Trang

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Đức Phanxicô, một giáo hoàng Dòng Tên

Đức Phanxicô, một giáo hoàng Dòng Tên

Bài nói chuyện ở Trường Trung học Jean-de-Brébeuf, ngày 12 tháng 2-2016
Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử, có gì là tiêu biểu của “Dòng Tên” nơi Đức Phanxicô? Làm thế nào linh đạo và tầm nhìn của ngài lại cảm hứng từ Thánh I-Nhã? Làm thế nào cách quản trị và lãnh đạo của ngài lại dựa trên truyền thống lớn của Dòng Tên? Đâu là gốc rễ của lời nói và hành động của Đức Phanxicô, những lời nói và hành động đã chinh phục được tâm hồn và trí óc của người lớn cũng như người nhỏ, để ngài trở thành một nhân vật truyền thông, một uy quyền đạo đức cho hoàn vũ? Buổi nói chuyện này cố gắng tìm các khía cạnh ẩn giấu của con người ngoại hạng đang làm đảo lộn hình ảnh và các cơ cấu của Giáo hội công giáo, đang là một trong những nhân vật đáng kể của đầu thế kỷ 21 này.
Jesuit Pope Francis
LỜI NÓI ĐẦU
Câu chuyện đưa chúng ta về một một buổi chiều cách đây ba năm, 11 tháng 2-2013. Ngày hôm đó một cú sấm sét nổ trên bầu trời hoàn vũ: Đức Bênêđictô XVI loan báo mình từ nhiệm. Người ta chưa từng biết một việc như vậy trong Giáo hội công giáo, kể từ đời Giáo hoàng Célestin V… vào năm 1294!
Vài ngày sau, tôi cùng với một cô bạn ngồi trong quán cà-phê ở khu vực nhà tôi, cô dạy môn xã hội học tôn giáo ở Đại học Québec tại Montréal. Cô đột ngột hỏi tôi: “Nếu anh có thể phác họa chân dung của giáo hoàng tương lai, đức tính nào hay khả năng nào anh mong muốn ngài có trước tiên?” Tôi do dự một lúc. Tôi suy nghĩ. Rồi tôi trả lời: “Ngài có thể tự xếp được tấm khăn trải giường loại có giây thun viền chung quanh của mình!”
Thực chất qua lời nói đùa này, tôi để lộ hy vọng của mình, rằng giáo hoàng tương lai là người đơn sơ, khiêm tốn, thực tế, biết ý nghĩa của điều cụ thể, của những chuyện thực dụng trong đời sống hàng ngày của người dân. Với việc bầu chọn Đức Phanxicô, tôi nghĩ ước mong của tôi đã đạt!
DẪN NHẬP
Nhưng tôi xin tạm ngưng phần lời nói đầu! Tiến trình mà chúng ta sắp bàn đến chiều hôm nay sẽ chia làm ba giai đoạn.
Trong phần đầu, tôi sẽ nói đến thời cơ lịch sử trong Giáo hội đã cho phép, hoặc làm thuận lợi cho việc đăng quang một giáo hoàng như Giáo hoàng Phanxicô. Tôi nghĩ việc xem lại chỗ ngoặt này là điều cần thiết để hiểu nhân vật và đặc tính Dòng Tên của ngài.
Trong phần thứ nhì, tôi sẽ nói đến thế nào mà linh đạo của Thánh I-Nhã, người sáng lập Dòng Tên, đã là động lực nền tảng cho lời và hành động của Đức Phanxicô.
Trong phần thứ ba, tôi sẽ triển khai vài điểm chính xác, đặc nét riêng của Dòng Tên đã phản ảnh rõ rệt nơi tầm nhìn mục vụ của Đức Phanxicô, và trong cách ngài quản trị Giáo hội. Tôi sẽ trích lời ngài nói qua một vài câu trích đặc biệt đáng kể của ngài.
PHẦN ĐẦU
Bước ngoặc của cơn khủng hoảng
Để bắt đầu, tôi xin nhắc lại ở đây bối cảnh đặc biệt của thời gian đầu năm 2013. Phải công nhận điều này: cách đây ba năm, Giáo hội như đang bị sóng cuốn, dưới sự quản trị của một giáo hoàng mệt mỏi vì tuổi tác, bị đè nặng vì công việc nặng nề và bị vượt quá bởi các sự kiện. Một chuỗi tai tiếng liên tục, cọng thêm với sự mất tổ chức thấy rõ trong bộ máy quản trị Vatican bị bùng nổ ra, không còn giấu ai.
Như thế giai đoạn chuẩn bị tiền mật nghị để bầu tân giáo hoàng là giai đoạn mọi mong chờ. Tôi còn nhớ, các ký giả khi phân tích các cơn khủng hoảng đã gặm mòn triều Đức Bênêđictô XVI, họ đồng ý thảo ra chân dung giáo hoàng tương lai: theo họ nói, người này phải là nhà quản trị, nhà cải cách và nhà truyền thông..
Dĩ nhiên hai ngày 12 và 13 tháng 3-2013, các hồng y khi họp nhau ở mật nghị để tìm người kế vị Đức Bênêđictô XVI, chắc chắn họ đã có trong đầu ba đức tính này. Nhưng, tôi nghĩ họ còn tìm một cái gì khác, hoặc còn hơn nữa…
Đúng ra, một số đông hồng y muốn:
  • Trước hết, một người từ bên ngoài không muốn danh lợi, người đó không ở trong hàng ngũ quan chức “phe phái Ý” đã kiểm soát bộ máy quản trị, mà những năm gần đây việc quản trị này cho thấy, hoàn toàn là một tai ương.
  • Rồi, họ muốn có một đường hướng thiêng liêng với khuôn mặt khiêm tốn, có thể mang lại uy tín phúc âm cho Giáo hội, một Giáo hội bị hoen ố sâu đậm và bị xói mòn vì một loạt tai tiếng và khủng hoảng tai hại.
  • Cuối cùng, các hồng y tìm một người phóng khoáng và dứt khoát, dám “kỳ cọ rửa các chuồng của Augias” và bây giờ là giáo triều Rôma và các cơ cấu của Giáo hội hoàn vũ.
Tại sao, vào Mùa Chay năm 2013, các hồng y tụ họp dưới các bức tranh của danh họa Michel-Ange ở Nhà nguyện Sixtine lại nhanh chóng chọn một người mờ nhạt, mà dưới mắt nhiều người là hồng y Argentina Jorge Mario Bergoglio “bên lề”? Đó là điều chúng ta sắp xem đến bây giờ.
Trước hết, phải biết, khi bầu chọn người kế vị Đức Gioan-Phaolô II, Hồng y địa phận Buenos Aires được xem như một hồng y có tiềm năng. Điều này các bình luận gia uy tín đều xác nhận.
Cũng không phải là vô ích để chúng ta nhắc lại ở đây, tình trạng tinh thần của Giáo hội công giáo khi Đức Giáo hoàng Ba Lan qua đời. Triều giáo hoàng của ngài kéo dài hơn một phần tư thế kỷ. Ngài là giáo hoàng đầu tiên của “khối-truyền thông” của lịch sử. Đối với mọi thế hệ, kể cả thế hệ của tôi (lúc ngài qua đời, tôi 33 tuổi), thì thật sự chưa bao giờ có các giáo hoàng khác nào như ngài! Ai có thể cho mình kế vị được với một nhân vật như vậy! Phảng phất trên mật nghị 2005 là một bầu khí rối loạn sâu đậm… Vì các hồng y không có việc gì khác hơn là kiếm người thay thế một “tượng đài lịch sử”!
Vậy mà năm 2005, Jorge Mario Bergoglio, một hồng y rất gắn bó với dân tộc mình; người không thích nghi thức La Mã; một nhân vật dị ứng với các mưu mô Vatican; thêm nữa lại là một giám mục gần 70 tuổi. Thay thế một “tượng đài lịch sử”? Rất ít khả năng đối với ngài!
Bergoglio không có một ham muốn nào thấy mình bị gán vào chức vụ nguy hiểm này! Và ngài đã làm – gần như vậy – thu xếp để hướng mọi lá phiếu về hồng y Joseph Ratzinger, để hồng y Ratzinger có một số phiếu quan trọng khi bắt đầu họp mật nghị. Từ đó, hồng y người Đức ứng viên được nhiều người nhất trí giao cho chức vụ này, một chức vụ gần như không thể làm được, kế nhiệm Đức Gioan-Phaolô II.
Sau này, khi nêu lại việc bầu chọn của mình, Đức Bênêđictô XVI đã dùng hình ảnh của chiếc máy chém giáng lên mình lúc đó. Chính ẩn dụ tự nói lên!
Đức Joseph Ratzinger bị ở trong vai trò bạc bẽo, vai trò của người không thể so với người “siêu đặc sủng” tiền nhiệm của mình. Nhưng nhất là -, chúng ta đừng quên – vai trò của một người phải nhặt các mảnh vỡ mà trong những năm cuối triều giáo hoàng, vì bệnh, và do sự việc này, đã làm cho cả Tòa Thánh rơi vào trong tình trạng trơ ì và trong một thời gian dài của các việc mặc cả của giai đoạn cuối triều giáo hoàng của ngài.
Vì thế mùa xuân 2005, sau khi bầu chọn xong Đức Bênêđictô XVI, hồng y Bergoglio bình tâm đi về nhà Argentina của mình, tiếp tục công việc mục vụ “tại chỗ”. Ngài thoát nạn! Và cũng vì số tuổi của mình, ngài có thể chẳng còn sợ gì. Nhưng lịch sử sẽ liệu định một cách khác…
Những gì tôi muốn các bạn nắm vững ở đây, qua việc xem lại bối cảnh lịch sử, là hình ảnh của một Phanxicô mà chúng ta biết ngày hôm nay, sẽ chẳng có thể là hình ảnh này, nếu Bergoglio được bầu chọn thế chỗ Ratzinger vào năm 2005. Lịch sử có những lý lẽ đúng của nó. Hoặc, dùng theo ngôn ngữ của kitô giáo: Chúa Quan phòng biết việc mình làm!
Vậy phải cần “triều giáo hoàng chuyển tiếp” này, được Đức Bênêđictô XVI đảm nhận một cách can đảm, phải công nhận điều này, và hành vi từ nhiệm có tính cách mạng của ngài, để Giáo hội được chín chắn đón thời của một Phanxicô. Dấu ấn của một Gioan-Phaolô II sẽ có thể đè bẹp và làm tê liệt bất cứ ai kế nhiệm mình ngay lập tức, kể cả một Bergoglio.
Mật nghị 2013
Nhưng tháng ba 2013, sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, cơ hội lúc đó lại hoàn toàn khác. Các hồng y đến Rôma để tham dự cái gọi là các “Hội nghị chung”.
Các hội nghị là này là một chuỗi hội họp kín để chuẩn bị, để lắng nghe, trao đổi, học để biết nhau và nhận “chỉ thị” về tình trạng của Giáo hội. Các cuộc gặp này thường diễn ra trước vài ngày buổi long trọng vào mật nghị, nơi các hồng y sẽ chọn tân giám mục Rôma. Và vài ngày sau tang lễ cố giáo hoàng. Nhưng năm 2013 thì không có tang lễ, vì không có ai chết… Như thế các hồng y đi họp một chuỗi các buổi họp chuẩn bị này trong một bầu khí hoàn toàn chưa từng có.
Qua hành vi chưa từng có của mình, nhiều người tin chắc Đức Bênêđictô XVI vừa cho Giáo hội một cơ hộiđược tự do và dám lấy quyết định. Giáo hội La Mã cổ xưa, với một giáo hoàng danh dự mà từ nhiều năm nay là hình ảnh của một hệ thống bảo thủ, đã  làm toàn cầu ngạc nhiên! Giáo hội mà có người cho là u sầu ảo não chứng tỏ cho thế giới thấy mình có khả năng bật lên lại.
Ở đây Bergoglio không lầm! Ngài hiểu đây là giây phút lịch sử. Như một người đã nung nấu một xác tín sâu đậm mà họ giữ trong lòng mình từ lâu và bây giờ có một tác động nội tâm không cưỡng được thúc họ phải diễn tả ra, không còn kềm lại được.
Trước các bạn hồng y của mình trong các Buổi họp chung, ngài lên tiếng. Và thành ngữ người ta dùng ở đây là “ngài gây tranh luận”. Ngài khẳng định, tôi xin ghi lại ở đây, vì sau mật nghị, bài tham luận này đã được công bố: «Giáo hội đã được gọi để đi ra khỏi chính mình và đi đến các vùng ngoại vi, ngoại vi địa chính trị nhưng cũng là ngoại vi hiện sinh: nơi có tất cả mọi khốn cùng.”
Các bạn ghi nhận, các bạn sẽ thấy ở đây và trong phần tiếp theo các chủ đề chính triều giáo hoàng của ngài mà từ ba năm nay ngài thường xuyên gằn mạnh, và tôi sẽ giải thích sau này, đó là những gì tiêu biểu của Dòng Tên.
Hồng y Argentina nói tiếp: “Khi Giáo hội không đi ra ngoài để rao giảng Phúc Âm thì nó sẽ trở nên tự quy và bị bệnh. Các bệnh mà, qua thời gian, đập mạnh trên các cơ chế giáo quyền thường là bệnh tự quy và một loại tự ái kỷ về mặt thần học.
Rồi, ngài đi đến một hình ảnh rất mạnh này: “Trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu nói Ngài bên cánh cửa, Ngài gõ cửa… Dĩ nhiên, bản văn làm chúng ta nghĩ Chúa ở bên ngoài và muốn gõ cửa để đi vào… Nhưng tôi nghĩ, cũng có những lúc Chúa Giêsu gõ từ bên trong để chúng ta mở cho Ngài đi ra…”
Và rồi, hồng y Bergoglio kết luận như sau: “Giáo hội tự quy nghĩ rằng giữ Chúa Kitô ở bên trong mình và không để cho Ngài đi ra… Đó là một bệnh rất nặng mà chúng ta biết bệnh này dưới tên “thời thượng thiêng liêng”… Giáo hội thời thượng sống co vào chính mình và cho chính mình…”
Các hồng y thường quen với các câu nói bóng bảy, các hình thức văn hoa hơn, họ bị sốc… Bergoglio không có lời lẽ cầu kỳ xa sự thật! Ngài dám liều. Không phải, tôi tin điều này một cách sâu đậm, là ngài âm thầm mong muốn chức giáo hoàng. Ngài biết mình không ở hàng đầu của danh sách ngắn ngủi những người có thể làm giáo hoàng. Ngài đã mua vé khứ hồi để về Argentina.
Không! Nếu ngài nói những gì tự đáy lòng mình là do Ngài cảm thấy mình tự do. Ngài đã 76 tuổi. Ngày ngài 75 tuổi, như luật định, ngài đã đệ đơn từ nhiệm lên Đức Giáo hoàng. Ngài chỉ còn chờ đơn được chấp nhận để về hưu. Với tất cả thực tế trước mặt, ngài biết đây là mật nghị cuối cùng mình tham dự. Như thế, ngài chẳng có gì để mất.
Nhưng sự tự do này, tầm nhìn độc đáo này đã tạo ấn tượng nơi một số bạn hồng y của ngài. Nhất là trong bối cảnh của ngọn gió tươi mát thổi vào mật nghị qua sự từ nhiệm một cách ngoạn mục của Đức Bênêđictô XVI.
Rất nhiều hồng y không phải là họ không nhớ lần mật nghị năm 2005, Bergoglio đã được ở “chung thùng phiếu” với Ratzinger. Một vài người còn nghĩ ngài là người của tình thế này. Vì thế, vào đúng 19h06, giờ Rôma, ngày 13 tháng 3 năm 2013, khói trắng bốc lên ở ống khói Nhà nguyện Sixtine. Và lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Dòng Tên, một tu sĩ Dòng Tên, một người con của thánh I-Nhã được bầu làm người thứ 265 kế vị thánh Phêrô.
Và chính nơi đây đã xảy ra một cái gì nơi Jorge Mario Bergoglio, cái gì đó mang một ý nghĩa sâu đậm đặc nét Dòng Tên.
PHẦN THỨ HAI
Các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã
Khi đi vào phần thứ nhì bài trình bày này, tôi cố gắng đi một vòng tìm hiểu đâu là động lực và các nội lực sâu đậm đã làm cho Đức Phanxicô thành một «giáo hoàng Dòng Tên», tôi cần phải nêu ra linh đạo Dòng Tên với các bạn, dù là ít. Đặc biệt điểm trọng tâm mà Thánh I-Nhã, nhà sáng lập Dòng Tên gọi là «chọn lựa».
Trước hết, chúng ta phải ở trong không gian và thời gian của thời đó. Thánh I-Nhã sinh ở Tây Ban Nha năm 1491 trong một gia đình quý tộc, ngài có cuộc sống thời thượng và tinh thần hiệp sĩ cho đến khi ngài bị thương vì chiến tranh năm 1521, khi ngài ngoài ba mươi và ngài nằm liệt giường. Chính trong thời gian dưỡng bệnh mà ngài có bước ngoặc nội tâm: một sự hoán cải đích thực về cái nhìn, về ước muốn, về lý trí và về ý chí của mình.
Sau đó ngài đi hành hương trên các con đường Âu châu cho đến Giêrusalem, cuối cùng ngài là sinh viên thần học ở Paris năm 1528. Và tại Montmartre, các bạn tụ lại chung quanh ngài, đặc sủng và cá tính mạnh của ngài đã lôi cuốn họ. Nhóm bảy người bạn thành lập hạt nhân đầu tiên mà năm 1540 sẽ là Dòng Tên, Đồng hữu của Chúa Giêsu.
Trong suốt thời gian đi liên miên (vừa nội tâm vừa địa lý), cũng như trong suốt thời gian đi học và trong kinh nghiệm sống với các đồng hữu, Thánh I-Nhã đã chín dần dần trong lòng cái mà sau này trở thành «bí mật của Dòng Tên»: các Bài tập Linh thao.
«Bí mật» được giữ cẩn thận, ngài không nói gì để cuối cùng ngài ghi lại trong một quyển sách nhỏ. Quyển sách trong đó, khi đọc lại tiến trình cá nhân mình, Thánh I-Nhã đã đặt ra những cơ cấu thần học và nhân chủng học của kinh nghiệm thiêng liêng.
Như thế, quyển sách Bài tập Linh thao đề nghị một «cách tiến hành» để sắp đặt thứ trật đời mình, khám phá trong tất cả mọi sự «Đấng tạo dựng đã dẫn dắt tạo vật của mình như thế nào», quyết định luôn hoàn thiện tốt hơn ơn gọi riêng của mình và, cuối cùng không ngừng nhận định ý Chúa và hành động tốt lành của Ngài trên thế giới.
Tất cả những sự này, trong bối cảnh của một cùng đích tối hậu, chúng ta có thể tóm tắt như sau: «Để cho vinh quang của Chúa được lớn hơn và để cứu thế giới». Hoặc, nói theo một cách tổng hợp hơn: «Để yêu thương một ngày một nhiều hơn». Tôi không thể nào đưa hết tất cả các chi tiết vào đây, và tôi cũng không phải là một chuyên gia. Nhưng nói một cách nhanh chóng, tiến trình các Bài tập Linh thao gồm bốn giai đoạn, hay bốn chuyển động mà Thánh I-Nhã gọi là «các tuần». Đúng ra theo công thức cổ điển, các Bài tập Linh thao ở trong khuôn khổ của một cuộc tĩnh tâm dài 30 ngày, chia ra bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn vào khoảng một tuần.
Tóm lại, chúng ta có thể nói, Tuần đầu là tuần dẫn đến việc nhận ra các giới hạn và huyền bí của sự dữ. Tuần thứ nhì là đọc Sách Thánh và các giai đoạn đáng kể trong cuộc đời Chúa Kitô. Tuần thứ ba là tuần nguyện ngắm Sự Thương Khó và Thập giá. Tuần thứ tư là tuần mở ra với huyền nhiệm Chúa Sống Lại.
Vậy, trọng tâm tiến trình này, vào cuối Tuần Thứ hai, Thánh I-Nhã đặt các nền tảng cho một kinh nghiệm mà ngài gọi là «chọn lựa». Trong linh đạo Dòng Tên hay còn gọi là linh đạo I-Nhã, «chọn lựa» là yếu tố trọng tâm.
Vì thế, mọi ứng viên muốn vào Dòng Tên, trước hết phải làm các Bài tập Linh thao để nhận định ơn gọi xác thực của mình – có nghĩa là «chọn lựa» hay «tiếng gọi bên trong của mình» để sống đời sống của một tu sĩ Dòng Tên. Nếu tiến trình này được hoàn tất, chủng sinh được nhận vào Dòng Tên. Sau đó, đương sự phải liên tục làm và đào sâu tiến trình này, hay còn gọi là phương pháp nhận định, để mỗi khi cần phải chọn lựa, dù lớn hay nhỏ, trong đời sống và trong các dấn thân của đương sự. Vậy, chọn lựa là «chọn ra»: là làm một chọn lựa. Và mọi đời sống con người đều đầy những chọn lựa phải làm, những quyết định phải lấy, các định hướng phải nhận định.
Nhận định: đây là yếu tố chính của linh đạo Dòng Tên. Chúng ta sẽ xem trở lại.
Nhưng, vượt ngoài mọi chọn lựa đặc biệt này hay chọn lựa mỗi ngày phải làm, linh đạo I-nhã đặt một nguyên lý và nền tảng: trước khi là nhân vật chính có trách nhiệm trên các chọn lựa của mình – và để mình là một con người đích thực -, trước hết con người phải nhận biết chính mình, tiên khởi, là «người được Chúa chọn» để là người như mình đang là. Có nghĩa là một tạo vật được đặt định để sống một quan hệ yêu thương và phục vụ Đấng Tạo dựng mình và người anh em mình.
Chính vì vậy, «chọn lựa», trước hết và trên hết là nhận biết ơn sủng Chúa, ơn sủng luôn đi trước tôi, chọn tôi và nâng đỡ tôi. Dù cho (và với) các giới hạn và các tội lỗi của tôi.
Vậy, chính xác trong sự nhận biết ơn sủng căn bản này, lòng thương xót tuyệt đối này, đã xây dựng và làm linh hoạt cuộc hiện sinh của tôi, nên tôi mới có thể dám được tự do; tìm được sức mạnh để khẳng định mình; và dám đáp trả cho các tiếng gọi để có thể bước qua hành động.
Người tu sĩ Dòng Tên, tin tưởng mình được nâng đỡ bởi một huyền nhiệm vượt quá mình, bởi một Tình yêu luôn luôn lớn hơn, đi trước mình, đồng hành với mình, như một sự quan phòng tốt lành không suy yếu, nên có thể «phiêu lưu đời mình» với lòng tin tưởng và phó thác. Thánh I-Nhã gọi tư thế này là «bình tâm», một hình thức tin tưởng, hy vọng và buông bỏ.
Tất cả những chuyện tôi vừa nói ở trên về Bài tập Linh thao và điểm trọng tâm của nó là «chọn lựa», đưa chúng ta về giây phút 19h06 (giờ La Mã), ngày 13 tháng 3-2013, chúng ta đừng quên thời điểm lịch sử này.
Vào giây phút chính xác này, hồng y-Tổng giám mục Buenos Aires được mật nghị bầu chọn làm giáo hoàng. Nhưng trong nội tâm – các bạn chắc chắn điểm này – linh mục Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio, chính ngài lúc này cũng làm lựa chọn theo nghĩa I-Nhã của chữ này.
Ngài nhận ra, tiếng gọi mà ngài nghĩ mình đã thoát vào năm 2005, thì nay tiếng gọi này đang trở lại. Như thế, ngài nhận thấy rõ ràng đây là ý Chúa được khẳng định lại. Bergoglio biết mình là ai; ngài biết mình có cái nhìn nào về thế giới và mình muốn Giáo hội như thế nào; và nhất là ngài cảm thấy mình bất xứng ở chức vụ này. Nhưng ngài tin một cách sâu đậm, vì ngài đã chứng nghiệm điều này trong suốt đời mình, rằng khi chọn chúng ta vào một chức vụ hay một sứ mệnh nào, Chúa cũng sẽ thổi cho chúng ta lòng thương xót và cũng cho chúng ta ân sủng cần thiết để chúng ta chấp nhận nó. Và vì thế, chúng ta mới có thể đáp trả với lòng tin tưởng và nhiệt thành.
Chính Bergoglio này, trọn vẹn và mang tinh thần I-Nhã sâu đậm sẽ trở thành Phanxicô như chúng ta đã thấy.
Trong bài phỏng vấn ngài dành cho giám đốc tạp chí Dòng Tên Văn Minh Công giáo (La Civiltà Cattolica) vào mùa hè 2013, Đức Phanxicô đã kể, khi được hỏi về việc ngài chấp nhận cuộc bầu chọn giáo hoàng của mình: «Tôi là kẻ có tội, nhưng vì lòng thương xót và kiên nhẫn vô bờ của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tôi tin tưởng và chấp nhận…»
Thêm nữa, câu khẩu hiệu giám mục của ngài mà ngài vẫn giữ khi lên làm giáo hoàng, được đọc như sau:Miserando atque eligendo. Câu này tiếng latinh, khó dịch ra tiếng Pháp. Chúng ta có thể hiểu như thế này: Khi tỏ lòng thương xót ra với ông, Ngài đã chọn ông. Câu này là câu liên hệ đến đoạn Phúc Âm Thánh Mathêu, mang ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời riêng của Bergoglio: «Chúa Giêsu thấy một người thâu thuế, Ngài nhìn ông và chạnh lòng thương, Ngài chọn ông, Ngài nói: đi theo Ta.»
Các bạn thấy, chúng ta đang ở đây, trong cái gọi là trọng tâm của linh đạo I-nhã: được chọn trong lòng thương xót và vì thế, chính xác là vì thế, mới có khả năng để mình được tự do đi theo tiếng gọi của Chúa Kitô.
Theo tôi, trọn cá tính, tầm nhìn, lời nói, hành vi, đặc sủng của Đức Phanxicô gắn sâu trong gốc rễ của nó trong kinh nghiệm chọn lựa này, một kinh nghiệm trước hết và trên hết là kinh nghiệm thần bí của lòng thương xót và ân sủng của Chúa cho mình.
Như thế chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Phanxicô nói liên tục về lòng thương xót. Ngài mời gọi cả Giáo hội, cả nhân loại có lời nói, có hành vi thực hiện lòng thương xót. Ngài đã ban tự sắc thiết lập Năm Thánh Lòng thương xót, Năm Thánh bắt đầu ngày 8 tháng 12-2015, và Đức Giáo hoàng muốn mang lại giá trị cho truyền thống xưa của tinh thần Kitô, thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối (xem Sứ điệp Mùa Chay năm  2016).
Là người con đích thực của Thánh I-Nhã, đối với Đức Phanxicô, nổi trội trên hết là ơn Chúa, là tình yêu nhưng không của Chúa, là lòng thương xót. Sau đó, tất cả những gì chúng ta làm, tất cả những gì chúng ta nói là đi theo đường hướng này.
Phải hiểu ở đây là một loại «tư thế» hiện sinh và thiêng liêng mà chúng ta nhận thấy như Thánh I-Nhã đã viết: «Tất cả mọi của cải và tất cả mọi ân sủng đều đến từ trên cao» (ES 237). Có nghĩa là đến với chúng ta từ nơi khác, một cách nhưng không, và vượt quá chúng ta… Vậy, chúng ta đón nhận các của cải này và phải cho nó lại cho người khác. Sứ mệnh duy nhất của chúng ta, bổn phận đầu tiên của chúng ta, là làm luân chuyển các ơn đã nhận được và thông hiệp bằng tình yêu, để như thế, ân sủng được làm công việc của nó trên thế giới, mang tất cả mọi sự về với Chúa. Như vậy không ngạc nhiên khi tiến trìnhBài tập Linh thao được kết thúc bởi lời cầu nguyện dâng hiến: «…tất cả những gì con có và tất cả những gì con chiếm hữu; Chúa đã cho con: con xin dâng cho Chúa, và đây con xin giao trả…» (ES 234).
Không nghi ngờ gì, một tư thế như vậy mang đến một tự do nội tâm lớn lao, một sự không bám dính lành mạnh, và một niềm vui dám làm của người đảm trách công việc này trọn vẹn. Chính trong sự tự do này, sự không bám dính lành mạnh này, niềm vui dám làm này, mà chúng ta bắt đầu thấy đặc nét của tu sĩ Dòng Tên nơi Đức Phanxicô, chiều ngài xuất hiện ở ban công Đền thờ thánh Phêrô. Giống như qua việc bầu chọn này, được đảm trách một cách trọn vẹn, với một chiều sâu nội tâm, cái mà thần học cổ điển gọi là «ơn chức phận» đã xuống.
Chiều hôm đó, ở ban công Đền thờ thánh Phêrô, chúng ta chứng kiến trực tiếp thế nào là chọn lựa theo đúng nghĩa của Thánh I-Nhã, sự biến hoá hay sự biến hình của một con người.
Đương nhiên, Tổng giám mục Buenos Aires được biết qua tính đơn giản, tình yêu cho người nghèo, tình đoàn kết với các nạn nhân của tình trạng bất công. Nhưng ngài cũng nổi tiếng là người có vẻ thô kệch và ít khi cười. Một ít thời gian sau khi được bầu chọn, người dân Argentina nói với nhau: «Nhưng chuyện gì xảy ra cho ngài? Chúng ta chưa bao giờ thấy ngài cười nhiều như vậy!»
Người ta kể ở Argentina, ngài trốn các ký giả, và gần như từ chối một cách có hệ thống tất cả các cuộc phỏng vấn. Phải nói, ở trong địa vị hồng y của thủ đô Argentina, lại là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina, ngài thường xuyên chạm trán với chế độ của gia đình Kirchner. Ngoài ra, ngài chỉ trích chủ nghĩa mị dân của chính quyền này, mà theo ngài, thực chất là để che giấu sự thiếu một cách hiển nhiên, chính quyền này không lo cho công bình xã hội và cho người nghèo.
Cũng với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục, trong những năm 2010, ngài phải chiến đấu ở tuyến đầu chống sự công nhận hôn nhân đồng phái ở Argentina. Vào thời điểm đó, ngài đã có những lời rất gay gắt. Ngài phát biểu sự thay đổi luật pháp như một «sự tấn công hủy hoại chống chương trình của Chúa», thậm chí còn là «một hành động của quỷ». Các bạn còn nhớ, lời này khác với lời nổi tiếng «Tôi là ai mà phán xét?»
Như thế chuyện gì đã xảy ra? Hai khuôn mặt của Bergoglio, khuôn mặt nào là thật? Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu sự «thay đổi tu từ này» có thể diễn nghĩa theo bối cảnh «tinh thần Dòng Tên». Là người con đích thực của Thánh I-Nhã, Bergoglio là một «dũng sĩ». Trong chức vụ Tổng giám mục, trung thành với Rôma, đoàn kết với các đồng hữu giám mục Argentina – còn ác liệt hơn cả ngài, phải nói rõ ở đây như vậy – ngài bảo vệ  «đường hướng nghiêm khắc» một cách chính thức. Ngài đã không muốn làm giáo hoàng, vậy ngài phải vâng lời Giáo hoàng!
Từ đó chúng ta có thể hiểu vào thời điểm đó, ngài không mặn nồng với các buổi họp báo và gặp các ký giả. Với các thái cực sâu đậm trong các cuộc thảo luận trước công chúng, ngài biết rất rõ, không có chỗ cho một cuộc đối thoại đích thực, và mọi lời nói đều bị mắc bẫy. Giáo hội của ngài bị sa lầy trong một lôgic «chiến tranh văn hóa» nơi, Phúc Âm thường bị tóm tắt trong một cuộc đấu tranh, để cuối cùng chấm dứt ở việc chống ngừa thai, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính.
Tôi chân thành nghĩ, hồi đó Bergoglio là một người khổ sở trong loại chiến đấu này. Nhưng ngài đã lèo lái được… Theo thiển kiến bó chặt của tôi, ngài ở trong thứ bậc, trong lôgic của giáo hội, một lôgic ở vào ngõ kẹt, mà trong đó ngài không thể nào tránh được. Có thể, như tôi đã nói, vì ngài được đào tạo trong Dòng Tên cổ điển, từ thời trước Công đồng Vatican II, vâng lời «bề trên» là một bổn phận thiêng liêng. Vào thời đó, người ta đã không nói một tu sĩ Dòng Tên phải vâng lời như một xác chết đó sao? Thành ngữ kỳ lạ, như một xác chết thì khá cứng ngắt!
Tóm tắt, năm 2013, hồng y Bergoglio chắc chắn đang sốt ruột chờ đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám mục của mình được chấp nhận, để tránh những cuộc tranh luận vô bổ mà mình phải đối diện trong cương vị thứ trật theo La Mã và các đồng hữu giám mục của mình đang chờ mình. Có thể ngài âm thầm mơ mình được rút lui để làm công việc mà mình thích nhất: sứ mệnh bên cạnh người nghèo, các chuyến viếng thăm mục vụ ở các khu phố ổ chuột ở Buenos Aires và đương nhiên, có thể theo dõi các trận đá banh của đội Argentina.
Trong bối cảnh của những chuyện này, chúng ta hiểu khía cạnh tuyệt đối chưa từng có của cuộc họp báo trên chuyến bay, từ chuyến tông du đầu tiên ra nước ngoài ở Ba Tây, sau chuyến thăm Ngày Thế Giới Trẻ ở Rio. Chính ngài sau này đã tiết lộ: «Tôi cũng không nhận ra mình, khi trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về, tôi đã trả lời các ký giả, họ đặt các câu hỏi cho tôi». Chọn lựa đã tạo nên con người! Ơn chức phận đã làm công việc của nó!
Dĩ nhiên Bergoglio chưa bao giờ là người ưa tranh cãi, theo nghĩa chặt chẽ của chữ này. Tôi lặp lại, ngài không phải là týp người đặt lại vấn đề hay người thách thức với quyền uy. Nhưng, thường thường, ngài không phải là không suy nghĩ! Và bây giờ là giáo hoàng, chúng ta có thể nói, cuối cùng, ngài sống trọn vẹn con người mình: một người được thoát ra, cởi mở, triển nở và vui vẻ. Và, với trách nhiệm vô cùng lớn lao của chức vụ mình, với ý thức trọn vẹn các thảm kịch của thế giới đi cùng. Sự việc thấy rõ cho đến tận cơ thể ngài, qua nụ cười, qua sự gần gũi thật sự với giáo dân và qua đặc sủng của ngài với đám đông.
Đây là một người như muốn nói: quý vị đã muốn tôi? Quý vị đã chọn tôi? Vậy thì quý vị sẽ có con người thật của tôi! Nên, ngay chính buổi chiều được bầu chọn, ngài hài hước nói đùa như thật với các hồng y có mặt trong bữa ăn tối với ngài: «Tôi cầu nguyện Chúa, để có ngày, Chúa tha tội cho những gì anh em vừa làm…» Bây giờ, với độ lùi của thời gian, người ta có thể hình dung có vài hồng y thật sự phải cắn tay…
Như thế, tôi nghĩ, từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô thực hiện một tầm nhìn của Giáo hội, một cách loan báo Tin Mừng đặc nét Dòng Tên. Tầm nhìn và phương cách đã hoàn toàn chứa đựng trong bài diễn văn lên chương trình mà ngài đã đọc, và tôi đã nói với quý vị ở trên, trong các buổi họp chuẩn bị mật nghị sẽ bầu ngài lên.
Tầm nhìn và phương cách «Dòng Tên» này, tôi xin tóm như sau:
– Một Giáo hội được gọi để đi ra khỏi chính mình, đi đến các vùng ngoại vi địa lý và các biên giới hiện sinh: nơi có tất cả mọi khốn khổ của con người.
– Một Giáo hội «đi ra» để rao giảng Phúc Âm, có nghĩa là ngừng sống co cụm vào mình và cho chính mình.
– Một Giáo hội vứt bỏ khuynh hướng tự quy, bỏ «thói thời thượng thiêng liêng» và thói ái kỷ thần học (một lát nữa, chúng ta sẽ nói lại thuật ngữ «thời thượng thiêng liêng»).
– Một Giáo hội để Chúa Kitô «đi ra» và không có ý định giữ Chúa Kitô lại.
Các bạn sẽ hỏi tôi, trong chương trình này, tầm nhìn và phương cách nào là đặc nét của Dòng Tên? Đó là điều chúng ta sẽ đề cập đến bây giờ.
PHẦN THỨ BA
Các định hướng và các nguyên lý Dòng Tên
Để trả lời câu hỏi này, trong phần thứ ba này và trong phần cuối của bài trình bày của tôi, trước hết tôi nói đến Đại hội Dòng Tên lần thứ 32. Đại hội này có nghĩa là gì?
Năm 1974-1975, Dòng Tên dưới quyền quản trị của linh mục Pedro Arrupe, là bề trên Tổng quyền Dòng, 236 tu sĩ đại diện các Tỉnh Dòng trên khắp thế giới về Rôma dự Đại hội Dòng Tên lần thứ 32 kể từ ngày Thánh I-Nhã thành lập Dòng.
Sự kiện tối quan trọng trong guồng máy quản trị Dòng Tên, khi cần thiết, các Tỉnh Dòng được triệu tập để, hoặc bầu Bề trên Tổng quyền, hoặc để thảo luận các định hướng nền tảng cho sứ mệnh Dòng Tên (ngày 2 tháng 10 sáng tỏ, các Tỉnh Dòng sẽ mở Đại hội lần thứ 36 tại Rôma). Kết quả các cuộc bàn luận của các Tỉnh Dòng được ghi lại trong một tài liệu gọi là «sắc luật».
Như thế, trong sắc luật số 4 của Đại hội lần thứ 32 mà năm 2015, Dòng Tên vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40, thì các tu sĩ Dòng Tên cập nhật sứ mệnh của họ trong thế giới ngày hôm nay như sau: «Phục vụ cho đức tin, mà sự cổ động cho công chính là một đòi hỏi tuyệt đối». Rất nhiều tu sĩ Dòng Tên thời đó, mà cá nhân Jorge Mario Bergoglio có tham dự vào Đại hội lần thứ 32 này đã ghi dấu sâu đậm chọn lựa này và muốn thực hiện nó một cách sâu đậm.
Như thế, làm thế nào để làm rõ nét tinh thần tiêu biểu Dòng Tên này của Sắc luật số 4? Tài liệu này có tên là: «Sứ mệnh của chúng ta ngày nay: phục vụ đức tin và cổ động công chính». Ở đây, chúng ta thấy lời mời gọi thường xuyên được lặp lại sau đó trong các tài liệu của Dòng Tên, sống thật sự gần gũi và thương yêu người nghèo và những người bị loại trừ. Sắc luật chính xác ghi rõ «kiên quyết hội nhập hơn», trong đời sống và trong thực tế của những người nghèo, đó là một «điều kiện cần thiết» của sứ vụ tông đồ xã hội của Dòng Tên và của cuộc chiến cho công chính (số 35).
Theo tài liệu chính thức, sự «gần gũi thật sự với người nghèo» không phải là một lựa chọn tùy ý hay một lựa chọn trong các lựa chọn khác trong công việc cổ động cho công chính. Nhưng, đúng hơn, nó là cách đích thực để thể hiện sự «lựa chọn vì người nghèo» trong Dòng Tên và, nói một cách rộng hơn, trong đời sống kitô.
Và đây cũng là một tư thế thiêng liêng tận căn. Tư thế cho mình là bạn của những người nghèo, nghèo với người nghèo, và đến với họ trong huyền ẩn của cái xấu, cái bất lực, cái mong manh.
Ở đây có hai yếu tố nói lên đặc nét linh đạo I-nhã. Trước hết là hướng đi của tuần thứ nhất trong Bài tập Linh thao mà tôi đã trình bày, chính mình chứng nghiệm các giới hạn và huyền ẩn của sự xấu. Sau đó là tiếng vang rất rõ nét của cái gọi là «suy niệm về lòng khiêm tốn», mà Thánh I-Nhã đề nghị như phông nền của giây phút chọn lựa vào cuối tuần 2 của Bài tập Linh thao.
Phần cuối của suy niệm này diễn tiến như sau: «… để bắt chước Chúa Kitô, Chúa của chúng ta và để thực sự giống Ngài nhiều nhất có thể, tôi muốn và tôi chọn nghèo khó thêm nữa với Chúa Kitô nghèo, hơn là giàu có; các sỉ nhục với Chúa Kitô sỉ nhục hơn là các danh dự; và tôi ước ao bị cho là điên rồ kỳ cục hơn là người khôn ngoan và cẩn trọng của thế gian này, giống như Chúa Kitô là người đầu tiên đã bị cho là điên rồ.» (ES 167)
Đoạn này là chính yếu trong linh đạo I-nhã. Lựa chọn khó nghèo, khiêm tốn và điên rồ dưới mắt thế gian để đi theo Chúa Kitô, Đấng bị sỉ nhục, tự hạ mình cho đến thập giá, có nghĩa, trong lý tưởng của Dòng Tên, một tình đoàn kết tận căn với những người thấp hèn, những người bé nhỏ, từ chối mọi tinh thần thời thượng, loại bỏ mọi «vinh danh hảo». Chính vì thế mà Đức Phanxicô không ngừng chỉ trích cái ngài gọi là «thời thượng thiêng liêng». Có nghĩa là đời sống đức tin dựa trên các «giá trị thế gian», như thành công, sức mạnh, lôi cuốn, bề ngoài, hào nhoáng, khẳng định bản thân, khẳng định căn tính, khẳng định tổ chức của mình, vv.
Thời thượng thiêng liêng cũng là cuộc sống kitô dính vào sự quan trọng của những chuyện phù du như: xe sang trọng, các bữa ăn sang trọng, đời sống triều đình trong những dinh thự thời Phục Hưng và tất cả những lộng lẫy huy hoàng đủ loại.
Năm 2007, một ký giả đã hỏi hồng y Bergoglio: «Theo cha, đâu là điều tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội?» Và ngài đã trả lời: «Là điều mà nhà thần học Dòng Tên Henri de Lubac gọi là «thời thượng thiêng liêng». Đó là mối hiểm nguy lớn nhất cho Giáo hội, cho chúng ta là những người ở trong Giáo hội. «Loại thời thượng thiêng liêng này còn tệ và còn là thảm họa nặng hơn là loại phung hủi ô nhục đã làm biến dạng Giáo hội vào thời các giáo hoàng phóng đãng», nhà thần học Henri de Lubac nói. Thời thượng thiêng liêng là đặt mình vào trọng tâm. Chính Chúa Giêsu cũng đã thấy nơi những người pharisêu: «Các ngươi vinh danh các ngươi. Các ngươi vinh danh lẫn nhau.»
Khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô trở lui trở tới vấn đề này rất nhiều lần. Ngài nói: «Để cho thói thời thượng thiêng liêng thắng thế là thúc đẩy mình hành động cho chính mình chứ không phải cho vinh danh Thiên Chúa. Đó là một loại tiện nghi trưởng giả của tinh thần và của cuộc hiện sinh đẩy chúng ta đến việc thích nghi, để cuối cùng có được một đời sống tiên nghi, yên bình…»
Vậy, rõ ràng là sự nhạy cảm lớn lao của Đức Phanxicô đối với các vấn đề công chính xã hội, sự đoàn kết và tình bằng hữu của ngài đối với những người bị loại trừ, ngay cả các chỉ trích của ngài đối với các cơ cấu kinh tế và chính trị, những cơ cấu đã làm cho dân chúng nghèo đi, đã ngược đãi nhân cách con người đến từ đó: một phần từ Sắc lệnh nổi tiếng số 4 của Đại hội lần thứ 32 Dòng Tên, phần kia từ căn tính của Chúa Kitô khiêm tốn nghèo hèn của các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã.
Nếu chúng ta không nắm vững điều này, chúng ta hãy theo sát gốc rễ sâu đậm của các bản văn chính yếu của triều giáo hoàng của ngài như, chẳng hạn, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, hay thông điệp gần đây nhất về môi sinh, Thông điệp Chúc tụng Chúa. Và chúng ta cũng sẽ đi bên cạnh các động lực bên trong của lời, của hành động và của sự hiện diện của ngài bên cạnh những người kém may mắn, những người bị loại trừ và các nạn nhân bị bách hại.
Nguyên lý của Nhập thể
Một yếu tố chính yếu khác trong linh đạo I-nhã đã được sinh động và truyền qua Đức Phanxicô, đó là mầu nhiệm Nhập thể.
Tại sao? Trong Bài tập Linh thao, đến một thời điểm, Thánh I-Nhã đề nghị chúng ta (ES 102-109) chiêm nghiệm Ba Ngôi, là nguồn gốc của thế giới và của nhân loại. Rồi, Thánh I-Nhã mời gọi chúng ta nhìn xem cách nào chính Ba Ngôi đã quyết định gởi Con mình vào thế giới. Người Con, Nhân vật số 2 của Ba Ngôi nhập thể để thực hiện việc cứu rỗi cho nhân loại. «Ngôi Lời mặc xác phàm và ở giữa chúng ta…», đoạn Mở đầu của Phúc Âm Thánh Gioan. Mầu nhiệm Nhập thể ở trọng tâm linh đạo của các tu sĩ Dòng Tên.
Trong một bài giảng Mùa Vọng năm 2013, Đức Phanxicô đã giải thích rất rõ điều này. Ngài nói: «Trong mầu nhiệm lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa không mặc khải như Đấng vẫn còn ở trên cao và thống trị vũ trụ, nhưng là Đấng hạ mình, Ngài xuống với những người thấp bé và nghèo hèn của thế gian. Giống như Ngài, có nghĩa là không đặt mình trên cao người khác, nhưng hạ mình để phục vụ người khác, trở nên nhỏ với người nhỏ, nghèo với người nghèo…»
Và trong một bài giảng khác gần đây, ngày 7 tháng 1-2016, ngài giảng: «Tiêu chuẩn, là Nhập thể. Tôi có thể cảm nhận nhiều chuyện bên trong, những chuyện tốt đẹp, những tư tưởng hay. Nhưng nếu các tư tưởng hay này, các cảm nhận này không đưa tôi đến với Chúa, là Đấng mặc xác phàm, không đưa tôi đến với người lân cận, người anh em, thì những tư tưởng tốt đẹp này không đến từ Chúa.»
Như thế, chúng ta thấy ở đây, đối với tu sĩ Dòng Tên, mầu nhiệm hay nguyên lý Nhập thể là tiêu chuẩn đích thực để nhận định. Các tư tưởng, các cảm nhận, các công trình, các dự án: tất cả phải được sàng lọc qua nguyên lý Nhập thể. Có nghĩa là sự gần gũi cụ thể và tình đoàn kết đích thực với xác phàm đau khổ của những người nghèo, những người thấp bé, những người bị loại trừ, những người mà Chúa Kitô là đó (cf. Mathêu 25).
Cũng trong bài giảng ngày 7 tháng 1 vừa qua, Đức Phanxicô nhấn mạnh, nếu chúng ta có «nhiều chương trình mục vụ», hình dung có «nhiều phương pháp mới để gần với giáo dân», nhưng «nếu chúng ta không đi con đường của Chúa, Đấng mặc xác phám, Con Thiên Chúa xuống làm người để cùng đi với chúng ta, thì chúng ta không ở trên con đường của tinh thần tốt lành: đó là thời thượng, đó là tinh thần thế gian».
Và ngài kết luận như sau: «Các công việc của lòng thương xót chính thật là cụ thể hóa xác tín chúng ta, rằng, Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm: viếng thăm người bệnh, cho kẻ đói ăn, săn sóc những người bị loại trừ… Các việc của lòng thương xót, tại sao? Vì mỗi người anh em mà chúng ta phải yêu thương là xác phàm của Chúa Kitô…»
Tiêu chuẩn của Nhập thể còn được tóm gọn một cách trọn vẹn trong câu ngạn ngữ danh tiếng của Thánh I-Nhã: «Tình yêu đặt nhiều ở hành động hơn là lời nói…» (ES 230).
Giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina
Kinh nghiệm quản trị trong Dòng Tên cũng dội lại nơi cách làm việc của Đức Phanxicô.
Phải biết là vào năm 1973, khi chỉ mới 36 tuổi, Bergoglio đã được chỉ định làm bề trên giám tỉnh Dòng Tên Argentina với nhiệm kỳ 6 năm.
Ở đây chúng ta cần hiểu rõ thuật ngữ: trong Dòng Tên, «Tỉnh» là nhóm quản trị và địa dư của các tu sĩ (chẳng hạn, Tỉnh Dòng Canada tiếng Pháp). Đứng đầu mỗi Tỉnh là một bề trên được gọi là «Bề trên Tỉnh Dòng» (hiện nay Tỉnh Dòng Canada tiếng Pháp là Linh mục Jean-Marc Biron).
Như vậy, trong những năm 1970, Bergoglio là Bề trên Tỉnh Dòng Argentina, Argentina lúc đó ở dưới chế độ quân đội độc tài khát máu. Và Dòng Tên cũng như các Dòng khác, trải qua giai đoạn căng thẳng trầm trọng, giữa các ván bài liên hệ đến các vấn đề chính trị và chính xác hơn là với thần học giải phóng.
Rất tiếc là tôi không có đủ thì giờ để nói chi tiết về câu chuyện này. Nhưng tôi xin giải thích một chút về cách quản trị của các tu sĩ Dòng Tên mà vẫn còn ảnh hưởng trên Đức Phanxicô cho đến bây giờ.
Để quản trị và đưa ra quyết định, Bề trên Dòng Tên dựa trên cái được gọi là Hội đồng Cố vấn (Consulte). Hội đồng này quy tụ một vài tu sĩ không làm việc và không sống hàng ngày với Bề trên Tỉnh Dòng. Vì vậy họ có được tự do nhiều hơn trong lời nói. Ngoài các chức năng quản trị của Tỉnh Dòng, các cố vấn (có nghĩa là các thành viên của Hội đồng Cố vấn) thường là những người làm việc «tại thực địa» trên thế giới. Như thế họ trở về công việc của mình khi họ không còn chủ trì Hội đồng Cố vấn Tỉnh Dòng.
Tỉnh Dòng thường xuyên họp với họ để nhận định các đường hướng và các quyết định phải đưa ra trong Tỉnh Dòng. Trong suốt các buổi họp của Hội đồng Cố Vấn, Bề trên Tỉnh Dòng để cho họ nói. Ông chỉ lắng nghe. Và trong buổi nói chuyện này, Bề trên Tỉnh Dòng chú ý đến các căng thẳng được đưa ra, các năng động được nêu lên, và các «biến động» được thực hiện. Rồi, sau khi nghe tất cả và sau khi cân nhắc, trong suy tư và cầu nguyện, xem nên hay không nên, khi đó Bề trên mới quyết định: và Bề trên lấy quyết định một mình.
Như thế các bạn thấy chính xác đây là mô hình Nhóm các hồng y (thường được gọi là C9) mà Đức Phanxicô đã nhanh chóng thành lập, chỉ một thời gian ngắn sau khi bầu chọn, để cố vấn cho ngài về các cải cách cần phải làm trong Giáo hội. Hội đồng C9 gồm chín «cố vấn» mà đa số là những người ở ngoàiGiáo triều La Mã – vì sáu trên chín là các giám mục tại chức ở các địa phận khắp nơi trên thế giới. Vài lần mỗi năm, Đức Phanxicô quy tụ họ lại cùng làm việc trong vài ngày. Cùng với họ, ngài nhận định các quyết định cần đưa ra và kiểm lại các trực giác của mình về các vấn đề chủ chốt như: cải cách Ngân hàng Vatican; thành lập Ủy ban giáo hoàng để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội, hay cải cách phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng giám mục.
Về công việc quản trị và quyền hành này, chúng ta cần ghi lại, sau nhiệm kỳ Bề trên Tỉnh Dòng Argentina, Bergoglio đã qua một cơn khủng hoảng cá nhân và thiêng liêng sâu đậm. Vào giai đoạn này, ngài hơi bị Nhà Dòng tẩy chay. Ngài bị đưa ra thành phố Córdoba, một vùng ngoại vi của đất nước, vì gần như 2/3 các tu sĩ của Tỉnh Dòng không chịu đựng được ngài nữa.
Trong thời gian bị cưõng bức đi đày này, ngài cầu nguyện, ngài học hỏi, ngài suy niệm và ngài giải tội. Người ta nói đây là lúc ngài bắt đầu, và bây giờ đã trở thành một trong những thói quen của ngài, đó là xin những ai mình gặp cầu nguyện cho mình. Trong thời gian «tĩnh tâm» hai năm ở Córdoba, ngài tự mình suy nghĩ về thế nào là lãnh đạo đích thực và các trở ngại có thể có của việc này.
Ngoài ra, trong thời gian rút lui này, ngài «ôn lại trong lòng về mặt thiêng liêng» tất cả mọi kinh nghiệm của bạo lực, của những chuyện khủng khiếp của xứ sở mình, trong những năm «chiến tranh dơ bẩn» kéo dài từ năm 1976 đến 1983. Đối với ngài, đây là một hình thức của tuần đầu của Bài tập Linh thao, nói về sự thấm nhập của sự dữ.
Sau này, khi nói về giai đoạn đen tối và giao động này, ngài đã nói với cả một tấm lòng chân thành cao thượng: «Mới đầu, cách quản trị như một tu sĩ Dòng Tên của tôi có nhiều lỗi lầm. Đó là một giai đoạn khó khăn cho Dòng: trọn một thế hệ các tu sĩ của Dòng Tên đã biến mất. Chính vì vậy tôi mới làm Bề trên Tỉnh Dòng khi còn rất trẻ. Tôi mới 36 tuổi: cả một sự điên rồ! Phải đối diện với các tình huống khó khăn và tôi đã lấy quyết định một cách thô bạo và cá nhân. Cách độc tài và quyết định nhanh đã làm cho tôi có những vấn đề nghiêm trọng và bị gán là cực kỳ-bảo thủ. Chắc chắn tôi không phải là không bị trách cứ nhưng tôi chưa bao giờ bảo thủ. Đó là cách độc tài trong khi có quyết định đã tạo nên vấn đề.»
Câu nói trên, cũng như tất cả các câu nói từ đây đến cuối bài trình bày của tôi là từ cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô dành cho linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, và được công bố trên các tạp chí văn hóa Dòng Tên vào mùa thu năm 2013.
Nhận định
Một nét tiêu biểu khác của Dòng Tên nơi Đức Phanxicô: lối làm việc của ngài qua phương pháp nhận định.
Chúng ta thấy, chính ngài đã nói như sau: «Nhận định, đó là một trong những điều mà Thánh I-Nhã đã trau dồi nhiều nhất trong tâm hồn mình. Đối với ngài, đó là dụng cụ để hiểu rõ Chúa hơn và đi theo sát Ngài nhất. Để cảm nhận mọi sự của Chúa từ “quan điểm của Ngài”. Đối với Thánh I-Nhã, các nguyên tắc lớn phải được xét theo các tình huống của nơi, thời gian và cả con người. Chính vì vậy nhận định là nền tảng. Nếu người tín hữu kitô là người triệt để tuân theo quy chế hoặc tìm cách phục chế, nếu họ muốn mọi sự rõ ràng và chắc chắn, thì họ sẽ không tìm được gì. Truyền thống và ký ức của quá khứ giúp chúng ta can đảm mở ra với các khoảng không gian mới của Chúa. Ai mà ngày hôm nay chỉ tìm các giải pháp có tính cách kỷ luật, có khuynh hướng thái quá dựa trên sự “đảm bảo” của giáo điều, khăng khăng phục hồi lại quá khứ đã mất, người đó có một tầm nhìn thụ động và không tiến triển. Theo cách này, đức tin trở nên một ý thức hệ như các ý thức hệ khác.»
Rồi, trên điểm này, ngài kết luận như sau: «Về phần tôi, tôi có một xác quyết về tín lý: Thiên Chúa ở trong đời sống của mỗi người. Dù cho đời sống của người đó là một thảm họa, bị hủy hoại bởi thói hư tật xấu, bởi ma túy hay chuyện khác, thì Thiên Chúa cũng ở trong đời sống của họ. Chúng ta có thể và chúng ta phải tìm Ngài trong mọi đời sống nhân loại.»
Đó là một cách rất đẹp để diễn tả một nguyên lý khác của Thánh I-Nhã: «Nhìn Chúa trong mọi sự và thấy mọi sự trong Chúa»…
Giải khỏi trung tâm (hướng về các ngoại vi hay các biên giới khác)
Đức Phanxicô cũng thường xuyên nói «giải khỏi trung tâm», rằng, Giáo hội phải «ra khỏi chính trung tâm mình», rằng, các tín hữu phải «ra khỏi trung tâm». Và trong chiều hướng này, ngài liên tục dùng hình ảnh các vùng ngoại vi, các biên giới, những nơi chúng ta được gởi đến như các đồ đệ hay các người truyền giáo.
Và điều này cũng đến từ Dòng Tên. Chúng ta nghe ngài giải thích như sau: «Dòng là một thể chế căng thẳng, luôn căng thẳng một cách tận căn. Tu sĩ Dòng Tên là người ra khỏi trung tâm. Dòng chính mình cũng ra khỏi trung tâm: trung tâm của Dòng là Chúa Kitô và Giáo hội. Tuy nhiên, nếu Dòng duy trì Chúa Kitô và Giáo hội ở trung tâm thì Dòng có hai điểm nền tảng quân bình cho phép Dòng sống ở ngoại vi. Ngược lại, nếu Dòng quá tự quy về chính mình, nếu Dòng đặt mình vào trọng tâm, xem mình như một cơ cấu vững chắc, được “trang bị” kiên cố, thì Dòng có nguy cơ tự cảm thấy mình vững chắc về mình và thấy mình tự đủ cho mình. Dòng phải luôn luôn thấy trước mình là Deus semper maior, tìm vinh quang của Chúa luôn lớn hơn. Sự căng thẳng này luôn tiếp tục đưa chúng ta ra khỏi chính mình.»
Sự cố nài để Chúa luôn lớn hơn, lời kêu gọi luôn làm hơn nữa, luôn «nhiều hơn», bởi vì Chúa vượt quá một cách vô tận các chân trời hạn chế của chúng ta và mời gọi chúng ta phải vượt lên, đó là niềm xác quyết tiêu biểu Dòng Tên nơi Đức Phanxicô.
Đừng thay đổi «giáo điều», nhưng đặt giáo điều đúng chỗ trong phối cảnh đúng của nó…
Và trong xác quyết Chúa luôn lớn hơn các định nghĩa, các khuôn khổ, các giáo điều, các thể chế của chúng ta, đã đưa Đức Phanxicô đến khẳng định, rằng, có một thứ trật của các sự thật. Có nghĩa là tất cả không ở cùng một trật như nhau, trong Giáo hội, trong đời sống kitô hữu và trong việc loan báo Tin Mừng.
Chúng ta hãy nghe thêm: «Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh trên các vấn đề liên hệ đến việc phá thai, hôn nhân đồng tính và dùng các phương pháp tránh thai. Không thể được. Tôi không nói nhiều về những chuyện này và người ta đã trách cứ tôi. Nhưng khi nói thì phải nói trong một bối cảnh chính xác. Tư tưởng của Giáo hội, chúng ta biết và tôi là con của Giáo hội, nhưng không nhất thiết tôi phải nói mãi chuyện này. Các giáo huấn, dù tín lý hay luân lý, không phải tất cả đều ngang nhau. Một sứ vụ truyền giáo không bị ám ảnh bởi sự trao truyền không lệch khớp của một số giáo điều cố nài để áp đặt. Sự loan báo theo kiểu truyền giáo phải tập trung vào điều thiết yếu, vào sự cần thiết, là những điều gây say mê và lôi cuốn nhất, làm mọi quả tim cháy bỏng như các môn đệ trên đường Êmau ngày xưa.»
Vậy, dĩ nhiên Đức Phanxicô sẽ «không thay đổi giáo điều». Nhưng ngài luôn đặt lại các định nghĩa giáo điều, các nguyên tắc luân lý, và kỷ cương giáo hội trong một bối cảnh đúng. Và theo ngài, bối cảnh đúng là như sau: «Sự loan báo tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là đầu tiên hết so với sự bắt buộc của luân lý và tôn giáo…»
Giáo hội học
Điểm cuối cùng bài trình bày của tôi: nhãn quan về Giáo hội của ngài (hay quan điểm «giáo hội học» của ngài).
Vào cuối các Bài tập Linh thao, Thánh I-Nhã đề nghị cái mà ngài gọi là các «quy tắc để cảm nhận cùng với Giáo hội» (tiếng la tinh là Sentire cum Ecclesia). Với những quy tắc này, Thánh I-Nhã tìm và đề nghị một nhãn quan Giáo hội, một giáo hội học, như đơn vị không gian và hiệp thông thiêng liêng.
Trở thành Giám mục Rôma, có nghĩa là yếu tố hữu hình của đơn vị và của hiệp thông trong Giáo hội công giáo, Đức Phanxicô đã suy niệm nhiều về các quy tắc này. Và ngài đã diễn giải như sau: «Giáo hội là dân của Chúa tiến đi trong lịch sử, với hân hoan và với đau đớn. Đối với tôi, cảm nhận cùng với Giáo hội là ở giữa dân tộc này. Toàn bộ các tín hữu là không sai lầm trong lòng tin… Và theo tôi, đó là ‘‘cảm nhận với Giáo hội’’ mà Thánh I-Nhã đã nói… Giáo hội giống như dân Chúa: mục tử và giáo dân cùng chung với nhau. Giáo hội là toàn thể dân Chúa. Giáo hội này, qua đó chúng ta phải cảm nhận, đó là nhà của tất cả, không phải chỉ là ngôi nhà nguyện chỉ chứa một nhóm nhỏ người đã được chọn. Chúng ta không được giảm Giáo hội phổ quát thành cái tổ che chở cho sự tầm thường của chúng ta.»

KẾT LUẬN
Kết luận, Đức Phanxicô là người quản trị? Người cải cách? Và người truyền thông? Chắc chắn! Một người có thể tự xếp được tấm khăn trải giường loại có giây thun viền chung quanh? Đương nhiên! Nhưng nhất là, một vị thầy thiêng liêng đích thực, một người con xứng đáng của Thánh I-Nhã Loyola và của Dòng Tên!
Marta An Nguyễn chuyển dịch



Marco Veilleux là một giáo dân tốt nghiệp thần học tại Đại học Laval, Québec. Ông là thành viên của nhóm Trung tâm Công lý và Đức tin và phụ tá chủ biên tạp chí Quan hệ (Relations), hai tổ chức được các tu sĩ Dòng Tên thành lập và hỗ trợ. Hiện nay ông là đại diện công tác mục vụ tông đồ xã hội và phụ tá trong công việc truyền thông cho Tỉnh dòng Dòng Tên Canada nói tiếng Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét