quan đều có tương quan với sự sống mới trong Chúa Kitô, vì các Kitô hữu “về phần mình” (1Cr 12:27) đều là các chi thể của Nhiệm Thể Người. Do đó, việc thấu hiểu thích đáng các hồng ân đặc sủng chỉ có thể có nếu biết qui chiếu vào sự hiện diện của Chúa Kitô và việc phục vụ Người; như Đức Gioan Phaolô II từng quả quyết, “các đặc sủng đích thực không thể không hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong các bí tích” (41). Do đó, các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng rõ ràng hợp nhất khi qui chiếu vào mối tương quan nội tại giữa Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần. Đấng Phù Trợ vừa là Đấng, qua các bí tích, phân phát một cách hữu hiệu ơn cứu rỗi do Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, đem tới, vừa là Đấng ban phát các đặc sủng.
Trong các phụng vụ Phục Sinh của Kitô Giáo, nhất là trong truyền thống Syria, vai trò của Chúa Thánh Thần, được mô tả bằng hình ảnh lưỡi lửa, góp phần làm cho kinh nghiệm này trở thành hiển nhiên tỏ tường. Thực thế, Thánh Ephrem, người Syria, nhà thần học và là thi sĩ vĩ đại, từng nói rằng “Lửa cảm thương hiện xuống / và mang lấy hình thức bánh ăn” (42), cho thấy không những hành động của Chúa Thánh Thần có liên hệ với việc biến đổi các hồng ân mà còn liên hệ với các tín hữu ăn bánh Thánh Thể nữa. Quan điểm Đông Phương, với sự hữu hiệu của ảnh tượng, giúp ta hiểu Chúa Kitô đã ban Chúa Thánh Thần cho ta cách nào khi lôi kéo ta tới gần Thánh Thể. Như thế, cũng một Chúa Thánh Thần, bằng các hành động của Người nơi các tín hữu, đã nuôi dưỡng họ bằng chính sự sống của Chúa Kitô, dẫn họ một lần nữa tới đời sống bí tích sâu sắc hơn, nhất là trong Phép Thánh Thể. Với cung cách này, hành động tự do của Chúa Thánh Thần trong lịch sử vươn tới các tín hữu bằng hồng ân cứu rỗi và cùng một lúc sinh động hóa họ để họ biết đáp ứng một cách tự do và trọn vẹn bằng việc cam kết đời họ.
Kỳ sau: IV Mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội
______________________________
[1] Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 4.
[2] Thánh Gioan Chrysostom, Homilia de Pentecoste, II, 1: PG 50, 464.
[3] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tah1ng 11, 2013), 49: AAS 105 (2013), 1040.
[4] Xem đã dẫn, 20-24: AAS 105 (2013), 1028-1029.
[5] Xem đã dẫn, 14: AAS 105 (2013), 1025.
[6] Đã dẫn, 25: AAS 105 (2013), 1030.
[7] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 19.
[8] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 14: AAS 105 (2013), 1026; Xem Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ năm hàng giám mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbean tại “La Aparecida” (13 tháng 5 2007): AAS 99 (2007), 43.
[9] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn cho những người thuộc Các Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Đồng mới ngày vọng Lễ Hiện Xuống (30 tháng 5, 1998), 7: Insegnamenti 21/1 (1998), 1123.
[10] Đã dẫn, 6: Insegnamenti 21/1 (1998), 1122.
[11] Đã dẫn., 8: Insegnamenti 21/1 (1998), 1124.
[12] “Có những loại đặc sủng đặc thù (charismata) khác nhau” (Rm 12:6); “mỗi người chúng ta đều có đặc sủng riêng do Chúa ban, người thì đặc sủng này, người thì đặc sủng kia” (1 Cr 7:7).
[13] Trong tiếng Hy Lạp, hai từ (chárisma and cháris) có chung một gốc.
[14] Xem. Origen, De principiis, I, 3, 7: PG 11, 153: “điều được gọi là hồng ân Chúa Thánh Thần đã được chuyển giao qua công trình Chúa Con và được tạo ra bời công trình Chúa Cha”
[15] Thánh Basilêô thành Caesarea, Regulae fusius Tractae, 7, 2: PG 31, 933-934.
[16] “Ai nói tiếng lạ tự xây dựng chính mình, nhưng ai nói tiên tri thì xây dựng Giáo Hội” (1 Cr 14:4). Thánh Tông Đồ không bác bỏ ơn nói tiếng lạ (glossolalia), một đặc sủng cầu nguyện hữu ích cho mối tương quan bản thân với Thiên Chúa, và ngài thừa nhận nó là một đặc sủng chân chính, dù không trực tiếp có ích lợi cộng đồng: “tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi đã nói tiếng lạ hơn bất cứ ai trong anh em, nhưng trong Giáo Hội, tôi chẳng thà nói năm chữ bằng đầu óc mình, để có thể huấn giáo cả người khác nữa, hơn là nói mười ngàn chữ tiếng lạ” (1 Cor 14:18-19).
[17] Xem 1 Cor 12:28: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ”
[18] Trong các tụ họp cộng đồng, việc có quá dư các biểu hiện đặc sủng có thể tạo ra khó khăn, tạo ra bầu khí tranh chấp, mất trật tự và hỗn độn. Những Kitô hữu ít hồng ân hơn có nguy cơ rơi vào mặc cảm tự ti (xem 1Cr 12:15-16); trong khi ấy, những người có nhiều đặc sủng dễ bị cám dỗ có những dáng bộ tự cao tự đại (xem 1 Cr 12:21).
[19] Nếu trong cộng đoàn, không tìm thấy ai có khả năng giải thích các từ ngữ lạ lùng của người nói tiếng lạ, thì Thánh Phaolô dạy những người nói tiếng lạ nên giữ im lặng. Nếu có người biết giải thích, Thánh Phaolô cho phép hai, hay nhiều nhất ba người nói tiếng lạ (xem 1Cr 14:27-28).
[20] Thánh Phaolô không chấp nhận ý niệm linh hứng tiên tri không kiềm chế; thay vào đó, ngài quả quyết rằng “Ngôn sứ thì làm chủ những cảm hứng tiên tri của mình, bởi vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1 Cr 14:32-33). Ngài quả quyết rằng “Nếu ai tưởng mình là ngôn sứ hoặc được Thần Khí linh hứng, thì hãy nhìn nhận rằng các điều tôi viết đây là mệnh lệnh của Chúa. Ai không nhận biết điều ấy, thì cũng không được Chúa biết đến” (1Cr 14:37-39). Tuy nhiên, ngài kết luận một cách tích cực khi mời gọi họ hãy khao khát ơn nói tiên tri và đừng ngăn cấm nói các tiếng lạ (xem 1 Cr 14:39).
[21] Đức Piô XII, Thông Điệp Mystici Corporis (29 tháng 6, 1943): AAS 35 (1943), 206-230.
[22] Xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4, 7, 11, 12, 25, 30, 50; Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 8; Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 3, 4, 30; Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis 4, 9.
[23] Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4.
[24] Đã dẫn, 12.
[25] Xem Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 3: “Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích, cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (xem 1Cr 12:7), ‘phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài’ (1Cr 12:11) để mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau và chính họ trở nên như ‘những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa’ (1Pr 4:10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (xem Ep 4:16)”
[26] Đã dẫn.
[27] Xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12: “Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21)”. Dù câu này nói cận kề tới việc biện phân các hồng ân ngoại thường, nhưng do loại suy, điều nói ở đây cũng áp dụng chung cho mọi đặc sủng.
[28] Thí dụ xem Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi (8 tháng 12, 1975), 58: AAS 68 (1976), 46-49; Thánh Bộ Các Viện Tu Dòng và Tu Triều – Thánh Bộ Giám Mục, Chỉ Thị Mutuae relationis (14 tháng 5, 1978), AAS 70 (1978), 473-506; Đức Gioan Phaolô II, Tông HuấnChristifideles Laici (30 tháng 12, 1988): AAS 81 (1989), 393-521; Tông Huấn Vita Consecrata (25 tháng 3, 1996): AAS 88 (1996), 377-486.
[29] Lời quả quyết của văn kiện liên bộ nói trên tức Mutuae relationes khá điển hình. Trong đoạn 34, văn kiện này nhấn mạnh: “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi biến hai thực tại: đời sống tu dòng và cơ cấu Giáo Hội, độc lập với nhau, hay đặt chúng đối nghịch nhau như thể chúng hiện tồn như hao thực thể xa lạ, một có tính đặc sủng, một có tính định chế. Cả hai yêu tố, tức các hồng ân thiêng liêng và cơ cấu Giáo Hội tạo nên một thực tại duy nhất, dcho dù phức tạp”.
[30] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi các tham dự viên Hội Nghị Thế Giới các Phong Trào Giáo Hội được Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân cổ vũ (27 tháng 5, 1998), 5: Insegnamenti 21/1 (1998), 1065; Cũng nên xem Đã Dẫn, Các Phong Trào Giáo Hội tụ họp dự hội nghị chuyên đề quốc tế (2 tháng 3, 1987): Insegnamenti 10/1 (1987), 476-479.
[31] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn trước các tham dự viên về hành hương được huynh đoàn Hiệp Thông và Giải Phóng cổ vũ (24 tháng 3, 2007): Insegnamenti 3/1 (2007), 558.
[32] “Hành trình với nhau trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các mục tử Giáo Hội có đặc sủng và thừa tác vụ đặc biệt, là dấu chỉ hành động của Chúa Thánh Thần. Có một cảm thức về Giáo Hội là một điều nền tảng đối với mọi Kitô hữu, mọi cộng đồng và mọi phong trào”: Đức Phanxicô, Bài giảng trong Lễ Trọng Hiện Xuống (19 tháng 5, 2013): Insegnamenti 1 (2013), 208.
[33] Đức Phanxicô, Bài Giao Lý (1 tháng 10, 2014): L’Osservatore Romano (2 tháng 10, 2014), 8.
[34] Xem Ga 7:39; 14:26; 15:26; 20:22.
[35] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus Iesus (6 tháng 8, 2000), 9-12: AAS 92 (2000), 749-754.
[36] Thánh Irênê thành Lyon, Adversus haereses, IV, 7, 4: PG 7, 992-993; V, 1, 3: PG 7, 1123; V, 6, 1: PG 7, 1137; V, 28, 4: PG 7, 1200.
[37] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus Iesus, 12: AAS 92 (2000), 752-754.
[38] Xem Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem (18 tháng 5, 1986), 50: AAS 78 (1986), 896-870; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 727-730
[39] Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Sacramentum Caritatis (22 tháng 2, 2007), 12: AAS 99 (2007), 114.
[40] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1104-1107.
[41] Đức Gioan Phaolô II, Diễn Văn với những người thuộc các phong trào Giáo Hội và các cộng đồng mới ngày Vọng Lễ Hiện Xuống (30 tháng 5, 1998), 7: Insegnamenti 21/1 (1998) 1123.
[42] Thánh Ephrem người Syria, Các Thánh Ca về đức tin, 10, 12: CSCO 154, 50.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét