Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Vatican II và việc giải thích Thánh Kinh (1)

Vatican II và việc giải thích Thánh Kinh (1)
Altar-at-Vatican-IIViệc giải thích Kinh Thánh theo Công Đồng Vatican II.
Trong cách hiểu Công Giáo, Thánh Kinh không tự mình đầy đủ. Nó không xác định được nội dung, xác minh được tính linh hứng của nó, hay tự giải thích được. Thánh Kinh là hồng phúc Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, người gìn giữ và giải thích nó một cách có thẩm quyền. Công Đồng Trent và Công Đồng Vatican II đã làm rõ các điềm này. Một cách tóm tắt, Vatican II tuyên bố rằng thánh truyền, Thánh Kinh và huấn quyền “được liên kết và nối kết chặt chẽ với nhau đến nỗi cái này không thể đứng vững nếu không có cái kia” (Dei Verbum 10).

Nói cách khác, không điều gì đáng tin nếu chỉ dựa vào thế giá của một mình thánh truyền, hay của một mình Thánh Kinh hoặc của một mình huấn quyền.

Vatican II bàn về Thánh Kinh một các minh nhiên nhất tại chương ba của Hiến Chế về Mạc Khải Thần Linh, Dei Verbum, nhất lả ở tiết 12.

Dei Verbum 12, tức tiết đặt để các nguyên tắc Công Giáo cho việc giải thích Thánh Kinh, có tầm quan trọng rất lớn nhưng cũng là tiết thường hay bị hiểu lầm. Năm 1988, hồi còn là HY Joseph Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI từng viết rằng:

“Bản thân tôi thực sự xác tín rằng cẩn thận đọc toàn bộ bản văn của Dei Verbum sẽ giúp ta các yếu tố chủ yếu để có được một tổng hợp giữa phương pháp sử học và khoa giải thích thần học, nhưng sự nối kết này không hề dễ hiểu. Vì lý do này, việc tiếp nhận sau công đồng, trên thực tế, đã bác bỏ các phần có tính thần học trong các phát biểu của nó, coi chúng như một nhượng bộ đối với quá khứ và chỉ nhận bản văn như là một xác nhận tuyệt đối chính thức cho phương pháp phê phán dựa trên sử học. Ta có thể liệt việc tiếp nhận Công Đồng một chiều này vào cột lời của sổ tài khoản, căn cứ vào việc các dị biệt tuyên tín giữa các khoa chú giải Công Giáo và Thệ Phản đã hầu như tiêu tán sau Công Đồng. Cột lỗ của việc này hệ ở sự kiện này: đến nay, việc cắt đứt liên hệ giữa khoa chú giải và tín lý trong lãnh địa Công Giáo đã trở nên toàn diện và đối với cả người Công Giáo, Thánh Kinh đã trở thành lời của quá khứ, mà mọi cá nhân cố gắng chuyên chở tới hiện tại theo cách riêng của mình, mà không hề đặt nhiều tin tưởng vào chiếc bè mình đáp. Đức tin như thế chìm xuống thành thứ triết lý sống mà cá nhân tìm cách gạn lọc bao nhiêu có thể từ Thánh Kinh. Tín điều, vì hết khả năng dựa trên cơ sở Thánh Kinh, nên mất hết tính chắc chắn. Thánh Kinh, vì tự cắt đứt khỏi tín điều, nên trở thành một văn kiện của quá khứ và chính bản thân nó cũng thuộc về quá khứ” (1).

Những lối dịch khiến người ta ra sai lạc

Ý niệm cho rằng Công Đồng tán dương khoa chú giải dựa trên phương pháp phê bình sử học, coi nó như qui luật tối cao của đức tin, quả là một giải thích sai lạc nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo Đức HY Allen Dulles, S.J. của Đại Học Fordham, sự sai lầm kia đã được nhiều bản dịch tiếng Anh phổ thông nhất hỗ trợ.

Đoạn đầu của tiết Dei Verbum 12 đưa ra một phân biệt chủ yếu giữa hai kiểu chú giải. Tiết này cho rằng, người giải thích phải cố gắng khám phá ra điều các soạn giả thánh thực sự muốn nói  điều được Thiên Chúa vui lòng tỏ lộ qua lời lẽ của họ. Bản La Tinh viết như sau: “attente investigare debet, quid hagiographi reapse significare intenderint et eorum verbis manifestare Deo placuerit.”

Bản do Austin Flannery (2) chủ biên dịch như sau: Nhà chú giải … “phải cẩn thận tìm ra ý nghĩa mà tác giả thánh thực sự có ở trong đầu, ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định muốn tỏ lộ qua lời lẽ của họ”. Bản dịch này bỏ mất chữ “và” trong nguyên bản La Tinh và thay thế bằng “ý nghĩa mà”, ngụ ý cho rằng Thiên Chúa không thể tỏ lộ bất cứ điều gì khác hơn điều các tác giả thánh có trong đầu.

Bản do Norman Tanner chủ biên còn sai lạc hơn nữa (3). Nó dịch như sau: Nhà chú giải phải “cẩn thận điều tra ý nghĩa mà các soạn giả Thánh Kinh có ở trong đầu; nghĩa đó cũng là nghĩa Thiên Chúa chọn để tỏ lộ qua lời lẽ của họ”. Cụm từ “nghĩa đó cũng là” không hề có trong bản La Tinh.

Chỉ có bản do Walter Abbott và Joseph Gallagher chủ biên là dịch chính xác (4) “nhà chú giải… phải cẩn thận điều tra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự muốn nói  điều Thiên Chúa muốn tỏ lộ qua lời lẽ của họ”.

Bản tiếng Việt năm 1972 của Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt cũng đã dịch đúng như sau: “nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày  điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ”.

Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào câu trên mà thôi, ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề liệu hai nghĩa kia có đồng nhất với nhau hay không.

Lịch sử của bản văn cho thấy bản thảo trước đó của câu này chỉ nhắc tới ý nghĩa trong đầu của các soạn giả thánh. Câu sau được thêm vào giúp đưa lại một khoa chú giải thực sự có tính thần học.

Cả hai hình thức hay hai giai đoạn chú giải đó đều cần thiết. Lời giải thích chính thức (Relatio) đưa ra ngày 3 tháng Bẩy, năm 1964, nói rằng khoa chú giải chỉ có tính thuần lý mà thôi không đủ (5). Lời giải thích này và lời giải thích ngày 20 tháng Mười Một năm 1964 cùng đều quả quyết: Công Đồng không muốn giải quyết vấn đề đang tranh luận về “sensus plenior.” (nghĩa đầy đủ hơn) (6).

Nhưng như ta sẽ thấy, không dễ gì có thể dung hòa giáo huấn của Dei Verbum 12 với ý niệm cho rằng Thánh Kinh không hề có nghĩa nào khác ngoài nghĩa trong đầu của các soạn giả Thánh Kinh.

Câu mở đầu trên đây dẫn vào hai đoạn kế tiếp, tức đoạn 2 và đoạn 3 của Dei Verbum 12. Đoạn 2 nói về điều các soạn giả thánh muốn nói, trong khi đoạn bắt đầu bằng chữ Sed(“nhưng” hay “đàng khác”) nói về ý nghĩa Chúa muốn nói (7).

Ở đây, Công Đồng khai triển dựa trên sự phân biệt vốn được thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Piô XII đưa ra giữa “ ‘nghĩa chiểu tự” của lời muốn nói và được soạn giả thánh phát biểu” và nghĩa thiêng liêng “do Chúa muốn nói và truyền ban” (8).

Nghiên cứu sử học và văn từ

Trước khi đi vào các ý nghĩa đệ nhị đẳng, ta nên vắn tắt khảo sát điều Công Đồng muốn nói về bình diện đệ nhất đẳng. Như được hiểu trong Divino Afflante Spiritu và Dei Verbum, việc nghiên cứu sử học và văn từ nhằm mục đích phát hiện điều các soạn giả thánh muốn nói và đã nói. 

Sau khi đã nghiên cứu đầy đủ về ngôn ngữ và các hoàn cảnh lịch sử, kỹ thuật chú giải đòi nhiều loại phê bình khác nhau: phê bình bản văn để xác định bản văn tốt nhất, phê bình nguồn gốc để xác định việc tùy thuộc các bản văn trước đó về phương diện văn từ, phê bình văn từ để xác định các phương tiện tu từ và văn phong, phê bình thể loại (form) để xác định thể văn và hoàn cảnh sống trong đó bản văn đã được soạn tác, và phê bình cách soạn thảo để xác định cách thế soạn giả cuối cùng sắp xếp các tư liệu cho phù hợp với các quan tâm mục vụ và văn chương của mình (9).

Theo chân Divino Afflante Spiritu, Dei Verbum 12 rất chú trọng việc phê bình văn từ và phê bình thể loại. Theo tiết này, “cần phải chú ý tới thể loại thông thường và đặc biệt mô tả cách nhận thức, cách nói, cách thuật truyện thịnh hành thời ấy”. Muốn biết cách áp dụng các nguyên tắc này ra sao, ta có thể xem Dei Verbum 19. Khi thảo luận tính lịch sử của các Tin Mừng, Công Đồng nhấn mạnh rằng các phúc trình nguyên thủy về “lời nói và việc làm của Chúa Giêsu” đã trải nghiệm nhiều khai triển ngay ở giai đoạn truyền khẩu vì sứ điệp của Người được diễn đạt lại để giải quyết các tình huống khác nhau của các Giáo Hội. Như thế, các soạn giả thánh, khi soạn ra bốn Tin Mừng, đã thực hiện nhiều thích ứng dựa theo các viễn ảnh văn chương và thần học của họ.

Để hiểu một cách chính xác, ta phải đọc Dei Verbum 19 dưới ánh sáng chỉ thị năm 1964 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh liên quan tới sự thật của các Tin Mừng (10), mà chúng tôi có nhắc tới ở phần chú thích. Chỉ thị này nói một cách đầy đủ hơn về ba giai đoạn của truyền thống Tin Mừng. Dù chủ trương rằng cả bốn Tin Mừng đều có tính lịch sử chân chính, nhưng Công Đồng lưu ý ta rằng chúng không phải hay không có ý định là những phúc trình hay mô tả nguyên văn như những cuộn băng ghi âm. Các Tin Mừng đều là những văn kiện để tuyên xưng, do đức tin viết cho ra đức tin. Cái hiểu rộng rãi về tính lịch sử ấy của Công Đồng rõ ràng đã loại bỏ cái hiểu quá giản lược của người cực đoan.

Khi bàn về bình điện đệ nhất đẳng của ý nghĩa, Công Đồng đã dành nhiều tự do cho các nhà chú giải trong việc áp dụng các qui luật trong tay nghề của họ. Công Đồng không ấn định họ phải xử với bản văn thánh khác với một bản văn đời. Nhưng ở đoạn cuối, Dei Verbum 12 lại nói tới điều có thể gọi là khoa chú giải thần học hay thiêng liêng. Muốn mang ý nghĩa của bản văn thánh ra ánh sáng một cách chính xác, nhà chú giải phải lưu ý điều này Thánh Kinh là Lời linh hứng của Thiên Chúa (11).
__________________
(1) Joseph Ratzinger, chủ biên, Schriftauslegung im Widerstreit. Quaestiones Disputatae 117 (Freiburg: Herder, 1989), 20–21. Đoạn này không có trong bản dịch tiếng Anh do Richard John Neuhaus, chủ biên, Biblical Interpretation in Crisis (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1989).
(2 ) Austin P. Flannery, chủ biên, Documents of Vatican II (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1975).
(3) Norman P. Tanner, chủ biên, Decrees of the Ecumenical Councils, 2 vols. (Washington, DC: Georgetown University, 1990).
(4) Walter M. Abbott, Joseph Gallagher, chủ biên, The Documents of Vatican II With Notes and Comments by Catholic, Protestant, and Orthodox Authorities (New York: Guild Press, 1966).
(5) Acta synodalia sacrosancti concilii oecumenici Vaticani II (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1970-1980), Series III, vol., 6 9–109, at 92. (Từ đây sẽ viết tắt là AS III/, hay tương tự như thế)
(6 ) AS III/, 9 và IV/1, 59.
(7 ) Cả ở đây nữa, ấn bản Abbott tốt hơn các ấn bản Flannery và Tanner. Theo bản La Tinh chính thức công bố ngày 18 tháng Mười Một, 1965, Abbott chia §12 thành 3 đoạn. Vì một lý do nào đó, hai bản dịch kia chia đoạn thứ hai thành hai, do đó đã làm tối cấu trúc của bản văn. Xin xem bản chính thức trong AS IV/6, 579–609.
(8 ) Đức Piô XII, “Divino Afflante Spiritu, Encyclical Letter Promoting Biblical Studies”, 16, trong The Scripture Documents: An Anthology of Official Catholic Teachings, Dean P. Béchard, S.J. chủ biên (Collegville, MN: Liturgical Press, 2002), 115–19: “Vì điều được nói và được làm trong Cựu Ước đã được Thiên Chúa sắp đặt và điều hướng một cách hết sức khôn ngoan đến nỗi sự việc quá khứ tiên báo một cách linh thiêng sự việc sẽ xẩy ra trong thời ân sủng mới. Chính vì vậy, nhà chú giải, vì phải tìm hiểu và trình bày nghĩa ‘chiểu tự’ của lời mà soạn giả thánh muốn ngụ ý và muốn phát biểu thế nào, thì họ cũng phải làm như thế đối với nghĩa thiêng liêng, miễn là nghĩa này phải được Thiên Chúa ngụ ý cách rõ ràng. Vì chỉ một mình Thiên Chúa mới biết nghĩa thiêng liêng này và mạc khải nó cho ta mà thôi. Ngày nay, Chúa Cứu Thế của chúng ta cũng hướng và dạy ta cùng một ý nghĩa ấy trong các Tin Mừng. Theo gương Thầy, các tông đồ cũng tuyên xưng ý nghĩa ấy trong lời nói và chữ viết của các ngài”.
(9 ) Các kiểu phê bình này và các kiểu phê bình tương tự đều được giải thích trong các lời dẫn nhập rất tiêu chuẩn của Joseph A. Fitzmyer, Scripture, the Soul of Theology (New York: Paulist, 1994), 19–24. Muốn biết cách áp dụng các phương pháp này vào Tân Ước, xin xem Raymond F. Collins, Introduction to the New Testament (New York: Doubleday, 1983). Tuy nhiên, cả hai tác giả này đều làm ngơ Dei Verbum 12 đối với nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh.
(10) Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, “Sancta Mater Ecclesia, Instruction on the Historical Truth of the Gospels” (April 21, 1964), trong The Scripture Documents, 227–235.
(11) Các nghĩa vượt quá điều soạn giả thánh có thể nắm đôi khi được gọi là nghĩa ‘mạnh hơn chiểu tự’, một kiểu nói được Raymond Brown sử dụng trong bộ New Jerome Biblical Commentary . Xin xem Raymond E. Brown và Sandra M. Schneiders, “Hermeneutics,” trong New Jerome Biblical Commentary, Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer và Roland E. Murphy chủ biên, 2 vols. (Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1990), 1146–65. Nhưng kiểu dùng từ ngữ của Brown không được mọi người chấp nhận vì dường như nó muốn gợi ý rằng Dei Verbum, ở đây, đi ra ngoài nghĩa chiểu tự. Thần học cổ điển, mà đại diện là Thánh Tôma Aquinô, chủ trương rằng Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh, và vì Thiên Chúa hiểu chữ nghĩa nhiều hơn chính soạn giả thánh, nên lời “y ngữ’ (literal) của Thánh Kinh có thể chuyên chở hơn một nghĩa “ y thiêng” (spiritual), dù những nghĩa thiêng liêng này dựa trên và giả thiết nghĩa “y ngữ” kia. “Tác giả Thánh Kinh là Thiên Chúa, mà vì quyền năng của Người, ta phải tìm ý nghĩa của Người, không phải chỉ qua lời nói (điều con người cũng có thể làm) mà còn qua chính sự vật nữa… Bởi thế, ngụ ý đầu tiên qua đó lời nói biểu thị sự vật thuộc nghĩa thứ nhất, tức nghĩa lịch sử hay chiểu tự. Sự ngụ ý mà qua đó sự vật được lời nói biểu thị cũng có một ngụ ý thì được gọi là nghĩa thiêng liêng, một nghĩa đặt căn bản trên nghĩa chiểu tự và giả thiết nghĩa chiểu tự này” Summa Theologica, Pt. I, Q. 1, Art. 10 (New York: Benzinger Brothers, 1947). Một số nhà chú giải hiện đại, thay vào đó, thích nói tới nghĩa chiểu tự đệ nhị đẳng hay “nghĩa đầy đủ hơn” (sensus plenior). Xem Paul Synave và Pierre Benoit, Prophecy and Inspiration (New York: Desclee, 1961), 149–51.
Còn 1 kỳ
Vũ Văn An
Nguồn: UBKT/HĐGMVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét